Chủ đất – Tiểu thuyết của Chu Thị Minh Huệ – Kỳ 3

VHSG- Giàng Thụ Ngãi đã định đoạt cho đứa em gái trước kia bị hắn gả cho tổng giáp Vàng Chá Pó. Nó vẫn rù rũ ở cái xó buồng dành cho nó từ khi bước chân vào dinh họ Vàng ở làng Sủng Pủa này. Con này đến là bướng. Lúc nào cũng lảm nhảm: “Làm dâu họ Vàng rồi thì làm ma họ Vàng thôi”. Nhưng mày tưởng làm ma dễ thế sao. Ngãi đã mất công chiếm đoạt cái chức tổng giáp này thì mày việc gì phải làm ma nhà nó nữa. Nó đã thành con ma lang thang rồi thì chẳng cho mày theo được đâu em gái ạ! Mày cứ ngoan ngoãn trở về thành họ Giàng đi. Cũng là một cách chuộc lỗi và trả ơn cho mày đã mách cho tao biết cái việc làm dã man của bố con thằng Chá Pó.

Ngãi đã làm lễ đổi họ cho em gái. Không cần biết ngày trước mụ vợ già của thằng Chá Pó ấy lo lễ nhập người nhập ma cho em thế nào, đã nhập những gì nhưng giờ Ngãi làm lễ chia người, chia ma cho em để nó trở về làm người nhà họ Giàng. Bảy ngày bảy đêm là tiêu tốn biết bao là rượu, là thuốc trong dinh thự chót vót trên đồi Sảng Pả. Quan Ba của đồn cũng được mời, chỉ khác là không phải có quà mừng mà lại còn được trọng vọng hút thả sức trong gian trung dinh nữa.

>> Chủ đất – Tiểu thuyết của Chu Thị Minh Huệ – Kỳ 1

>> Chủ đất – Tiểu thuyết của Chu Thị Minh Huệ – Kỳ 2

Nhà văn Chu Thị Minh Huệ

Khèn và trống không dứt một giây nào trong suốt bảy ngày bảy đêm. Đám cúng có một không hai trên đời này được thầy cúng ở Thượng Phùng chủ lễ. Ngãi bảo muốn làm thế nào thì làm, để càng lâu càng tốt. Càng lâu thì càng nhiều người mang lễ mừng, càng có thời gian dủ dỉ với thằng trưởng đồn bên núi Đồn Cao để nắm bắt địa thế mạn Đồng Văn để lập kế hoạch riêng của hắn. Tiền cúng, tiền thuốc và tiền cho những thầy phục vụ không cần kể đến. Việc gì thầy muốn làm thì làm, còn hắn chỉ chăm chút cho quan Ba và thằng trưởng đồn.

Con em gái khốn khổ bị lôi ra lôi vào để cúng. Từ gian buồng của nó đến chỗ bày lễ phải qua bốn cái sân rộng. Mỗi lần thầy gọi là nó lại bị lôi sang. Nó rũ như tàu cải héo giữa trưa nắng nhưng không thể thoát được những bàn tay kiểm soát của hai người hầu cúng. Những con ma sống của thầy canh nó như quỷ đói canh cơm. Hồn nó không biết đã đi đến nơi nào, nhưng thầy nói, mỗi ngày lại lôi được nó về gần hơn. Từ chỗ hồn tổ tiên nhà Vàng cai quản đến khi về lại chỗ tổ tiên nhà Giàng thì mất bảy ngày hành hạ nó.

Thằng quan Ba chả hiểu nổi việc này, nó hỏi:

– Làm thế để làm gì? Kệ nó cũng được mà. Nó không chết thì vẫn là em ông chứ.

– Không phải thế. Lúc tôi gả nó làm đứa rửa chân cho thằng Pó thì nó đã bị cúng ma nhà Vàng rồi. Nay nhà Vàng không còn nhưng tôi vẫn muốn nó là em gái tôi thì phải mang hồn nó về nhập lại họ nhà tôi thì mới phải làm như vậy.

– Cái xứ ông toàn những suy nghĩ khủng khiếp.

– Chúng tôi chưa văn minh như các ông thật, nhưng trong việc này tôi còn có ý khác, chứ ma nó đi đâu tôi cũng không biết.

– Ông sẽ làm gì với nó nữa?

– Gả nó đi họ Vàng bên Sà Phìn.

– Ối giồ, lại lợi dụng nó à?

– Nó là đàn bà chả làm được gì. Nhưng đứa em này đúng là rất được việc cho tôi đấy. Nó là con gà thiến đứng trên mỏm đá vỗ cánh phành phạch để dụ cho tôi những con gà trống.

– Các ông toàn những quan niệm kinh khủng, tôi chỉ quan tâm đến việc thu thuế thôi, còn thì kệ những quan niệm của các ông.

– Nó cũng là để thu thuế cho các ông đấy.

– Nó chỉ là đàn bà thôi mà.

– Nhưng nhờ nó tôi sẽ thu được thuế của con gà trống bên Sà Phìn cho ông.

– Ông đúng là tham vọng lớn hơn tôi nghĩ đấy. Đáng lẽ, ngay từ đầu phải giao chức tổng giáp vùng Mèo Vạc cho ông mới đúng.

– Giờ cũng chưa muộn. Rồi ông sẽ thấy tôi tận tuỵ thế nào với mẫu quốc của ông.

– Được, được!

Đúng là con bé này rất được việc. Lễ tách ma đã đưa hồn ma nó trở về nhập với ma họ Giàng để sẽ được đi làm người nhà họ Vàng một lần nữa. Oái oăm thay, lại là họ Vàng chứ không phải một họ nào khác. Đôi khi, một đứa con gái rất là đáng giá. Nó đã giúp anh trai soán ngôi đoạt vị của họ Vàng vùng Mèo Vạc. Nó lại đang chuẩn bị giúp anh trai thôn tính thêm họ Vàng vùng Đồng Văn nữa. Nhưng những điều này nó không biết. Chỉ vì nó đã chót chỉ cho anh nó đi theo hai thằng hầu mà thành ra vị trí chủ đất bao năm nay của vùng Mèo Vạc bị hại trong tay nó. Nó là con vợ phản bội nhà chồng, là con ma phản bội tổ tiên. Nằm trong xó nhà họ Vàng đã bị anh trai nó chiếm và biến thành dinh thự họ Giàng thực sự nó rất sợ chết. Nó sống thì thế nào cũng được. Anh trai sẽ không bỏ đói nó. Người nhà Vàng cũng không hại được nó vì đã bị biến hết thành người ở cho họ Giàng rồi. Chỉ có một người nó rất sợ đối mặt – là thằng trai cả của họ Vàng. Nó đã mất tích từ khi ông tổng giáp bị hô trói lại. Sẽ có ngày thằng Vàng Sì Lử quay lại đây báo thù. Nó rất sợ thằng Lử giết thì sẽ bị lên đường đi gặp tổ tiên nhà Vàng thì càng bị trừng phạt hơn vì tội phản bội. Nhưng nay lại được anh trai chuộc hồn nó về thì cũng yên tâm phần nào. Nó trở về làm người họ Giàng thì nếu có chết cũng yên tâm làm ma họ Giàng. Nhưng thực sự nó không thể tưởng tượng được anh trai lại đem gả nó sang Sà Phìn vào một nhà họ Vàng nữa. Đành vậy, và nó tự nhủ rằng sẽ không phản bội nhà chồng lần thứ hai. Lần này, chồng hay người nào bên ấy làm gì nó cũng không để mắt tới. Vì nó quá sợ anh trai với những âm mưu không ai có thể nghĩ ra.

Nhưng nó không bao giờ nghĩ hơn được một thằng con trai chứ chưa nói gì là hơn thằng anh trai. Thằng anh nó đã làm cho “cây lanh đổ chạm phải cây thông, cây thông đổ nhào trên mặt đất” rồi. Cái cây thông Vàng Vả Pó đã đổ nhào rồi thì tiếp theo sẽ làm cây thông Vàng Sè Ly ngã gục. Cơn gió to sẽ là đứa em gái đẹp rực rỡ như bông hoa anh túc này đây. Làm một bông hoa anh túc đẹp trên một bãi nương mịn sẽ không biết rằng mình bị ngắt đem vào nấu canh hay là được để cho ra quả, ra hạt. Hôm nay nó định thế này, mai nó lại thay đổi thế khác thì cũng phải chịu. Cũng như sợi lanh kia, bị nhuộm chàm hay để trắng là tuỳ mục đích sử dụng của người làm ra mà thôi.

Đứa em gái này, đã được chuyển từ một đứa rửa chân thành một đứa lo quần áo. Mà lần này là lo quần áo cho một ông vua ở cách xa nơi nó ở chín mươi chín ngọn núi. Một đám rước dâu chưa từng có trên vùng Mèo này. Đúng thật em là con gái nhà quan, tay em trắng nón trắng nà. Nhưng nó biết rằng cái ông họ Vàng kia, vì ở xa quá mà không biết nó là bông hoa anh túc đã bị qua một trận mưa đá, đã tả tơi cánh hoa, đã rữa hết nhuỵ hoa nên sẽ không đậu quả để mà cho ra giống hạt mùa sau. Ông ta đã gửi lễ theo đúng que thách, que tính mà anh nó đặt ra. Nào có thiếu bạc, thiếu chăn gối váy vóc gì đâu. Nhưng những thứ đó là hoài của để bỏ ra mua một con lợn cái không thể đẻ lợn con. Ôi, bao nhiêu lý lối cưới xin, bao nhiêu lời hay ý đẹp của ông mối trở thành lời sáo lời rỗng bay đi theo tuyết mùa đông. Nó nặng và ướt nhẹp làm người khó chịu. Ngồi trong buồng nghe lời ông mối mà nó muốn chạy phăng ra can. Rằng ngày rồng tháng rắn làm gì, xem xương gà, cánh gà làm gì nữa để rước về một khung cửi không có thoi, một cái quay không có guồng có cán thì sẽ chẳng để làm gì.

Nhưng một đứa đàn bà là nó chỉ có thể nghĩ đến cái vô tích sự của mình để mà bất mãn. Nó lại không tưởng được của hồi môn anh cho nó đem theo nhiều đến thế nào. Nó đi giày hoa trắng, lại đi giày hoa đen, đội những ô những dù, mang nào khăn nào gối. Tự trong lòng khác nghĩ rằng chắc anh trai bù đắp cho nhà Vàng bằng của hồi môn này. Đem nó làm vật kết thân lại là một bông hoa không có nhuỵ thì phải kèm theo nhiều đồ bù đắp nữa là đúng rồi. Thế là có thể yên tâm phần nào. Số của cải ấy để nó không bị coi rẻ ở nơi quá to lớn đối với nó từ trước đến giờ. Nó đi lòng có phần thanh thản.

Cái sự thanh thản của nó lại không nằm trong sự tính toán của Giàng Thụ Ngãi. Đứa em gái này chỉ như sợi dây đuôi bò dẫn lời hát mà thôi. Nó cứ làm hết việc của mình đi. Khi nào nhận hết lời hát người nghe sẽ cắt dây đánh pựt một phát là hết hội hát. Và hôm nay là ngày người nhận hết lời hát sẽ cắt dây.

Đi làm dâu nhiều ngày, nhiều tháng nên anh trai nhớ đã đành, nó đi làm dâu mới được vài tuần chợ anh trai đã nhớ mà đến thăm. Một thằng chuyên đốc thuế, thành một tổng giáp, lại thành anh vợ của vua Mèo mạn Đồng Văn rồi. Dù ai lớn hơn ai thì cũng vẫn là thông gia, Giàng Thụ Ngãi được đón tiếp long trọng xứng đáng với cương vị anh rể. Ngãi lại chẳng để ý tới những lễ nghi Sè Ly dành cho mình. Hắn nhăm nhắm được có thời gian riêng với em gái.

– Không vội, không vội, anh vợ ạ! Để tôi tiếp anh cho đáng là anh vợ của tôi chứ.

– Cứ để tôi thăm nom nó xem thế nào, rồi còn dạy bảo nhiều điều cho tốt với một gia thế như nhà ta. Nó cũng chỉ là bông hoa trân châu chưa nở hết nên chưa biết điều biết việc, có gì anh cứ cho người dạy bảo cho đúng bổn phận.

Mồm nói chân hắn đã tự bước đến phòng của em gái. Ly cũng chẳng can nữa, trong lòng chắc mẩm hắn nhớ em gái quá nên nóng lòng thì kệ hắn hỏi han em. Sè Ly nghĩ hắn còn ở lâu lâu nên để hắn tự do.

Ngãi xăm xắm vào phòng em chứ không đợi người mời ra phòng khách. Nào là em ơi, em đi rồi để nhà rác ngõ bẩn, mẹ cha ta đau xé buồng gan. Mẹ cha ta rõi theo chân em đến tận hồ nước xanh biếc, rõi đến tận hồ nước xanh rờn. Thế mà bóng chim vẫn lẫn bóng mây, để mẹ cha mòn mỏi nhớ thương. Đường làm dâu mỏng mảnh, đường làm dâu xa xăm, em biết sao lo toan cho trọn, biết sao lo toan cho tròn.

Lời chia sẻ xót xa, thương mến của hắn làm cho bọn người hầu tản mát hết. Để anh em lâu ngày được thoả lòng nhớ thương. Một đứa em gái đẹp như thế gả đến nơi xa xôi này nhớ nhung là phải. Không ai hầu nước, hầu thuốc hắn nữa, tự hắn rót nước cho em, lại còn pha cả nước thuốc tốt cho em uống. Là nước mẹ già gửi con gái ở xa. Em gái uống để mà khoẻ chân khoẻ tay làm việc cho nhà chồng đầy ngựa, đầy bò để còn đường về thăm bố mẹ bên nhà.

Ôi mẹ già cha yếu, con gái là bát nước bị đổ rồi, bố mẹ không được một giọt báo đền mà lại còn gửi đồ tốt cho con. Em gái hắn uống một hớp là hết ngay bát nước mẹ gửi cho. Lòng hắn phấn chấn, vui vẻ nói những chuyện nhớ nhung. nhưng chẳng mấy chốc lại bảo về luôn để báo tin cho bố mẹ mừng.

Hắn về rồi em gái mới khóc. Nước mắt dòng thấm ướt ba tà áo, thấm ngấm cả ba nếp váy mà vẫn không ngừng được. Em ngờ rằng hắn thay đổi rồi chăng, hắn hối hận rồi sao. Hay chỉ là bố mẹ bắt hắn sang thăm xem em sống ra sao. Thôi thì dù sao cũng được phần an ủi. Sống trong dinh thự rộng rênh này để làm một bà hai lo việc áo quần cho chủ dinh cũng nào có gì ấm ức đâu. Em chỉ cảm thấy thiệt thòi cho người đã mất giá cao để mua em về mà mãi vẫn chưa được đáp đền bằng một cái bụng to. Em cũng không hiểu tại sao mấy tháng rồi cái bụng vẫn chưa có một đứa con nào chui vào để em được trọn vẹn bổn phận của mình. Đứa con sắp ra đời của Vàng Vả Pó đã bị chính anh trai bắt uống thuốc đắng cho ra. Anh bảo: “Mày mang mầm hoạ mầm thù lớn lên trong nhà tao à? Giờ thì đây là nhà tao nhé! Mày đẻ nó ra để nó giết tao à?” Đúng là em muốn đẻ đứa con này ra để chuộc tội với Vàng Vả Pó lắm. Lại càng mong nó là con trai, mà nếu là con trai lại được đẻ ra thì là mầm hoạ đối với anh trai. Nó phải bị cắt cầu đến với thế giới người là đúng rồi. Em xin được ra khỏi nhà, đi một nơi nào đó chỉ có một mình để đẻ đứa con này ra, rồi nuôi dạy nó thành người họ Giàng, sẽ bảo nó như vậy. Nhưng ý nghĩ ngây thơ của em không thể được anh trai chấp nhận.

– Máu không thể chảy lẫn với nước, không hiểu điều ấy à?

– Hay là đưa đứa con này cho anh trai nó là Vàng Sì Lử nuôi?

– Đúng là đồ ngu, mày đã phản bội nhà chồng, nay lại muốn gieo mầm hoạ xuống nhà đẻ à? Mà tao có tìm thấy thằng Lử thì nó cũng phải lên đường theo bố nó nhé!

– Nhưng tôi muốn được chuộc lỗi.

– Mày đã được đưa hồn ma về lại nhà đẻ rồi, không phải nghĩ nhiều thế.

– Nhưng còn hồn ma đứa con này nữa, nó vẫn là dòng máu nhà Vàng.

– Uống bát nước này, nó sẽ theo hồn ma nhà Vàng đi luôn.

Thằng anh trai làm nước mắt em chảy cạn rồi, tưởng rằng đã được an ủi một chút để sống tiếp làm tròn những việc phải làm mà mãi vẫn chưa được thoả nguyện. Giờ được uống bát nước thuốc mẹ gửi em nhớ bát thuốc đắng thôi thai và đã đau bụng luôn rồi. Ruột muốn lộn lên, trào ra ngoài. Em kêu la khiến đám người hầu sợ quá không biết làm thế nào. Hình như từng khúc ruột đang đứt ra, cuống tim đang rụng và lá gan thì đứt từng mảnh. Em không hiểu sao mình lại đau đến vậy. Bọt mép trào ra từng đống làm em không thể kiểm soát được. Em gào thét, vùng vẫy vì đau. Em lấy sức để vùng vẫy thì càng lúc ruột càng đứt nhanh hơn, gan càng nát nhừ hơn. Mãi rồi em cũng hiểu rằng là do bát nước thuốc anh cho uống. Nhưng tại sao chứ? Là nước thuốc tốt mẹ gửi cho con gái cơ mà. Sao anh lại hại em? Em muốn gào lên cho mọi người hiểu nguyên nhân nhưng lưỡi đã cứng rồi, nói không thành tiếng nữa. Trí não em càng lúc càng tê liệt, song em vẫn hiểu được lại là một âm mưu của anh đối với dòng Vàng này. Em không còn là vật kết giao nữa mà là vật hy sinh cho âm mưu của anh. Em muốn nói đây là một âm mưu để hạ gục nhà chồng em. Anh sẽ vin vào tục lệ bắt đền để hại nhà chồng em đây. Hiểu ra thì em đã không thể nói mà thanh minh cho nhà chồng nữa rồi. Ngày mai thôi, anh sẽ thực hiện âm mưu để đạt mục đích đứng trên vị trí là chủ của cái dinh thự này nữa. Lần này thì không phải do em vô tình mà là anh cố ý hại nhà chồng em.

Anh đã không bằng lòng làm ông tổng giáp vùng Mèo Vạc mà muốn làm vua của cả vùng Đồng Văn bên này. Em không đủ sức tưởng tượng điều gì sẽ diễn ra trong âm mưu này nữa rồi. Em đã thành một hồn ma bay lên trên nóc dinh thự. Một hồn ma đã được gả vào nhà Vàng ở bên Mèo Vạc, rồi được chuộc ra để gả vào nhà Vàng ở mạn Đồng Văn. Đến giờ thì lơ lửng rồi, không biết đi hướng nào vì em chẳng thuộc một dòng nào cả.

Giàng Thụ Ngãi về đến Mèo Vạc không cần nghỉ ngơi đã thúc người hầu chuẩn bị ngựa xe để cả họ sang Đồng Văn. Bố mẹ già, vợ con, anh em họ hàng họ Giàng sẽ đi hết để bắt đền dòng Vàng giết con gái của họ Giàng.

“Á, à, cái thằng họ Vàng này ác ôn thật, dám giết vợ cơ đấy. Hắn tưởng hắn giàu có, hắn là vua thì muốn làm gì thì làm à. Dù gì thì vẫn là một thằng người Mèo thôi, vẫn phải tuân theo tục của người Mèo nhá.” – Hắn gào lên uất ức, căm hận vì mất một đứa em gái. Hắn nhồi vào đầu mỗi người trong họ rằng họ nhà mình bị coi thường, bị chèn ép khi không được nể nang gì. Cả họ phải kéo nhau sang đó đúng vào lúc đám ma đứa em gái mà bắt đền cho nhà nó tan nát cửa nhà mới hả. Cái tục lệ của người Mèo này khắt khe thế mà thằng họ Vàng dám coi thường được. Nhất định không phải em gái tự tử, vì hắn vừa đi thăm về em vẫn khoẻ mạnh và vui vẻ cơ mà. Nhất định là em đã bị giết.

Gào lên chỉ là để nhét vào đầu mỗi người sự căm thù đi bắt đền mà thôi. Hắn hiểu rằng cần phải huy động càng nhiều người kéo sang bên đám càng làm cho Vàng Sè Ly bối rối, lo lắng mà hành động một cách ngu ngốc. Rồi hắn sẽ là chủ nhà Giàng để đưa ra những điều bắt đền cho đứa em gái khốn khổ kia.

Một đoàn người ngựa dài loằng ngoằng men theo đường tắt mà đi cho nhanh. Sự khốn khổ của đoàn người đi bắt đền này sẽ thúc thêm sự căm thù, đúc thêm lòng oán hận đối với họ Vàng. Rồi nó sẽ bùng thành nỗi tức giận thiêu cháy cả thung lũng Sà Phìn.

Càng leo núi càng hăng, càng xuống núi càng mệt. Sự đau xót biến thành những tiếng gào khóc của đàn bà, sự tức giận biến thành chửi rủa của đàn ông. Âm thanh và tiếng động của đoàn người khoan vào não hắn đôi lúc làm hắn chờn chợn lo cho âm mưu của mình. Một lúc hắn nhủ, hay là thôi, không thực hiện nữa, kệ nhà nó làm ma cho con em ra sao thì ra, quay về an phận làm thằng tổng giáp có mỗi nhiệm vụ thu thuế nộp cho mấy thằng Pháp cho xong. Nhưng rồi lại nghĩ: “Liệu thằng Pháp có để cho mình yên không, mỗi năm chúng lại tăng thuế, bao nhiêu nương tốt chúng bắt trồng anh túc hết thì dân chết đói rồi chả còn người nào nộp thuế nữa. Đến thuốc hút dành cho mình cũng không còn nữa. Lòng tham và thủ đoạn của bọn chúng không bao giờ ngừng. Mà dù thằng Pháp không tăng thuế thì liệu thằng họ Vàng này có để cho mình yên hay rồi dần dần nó cũng biến mình thành thằng đi chăm nương thuốc hút, đi cầm thìa hầu cơm canh cho nó thì lúc ấy mình cũng chỉ là cái que đuổi lợn mà thôi. Không được, nhất định không, đã cưỡi ngựa không sợ gió, cưỡi ngựa không sợ sấm. Phải diệt họ Vàng thì mới có chỗ đứng cho ta.”

Hắn thúc đoàn người ngựa đi cả đêm. Mờ sáng hôm sau đã đến đầu thung lũng Sà Phìn. Đoàn người ngựa dừng lại đầu dốc chứ không xuống thung lũng. Mọi người nhao nhao bảo sao không vào đám, hoặc cho người vào báo để người ta ra đón. Hắn bắt tìm nhà nào trên đoạn ngã ba để ở nhờ chứ không vào đám. Mọi người nhao nhao: “Tại sao chứ?”

– Mọi người nghe tôi. Nhà Vàng đã không coi chúng ta ra gì, đã dám giết con gái nhà Giàng thì chúng ta sẽ vin vào luật lệ mà làm cho nhà nó đến khúc xương cũng không còn nữa.

– Ồ, thế thì đúng rồi. Chúng ta bây giờ cũng không còn là đám người hầu thuốc nữa. Họ Giàng đã là tổng giáp rồi thì phải được coi trọng chứ.

Hắn nhìn đám người nhất mực nghe lời tự cảm thấy hả dạ cho âm mưu của mình đã đi đúng đường. Một thằng được sai vào báo cho đám biết người nhà họ Giàng đã đến mau mau ra đón. Lại được dặn thêm, phải báo hẳn cho ông quản việc nhé, chứ không phải vớ được ai là nói. Thằng kia chạy đi, nửa buổi mới dẫn được quản việc nhà đám đến đón. Ngãi đứng đầu dốc ngóng. Thấy hai bóng thấp thoáng lên dốc liền vào ngay nhà Vừ Sính Vư đang ở nhờ nằm ra giường. Ông quản việc đến tận giường, lễ phép chào hắn và có lời mời vào đám. Nhà đám đã chuẩn bị người đủ để đón mỗi người đến đám. Hắn làm vẻ mệt mỏi bảo: “Dễ thế à? Không coi nhà vợ nó ra gì à?” Ông quản việc hiểu ngay rằng bị bắt bí đây song vẫn tỏ ra nhẫn nhịn mà rằng: “Thưa ông anh đằng vợ, nhà chúng tôi neo người nhiều việc trong lúc khó khăn này, nay mời ông cùng mọi người vào đám để chúng tôi đón tiếp cho xứng người nhà vợ quan.”

– À, cũng biết xếp chúng ta là đằng nhà vợ quan đấy à? Được thôi, nhưng chúng ta đang đau xót quá đây. Chúng ta cần được an ủi phần nào nên đã ở nhờ nhà ông Vư này để chờ người nhà quan ra đón.

Ông quản việc vẫn nhẫn nhịn nhưng đã tỏ rõ sẽ sòng phẳng theo yêu cầu của hắn.

– Vậy thì xin mời người nhà bên đây cho người nói chuyện để rõ chúng tôi sẽ đón thế nào ạ.

– Từ nãy đến giờ ông đang được nói chuyện với người đại diện đấy chứ không phải ai khác đâu. Ông hãy nghe cho rõ đây, nhà ấy định làm ma mấy ngày?

– Dạ, cũng định bảy ngày ạ!

– Được, bảy ngày thì bảy ngày. Vậy thì, chúng tôi sẽ ở đây đến ngày thứ bảy mới vào nhé!

– Ôi! – Ông quản việc giật mình ôi lên một tiếng bất ngờ. Ông không thể tượng tượng được cả nhà này lại ở nhờ nhà Vư đến bảy ngày thì sao mà phục vụ được nhưng cũng vẫn không biết phải đối đáp thế nào nên đành vâng dạ và hứa cho người phục vụ chu đáo không làm phật lòng đằng vợ nhà quan đã cất công đến đám. Nói rồi ông xin được nhận những việc họ Giàng đưa ra.

– Mỗi ngày chúng tôi phải được ăn ba bữa của nhà đám, lại thêm phần cảm ơn nhà Vư đây đã cho ở nhờ nữa nhé!

– Dạ, xin vâng theo ạ!

Ông quản việc hiểu như thế có nghĩa là mấy chục người nhà này sẽ ở nhờ nhà Vư để người nhà đám phục vụ để làm giảm sự đau xót vì mất đứa con gái ngoan. Từng này người là bao nhiêu rượu thịt đây. Thế là thêm một việc ông phải cắt đặt chu đáo. Phải rất chu đáo thì mới mong cả họ bớt giận. Việc cơm nước, áo quần và tìm người an ủi thì không lo lắng lắm. Mà cả họ này đưa ra yêu cầu ăn uống thế nào cũng sẽ không làm khó cho nhà Vàng. Bao nhiêu của cải cũng không đáng làm cho nhà Vàng giảm đi. Nhưng ông lo nhất là vật bắt đền. Hắn sẽ bắt đền cái gì đây? Chắc chắn sẽ không phải đền bạc, đền thuốc. Thằng Ngãi này sẽ nghĩ đến việc bắt đền vật gì đây chứ? Đoán trước để mà lo liệu cho chu đáo, chứ đến ngày cuối ra bãi nương rồi mà nhà hắn vào đám nói ra cái mà nhà Vàng không đáp ứng được thì làm khó cho việc chôn cất. Nhưng dù nghĩ nát óc, bàn thêm cả với những người giúp việc cũng chưa thoả vì ai cũng biết rằng thằng Ngãi không phải tay vừa. Trong mấy ngày đám, ông sừ quản trông coi việc nấu nướng là vất vả nhất. Ông đã phải tìm thêm mấy chục người chuyên việc nấu nướng phục vụ người nhà Giàng đang ở nhờ chờ vào đám. Bao nhiêu lợn, gà, cả bò nữa cũng đã được mổ để phục vụ ăn uống mà vẫn còn bị bắt nạt. Nhưng người làm phải nhẫn nhịn để không gây tức thêm cho nhà chúng. Vàng thì không quản đến việc làm ma, việc đón tiếp đằng nhà vợ, cũng chẳng quản đến việc ăn uống. Ông đã giao hết việc cho ông trúa trà quản việc rồi. Ông còn đang rối với việc tìm ra nguyên nhân cái chết bất ngờ của đứa vợ xinh đẹp. Mấy ngày nghĩ việc, điều tra thì cũng chỉ nghi cho thằng anh vợ âm mưu giết em để vin vào tục lệ bắt đền cho nhà mình sạt nghiệp, nhưng vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nên không thể lật ngược đám người đang ở kia bắt đền người nhà nó bị giết. Ông buồn bực quá. Cuối cùng ông cũng phải cáo với mọi người rằng con vợ mình tự tử mà chết chứ không phải do ông hay người nhà giết, chỉ có thế mới giảm được những thách đố của nhà nó. Nhưng ông cũng nghĩ rằng nhà ấy sẽ không đồng ý. Những gì nhà ấy đưa ra để bắt đền ông cũng không lo. Cũng như những người quan việc, ông lo cái bị bắt đền sẽ là cái gì mới là quan trọng. Thằng anh vợ quá cáo già. Nó đã làm đổ một cây thông to lớn ở rừng Mèo Vạc để ngồi vào chỗ chủ rừng thông, nay nó lại muốn làm chủ cả rừng thông Đồng Văn này nữa đây. Nhưng không thể để nó đạt được mục đích. Thằng Vàng Vả Pó đã thua hắn, ta không thể thua.

Ngày cuối của đám, đoàn người lục tục kéo nhau đến nhà đám. Người nào người nấy gào khóc váng trời, người nhà đám chưa ra đón đã ầm ầm phía cổng. Cờ hoa, cờ giấy bay phần phật trong gió, mùi hương toả át cả hương nhà đám, lợn chục con kêu eng éc, bò giống ò ò ẫm ĩ cả một khoảng trời. Từng nào người đến đám là từng ấy người ra đón. Người đón cờ hoa giấy, người đón rượu, đón gạo, người khiêng lợn, người dắt bò thì không quan trọng. Người cần lưu ý là người ra đón tay và dắt người vào khóc đám, biết chọn ai cho xứng đây. Dẫu biết rằng ai ra đón tay thì rồi cũng sẽ không làm hài lòng nhà ấy. Chúng sẽ bịa ra những vai vế, những xứng tầm để phê phán. Nhưng thôi đành cử những người đáng mặt nhất họ Vàng ra đón.

Đoàn người vừa kêu khóc vừa chạy rầm rầm vào đám làm cả đám bất ngờ. Ai ai cũng nghĩ họ sẽ đi từ từ mà khóc chứ không thể chạy thế này được. Mấy người qua ngưỡng cổng là chạy làm người đón giật mình chạy theo ngã dúi dụi. Trông thái độ của Ngãi,Vàng muốn đuổi khỏi đám quá mà không làm được, thế mà hắn lại còn đứng chắp tay mà cúng “Gia đình ngươi có việc, gia đình ngươi khóc không xong, gia đình ngươi khóc không hết, cả làng thương tiếc khôn nguôi, cả bản thương tiếc không rời, con cháu đau buồn không ăn được, con cháu đau buồn không uống được. Người ta đến người ta dắt con vật to, con vật nhỏ, rượu địu bước không nổi. Gia đình tôi đến chỉ mang ít rượu đến cầm ma khách, không sánh được với giọt nước mắt gia đình đã đón tôi.” Ai cũng tức, cũng điên với lời khóc của hắn nhưng biết làm thế nào được, đành để ông trùm dòng họ khóc đối cho đủ lệ: “Gia đình tang chủ tôi có việc, sao gia đình ngươi không đến người không, thăm hỏi thôi, không đến xem chúng tôi làm ma thôi, gia đình lại mang tiền bạc đến. Sau này khi người già tang chủ tôi khuất núi hết, chúng tôi phận con phận cháu sợ không đáp đền được ơn này thì gia đình ngươi sẽ mất trắng lễ vật này”. Vàng bực, chẳng thèm ở nhà trong nữa mà bỏ ra ngoài bãi nương. Không phải buồn vì mất vợ, cũng không phải lo vì lễ tang quá lớn mà là tức cái bọn nhà vợ vin vào phong tục bắt nạt người nhà Vàng trong đám tang. “Được rồi, xong đám tang ông sẽ cho chúng mày biết tay. Ông không bao giờ thừa nhận nhà giết người. Vàng Sè Ly này đã có gan đuổi thằng Pháp, đã có gan đứng trên mấy chục đầu ma thợ làm dinh mà lại thua cái thằng tổng giáp này á. Ông ngồi đây để chờ xem tí nữa cái chúng mày bắt đền là gì.”

Đám người đã đưa xác đứa vợ ra đám nương để làm ma ngày cuối cùng. Đoàn người nhà vợ cũng đã ra hết sân, những điều cần làm đã xong, giờ là lúc thầy cúng giao bò cho hồn vợ mang sang thế giới bên kia để làm ăn. Sau việc này, bọn nhà kia sẽ đưa ra yêu cầu bắt đền. Thằng anh vợ không thèm hỏi mình một câu. Được, không phải ngươi căm tức ta, cũng không phải ngươi thương xót gì đứa em. Ta đọc rõ âm mưu trong đầu ngươi. Sẽ bắt đền bao nhiêu bạc à, bao nhiêu thuốc à? Bao nhiêu ta cũng đền, những thứ ấy đối với ta không thiếu, mà dù thiếu hôm nay thì ngày mai ta cũng sẽ gom đủ trả cho họ nhà ngươi để không phải dính dáng gì đến nữa. Nhưng Vàng Sè Ly không thể ngờ được cái mà Giàng Thụ Ngãi muốn bắt đền lại là mổ thịt con ngựa ô mà mình đang cưỡi để làm ma. Ô, điều này thì đúng là tất cả mọi người dù thương xót hay căm giận cũng không thể nghĩ ra. Thằng này ác thật! Con ngựa này không phải là có giá về vật chất gì. Là nó đánh vào uy của mình. Con ngựa thân thiết đã theo mình từ ngày tập hợp lính đánh Pháp đến giờ. Nó đã qua bao nhiêu trận đánh với mình, đã thân thiết như thể anh em với mình cơ mà. Nay nó muốn mình giết để giao hồn ngựa cho hồn em nó mang đi là muốn tự mình giết mình để đi theo vợ đây. Nhưng biết làm thế nào đây? Hắn đã vin vào tục lệ để bắt nạt mình. Cả đám bất ngờ, cả đám choáng váng chỉ duy nhất Giàng Thụ Ngãi hả lòng hả dạ.

Vàng Sè Ly ngay lập tức hiểu rằng, sự bắt nạt nhà đám chỉ là màn bắt đầu cuộc chiến giành chỗ đứng cao nhất trên vùng Mèo này. Giàng Thụ Ngãi đã không chịu bằng lòng với chức tổng giáp vùng Mèo Vạc. Thực sự hắn có bằng lòng thì cũng không được thoả quyền mãi mãi khi chưa đuổi được thằng Pháp đi. Vậy thì hắn lo sợ cả thế lực của ta nữa là cũng đúng và hắn đã khiêu chiến trước. Ngươi không đến khóc đám mà là ngươi đến phá đám. Chính con em ngươi sẽ không được yên thân. Giờ mới là ma tươi thôi, để xem đến bao giờ ta làm ma khô cho em ngươi nhá. Khi ta chưa làm ma khô thì hồn ma em gái ngươi vẫn sẽ chỉ là hồn ma lang thang, chưa gặp được tổ tiên nhà ta thì ai là người xót xa hơn cả. Ngươi khiêu chiến với ta mà không nghĩ được ta sẽ phản chiến ra sao. Ngươi tưởng rằng ta cũng là một thằng tổng giáp nhỏ nhoi như ngươi sao? Ta sẽ để ngươi đợi ngoài nương đấy, để ta bàn với thầy Dùn và Pao việc này nên thế nào. Cả nhà ngươi sẽ vật vạ ngoài nương mà chờ.

– Thầy Dủn và Pao nghĩ hộ tôi việc này nên làm thế nào đây?

– Tôi không ngờ thằng này lại là con cáo rừng cao đến vậy. Nó đã đặt nhà ta vào tình huống khó xử thế này làm mất uy danh của anh quá. Thầy Dủn đã nghĩ được cách gì chưa?

– Ta sẽ để tự nó hại nó.

– Là sao?

– Chúng ta không đáp ứng yêu cầu này.

– Không đáp ứng thì làm thế nào?

– Anh Pao ra gọi ông chí dề vào đây cho tôi.

Pao không hỏi thêm gì, ra ngay ngoài nương gọi ông trùm dòng họ vào.

– Ông chí dề ạ! Không cần phải đáp ứng yêu cầu bắt đền này của nhà chúng nó. Ông ra bảo với nó là con ngựa của anh Ly đã bị ốm từ mấy hôm trước và chết rồi, nay không thể mang ra để tiễn đi cho bà hai nhà ta được.

Ô, Sè Ly và Pao quá bất ngờ với cách giải quyết này. Thế thì con ngựa sẽ đưa đi đâu đây? Rồi sau này không được cưỡi nó nữa à?

– Không sao cả! Tôi đã cho người mang con ngựa lên Khía Lìa giấu rồi, cả họ nhà nó đi tìm cũng không thấy đâu.

– Nhưng rồi chúng nó sẽ không dừng ở đây đâu ông Dủn ạ!

– Tôi biết, đến đâu tính đến đấy, nhưng ngay từ đầu không thể để nó bắt nạt một cách quá đáng như vậy được.

Đúng là Giàng Thụ Ngãi không thể nghĩ thằng em rể mình lại phản chiến như thế này. Hắn chỉ nghĩ được con ngựa này là uy quyền của một ông vua Mèo, đòi giết thịt con ngựa là hạ uy tín của Sè Ly chứ chưa thể làm cho nhà nó sạt nghiệp được. Con đường hạ gục nó còn dài và gập ghềnh phía trước. Không ngờ rằng, khó khăn đã ở ngay trước mặt.

Đám ma thế là giải tán mà mục đích của cái chết con em gái không đạt được. Đã thế, đoàn người ngựa hùng dũng, ầm ĩ đi đám ma nay chỉ còn là một con rắn gầy lặng lẽ trườn về Mèo Vạc mà đến một dẻ sương sườn nhà đám cũng không được người làm bếp trả lễ mang về. Giàng Thụ Ngãi cay cú làm đầu con rắn trườn về. Đến nhà Vừ Sính Vư vẫn phải dừng lại để vào cảm ơn. Nhưng cả nhà nó không một ai ở nhà. Ngãi hiểu ngay rằng nhà nó cố tình không thèm tiếp mình, không thèm cả đồ lễ cảm ơn. Nỗi uất hận dâng lên trong lòng, Ngãi mang đồ lễ ra đầu dốc xuống thung lũng Sà Phìn bày giữa ngã ba. Lễ này không phải để trả họ Vừ, lễ này là lễ đặt lời nguyền. Hắn sai người thắp hương để hắn cúng. “Từ nay, người họ Giàng và họ Vàng đời đời không chung đường, kiếp kiếp không cùng ma. Từ nay, người đi dưới thung người đi trên đường, mặt không bao giờ giáp mặt”. Lời nguyền đã được đưa ra, hương đã cháy hết và đoàn người lục tục bò ngoằn nghoèo về Mèo Vạc.

***

Sáng sớm ngày thứ 12, gia đinh người chết lên mộ lấy hai mảnh tre được đặt ở mộ đem về nhà. Hai mảnh tre này đựơc chuẩn bị từ hôm mang người chết đi chôn. Mảnh tre vót dài khoảng 20cm, rộng 2cm, buộc vào nhau đặt cạnh mộ, tượng trưng cho linh hồn người chết. Khi mang hai mảnh tre này về, thầy cúng phải làm lễ khấn gọi hồn người chết về để làm ma khô ở nhà. Về đến nhà, thầy cúng vừa đặt mảnh tre xuống nền nhà vừa khấn gọi hồn. Nếu mảnh tre đổ úp, nghĩa là linh hồn đã về đựơc đến nhà, nếu mảnh tre đổ ngửa là linh hồn ngưòi chết còn ở bên ngoài, thầy cúng sẽ phải khấn cho đến khi mảnh tre đặt xuống đổ úp mới thôi.

Lúc này, linh hồn người chết sẽ đựơc người nhà phục dựng thành hình một con bù nhìn có đủ áo quần và khăn vấn đầu, đặt đứng trong một cái mẹt rồi bắt đầu làm lễ cúng.

Lễ bắt đầu với bài khèn cúng “ma khô”. Thầy cúng đi vòng quanh nhà rồi mới vào nhà. Cơm, thịt, rượu để cúng là bát cơm, miếng thịt chín đầu tiên đựơc múc ra bát, đặt ngay ngắn trước con bù. Thầy đọc bài cúng, hết một lời cúng lại một lần rót rượu, xúc một thìa cơm, thịt mời linh hồn người chết ăn. Thầy khấn mời người chết về ăn để rồi ra đi thanh thản, không lưu luyến trần gian…

Lễ cúng diễn ra khoảng một tiếng. Thầy cúng lấy con bù nhìn trong mẹt ra, từ từ lăn cái mẹt ra khỏi nhà. Trong khi lăn, người Mông tin rằng nếu cái mẹt đổ ngửa là linh hồn người chết chưa đựoc siêu thoát, thầy cúng sẽ phải khấn lại và phải lăn cái mẹt thêm vòng nữa, cho đến khi cái mẹt đổ úp xuống đất mới thôi. Cái mẹt và con bù nhìn sẽ đựoc đốt để tiễn linh hồn người chết về thế giới bên kia. Ở xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang, đám ma khô của người Mông được tổ chức sau mười ba ngày kể từ khi chôn người chết hoặc bao lâu tùy vào điều kiện kinh tế gia đình. Người Mông quan niệm, phải chờ sau mười ba ngày thì người chết mới biết mình đã chết. Vì vậy mà đến ngày thứ mười ba, những thành viên trong gia đình tang chủ thường lắng nghe xem ma người chết có về không? Đồng bào cho rằng, người chết về không phải để dọa con cháu mà về nhà để thu dọn lại dấu chân, đồ đạc và thăm nhà lần cuối. Đám ma khô được chuẩn bị rất chu đáo từ việc thông báo cho họ hàng nội – ngoại đến việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các đồ cần cho buổi lễ. Người Mông không có ngày giỗ như dân tộc Kinh mà đây là lễ cuối cùng của người sống cúng cho người chết, tiễn hồn người chết vĩnh viễn về với tổ tiên. Khi làm ma khô xong đồng nghĩa với việc trong bữa cơm sẽ không gọi người chết ăn nữa. Vì vậy, các nghi thức trong đám ma khô luôn phải đầy đủ, cẩn trọng. Thời gian đám ma khô phụ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình mà quyết định ngày, giờ làm.Việc đầu tiên là gia chủ gọi anh em dòng họ, anh em trong jiaol (xóm, thôn) đến uống rượu bàn bạc ngày tổ chức, phải tránh trùng ngày giờ chôn cất. Sau đó, gia đình nhờ những người trong ban tang lễ cũ đi mời thấy cúng, thầy khèn, kèn, trống, những người trong ban giúp việc tang lễ (phải là đội hình cũ lúc đám ma tươi). Khi đội giúp việc đến, gia đình phải quỳ lạy rót rượu mời họ uống như lúc làm ma tươi. Gia đình chuẩn bị một cái nia mới đan bằng tre có hình nộm và lấy cái áo của người chết khoác vào hình nộm đó, tựa như người chết đang ngồi. Ngoài ra còn phải chuẩn bị ba cái bánh ngô nếp hình tròn, ba cây sơn lấy cả gốc, một con chó đen, một rổ hạt ngô, hạt tam giác mạch, hạt đậu đủ các màu, một đôi gà thịt chặt nấu sẵn. Lễ làm ma khô bắt đầu với bài thổi của khèn, kèn, trống và ông truaz trax (người chủ trì trong đám) cúng, đi từ bếp củi sang bếp lò rồi đến giữa nhà, vừa cúng vừa rắc hạt ngô, đậu, tam giác mạch. Khi đi đến ngoài cửa, thầy cúng úp rổ ngô, đậu, tam giác mạch xuống bên phải cửa, sau đó cho phép người giữ chó dắt chó đi đến ngã ba đường-nơi có bó đuốc mà hôm đưa người chết đi chôn để ở đó. Ông chủ trì bảo hai người anh em tay cầm nỏ, con dao đi lên mộ đón người chết về. Hai người này đến mộ nói: “Người chết ơi, hãy dậy đi, hôm nay gia đình anh em đón người về nhà ăn uống làm lễ thả hồn cho người”. Tiếp đến, hai người đi ba vòng quanh mộ rồi về chỗ cũ bốc một nắm đất trên mộ mang thẳng đến chỗ ngã ba, nơi mọi người đang chờ ở đấy. Còn ở nhà sau khi cúng xong, người cầm bút chỉ đường đi trước, sau đó đến người cầm cơm, rượu thịt (là anh em ruột thịt), thầy khèn, kèn, sau đó đến người khiêng cái nia có hình nộm, đi sau cùng là con cháu, anh em trong jiaol. Đến ngã ba đường, nơi có bó đuốc thì mọi người dừng lại để hình nộm giữa đường, hai thầy khèn, kèn đứng đó thổi bài “Đón người về”: “Gầu pli đâur pli/ Mọi tháng mọi năm/ Gầu khèn vẫn treo vách nhà/ Năm nay gầu khèn mới rền rĩ/ Mới đi mời được gầu pli đâur dậy từ huyệt ra/Mọi tháng mọi năm/ Đrâu trống vẫn treo vách tường cao/ Năm nay đâur trống mới kêu ầm vang/ Mới đi mời gầu pli đâur dậy từ giữa mồ”… (Những bài khèn của người Mông ở Hà Giang – Hùng Đình Quý) Có một số họ dắt con chó đến ngã ba đường thì thịt con chó ở đó và lấy ba cây gai hoặc cây sơn cắm vào sau chỗ thịt con chó, ý là để chặn người chết không đi qua mất. Hai người lên mộ đón người chết về mang nắm đất cho vào cái nia. Anh em rót rượu quỳ lạy cảm ơn hai người. Thầy cúng lúc này bắt đầu chỉ cho người chết nước rửa mặt, cúng cơm thịt cho người chết ăn. Số thịt gà còn lại, thầy cúng lấy mấy miếng mời người già, trẻ con. Mọi người ăn xong, thầy cúng lại mời người chết uống rượu: “Đã đón được người rồi, người đã ăn đã uống rồi bây giờ xin phép đưa người về nhà làm lễ”. Nói xong, thầy bê hình nộm lên, dẫn đầu vẫn là người cầm nỏ, dao dọn đường, người cầm bút chỉ đường, đến người cầm chai rượu, đến hình nộm, đến thầy khèn, kèn, đi sau là con cháu anh em jiaol. Vào nhà, nếu người chết là đàn ông thì mang hình nộm sang bếp củi, nếu là phụ nữ thì mang sang bếp lò, đặt hình nộm xuống cái bàn đã để sẵn, thầy cúng lấy bút chỉ đường, rót rượu cúng mời gọi hồn người chết. Cúng xong, tất cả anh em, con cháu quỳ xuống cạnh hình nộm òa khóc.Thầy cúng tiếp tục rót rượu cúng. Thầy khèn, kèn phải thổi bài “đón người chết về nhà”, mỗi lần thổi xong một đoạn, các thầy phải đi vòng quanh ba vòng, lúc đó thầy cúng phải đọc bài “Hu gâux” nghĩa là niệm hồn về, sau đó lại cúng cơm mời rượu hồn người chết rồi xin phép đưa hình nộm ra để giữa nhà. Khi đưa ra giữa nhà, anh em, con cháu lại quỳ khóc tỏ lòng thương xót. Ông chủ trì và ông tổng quản lấy một con gà trống màu đỏ cúng cái trống. Giống như lúc đám ma tươi, khi giết mổ con vật gì hay ai mang đến con vật gì cúng cho hồn người chết thì trước khi thịt phải cúng người chết trước, họ lấy một sợi lanh dài 20m buộc vào tay áo hình nộm đến con vật giao cho hồn người người chết và cúng: “Con (tên người mang lễ vật) cúng dâng ông một con (bò, lợn, dê,…), ông (bà) đem về dưới âm làm vốn, còn để lại ba trăm sáu mươi con để lại cho con cháu làm ăn, làm uống”. Lúc đó, thầy khèn, kèn sẽ phải thổi bài “Giao con vật”. Cứ mỗi lần cúng cơm xong, con cháu phải đứng dưới hươv sangx (cầm hương để lạy) tỏ lòng thương nhớ người chết. Cũng giống như lúc đám ma tươi, gia đình tang chủ sẽ phải đi mời bà cô, ông bác, chú dì bên nội, ngoại đến dự lễ, còn những khách khác bằng vai người chết thì chỉ cần thông báo. Khi khách đến, ông tổng quản sẽ phải bố trí người đón khách và hành lê, người hơi cúi, hai tay đưa lên xuống hoặc nắm tay nhau quay vào phía hình nộm và cùng nhau nói: “Gia đình tang chủ tôi có việc, sao gia đình ngươi đến không đến người không thăm hỏi thôi, không đến xem chúng tôi làm ma thôi, gia đình lại mang tiền bạc đến. Sau này khi người già tang chủ tôi khuất núi hết, chúng tôi phận con phận cháu sợ không đáp đền được ơn này thì gia đình ngươi sẽ mất trắng lễ vật này” (bản đã dịch).Người khách sẽ cùng đáp lại: “Gia đình ngươi có việc, gia đình ngươi khóc không xong, gia đình ngươi khóc không hết, cả làng thương tiếc khôn nguôi, cả bản thương tiếc không rời, con cháu đau buồn không ăn được, con cháu đau buồn không uống được. Người ta đến người ta dắt con vật to, con vật nhỏ, rượu địu bước không nổi. Gia đình tôi đến chỉ mang ít rượu đến cầm ma khách, không sánh được với giọt nước mắt gia đình đã đón tôi” (bản đã dịch).Lúc sắp thả ma hay thả hồn người chết đi, thày cúng lấy ít lông con vật, thái bánh ngô nếp thành từng miếng nhỏ nói chuyện với hồn người chết. Nói xong lấy tất cả các thứ trên trộn vào cơm cúng cho người chết với ý nghĩa cả anh em trong jiaol cúng cho người chết ăn, cúng xong rót ba lần rượu cho hồn người chết rồi tung bút chỉ đường. Nếu hai mảnh úp thì người chết đồng ý đi. Người cầm dao, nỏ, bút chỉ đường đi trước, người cầm chai rượu, người con dâu cầm bó đuốc, đến thầy khèn, kèn, đến hình nộm, anh em con cháu trong jiaol đi sau cùng. Đến chỗ ngã ba cũ đặt hình nộm xuống, thày cúng lại rót rượu cúng bài cúng “tiễn biệt”. Lúc thầy cúng vừa dứt lời, mọi người tranh dành nhau những cái bánh trong cái nia của người chết, thầy cúng cởi áo, khăn trên cái nia xuống đưa cho người nhà mang về, một người ném bút chỉ đường nếu hai mảnh úp nghĩa là hồn người chết đồng ý đi thì người kia cầm cái nia lăn mạnh đi. Đến đây, chấm dứt giữa dương và âm, giữa người sống và người đã chết. Đám ma khô của người Mông trắng ở xã Xà Phìn là nghi lễ và ứng xử để lý giải cho quá trình siêu thoát, sự tồn tại, trưởng thành của linh hồn ở thế giới bên kia, phù hợp với tín ngưỡng của đồng bào về vũ trụ, Điều quan trọng hơn cả là tang ma thể hiện đạo hiếu, đạo lý của con cháu đối với cha (mẹ), biểu hiện sâu nặng tình cảm, sự sẻ chia của người thân, gia đình và cộng đồng, củng cố đạo đức, đạo hiếu – những điều rất cần cho xã hội hiện đại hôm nay. Vì vậy mà các nghi lễ trong đám ma khô của người Mông ở xã Xà Phìn là cách lý giải hết sức lôgic, hợp lý cho con đường đi của linh hồn từ cõi sống về cõi chết, thực sự an ủi người sống, thực sự để người sống yên tâm lao động sản xuất.

Cảnh làm ma khô cho bố – lý giải tục làm ma khô, sau nghĩ làm ma cho bố cần nhiều tiền mà giờ chưa có – tâm lý làm chủ, xưng vương trỗi dậy, và nghĩ phải đặt ra các thứ thuế – Chiến thắng gầm đất trời. Đất Giao Chỉ có vương nữ đầu tiên, trăm họ suy tôn Trưng Trắc là vua, đóng đô ở đất Mê Linh.

CHU THỊ MINH HUỆ

(Còn tiếp)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *