“Con người” của Phương Đặng: Định dạng con người – định dạng thơ

Văn chương ra đời và tồn tại- dù cụ thể hoặc sâu xa, nguyên nhân mà cũng là kết quả- là từ con người, vì con người, cho con người. “Vì”, “cho” đã đành, sao nói “từ”? Là bởi, khi thoát khỏi sự mông muội, khi trí khôn hình thành, con người tuyệt đối bất định, ngay chính trong từng khuôn mẫu đời sống mỗi thời. Mọi nền triết thuyết, thi ca mấy ngàn năm qua chỉ nhằm khám phá, giải mã con người. Và mãi tiếp diễn.

Nhà thơ trẻ Phương Đặng ở Hà Nội

Có điều, ngay chính xuất phát điểm và đích đến của văn chương như thế, chính nỗ lực khám phá, giải mã con người của nó, đã góp phần làm con người khó nhận diện hơn, và càng bất tường với chính mình. Tức, con người thách đố với đối thủ của nó: văn chương.

Triết gia- văn hào Pháp Jean- Paul Sartre từng viết: “Muốn viết mới hãy tự mô tả mình”. Lý lẽ thấu đáo này, nhiều nhà văn nhà thơ đã vận dụng. Nhưng thế nào là “tự mô tả mình” vẫn cứ mơ hồ. Vì, họ thường mô tả cái ảo của mình chứ ít khi viết đúng mình, đúng con người thật- con người thành tố của tự nhiên. Họ khó thể viết “ra” mình và lạc lối: con người yêu thương mình hơn họ tưởng. Trong những mơ hồ của thế gian, mơ hồ lớn nhất là về mình.

Tôi đọc Phương Đặng, nhà thơ nữ rất trẻ, từ xuất phát điểm đó, trong sự tò mò, bởi tên tập thơ “Con người”. Và tôi ngưỡng mộ: khi thiên thu văn chương vẫn không thể giải rốt ráo về con người, Phương Đặng của thế kỷ 21 mạnh dạn đi vào câu đố muôn thuở, bằng sự tự tin đáng kinh ngạc của thế hệ chị: tôi là tôi!

1. Định dạng lại con người:

Vẫn những vấn đề muôn thuở về con người: tình yêu là gì, hạnh phúc- bất hạnh là gì, bản chất của sự sống cái chết là gì, con người sống theo thói quen chết bởi thói quen thế nào, con người ảo tưởng về mình ra sao…, tất tần tật, bằng sự nhận chân và thẳng thắn đến ngạc nhiên. Chị không hề giải mã kiểu véo von, mơn trớn, xu nịnh con người, mà chỉ đích danh con người là ai, trong miên viễn mây qua ngàn vạn năm.

Đây, Phương Đặng, từ mình, “lật tẩy” con người lâu nay sống bởi thói quen trong tồn tại, trong các khuôn định xã hội, một phát hiện thật tường minh và bối rối:

Em mệt mỏi với những cái khuôn xã hội này tạo nên

Dành cho em, dành cho anh, và những người khác

Em mệt mỏi vì bị phán xét dựa trên những chuẩn mực

Những thứ được coi như thể chúng thực sự tồn tại.

 

Em mệt mỏi phải làm hài lòng anh

Phải làm hài lòng em

Làm hài lòng chúng ta

Hài lòng bọn họ.

Và khao khát hướng tới tự do, cuộc vượt thoát đã đặt ra dứt khoát:

Tự do khỏi anh

Tự do khỏi em

Tự do khỏi chúng ta

Tự do khỏi bọn họ

Tự do khỏi tâm trí họ

Tự do khỏi những suy nghĩ của chính chúng ta.

                  (Nhiều như em yêu anh).

Thêm một đoạn nữa, cái bối rối này:

Nhưng em đã một mình quá lâu

Một mình không có nghĩa là cô đơn

Nhưng em đã cô đơn rất lâu

Em không chắc rằng mình vẫn còn biết cảm giác

Được quan tâm là như thế nào.

 

Và giống như

Nó không đúng

Nếu như anh đang phải chắp vá những gì em phải

chắp vá cho mình

                             (Một giọt)

Chưa thấy người thơ nữ nào trực diện rốt ráo, riết róng như thế. Có chăng nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở khía cạnh khát tình, uất ức về bất bình đẳng giới… Nhưng đó là chuyện khác.

Tập thơ “Con người” của Phương Đặng (NXB Hội Nhà văn 2020) được trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần I-2021 của Hội Nhà văn Việt Nam

Con người trong mối quan hệ với xã hội, với thế giới đã được đặt ra từ phạm vi hẹp nhất- quan hệ gia đình- nơi dễ tìm thấy đồng thuận, tác động qua lại thiết thân; nơi dễ dàng gặp sự thỏa hiệp vì lợi ích chung, hoặc sự xu phụ cảm xúc mang vẻ đẹp cao thượng kiểu, vì nhau, cho nhau. Nhưng cái “khung” này lại bất lực vì sự dối trá, vụ lợi của chính nó: hai người thực sự là hai thế giới biệt lập, những “chắp vá” liên minh tình cảm nếu đạt lợi ích nào đó thì cũng đang phủ nhận con người, trói buộc con người vào “thiết chế” phải  chứ không . Lựa chọn xuất phát điểm này, Phương Đặng có cơ hội bóc tách thấu đáo nhất con người. Không phải để “đấu tranh” mà là “nhận chân”. Định dạng để khai mở những bế tắc, bi kịch trong vô vàn quan hệ, đối diện với thực trạng cuộc sống.

Về tình yêu, điều ám ảnh lớn của con người chẳng hạn. Có thực không, khái niệm đó, và nó như thế nào, gương mặt tình yêu là gì? Liệu có nhầm lẫn gì chăng?

Anh đã tìm thấy em

Và em đã tìm thấy anh

Hay chúng ta đã gặp

Sự phóng chiếu chính mình

          (Sự đáng yêu trên khuôn mặt anh).

Rồi:

Anh không muốn em

Anh muốn một ai đó đã được tạo ra bởi tâm trí anh

Và rồi em xuất hiện

Anh bắt em phải đóng vai con người đó

 

Và chúng ta nói với nhau

Rằng chúng ta yêu nhau.

(Câu chuyện).

Hay, ta là ai trong thế giới này, trong rất nhiều những mâu thuẫn nội tại; căn nguyên những bất như ý, đau khổ không thuần nhận thức mà rất sinh học- nỗi khát thèm xu phụ, sở hữu:

Tại sao tôi lại cảm thấy bất ổn với cơ thể của mình

nó đã tận tụy phục vụ tôi suốt 31 năm qua?

 

Không ai

Tự lấy tay đấm vào tường

Và trách cái tay tại sao lại đau.

                  (Nhầm lẫn).

Hoặc:

Bạn sẽ ngừng ăn ngay một món ăn chán ngán

Hoặc khi đã quá no

Nhưng lại không thể ngừng ăn quá khứ của mình

Ngay cả khi nó đã choán hết chỗ trong đầu óc của bạn

Và sinh sôi nảy nở nhanh hơn cả vi khuẩn?

 

Bạn làm gì với một món ăn đã không còn hấp dẫn

Thì hãy làm đúng điều đó với quá khứ!

Hãy ngừng coi quá khứ là quá khứ của bạn

Hay cuộc đời là cuộc đời của bạn!

 

Nó chỉ là quá khứ thôi!

                            (Quá khứ)

V.v…

Có thể tình cờ thôi, con người phát hiện được mình. Tôi nghĩ Phương Đặng bắt đầu từ điều đơn giản nhất, kiểu: “Ngay cả một chiếc đồng hồ đã chết/ Vẫn đúng hai lần mỗi ngày.” (Đồng hồ chết). Hiện tượng, sự vật diễn ra trước mắt ta hàng ngày, thật tự nhiên và vốn không hàm chứa bất kỳ triết lý nào. Chỉ con người tự làm rối rắm: cái đồng hồ ghi dấu thời gian, nó chết là thời gian ngừng trôi, nhưng ý nghĩ con người vẫn trôi theo thói quen nhận thức, để bắt cái công cụ ngoài ta- một tiện ích góp phần tước bỏ khả năng vốn có từ chính mình- đáp ứng hiện thực con người muốn thấy. Nhận ra sự nhầm lẫn ấy- cũng là nhận ra sự mất mát, một nhận ra khai phóng! Và mọi thứ rộng mở thênh thang vào chính mình, vào căn cốt vị kỷ hoặc tự ti, bé mọn:

Mơ ước chỉ là một tên gọi đẹp đẽ

Cho mong muốn kiểm soát

Số phận của chính mình

Cho ham muốn rằng bất hạnh có thể xảy ra với ai

Nhưng không bao giờ là mình.

 

Khi dừng mơ ước

Là khi ta bắt đầu trân trọng cuộc sống của mình.

                    (Lời nói dối)

Hiểu mình

Là cách ta hiểu thế giới

Những gì mới ta thấy được ở thế giới

Vẫn luôn ở đó từ ngày hôm qua

Từ năm trước

Từ muôn vàn thế kỷ đã qua.

                       (Hiểu).

Tôi trích dẫn đã khá nhiều. Những lật xới, tranh biện, phân vân, phủ định, xác tín trên từng ngóc ngách con người, đầy ắp, xuyên suốt tập thơ gần 130 bài của Phương Đặng. Tất cả thấu triệt, không một chút khoan nhượng. Tất cả, như một ám ảnh không thể không gỡ bỏ các hư ảnh bề ngoài, bên trong; qua nhận dạng của người khác hay sự nhầm lẫn chính nó, lừa dối chính nó. Không phải để lý giải các vấn đề về con người qua nhận diện tâm lý học, giáo dục học, xã hội học, phân tâm học…, mà là cuộc tìm kiếm cái “ta” từ  “phi ta”, một thực hành đơn giản nhất lại tỏ ra khá hiệu quả trong định dạng con người.

2. Nhưng sao lại là Phương Đặng?

Phương Đặng vừa ngoài ba mươi, là thế hệ cầm bút trẻ bây giờ; một thế hệ mới, quá khác. Họ tự tin và lớn bổng lên.

Đương nhiên ở tuổi trong, ngoài ba mươi, văn chương trong nước, thế giới luôn có những tài năng lớn. Những Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu… Hay, F. Kafka, M. Solokhov, Thomas Mann… đều lẫy lừng từ tuổi dưới 30 (F. Kafka sau khi mất mới tạo cơn địa chấn văn chương thế giới, nhưng năm 29 tuổi ông đã viết “Hóa thân”, 31 tuổi viết “Vụ án”…).

Không có gì tự nhiên cả. Những tài năng văn chương sớm phát lộ đều có căn nguyên. Phong trào Thơ mới của Việt Nam chẳng hạn. Từ du nhập văn hóa phương Tây, rồi chữ Quốc ngữ đã thay thế chữ Nho- giải phóng thơ Đường “tức cảnh sinh tình” suốt ngàn năm, giải phóng văn chương biền ngẫu, thay cái “ta” thành cái “tôi”. Chữ Quốc ngữ và văn minh phương Tây bừng sáng tức khắc, bởi thế hệ này, từ cái tôi thân phận vừa tự hào về đất nước, dân tộc mình, vừa mặc cảm những khuôn phép ngái ngủ, “vong quốc nô”, đã vỡ tung: họ đề huề hiện diện. Cả mảng triết học, nghệ thuật, những Trần Đức Thảo, Văn Cao, Phạm Duy, Đặng Thế Phong, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí…, rồi sau này, những Trịnh Công Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh, Tô Thùy Yên… Và rất nhiều nhà văn, nhà thơ lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ … Có thể gói gọn một điều có tính quy luật: nhân tài thường xuất hiện trong thời loạn!

Vậy thời khắc Phương Đặng và thế hệ chị là gì, cuộc xuất hiện này? Đương nhiên là thời bình, rất lâu rồi, khi họ chưa sinh ra. Nhưng là thời bình đặc biệt: thời hội nhập, thời “thế giới phẳng”, công nghệ số; thời tuổi trẻ toàn thế giới không khác biệt mấy về phương tiện, khát vọng với tư duy toàn cầu, các thuật ngữ 4.0, trí tuệ nhân tạo… Phương Đặng làm thơ từ trước năm 20 tuổi, cũng như vài bạn trẻ giờ 24, 25 đã in tiểu thuyết khá chững chạc: Huỳnh Trọng Khang với “Mộ phần tuổi trẻ”, “Những vọng âm nằm ngủ”; Mạc Yên với “Miên trạng”, hoặc Phan Đức Lộc với những truyện ngắn, thơ của Vũ Lập Nhật…

Nhưng, với tập thơ, Phương Đặng khác biệt thế hệ mình ở lựa chọn- duy nhất và quyết liệt- là khám phá con người. Hẳn chị tin rằng, mọi thay đổi, diễn ngôn,  trước hết, cái gốc vấn đề, là thay đổi nhận thức về con người.

Điều quan trọng là, chị không bị lướng vướng “thân phận nữ” và thản nhiên đi qua “dòng thơ nữ quyền”: khi con người căn cốt chưa giải phóng khỏi những tù hãm chính nó thì “nữ quyền” có ý nghĩa gì? Xét cho cùng, cuộc “nổi loạn” các thế hệ thơ đàn chị và thơ nữ trẻ hiện nay, việc “phô bày” thân thể, xổ toẹt kỵ húy; công khai khát thèm chuyện tính dục; cả táo tợn kiểu giũ váy vào miếu thiêng truyền thống…, như một chút hả hê, chút “tự sướng”, thực chất càng bộc lộ lớn hơn bao giờ hết sự bất lực và mặc cảm giới!

Cái gốc của vấn đề, chính từ sự bất toàn trong mỗi con người, và mỗi nhìn nhận, khát khao, ước muốn, đau khổ, phẫn nộ về sự “bất bình đẳng”, cầu xin, v.v… bao giờ cũng được rọi xét bằng những định kiến. Như, những “nghi ngờ” cái gọi là tình yêu, là gia đình đầy “ước muốn” đã trích dẫn phần trên, thực ra đều xuất phát từ nhận diện căn cốt từ đầu:

Nhân danh tình yêu

Giống cách những con vật vẫn làm

Ta tìm cách đánh dấu lãnh thổ của chính mình

Lên người khác.

 

Nhưng ngay cả những nơi bị đánh dấu

Cũng chẳng hề thuộc về ai

Những ranh giới chỉ tồn tại trên bản đồ

Trong tâm trí

Và cách con người sắp xếp thế giới.

                (Một nửa 1)

Hay:

Ta muốn những đứa con đẹp

Muốn một gia đình đẹp

Nhưng đẹp và xấu chẳng còn nghĩa lý gì

Khi đẹp chỉ là những tiêu chuẩn.

 

Thoát khỏi tiêu chuẩn

Gia đình chỉ là gia đình

Con chỉ là con

Bạn đời chỉ là bạn đời

Một ai đó chỉ là chính họ

Bất cứ cái gì chỉ đơn giản là chính nó

 

Khi thoát khỏi tiêu chuẩn

Tình yêu bắt đầu.

              (Đơn giản)

Và, không chỉ bất toàn cả trong ý nghĩ, định kiến, con người luôn chuyển động với chính nó trong từng ý niệm: “Một mối quan hệ cũng như bốn mùa quanh năm:/ Nó thay đổi liên tục/ Kể cả khi một mùa đông tới/ Nó cũng không thực sự giống những mùa đông trước/ Nếu nó có giống thì chỉ bởi vì/ Bạn vẫn đem theo hai chữ “mùa đông” trong tâm/…/Cho dù đó là con bạn, bạn đời của bạn/ Hay bố mẹ bạn, hay chính bạn/ Đừng mắc kẹt vào ý niệm rằng người đó có một cái tên/ Nên người đó sẽ luôn luôn y nguyên/ Như một thời điểm nào đó./ Họ cũng thay đổi/ Như những cái cây phải thay lá, ra hoa/ ra quả./…/ Tháo gỡ những ý niệm sẽ là sự bắt đầu đích thực.” (Đủ tình yêu). Từ nhầm lẫn này, con người thường bơ vơ, lạc lối rồi mải miết đi tìm, dù là kẻ cô đơn, kẻ ham vui, kẻ nghiện ngập, kẻ tức giận, kẻ tuyệt vọng…, bỏ “mọi công sức tìm kiếm/ Là để né tránh/ Cơn khủng hoảng của chính mình/ Có tên gọi là/ Tôi là ai?/ Tôi cần một ý nghĩa cho cuộc đời”. Thực ra: “Thứ hắn cần tìm/ Có sẵn ở bên trong.” (Đi tìm).

Còn gì nữa trong sự tỉnh thức đến tận cùng này? Sự sống và cái chết- một thiên thu ám ảnh khác của loài người chăng? Đây:

Cái chết chỉ là ảo tưởng, là hình dung

Không có cái chết nào cả!

Chống lại cái chết

Cũng chính là chống lại sự sống.

Vì sự sống và cái chết không hề tách rời

Chúng là hai nửa của chân lý

Tự do là khi ta chấp nhận cái- gọi- là- chết.

                    (Hồi chuông)

Nếu sự sống, cái chết “không hề tách rời” như chân lý, thì cái đẹp cũng không thể cắt ghép mà thành:

Ta không thể lấy một nửa gọi- là- đẹp của mình

Để lắp vào một nửa gọi- là- đẹp của người khác

Hay lấy một nửa cái- gọi- là- đẹp của con tê giác

Đắp vào một nửa cái- gọi- là- đẹp của một con công

Hai nửa đẹp chỉ tạo nên quái gở.

                       (Một nửa 1).

Và đây là bản chất sự dối trá:

Dối trá có rất nhiều bộ mặt khác nhau

Và nó luôn cố gắng trở thành

Thứ mà nó không bao giờ có thể trở thành

 

Có lẽ chính nó cũng không biết điều này

Bởi nếu nó biết thì nó đã chết.

                          (Sự thật).

V.v…

Giờ chúng ta biết vì sao Phương Đặng đã đi qua tạng thơ “nữ quyền”: chị vốn có nó! Từ sự thấu tường con- người- nữ chính mình, tất nhiên không hẳn dễ dàng gì. Chị đã “chú ý” mình, “nhận ra” mình, chứ không “đi tìm”, “tranh đấu”, không “nổi loạn” để bộc lộ, khơi gợi sự chú ý từ người khác.

3. Định dạng thơ:

Như cách nói thường nghe bây giờ “hai trong một”, hay cách diễn trình của Phương Đặng về sự sống- cái chết, về dối trá- sự thật, về sự bất khả 2 nửa cái đẹp: định dạng con người (bằng thơ) không thể tách rời với định dạng thơ.

Con người, vốn mỏng mảnh và ưa xu phụ, thường thích mơn man ve vuốt, thích mơ mộng- cũng là một thuộc tính của  nỗi sợ hãi và khát thèm- xưa nay dễ dàng nghe lọt tai những véo von xưng tụng hoặc sầu thương chia sẻ, tạng thơ “truyền thống” vần vè, tiết tấu, nhạc tính, “có sao nói vậy người ơi”. Ở tầng lớp học vấn nào đó, thích kín đáo hơn từ khơi gợi khá thời thượng (những thời thượng ở ta thôi) dạng “siêu thực”, “tượng trưng”, “biểu hiện”…; hoặc, tuy không nhiều bạn đọc, một số tác giả bí hiểm câu chữ diễn tả sự bí hiểm, hoặc gợi chú ý từ sắp xếp kiểu “tân hình thức”… Tất cả đều làm con người- bạn đọc thích. Nó không nhàm, xưa nay, nếu ngòi bút có tài, biết cách biến hóa, diễn tả khác, điều con người muốn đọc; một cảm tinh tế, một suy nghiệm sâu…

Phương Đặng đã cởi bỏ, không phải lớp áo quen thuộc ấy của thơ, mà là tạo dựng một- thơ- khác, cho con- người- khác. Cái hợp lý “hai trong một” chứ không phải nội dung nào hình thức nấy. Việc rốt ráo định dạng con người không thể được làm bằng thao tác kỹ thuật thuần túy. Tức cũng ngoài ý muốn chủ quan của nhà thơ. May cho Phương Đặng, hoặc cũng đã tới thời điểm phù hợp: không cần phân định rạch ròi trường phái, chủ nghĩa sáng tác, văn chương đã và đang hình thành, hoàn thiện xu thế xóa nhòa ranh giới thơ và văn xuôi, nội dung và hình thức- tức một hình thức không thuần biểu hiện nội dung mà nó đã là nội dung, can dự chính thức thành nội dung; và một nội dung của bài thơ hay thường sẽ được viết tiếp trong bạn đọc. Ví dụ:

Đi vào vùng không biết

Là tình yêu lớn nhất ta có thể dành cho mình.

Buông bỏ quá khứ,

Buông bỏ nỗi sợ về tương lai,

Buông bỏ ý niệm về cái mình không được là,

Đã từng là,

Phải là,

Sẽ là.

(Không biết)

Ý nghĩa, độ ngân vọng của đoạn thơ không bàn. Chỉ thấy trên nền chữ đầy tính bạch hóa của nó, vấn đề dần cô đọng đến nén lại theo trình tự nhận thức sự “buông bỏ”: quá khứ, tương lai (can dự thời gian, kinh nghiệm và hy vọng), các ý niệm cái mình không được: “đã từng” (quá khứ), “phải là” (hiện tại) rồi “sẽ là” (tương lai)- một cách tăng cấp cụ thể sự “buông bỏ”. Vào “vùng không biết” là biết “buông bỏ”. Buông bỏ luôn cái chưa biết- “sẽ là”, chính là tìm thấy cái “sẽ là”, cái sinh sôi tất yếu, là tình yêu “tìm thấy” dành cho mình. Có thể tách bạch nội dung và hình thức không? Và đã có thêm một từ “sẽ là” đang được viết tiếp trong bạn đọc. Đoạn thơ lại mở đến vô cùng vì nó biết cách để trở lại “vùng không biết” khá mơ hồ ban đầu.

Tập thơ có duy nhất một bài Phương Đặng quan niệm về thơ:

Giây phút mà bạn sẵn sàng để viết

Dù thậm chí còn chưa bắt đầu

Tác phẩm đã hoàn thiện.

Bởi vì tác phẩm không được làm ra

Trong lúc bạn đang thực hiện nó.

Tác phẩm đã ra đời

Từ trong khoảnh khắc bạn đã nhúng mình

Hoàn toàn vào hiện tại.

Mẹo để hoàn thành một tác phẩm là:

Tuyệt đối

Không được nghĩ rằng

Mình sẽ viết nó.

(Bài thơ ra đời từ bắp ngô)

Tất nhiên, chẳng phải “mẹo” mực gì: nhà thơ chỉ nói cái chớp sáng bừng lên của ý tưởng sáng tạo, cái “khoảnh khắc” đủ sau điều kiện cần. Nó cũng khá siêu hình. Vấn đề là con người sáng tạo có chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận và ân hưởng món quà ấy không, kiểu luôn còn “Trong chậu đất của những cái cây đã chết/ Thượng Đế vẫn gửi/ Những mầm cây”. (Mầm cây không biết tên).

Phương Đặng đã trung thành với tín niệm nghệ thuật này của mình. Không cưỡng cầu. Như chị tin lựa chọn duy nhất đúng: con người hãy là nó, tự nhiên nhất. Và bài thơ sinh ra, đôi khi chỉ là một ý tưởng tình cờ vụt hiện, chứ không phải hình thức thơ một câu, hai câu, ba câu…: “Bạo lực có bản chất là chối bỏ” (Bạo lực). “Tôi ngừng nói/ Khi nhận ra sự im lặng mới là khó hơn cả.” (Ngừng nói). “Còn muốn là còn đau khổ.” (Muốn). “Hạnh phúc là đau khổ trá hình/ Khi ta chỉ muốn hạnh phúc mà thôi.” (Hạnh phúc). “Ngay cả một chiếc đồng hồ đã chết/ Vẫn đúng hai lần một ngày.” (Đồng hồ chết)… Nó hiện lên, và đủ.

Những câu thơ, bài thơ đã được sinh ra với một sứ mệnh cụ thể. Bằng ngôn ngữ sáng tỏ nhất, lạnh lùng, sắc lẻm, không câu nệ bất kỳ khung khổ hình thức nào. Nó là thơ- con- người với nỗ lực cuối cùng hướng tới: con- người- là, dù con người luôn mong muốn: phải là, sẽ là… Một nỗ lực thuần khiết, chân thành, dung dị và không lớn tiếng.

Có thể đọc “Con người” của Phương Đặng tuần tự từ đầu đến cuối, ngót 130 bài nối tiếp cuốn hút. Có thể giở bất kỳ trang nào, bài nào. Tất cả đều sáng lên trong ta ánh sáng sự thấu triệt. Như một kiểu “Tâm kinh”- cho chính chị. Tôi cũng thấy cái ánh sáng ấy, cho chính mình.

Tôi dùng từ “ngưỡng mộ” nhà thơ Phương Đặng là vậy. Về chặng nhất quán “định dạng con người- định dạng thơ” này. Có thể chặng tiếp theo sẽ khác. Hoặc chỉ vậy, không có chặng nào nữa: chị đã hoàn thành sứ mệnh!

LÊ HOÀI LƯƠNG

One thought on ““Con người” của Phương Đặng: Định dạng con người – định dạng thơ

  1. Phương says:

    “Con người” của Phương Đặng: Định dạng con người – định dạng thơ.
    (Bài viết của tác giả LÊ HOÀI LƯƠNG-Cập nhật ngày: 15/01/2022 lúc 07:18).
    Góc góp ý & luận bàn:
    -Nếu như tác giả Lương đặt tiêu đề trên để nêu danh nhà thơ trẻ Phương Đặng(Hanoi)thì tôi xin hỏi rằng: anh Lương có chắc rằng 100% là anh hiểu & rõ về con người,về thơ của Phương Đặng không?Giống như là anh “đi trong ruột,trong lòng” của nhà thơ Phương Đặng vậy.Cho nên,anh Lương mới đặt tên cho tiêu đề bài viết của mình như vậy.Tôi nghĩ anh Lương đã “chủ quan” & “cường điệu hóa” về nhà thơ Phương Đặng quá!Tất nhiên,tôi công nhận tài năng của nhà thơ Phương Đặng(Hanoi) & công chúng- độc giả cũng công nhận như tôi.Nhưng anh (tác giả bài viết)bàn luận,diễn giảng,phân tích về thơ,về con người nhà thơ Phương Đặng “phóng đại” – “khen ngợi” quá!Anh nêu trong bài viết của mình như là không còn nhà thơ trẻ nào “tài hoa như Phương Đặng” – “Thơ của Phương Đặng làm là số 1(số dzách)” & không còn nhà thơ trẻ nào ở VN làm thơ hay hơn thơ của Phương Đặng.v.v.Tôi nghĩ rằng anh đang khen-chê dối,chứ không phải anh đang khen-chê thật lòng đối với nhà thơ Phương Đặng.Tôi xin dẫn chứng vài từ,vài câu,vài đoạn văn mà anh Lương đã dung & ghi trong bài viết của chính mình:
    *Trích: “Văn chương ra đời và tồn tại- dù cụ thể hoặc sâu xa, nguyên nhân mà cũng là kết quả- là từ con người, vì con người, cho con người. “Vì”, “cho” đã đành, sao nói “từ”? Là bởi, khi thoát khỏi sự mông muội, khi trí khôn hình thành, con người tuyệt đối bất định, ngay chính trong từng khuôn mẫu đời sống mỗi thời. Mọi nền triết thuyết, thi ca mấy ngàn năm qua chỉ nhằm khám phá, giải mã con người. Và mãi tiếp diễn.”
    *Đoạn mở đầu,tôi muốn nêu & nhấn mạnh chỉ cụm ngữ này:”…con người tuyệt đối bất định…” đã làm cho cả đoạn văn trên “dở” vô cùng+vô lý nữa đó anh Lương ơi!Anh có biết không?Vì sao,tôi nghĩ & nêu ý kiến như vậy?Bởi vì cụm từ “con người tuyệt đối bất định”(theo đúng ý nêu của anh trong đoạn văn mở đầu)là “lệch” thậm chí là “không hợp thời-hợp lý” với xã hôi hiện nay nữa rồi!Anh có bị “nhầm & lẫn”không?Tôi xin lỗi anh,vì thực tế hiển nhiên “con người không thể tuyệt đối” & “con người càng không thể tuyệt đối bất định” được.Ví dụ:Tôi đi,tôi đứng,tôi ngồi,tôi làm thơ,con người tôi đang hoạt động:Trí & chân tay tôi “nhúc nhích,dịch chuyển.v.v. và mọi người,ai ai cũng “hiểu rõ” chuyện này.
    *Thực ra,ngay chính nhà thơ Phương Đặng cũng không biết-không rõ chính ngay bản thân mình nữa.Huống chi người khác như anh Lương lại hiểu & rõ về con người Phương Đặng!Tại sao vậy ta???
    *Tác giả Lương đặt tên cho tiêu đề bài viết của mình là:
    “Con người” của Phương Đặng: Định dạng con người – định dạng thơ.”
    Nếu nêu như vậy thì tôi nghĩ: anh Lương đang “định dạng” con người & thơ của Phương Đặng vậy!Tôi cũng biết rõ “Con người” là tên của 1 tập thơ của Phương Đặng(NXB Hội Nhà Văn),nhưng ở đây nhà thơ Phương Đặng đâu có dám “định dạng” về con người đâu mà chỉ là làm thơ để trải lòng mình với người đọc thơ-độc giả & công chúng thích & yêu thơ.
    *Tôi xin hỏi tác giả Lương 1 câu:Anh có hiểu ý nghĩa của từ “định dạng” không?Tôi chỉ hiểu “đơn giản” là:tôi muốn “định dạng” một chuyện,một vật,một người nào đó thì tôi phải đi tìm-biết-hiểu rõ về chuyện,vật,người ấy thật kỹ,thật sâu,thật chắc chắn rồi mới dám “định dạng” chuyện-vật-người ta.Nói cho mau là nhà thơ Phương Đặng cũng không dám “định dạng” chính mình đâu!Vậy mà tác giả Lương “nhảy vô” rồi viết bài “Con người” của Phương Đặng: Định dạng con người – định dạng thơ” để “định dạng” cho nhà thơ Phương Đặng.Tôi đọc,xem & ngẫm nghĩ:bài viết của anh Lương “tệ” & “kém” quá!Tôi hỏi anh Lương thêm 1 câu:trong cuộc sống cá nhân của mỗi người,đố ai dám định dạng về cuộc sống của người đó,ngoại trừ “ông trời” – “thượng đế” phải không?Vậy mà,anh Lương lại viết 1 bài luận bàn & đặt tên như trên,như tôi đã lý giải+phân tích ở trên.Tôi đành botay.com nhưng cũng thích góp ý-luận bàn.
    *Trích:”Có thể đọc “Con người” của Phương Đặng tuần tự từ đầu đến cuối, ngót 130 bài nối tiếp cuốn hút. Có thể giở bất kỳ trang nào, bài nào. Tất cả đều sáng lên trong ta ánh sáng sự thấu triệt. Như một kiểu “Tâm kinh”- cho chính chị. Tôi cũng thấy cái ánh sáng ấy, cho chính mình.”.
    Đúng là tác giả Lương lại “cường điệu hóa” bài viết của mình “lắm quá” đi,đây là ý của riêng tôi.Tôi thắc mắc:trong đoạn văn trên trong bài viết,anh Lương nêu:” Có thể…Tất cả đều sáng lên trong ta ánh sáng sự thấu triệt .Như…chính mình.”.Vậy,nếu như tôi & anh lúc đọc thơ của nhà thơ Phương Đặng thì sẽ “thấu triệt cái gì??? (như anh đã nêu ở đoạn văn trên).Tôi đọc,càng đọc bài viết của anh tôi càng “không hiểu” anh nói,anh viết,anh đánh giá nhà thơ Phương Đặng như thế nào?Tôi đồng ý nhà thơ trẻ Phương Đặng là “người tài”,người làm thơ hay.v.v.,nhưng cũng là con người bình thường thôi như bao nhiêu con người khác phải không?
    -Trích:”Tôi dùng từ “ngưỡng mộ” nhà thơ Phương Đặng là vậy. Về chặng nhất quán “định dạng con người- định dạng thơ” này. Có thể chặng tiếp theo sẽ khác. Hoặc chỉ vậy, không có chặng nào nữa: chị đã hoàn thành sứ mệnh!”(Đoạn cuối bài viết).
    Tác giả Lê Hoài Lương lại như thế nào đây ta???Tôi không biết dùng từ-ngữ nào để diễn đạt về những ý,những từ của anh đã nêu,đã ghi,đã viết,đã diễn đạt trong bài viết của mình nữa rồi!Có thể,anh cho,anh tưởng bài viết của mình là “hay”;là “có ý sâu sắc” & chưa có tác giả nào,người nào,nhà phê bình nào nêu ra để bàn luận về một nhà thơ Phương Đặng tài hoa như anh.Tôi botay.com vậy,đành dùng tạm từ-ngữ “bốc phét” để nêu cho bài viết của tác giả Lê Hoài Lương vậy.Tôi chân thành xin lỗi anh Lương,quý BBT-BQT trang vanhocsaigon.com bỏ qua.Tôi chào trân trọng quý anh(chị)em trên Trang,anh Lương & quý vị.
    đạt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *