Truyện ngắn Đào Phạm Thùy Trang: Em rể

Tôi sang nhà em rể khi trời đã chạng vạng, là để đem cho em gái mớ chân gà hấp hành. Gì chứ bà bầu thèm thì bá đạo lắm, kiểu thèm mà không được ăn liền thì nó sẽ bứt rứt khó ngủ, thậm chí “quậy” suốt đêm cho chồng mệt phờ luôn.

Cổng rào không to lắm, em rể còn đeo mặt nạ trên mặt bởi những mũi hàn còn dang dở. Tia sáng từ ảnh lửa hai ngàn độ lóe lên từng chập, lấp lánh như sao sa nụ cười của người đàn ông sắp làm cha.

– Tư…Tư… chị treo bọc chân gà đây, tí em đem vô cho vợ nha! Tối rồi, tao về, không vô chơi đâu!

– Dạ cảm ơn chị! Để em đem vô.

– Mà tối rồi sao không nghỉ ngơi, ngày đi làm hồ, tối về hàn cửa sắt, làm giàu vậy ai giàu cho lại mày? Tôi nói để giấu nỗi lòng đang dâng cao xúc động vì hình ảnh người cô giáo đang cần mẫn luyện tập cho cô học trò khuyết tật kia

– Dà…

Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang ở Tây Ninh

Em rể tôi là một cậu chàng dễ thương. Mãi 32 tuổi mới lấy vợ, cô dâu là em tôi cũng 30 chứ ít ỏi gì. Nhưng cuộc đời của em gái tôi bằng phẳng trong sự cưng chiều và no đủ của gia đình trung nông và là gái út nên không phải lo lắng gì nhiều.

Tư thì khác, em có một gia đình không hoàn hảo. Mà không hoàn hảo bình thường thì cũng đỡ, này  không hoàn hảo rất dị thường nên ba chị em mà hai đứa mang họ cha, một đứa theo họ mẹ.

Ấy là khi ba mẹ Tư hạnh phúc bên nhau và sinh được hai cô con gái thì ông chê vợ “không biết đẻ con trai”, thế là ông bỏ vợ ra đi tìm người “biết đẻ con trai”. Mô típ này quá quen thuộc của thói đời hơn 30 năm về trước, nên người phụ nữ phải cắn răng nín nhịn, huống chi bên ngoại Tư nghèo quá, mẹ Tư có đưa các con về cũng không có nơi trú ngụ nữa là.

Ba của Tư bạc bẽo với vợ con, nhưng ông nội của em lại là người rất biết điều biết chuyện. Ông khuyên con dâu ráng nín nhịn, nhà ba đây bây cứ ở, ít nhất là có nơi trú thân an toàn cho mẹ con bây. Ruộng nhà cứ cấy lúa mà ăn, trồng hoa màu thì bỏ tiền túi mà cất. Tao sẽ đi tìm “thằng mất dạy” đó về.

Ông nội Tư có đi tìm con trai thật, nhưng bóng người như bóng chim. Huống chi người vợ sau của ông, tức là “mẹ chồng ghẻ” của mẹ Tư lại không yêu quý con dâu. Bà bảo mẹ của Tư rằng “chồng đã ra khỏi nhà thì cô không lý do nào ở lại đây. Nhà tui giờ một người đàn ông mà có hai người đàn bà kì lắm. Thiên hạ họ sẽ nói ra nói vào”

Để giữ yên ấm cho gia đình cha chồng, mẹ Tư phải dắt hai con gái ra đi. May mắn có người chị em họ cho ở đỡ trong một căn chòi của bà trong tận xứ ruộng Phước Minh.

Hàng ngày mẹ Tư đi hái khổ qua thuê, lặt đậu mướn, trỉa bắp, giãy cỏ….Mùa nào việc đó để có miếng cơm nuôi hai con. Hai cô bé lên mười lên tám mà đã biết mò cua, bắt ốc hái kèo nèo, rau ngổ cho bữa ăn thêm sinh động

Rồi một đêm mưa gió, người đàn ông bà bà từng gọi là chồng đã mò về căn chòi đó. Ông năn nĩ xin tha thứ, hứa hẹn sẽ trở về cùng vợ nuôi con. Chẳng qua tại nhà mình nghèo quá, ông nhất thời muốn kiếm đứa con trai nên phải ra đi. Năm năm qua, bao nhiêu tài sản mang theo đều tiêu tán mà chẳng cô bồ nào chịu đẻ cho ông đứa con trai ‘làm thuốc đẹn”.

Mẹ Tư chống cự không xong, nhà giữa ruộng có ai can ngăn mà kêu la. Phần vì để hai đứa con gái nhỏ không giật mình mất giấc nên đành chấp nhận. Vậy  mà sau đêm ấy, ông ta…vẫn ra đi.

9 tháng sau bà sinh ra một cậu con trai, đặt tên là Bé Tư.

Phiền là bà không biết chồng ở đâu để liên lạc. Cha mẹ chồng thì nhất quyết không thừa nhận đứa cháu này là máu mủ nhà của họ. Bởi mẹ Tư đã rời xa nhà chồng hơn một năm rồi

Tư được khai sinh theo họ mẹ.

Rồi cũng lớn lên như bao đứa trẻ miệt đồng, đầu chang chang nắng tóc vàng hoe, chân không dép. Quần áo thì ai cho gì mặc nấy, trẻ em mà, quần xanh áo đỏ hoặc ánh xanh quần đỏ cũng có sao, miễn ấm thân.

Vậy nên Tư đã sớm quen việc cực khổ từ giăng câu, tát cá đến trèo cây hái me, hái dừa thuê cho người ta. 3tuổi Tư đã biết theo các anh hàng xóm lên núi Bà đội chuối thuê cho chủ vườn. “Chị không biết đâu, hai quày chuối treo trước ngực, đi mà như muốn té xấp mặt vậy. Nhưng cứ nghĩ mấy chục ngàn nhận được là mua gạo mua mắm phụ mẹ thì phải ráng làm thôi”.

Thời đểm cách đây hơn 30 năm ấy, muốn ly hôn cũng khó khăn vì tiếng xóm làng đã gọi quen miệng “vợ thằng A”, “vợ thằng B” rồi.

Ba của Tư vẫn đi biền biệt, bốn mẹ con sống bên nhau cho đến khi mẹ Tư đủ tiền mua đất để cất nhà riêng. Người chị em họ còn cho thêm mớ vật dụng gia đình để ngôi nhà nhỏ ấm áp.

Căn nhà ấy được cất lên gần chợ, dạo năm 2000 thì giá đất cũng rẻ thôi. Mẹ Tư mua bán mớ tạp hóa, hai con gái học may “thí công” một tiệm may gần nhà. Chỉ còn Tư là được đi học. Cuộc sống bốn mẹ con tưởng chừng an vui rồi, chẳng còn lo gì nữa. Người tạo ra Tư thì chưa một lần trở lại, dù đứa con tượng hình trong đêm mưa gió ấy nay đã học hết lớp 4.

Vài người đàn ông tới làm quen với mẹ Tư, dù sau bà cũng chưa bốn mươi, hãy còn xuân sắc lắm. Nhưng bà ngại tiếng đời nên một mình cứ ôm ba đứa con mà bươn chảy. Ông trời khéo trêu đời nên Tư giống ba từ khóe mắt, nụ cười. Ông nội Tư cũng lặn lội từ xã này qua xã khác để nhìn cháu. Quả thật, Tư rất giống cha. Hộp sữa, túi bánh thi thoảng được đưa tới, mẹ Tư không nhận, ông tìm cách đến trường tiểu học đưa cho cháu.

Rồi một ngày sau buổi đóng cửa nhà đi lấy hàng trên chợ huyện về thì mẹ Tư chết sững bởi cái dáng đàn ông quen thuộc đã ngồi trên ngạch cửa nhà mình. Khốn nạn là ông ta đang bày mâm nhậu, hai người đàn ông khác từ nhà sau đi lên. Ông ta cười hềnh hệch như chưa từng xãy ra chuyện gì “Em đi lấy hàng về rồi à, ngồi xuống uống với tụi anh một ly mừng vợ chồng mình sum họp coi!”

Trời ơi…ba của bé Tư đã trở về! Thòi đời bạc bẽo, khi người ta cùng cực thì anh bỏ đi, lúc người ta an yên anh lại quay về. Mà hơn chục năm tình đã cũ rích mốc meo hết rồi, về làm chi vậy hả trời?

Mẹ Tư quày quả bước ra đường, lập cập lấy điện thoại gọi hai con gái về. Cô gái lớn đã 17 nên hiểu chuyện khá nhiều. Cô tới ủy ban xã mời công an tới “cứu”.

Bữa nhậu đó được dẹp ngay tức khắc, bởi người đàn ông đang đòi làm chủ nhà kia không trưng được giấy tờ nào chứng tỏ là thành viên gia đình này. Xóm chợ bu xem như ong vỡ tổ, ai cũng chắt lưỡi hít hà thương đời mẹ Tư đa truân.

Ông ta ra đi sau lời hăm dọa “Sẽ bắt cóc thằng bé Tư cho bà bán nhà đi tìm cũng không được”. Điều đó làm trái tim người mẹ lo sợ. Bà dặn con trai hết giờ học cứ ngồi trong lớp chờ mẹ đến đón, xin cô giáo đừng giao bé cho ai ngoài mẹ. Vì chỉ cần ông bắc cóc Tư thôi, dù là bắt “hù’ cũng khiến lòng người mẹ tan nát mà chạy đôn chạy đáo tìm con

Rồi tất cả cũng đi qua. Ông nội Tư xin lỗi cô con dâu vì “không dạy được con trai. Nó có chân nó đi, ba đã ngoài bảy mươi cũng không làm sao ngăn cản”. Một già, một trung niên chỉ biết lau nước mắt nhìn nhau, mẹ Tư than đời mình vô phước, ông nội Tư than đời ông bạc phần. Ông không phiền trách gì mẹ con Tư hết, chỉ xin con dâu, nếu ông chết, hãy cho chị em Tư về đội tang, để người chết ngậm cười vì có mớ dây rơm mũ bạc đang xì xụp lạy.

Ông nội chết, chị em Tư về “bà nội ghẻ” giờ nằm liệt một chỗ cũng không thể nào xua đuổi được. Mẹ Tư lau nước mắt nhìn di ảnh người quá cố, thương xót cho ông đến phút lâm chung mà con trai ông cũng không có mặt. Vậy là đám tang chỉ có cháu nội quỳ bái lễ.

Mẹ con Tư ăn nên làm ra dần, hai chị gái lấy chồng gần nhà, xem như mẹ con vẫn xúm xít qua lại. Chỉ có Tư là “cao số”, quen mấy mối tình nhưng chả nên duyên dù cái nghề thợ hồ của em đã giúp em thành “thầu” từ mấy năm nay.

– Có lẽ người ta nhìn gia cảnh em người ta sợ chị ạ! “Cha nào con nấy”, ai cũng nói như vậy hết. Hay duyên chưa tới, em cũng không biết nữa. Nhưng em thề, mẹ con em đã khốn khổ bao nhiêu khi không có người chồng người cha bên cạnh, thì chả bao giờ em làm khổ vợ con em!

Ấy là khi Tư lãnh làm nhà của tôi, mấy khi trà nước chị em tâm sự vậy.

Tôi thương Tư tính chân thật siêng năng. Làm hết việc chứ không phải hết giờ. Có khi còn cẩn thận hơn cả chủ nhà. Ấy là mấy lúc đổ đà, rồi đêm đó trời bỗng chuyển mưa, Tư nhắn tin nhờ tôi đậy điệm mấy cây đà vừa đổ “Hay là em qua đậy cho chị khỏi leo trèo”. Ôi trời ơi….mười một giờ đêm rồi, ai lại để ông thợ hồ vượt 20km như vậy.

Em gái tôi là thợ may của một tiệm chuyên âu phục trên chợ thị trấn. Sáng đi sớm, chiều về muộn nên chẳng để ý nhà chị mình xây dựng ra sao, thầy thợ mấy ông.

Rồi hôm tân gia, tôi quyết “ghép đôi” hai đứa bằng cách vô tình sắp xếp họ ngồi cạnh nhau. Vậy là quen biết rồi bốn tháng sau là cưới.

Dịch bệnh ập đến, công việc của em rể không còn như lúc trước. Bởi đơn giản, công việc làm ăn khó khăn, thì việc cất nhà, sửa chữa có quan trọng gì nữa. Ai cũng lo cho cái ăn cái mặc hàng ngày mới là quan trọng.

Nên dạo này Tư chưa lãnh được công trình lớn, cứ lẻ tẻ sửa nhà, tráng sân, lợp lại mái tôn, kéo lưới rào B40…Ai cần gì Tư nhận nấy. Ban đêm còn hàn gia công những cửa rào, giá võng, sào phơi quần áo… “Cực một chút nhưng thu nhập cũng khá lắm chị à”

Cha tôi nghe hoàn cảnh con rể, bảo đem qua cho tụi nó mượn vài triệu chi dùng. Gì chứ bầu bì phải có tiền trong nhà chứ lỡ thèm ăn nem công chả phượng gì đó thì lấy tiền đâu mà ăn.

Em rể ngần ngừ ‘Chị cho em gửi  lời cảm ơn cha, nhưng em không nhận tiền của cha được. Em còn trẻ khỏe, còn lo cho vợ con được, cha già rồi”. Những lời khí khái ấy là cha tôi rưng rưng cảm động

Rồi em gái tôi hỏi, chị biết nơi nào bán mỡ trăn không, mỡ thiệt nhen, để xức mấy vết bỏng trên tay, trên mặt của chồng em vì hàn gió đá. Không hiểu sao bị bốn năm ngày nay mà giờ nó khuyết sâu xuống thịt rồi. Em có mua mấy loại thuốc trị bỏng ở nhà thuốc về xức nhưng không hết, người ta bày phải dùng mỡ trăn thiệt.

Cung đường của một nhân viên quảng cáo mặt hàng phân cút sấy khô của tôi hay về các vùng nông thôn xa xôi. Hi vọng nơi nào đó sẽ có nuôi trăn để bán mỡ trăn mà mua giúp em gái cho em rể. Vì cậu chàng này thật là một người đáng quý đáng trọng trong mắt tôi.

ĐÀO PHẠM THÙY TRANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *