VHSG- Victor Hugo muốn viết một tiểu thuyết về vẻ tráng lệ, cổ kính của Nhà thờ Đức Bà Paris, và tuyệt tác của ông đã dựng nên một biểu tượng bất hủ trong văn chương.
Tác phẩm đầu tiên tôi đọc của Victor Hugo chính là Nhà thờ Đức bà Paris qua bản dịch của Nhị Ca. Tên nguyên gốc của tác phẩm là Notre-Dame de Paris. Khỏi phải nói cái ấn tượng của tôi khi đọc tác phẩm nổi tiếng nhất của một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nước Pháp. Choáng ngợp về hình ảnh, choáng ngợp về sự khổ hạnh, cái ác, sự kìm nén và đặc biệt là về tình yêu.

Những tiểu thuyết của Victor Hugo luôn tạo cho người ta một ấn tượng kỳ vĩ. Mở màn cuốn tiểu thuyết là sự miêu tả một lễ hội kỳ lạ của những người điên và xuất hiện nàng Esméralda xinh đẹp có nguồn gốc ở một xứ phương Đông. Nàng xuất hiện và kéo theo tình yêu của ba người đàn ông và đó đều là những mối tình chết người.
Tình yêu si mê, tình yêu của bóng tối và tình yêu thánh thiện
Esméralda yêu say mê một sĩ quan kị binh, đại úy Phoebus nhưng anh chàng này chỉ là một kẻ trăng hoa lừa dối. Tình yêu đầu tiên của nàng chỉ là một bước khởi đầu cho hai nấc thang tiếp theo và ngày càng tăng dần. Người thứ hai yêu nàng mà mức độ khủng khiếp gia tăng rõ rệt: phó giám mục Nhà thờ Đức Bà Paris, Claude Frollo, người mà sự tu luyện khổ hạnh của ông ta đã đến mức siêu phàm.
Tình yêu của phó giám mục Claude Frollo với Esméralda là tình yêu của bóng tối với ánh sáng. Của cái ác nghiến ngấu sự thánh thiện. Phó giám mục gần như là một con quỷ trong nhà thờ với những quyền lực hắc ám và sự sùng kính ghê người. Là một người khổ hạnh gần như tuyệt đối nhưng ông ta không thoát khỏi sự cám dỗ của Esméralda. Càng tu luyện, giam cầm thì thứ tình yêu bóng tối này càng khủng khiếp và đáng sợ. Ông ta đã phái thằng gù Quasimodo con trai nuôi đến cướp ngục, đưa nàng Esméralda về nhà thờ cho mình.

Bây giờ mới xuất hiện tình yêu thuộc loại vĩ đại nhất dành cho Esméralda. Thằng gù Quasimodo là một con quỷ, con quái vật ở Nhà thờ Đức bà. Không ai dám nhìn nó quá lâu, không ai dám tiếp xúc với nó. Một hình nhân dị dạng, quái gở nhưng có một đức tin và sức khoẻ phi thường. Quasimodo được phó giám mục nhận làm con nuôi và gã hết lòng phò tá người cha của mình.
Nhưng ngay cả gã quái vật này cũng không thoát khỏi sự yêu cuồng si với nàng Esméralda. Quasimodo cướp nàng không thành và bị bắt, Esméralda đã cứu vớt hắn, chăm sóc hắn và chính sự thương yêu của nàng đã khiến hắn nảy sinh một tình yêu tột bậc.
Tên sĩ quan trẻ Phoebus thì yêu nàng bởi nhục dục, phó giám mục yêu nàng vì muốn chiếm đoạt một viên ngọc tinh khiết, còn thằng gù Quasimodo, hắn yêu Esméralda bởi nàng đúng là một con người thực sự, tình yêu của hắn vĩ đại và ở nấc thang cao nhất.
Nhà thờ vĩ đại trong tâm hồn và tình yêu của Victor Hugo
Toàn bộ khung cảnh của ba mối tình đầy bi kịch này diễn ra xung quanh khung cảnh Nhà thờ Đức bà Paris. Và tôi cứ ngỡ rằng, Victor Hugo phải là một kiến trúc sư đại tài, một nhà quay phim chuyên nghiệp với những cận cảnh cực kì chi tiết.
Những miêu tả của Victor Hugo về nhà thờ vô cùng ấn tượng, tỉ mỉ. Đường lên gác chuông tối om và nguy hiểm, những hình con thú trang trí ở bên ngoài gờ mái như những con quỷ đáng sợ và thằng gù di chuyển trong bóng đêm, leo trèo như một quái nhân duy nhất chiếm lĩnh được mọi ngóc ngách của ngôi nhà thờ hùng vĩ bậc nhất này.
Tình yêu xuất phát từ cửa sổ nhà thờ, cao trào và bi kịch cũng diễn ra trong ngôi nhà thờ. Phó giám mục ngồi trong căn phòng bí mật của nhà thờ để quan sát và phát hiện ra nàng Esméralda. Thằng gù cướp được Esméralda và đưa nàng trốn trong nhà thờ. Cuộc truy đuổi, tranh giành giữa phó giám mục và đứa con nuôi. Sự truy lùng khủng khiếp đến nghẹt thở.
Phó giám mục yêu cầu nàng Esméralda hiến thân cho mình để đổi lấy cái chết nhưng nàng không chịu. Làm sao nàng có thể yêu nổi một con quỷ khoác áo thầy tu khủng khiếp đến thế. Vì sự ngây thơ của mình, nàng vẫn yêu viên sĩ quan kị binh hết mực và nàng chấp nhận bị trừng phạt, bị xử tử.
Con quái vật đội lốt thầy tu kia vì sự hờn ghen tột bậc đã giết chết kẻ tình địch và đẩy nàng đến cái chết. Hắn không yêu được nàng thì không để cho ai được sở hữu được nàng. Tình yêu bóng tối của hắn đã khiến nàng phải chết, khi biết tin nàng đã lên giá treo cổ, hắn nở một nụ cười ác độc trong căn phòng tối om của mình.
Nhưng còn một người nữa tham dự cuộc chơi này. Thằng gù, hắn sinh ra đã là một kẻ dị dạng khủng khiếp, được người cha nuôi khắc nghiệt nuôi dạy, hắn sống trong nhà thờ như một bóng ma nhưng từ ngày gặp Esméralda hắn đã không còn là bóng ma nữa. Hắn đã trở thành con người và cuồng si với tình yêu của mình. Trong ba người đàn ông yêu Esméralda, tình yêu của hắn vĩ đại, vô tư và hiến dâng nhất.
Thế thì làm sao hắn chịu đựng nổi khi biết kẻ đã giết chết người yêu của mình. Phó giám mục là người nhặt hắn về nuôi như một con chó, tình yêu và sự kính trọng của hắn với cha nuôi giống như một con chó với người chủ của mình. Trung thành và tuyệt đối tôn kính. Nhưng bởi hắn đã không còn là con quỷ nữa từ khi gặp Esméralda, tất cả trái tim, nhiệt huyết và sức lực của hắn đã hiến dâng cho nàng. Bi kịch lớn nhất của cuốn tiểu thuyết xuất hiện.
Cảnh thằng gù vật lộn và đẩy người cha nuôi xuống từ mái nhà thờ là một cảnh vô cùng đặc sắc. Có rất nhiều ý nghĩa chứa trong đó. Đó là sự vùng lên vì tình yêu, đó là sự phản kháng, sự chối bỏ hoàn toàn cái lốt quỷ, một đêm rùng rợn và bí ẩn bao quanh nhà thờ, là đỉnh điểm của tấn bi kịch làm người và đòi được quyền làm người.
Phó giám mục chết và thằng gù được giải phóng khỏi thân phận của mình. Giờ đây không ai có thể trói buộc được thân thể và tinh thần của hắn nữa. Hắn tìm đến tình yêu vĩnh cửu của mình với nàng Esméralda. Hắn chui vào hầm mộ và chết cùng nàng. Khi người ta khai quật mộ, thậm chí bộ xương của hắn còn bám chặt vào người mình yêu không chịu rời!
Nhà thờ Đức bà Paris là một tấn bi kịch lớn về tình yêu. Trải qua hàng trăm năm luôn tồn tại hai nhà thờ trong tâm thức rất nhiều người, không chỉ người Paris hay trong lòng nước Pháp. Một nhà thờ hiển hiện giữa lòng Paris bằng gỗ, bằng đá và một nhà thờ vĩ đại khác bởi tâm hồn và tình yêu trong tác phẩm của Victor Hugo.
UÔNG TRIỀU
Bạn thích nhân vật nào nhất?
Thông qua bài viết của anh Uông Triều tôi tự hỏi bản thân mình về câu hỏi trên.
Với người lính, đặc tính của họ là phải đối mặt với cái chết cái sống hàng ngày, áp lực cao ngất như vậy thì thử hỏi cách thức người lính trưng dụng cái đẹp và sự cao quý như thế đã là ổn chưa? Theo tôi nghĩ là ổn mà chúng ta đâu có thể có quyền trách phạt nhân vật đó, tình yêu đó phù hợp với người lính, chính chúng ta nằm vào thì cũng như thế thôi. Đây là một thực tế mà chính nhà văn đã từng trải qua nên viết được và viết ra được điều thực tế ấy, ông không đẩy lên thành giới hạn của lý tưởng, bởi chẳng có lý tưởng nào cả đối với người lính ngoài phải giết người ngoài chiến trường, vậy thì ở xã hội thường, thì “làm thịt” một người đẹp là tất yếu của cuộc sống, không những thế nhà văn khai thác sự ngây thơ của nàng (nhân vật nữ, khó nhớ tên quá) thì cũng là khai thác bản năng của phái nữ, của con người nhằm đáp ứng nhu cầu và cũng là thực tế. Vây thì thực tế ấy và tình yêu nhục dục ấy là thích hợp. Và thích hợp rồi thì sao? Sao chúng ta phải lăn tăn.
Với nhân vật phó giám mục đó là lòng tham và sự ham muốn, tính ích kỷ của con người. Nếu như có nhiều nàng, tức nhiều nhân vật nữ thì cần tranh dành nhau làm gì (tôi cứ thô thiển phân tích như thế, bởi trình độ …định nói trình độ người đọc, bởi tôi là người đọc nhưng thôi chỉ mình tôi, là tới vậy nên hiểu và dùng từ như vậy). Tức là, nhân vật này cũng là từ thực tế, để chống lại những áp đặt luân lý của con người, nào là xã hội yêu cầu ông ta phải không được như thế, nào là phải thế này thế kia, không, ông ta biết từ trong vô thức rằng ông ta không theo những cái xã hội đang áp đặt vào ông ta, ông ta phải sống như con người tiến hóa, tinh hoa, muốn và tiến tới điều mong muốn bằng mọi cách, yêu cái đẹp và sở hữu cái đẹp một cách tự nhiên. Quá trình phản ứng của ngài phó này tự nhiên như tự nhiên của loài người vì thế cũng không quá cứng nhắc mà ghen ghét cách hành xử của ông này. Có lẽ nhà văn đang chỉ chích điều gì đó liên quan tới lí lẽ, văn hóa, và sự gò bó của con người trong cái xã hội ấy, tới bây giờ chúng ta vẫn bị như thế. Tôi lại thấy thích nhân vật này.
Còn thằng gù, đúng là tình yêu làm con người mù quáng chứ không phải sáng ra tí nào. Cũng không rõ anh ta thay đổi ra sao, nhưng vì tình yêu mà giết người, mà giết chính người cưu mang, giúp đỡ mình lúc hoạn nạn thì đúng là không thể “ngửi” được. Xin lỗi dùng từ. Có lẽ tác giả muốn đẩy lên yếu tố tinh thần trong tình yêu, tức là yếu tố bất chấp tất cả chỉ muốn theo ý mình, có được, và khi không được thì tức tối trả thù. Và ngài phó kia là hậu quả. Tại sao cái đẹp cái xấu đan cài nhau. Anh gù tại sao không tự nhận biết mà phải cần xúc tác là tình yêu để ngộ nhận ra? Nguyên tắc tự nhiên là tình cảm chứ không phải là những trang triết học, hoặc văn hóa lý lẽ xã hội có thể áp đặt vào sự phát triển của loài người được.
Uông Triều có nói là sự phản kháng của điều gì đó trong bài viết. Nhưng sự phản kháng ấy phải bắt nguồn từ những yếu tố tốt đẹp và tạo ra sự tốt đẹp cho loài người chứ không vị kỷ mà giết người được. Thẳng tay trừng trị tức là tàn bạo rồi.
Còn nàng công chúa đã reo rắc dẫn đến những cái chết thương tâm. Con người trước cái đẹp bao giờ cũng bị đánh mất mình, từ khi nào con người bị như thế, có lẽ cái ái lực của loài, cái thói quen từ tiền sử hay đó chính là tự nhiên, tự nhiên của quá trình phân ly, hủy hoại để mục đích là hy sinh cho cái mình nghĩ là đẹp.
Các nhân vật và nội dung chuyện nói lên điều gì của xã hội lúc đó? Qua cách hành sử của nhân vật chúng ta có thể hiểu được. Vậy thì lập lại câu hỏi, bạn thích nhân vật nào nhất?
Hòa Phong.