VHSG- Vũ Thị Thanh Hòa tốt nghiệp ngành Tiếng Nga, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nhưng từ lâu đã đến với nghiệp văn chương như định mệnh. Sở trường của chị là tản văn, truyện ngắn, nhất là truyện ngắn viết cho thiếu nhi.
Tuy cầm bút từ khá sớm, Thanh Hòa có bài đăng tải trên nhiều báo và tạp chí văn chương, nhưng phải đến “Nắng non trên vòm lá” mới là cuốn sách đầu tay đứng tên tác giả.

“Nắng non trên vòm lá” là tác phẩm trọn vẹn viết cho thiếu nhi gồm 14 truyện. Đó là những câu chuyện nhỏ, xinh xinh, được hình thành từ những mối quan hệ gia đình, bạn bè, lớp học ở một làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ trong không gian thoáng đãng, phong tục thuần hậu, con người cần cù, nhân hậu.
Mỗi truyện của Thanh Hòa, ngoài việc phản ánh sinh hoạt cộng đồng của các em học sinh muôn màu muôn vẻ, có cả vui buồn hờn giận, còn được người đọc ghi nhận như là một bài học đầu đời cho lớp trẻ về kỹ năng sống, lòng dũng cảm, đức hy sinh. Có thể nói, với mỗi nhân vật “nhí” tác giả đều miêu tả tính cách khá đặc trưng tạo thành hình tượng điển hình phù hợp vơi thế giới tâm hồn các cô bé cậu bé vốn lắm mộng mơ cho dù rất nhiều khi không thực tế.

Cốt truyện của Thanh Hòa cũng phù hợp với tâm lý trẻ, không ly kỳ, gay cấn hay xung đột dữ dội mà thường bao giờ cũng nhẹ nhàng, từ tốn nhưng ý nghĩa có khi lại lớn lao. Nó giáo dục các em bằng hình tượng, dễ cảm, dễ thấm hơn là những bài học luân lý nặng nề trong các sách giáo khoa. Đó là chiếc quạt mo mà bà nội coi như vật tùy thân lúc nào cũng gối đầu giường bởi nó là kỷ vật của người đã khuất. “Hai quả trứng” cũng là một truyện gây xúc động lòng người bởi tuy còn bé xíu nhưng Cu Mật đã tỏ rõ lòng hiếu thảo với ông và mẹ. Còn truyện “Phi vụ cuối cùng” là lời cảnh báo cho các cháu mọi lứa tuổi, hãy cảnh giác với bọn bắt cóc trẻ em dưới danh nghĩa người mua “tóc dài tóc rối”.
Với lứa tuổi học sinh, tính trung thực là một điều kiện cần thiết trong quá trình rèn luyện nhân cách. Thằng Cu Đậu, khi phát hiện ra bác Thành đâm xe vào bé Hoa rồi bỏ chạy, làm tâm trạng nó băn khoăn nhưng không dám nói ra vì que kem đậu xanh miễn phí. Chỉ đến khi nạn nhân phải vào bệnh viện, người bán kem bị chẩn đoán nhầm là ung thư, sự việc mới vỡ lở. Đó cũng là bài học đầu đời cho thằng Đậu. Tuy nhiên, cái kết lại là có hậu, câu chuyện khép lại như một bài học về lương tri và phẩm giá con người trong cách ứng xử giữa cộng đồng.
Tuy viết cho thiếu nhi nhưng truyện của Thanh Hòa lai rất đa dạng, và đương nhiên, không phải cái nào cũng hồn nhiên, ngộ nghĩnh như “Con Ty trở về” hay “Trận đấu khắc nghiệt”. Đó là chi tiết cái Mận và cái Na rủ nhau câu cá đến nỗi Cu Cò bị bắt cóc. Hai đứa con gái nhí luồn vào ao nhà bác Mạnh câu trộm rồi trở mặt với nhau chỉ vì con mèo, thật là cảnh tượng bi hài. Nhưng đáng cười hơn vẫn là thằng Khế năm mơ bị bụt phạt làm chuột ba ngày vì tội ăn trộm một trăm ngàn đồng của mẹ mà lại đổ vấy cho anh Hưng. Câu chuyện có yếu tổ cổ tích kích thích trí tò mò của các bạn trẻ. Nó cũng là bài học dân gian truyền thống giáo dục con người sự trung thực, dám chịu trách nhiệm trước hành vi sai trái của mình.
Truyện ngắn của Thanh Hòa lấy bối cảnh làng quê nên các sự kiện xảy ra đều gắn bó với làng quê. Đó là một không gian thoáng đãng, mênh mông mây trời sông nước hay bát ngát cánh đồng vàng mùa gặt. Rồi đâu đó còn thoang thoảng hương bưởi, hương doi dẫn dụ lũ trẻ choai choai vào những ước mơ… Một điều dễ nhận thấy nữa là, các nhân vật nhí trong truyện đều được đặt tên một cách dân dã chẳng khác gì những sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp từ ngàn xưa để lại: khoai, thóc, đậu, mơ, mận, vừng, khế… Những cái tên nôm na ấy chính là hồn cốt của làng Việt, là những giá trị văn hóa tiềm tàng cha ông để lại mà một thời người ta đã quên đi, nay Thanh Hòa bất chợt gợi lại làm người đọc thấy nao nao…
“Nắng non trên vòm lá” chẳng có gì kỳ lạ, cao siêu, nhưng nó là tâm hồn của lớp trẻ đang tuổi mộng mơ. Hãy đọc, rồi bạn sẽ thấy, lớp học trò nhí này, sau những cơn phụng phịu như đồng bóng sẽ đến lúc đầy ắp tiếng cười…
Hải Dương, 10.3.2020
NGUYỄN HẢI YẾN