Trịnh Minh Hiếu & “Giấc cỏ dụ”

Nhà văn Trịnh Minh Hiếu là một trong những cây bút văn xuôi đáng chú ý hiện nay. Sau hai tập truyện ngắn đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành là “Tiếng chuông trên đỉnh Cô Thình” (2013) và “Thúy Mầu” (2014), gần mười năm chị mới lại trình làng tập truyện ngắn “Giấc cỏ dụ” vào cuối năm 2023 vừa qua.

Nhà văn kỳ cựu Tạ Duy Anh đã có “Lời giới thiệu” sâu sắc về tập truyện mới “Giấc cỏ dụ” cũng như phác họa vài nét về hành trình sáng tạo của nhà văn Trịnh Minh Hiếu, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà văn Tạ Duy Anh

Trong làng văn, Trịnh Minh Hiếu là người khiêm tốn hiếm thấy. Chị ít khi xuất hiện trước đám đông trong tư cách một tác giả, mà luôn với tư cách độc giả. Hiền lành, hóm hỉnh, tốt bụng, chị cứ thản nhiên sống và lặng lẽ quan sát, cóp nhặt từng chi tiết đời sống góp lại làm… vốn! Mặc ở đâu đó các đồng nghiệp cao đàm khoát luận về những điều to lớn; mặc ai đó dè bỉu thị trường văn chương mất giá và ngày càng ít sự hữu dụng; mặc nạn dịch covid quái ác hoành hành và, cũng một cách lặng lẽ, bỏ lại phía sau mọi lời khen chê, chị cặm cụi sống với những kiếp người lặm lụi, bị lãng quên, bị gạt ra lề để tìm cách cho họ một khuôn mặt, một nhân cách, một tiếng nói, một thân phận.

Viết, với Trịnh Minh Hiếu, không phải để thỏa mãn nhu cầu phô diễn ý tưởng, trình bày tư tưởng, mà là cách để chị hòa mình vào thời cuộc. Hầu hết nhân vật của chị đang vật lộn sống hoặc múa may thể hiện mình ngay phía ngoài cửa phòng viết của chị. Họ đơn giản và nhỏ bé. Đôi khi tiếng nói của họ chỉ đủ để góp tạo ra tạp âm. Nhưng đó là thứ tạp âm không thể thiếu, để làm ra một đời sống.

Khác với những tập truyện trước dựa chủ yếu vào cảm hứng, lần này tác giả có ý thức rõ ràng trong “dựng truyện”, tức là muốn nâng tầm mình lên thành người “phát ngôn”, ít ra cũng là phát ngôn cho một lớp người cùng thời. Có thể còn lâu nữ nhà văn mới đạt được điều đó, nhưng nếu thiếu đi mong muốn, thiếu đi ý hướng vươn tới, thiếu mất khát vọng… thì chả còn chuyện gì để bàn, với một người cầm bút.

Văn chương có lẽ là thứ luôn thích tạo ra tai ách dành riêng cho những người yêu nó, hơn là điều gì đó giống như quà tặng! Nhưng nó mê hoặc người viết bởi chính điều đó!

Bìa tập truyện ngắn “Giấc cỏ dụ” của Trịnh Minh Hiếu

Đọc những truyện ngắn trong tập, điều dễ nhận thấy nhất là tác giả tiếp tục định hình cho mình một giọng điệu, thứ mới chỉ manh nha ở những tác phẩm trước đây. Điều này luôn là quan trọng với bất cứ người cầm bút nào. Có giọng văn riêng, thứ giọng hơi phớt đời, có xu hướng trào lộng, là chuyện không phải cứ muốn là được. Tất nhiên, giọng điệu mới chỉ là yếu tố quan trọng quyết định tính hấp dẫn của tác phẩm, làm lộ ra cá tính sáng tạo nhưng chưa phải là tất cả, để tạo nên một tác phẩm hay. Một tác phẩm, để được đánh giá cao về nghệ thuật, còn phải cần nhiều hơn thế. Nhưng có được thứ giọng như thế này, không thể không trải qua nhiều sự tu luyện:

“Dứt lời phát biểu, dàn pháo bông sẽ được đốt lên. Phụt xòe! Phụt xòe!… Tiếng nổ tung trời! Cả bầu trời miên man khói tỏa, rập rờn hoa lượn, bướm bay, xanh xanh đỏ đỏ, đỏ đỏ xanh xanh… Em bay lên nào! Em bay lên nào…Tất cả hân hoan, vui mừng, rạng rỡ…”.

“Tiền bạc, của cải là chuyện nhỏ, có khi nay tụ mai tán, phèo như bọt nước. Chỉ có danh mới đặng. Đời người hữu hạn nhưng danh lưu trường cửu. Có danh, tức có lợi. Danh sinh lợi. Giầu, nhưng phải sang danh, sáng giá. Giầu, không có danh khác gì trọc phú, chôn chĩnh vàng trong nhà không hơn gì chĩnh tương chạn bếp”.

(Chuyện thời thế)

Những đoạn văn vừa dẫn nhằm tả một buổi lễ dành cho cuộc đón rước những khách mời danh giá trong ngày ăn mừng việc khánh thành bức tượng của cụ tổ một gia đình muốn nâng cấp từ bần hàn lên hàng danh gia vọng tộc. Có bao nhiêu người trong chúng ta nghĩ giống nhân vật trong câu chuyện? Có bao nhiêu người giật mình vì cảm thấy bị tác giả “bóc mẽ”? Chắc chắn là rất nhiều. Chính vì thế mà mới có cái thứ gọi là hài kịch nhân sinh.

Nhà văn Trịnh Minh Hiếu ở Hà Nội

Ở nhiều truyện ngắn khác, kể cả những truyện có chủ đề về cái trang nghiêm, ta vẫn dễ dàng gặp lại thứ giọng điệu trào lộng này, thậm chí bạn đọc có thể còn hình dung thấy rõ một nụ cười mỉm ngạo thế kín đáo, nhất là những khi tác giả mô tả thói kệch cỡm.

Dựng lên được một cái sân khấu, trang trí cho nó để các nhân vật của vở hài kịch có đất diễn, có hứng diễn, từ đó hồn nhiên phô bày tất cả sự nhếch nhác, tức cười của nó, luôn là bước đi quan trọng định hình tư thế và phong cách một ngòi bút.

Hẵng cứ thế đã. Mọi chuyện khác tính sau.

Hà Nội, những ngày giãn cách xã hội

TẠ DUY ANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *