Hồ Loan & Như giọt chuông ngân

Hồ Loan là tác giả trẻ, sinh năm 1981, ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Hội viên Hội VHNT Quảng Nam, đã in chung trong một số sách. Tập truyện ngắn “Như giọt chuông ngân” là cuốn sách đầu tay của Hồ Loan do NXB Hội Nhà văn ấn hành mùa thu 2022.

Đâu chỉ có truyện ngắn đầu tiên “Như giọt chuông ngân” tác giả dùng để đặt tên cho cả tập truyện mà tất cả 15 truyện trong tập theo như người viết bài này thì đều có những giọt chuông ngân lắng, vỡ ra trong tỉnh thức. Đó là thân phận, đó là những nỗi éo le, trắc trở và cả nỗi oan trái đến cả lẽ tử sinh để neo vào lòng bạn đọc những cảm xúc âm trầm nhưng lại có sức thôi thúc trong sâu thẳm mỗi con người tìm về hướng thiện như là bản thể của tạo hóa.

Lại nói đôi chút về tiếng chuông. Ở góc độ phật giáo, chính tiếng chuông đã giúp thức tỉnh bản giác của con người đó là tính thiện, tính từ bị hỷ xả, đó là sự vô ngã là lòng vị tha…Tiếng chuông tỉnh mà động. Tiếng chuông cũng chính bờ ranh giới của thức và tỉnh. Và cũng chính trong truyện ngắn “Như giọt chuông ngân”, tác giả truyền đi một thông điệp hết sức nhân văn về những điều mà mỗi người có thể cho đi trên đời này, thậm chí đến lúc từ giã cõi đời này họ cũng có thể gieo duyên lành như nhân vật nữ trong truyện đó là nguyện vọng được hiến tạng. Song tất cả đều không hề dễ dàng, bởi mỗi con người sinh ra giữa cuộc đời giằng níu biết bao sợi dây cả hiện hữu và vô hình. Có một lý lẽ không ở đâu xa lạ, biết cho đi trong đời thì cuộc đời mới có thể cho ta nghe và cảm được “văng vẳng trong thẳm xa, tiếng chuông chùa khoan thai khỏa vào bình minh, những âm thanh thuần khiết ban mai, tinh khôi…” (Truyện như giọt chuông ngân)

Tập truyện ngắn “Như giọt chuông ngân” của Hồ Loan

Có thể và chắc bạn đọc sẽ đồng tình cùng tôi với nhận xét của nhà văn Mộc Nhân về các truyện ngắn trong tập “Như giọt chuông ngân” đó là: “Cốt truyện không quá phức tạp, đôi khi được lồng ghép trong không khí liêu trai để tăng sức hấp dẫn và mở ra trường miên tưởng cho độc giả bằng lối kể chuyện thủng thẳng, chân chất, tự nhiên, chân thực, không đao to búa lớn, không lên gân triết lý mà được sắp xếp nhẹ nhàng, các xung đột cũng rất ít được đẩy lên đến gay gắt để bùng nổ…” Theo người viết bài này thì truyện ngắn “Như giọt chuông ngân” có thể xem như một tiêu biểu của nhận định này.

Một điều nữa, theo cá nhân cảm nhận, sức hút các truyện của Hồ Loan nằm ở chất đời, rất đời nên nó rất thật. Đoạn khúc, tình tiết ở nhiều câu chuyện không chỉ nó ở quanh ta mà còn ở chính ta, thậm chí có khi ta đã từng vịn đỡ hay đi men theo những xung đột, bi kịch của nhân vật. Từ điều này có thể nói rằng Hồ Loan đã viết bằng chính sự trải nghiệm, dấn thân, quan sát, phát hiện. Sẽ thiếu sót nếu không nói thêm đó còn là bản năng thiên bẩm trời cho của một nhà văn.

Trong ba thành tố quan trọng của nghệ thuật truyện ngắn (là nghệ thuật tự sự, miêu tả, biểu cảm) thì cả ba, Hồ Loan đều đã tạo nét riêng, tinh tế theo cách của mình. Hồ Loan đã khéo léo lựa chọn được những chi tiết “đắt” để đưa vào truyện. Dẫn chứng đó là một câu chuyện được kể trong bối cảnh làng Hương Trà của thành phố Tam Kỳ. (Truyện đợi nhau ở phố hoa vàng). Kỳ thực, rất thực như chính tác giả sống ở đây rất lâu, thật lâu, như là con bói cá của dòng sông vây. (Cách ví von trong một tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường). Thêm nữa, một số truyện có chấm phá yếu tố liêu trai nhưng lại không phá vỡ lòng tin của bạn đọc đang cuốn vào và đang đợi chờ hồi kết của truyện. Điều không phải ngẩu nhiên có nhà phê bình truyện ngắn cho rằng “ Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Các chi tiết trong truyện ngắn Hồ Loan còn có ý đồ gửi gắm những quan niệm sống. Truyện ngắn hay không thể có những chi tiết vô bổ”. (Sê khốp)

Nhà văn Hồ Loan

Trong “Sót lại nụ cười”, cốt truyện giản dị như một câu chuyện của một chị tiểu thương nào đó ở phố huyện kể cho nhau nghe khi ngồi kề rỗi việc. Song qua ngôn ngữ, cách kể của Hồ Loan đã đưa bạn đọc đến một thiên truyện lắng lại niềm ray rứt khôn nguôi về thân phận những người phụ nữ có thể xem ở tầng đáy xã hội. Nghịch cảnh như tiền định bắt đầu từ cuộc sinh nở của người phụ nữ đã ở tuổi về chiều để rồi một thân phận mới ra đời mang tên cái Mót. Ở tuổi bước vào thiếu nữ Mót bị xâm hại, Mót trở bệnh, mẹ Mót qua đời…những khúc ngoặt ấy đã đưa con người đến bi kịch tự thân của sự nổi loạn và tự giết chết mình…Ai đó đã thốt lên, cuộc đời này làm sao ta hiểu hết. “Tôi tự dặn lòng, mỗi cuộc đời là một thế giới. Và mỗi chiếc lá riêng một cõi bồ đề”.

“Bông lài nở trong mưa” là truyện mang tính thời sự rất cao khi câu chuyện được đặt vào bối cảnh dịch Coviđ 19, ở một làng quê xứ Quảng nhưng tác giả vẫn tạo được tình huống truyện rất đời, logich. Người đọc truyện xong rồi nhưng vẫn cứ bị truyện ám vào nỗi buồn khó tả, một chút xót xa cứ vương vấn, để rồi đặt ra những điều giá như…rồi lại cầu mong. Phải chăng khi con người bất lực ở khả năng này thì họ có thể tiếp biến nhanh hơn để hướng đến một khả năng khác. Và khả năng ấy, hướng đi ấy không đâu khác hướng thiện của con người.

Phần kết các truyện trong “Như giọt chuông ngân” của Hồ Loan theo tôi là khá bất ngờ, nhất là khi tác giả vào vai quan sát, tự sự với nhân vật ở chiều cảm nhận. “Có phải bên kia là mùa xuân” là truyện tôi rất thích ở chất suy tư, độc thoại của nhân vật nữ : “Có những con người bước ra từ cổ tích, và cũng có những món quà được gửi đến từ giấc mơ. Nếu em không thể là món quà thượng đế dành cho anh, thì em tin sẽ có người thay em làm tốt điều đó. Em tin vào ngày mai.”

Ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật nhiều khi lồng vào nhau, và nếu có thì ranh giới ấy cũng rất mỏng manh. Bố cục của truyện được viết theo dòng hồi tưởng. Sức cuốn hút của một số truyện không chỉ được tạo nên bởi tình huống truyện và được tạo bởi tình cảm ấm áp, trìu mến của người quan sát, kể chuyện rồi cả sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia như các truyện “Những ngày đi qua nhau”, “Xuân về trên đỉnh sương giăng”, “Nhớ cội mai già”, “Bông lài nở trong mưa”…

Thêm nữa, điều làm nên phong cách riêng của Hồ Loan trong truyện ngắn so với các tác giả trẻ hiện thời đó là cách sử dụng ngôn ngữ trong truyện của chị có thể nói rất giản dị, tự nhiên, ngẩu ngữ, khẩu âm mang đậm phong vị quê xứ, trong các xưng hô, lời ăn tiếng nói của nhân vật. Chất thơ, chất tản văn khá dồi dào (miểu tả) đã làm nên những câu, những đoạn văn hay giàu sức suy tưởng, phản quang được những tầng nấc cảm xúc, con người trong cõi nhân sinh…và cả những nỗi buồn thấm đẫm.

Tuy là tập truyện ngắn đầu tay nhưng theo cảm nhận của người viết bài này thì đây là một tập truyện ngắn hay, rất đáng để đọc và suy ngẫm…

VÕ VĂN TRƯỜNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *