Gia tộc Thanh Vàng – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Văn – Kỳ 1

Nhà văn Nguyễn Trọng Văn

1

VHSG- Đúng sáng sớm ngày lập thu trong mùa thu đầu tiên của thế kỷ hai mươi mốt, có người khách trẻ tuổi, biểu hiện không bình thường, đi một mình, bị đẩy ra khỏi cửa xe trên chuyến xe buýt chạy tuyến Hà Nội đi Hải Phòng. Chiếc xe đang lao vun vút trên quốc lộ số 5 bỗng phanh ken két, lê vệt bánh xe cháy xám mặt đường, nó lê chừng mười mét rồi mới dừng lại táp bên mép đường. Người khách trẻ tuổi có biểu hiện không bình thường vừa nãy còn đập tay loạn xạ, hét ú ớ đòi xuống xe giờ đứng ngẩn mặt cười bên vệ đường quốc lộ, chỗ đó ngay đầu con đường đất rẽ vào làng Thanh Vàng. Tay phụ xe, một tên khá ngông nghênh bợm trợm, áo kiểu bộ đội vải rằn ri đã cũ, mở phanh ngực, tuổi trung niên, nóng tính, nói năng như quát vào mặt người nghe, cũng phải vất vả lắm vừa kéo tay vừa giải thích cho người khách trẻ tuổi có biểu hiện không bình thường hiểu, đây chính địa điểm người ấy muốn xuống xe và sẽ xuống ở đây. Người khách trẻ tuổi có biểu hiện không bình thường lại nghệt mặt ra cười, mũi nhăn nhăn, cuối cùng cũng gật gật đầu tỏ ý đã biết chắc là mình không xuống nhầm.

Đó là một gã trai dáng khòng khòng. Cánh tay phải luôn nâng khư khư, chốc chốc lại co giật, được giữ sát bên sườn. Gã đầu không có mũ, tóc húi cua ngắn làm trơ cái đầu đã dài lại thêm dài ngoẵng. Mặt gã nghênh nghênh, mồm miệng như đang dở cười dở mếu. Gã đứng tay trái rờ rờ bám thành chiếc xe buýt đang nổ máy, lấp ló vài con mắt hiếu kỳ nhìn gã qua tấm kính. Gã co chân tấp tểnh kiểu nửa định trèo lên nửa lại thôi. Thực ra gã có muốn lên lại xe buýt cũng không trèo lên được, chiếc xe buýt sau khi đẩy được vị khách trẻ tuổi có biểu hiện không bình thường liền đóng sập cửa, vù ga phóng vút đi. Gã trai dáng khòng khòng đành quay người, gã bước những bước đi cà nhắc cà nhắc một cách khó khăn trên con đường đất rải đá dẫn vào làng. Con đường này chạy xuyên giữa cánh đồng trồng toàn hoa cúc, nó nối đường quốc lộ với cái làng bên kia cánh đồng, làng hơi ẩn khuất sau những lùm xanh rì rì của những cây sấu cao vượt nóc nhà. Con đường đất rải đá khéo phân đôi cánh đồng rộng tới ngàn mẫu, chạy soải dài song song với quốc lộ 5.

Trời vừa hưng hửng nắng, những tia nắng thu vàng óng như dòng mật dót xuống mặt đất và bắt đầu xòe rộng ra khắp không gian. Chẳng mấy chốc cả cánh đồng trồng toàn cây hoa cúc của làng Thanh Vàng ngập phủ trong một màu vàng. Gã trai dáng khòng khòng mới kéo đôi chân cà nhắc đi được vài ba bước đã phải dừng chân, gã chưa bao giờ đi bộ với đôi dép tổ ong rách tã trên chặng đường dài như thế. Gã đứng thở, giật giật tay, mồm há hoác, mắt ngơ ngác nhìn ra khắp cánh đồng. Trong đôi mắt của gã trai thì đây quả là điều chưa từng gặp. Màu vàng dót từ trên trời như nhập xuống tận mặt đất. Có cảm tưởng như chính gã đã lạc tới một miền thần tiên chỉ có ở trong cổ tích. Rất phấn  khích với vẻ đẹp khôn tả lần đầu biết ấy, gã trai dáng khòng khòng thẫn thờ thốt lên.

…ôi… ang … ở..ở… âu… ế … ày?

Chỉ có tiếng nắng đang soi xuống ruộng hoa. Nắng làm bật lên chuỗi âm thanh nghe ràn rào của những nụ hoa gặp nắng nở bùng. Những cánh hoa ngủ suốt đêm qua vừa nãy còn gấp nép, còn cuộn ôm chặt lấy nhụy hoa giờ bừng tỉnh giấc xòe từng cánh nhỏ ra đón nắng. Triệu triệu bông hoa cúc vàng chỉ nhỉnh hơi đồng xu, nở ken nhau, nở đua vươn lên đầu cành vô tình làm khuất lấp những chiếc lá xanh đậm. Cánh đồng trông như một chiếc thảm màu vàng to chưa từng thấy.

Gã trai dáng khòng khòng đi thêm vài bước cà nhắc cà nhắc thì tới bờ của  thửa ruộng đầu tiên trên cánh đồng vàng hoa cả mắt. Mặt nghênh nghênh hướng về phía ánh nắng chiếu tới, gã trai lại há hoác mồm ra mà để nghĩ ngợi. Thoáng phân vân không biết nên bước đi tiếp trên con đường rải đá hay rẽ ngang bước xuống ruộng hoa? Chưa có gì gọi là dứt khoát bởi trong ánh mắt của gã đang lộ rõ vẻ đắn đo. Qua ánh nắng, gương mặt đầy đủ của gã bây giờ mới nhận rõ. Một gã trai chừng mười chín hai mươi tuổi. Da trắng hơi mai mái, tạng người bủng bang, chân tay loằng nhoằng, bụng thở phòi phọp. Nước da và tạng người của kiểu người quanh năm hầu như không bước ra khỏi cửa. Đặc biệt là nét mặt, nét mặt gặp phải tia nắng chiếu tới nên trông có gì đấy như dài dại. Một gương mặt không trí tuệ, đầy ngơ ngơ đang đần ra nghĩ ngợi.

…ôi i ..i âu … ây…ây ờ?

Gã trai ngơ ngác. Hình như gã đang bị lẫn lộn nhận thức khi không biết đâu là phía mặt trời và đâu là phía cánh đồng. Màu vàng óng có lúc nhìn như chảy tràn từ trên trời xuống, có khi trông như ngược từ cánh đồng lên. Gã thấy chóng hết cả mặt mày như chính gã đang bị những mảng vàng óng cuốn xoay tròn trong chảo lửa. Gã đứng tênh tênh trên đôi chân chỉ chực khuỵu, người gã nghiêng nghiêng theo chiều nắng dọi, gã định bước đi nữa nhưng rồi gã lại bước hụt. Gã bước hụt hẫng thành thử gã ngã sấp mặt xuống luống hoa cúc ngay cạnh đó. Khóm hoa cúc bị cái mặt của gã làm gãy gục, cánh hoa dập nát. Một mùi hương hăng hắc xộc vào mũi khiến gã cong người lên như con tôm mà hắt hơi liên tục. Sau mỗi lần cong người lên hắt hơi như vậy gã cảm như đang có cánh tay nào đó kéo người gã vùi mặt sát sâu hơn vào từng cánh hoa. Gã trai dáng khòng khòng nằm sấp mặt, gã lịm đi trong giây lát.

Từ lúc gã trai dáng khòng khòng xuất hiện ở đầu con đường đất dẫn vào làng Thanh Vàng và khi gã dừng chân đứng tênh tênh bên thửa ruộng đầu tiên trên cánh đồng hoa cúc đã có một người đàn ông để ý. Người đàn ông này cũng chỉ có một mình, ông đi từ trong làng ra. Chiếc nón lá quàng sau lưng, nhây nhẩy theo nhịp đi, gặp ánh nắng chiếu tới nó lấp lóa bàng bạc trên cái nền toàn màu vàng. Không rõ ý định ban đầu của ông ta là sẽ đi đâu và sẽ làm gì nhưng khi ánh mắt của ông bắt gặp có người lạ đang đi vào làng trên con đường đất rải đá thì mọi sự chú ý đều hướng về phía đó. Cả cánh đồng trồng toàn hoa cúc lúc này chỉ có hai người ở hai phía đối diện nhau, họ cùng đi ngang mặt trời. Người đàn ông đi chậm và lặng lẽ để mắt quan sát kẻ mới tới. Ông thong dong soải bước từng bước một, bởi ông đã quá quen thuộc con đường này, quen đến nỗi mỗi bước ông đi ông không cần phải nhìn, bàn chân trần của ông cảm nhận được từng thay đổi của con đường theo mỗi buổi trong ngày, theo từng mùa trong năm. Người đàn ông đi từ trong làng ra không đánh tiếng hay làm bất cứ chuyện gì đấy khiến gã trai dáng khòng khòng phải giật mình. Họ vẫn còn ở cách nhau khá xa.

Gã trai không nhận thấy có người đang đi lại phía mình và để ý hành vi của mình. Gã có nhìn ra xa đâu, gã nghênh nghênh mặt mà đi cà nhắc cà nhắc. Hơn nữa bộ quần áo cánh nâu đã phai màu của người đàn ông đi từ trong làng ra như lẫn với mầu đất ruộng nên người không chú tâm quan sát cũng khó nhận biết. Người đàn ông đi từ trong làng ra gạt bỏ mọi ngờ vực về có kẻ mò tới cánh đồng này làm chuyện khuất tất. Có thể là một người đi nhầm đường đang cần sự giúp đỡ? Có thể là người đó do quá mót tiểu mà tiện đường bước xuống ruộng hoa? Có thể là người này thấy hoa rực rỡ muốn ghé lại ngắt vài bông về chơi? Cánh làm chuyện khuất tất không bao giờ chọn lúc có ánh mặt trời để hành sự. Người đàn ông đi từ trong làng ra nhấn nhá bước những bước lại gần hơn gã trai dáng khòng khòng. Ông đi từ phía nam lại. Gã trai đi từ phía bắc sang. Họ cách nhau chừng hai bên bờ của thửa ruộng đầu tiên trên cánh đồng hoa thì vừa lúc gã trai bước hụt hẫng mà ngã sấp xuống. Người đàn ông đi từ trong làng ra nhìn thấy vậy nhưng ông cũng không vội vã. Ngã vào đâu chứ ngã vào luống hoa không ngại lắm. Người đàn ông đi từ trong làng ra nghĩ vậy và đứng yên chờ xem gã trai tự đứng dậy như thế nào.

Mùi hương hoa cúc hoảng hoắc mau chóng giúp gã trai dáng khòng khòng tỉnh lại. Cố với tay trái, cái tay còn có vẻ điều khiển được, gã níu bám vào búi cỏ bên bờ ruộng, gã trai phải gắng hết sức, lúi cúi vài giây mới hơi hơi gượng người lên được. Gã thấy mình như đã bước sang thế giới khác.

… ôi…. à..à… ai… ế … ày?

Gã hốt hoảng nhìn khắp lượt người mình. Những cánh hoa cúc nhỏ bằng đầu móng tay rụng gãy bám đầy mặt. Điểm vàng lòe loẹt, bám khắp bộ quần áo kiểu pigiama màu cháo lòng, kẻ sọc dài, rộng thùng thình. Quần áo kiểu vậy hẳn gã đi thẳng từ trên giường ngủ về nơi này? Gã trai dáng khòng khòng hơi sụt sùi nhưng như sực nhớ ra điều gì bèn cố thẳng lưng lên cà nhắc cà nhắc đi tiếp.

“Cậu”…?…. Có đúng là “cậu”  không?

… ôi… à… ai… ế…?

Đúng là “cậu”  thật rồi.

Người đàn ông đi từ trong làng ra khi chỉ còn cách gã trai tầm tay với thì bất ngờ kêu rất to, giọng thảng thốt. Đôi mắt ti hí của ông giãn ra như để khẳng định người mà mình vừa gọi tên đúng là thực. Đôi vai ông rung mạnh, gấp gáp những nhịp thở bồi hồi trên bộ ngực nhám nắng, hình như ông đã xúc động vì cuộc gặp gỡ xẩy ra quá tình cờ và qua bất ngờ. Chiếc nón quàng sau lưng cũng nhây nhẩy theo trước cảnh hội ngộ không ngờ tới được này. Gã trai dáng khòng khòng vừa mới đứng lên đi được vài bước, gã giật bắn mình, gã chới với nhưng rất may là gã không bị ngã dúi xuống. Gã đứng nghênh nghênh hóng về phía có tiếng người vừa nói, tay phải theo phản xạ giống như ai đó đang giữ thứ gì, gã nâng khư khư ép sát hơn vào bên sườn giật giật. Mặt gã chợt thuỗn đần ra vì chính gã cũng chưa hiểu nổi đang xẩy ra chuyện gì. Rồi toàn thân gã rúm lại lật bật. Gã thấy sợ. Sự run rẩy sợ hãi ấy khiến gã ngây người như kẻ gian dối bị bắt quả tang. Lần đầu tiên trong đời gã mới có được cái tư thế đứng thẳng lưng. Chừng trong tích tắc thì gã trở lại vóc dáng cố hữu, nghĩa là gã lại đứng tênh tênh một bên chân, mồm miệng há hốc. Có lẽ gã đang rụng rời chân tay khi tự dưng bất ngờ gặp người.

“Cậu”. Đúng là “cậu” rồi.

Người đàn ông đi từ trong làng ra cười một nụ cười không thành tiếng nhưng vẻ gần gũi. Ông nhắc lại câu nói bằng giọng chắc nịch như để khẳng định sự nhận người của ông là không nhầm lẫn. Giọng ông bây giờ đã hết bàng hoàng tuy vẫn còn một chút chờ đợi phản hồi nhưng cách nói đã khá tin tưởng. Ông bước lại gần gã trai dáng lòng khòng hơn chút nữa. Gã trai hoảng sợ tưởng ai đó đến bắt mình. Gã giật giật cánh tay phải nhiều hơn, khép chặt vào bên sườn nhiều hơn như sợ mất cái gì. Chân gã nhấc lên cà nhắc cà nhắc định bước lùi lại. Người đàn ông đi từ trong làng ra dừng chân, ông không tiến lại gần gã trai thêm nữa. Ánh mắt của ông nhìn gã trai bằng cái nhìn nhường nhịn có pha chút vị nể. Tận sâu trong lòng của ông những tình cảm ngày nào ùa về khiến ông hơi rân rấn khóe mắt. Nếu đúng đây là người mà ông đã nhận thì thật không thể nào tin được. Không thể nào lại có sự run rủi như định đoạt của số phận. Ông lui người lại giữ khoảng cách vừa đủ để nhìn ngắm gã trai được dài dài. Ông nhìn từ đầu xuống chân rồi lại nhìn ngược lên suốt từ chân lên đầu. Bằng linh cảm ông đã nhận ra người mà ông không chờ đợi.

… ôi… à…

Gã trai dáng khòng khòng không nói được những câu muốn nói. Có gì đấy chẹn ngang họng khiến gã cứng mồm. Cơ mặt gã rần rật như lên chứng động kinh. Mà thực ra gã đang lên chứng động kinh thật. Gã sợ hãi quá, sợ hãi đến mức làm chứng động kinh từ bé của gã phát bệnh. Chân tay gã loằng nhoằng run rẩy. Đầu gật gật. Cái miệng há hốc và bắt đầu nhỏ ra rớt rãi. Gã trai dáng khòng  khòng cứ há miệng, ngoắc ngoắc mặt, mặc cho rớt rãi nhỏ ra thành sợi. Rồi gã ngồi thụp xuống, toàn thân run rẩy. Người đàn ông đi từ trong làng ra không làm gì cả. Ông để yên cho gã trai ngồi thụp xuống mà rúm ró, mà co giật một hồi rồi mới bước tới gần hơn. Người đàn ông đi từ trong làng ra đặt bàn tay chai cứng của mình lên một bên vai gã trai. Cái đặt tay chặt và ấm lên bên vai gã trai tỏ ra có tác động tích cực, cơn co giật tạm ngừng lại. Gã trai dáng khòng khòng không dám ngẩng mặt lên, gã cố dúi đầu che khuôn mặt miệng lấp bắp nói lí nhí câu gì đó.

“Cậu”. Làm thế nào mà”cậu”  mò được về làng?

Người đàn ông đi từ trong làng ra càng tỏ ra nóng vội bao nhiêu thì gã trai càng cố dúi đầu định giấu mặt nói lí nhí bấy nhiêu. Gã chưa từng gặp người này bao giờ, gã lúc lắc đầu ý như là gã không có quen biết ông hoặc là gã không nghe ra những câu nói của người đàn ông đi từ trong làng ra. Cũng có khi là gã không biết trả lời ra sao. Bộ dạng rúm ró của gã làm nét mặt của ông bây giờ đã chuyển sang cảm xúc lo âu. Ông đang tỏ ra lo lắng bởi những câu hỏi dồn dập tới trong đầu. Làm cách nào mà gã trai lại về được nơi đây? Bằng cách nào mà gã trai biết được có con đường xuyên qua cánh đồng hoa để vào làng? Nhưng quan trọng hơn nếu đúng đây là “Cậu” như ông đã nhận?

“Cậu”.

Không rõ tiếng đáp lại từ phía gã trai. Hình như gã trai này cũng chưa định hình lại được chính nhận thức của mình. Gã vẫn ngồi thụp bên bờ ruộng, mặt cúi xuống. Nắng đã ran rát hơn. Nắng đầu thu chớm chút hanh hao làm người ta khó chịu. Gã trai dáng khòng khòng thấy ngứa ngáy khắp người, gã sinh ra ngọ nguậy. Cái đầu cứ lúc lắc như chong chóng. Gã xoay đầu sang bên phải rồi xoay đầu qua bên trái. Người có chứng động kinh thường vậy. Họ phải vất vả lắm mới tỉnh trở lại được.

“Cậu” không nhận được ra tôi cũng phải thôi.

Người đàn ông đi từ trong làng ra buông tay khỏi bờ vai của gã trai, ông đứng lên nhìn vào làng và nói một mình trong khi gã trai kia còn chưa đứng dậy nổi. Ông vẫn còn hơi phân vân mà quay lại cố nhìn vào mặt gã trai thêm lần nữa. Rồi ông đưa mắt nhìn lên đường quốc lộ một cách rất chăm chú, ông nhìn tít xa theo đường quốc lộ. Ngoài đó từng đoàn xe nối nhau lao rầm rầm trên đường, tiếng máy, tiếng còi xe rầm rĩ. Có lẽ ông đang ước đoán chặng đường đi của gã trai này, ông đang tự hỏi với một con người như gã trai liệu có phép màu gì để gã về được tới đây? Gã trai giờ đã bớt co giật nhưng tâm thần còn chưa tỉnh táo. Dấu hiệu cho thấy gã có đôi chút tỉnh nhờ vào động tác gã luồn tay qua sau vai gãi sồn sột mảng lưng. Gã gãi đỏ mảng lưng mà chưa thôi gãi. Hết gãi bằng tay trái gã chuyển qua tay phải. Khốn nỗi cánh tay phải nâng khư khư, luôn giật giật không sao ngoằng qua sau vai được. Loay hoay làm gã ngã ngửa người ra. Người đàn ông đi từ trong làng ra bấy giờ mới cúi xuống sốc nách gã lên. Gã trai cười hềnh hệch. Gã đang muốn nói câu cảm ơn. Gã đã tin người đỡ gã dậy là con người thật, con người ấy không có ý làm hại gã. Bằng chứng là người ấy đang cố giữ cho gã đứng ngay ngắn.

Thìn. Tôi là ông Thìn  đen đây.

Người đàn ông đi từ trong làng ra ghé sát mặt gã trai nói rõ ràng từng câu một. Ông hy vọng đánh gợi ý tiềm thức của gã trai. Gã trai mặt lại nghệt ra, đầu lắc lắc nửa không ra từ chối nửa không ra đồng ý. Mồm gã đang nhỏ ra những sợi rớt rãi.

Còn “cậu” tên là…. là “Cậu”.

…ôi….ôi…

Gã trai không cất mồm nói nổi câu xưng danh ngôi thứ nhất. Trong tiềm thức của mình, thì gã biết trong nhà gã có rất nhiều người và chưa khi nào gã ghi nhận được có một người có tên là Thìn đen mà gã có thể quen biết. Nhà gã có rất nhiều người nhưng gã chỉ biết ở nhà gã có mỗi một mình mẹ gã mà thôi. Mẹ gã là người gần gụi gã nhất, mẹ gã rửa mặt, thay quần áo và tắm cho gã, vén cho gã những hạt cơm dính bên mép, mẹ nói cười với gã. Còn nói chung những người khác có trong nhà gã gã chỉ lơ mơ biết bởi những người đó không có ai chơi hay nói chuyện với gã. Ở nhà gã, gã chỉ chơi một mình. Chơi thui thủi trong gian phòng luôn khóa cửa ngoài. Cánh cửa chỉ mở khi mẹ gã tới. Mẹ gã mở cửa mang tới cho gã bát cơm đã trộn dủ mọi thứ thức ăn trên đấy. Mẹ gã bưng cái bô mà gã đã đái và ỉa vào đó và đem nó đi đổ. Khi mẹ gã trở lại cùng cái bô được rửa sạch thì gã cũng đã ăn xong bát cơm. Quanh chỗ gã ngồi ăn vương vãi những hạt cơm rơi dưới đất. Rất lâu rôi gã đã quen chuyện đái và ỉa vào cái bô đó. Gã quen đến nỗi đó chính là điều duy nhất gã biết rõ ràng và thân thuộc.

.. ôi… ên… à …à …” ậu”… á?

Lúc này gã tỏ ra cũng hơi biên biết. Gã đã nhắc được cái tên của mình mà người đàn ông đi từ trong làng ra nói từ lúc bắt gặp gã. Nghe gã nhắc lại như vậy nét mặt  người đàn ông đi từ trong làng ra tươi hẳn lên. Ông cười phấn khởi. Cuối cùng thì ông cũng chắc chắn với mình rằng ông đã nhận không nhầm người.

Vâng “cậu” chính là “Cậu”..

…ông… ải…ôi.. ông… iết..iết…âu..

Gã trai có bộ dạng khòng khòng, mà từ bây giờ sẽ được gọi là “cậu”  mồm méo xệch, nhỏ ra những sợi rớt rãi vừa trả lời vừa bỏ đi. Dường như gã chẳng mấy bận tâm đến chuyện nhận người cũng như việc xác định đúng tên của gã. Gã bỏ mặc người đàn ông đi từ trong làng ra đang băn khoăn là đi theo gã hay để kệ gã muốn đi đâu thì đi. Ông xốc lại chiếc nón quàng sau lưng nhìn với theo sau gã. Nhìn những bước chân cà nhắc cà nhắc của gã trai cùng cánh tay phải khư khư, giật giật, khép sát bên sườn làm người đàn ông đi từ trong làng ra, mà bây giờ sẽ được gọi là ông Thìn đen, chưng hửng trông theo. Ông Thìn đen nhìn chưng hửng theo lưng “cậu” nhưng thâm tâm ông không có ý định bở cuộc. Ông chau mày nghĩ ngợi chập ngắn, gương mặt người nông dân đặc sệt đã bước qua tuổi bảy mươi đang lộ rõ vẻ tự tin. Trong gương mặt ấy những nét quả quyết hằn sâu nhờ vào những nếp nhăn nơi khóe mắt. Ông Thìn đen quay người lẳng lặng đi theo sau “cậu”. Ông phải bước ghìm những bước chân vốn đi như chạy hàng ngày của mình lại để khỏi vượt lên “cậu”.

Họ lẳng lặng đi theo nhau mỗi người theo đuổi một suy nghĩ. Ông Thìn đen đi theo cùng suy nghĩ của lớp người già, người già thường hay đặt câu hỏi về những lý do mà “cậu” bỗng dưng xuất hiện ngoài cánh đồng làng Thanh Vàng. Còn “cậu” cà nhắc cà nhắc đi đằng trước với suy nghĩ chẳng ra suy nghĩ. Họ đi chưa được bao lâu, đi chưa ra khỏi thửa ruộng đầu tiên thì “cậu” dừng lại. “Cậu” ngoái cổ về phía sau nhìn ông Thìn đen đang đi theo mình. “Cậu” nở một nụ cười nhe hàm răng sún kỉn, vàng khè ý như muốn nói “cậu” đang chờ ông Thìn đen đi tới. Thoáng băn khoăn nhưng rồi ông Thìn đen cũng tới sát “cậu”. Ông nắm chặt bàn tay trái lành lặn của “cậu”, nói nhỏ đủ nghe.

Rồi tôi sẽ giúp “cậu” hiểu ra.

Tầm này trên cánh đồng hoa cúc đã nhộn nhịp người. Người từ trong làng gọi nhau rinh rả, họ rủ nhau đi ra ngoài đồng thu hái hoa cúc. Chỗ ông Thìn  đen và “cậu” dừng lại chờ nhau chỉ cách đường quốc lộ mấy chục mét. Những chiếc xe chở container nặng nề chạy rùng rùng cả mặt đất nơi họ đứng. Từng luồng khói xe phả ra làm rạt nghiêng chùm hoa cúc nở gần đường nhất. Gió thu cũng đã nhập cuộc, từng làn gió se se thổi khô sương đêm qua còn sót lại, vương ươn ướt, vương mền những chiếc lá cỏ trên bờ ruộng. Ông Thìn đen và “cậu” không đi theo con đường đất rải đá nữa. Họ men theo bờ ruộng đi rất khó khăn vì vừa đi ông Thìn đen vừa phải đỡ “cậu”. Họ đang đi đến ruộng hoa đang có nhiều người nói chuyện líu ríu. Mùa thu hoạch hoa cúc đã đến.

Ông Thìn đen khoát tay chỉ về phía những người nông dân đang hái hoa cúc. Từng bông hoa cúc nhỏ lần lượt được những người thu lượm ngắt cẩn thận rồi bỏ vào từng chiếc thúng họ đem theo ra ngoài đồng.

Những bông hoa cúc này đã làm nên danh giá cho gia đình “cậu” đấy. “Cậu”  ạ.

Ông Thìn đen mở màn ý định giúp “cậu” hiểu ra bằng một câu nói rõ là dài. Và ông hăm hở khoát tay chỉ rộng xa hơn. Tầm này hình như cứ thửa ruộng nào, cứ luống hoa nào có hoa cúc nở vàng rực là có người lúi cúi ngắt hoa. “Cậu” Tuất mặt lại ngẩn ra, cậu không thôi nhỏ những sợi rớt rãi nơi khóe miệng. Mặt “cậu” ngẩn ra nhìn quang cảnh mọi người thu hái hoa cúc và sau đó nghênh nghênh há hốc mồm ngước lên trời trông giống như một con trâu đực đang nghênh mặt. Con trâu đực dí mũi hít hít vào cái đít con trâu cái một cách thích thú, nó hít hít rồi nghênh nghênh mặt ngửa lên trời, hàm răng trắng nhởn của con trâu đực nhe ra. Con trâu cười với điều nó vừa hít hít được.

Trông “cậu” giống con trâu đực ngửi …ngửi ..đít trâu cái ấy.

Ông Thìn đen vốn tính bộc trực nên nói luôn khi nhìn cái mặt của “cậu”  cứ nghênh nghênh như thế. Ông nói không mang hàm ý chê xấu hay tỏ vẻ  khinh thường, mà ông nói bằng giọng vui vui kiểu của những người nông dân quen nói năng bỗ bã. “Cậu” không hiểu câu nói đó nhưng cũng nhăn răng ra mà cười. “Cậu” cũng vốn như thế ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Chuyện “cậu” ra đời thì ông Thìn đen biết khá rõ. Chính ông là người đỡ “cậu” và đem “cậu” về cái phòng mà “cậu” hàng ngày ăn, ngủ, ỉa và đái. Khi “cậu” vừa lọt lòng mẹ những người có mặt chờ đợi sự ra đời của “cậu” đã quay mặt lảng đi. Họ không dám nhìn “cậu” nói gì đến giơ tay đón “cậu”. Ông Thìn đen bồi hồi nghĩ lại, nghĩ sâu đến nỗi những chiếc lông mày dài khác người trên vệt lông mày rậm đen của ông dúm lại mà dồn thành cụm lông đen rậm hơn. Hai vệt lông mày trông như hai con sâu róm lông màu đen co mình lại khi bị người ta chọc que vào giữa bụng. Rồi hai cụm lông đen ấy giãn ra thành hai vệt lông mày dài rậm đen kéo chập hai chân mày lại với nhau. Trông vệt lông mày dài ngang đen rậm ấy những đứa trẻ con trong làng phải khóc ré lên.

Nhưng ông Thìn đen hiền lành và chân thật bậc nhất làng Thanh Vàng hiện giờ. Ông sinh năm Mậu Thìn, hơn “cậu” đúng năm mươi nhăm tuổi. Ở làng Thanh Vàng đã có lệ, hễ những thằng con trai nào chào đời đều được gọi tục theo tên con vật ứng với năm đó. Còn đứa trẻ gái nào sinh ra đều được gọi tên theo tên Can của năm đó. Ông Thìn đen là tên năm Thìn. Đương nhiên trong làng sẽ có nhiều người trùng tên nhau, cách phân biệt ai với ai lại được gọi kèm theo biệt danh gì gì đó. Ông Thìn sinh năm Mậu Thìn nhưng da dẻ đen nhẻm nên gọi là Thìn đen. “Cậu” sinh năm Quý Hợi. Nhưng chỉ riêng có mỗi một mình “cậu” là không gọi tên là Hợi kèm theo một danh xưng gì gì đó. “Cậu” là ngoại lệ, thứ ngoại lệ còn hơn cả đặc biệt vì “cậu” khi vừa mới sinh ra đã không bình thường. Những gia đình khá giả rất coi trọng những ai như “cậu” nên khắc gọi “cậu” là “Cậu” rồi. Trong nhà tuyệt nhiên không ai dám “sách mé” gọi tên húy của “cậu”, gọi thế là phạm kỵ. Từ khi sinh ra đến giờ “cậu” mới bước chân về làng. Không sao, vì dòng dõi nhà “cậu” xuất phát từ chính cái làng này. Ông Thìn đen nhìn “cậu” nói những câu giải thích như vậy. “Cậu” lại nghệt mặt ra cười cười. Nói chung là “cậu” cười như thế suốt ngày. Ngay khi ngủ “cậu” cũng nghệt mặt ra, há hốc mồm, nhe răng cười cười. “Cậu” không thôi nhỏ những sợi nước rãi ngay cả khi đang ngủ rất say.

Ông Thìn đen khác hẳn với “cậu” về vóc dáng. Ông Thìn đen có vóc dáng thấp, đậm và da đen nhẻm. Mọi đàn ông hay mọi con trai người làng Thanh Vàng đều có vóc dáng khiêm tốn như ông Thìn đen. Giải thích về chuyện này những người cao tuổi nói rằng, giống đực, tức là cánh đàn ông của làng vốn dĩ sinh ra đã nghèo hèn, không dám ngẩng đầu lên nên thành nòi giống như vậy. Nghe cũng có tý lý lẽ tin được. Nếu muốn vóc dáng cao hơn thì phải tìm cách để lớn lên, nghĩa là chọn vợ hay chọn chồng phải cao hơn người làng Thanh Vàng này. “Cậu” có dáng người cao cao chắc hẳn có gì gì ẩn khuất rồi cho dù như ông Thìn đen đã nói, “cậu” người làng này. Bởi thế nên khi họ đi bên nhau trông ông Thìn đen giống như một tấm phên được nóng bằng tre, chắc đỡ cho những bước đi cà nhắc cà nhắc cùng dáng người khòng khòng của “cậu”. Có lẽ vì thế nên từ lúc ông Thìn đen đỡ bên người “cậu” cùng đi thì những bước đi của “cậu” thôi chệch choạc hẳn. Hai người đi tới khoảng tiếp giáp giữa thửa ruộng đầu tiên với thửa ruộng thứ hai thì cùng kéo nhau ngồi xuống.

Nắng đang tung hoành trên khắp cánh đồng. Thứ nắng thu không làm người ta đổ mồ hôi mà ngược lại nó làm da người khô se lại. Cảm giác khó chịu vô cùng khi ngồi dưới nắng làm “cậu” luôn ngọ nguậy. Cái mặt cứ nghênh nghênh hết láo liên nhìn bên phải lại ngơ ngáo nhìn về bên trái. Lần đầu tiên được xem cảnh người ta thu hái hoa cúc làm “cậu” háo hức. Từ sâu thẳm tâm hồn thiểu năng trí tuệ của “cậu” những tiếp nhận ban đầu đang dình dịch tới.

Những người ra ngoài đồng thu hái hoa cúc phải là cánh đàn bà con gái trong làng, phải là những người đã qua cái tuổi mải chơi, họ vào độ tuổi chín chắn hơn, cẩn thận hơn. Hái hoa cúc không đơn thuần là đi dọc từng luống hoa để ngắt những bông hoa đã nở. Việc ngăt hoa không có kinh nghiệm sẽ làm gãy cành hoa, làm đổ khóm hoa và làm chột những nụ hoa chưa nở. Công việc thu hái hoa cúc không có gì gọi là lấm láp, lại gợi chút thi vị như cuộc chơi hoa, làm cánh đàn bà con gái mải miết làm việc không để ý tới những gì đang diễn ra cạnh đấy. Thực ra khi đang thu hái hoa cúc mà nói chuyện với nhau là không ổn lắm. Mùi lá cây hoa cúc gặp nắng xông lên ngai ngái trộn cùng mùi hương hoa cúc hoảng hoắc như xộc thẳng vào mắt, xộc thẳng vào mũi dễ làm người thu hái khó chịu. “Cậu” đã được hưởng cái cảm giác đón nhận thứ mùi đặc trưng ấy khi “cậu” ngã sấp mặt xuống khóm hoa.

“Cậu”  có nhận ra điều gì quen thuộc không?

“Cậu”  có nhìn thấy gì không?

“Cậu”  có thấy ánh nắng không?

“Cậu”  biết đây là màu vàng chứ?

Ông Thìn đen vẫn trông thẳng ra ngoài luống hoa mà hỏi liên tục. “Cậu” không trả lời. Sự im lặng làm ông Thìn đen phải quay sang để nhìn. “Cậu” đã ngủ. “Cậu” tựa một bên vai mình vào lưng ông Thìn đen mà ngủ. “Cậu” ngủ say sưa như chính “cậu” đang ngủ trong căn phòng của mình vậy. Mặt “cậu” khi ngủ mới tạm coi được tuy cái mồm “cậu” vẫn há ra, vẫn nhỏ những sợi rớt rãi nhưng đã dễ trông hơn. Những nét nghênh nghênh hay dài dại tạm lui đâu vắng chỉ để lại một gương mặt ễnh bạc đi dưới ánh nắng. Ông Thìn đen gỡ chiếc nón đang quàng sau lưng chụp lên đầu “cậu”. Thực ra chiếc nón quàng sau lưng ông Thìn đen chỉ là quàng theo thói quen mà thôi. Ông Thìn đen không bao giờ đội nón mũ, ông để mặc cho nắng gió chiếu rát hay thổi ràn rạt trên cái đầu tròn như quả bưởi của ông. Trên cái đầu tròn như quả bưởi ấy những mớ tóc dài trắng cước được vén gọn, buộc túm sau gáy. Người lần đầu gặp ông Thìn đen đều ngỡ ông là một tín đồ của một giáo phái hay tín đồ của một tín ngưỡng nào đấy hơn nghĩ ông là một người quen làm việc chân tay. Đây là một đặc điểm riêng có của đàn ông làng Thanh Vàng.

Được chút dịu mát nên da dẻ của “cậu” giờ nhìn cũng đỡ bủng bang hẳn. Cũng có thể là nhìn mãi nên quen mắt? Đôi mắt của “cậu” nhắm nghiền nhìn rất ngây ngô. Ông Thìn đen nhìn gương mặt ấy mà chợt dấy lên bao cảm xúc. Những câu chuyện, những sự việc lần lượt trở về trong tâm trí ông.

“Cậu”.  Đúng là “cậu” nhà mình  thật rồi.

Ông Thìn đen khẽ nhắc lại. Câu nói của ông như lời thủ thỉ sâu kín. Ngoài cánh đồng, lúi cúi men dọc theo từng luống hoa, thấp thoáng bóng những người đàn bà đi thu hái hoa cúc. Những người đàn bà ấy đang tranh thủ gom  những mẻ hoa đầu tiên của một ngày làm việc.

“Cậu” có nhìn thấy cánh đồng không”

“Và ….và những toan tính từ trên cánh đồng này không?

Chuỗi dài nhưng câu hỏi chen những câu suy nghĩ. Nắng soi bỏng rát tấm lưng cánh phản của ông Thìn đen. Chợt “cậu” ngọ nguậy. Từ cái miệng đang nhỏ ra những sợi rớt rãi của “cậu” phát ra những câu ú ớ. Ông Thìn đen lặng đi. Những hy vọng làm “cậu” hiểu ra chợt tắt nguội. Trên nét mặt của “cậu” lại trở lại hình dạng ban đầu, dài dại, ngơ ngơ.

…ôi …à…ai… ế… ày…..

NGUYỄN TRỌNG VĂN

(Còn tiếp)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *