Tản văn của Hương Nguyễn: Đợi những mùa xuân

Rất nhiều cái Tết đã qua, nhiều mùa xuân đã đến. Nhưng với cha tôi, một người đàn ông hơn 70 tuổi, dạn dày với cuộc đời vẫn kiên nhẫn đợi những mùa xuân. Bởi với cha, mùa xuân đến mang theo bao điều ý nghĩa.

Năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm, mọi người chộn rộn chuẩn bị đón năm mới, tôi lại nhớ những cái Tết đầy yêu thương của nhà mình. Tôi nhớ những năm tháng theo cha hòa vào dòng người đi tảo mộ vào sáng cuối cùng của năm cũ. Ngày hôm đó, quê tôi như hội. Nhà nhà thắp hương thành kính mời tổ tiên về vui Tết ấm cùng con cháu. Tôi thấy mọi người đều thực hiện điều đó bằng sự háo hức, bằng tấm lòng tri ân và sự thành kính thiêng liêng. Lúc đó dường như khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, tổ tiên và cháu con đang ở cự li gần nhất. Chính nếp sinh hoạt này là sợi dây kết nối anh em trong họ tộc, gia đình lại với nhau và cũng là một cách để giữ gìn văn hóa truyền thống. Tình yêu quê trong tôi được cha nuôi dưỡng từ những ngày thơ bé, từ những phong tục tốt đẹp của làng.

Nhà giáo Hương Nguyễn

Khi nhỏ, tôi lẽo đẽo theo cha chỉ vì sự háo hức, tò mò và có cả sự thích thú vì được leo lên những ngọn núi, được đứng trên đỉnh núi mà ngắm toàn cảnh quê mình, được nhìn ra cửa biển mênh mang, xanh thẫm. Lớn hơn một chút tôi hiểu hơn ý nghĩa của tập tục đó, nhất là khi lắng mình trước lăng mộ của dòng họ. Cha bảo, ai cũng có gốc gác, nguồn cội, đừng lãng quên. Nếu quên, các con cũng giống như những cánh diều no gió nhưng bị đứt sợi dây và bay mất hút… Có lẽ trong khoảnh khắc chuẩn bị đón đợi xuân sang, cha muốn truyền bảo cho con cái những điều thiêng liêng về lễ nghĩa, đạo đạo lí. Kí ức êm đềm đó cứ theo tôi mãi!

Bây giờ, đã mấy chục năm trôi qua nhưng cứ sáng 30 tết, cha tôi đưa các con các cháu ở xa về lên thắp hương cho tiên tổ. Cha chưa từng quên công việc ấy. Cha làm như một lẽ tự nhiên, như một trách nhiệm với thế hệ đi trước, thế hệ đi sau. Là con gái đi lấy chồng, tôi không có nhiều lắm những lần theo cha như thế nữa. Nhìn dáng cha chầm chậm leo lên núi, nơi có nghĩa trang dòng họ, tôi lại bần thần. Liệu cha tôi có thể đi bao nhiêu lần nữa, lên đây, lên cái nơi mà cha có thể nói dễ dàng nhất về sự kết nối giữa các thế hệ!?

Với cha, một người lính cương trực, cũng đón chào năm mới theo những điều rất riêng. Cứ độ đầu tháng chạp thôi là cha đã mua hương trầm về cắm. Cha bảo cắm trầm đề đợi Tết, đợi xuân. Mùi hương của trầm quyện trong cái lạnh của miền Trung, thơm ngọt đến vô cùng. Nghe mùi trầm là biết năm cũ sắp hết chứ chưa cần đếm lịch. Tuổi thơ và cả những năm sau này, chúng tôi được ủ ấm trong mùi trầm Tết, trong tình cảm của gia đình. Thế nên, cứ tầm giữa tháng chạp, cha lại nói mẹ gửi trầm cho chị tôi đã lấy chồng ngoài Bắc. Cha bảo, gửi cho chị, để chị nghe thấy mùi kí ức, mùi nhà, mùi quê, mùi của mùa xuân! Thế đấy, cha luôn muốn các con của mình đón Tết, đón xuân từ những điều bình dị như thế. Và nếp nhà cũng được cha tạo dựng từ những điều thân thương như thế.

Bây giờ chúng tôi đều đã trưởng thành. Cha mẹ lại lặng lẽ hơn. Các em tôi làm xa, cận Tết mới về nhà. Nên cha chờ Tết nhiều lắm. Cha chờ để được gặp con, gặp cháu. Cha chờ để được nghe những câu chuyện không đầu không cuối của những đứa con bay xa. Cha chờ để được nghe những tiếng cười giòn tan của đám cháu thơ trẻ. Cha chờ trong nỗi nôn nao, hạnh phúc. Và cha, đã thể hiện sự chờ đợi đó bằng việc trang trí nhà cửa! Tết, với cha luôn phải có hoa, nhất là hoa đào. Đón xuân, cha phải tìm mua cho bằng được một cành đào thật đẹp. Bao nhiêu năm rồi đều như thế! Cha thích đào phai miền Trung chứ không thích đào Nhật Tân nức tiếng của Hà Nội. Có khi phải đi đến 4 – 5 lần cha mới chọn được cành đào ưng ý. Cha rất trau cành đào. Đào mua về, cha đốt gốc để đào tươi lâu và hoa nở đúng mấy ngày tết. Khi cành đào được đưa vào phong khách cũng là lúc cha nở nụ cười mãn nguyện.

Nếu những năm trước đây, một bàn thờ ấm áp, mấy nén trầm thật thơm, cành đào nhiều nụ, nhiều lộc, chậu cúc vàng tươi, mấy chai rượu ngon, bát hành muối … Với cha, thế là đủ tết! Sau này, khi con cái đi xa, cha có thêm một ước ao nữa – con cái về sum họp! Tết với cha thực giản dị nhưng ấm cúng vô cùng. Dù bây giờ, lưng đã xệ hơn, tóc đã bạc nhiều hơn, những cha vẫn cặm cụi chuẩn bị Tết, để chờ con cháu về nhà. Và chúng tôi, luôn cảm nhận rõ những chi chút của cha dành cho cái tết của nhà mình. Với cha, con cháu về là có Tết. Và theo sau bước chân của cháu con là hơi thở, là sự rộn rã, náo nức của mùa xuân.

Cách đây mấy thắng, mẹ tôi lâm trọng bệnh. Mẹ nói, mẹ chỉ mong tổ tiên thương tình cho mẹ đón một vài mùa xuân nữa; còn cha thì mong con số ấy phải nhân lên nhiều lần! Nghe cha và mẹ tâm tình, tôi thấy tim mình như có ai đang bóp chặt. Cảm giác chới với, chông chênh đang ngày một dày lên trong tôi. Tôi chỉ biết rằng, nếu trước đây, cha mong xuân đến để được sum họp, để thấy các con, các cháu khôn lớn trưởng thành. Còn bây giờ, cha mong xuân đến thì phải mang theo những điều bình an, mang theo ngọn gió dịu êm cho cả gia đình. Bởi, với tuổi già như chuối chín cây, một ngọn gió không lành sẽ mang đến những niềm đau.

Nhưng sau những ngày thấp thỏm, âu lo, mẹ tôi đã về miền mây trắng. Đó là một cú sốc lớn đối với cả gia đình. Tết này, mẹ không còn nữa, ngôi nhà trở nên trống vắng. Xuân về trên từng con ngõ nhưng nỗi háo hức chờ xuân trong cha chẳng còn thấy đâu. Cha bảo, mẹ con đi rồi, cha chờ gì nữa đâu! Tôi đã khóc nức khi nghe điều đó. Một phần cuộc sống của cha, của chúng tôi đã mất đi nên tôi chỉ biết nguyện cầu, cha sẽ mãi bình an, cùng những mùa xuân ở lại. Để chúng tôi vẫn còn nhà để về, để đợi xuân sang!

Tháng Chạp, năm 2023

HƯƠNG NGUYỄN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *