2
VHSG- “Cậu” về được tới làng như thế này là may quá rồi.
Ông Thìn đen giọng khàn trầm. Kiểu nói bộc lỗ mừng mừng tủi tủi lúc ông đỡ “cậu” ngồi xuống bờ ruộng. Ông còn vỗ vỗ tay vào lưng, như muốn động viên, lại như muốn nói “cậu” cứ ngồi đây nghỉ đợi hồi tâm sức bao lâu cũng được. Rồi ông ngước lên nhìn trời nói tiếp.
Rõ khổ thân. “Cậu” đã khi nào xa đến thế này đâu.
Bầu trời trên cánh đồng hoa cúc đột ngột giảm nắng khi mà không có một đám mây đen nào vắt qua. Thời tiết buổi giở hè giở thu có nhiều điều kỳ lạ. Đang nắng hanh hao lại bất chợt dịu lại. Gió thổi từ hướng đông nam tới đem cho cảm giác như được lau khăn ướt, thấy trong người nhẹ nhõm hẳn. Hoặc trời đang man mát thì lại đột nhiên bừng nắng. Nắng thu hanh khô và ran rát da mặt lúc đang ở ngoài đồng khiến mấy bà mấy chị phải đưa tay kéo vội vạt chiếc khăn đang chùm trên đầu xuống che ngang miệng. Hơi nước thở ra đằng mồm đọng lại âm ẩm chỗ vạt khăn vừa kéo che miệng làm dịu hẳn hơi thở giữa cái hanh khô.
“Cậu” cứ nghỉ đi. Mà đã có chuyện gì thế không biết?
Giờ bầu trời trên cánh đồng hoa cúc đang chuyển mát. Thứ mát đột ngột kéo sâu hơn giấc ngủ ngày giữa đồng của “cậu”. Ông Thìn đen khẽ xoay người để luồn tay kéo giúp vạt áo đang sã bên vai của “cậu” lại cho ngay ngắn. Trong giấc ngủ yên lành rất khó tả lúc này, gương mặt “cậu” giãn ra, he hé như “cậu” đang mỉm cười tự hài lòng về một điều gì đấy, cũng có thể là “cậu” đến bây giờ mới ngấm mệt mà ngủ tít mít. Hình như tận đâu đó “cậu” cũng đã hiểu lời an ủi của ông Thìn đen.

Không gian đậm đặc một mùi hương hoa cúc. Dường như thứ dịu mát đột ngột đã ép mùi hương hoa cúc lại không cho mùi hương ấy bốc lên cao. Hương hoa lởn vởn quyện quanh những khóm hoa. Ông Thìn đen bấy giờ mới thấy ê ê đầu gối. Ở vào cái tuổi ngoại bảy mươi cho dù là người lao động quanh năm thì cũng đến lúc chân chồn gối mỏi. Ông soài cả hai chân ra cho đỡ gò bó. Từ lúc ngồi chìa lưng làm chỗ tựa cho “cậu” ngủ, ông Thìn phải co cứng chân tay, không dám ngọ nguậy. Lần đầu tiên trong đời ông mới có được chút ít thời gian gọi là tạm nghỉ. Mùi hương từ những bông hoa cúc đang đua nhau nở rộ hoảng hoắc xông lên làm “cậu” Tuất khó thở, “cậu” khò khè, ngúc ngoắc đầu kiểu lấy hơi làm ông Thìn đen lo ngại.
“Cậu” vất vả quá. Nhưng sao lại liều lĩnh về làng có một mình?
Ông Thìn đen thở dài thườn thượt tỏ ra ân hận, ông cảm thấy trong việc này mình cũng có lỗi một phần. Việc “cậu” tự nhiên về làng, lại về chỉ có một mình làm dấy lên trong đầu ông bao câu hỏi. Vì sao mà “cậu” lại có quyết định về làng? Ai là người đưa “cậu” về hay chính cậu tự đi? Nhưng quan trọng nhất là ở trên Hà thành đã xẩy ra chuyện gì nên nông nỗi? Ông Thìn đen chau mày băn khoăn như chính ông mới là kẻ gây nên chuyện. Từ hôm làm đám tang, đưa cụ Lang Thân về đồng làng ông Thìn đen ở lại làng luôn. Mấy chục năm gắn bó với cụ Lang Thân, gắn bó với gia đình cụ Lang nên ông Thìn đen hiểu rằng vắng ông trong ngôi nhà ấy hẳn đã có chuyện gì đấy? Trong lòng ông rộn rạo những suy nghĩ mà chẳng có suy nghĩ nào ra suy nghĩ nào. Nắng dịu nhưng không làm ông hết ưu tư. Khẽ nghe nghé đầu liếc mắt sang bên “cậu” để nghe ngóng, ông Thìn đen tạm vơi băn khoăn. Trong giấc ngủ giữa đồng hình như “cậu” trông “ngoan” hẳn. Trái ngược với hình ảnh “cậu” ở nhà.
“Cậu” từ lúc sinh ra đến giờ chỉ quanh quẩn với bốn bức tường. Nơi “cậu” đi xa nhất là ra tới mép cửa khi mẹ “cậu” bước vào mang cơm cho “cậu” mà chưa kịp khóa khép lại. “Cậu” thập thò bên mép cửa nhưng không dám bước chân đi thêm một bước. Ngoài mép cửa hình như là thế giới khác. Một thế giới không dành cho “cậu”. Ông Thìn đen mấy bận toan nói với mẹ “cậu” cho “cậu” ra xa hơn một chút nhưng chính ông lại ghìm lời nói của mình lại. Trong gia đình này không ai được phép làm gì nếu như chưa có sự đồng ý của cụ Lang Thân.
“Cậu” đừng trách gì ông cụ. Ông cụ là người thương “cậu” nhất nhà, cụ thương “cậu” hơn tất cả chúng tôi nữa.
Ông Thìn đen di di mũi chân vào rãnh luống hoa, mũi chân làm cày lên lớp đất mùn xốp và nhẹ tênh, hiện tại ông không biết làm gì hơn là ngồi yên ở bên bờ ruộng này và chìa lưng đỡ giấc ngủ cho “cậu”. Trong lòng ông tuy “cậu” có đôi chút khiếm khuyết nhưng “cậu” vô hại và vô cùng đáng thương, “cậu” là tất cả những gì mà ông thường lén nhìn qua khe ổ khóa quan sát mọi cử chỉ. Căn phòng nhỏ luôn khóa ngoài, vắng vẻ đồ đạc là chỗ để “cậu” lớn lên và nhìn nhận thế giới với con mắt của người vô cảm giác. Hình như thế giới bên ngoài, nói cách xa xôi. Và gia đình cụ Lang, nói một cách gần gũi luôn xa lạ với tâm trí và nhận thức của “cậu”. Hình như “cậu” chưa có chút khái niệm gì gọi là mơ hồ nhất về những gì không có trong căn phòng của “cậu”. Việc “cậu” đột ngột tự về làng và hiện đang tự tại ngay giữa cánh đồng ngập một màu vàng của hoa cúc như là phép màu kỳ lạ. Sự kỳ lạ lóa mắt nên khiến đôi mắt của “cậu” phải nhắm nghiền lại, “cậu” đâu có ngủ? Ông Thìn đen cho là vậy và mắt ông nhìn vượt qua đầu khóm cúc trước mặt mà thẫn thờ nói. Một chút cảm động ùa vào lòng làm ông bị lạc giọng, khàn trầm hẳn. Nhất là khi nói về ông cụ. Với ông Thìn đen thì cụ Lang là những gì ông tôn kính nhất, ông trân trọng nhất và ông lắng nghe nhất.
Tôi theo ông cụ lên Hà thành từ khi tôi mới có mười hai tuổi.
Rất chân thành, ông Thìn đen thủ thỉ như nói với chính mình trong khi thực ra ông bắt đầu kể cho “cậu” nghe về những gì “cậu” chẳng thể nào hiểu được. Có gì đấy thôi thúc ông Thìn đen, nó thúc giục ông không nên chần chừ thêm nữa. Ông phải kể cho “cậu” nghe.
Tôi sẽ giúp “cậu” hiểu ra.
Ông Thìn đen nhắc lại chính cam kết của mình lúc ông dìu “cậu” đi chập chưỡng trên bờ ruộng.
Mười hai tuổi chú bé tên là Thìn đen được cho theo ông Lang Thân làng Dục lên Hà thành. Cuộc ra đi như một sự toan tính bởi gia cảnh nhà chú bé Thìn đen rất neo túng và hơn nữa lại chịu ơn lớn cụ Lang. Vốn tính chăm chỉ, ngoan và biết nhịn lời, chú bé Thìn đen xem ra là người hợp nhất với việc theo ông Lang Thân làng Dục lên Hà thành làm ăn. Đó đâu như là cuối thu năm Canh Thìn. Cái năm mà những người lính Nhật bắt đầu vào xứ Đông Dương. Hình ảnh những người lính Nhật cũng thấp bé như những người đàn ông làng Dục nhưng khá oai hùng khiến bao ánh mắt trai làng nhìn theo trầm trồ. Những người lính Nhật thấp bé, chân dận giầy nhà binh đi thành lỗ thành dấu trên đường, bên sườn những người lính Nhật nhũng nhẵng thanh gươm, mũ đội đầu vải mềm có hình mặt trời đỏ mà đã tạo ra cả khí thế hừng hực khiến mọi trái tim dõi theo thán phục. Hãy nhìn họ mà học tập. Người Nhật cũng máu đỏ da vàng như mình sao họ lại giỏi hơn mình, họ đi tới đâu là những tên lính Pháp mũi đỏ au, mắt xanh như mắt mèo, da trắng nhởn, cao lênh khênh cũng phải dè chừng. Những tên lính Pháp o ép mình quá, mới chỉ có mấy người Nhật tới mà họ đã co rúm cả lại. Kể cũng khoái. Thì ra vấn đề là cái đầu chứ không phải ở chiều cao. Người Nhật thấp bé làm điên đầu người Pháp cao kều thì người làng Dục bé nhỏ cũng có thể làm thay đổi diện mạo của cái làng quê nghèo hèn này. Nghĩ tới đó ông Thìn đen càng thêm vị nể cụ Lang Thân làng mình, cụ Lang Thân thực sự là một tấm gương ngang với người Nhật bởi cụ đã tạo nên cả sự thay đổi kỳ diệu. Ông thìn đen gật gù vô cùng tâm đắc với nhìn nhận của mình.

Theo cụ Lang Thân làng Dục lên Hà thành vào đúng thời kỳ đó cũng là cách mà gia đình chú bé Thìn đen trông chờ ở chú. Nhất là theo ông Lang Thân thì chẳng có gì phải băn khoăn. Chú bé Thìn đen náo nức nhìn đường phố Hà thành mà hy vọng sẽ có ngày được mở mày mở mặt.
Ông cụ thương người nên ông cụ làm nghề thuốc.
Ông Thìn đen ngừng hồi tưởng về cụ Lang Thân, ông nhắc lại với “cậu” trong khi “cậu” vẫn ngủ mê mệt và không thôi nhỏ từ miệng ra những sợi rớt rãi. Không vấn đề gì. Miễn là “cậu” còn nghe thấy tôi nói là được. Ông Thìn đen thầm nói với mình và tiếp tục câu chuyện.
Làng Thanh Vàng mình xưa có tên gọi là làng Dục.
Ông Thìn đen mới thong thả bắt đầu giải thích. Đám mây trôi qua làm dịu khoảng chỗ hai người ngồi giờ đang dần tỏa tán. Nắng đang mang cái hanh khô thường nhật của tiết thu lên da thịt. “Cậu” bị đánh động bởi cảm giác hanh khô, “cậu” lại ngọ nguậy cái đầu trơ trốc trông đã dài lại thêm dài. Ông Thìn đen khẽ lắc đầu.
“Cậu” là gánh khổ của cuộc đời này..
Hơi chua chát, ông Thìn đen thầm thì nói với khóm hoa cúc ngay trước mặt. Hoa cúc, thứ hoa làm vinh danh và rạng rỡ cho gia đình “cậu” nhưng “cậu” không thể nào biết được điều đó.
Làng Thanh Vàng thuở xa xưa có tên là làng Dục. Một cái làng nhỏ và lẩn khuất giữa bao làng quê khác của vùng Kinh Bắc xưa. Làng chỉ cách Hà thành có đâu chừng hai mươi cây số. Lại tiện đường đất đi lại. Sự tiện này chính là điều kiện cho trai làng Dục học hỏi cái hay cái khéo từ khắp vùng. Cái tên Dục chẳng biết từ đâu mà thành nhưng đọc lên nó gợi những cảm xúc khác nhau. Nhưng tận sâu thẳm nó lại là gợi ý cho những người con của làng này.
Đồng đất làng mình là những đường thẳng song song với nhau nên chẳng khi nào gặp được nhau.
Nếu lấy đường quốc lộ số 5, đoạn chạy ngang qua địa phận làng Thanh Vàng là đường thẳng đầu tiên thì thứ tự tiếp theo là cánh đồng trồng toàn cây hoa cúc là đường thẳng thứ hai. Cánh đồng ngàn mẫu chạy dài dọc theo chiều dài của đoạn đường hơn một cây số, bởi thế khi đi trên đường mọi người được cái thú thoải mái nhìn ngắm cánh đồng hoa. Về mùa thu, hoa cúc bắt đầu nở rộ khoe một màu vàng trải từ tây tới đông. Nếu như không có con đường đất rải đá xuyên giữa cánh đồng thì cảm giác còn dài rộng hơn. Con đường đất nối quốc lộ 5 với cái làng bên kia cánh đồng thực ra được hình thành nhằm giúp việc đi từ trong làng ra quốc lộ đỡ phải vòng xa. Làng Thanh Vàng chạy dài song song với đường quốc lộ và được ngăn cách với quốc lộ 5 nhờ hai đường thẳng khác. Một là cánh đồng ngàn mẫu chuyên trồng hoa cúc và hai là con đường nhỏ chạy dọc bìa làng bên hướng bắc. Con đường này cũng bằng đất nhưng nó không rải đá mà nền đường mềm mịm. Người làng Thanh Vàng canh tác ngoài đồng không cần trâu hay bò hay bắt cứ thứ nông cụ nào khác có thể làm hư hại con đường dọc bìa làng nền đất mềm mịm. Việc canh tác ngoài đồng chỉ cần những dụng cụ đơn giản bởi đất trồng hoa cúc khá mùn xốp và tơi nhuyễn. Thứ đất màu pha cát chỉ cần cuốc xới nhẹ nhàng là đã có thể tạo thành những luống hoa chạy từ đầu bờ này sang tới đầu bờ bên kia. Ruộng rộng thì luống hoa dài, ruộng hẹp thì luống hoa ngắn.
Làng Thanh Vàng chạy dài còn bởi nó nằm trên dải đất hẹp lọt giữa một bên là quốc lộ 5 còn bên kia là sông Như. Sông Như không rộng nhưng đủ để cho ai đó có thể lấy cảm hứng trên sông khi thong thả đẩy thuyền đi và gõ lanh canh vào mạn thuyền, tiếng gõ khêu gợi lũ cá sông bơi thành đàn, bụng trắng phỡn, nổi lên mặt sông ăn tiếng gõ. Chảy như ôm lấy bìa làng bên hướng nam nên về mùa hè gió thổi qua mặt sông Như đưa vào làng hơi nước man mát, làm tươi tốt những búi tre ngà mọc lúp xúp bên mép sông, mà nhất là làm xanh um những cây sấu cao hơn nóc nhà ở trong làng. Nhớ tới đây ông Thìn chợt bồi hồi nuối tiếc. Mấy chục năm theo cụ Lang Thân, nghĩa là từ năm mười hai tuổi đến giờ ông chưa một lần tắm lại trên con sông ấy. Chút nuối tiếc làm ông thấy tiêng tiếc như đang hụt hẫng giữa đồng.
Nó giống như cuộc đời này làm ta mãi kiếm tìm.
Ông Thìn đen nghĩ tới đó mà buồn ra mặt. Gương mặt rám nắng càng sầm lại những ưu tư của người từng trải và nhiều phiền muội. Cả đời theo cụ Lang Thân làng Dục là cả đời ông Thìn đen chỉ biết vâng lời và thực hiện cho dù ông đôi khi cũng có chính kiến. Tuy nhiên nhưng chính kiến ấy chỉ là suy nghĩ vì nó chẳng khi nào được bộc lộ ra ngoài.
Người làng Thanh Vàng giải thích nhiều kiểu khác nhau về tên gọi Thanh Vàng thay cho tên gọi làng Dục nghe hơi khơi gợi những ý nghĩ không lành mạnh. Có người bảo cái tên Thanh Vàng ra đời bởi làng chạy dài từ đông sang tây nên ánh nắng chẳng khi nào vắng bóng. Màu vàng của nắng chiếu dọi từ tinh mơ tới chiều muộn khiến ai đó nhìn từ xa lại thấy cả làng như vàng óng lên. Tên gọi là Thanh Vàng theo cách giải thích này cũng ý nghĩa nên nghe thấy được.
Người thì nói cái tên Thanh Vàng nghĩa của nó khởi nguyên từ vị chua chua ngòn ngọt của trái sấu chín. Cả làng Thanh Vàng ẩn mình dưới tán lá xanh đậm của những cây sấu giờ đã thành cổ thụ. Không hiểu vì lý do gì mà làng chỉ trồng chuyên loại cây sấu trong làng. Thứ cây thi nhau đổ lá như những trận mưa rào mỗi khi mùa đông sắp tới. Lá sấu rụng vàng khắp trong vườn, ngoài sân. Rụng vàng trên những mái nhà, trên những mớ tóc của bầy trẻ con nô đùa ngoài xóm. Nhất là khi vào tiết cuối thu, từng chùm trái sấu chín khoe màu đỏ vàng giữa những tán lá sấu cũng đang chuyển từ màu xanh đậm sang màu vàng. Nhìn cái màu đỏ vàng của lá sấu, cùng cái vị chua chua ngòn ngọt của quả sấu chín thì cái tên làng gọi là Thanh Vàng xem ra cũng có lý.
Cũng còn một cách giải thích khác nữa. Đó là bởi màu nước của con sông Như quanh năm vàng đỏ. Màu nước lúc giữa trưa hắt lên long lanh, sông nhẹ chảy, thẫn thờ tạo nên cảm giác hơi buồn vắng. Trong cái buồn vắng ấy có người đã thốt lên thành cái tên làng là Thanh Vàng, một cách nói chệch để chỉ sự đơn điệu, vắng lặng và thanh nhàn ở làng quê này.
Tên làng gọi là Thanh Vàng do ông cụ nhà mình đặt nên đấy.
Ông Thìn đen nói dứt khoát. Trong thâm tâm ông thì đây mới là cách giải thích chính đáng nhất. Trời lại có thêm một chút râm mát. Đầu thu thật nhiều lý thú. Những thay đổi liên tục bởi ánh sáng và không khí làm con người có những giây phút đổi thay trong ý nghĩ. Ông Thìn đen quay hẳn sang nhìn “cậu” Tuất đang ngủ, một chút động lòng lại dội về khiến ông thấy cay cay. Bao cảm tình cùng sự trân trọng của ông, ông đều hướng về một người: Đó là cụ Lang Thân làng Dục. Ông chủ hãng thuốc Thanh Vàng lẫy lừng trên đất Hà thành.
…ôi ….ang…ở…âu…?
“Cậu” đang ở ngay chính cánh đồng làng mình.
…ông….ải….o…ôi…ề..à…
“Cậu” đã tỉnh ngủ từ khi nào, trái ngược hẳn với mọi khi, lần này “cậu” tỉnh ngủ lại rất ngoan và hiền. “Cậu” há hốc mồm ra như chính “cậu” đang nuốt từng lời trong câu chuyện mà ông Thìn đen đang hồi tưởng. Có lẽ trong hoàn cảnh thật dễ chịu và chân tình này mà “cậu” không nghịch như mọi khi. Mọi khi tức là lúc chỉ có mình “cậu” trong căn phòng luôn khóa cửa ngoài ấy. Trong phòng không đồ đạc ngoài hai thứ. Một là chiếc bô dành chuyên cho “cậu” ỉa đái vào đấy và hai là manh chiếu mới thay đã nhàu nhĩ. “Cậu” nghịch ngợm nhưng chẳng có gì để “cậu” nghịch nên manh chiếu là nơi cho “cậu” nằm chẳng mấy chốc bị bàn tay “cậu” bứt, giằng, cấu và xé. Manh chiếu lòi thòi những sợi dây đay cùng những mẩu cuống chiếu gãy rụng. Duy chiếc bô thì “cậu” không khi nào nghịch ngợm. Có lẽ những người tâm thần yếu kém nhất cũng hiểu cái bô là chỗ chứa đồ cặn bã bẩn thỉu.
“Cậu” đã tỉnh ngủ. Để tôi đưa “cậu” đi thăm tiếp.
Ông Thìn vỗ về. Cách nói của ông với “cậu” luôn có khoảng cách trật tự hay khuôn phép cho dù ông Thìn đen luôn tỉnh táo và năng động chân tay còn “cậu” Tuất luôn u mê và chân tay loằng nhoằng động đâu đổ vỡ đấy. Trên cái bờ ruộng nhỏ chỉ đủ chỗ đặt hai bàn chân của một người có hai người, một cao lều khều vụng dại chân tay đi cà nhắc cà nhắc đang như dựa hẳn vào một người thấp đậm đi từng bước chắc như đóng gạch. Ông Thìn đen đi dưới ruộng, ông nhường con đường bờ ruộng nhỏ xíu cho “cậu” đi. Lần này hai người đã đi sang tới thửa ruộng thứ ba. Thửa ruộng thứ ba này lớn hơn hai thửa ruộng đã qua. Những luống hoa cũng dài hơn, cây hoa cúc cũng nhiều hơn và dĩ nhiên hoa cũng nở vàng nhiều hơn.
Công của cụ Lang Thân với làng này lớn lắm.
…ôi…ông…iết…âu…
“Cậu” chẳng thế nào biết được. Đơn giản “cậu” còn quá nhỏ để hiểu câu chuyện và hơn nữa “cậu” cũng không đủ trí tuệ để nắm bắt. Đi những bước cà nhắc đầy vất vả, “cậu” như đổ hẳn người vào tấm lưng dầy chắc của ông Thìn đen. Hình như những lúc như thế này tấm lưng của ông Thìn đen lại chắc thêm lên thì phải. Bằng chứng là ông Thìn đen đặt những bước chân trần chắc đanh xuống mặt ruộng. Mũi chân dúi thành vết tròn tròn nối nhau đều đều trên nền đất màu pha cát. Những dấu mũi chân tròn tròn như vết chân chó chạy trên mảng sân phủ đầy tro bụi bữa làng vun đốt hàng đống lá sấu vàng rụng. Lá sấu vàng rụng xuống có vị đặc biệt ngay cả khi đã cháy thành tàn tro. Người làng Thanh Vàng dùng tro lá sấu trộn với phân lợn, trát bùn ao ủ hoai đợi mùa xuân năm sau khi thời vụ làm đất cho ruộng hoa cúc tới. Phân lợn ủ hoai đến mùa xuân thì được dỡ đem vùi luống. Từng luống hoa mới được đánh bằng rộng chừng tay với, cao hơn mặt rãnh luống độ gang tay. Đấy là dịp cả làng đổ ra đồng làm đất cho vụ trồng hoa cúc tiếp theo.
Hoa cúc trồng theo vụ, mỗi năm làng chỉ trồng một vụ hoa. Mỗi cây hoa cúc nhanh chóng hoàn thành phận sự của mình sau vụ thu hoạch hoa. Vụ sau hoa cúc lại được trồng cây mới bắt đầu từ những cây hoa cúc giống đánh từ vườn nhà trong làng ra. Vụ làm cây hoa cúc bắt đầu sau khi cả làng ăn tết. Tháng ra đồng giữa làn mưa xuân lây phây có nhiều dư vị ấm nồng quấn quýt. Chú bé Thìn đen, bé con con chạy lòng ròng khắp đồng. Bàn chân của chú in dầu tròn tròn đều đều hết ruộng này qua ruộng khác, hết rãnh luống hoa này sang rãnh hoa khác. Mưa xuân lây phây càng chạy càng nóng người xua đi cái lạnh tê tê cong cóng đầu xuân.
Làm hoa cúc không dễ như “cậu” nhìn đâu nhé
…ông…ói….ái…ì…ế?….
Tự dưng ông Thìn đen thấy hào hứng. Trong ông dù xa làng mấy chục năm hay nói đúng là rời xa công việc ngoài đồng mấy chục năm nhưng cung cách làm ăn đã ăn sâu vào từng thớ trên da thịt ông. Từ bữa đưa cụ Lang Thân về làng và ra đồng với tổ tiên đến giờ ông Thìn mới có được thời gian nhàn rỗi. Nhàn rỗi nhưng lại có việc, đó là việc sáng nay ông đưa “cậu” đi thăm đồng làng, nó làm ông nhớ lại. Người làng Thanh Vàng dù có chôn sâu dưới ba thước đất nếu được đội mồ sống lại cũng chẳng cần phải học lại cách trồng hoa cúc như thế nào. Nó là máu thịt, là cõi người của người dân cái làng tên nôm là Dục này.
Chăm hoa cúc tưởng dễ nhưng kỳ tình còn khó hơn chăm trẻ
…ông…ói…..ì…ế?…
Cây hoa cúc giống được đem ra trồng ngoài đồng vào giữa xuân, được tắm tưới nước mưa của mùa hè nên lớn nhanh trông thấy. Chẳng mấy tháng mà từng luống hoa cúc tốt tươi, thi nhau khoe màu xanh của lá. Nhưng để có nhiều hoa và hoa nở vàng đồng thời cần qua một công đoạn. Đó là gần hết hạ, người ta lại lũ lượt ra đồng ngắt ngọn, tỉa bớt lá. Cách thức này khiến thân hoa dồn nhựa lên từng nhánh và trên từng nhánh cây hoa cúc mọc vô số mầm hoa. Cho tới đầu thu thì ruộng hoa đua nở. Những bông hoa cúc vàng đều đều, xinh xinh đón nắng thu mà nở. Mùa thu hoạch hoa đã tới. Khắp trong làng hay ngoài đồng râm ran tiếng người gọi nhau đi thu hái hoa cúc.
Ông Thìn đen dừng lại, “cậu” cũng theo đó mà đứng tênh tênh. Cái đầu của “cậu” lại nghênh nghênh, “cậu” ngỏng cổ vươn nhìn theo hướng tay chỉ của ông Thìn đen. Đến lúc này có vẻ như “cậu” Tuất đã gần hòa nhập với khung cảnh thu hái hoa đang diễn ra rất nhẹ nhàng nhưng không kém phần khẩn trương. Mùa thu hái hoa cúc diễn ra ngắn bởi hoa cúc sau một tuần nở rộ sẽ se cánh lại. Thu hái chậm nghĩa là sang giữa thu là năng suất không cao. Dịp giữa thu khi về đêm đã xuất hiện mưa sương. Sương thu mới cuối chiều đã đổ xuống đồng. Ai đó chỉ cần đưa tay lên vuốt tóc trên đầu là cảm nhận được cái ươn ướt lành lạnh của sương. Sương đổ xuống se giá làm hoa cúc sun lại, cánh hoa không xòe rộng hết cỡ nữa mà nó như cong cong, màu vàng tươi nhường chỗ cho màu vàng sin sỉn. Hương vị cũng sầu theo. Thu hái lúc này hoa không như ý muốn. Ý muốn tức là giá trị cũng như công dụng của hoa không cao. Đem bán ít được lời.
“Cậu” thấy không? Thu hái cũng đòi hỏi không chần chừ được.
…ái…ì…ơ…?
Ông Thìn đen không để ý đến chuyện “cậu” muốn hỏi gì. Ông đang thả hồn với thứ hoa mà đời ông gắn bó. Từ hồi theo cụ Lang Thân lên Hà thành ông không có điều kiện trực tiếp với hoa. Hoa cúc về tới chỗ cụ Lang Thân thì nó đã thành thứ dược liệu mất rồi.
“Cậu” đừng tưởng thế là xong nhé. Hoa thu hái về còn ối việc.
Từng thúng hoa cúc nhanh chóng được mấy bà mấy chị xếp chồng lên nhau mà quẩy gánh về làng. Gọi là quẩy về làng nhưng thực ra chỉ là gánh từ ruộng hoa lên con đường đất mịn chạy dọc bìa làng bên hướng bắc. Dịp này con đường làng đất mịn ấy trở thành một cái sân phơi dài và vàng rực. Ai đi ngang qua đều phải lấy tay che mũi. Hương hoa cúc phơi nắng xông lên thứ mùi đậm nặng và hoảng hoắc rất khó thở. Người quẩy những thúng hoa lên tới đường thì hạ gánh, dải những bông hoa thành lớp mỏng trên những tấm cót đan bằng tre. Từng tấm cót tre dài sõng sượt kéo từ đầu làng đến cuối làng. Khác với nắng hè, nắng thu không nồng nã và gay gắt nên khi phơi hoa cúc chỉ se mềm chứ không khô giòn mà gãy vụn. Hoa cúc phơi nắng từ trưa tới chiều thì vừa đủ se se nhựa hoa. Se se mềm mềm nên cánh hoa vẫn bám chặt quanh nhụy, cánh hoa như vẫn còn nguyên thành bông hoa. Nhưng bông hoa cúc se mềm lại được vun lại để trong thúng. Giờ thì hoa mới được đem vào trong làng.
“Cậu” ngửi đi. “Cậu” sẽ không quên được cái mùi này đâu.
Ông Thìn đen ngắt bông hoa gần bờ nhất đưa lên di dí vào sát mũi của “cậu”. “Cậu” hơi co người lại vì “cậu” tưởng ông Thìn đen đang làm gì mình. Như chợt hiểu ra ý thiện của ông Thìn đen là muốn “cậu” tận hưởng thực tế cái hương vị riêng có của làng, “cậu” Tuất nhăn nhăn mũi hin hít. Sau từng nhịp hin hít như vậy cánh mũi của “cậu” lại nở ra. Mùi hoa cúc hoảng hoắc không làm cậu hắt sì hơi liên tục như lúc “cậu” ngã dúi mắt xuống luống hoa. Từ sáng tới giờ “cậu” đi trên cánh đồng hoa nên có vẻ “cậu” đã quen dần với thứ hương đậm đặc khó chịu này. Mắt “cậu” ánh lên, “cậu” cui cúi nhìn luống hoa, vẻ mặt “cậu” như định nói điều gì đấy.
Đấy là hương của làng mình.
Lòng nhẹ khỏe, ông Thìn đen nói rất chân thành. Ông sung sướng ra mặt khi thấy “cậu” của ông đã phần nào hiểu được. Chuyện lạ là thế, bất cứ những đứa trẻ con nào ngay từ khi vừa cất tiếng chào đời đã được cha mẹ nó cho hít hương hoa cúc. Hít để nó ngấm trong huyết quản ngay từ buổi đầu đời cái mùi vị của làng. Cách thức dí bông hoa lên mũi của “cậu” của ông Thìn đen cũng là thế. Mùi vị hoa cúc sau khi đã ngấm vào cơ thể nó sẽ ngự trị và tồn tại trong con người của cái làng này. Tồn tại và ngự trị để khẳng định, hoa cúc trở thành máu thịt. Người làng Thanh Vàng ăn, ngủ, cười nói và buồn vui với hoa cúc. Họ sống chết với hoa cúc.
Làng Thanh Vàng như một dải đất hẹp chạy song song với hai chủ thế chính. Một là đường quốc lộ số 5, con đường đã đưa hoa cúc đi xa. Và hai là dòng sông Như màu ánh vàng dưới nắng. Con sông bốn mùa nhè nhẹ mà thẫn thờ chảy, nó là cái níu kéo người làng lại với mảnh đất này. Sông Như buồn nhưng là cái buồn gợi cảm. Vẻ gợi cảm của sông Như nằm ở chỗ dòng sông êm xuôi chứ không ồn ã như con đường quốc lộ đang sôi lên không nghỉ. Sống trên dải đất hẹp do vậy người làng Thanh Vàng luôn có ý chí vươn lên. Nghĩ tới đây tự dưng ông Thìn thấy lòng nghẹn lại. Đôi mắt ông cố hướng ra xa nhằm giấu cảm xúc bồi hồi. Bàn tay ông hơi run run, kiểu run run của những người hay hoài niệm trái ngược hẳn với cái dáng đứng nghênh nghênh, miệng liên tục nhỏ ra những sợi rớt rãi của “cậu”.
“Cậu”…..
Ông Thìn đen kịp dừng lại một câu trách móc dành cho “cậu”. Lòng ông lại thêm bồi hồi. Ông thầm lén nhìn “cậu” đang nghênh nghênh ngóng mặt lên trời.
…ông…ói…ì…i…
Không ngờ “cậu” lần này lại giục ông Thìn nói chuyện tiếp. Bầu trời đi ngang qua chỗ hai người đang đứng như tạm ngừng lại. Nắng thôi hanh hao, gió từ hướng đông nam thổi tới mang theo cái âm ẩm của hơi nước làm dịu không gian. Ông Thìn đen vẫn cúi đầu, ông đang cố che những giọt nước mắt đang trào nhẹ nơi khóe mắt.
Cụ Lang Thân làng mình thật có óc nhìn xa, trông khắp.
Rồi ông Thìn đen ngoằng tay kéo ngang thân đỡ “cậu” ngồi xuống mô đất gần đấy. Mô đất ấy không biết ai đã vun cỏ nhặt trong luống hoa lâu ngày mà tự nhiên đắp thành điểm dấu nhằm xác định ranh giới phần ruộng hoa giữa hai nhà nào đó. Ngồi nghỉ trên mô đất này “cậu” có thể nhìn ngắm được rộng xa cánh đồng hơn. Vả lại đi đứng trên bờ ruộng chật chưỡng như vầy “cậu” cần được nghỉ. “Cậu” đã khi nào đi dài và lâu tới thế bao giờ đâu? Hai người đã tới khoảng giữa của phần nửa cánh đồng. Phần nửa này nằm gọn về mé tây. Nghĩa là nó nằm bên tay phải khi đi theo con đường đất rải đá chia đôi cánh đồng hoa cúc để vào làng. Theo con đường đất rải đá ấy nếu đi vào làng độ non nửa cây số thì tới con đường đất mịn chạy dọc bìa làng xuôi từ đầu tây xuống mạn đông. Nghĩa là đến con đường đất mịn thì rẽ trái. Rẽ trái đi gần tới cuối làng thì dừng lại. Ngôi nhà xưa của cụ Lang Thân giờ rậm rạp cây lá bởi đã lâu không có người ở. Trong vườn nhà những cây sấu cổ thụ lầm lì, đứng trơ thân mấu sù sì, rêu bám xanh bởi cũng đã rất lâu không có thằng trẻ con nào ôm lấy thân cây để trèo lên cây hái quả. Ông Thìn đen kéo “cậu” ngồi sát bên mình. “Cậu” ngồi nép bên vai ông Thìn đen với vẻ mặt chờ đợi. Trông cách ngồi như thế ai cũng nghĩ họ là hai cha con. Thực ra trong thâm tâm ông Thìn đen thì “cậu” ông còn thương hơn cả con mình cho dù ông Thìn đen vì cám cảnh cụ Lang và cũng vì không nỡ xa cụ Lang mà về quê lấy vợ. Một lão ông da dẻ săn chắc và nhám nắng, tuổi đã ngoài bảy mươi ngồi xoay lưng làm chỗ bấu cho “cậu” nghỉ nhìn mà thấy nao nao. Nghĩ thế nên ông Thìn đen càng cố chìa lưng đỡ thân hình chỉ chực ngã của “cậu”.
Làng ta có tên là Thanh Vàng. Tên đẹp thế do chính cụ Lang nhà mình đặt nên đấy.
Ông Thìn đen nhắc lại rất khẳng định. Chút tự hào làm ông thấy rưng rưng.
…ông…ói..ì…ế?…
Tôi bảo tên làng mình do ông cụ nhà mình đặt.
..ôi….ông…iết….âu….
“Cậu” phải biết. Giờ thì chưa biết nhưng rồi sẽ biết.
Ông Thìn đen đã khá tin tưởng ở chính mình. Chặng đường dự kiến dẫn “cậu” đi thăm đồng thăm làng còn khá dài. Còn khá dài nghĩa là vẫn còn khá nhiều cơ hội. Hai người đã ngồi bên thửa ruộng lớn. Nếu không có chuyện phải chia cánh đồng ra thành nhiều thửa ruộng cho nhiều nhà trong làng thì cánh đồng hoa cúc sẽ dài rộng lắm. Ông Thìn đen chợt nghĩ ngợi, nét mặt ông đanh lại, những ngón tay của ông vô tình co lại thành nắm. Có điều gì đấy như lóe lên trong mắt. Ngoài mặt ruộng những người thu hái hoa cúc ngừng tay, họ ưỡn thẳng lưng cho đỡ mỏi, họ quyệt tay che nắng, ngóng mắt nhìn lên bờ ruộng chỗ hai người đang ngồi rồi quay sang thầm hỏi nhau. Ai đang đi với ông Thìn đen thế nhỉ? Hỏi nhau thế nhưng nào có ai bước lại gần hai người đâu. Dân làng này quá quen với cảnh thi thoảng có những người khách phương xa vì thấy cảnh thấy hoa cúc vàng đẹp mê lòng mà dừng chân bên ruộng hoa cúc xem hái hoa. Cũng có người tò mò hỏi hoa cúc dùng làm gì mà trồng nhiều thế? Họ hỏi vô duyên nhỉ. Không có tác dụng gì thì ai trồng làm gì. Thế mà cũng hỏi.
Ông cụ nhà mình là người đầu tiên đem hoa cúc về làng.
…ôi…ông..iết …âu…
Cũng chẳng sao. “Cậu” cũng như trăm ngàn người khách vãng lai lần đầu tới mà thôi. Mới tới biết gì mà nói.
Ông Thìn đen ý hơi ngậm ngùi nên nói mà như tự an ủi mình. Mắt ông rực lên những tia sáng. Ông đang nhớ lại. Nhớ lại những gì ông biết được và nhớ được.
Đó là dịp cuối xuân năm Mậu Thìn đấy.
……ái …ì …ơ?….
Đã nửa buổi sáng trôi qua. Trên những ruộng hoa cúc đã lác đác có người bưng từng thúng đựng đầy hoa đã hái lên đặt trên bờ ruộng. Đã lác đác có người từ trong làng đi ra, họ quẩy quang gánh tênh tong đi tới. Những thúng đựng đầy hoa cúc đã hái đang chờ người tới quẩy nó đem lên phơi trên con đường đất mịn chạy dọc bìa làng. Người làng Thanh Vàng đã có sự phân công trong công việc. Ai có việc của người ấy. Việc phơi hoa cũng không đơn giản. Không biết dải đều hoa, các bông hoa vón cụm lại thành đám sẽ khô se không đều. Không đều dễ sinh nấm mốc.
Ông Thìn đen chỉ tay ra phía xa trước mặt. Phía đó màu vàng chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy như dâng lên tận trời.
NGUYỄN TRỌNG VĂN
(Còn tiếp)
>> Gia tộc Thanh Vàng – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Văn – Kỳ 1