Thấy nhớ quá ngày thơ mẹ nhỉ/ Từ bận đó… / Con muốn thành hiệp sĩ / Dọc ngang nào biết trên đầu…/ Như người trong truyện hồi xưa/ Ở Vàm Kinh cha lật đất, bạt gò / Đào mương lên liếp
MẸ, ĐẤT NƯỚC VÀ LƯU DÂN
(trường ca)
Chương một:
TUỔI THƠ VÀ NHỮNG NGÀY HOA CỎ
Mong manh như giọt sương
Náu mình bên chiếc lá
Đêm qua heo may trở dạ
Sinh ra mùa thu nhiều lắm nỗi buồn
Tuổi thơ ngọt ngào bay ngang ngày hạ
Tiếng ve chiều rớt lại sau lưng
Như hạt chim tha , con rơi vào đất
Mọc vu vơ trong đời mẹ nụ cười
Và bao nhiêu tiếng khóc…
Ngày xưa…
Không biết tự bao giờ
Chừng như mẹ được sinh ra từ đất
Sinh ra từ cuộc trường sinh
Của Tổ Tiên nghìn năm phiêu bạt
Nên mẹ hiền
Và mênh mông tình yêu
Để yêu chúng con cho đến tận bây giờ
Chưa hết …
Chín mươi năm!
Một đời người mải miết
Bắt đầu từ buổi hừng đông
Cầm cuốc, cầm cày
Mò cua, xúc tép
Mẹ đi lấy chồng
Với của hồi môn
Là cây nọc gỗ Ngoại cho
Mang về đi cấy mướn
Bởi phận dâu nghèo, dẫu trong, dẫu đục
Cha đón mẹ về bên túp lều tranh
Đêm tân hôn côn trùng rỉ rắt
Hai kẻ nghèo hèn thề nguyện trăm năm
Cho dẫu cuộc đời bể dâu, đen bạc
Và ngày mai nghiệt ngàn bất trắc
Nuốt tiếng thở dài thâu đêm
Cha mơ giấc mơ An Tiêm
Vác mai, phãng ra đồng
Với sức bình sinh
Tát đồng sâu, đào bãi cạn
Nhặt khúc đồng dao
Đi mở luống, khai giồng
Trồng khoai, tỉa bắp
Để mẹ thương hoài những giọt mồ hôi
Chim trích gọi bầy trên cồn lảng xa xôi
Cá sấu quẫy đuôi bên gốc bần, bụi dứa
Trời trở dạ ráng chiều bầm ứa
Cho phận nghèo hẩm hiu
Kiếp gieo neo, bọt bèo
Sao lại là phận số?
Như rong rêu sinh ra từ ao tù
Như cỏ úa rữa thân từ đất ủ
Như bụi cát quặn mình trong nước lũ
Cha mẹ thành hạt phù sa sinh đôi
Rời cội nguồn tự nghìn năm
Trôi qua muôn vạn thác ghềnh
Tấp vào nhau đắp nên bờ bãi
Níu vào nhau trong cuộc đời chìm trôi
…
Rạch Bờ Tre – cuối xóm Ô Môi
Mẹ sinh con ra từ đêm trăng tròn vạnh
Rả rích ngoài hiên tiếng hát côn trùng
Sương tháng chạp se mình bên phiến lá
Dế đồng xa thao thiết mông lung
Trăng oằn xuống bên tiếng tu-oa
Nhẹ như tiếng đất
Gió đêm lành lạnh nhịp chày khuya
Cha cộ lúa thuê, mẹ một mình ngồi đợi
Tiếng tù-và dìu dặt bóng trăng quê
Xóm dưới, thôn trên
Gọi nhau vòng trâu,đạp lúa
Đứa bé sơ sinh cười mụ ngóng cha về
Đặt tên cho nó…
Con mò đất, vọc bùn
Giỡn nắng, đùa trăng
Bên lều, tum, ruộng mẩy
Mơ sự tích Lão tiều phu
Sớm bờ rơm, chiều bãi sậy
Đu cánh cò bay lả những mùa trăng
Bên rún nhau
Lớn lên cùng nương rẫy
Cha mẹ yêu con hơn của để dành
Núp dưới chân mây vui đùa cùng chim, dế
Bên cái chớp roi cày
Nghe cha dạy i… ơ…
Mẹ học cùng con chữ á, chữ tờ
Mẹ lại kể ngày xưa…
Không đất, không vườn
Bà Ngoại đi cấy mướn
Đêm Tháp Mười trai gái hát giao duyên
Ông Ngoại thua nên bị Ngoại bắt về
Làm thân rể mượn
Ông Ngoại có dì Hai, dì Ba
Rồi mắc bệnh đậu mùa
(Căn bệnh ngày xưa khó phương cứu chữa)
Ông phải nhờ người bạn thân
nuôi vợ, chăm con
Trong những ngày hoạn nạn
Người bạn chí thân dốc lòng thương cảm
Đi đập lúa ma, móc củ sen đồng
Bắt cá, đặt cua những mùa nước nổi
Nuôi vợ bạn và hai đứa con
– Cũng là cháu của mình
Rồi ông Ngoại nghĩ tình thôi như đã
Năn nỉ bạn hiền hãy nhận vợ dùm ông
Từ đó về sau
Bà ngoại nhận thêm ông chồng…
Là người bạn cũ
Đầm sen vẫn mấy mùa bông ngan ngát trổ
Bà Ngoại có thêm bốn người lưu dân nữa
Hai ông chồng vẫn ngày sớm thương nhau
Thương cả hai dòng con
Của người vợ hiền thương khó
Sướng khổ cùng nhau, êm ấm trong ngoài
Đi hết cuộc đời năm dài tháng rộng
Điệu giao duyên dần khuất bóng mây mưa
Yêu Ngoại,
Yêu câu chuyện đời mẹ kể
Vào chiến tranh đôi lúc cũng mơ về
Được một lần ngồi nghe Ngoại ngâm nga
Câu chuyện cuộc đời như mơ như thật
Của những lưu dân trôi nổi bao đời
Sau nghìn năm dặm trường mở đất
Nhưng Ngoại đi rồi – Ngoại đã đi xa
Mang theo chuyện ba người vào kiếp khác
Thêm yêu quý cuộc đời lang bạt
Của những con người mộc mạc cỏ rơm
Mà số phận lá lay đã đùa đẩy họ
Trôi đến tận cùng bến đục của nhân sinh
Những con người đã cho con
Tình yêu, sức mạnh

Bên ngôi mộ vôi giữa đồng rêu phủ
Tiếng sấm về năm tháng gọi mưa
Miếng đất mượn làm thêm mùa phụ
Cha cấy lúa, trồng khoai, trồng đậu
Con lớn lên bên những trưa hè
Bông ngô đồng nở đỏ
Tiếng nắng xe buồn trong lỗ tai
Thinh thinh con cào cào gọi cỏ
Hỏi ngôi mộ có nhiều ma trong đó?
Cha vỗ đầu con: đừng nói dại với ông làng
Ở đấy là đất thiêng của nhà địa chủ
Đã xây từ mấy trăm năm –
khi cù lao Minh vừa có
Đất này vua ban cho ông bá hộ
Con ngơ ngác trên lưng cha
Nhìn mông mông nắng gió
Hạt mưa già chiều muộn ướt lòng cha
Bài ca dao buổi nào con hát được
“Nhà giàu mỹ vị, cao lương
Nhà nghèo rau muống chấm tương kém gì”
Khiến nụ cười nông phu của cha
Nghiêng bên mé ruộng
Bóng chiều xa ông trăng đu xuống
Con nghé ngọ lạc bầy ngó quanh
Bên đám cỏ đuôi chồn
Đàn chim áo già bay lượn
Nó ở hoài trong tuổi thơ con
Cùng khói đốt đồng
Và những áng mây xa bay về
Khi mùa vừa ngang qua đông
Đuổi nhau từng chùm gió chướng
Mỗi sớm cha đi cày
Thằng bé theo cha
Ngồi bờ đê
Bẻ lá sen che nắng xuống
Con ốc lác nằm mài thơm phức bữa ăn trưa
Bên mo cơm rau mắm mặn mà
Mùi cỏ dại mơ màng trôi vào giấc ngủ
Trong lạch đất thâm đen mồ hôi cha đổ
Chị trâu già cần mẫn lội qua ao
Kéo tiếp những đường cày ong ong nắng đỏ
Người và trâu một kiếp sinh tồn
Thương nhau như thân tình, bầu bạn
Trời xanh mây trắng nhân từ
Chở che cho những kiếp đời khổ nạn
Để còn vui với những tiếng cười hào sảng
Xanh trong
Ngày sinh nhật con tròn 4 tuổi
Cha mua cho con cây viết khắc tên
Và bộ đồ Tây ba túi
Con đâu hay “Võ Minh Thành”
Là tên của người đàn ông khốn nỗi
Cha đặt cho con
Để nhớ ông tù khổ sai
Trong vở tuồng
Đời cô Lựu
Cha yêu…
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Thời gian nối vào nhau
Hôm sớm đầm lung
Mấy mùa chim ấp trứng
Con thành thằng trai đi học trường làng
Năm đầu, chiếc cặp khâu bằng mo cau
Đựng tấm bảng đen, vở bài làm,
Đôi ba cuốn sách
Gò gẫm viết tên mình lên nhãn tập
Thương cái chữ của cha
Và tên Võ Minh Thành
Nhìn sao lạ hoắc
Năm lớp hai, mẹ làm cho con cặp lác
Mang vào trường mấy bạn cười trêu
Cặp gì đâu xấu mạt
Mẹ thương con
May tấm áo nhuộm chàm
Từ bao đựng bột
Ướp bằng những cánh bông dầu thơm
Mọc bên mé nước
Con mơ màng bên màu nắng ve chai
Hát lại bài ca dao thuở trước
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Cha dạy con học thuộc
Mỗi tháng năm xa
Mỗi ngày gần lại
Quá khứ dẫu buồn
Mẹ vẫn dạy con vui
Đất mẳn mồ hôi
Mẹ gieo trồng sự sống
Tiếng ầu ơ trong trẻo giấc mơ mềm…
Con đã đi tìm như thể đã từng quên
Tuổi thơ xưa bên gốc bần, gốc ổi
Tiếng ếch uệch,
Tiếng chim chuyền sớm tối
Giọng hoàng anh mắc ngang bụi tre già
Mỗi trưa hè nắng gội
Trái bắp, củ mì bên bếp lá khô un
Rạch Bờ Tre cần cù đưa nước vào lung
Hạt phù sa trôi theo chùm bong bóng
Chim vịt kêu chiều bên đìa bông súng
Bầy cá rô đồng ăn móng bờ ao
Con cò xanh tiếc ngơ tiếc ngẩn
Nắng gió mênh mang
Hương đồng nội oi nồng
Vi vu tiếng lá
Cóc kêu sấm về, cúm núm gọi giông
Con lắc nước giỡn đùa bên hà-lảng nhỏ
Cá lóc đồng về mương đẻ con
Mống trắng trời mưa
Mống vàng nắng đỏ
Quê hương lần đầu con nhớ
Là câu chuyện đời xưa về xóm dân nghèo
Tiếng “hú”, tiếng “ ỳ” gọi nhau
Khi sao hôm, sao mai vừa ló
Mùa rẫy mùa đồng da sạm nắng sương
Hai vợ chồng mặc chung chiếc quần vải ta
Để dành đi xóm
Đàn ông ra đồng áo rách vắt lưng
Quần bố tời, vải gai
Nhuộm trái trâm bầu đen màu bùn đượm
Nhà tranh tre mưa dội nắng lèn
Sưu thuế cho làng;
Xâu đinh cho tổng
Lúa ruộng cho chủ điền
Gạo tốt nạp trùm-đâu
Lao dịch hội tề, phú ông
Ngày tư ngày Tết
Tưới kiểng, trồng hoa
Dọn sân, sơn cổng
Tát đập, khai đìa
Bửa củi, đốn cây
Uống nước lã ra về
Đói run, bước sụm
Căm hận ngất trời…
Nhưng biết làm sao
Việt Minh trong làng có mấy người đâu
Một cây dao dâu, một thanh mã tấu
Đâu đủ để vùng lên làm cuộc đổi đời
Mấy bận trên về gọi dân theo kháng chiến
Địa chủ, quan làng, cai tổng kéo quân
Càn quét ngày đêm
Bắt được người có cảm tình với Việt Minh
Là mổ bụng,chặt đầu
Tống giam khám chẹt
Dân cam phận ngựa trâu
Dám đâu bẻ nạng chống trời
Làm quân loạn phản
Phải đến khi bộ đội Khu về
Đánh bót Rô-be
Dân tình mới được một lần
hả hê, tở mở
Rồi đình chiến Năm Mươi Tư
Đường vô ruộng phất phơ cờ đỏ
Vui chưa trọn mùa lúa, vụ khoai
Quan tổng, tề làng lại sừng sộ súng lê
Lùa quân càn qua thôn ấp
Máu lại đổ, đầu lại rơi
Làng xóm lại chìm trong địa ngục
Đất Việt Minh chia lại vào tay địa chủ
Ngô Đình Diệm về với bài ca suy tôn
Máy chém, nhà tù,
Cực hình lê trên đất
Bên hàng cau cu ngói chẳng bay về
Con nước lớn, con nước ròng
Rạch Bờ Tre lặng lờ u uất
Bìm bịp kêu rười rượi nỗi buồn
Dáng mẹ chèo khua lắc ánh sao khuya
Cho những phiên chợ nghèo tháng chạp
Dân xóm nghèo xưa
Bị lùa vô nhà giam Chợ Lách
Vì tội nhận đất Việt Minh giao
Cảm tình Cộng sản
Bác Hai, bác Tư ở tù
Mẹ phải thăm nuôi
Mấy cô lấy chồng còn mang theo nước mắt
Cha rời Bờ Tre
Về Vàm Kinh thuê vạt đất gò
Rồi mua dần, làm công trả góp
Con học trường làng
Ngày tháng tuổi thơ qua
Năm Năm mươi Tám
Cậu Út nhà mình bị lính tổng Bình Hưng
Bắn bị thương, bắt sống
Dân khiêng cậu Út ngang trường
Trong bộ áo bà ba đen
Bê bết bùn sình, máu loang cánh võng
Giờ ra chơi, con lẻn chạy qua nhà làng
Với tay lên hàng rào gai
Gọi to vô trỏng
“Xin mấy ông đừng giết cậu tôi
Cậu tôi không làm Việt cộng”
Một ông lính rằn ri
Nắm lỗ tai con dỡ nhổng
Lôi con quẳng ra ngoài như chú cún con
Trợn mày quát thét:
“Đồ Việt cộng con, chó chết!”
Con thấy cậu Út nhíu mặt, gắng xoay người
Nhìn về phía con
Như cố nói với thằng cháu nhỏ rằng:
Con về đi
Cậu Út nợ con cánh diều
Và hai con dế lửa
Ngày hôm qua – lúc chiều về – cậu hứa
Cô giáo lớp ba A
Chạy tìm con hớt hải
Rồi cô khóc ngọt lành – đưa con vào lớp
Cả lớp ngồi lặng im
Góc trời nghiêng bóng tối
Cây me già lim dim
Lá rơi thành giọt lệ
(Ngày hòa bình – 15 năm sau,
Con về thăm cô giáo
Cô giáo làng nay thành người đảng viên già
Nhắc chuyện ngày xưa
Cô giáo bảo:
Bức thư con gởi về
Cô vẫn cất trong rương)
Thấy nhớ quá ngày thơ mẹ nhỉ
Từ bận đó…
Con muốn thành hiệp sĩ
Dọc ngang nào biết trên đầu…
Như người trong truyện hồi xưa
Ở Vàm Kinh cha lật đất, bạt gò
Đào mương lên liếp
Trồng bắp, dưa, rau cải mấy mùa
Mẹ chắt chiu từng đồng trả cho chủ đất
Như nô lệ trả tiền để mua lấy tự do
Những mùa ổi, mùa chanh
Gió nồm, gió bấc
Cũng qua dần cái thuở hàn vi cơ cực
Sớm chiều
TRÚC PHƯƠNG
(Còn tiếp)