Cảm xúc trữ tình trong “Gửi em cô gái đỏng đảnh” của Nguyễn Quang Hà

 “Gửi em cô gái đỏng đảnh(1) là tập thơ thứ ba của nhà thơ Nguyễn Quang Hà (Tập thơ do NXB Hội Nhà văn ấn hành, gồm 138 trang, trong đó có 54 bài thơ, 07 bài thơ phổ nhạc, và 02 bài phê bình về thơ Nguyễn Quang Hà). Là nhà văn có thế mạnh về văn xuôi, tiểu thuyết(2) nên thơ anh vừa dạt dào cảm xúc, vừa giàu chất triết lý.

Chọn tên bài thơ “Gửi em cô gái đỏng đảnh” làm tựa đề tập thơ, bởi bài thơ đã thể hiện cảm xúc trữ tình đa chiều của nhà thơ về đối tượng trữ tình là em: “Em đừng tưởng chỉ mình em là thiếu nữ/ Chỉ mình em với mắt biếc và môi hồng/ Cứ cho em tha hồ tô son điểm phấn/ Không có anh thì đẹp mấy cũng bằng không” (Gửi em cô gái đỏng đảnh). Lối lý sự của cái tôi trữ tình là anh với em vừa hóm, vừa duyên đáo để. Anh và em là tương ánh trong nhau, em “đáo để” – “chỉ mình em là thiếu nữ” thì anh đây cũng “đay đả” – “Không có anh thì đẹp mấy cũng bằng không”. Tình cảm giữa anh và em phải đến độ nào anh mới nói theo lối “mần đày” như thế.

Nhà phê bình Hoàng Thị Thu Thủy – tác giả bài viết

Cảm hứng thơ đi về linh hoạt, nhẹ nhàng giữa lí tưởng và hiện thực, giữa cái chân và cái ảo, cái xác định cụ thể và phần tưởng tượng ước mơ. Trái tim thi sĩ dạt dào sâu lắng bởi cảm xúc tình yêu dâng trào: “Dắt nhau về chốn bồng lai/ Cởi nghìn tục lụy vất ngoài trần gian/ Tình say say đến ngút ngàn/ Vành trăng nghiêng ngửa cung đàn lả lơi/ Thời gian chết quách cả rồi/ Chỉ còn anh với mặt trời là em/ Bồng bềnh trôi giữa cõi tiên/ Bồng bềnh giọt nhớ giọt quên bồng bềnh” (Bồng bềnh). Tứ của bài thơ “Bồng bềnh” thật kì diệu, tình đến mức chạm cõi tiên, vừa say đến ngút ngàn, vừa lả lơi và cũng quên cả thời gian, chỉ còn lại là bồng bềnh trôi giữa mây trời tiên cảnh. Yêu đến mức vượt thoát, cởi bỏ cõi trần, tìm đến cõi tiên thì chỉ có thi nhân mới dám bạo liệt đến vậy. Bạo liệt, thăng hoa, quên cả thực tại, thơ nâng cảm xúc vào cõi mộng, quả là tình thơ dạt dào. Với ông hoàng thơ tình Việt Nam, vì sợ thời gian trôi chảy mà “Tôi muốn tắt nắng đi/ Cho màu đừng nhạt mất/ Tôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi” (Vội vàng – Xuân Diệu), ngỡ thế cũng là bạo liệt; nào ngờ nhà thơ Nguyễn Quang Hà còn bạo liệt hơn khi làm ngưng đọng thời gian “Thời gian chết quách cả rồi”, thì chắc chắn đó là khoảng thời gian “bồng bềnh” tuyệt vời đến mức nó trở thành vĩnh cữu.

Thơ ca là nhạc của tâm hồn” (Vonte); “Thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa” (Valery); bài thơ “Bồng bềnh” mang ý nhạc từ nhịp của thể thơ lục bát và sự nhấn nhịp bởi phép lặp 3 lần liên tiếp nhau của từ láy “bồng bềnh” gợi tả sự chuyển động lên xuống nhẹ nhàng giữa cõi thực và “cõi tiên”.

Tương tự, ở bài thơ “Bối rối” nhà thơ sử dụng thành công thủ pháp lặp từ “rối bời” và nhịp ngắn giữa các dòng thơ. Rối bời về cảm xúc mới là “rối bời” đúng nghĩa – bề bộn ngổn ngang không biết đường nào mà lần, nên đã “quanh quẩn” rồi mà còn “bâng khuâng”, vừa “thôi” – buông xuôi lại “nhớ rồi/ lạ không”… Diễn tả tâm trạng, cảm xúc rối bời trong tình yêu bằng thơ như nhà thơ Nguyễn Quang Hà quả là sâu sắc và ấn tượng: “Lánh xa những tưởng quên đi/ dối lòng thôi/ có dễ gì mà quên/ Trở về/ Quanh quẩn/ trốn em/ Đã rối bời/ Lại càng thêm/ Rối bời/ Bâng khuâng/ Tự nhủ/ Rằng/ Thôi/ vừa nhủ xong/ Lại nhớ rồi/ Lạ không!” (Bối rối)

Tình cảm trong thơ gắn trực tiếp với chủ thể sáng tạo, đó là những rung động mạnh mẽ từ trong tâm hồn, nên thơ là cảm xúc mãnh liệt đã được ý thức. Từ danh thắng hòn Trống Mái ở Hạ Long, nhà thơ Nguyễn Quang Hà có bài thơ với xúc cảm mới lạ: “Đến như đá cũng đa tình/ Nữa là hai đứa chúng mình với nhau/ Xòe đuôi đá trống nghiêng đầu/ Rỉ tai nói được một câu với nàng/ Bâng khuâng đá mái mơ màng/ Lần đầu tiên biết xốn xang là gì/ Nghìn năm đá mãi xuân thì/ Bởi cho nhau một chữ “vì” mà thôi/ Đất sinh đá cũng thành đôi/ Hèn chi chếch choáng cả trời Sầm Sơn” (Hòn Trống Mái). Những câu thơ được viết ra tự nhiên mà lắng đọng bởi cái nhìn biện chứng và phép tu từ nhân hóa: “Đến như đá cũng đa tình/ Nữa là hai đứa chúng mình với nhau”.

Thơ gắn với chiều sâu thế giới nội tâm. Vẻ đẹp của thơ khi mềm mại, khi triết lí, khi suy tưởng… Từ mối quan hệ giữa con người với vạn vật – “Thiên nhân tương dữ”, nhà thơ có cái nhìn rất riêng và mới về tình yêu: “Hai người yêu nhau lắm/ Sông chen vào cách chia/ Thành đôi bờ từ đó/ Mấy nghìn năm đợi chờ/ Nói với nhau nhờ gió/ Thư cho nhau nhờ thuyền/ Cảm mối tình đôi lứa/ Cầu đứng ra xe duyên/ Đôi bờ đã thành đôi/ Mà cầu thì đơn chiếc/ Dòng sông xanh xanh biếc/ Như màu xanh hẹn hò/ Trăng nghìn năm ngây thơ/ Tình nghìn năm sâu lặng/ Cớ sao cầu cô độc/ Giữa đôi bờ bình yên” (Cây cầu). Bài thơ như tự sự về câu chuyện tình yêu cách trở bởi đôi bờ, mà xúc cảm trữ tình chan chứa trong câu chữ, vừa gợi hi vọng, vừa gợi chút buồn mà nỗi buồn dịu ngọt, bởi dẫu cây cầu có bị “cô độc” thì cũng không “cô đơn” vì đã xe duyên cho “đôi bờ thành đôi”. Thi hứng thật lạ, thi ảnh “đôi bờ, dòng sông, cây cầu” là những tín hiệu thẩm mĩ quen thuộc đã mới mẻ nhờ cái nhìn lãng mạn của nhà thơ.

Gửi em cô gái đỏng đảnh – tập thơ Nguyễn Quang Hà

Những rung cảm trong trái tim thi sĩ chân thành, tự nhiên; “nhân vật trữ tình” khi bộc lộ những xúc cảm không nén lại được vừa có hồn, vừa tự tin và như khẳng định: “Khi mắt em lúng liếng/ Ấy là em yêu anh/ Cây đang đứng lặng thinh/ Bỗng nở ngàn hoa tím/ Ấy là mùa xuân đến/ Trời xôn xao mưa bay” (Cây sầu đông). Nhìn hoa sầu đông tim tím mà lòng thi sĩ đã khẳng định tình em: “Ấy là em yêu anh”, ta ngỡ như gặp lại câu thơ “Lòng anh thôi đã cưới lòng em” (Thơ duyên – Xuân Diệu). Khi nhìn vào mắt em, vào mưa xuân, và hoa sầu đông thì anh khẳng định được tình em, không cần cắt nghĩa, hay lí giải, đó là xúc cảm trữ tình trong anh, và cũng là sự rung động hồn nhiên của tâm hồn. Đọc bài thơ “Chiếc răng khểnh” ta hiểu thêm đặc trưng của thơ là không phải chỉ nói đến cái đẹp của cuộc sống, mà nói về cuộc sống với một lí tưởng đẹp. “Rất lạ kỳ chiếc răng khểnh của em/ Đã bao lần làm anh bối rối/ Anh là lính quen có hàng có lối/ Anh không ưa bước lỗi nhịp còi”. Viết về chiếc răng khểnh nhà thơ như đã khẳng định nét duyên ngầm của em, cái duyên mà làm anh “bối rối”, nhưng anh cũng có cái tự tin của anh, vì “anh là lính quen có hàng có lối”. Từ quy luật của mâu thuẫn, sự vận động của cảm xúc trong anh thật lạ, dù “Anh không ưa bước lỗi nhịp còi” mà “Vậy cớ sao cứ làm anh bối rối/ Mỗi khi nhìn chiếc răng khểnh của em”. Bài thơ như là chuyện tình yêu, cảm xúc trữ tình xoáy sâu vào cái nhìn của nhà thơ về nét duyên ngầm của em nhờ chiếc răng khểnh, nhưng chiều sâu của hình tượng thơ lại nằm ở triết lý nhân sinh: “Và ghét cay ghét đắng ở đời/ Bất cứ kẻ nào lánh xa đồng đội”. Chất trữ tình đưa đẩy giá trị nhân văn về sự trung thành, chính trực của người lính, viết thế thì thật là tài hoa.

Viết về tình yêu đôi lứa, thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Hà  thật là đa giọng, khi thì anh, khi thì em, mà cảm xúc tình yêu lúc nào cũng mới, cũng đắm say dịu ngọt, và cũng thật ngây thơ khờ khạo. Quả thực khi đọc những vần thơ trữ tình này người đọc như hiểu ra cái cảm xúc tình yêu vốn dĩ là giản dị mà cũng thật tuyệt vời; lúc dâng trào mãnh liệt, lúc êm đềm như nước chảy mây trôi: “Anh gấp ánh trăng/ làm lụa mỏng/ đem về/ may áo cho em/ Gió thổi/ Lật tung/ gió thổi/ Em ngây thơ/ dại dột/ ngủ bên thềm” (Ngây thơ). Anh đa tình “gấp trăng… may áo”; em “hớ hênh” đáng yêu “ngủ bên thềm” – viết thế thì cõi thơ, cõi mộng hòa quyện, người thơ đắm chìm mộng ảo, còn độc giả thì cứ mãi bâng khuâng. “Thời gian bao giờ cũng đói/ Như trò chạy chợ ăn đong/ Gặp nhau lần nào cũng vội/ Cầm tay lệ ứa lưng tròng/ Nhớ nhau thở dài ngơ ngác/ nghe rung rung tận đáy lòng/ Lại như thấy ai hong tóc/ Bồi hồi tựa cửa bên song” (Hoa đào hoa mai đã nở) – Thời gian tình yêu mà so với thời “chạy chợ ăn đong” quả là độc đáo, mới lạ, con người từng trải, con người trải qua biết bao lận đận mới có thể có cái nhìn so sánh độc lạ như thế, lối so sánh này thật thú vị với quá trình tiếp nhận tác phẩm. Câu thơ “Nhớ nhau thở dài ngơ ngác” như đo được không gian, thời gian và tâm trạng.

Viết về tình yêu nhà thơ dường như bỏ quên lý trí, chỉ có rung động mạnh mẽ từ tâm hồn và đó cũng là cách thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức. “Gió đập cửa ngỡ ai về bất chợt/ Hồi hộp tan trống trải dâng đầy/ Ngồi gỡ tóc thèm bàn tay ấm nóng/ Chợt bàng hoàng nghe trời nổi heo may” (Đáy lòng). Hồi hộp, nhớ nhung, bàng hoàng… như là cái tình đã thấm, cái lòng đã say mà thành thơ thì càng thêm lãng mạn. “Mắt đong đưa đan lưới tơ duyên/ Như tơ nhện chăng đầy lối gió/ Những chàng trai hồn nhiên như thỏ/ Bị sập bẫy rồi chưa hết ngây thơ… Đong đưa cười đôi mắt đò đưa/ Đẹp như thể chưa bao giờ đẹp thế/ chưa kịp hoàn hồn tôi vừa chợt ngộ/ Đã bị mắt nàng thiêu cháy thành than” (Đong đưa). Tứ bài thơ “Đong đưa” đã “thanh minh” cho đôi mắt “đò đưa” của em, dù biết “Những chàng trai hồn nhiên như thỏ/ Bị sập bẫy rồi chưa hết ngây thơ” mà rồi chính “cái tôi” thi nhân cũng “Đã bị mắt nàng thiêu cháy thành than”. Lúc “luận tội” em thì tỏ ra lý sự, vướng vào mắt em rồi đành thúc thủ chịu thua, và thừa nhận cái đẹp đã ngự trị tâm hồn “Đẹp như thể chưa bao giờ đẹp thế”. Người đẹp không có tội, cái tội là những chàng trai ngây thơ và đa tình. Bài thơ có nhạc tính bởi phép lặp động từ “đong đưa” và nhịp đều đặn trong cả bài thơ (nhịp ¾ ở những câu thơ 7 chữ; nhịp 4/4 ở câu thơ 8 chữ).

Chủ thể trữ tình đã bộc lộ tình cảm, cảm nhận tinh tế về xứ sở thơ mộng qua nét tương tư về “má hồng” thật dễ thương: “Mimosa vàng say lòng du khách/ Vạn trái hồng chín đỏ trời thu/ hoa trái cao nguyên muôn màu tươi tắn thế/ Chỉ có má hồng làm anh tương tư” (Má hồng Đà Lạt). Và quê hương trong thơ anh thật thương, thật nhớ; xa quê từ ngày nhập ngũ (1967), Huế đã là quê hương thứ hai của anh, vậy mà kí ức vẫn rõ mồn một, từ “nong tằm”, đến “bờ ao đánh dậm”, “tắm trưa bến Hớt”, tâm trạng “xốn xang” nhớ, rồi bước chân trở về như kẻ mộng du “bước bồng bềnh”: “Dâu xanh bên song mẹ hái nuôi tằm/ Nong kén vàng ươm như lòng mẹ/ Mẹ kéo tơ. Nhộng nhem thèm em bé/ Một củ khoai lùi lũ trẻ chia nhau”…  “Số ngặt nghèo phải đi xa quê/ Mới thấy thèm bờ ao đánh dậm/ Mới thấy thèm tiếng ru đưa cánh võng/ thèm nắng hè tắm bến Hớt ban trưa”… “Xa quê lâu ngày về đến cầu Vân/ Xốn xang nghe chích chòe gọi bạn/ Cảm thấy lòng trút đi gánh nặng/ Bước bồng bềnh trên đất quê hương” (Nhớ quê).

Điều được mặc nhiên thừa nhận thế mạnh của nhà văn Nguyễn Quang Hà là ở thể loại văn xuôi, tiểu thuyết; với thơ nhà thơ cũng thực sự ấn tượng vì tình cảm bùng cháy trong những bài thơ dạt dào cảm xúc của anh. Thơ gắn với chiều sâu tâm hồn, với thế giới nội tâm sâu kín của con người nên không dễ khơi nguồn, nắm bắt. Đọc những bài thơ với cảm xúc trữ tình chan chứa trong tập thơ Gửi em cô gái đỏng đảnhđộc giả nhận ra những bài thơ hay trong tập thơ là những bài thơ được sáng tác với cảm xúc cao độ, tình cảm mạnh mẽ và sâu lắng đến tận cùng, diễn tả trực tiếp đối tượng và có tính thẩm mĩ cao.

Huế ngày 9.11.2023

TS. HOÀNG THỊ THU THỦY

 _____________________

 (1) Tập thơ được Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và Tạp chí Sông Hương phối hợp giới thiệu với độc giả vào ngày 19/12/2019

(2)Tuyển tập “Thời tôi mặc áo lính” 2.519 tr.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *