Trong veo tuổi thơ màu giấy kính của Lê Nguyên Khôi

Viết cho/về thiếu nhi là công việc không hề dễ dàng. Với thơ lại càng khó. Cho nên sự xuất hiện của tập thơ “Tuổi thơ màu giấy kính” của Lê Nguyên Khôi là dấu hiệu đáng mừng, đáng trân trọng. Một tập thơ hay, in đẹp với nhiều phụ bản xinh xắn là món quà quý giá mang tới cho các bạn đọc nhỏ tuổi và với cả người lớn. 

Nhà thơ Lê Nguyên Khôi (Lê Văn Ri)

Tiến sĩ Lê Văn Ri với bút danh Lê Nguyên Khôi, sinh năm 1971, quê quán Giảng Hòa, Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam, hiện là Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung thuộc Trung ương Đoàn, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam.

Anh đã xuất bản các tác phẩm: Gió qua miền cát (Tập thơ, NXB Thanh niên, 2009); Phía xa xăm (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2020); Tuổi thơ màu giấy kính (Tập thơ, NXB Kim Đồng, 2023); Tuyển thơ văn Sắc biển (In chung, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam, 2020); Thơ 15 năm Đất Quảng (In chung, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, 2019); Thơ, Văn Quảng Nam 2014-2019 (In chung, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, 2019).

Viết cho/về thiếu nhi là công việc không hề dễ dàng. Với thơ lại càng khó. Cho nên sự xuất hiện của tập thơ “Tuổi thơ màu giấy kính” của Lê Nguyên Khôi là dấu hiệu đáng mừng, đáng trân trọng. Một tập thơ hay, in đẹp với nhiều phụ bản xinh xắn là món quà quý giá mang tới cho các bạn đọc nhỏ tuổi và với cả người lớn.

Ở Quảng Nam khá ít người viết cho thiếu nhi. Đó thường là những dấu ấn thời thơ dại của mình, qua những trải nghiệm, tiếc nuối… mà hình thành nên tác phẩm. Cũng chính vì thế nhiều người không thể đồng hành dài lâu với mảng đề tài thiếu nhi mặc dù rất yêu, rất tâm huyết. Có lẽ do đặc thù của công việc, Lê Nguyên Khôi là giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung trực thuộc Trung ương Đoàn nên sự cảm nhận và sáng tác thường xuyên, lâu bền với văn học thiếu nhi phần nào có thể lý giải được.

Có lẽ vì thế, với Lê Nguyên Khôi, tuổi thơ hiện ra trong veo trong “Tuổi thơ màu giấy kính”:

Tuổi thơ màu giấy kính/ Xanh, đỏ vàng, trắng xinh/ Mắt em màu cổ tích/ Nhìn bầu trời lung linh – (Tuổi thơ màu giấy kính).

Thế giới quen thuộc chung quanh những đứa trẻ hiện ra trong cảm nhận đầy yêu thương: Mưa rơi trên vòm me/ Chú ve sầu sũng nước/ Mưa gieo bao điều ước/ Mắt em nhòe tiếng mưa – (Tắm mưa)

Bìa tâp thơ “Tuổi thơ màu giấy kính”- Lê Nguyên Khôi

Thế giới trẻ thơ hiện ra thân thuộc, ấm áp có ba, mẹ; có dòng sông quê nội, cánh diều no gió, sân trường yên ả. Và em yêu: “Em yêu tiếng cười của mẹ/ Âm vang giọng nói của cha/ Tết vui cả nhà sum họp/ Giao thừa pháo sáng đường hoa…” (Em yêu)

Thế giới chung quanh bé vô cùng mới lạ, đáng yêu như vòng tay mở rộng đón bé vào đời: Nghiêng về phía gió/ Trập trùng phía ba/ Hương vòng tay mẹ/ Bước đi, ngoan nào!- (Bé tập đi)

Là Mùa xuân đẹp đẽ trong mắt bé: “Em nắm tay mùa xuân/ Đi qua nhiều ô cửa”. Ở đó có phố phường rực rỡ sắc màu, có nắng mai rực vàng, có ngàn hoa, có tươi tắn áo mới … “Em đi giữa ngàn hoa/ Tung tăng tà áo mới”(Du xuân). Là em, hồn nhiên trong “Tắm mưa”: “Mưa gieo bao điều ước/ Mắt em nhò tiếng mưa”

Thế giới quanh em còn có cô giáo thân yêu “Tuổi thơ em lớn/ đong đầy lời cô”. Là những niềm vui ngập tràn trong vòng tay bạn “Bạn bè tôi ơi/ Tan trường hoa ngập lối”. (Tuổi hồn nhiên). Còn rất nhiều những hình ảnh thân thuộc, đáng yêu chung quanh em trong: Cây bàng, Chú lợn, Mèo cưng, Chú khỉ…

Không chỉ có  thế, những băn khoăn bắt đầu có những sắc màu khó nhọc của đời sống với những thi ảnh lần lượt hiện ra trong các bài: “Mùa đông của em”, ”Mưa”, ” Đám mây và cô giáo”… Nhẹ nhàng thôi nhưng vẫn ít nhiều thoáng qua trong mắt bé, những mầm non đạng lần bước vào đời. Hay, em phải “Lỗi hẹn mùa thi” chỉ vì dịch giã: “Mùa xuân vắng tiếng trống trường/ Ve chưa gọi bạn nắng vương nỗi niềm.’”.  Đển phải hẹn nhau: “Chờ nhau lỗi hẹn mùa thi/ Mong qua dịch bệnh thiên di đợi chờ…”.

Một thế giới khác là những hồi ức, “tự sự” từ tuổi thơ của tác giả luôn luôn “thức dậy” trong niềm nhớ tiếc khôn nguôi. Một không gian êm đềm tuyệt đẹp đã dần lui vào quá vãng chỉ còn chăng là những dòng hoài niệm: Tháng Năm cơn mưa hấp hối/ Kỉ niệm nguyên màu tóc rối/ Gốc rạ đồng quê xơ xác gió/ Ngã vào chiều vội vã dòng sâu… (Kí ức tháng Năm)

Ở đó, dòng sông quê nhà luôn hiện lên với bao nhiêu niềm nhớ thương: Những gió, những chiều, những bờ dâu xanh…

Thuở bắt đầu mênh mông gió triền sông/ Tuổi thơ cựa mình con tôm, con tép/ Kí ức ám màu khói bếp/ Đêm miên man theo tiếng thạch sùng// Những buổi chiều đi dọc bờ sông/ Nghe gió hú vọng đôi bờ cát/ Cúi mặt soi mình nghe sông hát/ Giật mình ai khóc phía dòng sâu/ – (Dòng sông tuổi thơ)

Hoặc, một không gian khác cũng không kém phần quen thuộc: Ai cũng mang một miền quê để nhớ/ Miền quê tôi là con phố nhỏ, không có những cánh cò- (Quê hương trong góc phố tuổi thơ)

Từ đó mà hít thở khí trời, thấm đẫm hơi thở quê hương mà lớn lên: Tôi như hạt cát thu mình trong chiếc vỏ trai/ Con ốc cứ lăn qua đời tôi như hòn đá cuội/ Bao rung chấn cuộc đời cho miền gót tôi xanh- (Vĩ thanh miền vắng cha).

Cứ thế, dường như tác giả luôn đau đáu trong mình một miền ấu thơ đi theo mãi suốt cuộc đời: Bây giờ trở lại tuổi thơ/ Những trang giấy trắng bụi mờ thời gian – (Kí ức tuổi học trò).

Năm qua là năm có nhiều thành tựu của văn học thiếu nhi. Nhiều tập sách viết cho thiếu được vinh danh. Nhà văn Nguyễn Hồng Chiến với tác phẩm “Chuồn chuồn ớt tìm mẹ” được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vinh danh sách hay năm 2023, nhà văn Lê Quang Trạng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tập truyện “Cá linh đi học”… Chúng ta đang dành những gì đẹp đẽ nhất cho trẻ em, bắt đầu từ sách, như lời kêu gọi của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, rằng hãy viết những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em: “Tất cả những người có lương tâm và vì con người đều có thể trở thành nhà tiên tri của dân tộc mình, bởi qua tâm hồn những đứa trẻ hôm nay, họ có thể nhìn thấy số phận của dân tộc họ ngày mai. Họ hiểu rằng: chỉ có thể làm cho tương lai tốt đẹp khi thấu hiểu hiện tại và chuẩn bị cho tương lai của dân tộc mình bằng cách chuẩn bị cho hiện tại với một trách nhiệm cao cả nhất và nhân văn nhất”.

Cũng trong mạch nghĩ ấy, Lê Nguyên Khôi bộc bạch: “Thơ là niềm rung cảm của gốc rễ con tim về quê hương, đất nước, con người và bức tranh đầy sắc màu của cuộc sống; là những dòng chảy ký ức, những cảm nhận về cuộc đời hồn nhiên, sâu lắng nhưng cũng đầy mãnh liệt và bản năng. Sáng tác cho thiếu nhi là được trở về với kí ức hồn nhiên, trong trẻo, nhiệm màu và đồng điệu tâm hồn mình với tuổi thơ”.

“Tuổi thơ màu giấy kính” – một tình yêu trong veo với tuổi thơ.

LÊ TRÂM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *