Tản mạn của Tạ Minh Châu: Nỗi niềm tiếng Việt

Nếu bạn hay đi du lịch hay công tác ở nước ngoài, hẳn sẽ thấy vô cùng xúc động và thú vị khi tình cờ gặp được một người bản địa nói tiếng Việt Nam mình. Đôi khi chỉ là vài từ “Xin chào”, “Phở Hà Nội ngon lắm”, “Tôi yêu Việt Nam” được phát âm lơ lớ cũng đủ để làm chúng ta phấn khích và đầy thiện cảm. Còn nếu gặp được những người sành sỏi tiếng Việt, uyên thâm về văn hoá Việt, trò chuyện cùng họ, nghe họ kể những kỷ niệm sâu sắc và tình cảm sâu nặng của mình đối với Việt nam thì chúng ta có lẽ ai cũng sẽ “mất điện”, sững sờ.

Trong những năm tháng công tác ở nước ngoài, tôi cũng đã có vài lần rơi vào tình thế đó!.

Nhà thơ Tạ Minh Châu

Năm 2012, khi đang làm Đại sứ Việt Nam tại Lào, nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn trong quan hệ hai nước, tôi cùng Đại sứ quán đã đứng ra tổ chức một cuộc gặp mặt thân mật với những bạn Lào đã từng học tập và công tác tại Việt Nam. Số lượng bạn Lào thuộc diện này đông lắm nên chúng tôi chỉ mời được một số nhất định. Hôm đó, có tới gần một trăm người tới dự, trong đó có rất nhiều người là lãnh đạo chủ chốt của các Bộ, ngành, địa phương. Và tất nhiên, trong buổi gặp mặt thân mật ấy ngôn ngữ duy nhất được sử dụng là tiếng Việt.

Trong không khí thắm tình anh em, các bạn Lào thay nhau lên kể lại những câu chuyện đầy xúc động về những tháng năm từng sống ở Việt Nam. Tôi còn nhớ anh Kikeo, Giám đốc trường Đảng mở đầu câu chuyện của mình bằng một câu đầy thách thức: “Trong những năm chiến đấu gian khổ của Việt Nam, đối với chúng tôi những học sinh Lào đang học ở Việt Nam lúc đó, cái đáng nhớ nhất chính là con số 13”. Hết câu anh dừng lại. Mọi người đều chưa hiểu vậy là sao. Riêng tôi thoáng nghĩ hay là con số 13 mà người châu Âu hay kiêng kỵ, cho là thường gắn với những điều xui xẻo.

Như để giải tỏa những thắc mắc của mọi người, anh chậm rãi kể tiếp: “Thời đó, tuy là học sinh còn nhỏ, nhưng mỗi người Lào chúng tôi đều được hưởng tiêu chuẩn ăn 17kg gạo một tháng. Biết ở Lào thường ăn xôi, nên chúng tôi còn được cấp thêm 3kg gạo nếp. Ngoài ra chúng tôi còn có tiêu chuẩn thịt, đường và các thực phẩm khác đầy đủ và khá cao. Vì thế, mỗi khi đi qua bếp ăn tập thể của các thầy, cô giáo dạy mình, chúng tôi đều thấy nghẹn lòng. Chúng tôi biết mỗi tháng các thầy, cô chỉ có tiêu chuẩn 13kg lương thực, trong đó một phần là thức ăn độn, đôi khi là cả những cân mì mốc. Các tiêu chuẩn thực phẩm khác của các thầy, cô đều thấp hơn của chúng tôi. Trong lúc khó khăn, cơ cực, các bạn Việt Nam vẫn dành tất cả những gì tốt nhất có thể cho chúng tôi, các thầy, cô vẫn vượt qua mọi gian truân hết lòng hết sức dạy dỗ chúng tôi như những con em của mình. Tấm ân tình đó cùng bao điều không sao kể hết đều là những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên. Và con số 13 chính là con số đặc biệt còn ám ảnh chúng tôi tới tận bây giờ”.

Nghe xong câu chuyện của anh Kikeo mọi người đều thở phào và cười rộ còn tôi chỉ còn biết bái phục trình độ tiếng Việt và cái cách kể chuyện dí dỏm, đầy hấp dẫn của anh.

Cũng năm đó, phối hợp với Hội Nhà văn Lào, chúng tôi đã cùng tổ chức một “Đêm thơ, nhạc Việt-Lào”. Một số nghệ sỹ Việt Nam, trong đó có những người ngâm thơ rất hay đã được mời sang dự. Đêm đó, nhiều bài thơ, bài hát tiếng Lào và tiếng Việt đã được trình bày. Trong số rất đông các khán giả đến dự có cả một số lãnh đạo các Bộ, ngành của Lào và nhiều người đã từng sống và học tập tại Việt Nam. Kết thúc buổi giao lưu kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ rất thành công đó, Ban tổ chức cùng các nghệ sỹ còn ngồi lại quây quần tiếp tục trò chuyện và ăn phở. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh Chăn-xa-mỏn, thứ trưởng Bộ quốc phòng Lào cũng còn ngồi nán lại cùng với mọi người. Tôi chạy tới ngồi xuống bên anh thì được nghe anh tâm sự: “Hồi còn học ở Việt Nam tôi rất mê thơ và đặc biệt là nghe ngâm thơ. Tuần nào cũng thức, chờ đến mười giờ đêm của thứ tư và chủ nhật để được nghe tiết mục Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam. Tôi còn nhớ như in giọng ngâm thơ của chị Châu Loan, Trần Thị Tuyết thật truyền cảm, tuyệt vời. Lâu lắm rồi, hôm nay mới lại được nghe ngâm thơ, nên tôi cảm thấy lâng lâng và xúc động lắm”. Nghe anh nói vậy, tôi bỗng thấy lặng người và thầm nghĩ “phải giỏi tiếng Việt và yêu thơ đến mức nào mới có được những tình cảm ấy”.

Một lần khác, tôi được mời dự bữa cơm thân mật để chia tay đoàn cán bộ Việt Nam sang thăm Lào của anh Bosengkham, Bộ trưởng văn hoá và thông tin Lào. Tôi biết anh là người đã từng tốt nghiệp đại học khoa văn ở Việt Nam, biết làm cả thơ bằng tiếng Việt. Vì thế tối hôm đó, chúng tôi toàn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Biết đoàn Việt Nam hôm sau sẽ rời Viêng Chăn xuống thăm tỉnh Xavanakhet, rồi từ đó sẽ về thẳng Việt Nam, anh Bosengkham trong một lúc rất vui vẻ đã quay sang dặn dò mấy cán bộ Lào sẽ đi tháp tùng đoàn: “Rất tiếc là ngày mai tôi không thể đi cùng với các bạn được. Tôi biết một vài bạn, trong đó có trưởng đoàn Việt Nam đã từng trải qua những ngày tháng chiến đấu ác liệt ở Lào, trên mặt trận đường Chín. Thế nên về dưới địa phương, không nên xếp chương trình cho đoàn thật quá xít sao. Cần có những lúc rảnh rỗi để các bạn Việt Nam nếu ai muốn thì còn có đủ thời gian để đi tìm lại cố nhân”. Tôi giật mình. Mấy bạn Lào đều biết tiếng Việt, nhưng tôi đoan chắc họ và có thể cả một số người Việt Nam nữa chưa chắc đã hiểu được thấu đáo thế nào là “cố nhân”. Dùng từ ngữ đến mức như vậy liệu mấy người sánh kịp!.

Cũng trong nhiệm kỳ công tác tại Lào, trong một lần làm việc với anh Vilayvong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên cách mạng Lào, anh có tâm sự trong Ban quốc tế của Trung ương đoàn hiện chỉ có hai người biết tiếng Việt mà cũng chưa thật sự giỏi. Anh muốn nhiều cán bộ của Trung ương đoàn sử dụng được tiếng Việt, song ngặt nỗi vì số lượng học bổng có hạn nên không thể cử nhiều người sang Việt Nam học được. Tôi và anh đều hiểu thế hệ trẻ của hai nước là lực lượng kế cận rất quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, nên chúng tôi đã cùng bàn và đi đến quyết định sẽ mở một lớp dạy tiếng Việt cho các cán bộ của Trung ương đoàn Lào. Tôi trực tiếp động viên một số thầy, cô giáo được Bộ giáo dục cử sang Lào dạy tiếng Việt cho các trường của con em Việt kiều đảm nhiệm thêm lớp học đặc biệt này.

Ngày khai giảng tôi và anh Vilayvong cùng có mặt. Gần bốn mươi cán bộ của Trung ương đoàn Lào hào hứng tham gia lớp học. Ai cũng muốn được học tiếng Việt để mỗi khi sang Việt Nam công tác hoặc đón các bạn Việt Nam sang Lào có thể giao tiếp với nhau trực tiếp bằng tiếng Việt. Và cũng thật xúc động khi biết có lớp dạy tiếng Việt tại Trung ương đoàn, anh Bosengkham, Bộ trưởng Văn hoá thông tin Lào cũng tha thiết xin cho phu nhân mình theo học. Một thời gian sau khi biết chúng tôi mở lớp dạy tiếng Việt cho cán bộ Trung ương Đoàn Lào, đồng chí Bí thư, đô trưởng Viêng Chăn có nói với tôi, hàng trăm cán bộ thuộc các sở, ban, ngành của thủ đô cũng có nguyện vọng và nhu cầu học tiếng Việt. Tôi đã điện về báo cáo với Lãnh đạo xem xét cử giáo viên sang giúp bạn. Và rồi những lớp học tiếng Việt dành cho các cán bộ đương chức của các cơ quan thủ đô Lào lần lượt được mở ra, mang lại những hiệu quả rất thiết thực, góp phần vào việc tăng cường quan hệ gắn bó, keo sơn giữa thủ đô hai nước.

Kể qua vài câu chuyện để thấy tiếng Việt của chúng ta hay và hấp dẫn đến mức nào, có nhiều người nước ngoài muốn học tiếng Việt và trong số họ có những người am hiểu và sử dụng nó một cách nhuần nhuyễn và tuyệt diệu ra sao. Tiếng Việt thực sự đã trở thành một hành trang vô cùng hiệu quả giúp họ hiểu sâu về lịch sử, văn hoá, con người và từ đó yêu Việt nam hơn.

Và rồi cũng để lại cùng suy ngẫm và tự vấn: vì sao ở nước mình vẫn còn có những người chưa coi trọng tiếng Việt , còn có nhiều học sinh các cấp ngại học và học kém môn ngữ văn đến thế?…

TẠ MINH CHÂU

Văn Nghệ số 48/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *