Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Tiểu thuyết Nguyễn Trọng Văn – Kỳ 1

MỘT

VHSG- Đêm vụt tiếng kêu “éc” của một con chim lợn bay ngang qua.

Ông Thanh giật thót người. Mồ hôi vã ra thành hạt. Đầu tiên mồ hôi vã ra ở trên trán rồi tiếp theo là vã ở dưới lưng. Trong giây lát khắp người ông bỗng ướt đầm như vừa ngoi ở dưới ao lên. Ông Thanh bật choàng ngồi dậy, trống ngực đập thình thịch. Bần thần hồi lâu mãi không nghĩ ra mình đang ở đâu. Không gian trong buồng giam đặc quánh những giấc ngủ. Chốc chốc lại rống lên tiếng ngáy của ai đó. Tiếng ngáy kiểu cố lên, tiếng ngáy nghe ằng ặc, đứt từng quãng ngắn, nghe như một người đang bị một người khác khi ngủ mệt đã vung cánh tay chẹn ngang cổ họng. Liếc mắt nhìn xung quanh như để xem xem có ai cũng bị đánh thức đột ngột như mình không. Không một ai cả, buồng giam lúc này như một chiếc tổ kén bọc kín bưng. Ông Thanh xoay người nhìn xung quanh thêm một lần nữa. Hình như tiếng kêu của con chim lợn vừa bay ngang qua chỉ có mỗi mình ông nghe thấy? Nét mặt phân vân, bàn tay ông quờ quạng như để kiểm chứng là mình đang tỉnh hay đang mê, bàn tay ông vô tình đè nghiến mạng sườn của người bạn tù nằm bên cạnh. Người đó rên ư ử, lẩm bẩm như chửi ai, rồi ưỡn người duỗi thẳng chân, rồi lại ngủ tiếp.

Nhà văn Nguyễn Trọng Văn

Từ hồi tối đến giờ ông Thanh luôn ngủ những giấc ngủ chập chờn. Giấc ngủ ngon và sâu đã lâu rồi không đến. Những mỗi khi màn đêm buông xuống đối với ông là những đêm vật vã, ông không dám cựa mình để đổi tư thế nằm bởi mỗi khi cựa mình ông lại chạm vào người nằm bên cạnh nhưng cứ nằm mãi một tư thế trong giấc trằn trọc thì cũng khác nào đang chịu cực hình. Ông rất thèm ngủ nhưng lại không dám ngủ. Sự vô lý này đêm nào cũng tới. Thức thì mệt bã người mà ngủ thì những giấc mộng mị chập chờn nhưng ào ào kéo đến ngay khi ông vừa chợp mắt. Những giấc mộng mị vừa xa lạ vừa gần gũi khiến ông không phân biệt được đâu là thực đâu là mơ.

Ngồi mãi cũng thấy nản, trời còn lâu mới sáng. Ông Thanh dón dén đứng dậy, rõ ràng đôi tai ông vừa bắt được tiếng con chim lợn kêu. Tiếng con chim lợn đi ăn đêm bay ngang qua kêu tiếng “éc” rồi im bặt. Bàng hoàng như người không xác định được đâu là ranh giới giữa đêm với ngày, ông Thanh ngồi im ngơ ngác thêm mươi phút nữa rồi mới tạm thấy tỉnh đôi chút. Ông sờ soạng nhưng lần này đã có ý hơn để không làm phiền người bên cạnh, ông tìm cách đứng dậy. Ông đứng vô hồn, rồi như vô định ông đưa bàn tay phải rê rê lần theo mảng tường cố vơi với lên ô cửa thông gió kiêm thông sáng ở tít trên cao. Ô thoáng đó rộng chừng ba mươi ba nhăm phân, cao chừng hai mươi phân, nó lại được ken đặc hàng song sắt cắm dọc cắm ngang, những chiếc song sắt to bằng ngón tay cái đã chia ô thoáng thành nhiều ô nhỏ. Những ô nhỏ ấy dường như chặn hết mọi luồng ánh sáng nếu chúng muốn lọt vào buồng giam. Những khi tươi tỉnh hay muốn xem xem bên ngoài thế nào ông Thanh thường ngước nhìn lên ô thoáng. Ông cố lọc trong ánh sáng nhờ nhờ đang cố tình chui qua ô thoáng để đoán định thời tiết ở ngoài ấy. Đêm nào trời quang mây rạng, ánh sáng từ những ngôi sao hắt vào buồng giam tỏ hơn tuy nó bàng bạc và lành lạnh. Đêm nào thời tiết u ám hay mây mưa phủ kín, ánh sáng mù mù nhìn mà không đếm được trên cái ô thoáng vốn nhỏ ấy hàng song sắt đã chia nó ra thành bao nhiêu ô nhỏ khác.

Đứng kiễng chân chập dài đến đau cứng mười đầu ngón chân mà ông Thanh vẫn không tài nào với được tới ô thoáng. Thực ra ông Thanh thừa biết, ông có với cả ngày cũng không tới được chỗ cần với bởi ô thoáng đó đã được đặt ở vị trí rất cao trên bức tường. Giả thử bây giờ có hai người đàn ông đứng công kênh nhau cũng còn lâu mới chạm tới mép dưới của ô thoáng nữa là lúc này đây ông chỉ có mỗi mình. Nhưng rõ ràng ông vừa nghe tiếng con chim lợn đi ăn đêm về vừa bay ngang qua cất tiếng tiếng kêu khô khốc. Tiếng chim lợn kêu “éc” nghe thoảng lạnh và chờn rợn đủ giúp ông dứt hẳn cơn ngủ lơ mơ. Ông Thanh cố với tay hy vọng là nắm được hay chí ít là chạm tới tiếng con chim lợn, ông muốn xua đuổi, muốn lấy tay bịt tiếng kêu ấy đi bởi với ông tiếng kêu ấy gần như là một sự ứng báo cho một điềm gở sẽ tới với chính ông.

Thất vọng, ông Thanh lại ngồi xuống. Ông ngồi bệt một cách cẩu thả, co gập đôi cẳng chân. Ông ngồi thu lu trên chiếc chiếu cói cũ mèm, thâm đen vì mồ hôi, chính chỗ mồ hôi của ông làm thâm đen chiếc chiếu, nó in lằn hình người nằm trên đó. Đã chớm thu, hơi lạnh ngấm từ bệ xi măng lên sống lưng buôn buốt. Dạo này ông Thanh thấy đầu những ngón chân ngón tay của mình bứt dứt như muốn tuột ra. Nó vừa ê ê vừa buôn buốt khiến ông liên tục vặn vẹo. Mỗi lần vặn vẹo là mỗi lần đốt xương bị bẻ kêu đánh khục. Đó là thứ âm thanh ông còn cảm nhận được, nó nói lên rằng ông vẫn còn cảm giác là người thật.

Ngồi phủ phục, tâm trí lãng đãng không ra vui chẳng ra buồn. Sáu tháng đủ để ông Thanh quen được với những mảng tường xám lạnh. Sáu tháng đủ để ông Thanh biết rằng mọi cơ hội đã hết. Không còn cơ hội nào nữa ư? hình như ông Thanh vừa tự hỏi. Không có một chút âm thanh nào đáng được gọi là tiếng nói của người đáp trả lời. Khu trại giam vào ban đêm càng thêm sâu thêm tĩnh lặng bởi nó nằm lọt gọn giữa một cánh rừng bạch đàn hơn mười năm tuổi. Những bóng cây bạch đàn cao, thẳng, thân vỏ màu trắng, đứng ngạo nghễ như những hàng rào ngạo nghễ. Thân cây bạch đàn ướt đẫm sương đêm làm tỏa ra thứ mùi hương thơm như mùi lá chanh bị vò. Cả cánh rừng bạch đàn lúc này cũng đang chìm sâu trong giấc đêm. Một ngày đã sắp trôi qua, lại một ngày nữa lại sắp đến. Nghĩ tới chuyện đêm qua ngày tới làm tâm trí ông Thanh càng thêm não nề. Sáu tháng đủ để ông quen với thực tại nhưng cũng đã sáu tháng ông Thanh vẫn chưa hết bàng hoàng. Sự việc diễn ra không như ông nghĩ. Ông đã nghĩ nó chỉ là cái gì đó tạm thời chứ đâu sẽ vĩnh viễn chấm dứt mọi cơ hội. Sự việc diễn ra không như người ta đã nói với ông. Một cảm giác bị đánh lừa làm ông xa xót tự trách mình dại dột. Nhưng trách mà làm gì được nữa. Sự dại dột đã đẩy ông vào một tình cảnh khó tháo gỡ.

Mình đã là một con người độc ác ư? mình đã là một con người bị xã hội lên án ư? mi xứng đáng như vậy lắm. Ông Thanh buông tiếng thở dài. Đêm như kẻ đồng lõa với nỗi trống trải. Đêm như kẻ chung tình với sự cô đơn. Nhưng đêm lại không cho ông một chút an ủi. Lại hóng tai lên phía ô thoáng. Tự dưng lúc này đây ông Thanh lại thèm được nghe lại tiếng kêu “éc” của con chim lợn đi ăn đêm về ngang qua. Loài chim lợn thật khó lường. Chúng chỉ cất một tiếng kêu rợn gáy rồi im bặt. Không cho người ta nghe lại để phân biệt đó là tiếng chim thật hay chỉ là ảo giác âm thanh. Không cho người ta nghe lại để xác định tiếng kêu đó ở gần hay ở xa. Tiếng kêu “éc” khô khan, gọn lỏn và độc địa.

***

Sinh năm 1961, tuổi Tân Sửu, có nghĩa là lúc này mình đã bốn mươi ba tuổi. Tự dưng ông Thanh lại nghĩ đến tuổi tác. Cũng phải thôi, đêm mà không ngủ được thì con người ta thường hay lo xa, con người ta thường nghĩ từ lúc này đến lúc chết sẽ còn bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng nữa. Tự dưng ông Thanh lại nghĩ đến cái ngày chính là mình bị chết chứ không phải người đàn bà cùng làng với ông đã bị chết. Người đàn bà kém ông tám tuổi đã chết thảm bởi những nhát dao đâm chí mạng. Người đàn bà đơn thân đã chết nằm lạnh cứng bên cạnh đứa con trai nhỏ, nó mới mười tháng tuổi. Thằng bé bị đánh động khóc giẫy lên, lăn tuột khỏi giường, theo bản năng có tính tồn vong, nó trườn về chỗ người mẹ đang nằm, nó tru tiếng khóc gào sữa mẹ.

Ông Thanh nhắm tịt mắt lại. Đầu ngoáy liên tục như cố xua đi hình ảnh người đàn bà làm mẹ đơn thân nằm bất động dưới nền nhà ướt lạnh. Người đàn bà mà từ thân thể đang toát lên mùi sữa thơm ngậy. Mùi sữa mẹ trào từ đôi bầu vú căng đầy, những giọt sữa chảy tràn phung phí dính đọng trên ngực. Sữa chảy tràn trong khi đứa con đang gào khóc đòi bú liên tục ré lên. Ông Thanh lại ngoáy đầu thêm nữa, ông cố gắng xua đi hình ảnh người đàn bà với những vết dao đâm ngang sườn. Máu phun ra xối xả. Máu phun ra, máu chảy thành dòng xuống đất, máu phun ra lẫn với những giọt sữa đang chảy. Mùi máu tanh tanh mằn mặn nhanh chóng lấn át mùi sữa thơm ngậy.

Đúng rồi! Ông Thanh “á” lên. Đúng rồi, vào đúng thời khắc ấy có tiếng con chim lợn kêu ngang qua. Tiếng con chim lợn kêu trong đêm bao giờ cũng đi kèm với việc trong làng này sẽ có một ai đó vừa mới chết hoặc một ai đó sắp chết. Loài chim lợn chuyện săn chuột trong đêm rất thính với những âm khí. Người sắp chết âm khí nặng nề bao quanh chỗ người ấy nằm. Con chim lợn đậu im lìm như một người ngồi ngủ gật. Con chim đậu trên một cành cây cao gần đó giương to đôi mắt xanh quắc rình rập và chờ đợi. Người vừa chết linh hồn thoát khỏi xác nhẹ như một làn gió bay vút lên cao. Loài chim lợn cũng vội vã bay vút theo làn âm khí đó để lấy lại nguồn năng lượng sắp mất. Chúng nạp năng lượng cho mình bằng cách lấy lại năng lượng bỏ đi của con người. Có lẽ vì thế nên chim lợn rất tinh ranh. Chúng có trí khôn và nhanh nhẹn hiếm có. Trong màn đêm đen kịt đôi mắt to, tròn, đôi mắt màu xanh ma dại và sáng quắc của chúng nhìn xuyên thấu màn đêm. Hình như tinh khí của một con người vừa mới chết đã  được con chim lợn thu nạp và chính thứ gọi là tinh khí của người đó đã giúp nó trở thành một loài chim có bản lĩnh săn bắt độc đáo trong màn đêm sâu đen. Nó cất tiếng kêu “éc” báo hiệu sự nhận biết đặc biệt ấy rồi bay vụt qua, đường bay của nó nhanh và vụt lạnh đến dựng tóc gáy.

Hãi hùng hiện trên nét mặt, ông Thanh cảm thấy sợ hãi, toàn thân ông run lên như phải lạnh, ông lấy hết sức cố gắng thu gọn hai chân lại. Sự đơn độc làm tăng thêm sự sợ hãi. Ông Thanh cố thu mình hơn nữa trên chiếc chiếu cói đã bắt đầu thâm cũ, ông tự tìm cho mình một chỗ để bấu víu. Chiếc chiếu đã cũ và cứ động mạnh là rụng dời từng chiếc cuống chiếu. Cuối cùng như đã cảm thấy đôi chút yên tâm, ông Thanh lần tay nhặt từng chiếc cuống chiếu vừa rụng để gom trên lòng bàn tay. Ông Thanh lẩm nhẩm đếm và mỗi câu đếm lại càng thấy thêm sự trống trải. Hình như những gì gần gụi nhất cũng đang dần bỏ ông mà ra đi? Hình như mũi ông vừa ngửi thấy mùi tử khí? Thứ mùi khăm khẳm thật khó giải thích khiến ông lợm giọng. Thứ mùi mà ông đã từng ngửi thấy. Hình như trong trại giam này có người tù nào vừa chết. Hình như trong trại giam này có ai sắp chết. Tiếng con chim lợn kêu lạnh tanh và dửng dưng như người khách qua đường. Nhưng tiếng kêu ấy không vô tình. Ông Thanh chợt nghĩ như vậy và nhắm hai mắt lại hòng xua đuổi ý nghĩ về những cái chết đang đến. Trước mắt ông lại thấp thoáng hình ảnh người đàn bà cùng làng kém ông tám tuổi đang nằm sóng sượt. Máu đã thôi phun chảy, máu đã khô cứng lại, thâm sì và chét cứng bên cái thân xác đàn bà trắng lồ lộ, rách bươm áo quần. Trong cái dáng nằm bất động ấy ông Thanh vẫn hình dung ra một thân hình đàn bà nằm hớ hênh, ông vẫn hình dung ra vẻ mời gọi đầy nhục dục của thân xác.

***

Sáu tháng qua ông Thanh chưa lúc nào xua được nỗi ám ảnh về cái chết của người đàn bà cùng làng ấy. Nó đeo đẳng lòng ông mỗi khi ông chập chờn ngủ. Cái chết của một người này là nỗi tiếc thương của người khác. Cái chết của người này là nỗi đau, là nỗi cơ khổ của một người khác. Ông Thanh đang đau nỗi đau về cái chết của người đàn bà cùng làng kém ông tám tuổi. Người đàn bà làm mẹ đơn thân nằm sóng sượt dưới nền nhà. Máu phun ra lênh láng bên những giọt sữa chảy ra từ đôi bầu vú căng đầy.

Mình bây giờ khác nào một người bỏ đi. Ông Thanh cho là như vậy. Sáu tháng ngồi trong buồng giam là sáu tháng ông luôn tự dằn vặt, luôn tự đặt những câu hỏi, luôn tự tìm những câu trả lời mà không khi nào ông có câu trả lời thỏa đáng. Chỉ tới khi mệt quá ông thiếp lả đi thì ông mới tạm nguôi ngoai. Nhưng mỗi khi ông mệt quá thiếp lả đi thì trong đầu óc của ông lại chập chờn những giấc mộng mị lạ lùng. Ông vừa nằm mơ được đến một nơi quen quen. Một nơi chưa bao giờ ông được đặt chân tới nhưng hình ảnh của nơi đó hiện rõ mồn một trong đầu ông. Một nơi thấy có cảm giác như đã quen quen nhưng rất xa xôi. Ông Thanh mộng du trong mộng mị.

Trời nhập nhoạng tối. Cuối thu, bóng tối lại đến càng nhanh. Mới gần sáu giờ chiều mà màn đen đã bao trùm lên mọi con đường nhỏ nhất. Mặt người cũng như nhọ đi rất khó nhận ra nhau rằng quen hay lạ, rằng trai hay gái, rằng trẻ hay già. Ông Thanh mệt mỏi đẩy chiếc xe đạp ngược đoạn dốc ngắn, dốc này không cao, người bình thường chẳng coi đó là con đường dốc nhưng lúc này với ông Thanh nó lại như cao lên. Cả ngày nay ông đã phơi mình ngoài trời hanh nắng nên khá mệt. Đôi bên giá đèo hàng là đôi can nước loại can nhựa hai mươi lít, đôi can đầy nước ông vừa đong bên chiếc giếng ven đường. Chiếc giếng này tuy nhỏ nhưng bù lại nước trong và mát.

Nhọc nhằn vừa đẩy xe vừa thở, mỗi bước chân của ông nện trong bóng tối nghe thậm thịch như những bước chân trâu. Từ đoạn đường dốc này về tới nhà ông chừng còn mươi mười lăm phút đẩy xe đi bộ nữa. Mươi mười lăm phút để ông thấy cần phải cố sức. Mệt và đói, cả ngày hôm nay ông đã cùng bà vợ phơi trần ngoài sân vận động. Cái sân lép nhép những nước với cỏ này ngày thường là chỗ cho bọn trẻ trong làng chạy đuổi nhau mấy ngày nay nhường chỗ cho những trận thi đấu bóng đá. Gọi là “bóng đá làng” nhưng ở cái làng quê chưa tối đã đêm này thì mấy hôm nay khác gì làng mở hội. Những trận đấu bóng đá nhoe nhoét bùn đất lại là cơ hội cho bà vợ ông tranh thủ kiếm tí chút. Bà tranh thủ đun nồi nước chè xanh đem bán cho người xem lẫn người chơi. Thế mới có chuyện mấy ngày nay cứ chiều buông, trận đấu tan là ông lại xuôi con dốc ngắn xuống cái giếng nhỏ ven đường đong đầy hai can nước. Nước ở cái giếng nhỏ ven đường này xem ra lại nấu lá chè xanh rất hợp. Màu nước chè xanh ngắt lại trong veo để vừa đủ nguội dễ uống mấy bát vẫn thấy thèm.

Ông Thanh đã lên tới đỉnh dốc, đoạn này tương đối bằng phẳng bởi người dân trong làng đã san nó lấy chỗ dựng lên mấy túp nhà. Bóng tối bủa bưng, le lói ánh đèn hắt ra từ căn nhà nhỏ ngay giữa đỉnh dốc. Ngôi nhà nhỏ này không lạ không vì bởi mấy hôm nay ông Thanh thường qua lại, mà bởi chính trong ngôi nhà nhỏ ấy có cô Thoan. Cô Thoan người là gốc ở làng này nhưng lại mới mẻ. Một người đàn bà chừng ba mươi tư ba mươi nhăm tuổi, da trắng hồng thứ nước da của những người đàn bà mới sinh nở lần đầu và còn đang trong thời kỳ cho con bú. Một chút tò mò chợt lóe trong cái đầu mệt mỏi của ông Thanh. Mình có  nên lại gần xem xem không nhỉ? Tiếng là người cùng làng nhưng kỳ thực cô Thoan mới trở về làng không lâu. Người đàn bà quá lứa trở về làng cùng với đứa con trai còn đỏ hỏn trên tay từng làm rộn lên bao lời eo xèo bàn tán. Một người đàn bà không chồng, tha hương đâu đó bỗng nhiên trở về làng đem theo một hình hài bé nhỏ. Những lời eo xèo bao giờ cũng dừng lại ở câu hỏi không có lời giải đáp rằng “ai là cha” của đứa trẻ. Với cái làng quê thuần phác này thì tự dưng trong làng có người đàn bà sinh con mà không rõ ai là chồng luôn là điều kích thích đám đàn ông trong làng bàn tán. Kích thích đám đàn ông lân la tìm cách làm quen và gạ gẫm. Với suy nghĩ của họ thì hễ đã là đàn bà như vậy sẽ rất dễ tính, rất lẳng lơ và rất khao khát đàn ông.

Ông Thanh lưỡng lự. Nói gì thì nói ông đã khi nào tường mặt cô Thoan đâu. Mặt mũi người ta ngang dọc còn chưa rõ nói gì tới chuyện nhận xét hay đánh giá tư cách. Nhất là sự đánh giá đó thuộc về đánh giá đạo đức. Dựng chiếc xe đạp bên một gốc cây, ông Thanh thong thả bước lại gần ngôi nhà nhỏ. Bên trong vắng lặng, nếu không có ánh đèn le lói lọt qua khe cửa thì ông Thanh đã dừng lại. Nhưng ánh sáng le lói cứ như mời gọi, nó xui đẩy ông Thanh them từng  bước lại gần hơn.

Người bạn tù nằm bên cạnh chắc là ngủ mớ, ông ta cất tiếng gọi ú ớ. Tiếng gọi ú ớ làm ông Thanh bừng người. Thì ra ông vừa thiếp đi trong một giấc mộng mị. Chưa ra khỏi bàng hoàng, ông Thanh lại cố co hai cẳng chân thêm sát vào bụng, ông ngồi dúm dó sát tường. Nửa đêm về sáng không khí càng thêm lạnh. Khí lạnh bên ngoài thấm qua mảng tường và từ mảng tường xâm nhập cơ thể, nó đã chia thân thể ông Thanh làm hai phần. Phần lưng dựa sát tường lạnh toát như chà bị nước đá. Phần bụng nóng ran như phải đang hơ lửa, đổ vã mồ hôi. Hai tay ông đan vào nhau ôm ghì đôi cẳng chân, giấc mơ ập đến làm ông sợ hãi. Ông lại co chặt hai bàn tay đang đan vào nhau, co chặt đến nỗi nó tê cứng làm dính chặt các ngón tay với nhau. Ông không tài nào gỡ được hai tay của mình  đang đan chặt như một chiếc gông gông đôi cẳng chân của ông lúc này cũng đang tê cứng. Một cơn đau kiểu đau của người bị chuột rút khiến ông tái dại mặt mày. Cơn đau truyền từ hai bàn tay sang đôi cẳng chân, truyền từ cẳng chân sang phần bụng, truyền từ phần bụng lên đỉnh đầu. Mồ hôi thi nhau vãi tứa ra. Ông Thanh cảm thấy ướt lạnh như đang ngồi trong vũng nước lạnh, ông rùng mình trong cơn đau dữ dội khắp người.

Rất lâu như vậy. Ông Thanh đành nhăn nhó mặt mày ghìm tiếng rên la nén chịu đau. Thực ra ông không dám kêu. Ông mà kêu la đau đớn trong lúc này sẽ làm mấy người bạn tù cùng buồng giam thức giấc. Sẽ có tiếng chửi rủa cùng những mắng mỏ, lời đe nẹt vang lên? Nó sẽ xẩy ra điều tệ hại ấy vào thời điểm có thể. Sẽ có tiếng xít xoa hỏi thăm khe khẽ và rất nhẹ nhàng bên cạnh? Nó sẽ như vậy bởi sáu tháng qua ông Thanh đã kịp cho mình những chuẩn bị cho mọi tình huống.

Hồi mới bị bắt và bị tạm giam tại trại giam Kế ông Thanh đã từng bị như thế. Ông bị tống vào buồng biệt giam sau suốt một buổi chiều lử đử bởi những câu hỏi lục vấn, những câu hỏi liên tục khiến ông không kịp trả lời. Mệt quá ông rũ người gục mặt trên chiếc ghế không có tựa lưng, ông lại bị nâng mặt lên và hỏi và hỏi liên tục. Có lúc ông tưởng như mình sắp chết, có lúc ông muốn buông xuôi cho xong chuyện. Nhưng cái mà ông muốn buông xuôi lại hình như không làm hài lòng những người đang tra hỏi ông. Cuối cùng khi bóng tối vừa buông xuống, người tra hỏi ông cũng thấm mệt, ông bị tống vào phòng biệt giam. Nghĩa là từ giờ phút này ông bị coi như kẻ đã thành án, hơn nữa lại là một án rất nặng. Một buồng  biệt giam chật hẹp nhưng khá kiểm ngặt bởi bốn bức tường cao, dầy và lạnh lùng tới mức dửng dưng. Sau cú đẩy lưng mạnh cùng câu nói “vào đây rồi xem mày còn ngoan cố được nữa không” của hai chiến sĩ công an dẫn giải, ông Thanh thấy sa sẩm mặt mày. Chưa kịp phân biệt đâu là lối cửa mình vừa bị đẩy vào và đâu là mảng tường lạnh lùng đằng trước mà chắc cả mặt ông sẽ va vào đó. Theo phản xạ của những người bị xô đẩy ông Thanh chỉ kịp đưa tay đỡ để tránh đập mặt vào mảng tường thì đã bị ngay một cú thọi chính giữa trán, ông ngã bật ngửa về phía sau, mắt nẩy ngàn vạn hoa đom đóm. Sa sẩm lại thêm sa sẩm. Buồng biệt giam tối om. Đau tái dại nhưng ông Thanh vẫn cố gượng dậy hy vọng tránh được cú thọi tiếp theo.

– Thằng con cặc. Mày nhẩy vào mặt thằng bố mày thế hử?

Tiếng một ai đó cục cằn vang lên. Hình như là tiếng của người vừa cho ông ăn quả thọi, giọng nghe đầy cáu bẳn, kiểu giọng khê khê của người đang ngủ dở giấc. Từ miệng của người vừa nói đó bốc lên thứ mùi như thứ mùi phân trong chuồng lợn. Người đó ông Thanh chưa hề gặp và thực ra lúc này ông cũng không thể kịp nhìn được mặt mũi người đó thế nào. Mùi phân chuồng lợn đang như phả ập vào mặt làm ông thấy khó chịu. Trong bóng tối ông Thanh cũng lờ mờ nhận ra buồng biệt giam này chỉ có hai người. Một là người vừa cất tiếng chửi đổng và một người là chính ông. Hai người đang ở rất sát gần nhau, bằng chứng là người kia không cần đứng dậy, người ấy chỉ nằm thôi đã vung tay thọi quả đấm vào chính giữa trán ông. Ông Thanh miệng xít xoa vội luống cuống.

– Tôi. Tôi xin lỗi.

– Xin lỗi cái con củ cặc. Nhớ là thằng bố mày đang nằm ở đây nhé.

Lại một cú thọi vào giữa trán nữa kèm theo tiếng chửi cục cằn.

– Mày là thằng nào. Tội gì mà vào đây thế hả con?

– Dạ. Tôi tên là Thanh.

– Bố mày có hỏi tên mày là cái gì đâu. Bố mày hỏi mày là thằng nào cơ mà.

– Dạ.

– Muốn dạ hử?

– Dạ không ạ.

Ông Thanh đáp lí nhí, dúm dó mặt mày vì đau và cũng vì quá sợ. Cũng may là không có thêm một cú thọi nữa vào giữa mặt. Ông ngồi phệt ngửa ngay dưới đất, ngay chỗ ông đang ngã ngồi nhăn mặt cố nén đau để quan sát. Ánh sáng soi từ chiếc bóng điện cảnh giới treo ngoài buồng giam chiếu qua ô thoáng đủ để ông quan sát. Cách không xa, chỉ chừng bước chân, trên cái giường đơn kê sát tường có một người đàn ông đang nằm, bộ quần áo cùng màu xám lụng thụng như kéo dài thân hình người ấy dài ra hơn mức bình thường. Ông ta hình như trước đó đang ngủ, người nằm ngiêng quay mặt ra ngoài, một chân co một chân duỗi, bàn tay phải vẫn còn nắm nắm như ông ta chưa thôi ý định cho thêm vài quả thọi nữa.  Trông thái độ ấy ông Thanh đã thấy ngài ngại, nhất là hai cú thọi vào giữa trán ông ban nãy. Cú thọi thẳng tay của người lâu ngày không được đụng chạm chân tay nên có sức mạnh thoát ra ghê gớm. Chắc là một người đã vào đây trước mình? Ông Thanh trộm nghĩ. Người này có vẻ bàng quang trước sự sợ hãi và đau đớn của ông Thanh. Người này có vẻ không cần biết là phải nằm dịch sang một bên để nhường cho người mới bị đưa vào là ông Thanh có được tí chút chỗ đặt lưng. Căn phòng nhỏ, chỉ độc một chiếc giường đơn mà lại là chiếc giường đã có chủ. Mình sẽ nằm đất ư? vẻ như biết thân biết phận, ông Thanh vẫn ngồi ngửa người đẩy tay lết giật lùi hòng thoát ra xa, cái chính là ông đề phòng người kia bỗng đâu lại vùng dậy và thọi cho ông mấy quả thọi nữa vào giữa mặt thì khốn. Mấy hôm nay ông Thanh đã liên tục bị những cú thọi vào mặt vào ngực vào lưng vào tay. Toàn thân ông đang đau thành cơn đau dài ê ẩm. Mi mắt sưng húp, gò má nổi cục thâm máu đọng. Bộ ngực rã rời như bị tháo từng chiếc giẻ xương sườn. Những tưởng bị tống vào đây sẽ thoát những cú thọi ai dè còn bị thọi thêm. Ê chề và hận tủi ông Thanh sụt sùi khóc như một đứa trẻ. Rồi nhanh chóng ông chợt nhớ ra trước mặt mình còn có người đàn ông đang nằm ông Thanh vội im phắt.

– Tội tình nỗi gì mà nức nở thế con?

– Dạ.

– Dạ cái củ cặc. Bố mày hỏi mày tội gì kia mà?

– Tôi. Tôi không biết.

– Mày làm bố mày ngứa tay rồi đấy. Vô lý, không mắc tội thì người ta dỗi hơi mà tống mày vào đây à?

– Tại người ta…người ta đánh…đánh tôi đau quá.

– Chắc là họ lại muốn nhờ tới bố mày nữa đây?

Người đàn ông kia từ từ nhổm ngồi dậy, ông ta chĩa đôi mắt vằn đỏ nhìn gờm gờm vào ông Thanh. Ông Thanh co người lại giống hệt con cua gặp ếch, đôi mắt của người ấy như lưỡi dao sắc lẹm. Đôi lưỡi dao đang khía vào thân thể ông từng nhát khía một. Bỗng người đàn ông đổi thái độ. Ông ta hỏi nhẹ nhàng hơn.

– Mày đứng lên được không?

– Tôi. Tôi đứng được ạ.

– Mày lại bên bức tường kia. Thế. Một chân co lên. Một chân đứng. Thế thế.

Ông Thanh vội vã đứng bật dậy để làm theo. Mấy ngày vừa qua cũng đủ cho ông biết thế nào là không vâng lời người khác. Không vâng lời mà cứ nói và làm theo ý mình thể nào cũng bị ăn đòn, cũng bị nghe những câu tục tằn chửi rủa và đe nẹt. Ông lui lại rất nhanh, lưng áp sát bức tường. Trong thâm tâm của ông lúc này còn có nỗi sợ hãi nào hơn nỗi sợ bị đánh.

– Bố mày bảo mày đứng cạnh tường chứ có bảo mày đứng dựa lưng vào tường đâu. Con ơi chịu khó nghe lời bố đi. Không ngoan bố cho ăn mấy quả phật thủ vào cái chỗ đút cơm đấy con ạ.

– Dạ.

Chưa hết ê ẩm bởi những cú bạt tai lúc ở phòng hỏi cung, đầu óc quay cuồng trong mớ câu hỏi cùng những lời đe nẹt lẫn lộn. Ông Thanh nhẫn nhục làm theo. Quả thực trò chơi đứng kiểu lò cò này không đơn giản chút nào. Ông Thanh chỉ đứng được chừng nửa giây đã chực ngã khuỵu. Người ông ngắc ngư chực đổ nhào về phía trước.

– Thằng chó. Đứng thẳng người lên.

Ông Thanh nhăn mặt không cãi, vội vàng làm theo. Đầu óc còn đang mung lung. Mặt mày lại sa sầm. Buồng biệt giam bỗng tối như hũ nút. Ông thực tình vẫn chưa rõ mặt người vừa thọi quả đấm vào mặt ông, chưa rõ mặt người đang hỏi ông những câu hỏi như lục vấn, chưa rõ mặt mày người đang ra lệnh cho mình. Đã mấy hôm nay ông liên tục bị những câu hỏi kiểu như thế. Những câu hỏi khi dồn dập, lúc bẳn gắt khiến ông nghiêng ngả đầu óc. Điều ông quan tâm nhất lúc này là làm sao đặt được cả hai chân xuống. Đứng kiểu lò cò quả tình không chịu nổi.

– Cho. Cho tôi đứng hai chân đã. Tôi ngã mất.

– Vào đây mà cũng yêu sách hả con? Thôi được rồi. Bố thương con bố cho con đứng hai chân nhưng mày phải hát cho bố mày ngủ nghe chửa.

– Hát á?

– Mày không biết tiếng người à?

– Dạ biết.

– Thế thì hát cho bố mày ngủ. Chịu khó ngoan rồi bố mày sẽ nghĩ lại.

– Nhưng….

– Nhưng cái con củ cặc. Không nhanh mà hát lên cho bố mày ngủ, bố mày nghĩ khác đi lại khốn đấy con ạ.

***

Ông Thanh rồi cũng gỡ được hai bàn tay đang đan chặt với nhau. Lòng đầy bảng hoảng. Ngỡ như câu chuyện vừa mới xẩy ra. Hơi dịch người ngồi xa tường một đoạn, ông Thanh cẩn thẩn kéo từng đốt ngón tay hy vọng nó giãn ra và dịu đi co cứng. Ánh mắt ông đang bộc lộ vẻ hốt hoảng mỗi khi nhỡ tay kéo mạnh một đốt ngón tay nào đó phát ra tiếng kêu. Không gian vẫn chìm trong màn đêm tuy đã đôi chút nhờ nhờ sáng. Chắc là đã ba giờ sáng? ông Thanh bấm miệng thầm đoán, ở nhà cứ tầm ba giờ sáng là bà vợ của ông tỉnh giấc. Hễ bà vợ tỉnh giấc dậy mò ra sau nhà đi tiểu là ông cũng phải thức dậy theo ra. Ông sợ bà vợ sẩy chân ngã dụi ngoài đó thì khổ thân. Không hiểu vào giờ này bà vợ của ông có tỉnh giấc mò đi tiểu không? Bà dậy mò ra sau nhà đi tiểu không biết đứa con gái lớn đã hai mươi tuổi của ông có tỉnh dậy mà biết theo ra trông chừng không? Tự dưng nỗi nhớ vợ, thương vợ lại ùa đến làm ông muốn khóc. Khổ thân bà vợ ông, mấy năm rồi căn bệnh cao huyết áp làm chân tay bà ấy không vững lắm. Mỗi khi cơn cao huyết áp tới là chân tay bà ấy khó điều khiển, nó run rẩy khiến toàn thân bà lẩy bẩy, đi đứng liêu xiêu. Ông Thanh lại cúi đầu, tròng mắt rơm rớm nước, nếu không có chuyện xẩy ra thì chắc những ngày này ông và gia đình đang tất bật cho việc người ta tới ăn hỏi rồi bàn chuyện xin cưới của đứa con gái lớn. Cuối tháng trước khi tới thăm nuôi ông, đứa con gái lớn đã buồn rầu thông báo bên nhà trai người ta đã hủy hôn. Ông biết chẳng ai dại gì mà đi kết thông gia với một gia đình không ra gì. Chẳng dại gì kết chuyện chung con với một con người đáng phỉ báng như ông. Buồn nẫu ruột. Ông thương đứa con gái bỗng dưng sinh ra lỡ dở chuyện nhân duyên, nó đâu có lỗi. Làm là ở ông? Ông đã vô tình làm hại đời nó như ông đã bị lên án là làm hại đời người đàn bà làm mẹ đơn thân ấy, người đàn bà cùng làng và kém ông tám tuổi? Làm cái thân đàn bà con gái nó là vậy đấy. Khổ đau chợt đến. Rồi sực nhớ ra mình lúc này đang ở đâu ông Thanh ngẩng phắt lên bảng hoảng.

Trước mắt ông hình như đang nhờ nhờ bóng dáng người đàn ông sêm sêm tuổi mình đang nằm ngiêng, một chân co một chân duỗi trong buồng biệt giam ở trại giam Kế hôm nào. Đêm đầu tiên bị tống vào đấy ông Thanh đã trọn một đêm không dám ngủ. Ông đứng run rẩy chân cẳng mà không dám tựa lưng vào tường cất tiếng hát, tiếng hát trong nỗi đau thân xác và nỗi đau tinh thần khiến nó như có hồn nghe ai oán thê lương. Những câu hát thê lương buồn tủi lại là câu hát ru tuyệt vời nhất cho kẻ đang nằm kia say giấc. Ông ta ngủ ngáy vang rền, tiếng ngáy nghe như thác đổ. Ông Thanh đã hát và hát mãi, hát mãi cho tới khi giọng khản đặc chỉ còn tiếng khè khè như tiếng con mèo hen rên ỉ ả. Mãi cho tới sáng bảnh ông mới được nghỉ hát. Cũng may là người đàn ông vũ phu đã rủ lòng thương. Người ấy phả ập thứ mùi như mùi phân chuồng lợn vào mặt ông cười hênh hênh. Nụ cười của người mãn nguyện sau giấc ngủ đã mắt. Ông Thanh bấy giờ mới kịp nhìn kỹ người đàn ông lạ lùng và độc ác ấy trước khi đôi con mắt ông kéo sụp lại trong cơn buồn ngủ đang sầm sập kéo tới. Đó là một người sêm sêm tuổi ông nhưng độ từng trải tới mức dạn dĩ. Da mặt nổi đầy mụn trông sần sùi làm cho gương mặt người ấy thêm vô cảm, thứ da được gọi là da thiết bì nhưng nó lại nhờn nhợt, chắc là vì lâu ngày ngồi trong buồng giam thiếu ánh sáng. Chỉ giọng nói là còn đầy dằn dữ và khiến người khác phải khiếp hãi.

Ông Thanh nhắm nhiền hai mắt. Hình ảnh người đàn ông da mặt nổi sần, thứ da thiết bì lại hiện về dữ tợn cho dù đôi con mắt ông ta lúc ngủ chỉ là hai vệt đen sì chạy ngang khuôn mặt bè bè. Cái đầu trọc lốc đặt tròn tròn trên bệ xi măng xám lạnh khi nhìn lại liên tưởng đến cái sọ người mới được bốc cất dưới mộ lên, mùi phân chuồng lợn đang bốc lên từ cái miệng mở rộng thở khè khè. Chốc chốc ông ta lại đưa cả hai bàn tay luồn vào trong cạp quần gãi sồn sột. Tiếng gãi sồn sột của ông ta cứ như ở đấy đang lúc nhúc những con rệp chạy loằng nhoằng. Ông Thanh tái mặt. Hình như những con rệp kia đang tìm cách bò sang bẹn ông. Mới có một đêm được biết thế nào là trại giam khiến ông tái mặt. Người đàn ông kia xét về bộ dạng chắc phải là loại giang hồ cộm cán mà người ta gọi đó là đầu gấu. Ở chung trong cùng trại giam với những loại người như thế này làm những người tù khác cùng vô cùng kinh hãi. Nỗi kinh hãi còn lớn hơn nỗi sợ bị thẩm vấn. Bàn tay của người ấy sau hồi gãi gãi trong đũng quần lại đưa lên mặt, ông ta thò ngón tay ngoáy ngoáy lỗ mũi. Tiếng ngoáy ngoáy lỗ mũi không nghe sồn sột những lại thấy nóng ran như chính cái ngứa mũi của người kia đã truyền sang ông. Sự ngứa ngáy như có phép lây lan kỳ lạ. Trong một nơi chốn có từ hai người trở lên hễ một người này gãi ngứa là tức khắc có người tiếp theo cảm thấy trong người mình cũng bị ngứa ngáy. Người ta gọi đó là phản ứng dây chuyền, hay còn gọi là hội chứng đám đông. Ông Thanh bỗng thấy ngứa ngáy khắp người, ngứa ngáy đến tưởng không chịu nổi. Thực ra đã mấy hôm nay ông đâu có được tắm rửa hay thay áo quần, thực ra đã mấy hôm nay người ngợm ông như con trâu đằm trong vũng bùn. Mồ hôi đổ ra và mùi mồ hôi chua loét đến ông cũng thấy ngượng với chính mình huống hồ là người khác. Và cũng thực ra là vì ông đã đứng cả đêm qua để hát. Đứng lâu chân tay tê dại, sự tê dại như có trăm ngàn con kiến bò đốt râm ran khắp thân thể. Đứng lâu mình mẩy căng cứng như bị bó giò, trăm ngàn mũi kim đang châm đang chọc vào mình vào mẩy khiến người thấy ngứa ngáy. Nhưng hễ ông vừa định xuống giọng hát nhỏ đi là tức khắc người đàn ông nằm ngiêng lại cọ cựa chân tay như định chồm dậy. Ông ta quả là người thính ngủ, những lúc ông Thanh hạ giọng xuống là ông ta lại lè nhè rồi cất tiếng rít lên, tiếng rít qua kẽ răng làm bốc lên mùi phân chuồng lợn rất khó ngửi nhưng đầy quyền uy.

Ông Thanh bây giờ mới định thần lại được. Lòng chưa nguôi bảng hoảng. Ông đang thụ án trong trại giam Hoàng Tiến bên Hải Dương chứ không phải đang chịu cảnh tạm giam trong buồng biệt giam chật chội và bức bối. Đêm đó trong buồng biệt giam của trại giam Kế ông Thanh đã đứng và hát tù tì bài này nối bài kia. Ông hát chưa xong bài này trong óc đã hình dung ra bài hát tiếp theo. Bài hát nào không thuộc ông cũng phải à á a như đang thuộc lòng vậy. Cũng may từ ngày trẻ ông đã thích hát nên còn biết khá nhiều bài. Cũng may, nếu không ông chỉ còn nước phải ăn những quả thọi choáng váng mà thôi. Hát mãi hát mãi cho tới tận lúc sáng bảnh ông mới hạ giọng nhỏ dần và dừng hát được. Ông lên gân lên cốt lấy hết sức lực cùng thần kinh của mình để nhẹ nhàng từ từ hạ thấp dần tấm thân mỏi rã rời và đau rã rời xuống. Cặp mắt ông không dám rời khỏi người đàn ông da mặt thiết bì đang nằm ngủ. Nhất cử nhất động đều khẽ khàng cho dù lúc đó toàn thân ông chỉ muốn được lăn ra nằm thỏa thê. Nhất cử nhất động đều nhẹ nhàng cho dù chân tay lưng gối đều mỏi rã rời như đi mượn, cả người ông chỉ chực đổ ập xuống. Bóng tối lại lần nữa ùa tới bưng kín lấy đôi mắt khi ông vừa hạ được cả người xuống cái nền đất lạnh lẽo. Ông Thanh ngã xoài xuống nền buồng biệt giam, ngất lịm đi. Ông mê man trong nỗi đau đớn thể xác và đau đớn về mặt tinh thần tới cùng quẫn.

Sao người với người lại có chuyện ức hiếp lẫn nhau? sao người với người lại có chuyện đem ý chí của người này áp đặt lên người khác? sao người với người lại có chuyện đày đọa nhau? sao người với người lại có chuyện kẻ mạnh lấn lướt kẻ yếu? sao người với người lại có chuyện băt phải phục tùng nhau? sao người với người lại có chuyện không dưng đổ lỗi cho nhau? sao người với người lại có chuyện lấy tội của người này làm công cho người khác? Ông Thanh mê đi trong mớ câu hỏi dồn dập đến trong đầu. Quả tình sự việc của mấy hôm nay đối với ông là những câu hỏi không có câu trả lời.

Người đàn bà nằm dưới đất. Thân thể như không còn mảnh vải che ngang. Máu phun ra chảy thành vũng quanh chỗ chị ta nằm. Mùi máu tanh tanh lờm lợm như lôi kéo con chim lợn ở đâu bay đến. Nó cất tiếng kêu rợn tóc gáy rồi vụt đi mất dạng trong bóng đêm. Người đàn bà nằm bất động giữa vũng máu mặc cho thằng con mười tháng tuổi gào khóc thèm sữa mẹ. Mùi tử khí lẩn khuất rồi bao trùm khắp căn nhà nhỏ.

NGUYỄN TRỌNG VĂN

(Còn tiếp)

XEM TIẾP:

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 2

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 3

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 4

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 5

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 6

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 7

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 8

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 9

>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 10

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *