Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt: Nội trị vững, kinh tế phát, ngoại giao mở

Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm Quý Mùi (1763), gần vàm Trà Lọt (làng Long Khánh, Định Tường). Nội tổ là Lê Văn Hiếu, thiên cư từ Quảng Ngãi vào. Sau khi Ông Lê Văn Hiếu mất, cha Lê Văn Duyệt là Lê Văn Toại rời vàm Trà Lọt, mang gia quyến đến vùng Rạch Gầm, ở bên rạch Ông Hổ (thuộc làng Long Hưng, Định Tường).

Theo Đại Nam liệt truyện, khi còn niên thiếu, Lê Văn Duyệt thường tự than “sinh ở đời loạn, không hay dựng cờ trống đại tướng, chép công danh vào sách sử không phải là trượng phu vậy”. Mười bảy tuổi theo Thế Tổ lo việc nội đình. Hai mươi hai tuổi (1785) cùng vua đi Xiêm, đóng ở Vọng Các, một đường theo hầu trước sau như một. Hai mươi bốn tuổi (1787), theo vua đánh dẹp, bàn việc binh cùng chư tướng. Rồi, sau đó là những trận đánh ở Quy Nhơn, cứu thành Diên Khánh; và mùa xuân năm Tân Dậu (1801) trận đánh ở cửa biển Thi Nại được xem như “trung hưng võ công đệ nhất”. Lê Văn Duyệt trở thành khai quốc công thần của vương triều Nguyễn. Cùng với hai lần giữ chức Tổng trấn, ngài trở thành Đức Thượng công Tả quân trong lòng người Gia Định và Gia Định Thành là chiến lũy thép giữ vững bờ cõi tời Nam đất Việt.

Trên cương vị Tổng trấn, Lê Văn Duyệt đã góp công góp sức xây dựng, phát triển Gia Định Thành trở nên trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội của vùng đất phương Nam. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhận định: “Tôi thấy tư duy và ứng xử của Lê Văn Duyệt có nhiều điểm ở tầm quốc sách và có những mặt khá gần gũi so với một số chủ trương của chúng ta trong thời kỳ đổi mới”(1). Đồng thời Ông còn nêu ra những đóng góp của Lê Văn Duyệt về phương diện chính trị: “- Lê Văn Duyệt có tầm nhìn chiến lược về vấn đề dân tộc, nhờ đó đã quy tụ được các dân tộc đa số cũng như thiểu số, kể cả người Hoa. Lê Văn Duyệt cũng chủ trương tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo. Chính sách dân tộc, tôn giáo đó là một trong những điều …. rất mới, táo bạo và tự tin”(2). Trên hết, điểm nhất quán và xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp Đức Thượng công: hướng đến lợi ích của nhân dân và đất nước.

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

1. Lê Văn Duyệt và việc xây dựng Gia Định Thành trở nên trung tâm hành chính, quốc phòng

Khai quốc công thần, lại phụng sự hai triều vua Nguyễn, Đức Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế thực biết rõ công trạng và vai trò của Tả quân Lê Văn Duyệt. Thực tế, nhà vua đã trông cậy rất nhiều vào Tả quân (trong việc tế giao cũng như củng cố ngai vị từ khi mới lên ngôi chí tôn). Nhà vua cũng trọng thưởng cho Tả quân nhiều ân sủng rất hậu, khó người sánh bì. Bấy giờ, tháng 5.1820, nhà vua giao Tả quân nhậm chức Tổng trấn Gia Định Thành. “Lấy Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt lãnh Tổng trấn thành Gia Định. Phàm truất thăng quan lại, hưng lợi trừ hại, tất cả việc thành và việc biên cương đều cho tùy nghi mà làm”(3). Theo thánh chỉ, Lê Tả quân ra sức củng cố an ninh quốc phòng. Đây cũng là chủ ý của Đức Gia Long thuở trước. Đức Gia Long đổi Gia Định trấn nên Gia Định Thành với ý muốn giữ bờ cõi cho vững mạnh, bởi nhìn thấy người Xiêm vẫn luôn dòm ngó khu vực biên giới Việt – Miên. Cụ thể, tháng Giêng năm Mậu Thìn, tức năm Gia Long thứ 7 [1808]:

“Vua thấy địa thế Gia Định rộng lớn, sai đình thần bàn kỹ việc kinh lý để giữ gìn bờ cõi cho vững mạnh. Bèn đổi Gia Định trấn làm Gia Định thành, dinh Phiên Trấn làm trấn Phiên An, dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa, dinh Vĩnh Trấn làm trấn Vĩnh Thanh, …, mỗi huyện đều đặt hai tổng”(4).

Cùng với đó từ tháng 7 năm Gia Long thứ 11 [1812], “vua triệu Nguyễn Văn Nhân về, lấy Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành, Trương Tấn Bửu làm Phó tổng trấn, khiến hơn 3000 người thuộc quân Thần sách ở Thanh Nghệ cùng Ngũ quân và Tượng quân ở Bắc Thành theo đi thú ở Gia Định”(5), việc cắt cử Lê Văn Duyệt trấn nhậm Gia Định Thành cho thấy mong muốn giữ yên bờ cõi của Đức Gia Long. Và Tả quân Lê Văn Duyệt không làm vua thất vọng. Ông tỏ ra có uy tín lớn và tầm nhìn xa trông rộng trong vấn đề an ninh quốc phòng, bang giao đối ngoại ở khu vực Đông Nam Á lục địa (gồm cả Vạn Tượng, Chân Lạp, Xiêm La và Miến Điện). Tháng 4.1814, Lê Văn Duyệt tâu xin “kén lính ở Gia Định. Thành thần cho là trọng địa ở cõi Nam, tâu xin kén lính để mạnh mẽ biên phòng. Vua giao xuống triều đình. Chuẩn cho theo số tuyển năm Quý Dậu lấy dân đinh các hạng tráng, quân, dân các trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường 49.700 người”(6). Vua lại ra chiếu dụ rằng:

“Gia Định là đất trung hưng. Trước kia đất 1 thành quân 1 lữ mà lấy lại được cơ nghiệp cũ. Sau khi đại định, vui cho dân ta nghỉ vai. Nhưng lại nghĩ nước nhà dẫu yên, không nên quên việc đánh dẹp. Huống chi ở gần biên giới phải biết phòng bị trước mới khỏi lo sau. Nay chuẩn theo đình nghị, kén lấy binh lính biên thành cơ đội, là vì bọn ngươi sinh trưởng ở đấy, quen thuộc đất nước, khi không việc thì chia phen mà rèn tập, lúc có việc thì ra sức mà chống đánh, dùng binh ở đất ấy để giữ đất ấy, không ví như những binh kén ở nơi khác thường phải gọi đi thú ở xa. Dân chúng các ngươi nên thể lòng trẫm, dân yên làm ăn, binh vui phục dịch, không nên ngờ sợ”.(7)

Cho thấy, an ninh quốc phòng là nhiệm vụ trọng tâm mà Đức Gia Long có ý gửi gắm Lê Văn Duyệt trong vai trò tổng trấn. Đây cũng là trọng trách lớn nhất trong lần đầu nhậm chức Tổng trấn. Thời gian này (từ 1812-1815), Lê Văn Duyệt giúp vua xử trí không ít việc của người Cao Miên. Đặc biệt, mối quan hệ nhập nhằng do anh em của Phiên vương câu kết với người Xiêm. Tháng 4 năm 1813, Lê Văn Duyệt theo lệnh vua đưa Nặc Chăn về nước. “Ngày Ất mão, Nặc Chăn vào thành La Bích. Sai bề tôi là Cao La Hâm lấy 500 quân hộ vệ. Bọn Văn Duyệt định rõ hiệu lệnh, cấm cướp bốc, tỏ uy tín, thương dân Di, người Xiêm nghe tiếng, rụt rè sợ hãi. Dân Phiên nhờ đó được yên”(8). Trong các vấn đề của người Xiêm, Đức Gia Long thường nghĩ tới nghĩa kết giao với Phật Vương (Rama I) tuy phòng bị nhưng thường nắm níu giao hảo, tuy có lúc căng nhưng không để đứt và cũng không chủ động chiếm ưu thế trước Xiêm La. Ngược lại, Nguyễn Văn Thành có phần lo xa, muốn động binh. Lê Văn Duyệt cân nhắc kỹ hơn việc động binh nhưng vẫn nghĩ kế kiềm chế Xiêm La, giữ thế chủ động trước người Xiêm, không để rơi vào bị động(9). Hơn hết, ông nghĩ đến an nguy của dân, bất kể Việt hay Miên, quản binh rất nghiêm, tránh gây phiền hà cho đời sống nhân dân. Tháng 7.1814, quân Xiêm lại kéo quân đóng ở Bắc Tầm Bôn, Lê Văn Duyệt mật tin cho Nguyễn Văn Thụy đem quân và voi đi tuần biên giới, với ý kịp thời ứng phó nếu quân Xiêm manh động(10). Cách ứng phó mềm dẻo, linh hoạt tránh mất tình giao hảo và tránh phạm điều gây hấn trước; song Lê Văn Duyệt luôn có ý dè chừng, phòng bị người Xiêm để ứng phó kịp thời. Do đó, người Xiêm vừa kính vừa sợ Lê Tả quân. Hễ Lê Tả quân còn ở Gia Định thì không dám manh động. Ví như, năm 1815, Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế triệu Lê Văn Duyệt về kinh nhưng sau đổi ý bởi người Xiêm chực chờ  tiến sát biên giới.

“Tháng 2, triệu Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt, Đô thống chế Trần Văn Năng, Phó tướng Tô Văn Mạc, Hiệp tổng trấn Bắc Thành Lê Chất, Thượng thư Hộ bộ Nguyễn Đình Đức, và các quan dinh trấn đều một người về kinh. Rồi có điệp báo ở Gia Định rằng quân Xiêm tiến vào Khổ Đạt Mang (tên đất) nói phao rằng đi đánh Man Lào, nên lại hạ lệnh cho Văn Duyệt và Văn Năng lưu lại thành để phòng bị”(11).

Đến tháng 6 năm 1815 mới cho triệu Lê Văn Duyệt về kinh.

Đến thời Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế, tháng 3.1824, Quốc vương Chân Lạp là Nặc Chăn xin cắt đất ba phủ Lợi Ỷ Bát, Chân Sâm, Mật Luật để báo đức Nguyễn Văn Thụy. Triều thần từ Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Hữu Thận, Nguyễn Văn Hưng, Phạm Đăng Hưng, Trịnh Hoài Đức cùng bàn cách xử trí. Duy có ý kiến Lê Văn Duyệt hơi vừa ý Đức Minh Mạng. Tả quân cho rằng:

“Chân Lạp báo ơn Thụy không phải là bản tâm đâu, chỉ vì cớ người Xiêm nuôi nấng em nó cho nên muốn giữ vững sự giúp đỡ của ta mà thôi. Nếu nhận lấy thì hơi tham mà người Xiêm lấy cớ nói được; từ không lấy cả thì sợ trái với sơ ý trù biên của Thế tổ Cao hoàng đế ta. Vả đất ba phủ ấy thì Lợi Ỷ Bát hơi xa, không nhận cũng phải; còn Chân Sâm và Mật Luật thì Giang Thành, Châu Đốc của ta ở ngay chính giữa, thần xin nhận lấy đất mà trả lại thuế má, để cho họ biết là của triều đình ta chỉ vì kế sách bờ cõi chứ không phải vì lợi vậy. Nhân đấy mà vỗ về thương yêu nhân dân, khiến cho sâu ngấm ơn ta, vui lòng theo về, ngày sau sẽ có lúc dùng đến. Nếu nay bỏ không lấy, giả sử có việc lôi thôi ở biên giới thì Châu Đốc, Hà Tiên chưa hẳn giữ được, mà hàng rào của Gia Định sẽ yếu vậy”(12).

Việc bang giao, Lê Văn Duyệt linh hoạt ứng phó dã tâm của người Xiêm, lo bảo hộ Chân Lạp. Với người Xiêm, ông đề xuất quyết sách giữ mối giao hảo nhưng khiến họ phải kiêng dè; với Chân Lạp, khiến Phiên vương thần phục nhưng phải giữ được nhân đức cho triều đình bảo hộ, tránh tiếng tham của bạo tàn.

Trong việc giữ thành, Lê Tả quân lo ổn định trị an, tổ chức bộ máy hành chính, điều phối công việc. Vừa đến trấn nhậm Gia Định thành, Lê Văn Duyệt cho cất nhắc dân sinh và dân chính. Về dân sinh, cho truy lùng trộm cướp, lập lại trị an. Về dân chính, ghi chép đầy đủ dân đinh đến tuổi, kiểm soát ngoại tịch(13). Việc hành chính trong thành cũng được cất nhắc, sắp xếp rõ ràng chuyên trách. Tháng 2 năm 1814, Lê Văn Duyệt tâu:

“Nay ở thành đã chia tào định cục, việc có chuyên trách, chẳng ví như ngày trước chỉ một người làm. Xin định lấy mỗi tháng sáu ngày (mồng 3, mồng 8, 13, 18, 23, 28), quan lại các tào trong thành đều họp bàn ở công đường. Phàm mọi việc từ tụng văn án ở thành hạt đều đến ngày đó họp bàn xử định. Dân trong hạt có việc kêu kiện thì cũng đầu đơn ở ngày ấy. Làm lệ thường lâu dài”. Vua y cho”(14).

Việc trong thành vì thế càng trôi chảy, dần thành nền nếp. Đối với việc quản lý hành chính hộ tịch, Lê Tả quân thay đổi cất nhắc lại cơ chế, để vỗ về dân. Người dân chăm lo làm ăn, an ổn cuộc sống. “Đến lúc sổ gộp dâng lên, dân số tăng lên hơn vạn người. Vua thấy Tổng trấn Lê Văn Duyệt khéo việc săn sóc vỗ về dân, số hộ khẩu dần dần tăng thêm, xuống dụ khen ngợi”(15). Ngoài ra, Lê Tả quân còn lo dẹp yên loạn đảng: “Lê Công dùng nhiều phương pháp nghiêm ngặt mà công minh, lại khuyên dân địa phương giúp quan sở tại biết kẻ đạo tặc để trừng trị, hoặc truyền kẻ trộm cướp tự thú thì được tha hay được giảm tội. Nhờ đó, dân chúng sớm được an cư lạc nghiệp”(16). Lần thứ hai Tổng trấn Gia Định, Lê Tả quân dẹp được giặc Sư Kế, Đức Minh Mạng rất vui mừng. Dù đã thi ân nhưng vẫn thấy còn chưa hậu, nên đức Minh Mạng tặng thưởng thêm cho Lê Văn Duyệt. Tháng 4.1822, đến Tiết Vạn Thọ, lại sai Trung sứ đem các đồ thưởng cho Lê Văn Duyệt. Đức Minh Mạng có dụ rằng:

“Khanh từ khi nhận mệnh vào trấn đến nay, các đại lễ khánh hạ chưa được về thăm hầu. Nay tiết Vạn thọ, lại vì biên cương chưa yên nên không triệu về, lòng trẫm lấy làm áy náy. Vậy đặc biệt cho đồ nội tạo, một cái ống điếu bằng pha lê bịt vàng, một chén ngọc liệu màu xuân thanh bịt vàng, một chén ngọc liệu màu mỡ cắt bịt vàng, một cái chậu pha lê, để tỏ ý trẫm quyến niệm càng lâu càng trọng”(17).

Thiết nghĩ thưởng vậy thực xứng công, bởi Lê công nhiều lần dẹp loạn đảng. Tháng 7.1830 lại có cướp biển gây hại cho thuyền dân, Lê Tả quân cử người đánh dẹp, mang việc tâu lên(18). Giặc biển Chà Và gây họa cho dân ở Hòn Rái thuộc Hà Tiên, Lê Tả quân theo ý thánh chỉ, vì dân trừ hại(19).

Đối với thuộc cấp, Đức Thượng công vừa thương yêu vừa nghiêm khắc đối với lời nịnh tấu, những hành vi tham nhũng làm nhục nước, mất lòng dân. Như chuyện ông tố cáo Ngô Nhơn Tịnh nhận của riêng của người Phiên (khi Nhơn Tịnh chết tháng 10.1813), còn Trịnh Hoài Đức bênh vực, xin vua truy tặng cho Ngô Nhơn Tịnh. Đức Gia Long muốn dàn hòa đôi bên, cho việc tố cáo còn thiếu bằng cớ, cũng như không thuận ý truy tặng cho Ngô Nhơn Tịnh(20).  Đối với việc thi hành án ở Gia Định, Lê Tả quân xét rõ sự tình, căn nguyên của việc dân phạm tội. Phần nhiều vì đời sống khó khăn, lại do quan trên nhũng nhiễu hút máu dân, mới thành ra gây tội. Lòng luôn thương nghĩ cho dân đen, người yếu thế trong xã hội còn lắm điều bất cập. Lê Tả quân dâng sớ tâu:

““Trong thành hạt có hơn trăm tù tội tử đáng được ở lệ ân chiếu khoan giảm. Vả gần đây lại có kẻ quan lại không tốt, hút máu mủ dân, hoặc có kẻ ngặt vì đói rét, nên sa vào tội lỗi, trong số ấy có kẻ tạp phạm theo trộm cướp, tình trạng có chỗ đáng thương, xin rộng tha cho, để rộng đức hiếu sinh”. Vua lấy làm phải, sai đánh trượng rồi tha cho hơn 90 người. Duy kẻ cướp giết người vẫn đợi đến kỳ xét án mùa thu”(21).

Nhậm Tổng trấn Gia Định lần hai, Lê Văn Duyệt xét lại các án tạp phạm, phân rõ sự việc, xét đủ tình lý, nên thấu hiểu nỗi lòng dân đen (do đời sống loạn lạc đói rách mới phải đến chỗ trở thành tội phạm). “Duyệt nhập tâu rằng: “Các án tạp phạm ở hạt thành xét ra tình tội đều do tiểu dân không biết gì, trước gặp quan lại bất tiện hút máu mỡ dân; đói rét quá thành ra phạm tội. Tội dẫu không can, tình cũng đáng thương, đều nên ở lệ ân chiếu khoan giảm, xin rộng tha, để rộng đức hiếu sinh”. Năm ấy tù tội xử tử được phạt trượng tha ra, hơn 90 người”(22). Chính vì thương dân, Lê Tả quân càng thận trọng việc dùng quan coi sóc dân sinh. Ngài luôn cẩn trọng trong việc cất nhắc, lắng nghe lòng dân, xem các việc làm của quan sở tại có phương hại đến đời sống nhân dân hay không. Hễ ai có tâm trục lợi riêng, liền tâu về kinh (chẳng hạn trường hợp Tống Văn Uyển và Trần Chấn(23). Đủ thấy, Lê Tả quân nhất nhất đều nghĩ đến lợi ích của dân.

Về sử dụng người, Lê Tả quân thực hiện phương châm: “Vì việc tìm người, không vì người tìm việc”; ông tiến hành  sắp xếp lại, phân công giao việc xứng chức xứng người. Cố nhiên, bọn bất tài háo danh hám lợi chúng thù ghét ông.Tháng 11-12.1824, Lê Văn Duyệt rà soát bộ máy quản lý hành chính nơi ông đảm trách: “Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt tâu hạch viên nhân các nha văn võ thuộc thành có kẻ vào ngạch một cách mập mờ, có kẻ bỏ ngạch mà trốn. Vua hạ lệnh chước lượng phân biệt bổ sung, những người hèn kém thì thải bỏ đi”(24). Là người rất nghiêm khắc, cương nghị, tiết tháo, thẳng thắn, ngài nhiều lần tố giác việc các quan nhận hối lộ của dân phiên và vua phiên. Như trường hợp Trần Văn Tuân – Hàn lâm viện Thị độc học sĩ hưu trí – nhận quà cáp và có thư từ riêng với vua phiên; tháng 11.1824 Lê Văn Duyệt bắt được tâu lên. Tuân phải bị xử giảo(25). Hay trường hợp ở đồn Uy Viễn, dân ở đồn ấy muốn đổi y phục theo người Việt. Kiên Xác là trưởng chi lại phiến hoặc nhiễu loạn dân tâm, lừa lấy tiền của dân, bảo là đi lễ để khỏi phải đổi y phục. Tháng 6.1825, chuyện bị phát giác, y lại hối lộ Lê Tả quân 1000 quan tiền. Lê Tả quân tâu Thánh Thượng cho chém để răn người. Vua y cho(26). Tuy nhiên, ông không phải người vô tình mà trong việc xử trí đều cân nhắc tình lý. Tháng 11.1825, thành Gia Định dâng sổ binh, Lang trung Binh tào là Bùi Phụ Đạo đóng ký triện ngược. Lê Văn Duyệt đứng ra tự hặc, xin tội cho Bùi Phụ Đạo. Đức Minh Mạng miễn cho, còn dụ thêm rằng:

“Duyệt là bậc đại thần ở nơi bờ cõi, phàm trong hạt việc lợi thì làm, việc hại thì bỏ, người có tài thì tiến lên, người không tài thì bãi đi, khiến quan lại được xứng chức, nhân dân được yên nghiệp, như thế thì quan to sợ phép, quan nhỏ giữ liêm, ai là không biết khuyên răn, phép làm cho quan lại trong sạch như thế chẳng là đẹp tốt sao? Điều mà trẫm đòi ở Duyệt là ở đó, mà Duyệt làm được xứng chức cũng là ở đó”(27).

Việc tốt đẹp Đức Minh Mạng nói tới chính là nhằm tạo phúc cho dân. Và, Lê Tả quân không phụ lòng kỳ vọng của Thánh Thượng. Ngài trừ hại cho dân, dẹp bọn tham quan ô lại, những người chỉ lo hưởng bổng lộc mà làm việc tắc trách. Tháng 2.1826, “Trấn thủ Biên Hòa là Nguyễn Khả Bằng, Ký lục là Trương Quang Hải, Cai bạ là Lê Đạt Đức có tội bị miễn chức. Dân hạt Biên Hòa có người xiêu tán, bọn Bằng khinh suất ủy cho thuộc ty khám báo không đúng; lại thóc ở kho để lẫn lộn, không phân biệt mới cũ, đến nỗi mốc hỏng nhiều. Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt đem các việc ấy tham hặc tâu lên. Vua hạ lệnh đều giải chức đợi xét. Khi án thành, đều bị cách chức”(28). Thuộc cấp phạm tội, không chỉ nghiêm trị theo phép nước, Lê Tả quân còn dám đứng ra chịu tội, bởi cấp trên không quản được cấp dưới. Trần Nhật Vĩnh trước là thuộc cấp của Lê Văn Duyệt, chuyển ra nhậm chức Hộ tào Bắc Thành, vừa mới chuyển đi chưa đầy một tháng, dân nộp đơn kiện rất nhiều. Lê Tả quân đều thụ lý tất cả. Tháng 6 năm 1828, Lê Tả quân liền tâu lên, giải Vĩnh về đối chất, xin vua phái quan ở kinh về hội xét. Ông còn tự xin giao bộ nghị xử, bởi tự thấy mình dùng người chưa được xứng chức, gây hại cho dân(29). Đức Minh Mạng thấy Duyệt biết hối lỗi, công tư phân minh, dám đứng ra chịu tội của người đứng đầu cơ quan mà không quản được cấp dưới, liền miễn cho, lại dặn dò an ủi(30).

Có thể khẳng định rằng, nhiệm vụ trọng tâm của Lê Tả quân trong lần thứ nhất Tổng trấn Gia Định thành chính là trấn định bờ cõi, giữ yên nước Chân Lạp, kiềm chế người Xiêm, để đất Gia Định yêu ổn phát triển nội lực. Lần thứ hai Tổng trấn Gia Định Thành, ngài chăm lo đời sống nhân dân, giữ gìn trị an, rà soát sắp xếp bộ máy quản lý hành chính. Nhất là trừ tham quan ô lại gây nhiễu hại cho dân. Lẽ đó, việc an định bờ cõi tạo điều kiện cho Gia Định Thành phát triển. Và, chính nhờ vậy,  nơi đây dần trở thành trung tâm kinh tế thương mại, tiền đề đưa Gia Định – Sài Gòn trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của cả khu vực phía Nam thời nước Đại Nam; và là Hòn ngọc Viễn Đông về sau!

2. Lê Văn Duyệt và việc chăm lo dân sinh, phát triển kinh tế thương mại, văn hóa xã hội ở Gia Định Thành

Là dũng tướng từng xông pha trận mạc, hơn ai hết, Lê Văn Duyệt cảm nghiệm đau thương mất mát sau chiến tranh. Do vậy, khi giang sơn thu về một mối triều Nguyễn, Lê Tả quân hàng năm vẫn đem lễ phẩm tam sinh tế giỗ chiến sĩ trận vong cửa biển Thi Nại. Mỗi lần tế đều than khóc rất đau thương. Cũng bởi nỗi niềm đó:

“Lại nghĩ đến những người đã bỏ mình vì quốc sự, để vợ góa con côi đói rách lêu lổng, Lê Công lập ra hai cơ quan từ thiện là “Anh hài” và “Giáo dưỡng”: những trẻ nào thích việc kiếm cung thì được chăm nom ở cơ quan “Anh hài” để rèn luyện võ nghệ hầu sau lập công giúp nước; còn những trẻ khác và những quả phụ thì được vào ở cơ quan “Giáo dưỡng” để học văn chương và tập nghệ nghiệp”(31).

Có thể nói, Lê Tả quân rất quan tâm đến hoạt động đền ơn đáp nghĩa, góp phần vào việc giáo dục nâng đỡ con em của những người xả thân cho đất nước đại định. Đặc biệt, nghĩ đến công lao của các công thần Vọng Các và thê nhi của họ. Đối với công thần sau khi chết mà chưa được chiếu sắc, tháng 6.1822, Lê Tả quân tâu xin Thánh Thượng đặc cách xét định. Nhờ đó, vua dụ truyền rằng:

“Gia Định là cơ sở buổi đầu của sự khôi phục, người truy tùy như bóng theo mây họp rất nhiều, nên phải đặc cách ban ơn, để tỏ hậu đạo. Phàm những chức danh ấy, nếu hiện ở phẩm cấp quan chế thì chiếu phẩm chỉ phát, nếu không dự phẩm cấp thì cho lấy thực trạng công lao lúc sinh tiền, chia làm ba bậc, bậc nhất tiền tuất 30 quan, bậc nhì 25 quan, bậc ba 20 quan, cho thành thần xét thực mà cấp cho”(32).

Khi vào kinh bệ kiến Đức Minh Mạng (tháng 11.1823), ông lại xin vua lập nhà bia ở Sa Đéc để ghi công trạng. Vua cho là phải nhưng còn dụ dự chưa quyết(33). Đã đành lo nghĩ đến người đã khuất, Lê Tả quân còn nghĩ đến kẻ đang sống. Trong vai trò Tổng trấn, ngài chủ động trong việc cứu giúp nạn dân, sau mới tâu lên Thánh thượng. Không dám không nghĩ đến bề trên, chỉ là tấm lòng lo nghĩ cho an nguy của dân trước hết. “Bốn trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, Biên Hòa, Phiên An, bão to, nước lớn, nhân dân nhiều người chết đuối. Lê Văn Duyệt trước hạ lệnh cho các trấn chiếu theo lệ bị nạn mà chẩn cấp, rồi làm sớ tâu lên. Vua khen là phải”(34). Không chỉ thương dân Việt, Tổng trấn Lê Tả quân còn nghĩ cho dân man. Tháng 2.1826, “Thành thần Gia Định tâu rằng những dân xiêu giạt của man ba phủ thuộc đạo Quang Hóa, năm trước trở về, Chưởng cơ Sơn Cố xin vay 500 quan tiền công để chia cấp cho bộ lạc làm sinh kế, đến nay hết hạn mà không thể nộp trả được. Vua nghĩ dân man mới về, của cải chưa được đầy đủ, đặc cách tha cho”(35). Hay như chuyện hồi tháng 7.1827, “nước Chân Lạp bị đói, Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt tiện nghi phát chẩn 15000 phương gạo rồi làm sớ tâu lên”(36). Chuyện này, đến tháng 10.1827 khi về kinh, Thánh Thượng triệu lên điện, có ý nhẹ nhàng quở trách.

“Trước đây Chân Lạp kêu đói, khanh tiện nghi phát chẩn, không phải là việc nhỏ đâu. Quyền nghi thông biến ở khanh thì còn được, chứ người khác thì phải cẩn giữ pháp độ. Nước Chân Lạp vốn không chứa thóc sẵn, hễ gặp mất mùa là túng thiếu ngay, vạn nhất bờ cõi có việc, đã không giúp quân nhu cho ta, lại đem thóc cho họ, há chẳng phí lắm sao? Cho nên thà cho họ của báu, không nên cho thóc gạo”(37).

Lê Tả quân hiểu ý Thánh Thượng, xin tội, nhưng vì thương người đói rách, chứ không phải tự ý làm càn, không biết thờ vua; ngặt vì chuyện cứu đói cấp bách nên đành làm trước báo sau. Qua việc này, Thánh Thượng có nói với Trần Văn Năng, Tống Phước Lương, thấy Lê Văn Duyệt “cái tính bướng bỗng đã gột sạch, không ngờ lúc tuổi già lại tỉnh ngộ như thế”, “là người trung thuận, cái nghĩa thờ bề trên có sẵn lúc ngày thường”(38). Thương người, thương dân nên vậy! Ngay đối với hạng du thủ không nơi nương tựa, phiêu bạt giang hồ, Đức Thượng Công lại cho sung vào đồn điền. Phần vì để tránh gây hại cho dân, phần có thể giúp kẻ phiêu bạt ổn định đời sống. Về sự lo ngại của Thánh Thượng trong chuyện rối ren giữa người xin vào đồn điền và quản lý đinh tịch, Lê Tả quân cũng xử trí ổn thỏa.

““Dân Gia Định phần nhiều là dân giang hồ trú ngụ, đặt ra đồn điền để dồn bọn du thủ cho nương tựa vào đồng ruộng vốn là phép tốt. Nếu không cho đồn điền tăng tục thêm dân thì bọn ấy đi lại không định, sợ hoặc để lụy cho dân. Nhưng tránh chỗ nọ đến chỗ kia cũng là thường tình người ta. Đồn điền nhiều thì hộ khẩu lại ít dần đi, lấy đâu mà bổ sung chỗ thiếu cho binh tịch? Vậy từ nay có ai xin sung đồn điền thì xin hỏi ngay hương lý, nếu muốn để người ấy đăng tịch ở làng thì trả họ về dân, nếu không muốn thì cho lưu ở đồn điền, đều cho tùy tiện” Vua nhận lời tâu”(39).

Đến tháng 12.1821, “Thành thần Gia Định tâu nói: “Lính mới điền và lính mới mộ của các trấn thuộc thành chưa quen hàng ngũ, xin đến tháng giêng sang năm họp tất cả lại ở thành, cấp cho hai tháng gạo lương để thao diễn”. Vua y theo”(40). Đến tháng Giêng 1822, Lê Tả quân lại tâu xin Thánh Thượng miễn thuế thân cho hạng cùng cố. “Vua y lời tâu. Lại sắc rằng từ năm nay trở đi, những hạng dân cùng cố đã có sản nghiệp thì đem vào các hạng tráng, quân, dân, còn những người làm chưa đủ ăn thì vẫn cho miễn”(41). Thương dân nghèo, ngài lo nghĩ cho sinh kế của dân. “Hai huyện Tuân Nghĩa, Trà Vinh, phủ Lạc Hóa thành Gia Định, dân phiên chuyên nghề làm ruộng, ruộng chỉ nhờ nước triều mà tưới. Từ khi có thuế thủy lợi, người lĩnh trưng đắp bờ ngăn để đánh cá, đường nước chảy vì thế không thông, dân sở tại mất nghề sinh lý đem tình trạng khổ ấy kêu lên thành. Thành thần sai khám tâu xin đình thu thuế ấy, tất cả 21 sở (tiền thuế hơn 3060 quan) cho tiện nghề nông. Vua nói: “Dân ấy đều là con của ta, thiệt người trên mà lợi người dưới thì tiếc gì”. Sai miễn trưng”(42). Nhờ đó, dân sở tại thuận tiện trong nghề nông, sinh kế không bị thiệt hại. Dân được an vui. Dễ hiểu vì sao dân Gia Định tôn kính và phụng thờ Đức Thượng công, đến nay vẫn còn sống hiện trong tâm thức tín ngưỡng của người bình dân Nam Bộ.

***

Nhìn chung, “Lê Văn Duyệt là người đã góp công lớn về đối nội lẫn đối ngoại. Không chỉ giữ vững bờ cõi phía Nam mà còn phát huy thế nước nhà ra các nước lân bang, khôn khéo ứng xử với giới doanh nhân phương Tây đến buôn bán. Đồng thời đốc thúc quân dân nỗ lực khẩn hoang, lập ấp, đắp đường, xây lũy, học văn luyện võ, tăng gia sản xuất, mở rộng giao thương…”(43). Đầu vương triều Nguyễn, kinh Vĩnh Tế có thể xem như đại công trình, có ích lợi rất lớn về kinh tế, thương mại, quốc phòng. Lê Tả quân là người đứng ra xin thánh chỉ về việc đào kinh Vĩnh Tế. Việc mới khởi công, lại ngưng. Sau đó Lê Tả quân tâu xin tiếp tục đào kinh Vĩnh Tế nhưng Đức Gia Long muốn cho quân, dân được ngơi nghỉ. Tháng 10.1822, ông lại tiếp tục xúc tiến việc này bằng việc tâu lên Đức Minh Mạng về việc vua phiên xin đem dân binh nước ấy cùng đào kinh Vĩnh Tế.

“Vua xuống dụ khen ngợi. Sai Duyệt làm quy hoạch trước. Duyệt tâu xin phát hơn 39.000 người binh dân ở thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường cùng đồn Uy Viễn, với hơn 16.000 người binh dân nước Chân Lạp, chia làm ba phiên, để mùa xuân sang năm khởi công, đầu hạ thì xong. Vua y cho”(44).

Vua dụ thêm rằng:

“Đường sông Vĩnh Tế liền với một lộ tân cương, xe thuyền được lợi rất nhiều. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta mưu sâu tính kỹ, để ý đến việc biên cương, buổi đầu đã một lần đào, công việc chưa xong. Trẫm noi theo chí trước, dốc lo làm sao một lần khó nhọc để thong thả lâu dài, khanh nên tính toán thế nào, hẹn ngày tâu công, để xứng ý trẫm. Vả chăng sông ấy không phải lợi cho Chân Lạp, vua Phiên xin thế vị tất là do thực tình. Ngày nào dụ đến nơi, họ tất sẽ có lời ngăn trở. Song việc làm quả quyết thì nên, dùng dằng thì hỏng. Trẫm đã định trước, họ không đáng kể”(45).

Lời của Đức Minh Mạng thực đã nói rõ lý do vì sao Lê Tả quân kiên trì xin thánh chỉ để đào cho hoàn thành con kinh này. Ngoài ra, thánh chỉ cũng có ý dặn Lê Tả quân không nên để sự tham gia của người Chân Lạp làm chậm trễ việc đào sông. Đến tháng 2.1823, bởi cuộc đào sông Vĩnh Tế, Lê Văn Duyệt ngày đêm lo nghĩ, sắp xếp quy hoạch, tâu trình Thánh Thượng, nên ông ngã bệnh. Vua sai giao cho Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu thay mặt đứng ra cáng đáng(46). Tháng 4.1823, nghĩ đến công khó nhọc của Lê Văn Duyệt, Đức Minh Mạng ban tặng rất hậu và dụ rằng:

“Trẫm nghĩ khanh khi xưa theo vua đã có công lao, giữ hết lòng trung, cho nên Hoàng khảo ta dặn lại giúp trẫm. Trước nhân đất Gia Định ở giáp nước Phiên nên sai khanh làm Tổng trấn. Từ khi khanh giữ việc đến nay thì dẹp yên giặc Chân Lạp, tiếp đến tra xét đinh lậu, thêm lên hơn vạn hộ khẩu. Nay lại tự mình đốc suất việc đào sông để thành cái chí noi theo việc trước của trẫm. Làm tôi siêng năng duy khanh là hơn cả, cho nên hậu thưởng. Từ trước đến nay các hoàng tử tước công chưa từng cho đeo đai ngọc. Nay nghĩ khanh công trước vốn đã rạng rỡ, lại dựng được công mới, nên đặc cách ban cho. Khanh càng nên dốc lòng trung thành, cố gắng hơn nữa”(47).

Qua lời dụ của Đức Minh Mạng, hậu thế phần nào thấy được công sức của Lê Văn Duyệt đối với dân với nước, với triều đại mà ông đã từng xông pha trận mạc trên khắp chiến trường. Đặc biệt. đối với nơi ông sinh ra và lớn lên –  dân Gia Định, không chỉ trong việc tiễu trừ loạn đảng, còn an dân phát triển cơ sở hạ tầng. Việc này, tạo đà phát triển kinh tế, giao thương cho Gia Định Thành. Trong việc phát triển cơ sở hạ tầng Gia Định, ông chú trọng việc phát triển giao thông nhầm thúc đẩy giao thương buôn bán. Lê Tả quân quan tâm xây dựng phát triển đường bộ, đường thủy nhằm tăng tính cơ động, phòng trường hợp bất trắc ở khu vực biên giới Xiêm và Chân Lạp.

“Lấy danh nghĩa là bảo hộ Cao Miên và cũng để tâm đề phòng sự gây hấn bất thường của Xiêm La, Lê Công đã xin sửa đắp một con đường từ Sài Gòn lên Gò Dầu và Tây Ninh để tiện cho lục quân thẳng tới ranh giới Xiêm-Miên, ngang qua thành Nam Vang. Lê Công cũng lo đến con kinh Vĩnh Tế để thủy quân có thể di động mau lẹ từ Châu Đốc qua Hà Tiên mà ra vịnh Xiêm La”(48).

Về đường bộ, còn có:

“Đường Thiên lý từ Sài Gòn đi về phía tây do Tổng trấn Lê Văn Duyệt thực hiện theo lệnh của vua Gia Long vào tháng 10 năm Ất Hợi (1815). Bắt đầu từ cửa Đoài Nguyệt ở phía tây thành Bát Quái, qua cầu Tham Lương (đường Trường Chinh nay), qua bến đò Thị Sưu, qua đầm Lão Đống, giáp ngã ba đường sứ tới Khê Lăng đến đất Kha Pha (Cao Miên), cho đến sông lớn dài 439 dặm. Chỗ gặp sông ngòi thì bắc cầu, đầm lầy thì đắp đất, gặp rừng thì đốn cây. Mặt đường rộng 6 tầm (12,72 m), đường thông suốt cho người và ngựa. Từ Kha Pha dọc sông xuống phía nam 194 dặm đến đồn Lò Yêm,  từ Kha Pha lên phía bắc 49 dặm đến trại Chế Lăng dùng vào việc phòng binh”(49).

Không chỉ tâm huyết chuyện đào kinh Vĩnh Tế, Lê Tả quân còn tâu xin nạo vét sông Tà Câu ở trấn Phiên An (thuộc huyện Thuận An, từ cửa sông Thủ Đoàn đến Gò Dừa thôn Bình Ảnh). Tháng 2 năm 1829, bởi “đường sông ngoằn ngoèo, thuyền bè đi lại khó khăn, chậm trễ. Năm trước thành thần Gia Định xin khơi đào rồi vì nhiều việc lại thôi. Đến nay nhân việc làm ruộng đã xong, lại xin. Bèn sai dân Phiên An và Định Tường 16000 người, mỗi người tháng được cấp tiền 3 quan, gạo một phương, đầy tháng đào xong. Vua thấy đường ở sông đã thông, có lợi rất nhiều, đặt tên là sông Lợi Tế. Thưởng Tổng trấn Lê Văn Duyệt và bọn tu thừa biện kỷ lục cùng sa và bạc theo thứ bậc”(50). Đối với cơ sở vật chất trong thành, ngài cho trưng dụng tránh lãng phí, ngoài lại xây cất thêm để thực hiện việc cần kíp. Tháng 2.1830, “Tống trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt tâu xin dỡ 4 kho quản thảo cũ, chọn lấy những gỗ còn dùng được để làm thêm một kho Gia Hòa và nhà trại của cục Tạo tác. Vua y cho”(51).

Ngoài cơ sở hạ tầng đường sá, Lê Tả quân rất chú trọng phát triển kỹ nghệ, các hoạt động sản xuất. “Nghề đúc đồng cũng có mặt ở đất Sài Gòn khá sớm. Những người thợ từ Qui Nhơn vào đất Gia Định những năm 1720 – 1750 lập ra làng chuyên đúc đồng Nhơn Giang (Nhơn Ngãi) ở khu vực Chợ Quán. […] Nghề đúc đồng ở đây đã có nhiều cải tiến về phương pháp sản xuất, kiểu dáng sản phẩm, dần dần trở nên nổi tiếng với một phong cách riêng. Tổng trấn Lê Văn Duyệt rất quan tâm, ông hay đến quan sát cách thức sản xuất của thợ và khách hàng tiêu thụ thường xuyên của làng nghề này”(52). Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là các mặt hàng gia dụng (nồi, chảo, hộp thuốc, chân đèn, lư hương, …). Về làng nghề đúc đồng ở Gia Định ngày ấy, Nguyễn Trọng Quản có thuật lại: “Nếu ai có dịp đi thăm ông Pétrus Trương Vĩnh Ký tại nhà hẳn đã thấy những luồng khói đen tỏa lên từ những nhà tranh ở gần đấy: đó là khói từ các lò đúc đồng”(53). Ngoài ra ở Gia Định thành ngày ấy còn có một số làng nghề như: lò gốm Hưng Lợi, gốm Cây Mai, …

Về văn hóa xã hội, Gia Định Thành nằm ở khu vực “hỗn dung” về dân tộc, tôn giáo. Do đó, để giữ thành an trị, Lê Tả quân không thể không thu phục lòng người, nhất là các nhóm người thiểu số tại địa phương. Lê Tả quân rất nhạy bén trong vấn đề quan hệ giữa dân Việt và dân Chân Lạp, lẽ đó rất thận trọng trong việc đối đãi với người dân Chân Lạp, lúc nào cũng có ý vỗ về, bảo vệ. “Tại xứ Đồng Nai có thầy sãi Cao Miên tên Kế giỏi về ngãi, gồng, bùa chú. Được khá đông thổ dân phục tùng, Kế nổi lên khuấy xóm phá làng, chẳng những ở miền Tây Ninh mà còn gây nguy ngập đến thành Nam Vang … Biết rõ tâm lý người Cao Miên, những người chất phác, Lê Công không cho quân lính giết càn bắt bậy, cứ cho dò la tông tích sãi Kế, hễ nghe Kế ở vùng nào thì phát nhiều binh sĩ mau tới đó”(54). Đức Thượng công rất quan tâm trong việc an định lòng dân, gắn kết các mối quan hệ giữa các tộc người (Việt, Hoa, Khmer) ở phạm vi cai quản. Với người Chân Lạp, Đức Thượng công nhiều lần cứu tế trong hoàn cảnh đói kém mất mùa. Đối với người Hoa, Đức Thượng công cũng có nhiều chính sách, hỗ trợ giúp họ phát triển đời sống. “Dân người Hoa lúc bấy giờ rất khổ sở với bọn giang hồ này, nên khi Lê Văn Duyệt lên làm Tổng trấn, ông thẳng tay trừng trị, từ đó cộng đồng người Hoa sống yên ổn, làm ăn. Chính vì vậy, ngày nay mỗi lần giỗ của ông Lê Văn Duyệt, người Hoa ở Chợ Lớn đến tham dự rất đông”(55). Để khách quan hơn, có thể tham khảo qua góc nhìn của người Tây phương đến Gia Định với cảm nhận trực tiếp của họ.

“Năm 1822, khi người Anh ở Bengal (Ấn độ) và Singpapore gởi ông John Crawfurd vào Gia Định gặp Tổng trấn Lê Văn Duyệt để tìm hiểu về thương mại, Crawfurd có viết về Chợ Lớn (lúc đó gọi là Saigon) và Bến Nghé như sau: “Đây là lần đầu tiên tôi tới Saigun (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé). Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng. […] Dinh Tổng trấn khá đồ sộ và uy nghiêm. Các thành trì nằm ở bờ sông An Thông hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được Tổng trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. […] Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp”(56).

Qua tường thuật đó, người xưa và người nay đều nhận được mối quan hệ hài hòa giữa các sắc tộc ở Gia Định. “Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành”. Bước đầu, có thể nói, Lê Tả quân là người tạo điều kiện hỗn dung văn hóa ở Nam Kỳ (từ sinh hoạt xã hội đến lối sống phong tục, ví dụ như về y phục(57). Đối với kẻ phạm tội, Lê Tả quân vừa nghiêm khắc nhưng rất phân minh, tâu xin phân định, xử trí rất có lý có tình. Vua đều y cho(58), cũng là thuận theo lẽ đức trị của Thánh Thượng.

Với Công giáo, Lê Tả quân tiếp tục đường lối của Đức Gia Long. Lẽ đó, có những khác biệt nhất định với Đức Minh Mạng đối với vấn đề Công giáo. Tuy nhiên, Lê Tả quân vẫn giữ phận bề tôi, không thể dựa hoàn toàn vào ghi chép của người Tây phương để gán ghép thái độ Lê Tả quân đối với nhà vua. Tháng 12.1827, Adrien Launay ghi lại lời tâu của Lê Tả quân trong lúc về kinh diện kiến Đức Minh Mạng:

“Tâu Hoàng thượng, chúng ta định bắt bớ các đạo trưởng Tây dương, trong khi chúng ta còn phải nhai cơm do các vị đó cung cấp cho chúng ta sao? Ai đã giúp hoàng đế quá cố [Đức Gia Long] lấy lại giang sơn? Hình như hoàng thượng muốn mất nước một lần nữa? Tây Sơn bức hại đạo và nó đã bị truất ngôi. Vua xứ Pégu [Miến Điện] vừa trục xuất các vị linh mục, liền bị xô khỏi ngai vàng. […] Không! Chừng nào thần còn sống, Hoàng thượng không nên làm điều ấy; xin Hoàng thượng làm những gì ngài muốn sau khi thần qua đời”(59).

Lời thuật của Adrien Launay chỉ cho chúng ta thấy được cá tính của Lê Tả quân, đó là lòng ghi nhớ ân nghĩa nhận được trong khi hoạn nạn. Phải thấy rằng đó là lời khẩn xin Thánh Thượng nếu vẫn giữ chính sách với Công giáo như vậy thì xin hãy để thần khuất mặt rồi hẳn thi hành, để thần không hổ thẹn, mang tiếng vong ơn bội nghĩa. Đây là cá tính văn hóa đặc trưng của người bình dân Gia Định: tức là trọng ân nghĩa và ghi nhớ ân nghĩa “Tiền tài như phấn thổ/ Ngãi trọng tợ thiên kim” (ca dao). Lời thuật dưới góc nhìn của người Công giáo hẳn không thể xem lấy thái độ đó là thái độ của Lê Tả quân đối với vua Minh Mạng. Có chăng, chỉ có thể minh xác được hai điều: đối với vấn đề Công giáo, (1) Lê Tả quân tiếp tục đường lối chính sách của của Đức Gia Long, (2) ghi tạc ân nghĩa của những người giúp đỡ trong lúc hoạn nạn. Nhưng, cần hiểu thêm rằng: Lê Tả quân rạch ròi giữa Công giáo như một tôn giáo và Công giáo như một thế lực chính trị. Bởi thực tế, Lê Tả quân tôn trọng và có qua lại các cố đạo (như Marchand, J. B. Chaigneau). Song, không phải Lê Tả quận không nhìn ra thế lực chính trị núp bóng đằng sau đó. Trên hết, đó là tấm chân tình lo nghĩ cho vận mệnh đất nước, dân tộc và triều đại Đại Nam(chẳng thể vin vào đó để khoét sâu khoảng cách giữa Thánh Thượng và Lê Tả quân).

Về phong tục tín ngưỡng, thời Lê Tả quân làm tổng trấn Gia Định:

“Vùng Thị Nghè xưa cũng là nơi có khu ruộng Tịch điền, đàn Xã tắc, miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông. Những cơ sở này nằm trước nhà thương Dưỡng lão (nay là Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè), nay thuộc Phường 17, quận Bình Thạnh. Ngày trước, mỗi năm Tổng trấn Lê Văn Duyệt đến khu ruộng công điền này làm lẽ tịch điền (hạ canh) vào ngày 5.5 âm lịch với những nghi thức cổ vũ nghề nông. Khu ruộng này có diện tích 3 mẫu trên 38 mẫu đất thổ cư của thôn Phú Mỹ lúc bấy giờ. Đàn Xã tắc vuông 4 trượng, cao 2 thước 5 tấc, thờ thần Xã tắc của tỉnh. Năm 1839, ban hành thể lệ cúng tế. Miếu Thần Nông nằm bên cạnh Văn Thánh (thôn Phú Mỹ, huyện Bình Dương), dựng năm Minh Mạng thứ 13 (1832), vuông 2 trượng 6 thước, cao 2 thước 7 tấc. Đàn Tiên Nông vuông 3 trượng 6 thước, cao 2 thước 7 tấc, thờ thần “Tiên Nông. Năm 1875, Giám mục Lefèbvre lập nhà thương Chúa Hài Đồng (Sainte Enfance) ban đầu chăm sóc cho người già neo đơn và trẻ con bị bỏ rơi. Sau khi nhà thương Chợ Quán được giao cho nhà nước quản lý, các tu sĩ trở lại đây tiếp tục công việc từ thiện. Năm 1954-1975, gọi là Viện Dưỡng lão Thị Nghè”(60).

Để cảm nghiệm thêm phong khí Gia Định ngày ấy có thể xem qua “Cổ Gia Định phong cảnh vịnh” (khuyết danh) được Trương Vĩnh Ký ghi chép lại. Sách này có hai phần: phần đầu nói về phong cảnh, đời sống sinh hoạt lao động buôn bán ở Gia Định; phần sau nói về việc Gia Định thất thủ rơi vào tay giặc. Sĩ Tải tiên sinh có nhắc đến đại ý sách này, dường như đây cũng là tâm sự của tiên sinh: “Bấy nhiêu cũng đủ hiểu ý tứ và chí khí kẻ làm. Chính ý thì là tiếc đất cũ của mình nay đã về tay giặc; đổ cho đạo tuần hoàn trời đất đổi dời khiến ra cho giặc mạnh khí giái giỏi cơ xảo đến đánh mà lấy đi”[(61).Thời Đức Thượng công Tả quân, vị thế Gia Định như một trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa của khu vực phía Nam vương thổ Đại Nam quốc.

“Qui thành xây tám cửa,/ Càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài./ Lợi đất thinh thinh, xóm Vườn Mít,/ Bình trời vọi vọi, núi Mô Xoài./ Đông đảo thay phường Mĩ Hội,/ Sum nghiêm bấy làng Tân Khai./ Ngói liễn đuôi lân,/ Phố thương khách toà ngang tòa dọc;/ Hiên sè cánh én,/ Nhà quan dân hàng vắn hàng dài./ Gái nha nhuốc tay vòng tay niểng,/ Trai xênh xang chơn hớn chơn hài./ Dù, võng nghinh ngang chợ Điều Khiển/ Quan, quân rậm rật cầu Khâm Sai(62).

Và:

“Đường Nước-nhỉ chảy tiu tiu,/ Người thương khách lại qua hóng mát;/ Quán Nước-lên dòng dợn dợn;/ Khách bộ hành tắm giặt nghỉ ngơi,/ Kho Cẩm Thảo chứa thuế vua,/ Mạch nước sữa dân ai dám đá?/ Chùa Kim Chương làm tôi Phật,/ Tương chua muối mặn, sải trường chai./ Trong làng Cây Gõ nhà bền rường cột,/ Ngoài chợ Cây Vong giạu cặm gốc gai/ Nhắm kinh Mới như chỉ giăng đàng đất;/ Đi chợ Hôm vừa tối sập mặt trời(63).

Vài lời ghi chép đủ cho thấy cảnh sống người dân thành Gia Định có phần sung túc. Kinh tế giao thương phát triển; cảnh quan tươi đẹp; đời sống ấm no; đường sá, nhà cửa khang trang. Dần dà hình thành nền nếp sống văn hóa, xã hội của người dân ở Gia Định.

3. Lê Văn Duyệt và Gia Định Thành trong việc bang giao với Tây phương

Không chỉ trong mối quan hệ với người Chân Lạp, Cao Miên, Vạn Tượng, Miến Điện,…Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt còn góp phần thiết lập bang giao với người Pháp, Anh, Mỹ. Việc này, cho thấy nhận thức phụng sự đất nước và phép tắc triều đình, không để lòng riêng mưu tính xa xôi hay tạo vây xây cánh.  Có thể nói, “Lê Văn Duyệt không chỉ dũng tướng trên sa trường mà còn nhà hoạch định chính sách đối ngoại, quốc phòng, an định cương thổ. Một mặt thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội văn hóa Nam kỳ, một phần chăm lo phòng bị biên giới. Diễn trình lập thành sử tính của Lê Tả quân từ chính thể sử tính đến quốc thể sử tính và sau nữa trở về thành ra dân tộc sử tính”(64).

Rõ là, xem như người Mỹ đầu tiên đến Việt Nam, John White có để lại vài nhận xét về quan lại triều Nguyễn sau khi ông gặp khoảng 1819-1820: “John White tỏ ý khinh bỉ. John White kể lại rằng họ có những bộ điệu ta đây, làm ra quan trọng, nhưng cư xử như những đồ phàm tục, luôn luôn ngửa tay xin rượu Tây và uống cho đến khi say túy lúy và cãi nhau om xòm. Bọn quan lại này luôn luôn xin quà, bất cứ gì họ xin được của người Mỹ là họ đem về nhà. Trong sự giao dịch hành chính thì họ vừa bất lực vừa tham nhũng, họ đớn hèn đến nỗi có thể đương kiểm tiền của người, mà ăn cắp mấy đồng nhét vội vào tay áo”(65). Trong lúc ấy, đối với Lê Tả quân, trong cuộc gặp gỡ khoảng 1819, John White nhận xét:

“Dáng điệu và phong độ của ông này (Lê Văn Duyệt) có vẻ uy nghi lẫm liệt. Ông có vẻ một đại thần đầy kinh nghiệm nhưng vẫn giữ được đức độ cương trực của con nhà tướng. Tính tò mò muốn hiểu biết và cách thức ông lựa vấn đề bàn tỏ ra ông là người có đầu óc phóng khoáng, luôn luôn muốn trau dồi kiến thức. Những lời bàn chính đáng của ông trong nhiều vấn đề tỏ ra ông có một khả năng tự nhiên rất mạnh và tầm kiến thức rất rộng. Chiến sự, chính trị, tôn giáo và những phong tục tập quán của các nước Âu Tây là những vấn đề mà ông bàn cãi đến một cách chăm chú … Khi óc tò mò của ông đã được thỏa về những đặc điểm ấy thì ông tỏ vẻ khâm phục trí thông minh tài khéo léo và sức mạnh của “Olan” (Hòa Lan) mà nói đến Hòa Lan tức là ông muốn nói đến Âu Tây. Rồi ông xúc động, như thể lòng tự ái bị tổn thương, ông than phiền về tình trạng tương đối còn thô lậu dã man trong đất nước ông. […] Sau khi gặp gỡ bậc vĩ nhân đó, ai cũng phải cảm thấy tiếc rằng lịch sử đã không xui khiến để ngôi báu lọt vào tay ông, vì ông mới là người biết dùng quyền lực để bồi đắp sự vinh quang và hạnh phúc của dân tộc, hơn hẳn ông vua độc tài thuở ấy …”(66).

Thuộc phái đoàn Anh đến Đại Nam, John Crawfurd lại nhận xét về tính khí của Đức Thượng Công, như sau:

“Phái bộ Anh không ở lại Sài Gòn lâu vì Crawfurd rất nóng lòng muốn ra Huế đề nghị liên lạc thương mại với vua Minh Mạng. Trước khi đi, ông ngạc nhiên thấy rằng Tả quân Lê Văn Duyệt đã từ chối những tặng phẩm mang lên biếu người, nói rằng nếu nhận những tặng phẩm đó thì người nợ phái đoàn Anh một món nợ và phải thúc giục vua Minh Mạng chấp nhận đề nghị của người Anh. Tả quân chủ trương rằng những đề nghị của phái đoàn Anh phải được cứu xét căn cứ trên chân giá trị của chúng và nhà vua có quyết định gì thì sự quyết định đó phải ở bên ngoài sự tán vào của những ông quan đã nhận quà biếu của phái đoàn Anh. Tả quân cũng cho biết rằng ông sẵn sàng nhận quà của người Anh một khi cuộc đàm phán giữa hai nước kết thúc. Thái độ của Tả quân lại càng đáng kính phục khi ta nhớ rằng thuở ấy các viên chức khắp châu Á xem những quà biếu như một quyền hạn và lắm lúc còn đòi khách ngoại quốc phải biếu xén họ”(67).

Là một nhà ngoại giao và tham gia quản lý thuộc địa cho thực dân Anh, John Crawfurd đã làm cuộc hành trình từ Ấn Độ, đến Xiêm và Nam Kỳ trong khoảng thời gian từ ngày 21.11.1821 đến 29.12.1822. Trong chuyến đi này, ông ghé đến Côn Sơn (22.8.1822), Vũng Tàu, Sài Gòn. Sau đó, ông cùng phái đoàn đi miền Trung, đến Đà Nẵng, Huế, thăm Hội An rồi về lại Đà Nẵng. Và, đoàn rời Đà Nẵng (ngày 31.10.1822) để đến Tân Gia Ba.

Đến Côn Sơn, ông nhận thấy người Đàng Trong có phần dạn dĩ hơn người Xiêm; bởi họ chủ động tiếp cận ông và phái đoàn(68). Qua mô tả của Crawfurd, biết được rằng người Nam Kỳ thời Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định lần 2, đã có mối giao thương sôi nổi với đảo Hải Nam, Xiêm, Singapore(69). Đến Côn Sơn, Crawfurd đã nghe danh Lê Tả quân, tổng trấn Gia Định Thành, người có sức ảnh hưởng lớn trong vương quốc. Ông đặc biệt muốn tiếp kiến vị quan này và đến thăm Sai-gun/Sài Gòn, bởi được biết đây là nơi giàu có thịnh vượng và phát triển thương mại nhất của vương quốc(70). Đến Pungtao/Vũng Tàu, ông nhận thấy dân Nam Kỳ ăn mặc lịch sự hơn so với người Xiêm ở Menam; trong khi người Xiêm có phần chậm chạp ủ rũ, thì người Nam Kỳ sôi nổi và lịch sự hơn. Có lẽ, người Nam Kỳ khá cởi mở trong việc giao thiệp với ngoại quốc. Ngày 1.9.1822, lưu lại Sài Gòn, Crawfurd đi tham thú. Miêu tả về quang cảnh Sài Gòn bấy giờ, Crawfurd nhìn thấy khu chợ khang trang, rộng rãi. Hàng quán phong phú đông đúc, bày bán đồ đất nung, lụa và đồ may mặc, trà, gà, vịt, ngỗng, …nam nữ thanh niên có phần trắng trẻo hơn (so với Xiêm, Ấn) và thanh tú hơn theo quan niệm cái đẹp của họ. Nhà chủ yếu được lợp ngói thay vì lợp bằng tranh. Đặc biệt, nhà của người Hoa có phần khang trang hơn, rộng rãi thoải mái, nội thất trang bị khá tốt. Các thương nhân người Hoa có phần trọng thị họ, tiếp đãi chu đáo. Thậm chí không có hẹn trước mà họ gặp cũng sẵn lòng mời vào nhà tiếp đãi. Ông ấn tượng với sự lịch thiệp và hiếu khách của Hoa kiều ở Sai Gòn. Crawfurd đánh giá “Diện mạo của Saigun là điều rất đáng nể đối với một đô thị Ấn Độ”(71).

Ngày 2.9.1822, Crawfurd diện kiến Đức Thượng Công. Ông mô tả ấn tượng diện mạo của Đức Thượng Công như sau:

“Con người này, người đã đóng một vài trò nổi bật trong các cuộc chiến và cách mạng chung cuộc của Nam kỳ, vào thời điểm mà chúng tôi viếng thăm, ông đã năm mươi tám tuổi. Vẻ mặt của ông hoạt bát và sáng sủa, thân người có phần thấp và mảnh khảnh, nhưng ông có dáng vẻ nhanh nhẹn và thân thể không đau yếu ngoại trừ bệnh đau răng lấy đi phần lớn răng của ông. Các vị quan lại khác ăn mặc sang trọng bằng vải lụa bóng. Ngược lại, Tổng Trấn lại có phần xuề xòa không chú trọng đến trang phục của mình, ông chỉ mặc bao gồm một chiếc áo choàng đen trơn và một chiếc khăn xếp cùng màu”(72).

Sau một vài câu chào hỏi và tìm hiểu chuyến hành trình của phái đoàn, Đức Thượng Công tuyên bố rằng người Anh được chào đón đến buôn bán ở Nam Kỳ nhưng phải tuân thủ vương pháp. Ông nhấn mạnh việc người Nam Kỳ nếu đến các xứ thuộc địa của Anh để thương mại cũng tuân thủ pháp luật sở tại; đồng thời người Anh đến Nam Kỳ buôn bán cũng cần tôn trọng và tuân thủ pháp luật tại Nam Kỳ. Ông cũng cho hay sẽ chuyển báo cáo cụ thể về phái đoàn và chuyến thăm này ra kinh thành Huế để bẩm lên Thánh Thượng. Đức Thượng Công có quở phái đoán, bởi đúng ra phải đích thân Bệ Hạ Anh quốc nên có thư gửi Thánh Thượng Đại Nam thì mới hợp lẽ. Crawfurd thanh minh rằng vì Đức Bệ Hạ Anh quốc ở quá xa, nên việc giao thiệp ở phương Đông đều được thông qua Quan Toàn Quyền ở Ấn Độ. Trong chuyến thăm này, phái đoàn của ông John Crawfurd được Đức Ông mời xem trận voi hổ đấu và cảnh thao diễn của binh lính(73). (Phải chăng ngụ ý: tiếp đón bang giao không có Thánh Thượng mà như rằng có Thánh Thượng! Bởi đây là thú tiêu khiển của nhà vua, dùng việc này để đãi tân khách, hẳn có nghĩ đến bề trên).

Sau đó phái đoàn mang danh sách quà tặng dâng lên Đức Thượng Công; nhưng ông từ chối. Vì cho rằng việc đàm phán vẫn còn phải tiếp tục. Ngoài ra ông còn nói thêm, rất mong nhiều đoàn tàu Anh đến thăm Sài Gòn và vẫn còn nhiều dịp khác. Phái đoàn Anh không phiền hà gì việc Đức Thượng Công từ chối nhận quà, chỉ thấy rằng phong thái của Đức Ông trái ngược với thói hung hăng vòi quà của các quan chức Xiêm trong hoàn cảnh tương tự (74). Còn hơn thế, khi phái đoàn rời Sài Gòn ra Huế, Quan Tổng Trấn đã gửi cho một số lương thực (trâu, heo, gia cầm, gạo, trái cây). Đáp lại thịnh tình của Quan Tổng Trấn, phái đoàn nài nỉ một lần nữa hy vọng Đức Ông nhận những tặng phẩm của Quan toàn quyền Ấn Độ, song cuối cùng, Đức Ông chỉ nhận một kính thiên văn, một khẩu súng lục nhưng sau đó là một ít thuốc súng do Crawfurd trao tặng dưới góc độ cá nhân mà thôi (75). Trước khi rời đi, Đức Ông sai người mang đến cho phái đoàn một con heo quay nguyên con, rất nhiều gạo và ít thực phẩm khác, họ cảm nhận được ý giao hảo hữu nghị của Quan Tổng Trấn. Việc nhận thuốc súng và kính thiên văn của Đức Ông cho thấy mối quan tâm đến kỹ nghệ Tây phương (nhất là kỹ nghệ quân sự). “Qua lời tường thuật của vị thuyền trưởng người Mỹ (đến thăm Saigon năm 1822) với sự xuất hiện của hai chiếc khinh hạm (frigate) Pháp , dường như Lê Tả quân đã phóng tầm nhìn đến các thế lực siêu cường hải dương bấy giờ, những muốn canh tân phát triển đất nước thông qua giao thương và phát triển kỹ nghệ (nhứt là kỹ nghệ quốc phòng)”(76). Nhưng việc này không nên dùng để xuyên tạc tâm ý Lê Tả quân, có chăng chỉ có thể minh xác lòng quan tâm của ngài với kỹ nghệ quân sự Tây phương mà thôi.

Hồi mới lên ngôi, Đức Minh Mạng còn nhờ ở uy vũ của Thượng Công không ít. Nhưng càng về sau, có vẻ trọng dụng các quan văn hơn. Có phải vậy(?), cả Bắc thành Lê Chất và Gia Định Thành Lê Văn Duyệt đều vào xin vua cho từ chức. Thêm phần can ngăn, lo xa của Lê Văn Duyệt vấn đề biên vực phía Nam. Về sau, Thánh Thượng có ý lờ đi hoặc bác bỏ. Thêm chuyện cắt giảm, hoặc thay thế nhân sự Gia Định Thành dẫu Lê Tả quân xin giữ lại, vua khước từ không thuận ý. Sau sự việc người Xiêm đe dọa Vạn Tượng, Lê Văn Duyệt hiến kế “bóp cổ đánh lưng”, Thánh Thượng “bàn ra”. Kể từ đó về sau chỉ sao lục đại khái chuyện biên phòng cho Lê Tả quân biết chứ không có công văn hỏi ý kiến của ngài nữa [77]. Phải chăng, Lê Tả quân dần bị thu hẹp phạm vi ảnh hưởng, không còn được trọng dụng nữa. Hoặc thậm chí, có thể nói, có ý lực muốn gạt Lê Tả quân ra khỏi cuộc diện chính trị bấy giờ.

Qua việc bang giao với ngoại quốc, Lê Tả quân tỏ ra vẫn cúc cung tận tụy với vua Gia Long, vua Minh Mạng nước Đại Nam, nhất nhất đều nghĩ đến phép tắc với Thánh Thượng, không có ý qua mặt bề trên. Dù là, chuyện tiếp xúc với người Anh, Mỹ hay chuyện cử người đi bên ngoài nước Hồng Mao tìm mua binh dụng nhưng gặp tai nạn dạt vào bờ biển Miến Điện [78] (mà một số người viện đó cho rằng Lê Tả quân có ý riêng), thảy đều cho thấy tầm nhìn chiến lược của Lê Tả quân trong việc phát triển giao thương hàng hải, để mở mang phát triển thương mại đất nước, nhất là tiếp thu các thành tựu kỹ thuật quân sự của Tây phương. Phải chăng, Lê Tả quân đã nhìn thấy ở phía Tây: nguy cơ nhưng đồng thời cũng là cơ hội!

Đối với Tây phương, Có thể nói Lê Tả quân đã tiếp nối chiến lược của Đức Gia Long, tỏ ra linh hoạt, mềm dẻo trong cách bang giao đối đãi. Ngài vừa có ý bộc lộ tinh thần tự cường bình đẳng, vừa có ý quan tâm đến các tiến bộ kỹ nghệ.

“Cụ thể là từ cuối năm 1820, Lê Văn Duyệt đã quan sát dò la nắm bắt tình hình giữa Xiêm La và nước Hồng Mao. “Gần đây nghe tin nước Xiêm La sửa soạn binh giáp và xin quân ở nước Hồng Mao, chưa hiểu cớ sự gì. Thần đã thao diễn các quân để dự phòng sự bất ngờ, và sai người đi đến Ô Đỗ của Hồng Mao để dò xét động tĩnh”. Lại thêm phía Nam Dương, sự hiện diện của “người Hồng Mao” và người Hà Lan ở phía này cùng sức mạnh quân sự Tây phương khiến cho Lê Tả quân vừa ái ngại vừa quan tâm. Cuộc thương thảo giữa “Hồng Mao” và Hà Lan, dẫn đến thay đổi chính sách của Hà Lan ở Indo bấy giờ, châm ngòi Chiến tranh Java (1825-1830), hẳn ít nhiều ảnh hưởng đến nhãn quan đối ngoại của Lê Tả quân. Bằng chứng cho mối quan ngại này đối với Tây phương là việc thúc đẩy phát triển sức mạnh quân sự và bố trận quốc phòng. Việc cắt cử người kết nối với nước Xích Mao/Hồng Mao quả cho thấy Lê Văn Duyệt quan tâm và nhìn nhận đúng mức tầm ảnh hưởng của “siêu cường” hải dương Anh Quốc bấy giờ. […] Quả thấy Lê Văn Duyệt có nhãn quan rộng mở, thích nghi và hướng đến bắt nhịp với tốc độ phát triển kỹ thuật để kiến thiết bố trận quốc phòng sao cho hợp thời. Ngài có tầm nhìn xa trông rộng và đối sách tiến bộ. Tầm chiến lược đối ngoại của Lê Văn Duyệt đã vượt qua khỏi khu vực Đông Nam Á lục địa” [79]

Tựu trung, trong mối quan hệ bang giao với Tây phương, Gia Đình Thành có vai trò “đầu tàu”, bởi đây là trung tâm giao thương buôn bán hàng hóa sầm uất của Đại Nam và trong khu vực. Tuy vậy, Lê Tả quân vẫn luôn giữ phép tắc với Thánh Thượng trong việc bang giao. Mọi việc đều dựa trên pháp luật triều đình, đồng thời luôn giữ tư thế bình đẳng trong việc giao thương buôn bán cho người Nam Kỳ khi làm ăn với ngoại bang. Bên cạnh đó, tạo ấn tượng thiện cảm với người Anh, Mỹ cho thấy thái độ cởi mở, cầu thị của Lê Tả quân trong việc giao thương với Tây phương. Ngài nhìn thấy trong mối bang giao này cơ hội lớn để phát triển kinh tế, đồng thời thận trọng với cái lợi trước mắt và cái họa về sau. Đó là sự lão luyện của viên quan có tầm nhìn xa trông rộng.

Tạm kết

Quả thực, Gia Định Thành được ở vị thế ấy không thể không nhắc đến công khổ lao của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Thậm chí có thể nói, với hai lần nhậm chức Tổng trấn Gia Định Thành, Lê Tả quân đã đặt nền tảng và thúc đẩy sự phát triển của Gia Định – Sài Gòn dần trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, giao thương của cả khu vực phía nam của Đại Nam quốc. Trên cương vị Tổng trấn Gia Định thành, Lê Tả quân đã góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, tạo đà phát triển kinh tế thương mại. Đồng thời, ngài tổ chức bộ máy hành chính, quản trị nhân sự và chăm lo an sinh xã hội, giúp cho đời sống nhân dân yên ổn, an cư lạc nghiệp.

Về văn hóa xã hội, ngài còn có nhiều chính sách hỗ trợ đời sống người Việt, Hoa, Chân Lạp, gắn kết hài hòa quan hệ các dân tộc, tạo nên khối hỗn dung văn hóa ở Nam Kỳ từ đó về sau. Về vấn đề tôn giáo, ngài có chính sách mềm mỏng, linh hoạt với vấn đề Công giáo cũng như người Tây phương nói chung. Điều đó, cũng cho thấy sự tiếp nối di nguyện của Đức Gia Long, lòng tận tâm của ngài đối với Đức Minh Mạng và trên hết là tấm lòng của ngài đối với sự phát triển của dân tộc.

Với lòng yêu nước thương dân, Lê Tả quân khát khao kiến tạo Gia Định trở thành phên dậu vững chắc phương Nam và đồng thời, trở thành trung tâm kinh tế, tài chánh, thương mại bậc nhật nước Đại Nam – một đầu tàu kinh tế, trong đó lúa gạo Gia Định có thể nuôi dân cả nước Đại Nam và xuất khẩu. Tả quân Lê Văn Duyệt là một trong số ít nhân vật có sức ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của Gia Định Thành (hay toàn Nam Kỳ lục tỉnh về sau). Nếu như Nguyễn Hữu Cảnh là người đặt đơn vị hành chính Gia Định thì Lê Văn Duyệt, chính là người có công biến Gia Định từng bước hình thành miền “đất hứa” của dân sở tại lẫn dân nhập cư từ khắp nơi tụ về!

Ở Đức Thượng Công Lê Tả quân, hậu thế có lẽ còn nhìn thấy sự kết hợp tính chắt chiu, nghiêm khắc của người vốn gốc sông Trà núi Ấn miền Trung hòa nhập tính hào sảng khẳng khái của người đồng bằng sóng nước Tiền Giang. Khi tâu trình, Lê Tả quân thường nói thẳng vào nội dung công việc, trình lên lời tâu rõ ràng mạch lạc, không viện dẫn chuyện xưa tích cũ, cũng không hay nhắc lại “điển tích” của các đấng quân vương trong lịch sử. Có lẽ, đây là tính khí khái võ quan, cũng là tính khí bộc trực của người Gia Đinh! Tuy nhiên, chính vì cá tính đặc trưng ấy đã gây ra không ít thị phi xuyên tạc đối với ngài. Tuy nhiên, nhân dân (đặc biệt là dân Gia Định thành) hiểu rõ lòng ngài – tấm lòng bậc trượng phu chung thủy vì lợi ích của dân của nước. Thế nên, dù vật đổi sao vời, dù sông nước đầy vơi, … hình bóng Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt sống mãi trong tâm thức của nhân dân – Một tượng đài được lòng dân xây, không sức mạnh nào có thể đục phá, hủy hoại!

TRẦN BẢO ĐỊNH

—————

[1] Võ Văn Kiệt (2006). Công, tội phân minh là quan điểm của Đảng ta về các vấn đề lịch sử. Trong sách: Nhiều tác giả (2006). Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam BộTPHCM: Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr.145.

[2] Võ Văn Kiệt (2006). Công, tội phân minh là quan điểm của Đảng ta về các vấn đề lịch sử. Trong sách: Nhiều tác giả (2006). Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ. TPHCM: Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr.146.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.62.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục – Tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.716-717.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục – Tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.843.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục – Tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.881-882.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục – Tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.882.

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục – Tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.860.

[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục – Tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.885.

[10] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục – Tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.889.

[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục – Tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.897.

[12] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.349.

[13] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục – Tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.843-844.

[14] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục – Tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.877-878.

[15] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.758.

[16] Hội Thượng Công quí tế (1964). Kỷ niệm 200 năm sanh nhựt Đức Tả Quân (và 50 năm thành lập Hội Thượng Công quí tế). Saigon: Nhà xin Tấn Phát, tr.36-37.

[17] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.211.

[18] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 3 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh và Hoa Bằng hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.87.

[19] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 3 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh và Hoa Bằng hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.96.

[20] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục – Tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.868.

[21] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.96.

[22] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Đại Nam liệt truyện (Tập 2: Chính Biên – Sơ tập) (Đỗ Mộng Khương dịch, Hoa Bằng hiệu đính) (tái bản lần thứ hai). Huế: Nxb. Thuận Hóa, (Quyển 23-Truyện các quan. Mục XX-Lê Văn Duyệt phần hạ).

[23] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.867.

[24] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.389.

[25] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.387.

[26] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.434.

[27] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.464.

[28] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.484.

[29] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.744.

[30] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.745.

[31] Hội Thượng Công quí tế (1964). Kỷ niệm 200 năm sanh nhựt Đức Tả Quân (và 50 năm thành lập Hội Thượng Công quí tế). Saigon: Nhà xin Tấn Phát, tr.37.

[32] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.219.

[33] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.315.

[34] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.97.

[35] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.482.

[36] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.662.

[37] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.671.

[38] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.671.

[39] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.129-130.

[40] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.176.

[41] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.187.

[42] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.866.

[43] Nguyễn Phước Thọ (2008). Gia Định thành thời Tả quân Lê Văn Duyệt. Tạp chí Xưa Nay số 304 (tháng 3.2008), tr.15-16.

[44] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.239.

[45] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.239.

[46] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.260.

[47] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.280-281.

[48] Hội Thượng Công quí tế (1964). Kỷ niệm 200 năm sanh nhựt Đức Tả Quân (và 50 năm thành lập Hội Thượng Công quí tế). Saigon: Nhà xin Tấn Phát, tr.44.

[49] Nguyễn Thanh Lợi (2015). Sài Gòn đất và người. TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.104.

[50] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.825.

[51] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.20.

[52] Nguyễn Thanh Lợi (2015). Sài Gòn đất và người. TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.76-77.

[53] Dẫn theo Tôn Nữ Quỳnh Trân và cộng sự (2002). Làng nghề thủ công truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh. TPHCM: Nxb. Trẻ, tr.31-32.

[54] Hội Thượng Công quí tế (1964). Kỷ niệm 200 năm sanh nhựt Đức Tả Quân (và 50 năm thành lập Hội Thượng Công quí tế). Saigon: Nhà xin Tấn Phát, tr.40-41.

[55] Theo Nguyễn Đình Tư, trong Người Việt yêu sử Việt (2022). Tri ân công đức tiền nhân.

Nguồn: Trích xuất ngày 1.9.2022 (https://nld.com.vn/van-nghe/nguoi-viet-yeu-su-viet-tri-an-cong-duc-tien-nhan-20220831211938683.htm)

[56] Nguyễn Đức Hiệp (2016). Về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam Bộ.

Nguồn: Trích xuất ngày 19.6.2016 (https://nghiencuuquocte.org/2016/06/19/lich-su-nguoi-minh-huong-va-nguoi-hoa-o-nam-bo/).

[57] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.263.

[58] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.320.

[59] Adrien Launay (1894). Historie Générale de la Société des Missions-Étrangères Tome deuxième. Paris: Imp. Téqui, Libraire-Éditeur, p.535 (có tham khảo thêm bản dịch của PGS. Đỗ Quang Hưng).

[60] Nguyễn Thanh Lợi (2015). Sài Gòn đất và người. TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.64-65.

[61] Khuyết danh (1882). Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (Trương Vĩnh Ký chép ra chữ quốc ngữ và dẫn giải). Saigon: Bản in Nhà Hàng C. Guilland et Martinon, tr.14.

[62] Khuyết danh (1882). Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (Trương Vĩnh Ký chép ra chữ quốc ngữ và dẫn giải). Saigon: Bản in Nhà Hàng C. Guilland et Martinon, tr.5.

[63] Khuyết danh (1882). Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (Trương Vĩnh Ký chép ra chữ quốc ngữ và dẫn giải). Saigon: Bản in Nhà Hàng C. Guilland et Martinon, tr.7.

[64] Võ Quốc Việt (2022). Hoạt động đối ngoại của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Tọa đàm “Tả quân Lê Văn Duyệt: Cuộc đời và Di sản” – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

[65] Dẫn theo Patrick J. Honey (2006). Lê Văn Duyệt trong hồi ký của John White, John Crawfurd. Trong sách: Nhiều tác giả (2006). Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ. TPHCM: Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr.168.

[66] Dẫn theo Patrick J. Honey (2006). Lê Văn Duyệt trong hồi ký của John White, John Crawfurd. Trong sách: Nhiều tác giả (2006). Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ. TPHCM: Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr.167-168.

[67] Dẫn theo Patrick J. Honey (2006). Lê Văn Duyệt trong hồi ký của John White, John Crawfurd. Trong sách: Nhiều tác giả (2006). Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ. TPHCM: Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr.171.

[68] John Crawfurd (1828). Journal of an embassy from the governor-general of India to the courts of Siam and Cochin China (Exhibiting a view of the actual state of those kingdoms. London: Henry Colburn, p.195.

[69] John Crawfurd (1828). Journal of an embassy from the governor-general of India to the courts of Siam and Cochin China (Exhibiting a view of the actual state of those kingdoms. London: Henry Colburn, p.200.

[70] John Crawfurd (1828). Journal of an embassy from the governor-general of India to the courts of Siam and Cochin China (Exhibiting a view of the actual state of those kingdoms. London: Henry Colburn, pp.200-201.

[71] John Crawfurd (1828). Journal of an embassy from the governor-general of India to the courts of Siam and Cochin China (Exhibiting a view of the actual state of those kingdoms. London: Henry Colburn, pp.214.

[72] John Crawfurd (1828). Journal of an embassy from the governor-general of India to the courts of Siam and Cochin China (Exhibiting a view of the actual state of those kingdoms. London: Henry Colburn, pp.216.

[73] John Crawfurd (1828). Journal of an embassy from the governor-general of India to the courts of Siam and Cochin China (Exhibiting a view of the actual state of those kingdoms. London: Henry Colburn, pp.218-220.

[74] John Crawfurd (1828). Journal of an embassy from the governor-general of India to the courts of Siam and Cochin China (Exhibiting a view of the actual state of those kingdoms. London: Henry Colburn, pp.217.

[75] John Crawfurd (1828). Journal of an embassy from the governor-general of India to the courts of Siam and Cochin China (Exhibiting a view of the actual state of those kingdoms. London: Henry Colburn, pp.221.

[76] Võ Quốc Việt (2022). Hoạt động đối ngoại của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Tọa đàm “Tả quân Lê Văn Duyệt: Cuộc đời và Di sản” – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

[77] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.626.

[78] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục, tr.324.

[79] Võ Quốc Việt (2022). Hoạt động đối ngoại của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Tọa đàm “Tả quân Lê Văn Duyệt: Cuộc đời và Di sản” – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

Tài liệu tham khảo

John Crawfurd (1828). Journal of an embassy from the governor-general of India to the courts of Siam and Cochin China (Exhibiting a view of the actual state of those kingdoms. London: Henry Colburn.

Nguyễn Đức Hiệp (2016). Về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam Bộ. Nguồn: Trích xuất ngày 19.6.2016(https://nghiencuuquocte.org/2016/06/19/lich-su-nguoi-minh-huong-va-nguoi-hoa-o-nam-bo/).

Patrick J. Honey (2006). Lê Văn Duyệt trong hồi ký của John White, John Crawfurd. Trong sách: Nhiều tác giả (2006). Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ. TPHCM: Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr.167-172.

Hội Thượng Công quí tế (1964). Kỷ niệm 200 năm sanh nhựt Đức Tả Quân (và 50 năm thành lập Hội Thượng Công quí tế). Saigon: Nhà xin Tấn Phát.

Khuyết danh (1882). Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (Trương Vĩnh Ký chép ra chữ quốc ngữ và dẫn giải). Saigon: Bản in Nhà Hàng C. Guilland et Martinon.

Adrien Launay (1894). Historie Générale de la Société des Missions-Étrangères Tome deuxième. Paris: Imp. Téqui, Libraire-Éditeur.

Nguyễn Thanh Lợi (2015). Sài Gòn đất và người. TPHCM: Nxb. Tổng hợp.

Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục – Tập 1 (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính). Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Quyển 23-Truyện các quan. Mục XX-Lê Văn Duyệt phần hạ. Đại Nam liệt truyện (Tập 2: Chính Biên – Sơ tập) (Đỗ Mộng Khương dịch, Hoa Bằng hiệu đính) (tái bản lần thứ hai). Huế: Nxb. Thuận Hóa.

Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 2 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực lục – Tập 3 (Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đào Duy Anh và Hoa Bằng hiệu đính) (tái bản lần thứ nhất). Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

Nguyễn Phước Thọ (2008). Gia Định thành thời Tả quân Lê Văn Duyệt. Tạp chí Xưa Nay số 304 (tháng 3/2008), tr.15-16.

Tôn Nữ Quỳnh Trân và cộng sự (2002). Làng nghề thủ công truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh. TPHCM: Nxb. Trẻ.

Nguyễn Đình Tư, trong Người Việt yêu sử Việt (2022). Tri ân công đức tiền nhân. Nguồn: Trích xuất ngày 1.9.2022 (https://nld.com.vn/van-nghe/nguoi-viet-yeu-su-viet-tri-an-cong-duc-tien-nhan-20220831211938683.htm)

Võ Quốc Việt (2022). Hoạt động đối ngoại của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Tọa đàm “Tả quân Lê Văn Duyệt: Cuộc đời và Di sản” – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

Võ Văn Kiệt (2006). Công, tội phân minh là quan điểm của Đảng ta về các vấn đề lịch sử. Trong sách: Nhiều tác giả (2006). Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ. TPHCM: Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr.145-147.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *