Bản tráng ca về nữ vương đầu tiên của đất Việt

Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” của tác giả Phùng Văn Khai ra mắt như món quà ý nghĩa tới độc giả, thỏa mãn mong muốn tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử tuy ngắn ngủi nhưng thật hào hùng, được dẫn dắt bởi những nữ anh hùng. Cầm trên tay cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trưng Nữ Vương” còn “nóng hổi”, thơm mùi giấy mực, thấy thán phục nội lực và niềm say mê cổ sử của nhà văn quân đội.

Nhà văn Phùng Văn Khai tặng sách “Trưng Nữ Vương” và các tiểu thuyết lịch sử khác cho bộ đội

Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.

Chị em nặng một lời nguyền,

Phất cờ nương tử thay quyền tưởng quân…

(Đại Nam quốc sử diễn ca)

Hầu như không đứa trẻ Việt Nam nào từ cấp tiểu học không nhớ đoạn diễn ca về Hai Bà Trưng, hai nữ anh hùng của lịch sử Việt Nam. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 – 43 sau công nguyên) – cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống lại ách đô hộ một nghìn năm Bắc thuộc, giành lại nền độc lập tự chủ: Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta, được lãnh đạo bởi những người phụ nữ còn rất trẻ, mới qua tuổi đôi tám. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những ghi chép về cuộc khởi nghĩa hào hùng ấy cũng như triều đại Trưng Vương không được biên chép đầy đủ, thậm chí chỉ được ghi lại mấy dòng ngắn ngủi trong sử cũ. Điều này là nỗi quan hoài của những người quan tâm đến lịch sử dân tộc, cũng là của các cây bút đam mê tiểu thuyết lịch sử.

Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” của tác giả Phùng Văn Khai ra mắt như món quà ý nghĩa tới độc giả, thỏa mãn mong muốn tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử tuy ngắn ngủi nhưng thật hào hùng, được dẫn dắt bởi những nữ anh hùng. Cầm trên tay cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trưng Nữ Vương” còn “nóng hổi”, thơm mùi giấy mực, thấy thán phục nội lực và niềm say mê cổ sử của nhà văn quân đội. Dường như cây bút họ Phùng này đã tìm trúng mạch sáng tạo cho riêng mình, nên chỉ trong vòng sáu năm, 6 bộ tiểu thuyết lịch sử liên tiếp ra mắt, lại tập trung ở phần sử ký “Ngoại kỷ”, tức phần cổ xưa nhất, ít tư liệu nhất trong cả chính sử lẫn huyền sử.

PGS-TS Hỏa Diệu Thúy – Khoa KHXH Trường ĐH Hồng Đức – Thanh Hóa

Bộ tiểu thuyết thứ 7 “Trưng Nữ Vương” này sẽ gồm hai tập, tập 1 vừa ra mắt, tương ứng với giai đoạn: thanh nữ Trưng Trắc, trưởng nữ của quan huyện lệnh Trưng Định (lạc tướng đất Mê Linh) xinh đẹp, giỏi võ nghệ nên duyên cùng Thi Sách, trưởng nam của huyện lệnh Dương Thái Bình (lạc tướng đất Chu Diên), một trang tuấn kiệt. Hóa ra, cả hai đều dòng dõi Lạc Hầu, là hậu duệ con cháu vua Hùng. Đất Mê Linh và đất Chu Diên dưới sự dẫn dắt của hai lạc hầu tài giỏi, khí phách trở thành hai vùng đất hùng mạnh khiến các thái thú được cắt cử trị nhậm từ phương Bắc xuống rất nể vì. Song, thái thú Tô Định, kẻ vừa được thay thế Tích Quang vốn là kẻ tham lam, tàn ác, để thị uy, hắn trấn áp những huyện lệnh địa phương có uy tín, hùng mạnh. Huyện lệnh Mê Linh, huyện lệnh Chu Diên, huyện lệnh Bắc Đái đã vào tầm ngắm của hắn. Tô Định cùng với hạ bộ bày mưu giết huyện lệnh Bắc Đái, huyện lệnh Mê Linh. Bạo ngược hơn nữa, hắn tiếp tục dùng thủ đoạn hèn hạ giết Thi Sách khi chàng thiếu niên đang chịu tang cha (huyện lệnh Chu Diên bị bạo bệnh đột ngột qua đời, nếu không, chắc cũng không thoát khỏi âm mưu thanh trừng của Tô thái thú). Tô Định không thể ngờ, tội ác vô nhân của hắn không những không làm cho dân Giao Chỉ khiếp sợ mà ngược lại, thổi bùng ngọn lửa căm phẫn, bất bình của người dân nơi xứ sở thích bình yên, hòa mục này. Trưng Trắc, tuổi chỉ mới qua đôi tám, trên đầu vừa mang tang cha vừa tang chồng đã phất cờ tụ nghĩa với lời hịch khí phách: Một xin rửa sạch thù nhà/ Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kẻo oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này (Thiên Nam ngữ lục). Tập 1 của bộ tiểu thuyết dừng ở sự kiện, những thủ hạ sừng sỏ nhất của Tô Định được sai đi trấn áp mầm mống của cuộc khởi đều nhận  thảm bại, kẻ bị chém đầu, kẻ bị chết trong đám hỗn quân vượt thành, kẻ đầu hàng nhục nhã. Số phận của thái thú Tô Định và tư mã kinh thành Mã Tắc như cá nằm trên thớt.

Về dung lượng, bố cục hai tập như vậy là khá hợp lý, mỗi tập đều có tình tiết  sức nặng đủ để tạo nên tình huống chính của cốt truyện. Ở một góc độ nào đó, tập hai có phần “nặng” hơn, vì vừa liên quan đến thất bại nhục nhã của thái thú Tô Định (phải cạo đầu, cạo râu lẩn trốn trong đám loạn quân), lại vừa có tình tiết “nặng” khác, đó là việc xưng vương của Trưng Trắc, lập nên triều đại mới ở cõi Lĩnh Nam. Ấy là chưa kể, nếu tác giả theo đuổi đến cùng về cuộc khởi nghĩa này sẽ còn tình huống bi hùng nữa, đó là việc đội quân Mã Viện bất chấp liêm sỉ, dùng  mẹo xúc phạm lòng tự trọng của các nữ tướng. Căm phẫn thay, các nữ tướng chủ yếu đang độ tuổi thanh nữ đã không chấp nhận đối đầu với đội quân “rợ thú” này nên đành tuẫn tiết.

Thành công của tập 1 đã hé lộ sức cuốn hút của lối viết sôi nổi, giàu cảm xúc. Người đọc thích thú được trải nghiệm với không gian Giao Chỉ xưa, vùng đất của những thảm rừng nhiệt đới rậm rạp nhiều muông thú, lắm ao hồ, sông ngòi, lại giáp biển, tạo nên những tập tục văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Người dân vừa giỏi săn bắn, chinh phục, thuần hóa muông thú, vừa giỏi sông nước, chinh phục thủy quái.

Độc giả còn được “diện kiến” những chân dung sống động: thanh nữ Trưng Trắc thông minh, xinh đẹp lại giỏi võ nghệ; chàng trai Thi Sách tuấn tú từ ngoại hình đến tính cách, tài năng. Họ là con của những lạc hầu – lạc tướng hùng mạnh. Được nuôi dưỡng, dạy bảo, rèn luyện trong môi trường chọn lọc để trở thành những người kế thừa xứng đáng. Điều này sẽ trả lời một cách thuyết phục cho câu hỏi: Vì sao một cô gái đang tuổi thiếu nữ lại trở thành lãnh tụ khởi nghĩa, biết tập hợp sức mạnh quy tụ lòng dân, anh tài bốn phương, biết tổ chức trận đánh, biết dùng mưu nhử giặc, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều.

Vẫn với lối kể tinh tế và dí dỏm, tiểu thuyết “Trưng nữ vương” đáp ứng khoái cảm trí tuệ và thẩm mỹ bằng phông kiến văn phong phú, cách cài cắm chi tiết phục bút, kết hợp hài hòa ngôn ngữ hiện đại và cổ xưa…

Đọc xong tập một không khỏi có cảm giác muốn có ngay tập hai để tiếp tục được theo dõi những sự kiện ngày càng cuốn hút, căng thẳng. Nút thắt của câu chuyện vẫn ở phía trước. Tài thao lược, dũng khí của hai nữ nhi anh hùng cùng với các nữ cộng sự của Hai Bà ở khắp cõi Lĩnh Nam vùng lên chống ách đô hộ, làm chủ giang san Vua Hùng đã gây dựng.

Lịch sử dựng nước, giữ nước 4000 năm của dân tộc ta thật vô cùng hùng vĩ, hiếm có. Song, phần cổ sử, ngoài những dòng tổng kết, nhận xét sơ lược, chúng ta khuyết thiếu hẳn mảng văn chương có thể làm sống lại những trang sử hiển hách ấy.

Cách theo đuổi niềm đam mê thể tài tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai giống như nỗ lực hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng được giao phó. Tác giả đã hoàn thành bằng sự nghiêm túc, cẩn trọng, hết lòng. Thán phục và yêu mến lắm thay!

Tháng 6.2023

HỎA DIỆU THÚY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *