Truyện ngắn Ngô Đình Hải: Mùi… cổ tích!

Hẻm nhỏ, lại là hẻm cụt. Nhà cũng nhỏ san sát nhau. Hai nhà đối diện cách nhau cái lối đi chỉ vừa đủ cho hai người qua lọt. Chỗ ăn ở còn thiếu, kiếm đâu ra cái sân với cổng rào! Đứng nhà bên này ngó qua nhà bên kia, thấu từ trước ra sau. Ban ngày còn nhộn nhịp người qua lại. Chiều tối, người ta kéo nhau ra chật cứng, con nít chơi một chỗ, đàn ông tụm nhau lại lai rai, bàn chuyện …thế sự, đàn bà thì ngồi ngay trước cửa tán chuyện gía cả, chợ búa. Người lạ khỏi ra vô mắc công!

Hẻm lâu đời, dân tứ xứ đổ về từ hồi não hồi nào, đeo nhau mà sống, tới rồi ở miết chẳng ai chịu đi. Lâu hai, ba đời thì như nhà thầy Lân. Mới lắm như vợ chồng con Bé Ba cơm tấm cũng có gần hai chục năm!

Ở lâu, tới số nhà mình “sẹt” mấy cũng không ai thèm nhớ. Khách lạ cứ tới đầu hẻm, réo một cái tên, là có người chỉ liền. Tới cách sống cũng gần như nhau.

Đàn ông làm đủ thứ nghề, đàn bà thì đu ra cái chợ chồm hổm, gần khu gò mả mà kiếm ăn. Chợ không có tên, nhưng mua thứ gì cũng có. Người mua, người bán quá biết nhau, bữa nào lỡ kẹt mua thiếu cũng được. Một phần đời của dân trong hẻm gửi ở cái chợ này.

Nhà văn Ngô Đình Hải

Nhà giáo Lân cuối hẻm. Gọi thầy, là trước có đi dạy, sau “giảm biên chế” về bán   sạp vé số, cũng ngay trên chợ, khỏi đi lòng vòng đỡ khổ. Được cái, trong xóm ai cần gì, liên can tới chữ nghĩa, giáo Lân cân tuốt. Viết giùm cái đơn, khai giùm cái lý lịch hay chiều tối, dạy thêm cho mấy đứa nhỏ còn đi học trong xóm, giáo Lân đều làm tới nơi tới chốn. Tất nhiên là…miễn phí! Bù lại, trưa nào tan chợ, giáo Lân cũng có tô bún hay dĩa cơm tấm ế của lối xóm đem cho. “Mồ côi” vợ, sống cu ki một mình, coi như cũng tạm ổn. Sống ngày nào tính ngày đó.

Xóm chợ có cái giờ giấc sống riêng. Tối 8,9 giờ, xóm đã im re, 2,3 giờ sáng mới lục đục lên đèn, những cái bếp lửa bùng sáng. Bún riêu, phở, bún bò, cơm tấm, xôi,… mạnh ai nấy nấu, để kịp mang ra chợ bán.

Giáo Lân cũng không ngoại lệ. Khuya dậy, nấu ấm nước, pha ly cà phê, bắc cái ghế ngồi trước cửa. Ngồi trong cái vũng tối lờ mờ ánh sáng đèn của mấy nhà kế bên. Thoải mái hít thở. Lẫn trong cái mùi đất, mùi sương sớm còn trên cây cỏ là mùi gừng, mùi quế của nhà con Lành đang nấu phở, mùi cay nồng của ớt sa tế cho nồi bún bò của nhà thằng Tý.

Giáo Lân cho qua hết. Lão chờ cái khác! Một thứ nhẹ nhàng hơn, lãng đãng hơn, len lỏi đưa vào mũi. Cái mùi thanh thoát như con gái mười tám. Cái mùi vượt qua hết những thứ tầm thường, luôn ở trên ngôi vị của mình. Cái mùi như những chuyến xe đưa giáo Lân về thời thơ ấu! Cái mùi nối liền cánh đồng lúa ngút ngàn với con diều của giáo Lân trong những lần nghỉ hè thuở nhỏ. Cái mùi không thể lẫn dù ở bất cứ đâu! Mùi nếp mới! Mùi của những hột ngọc nhỏ trắng phau, thơm phức, bốc lên từ cái bếp nấu xôi của bà Bé! Không có thứ mùi nào quyến rũ và gần gũi hơn nó được.

Đợi hít cho no nê cái mùi thanh bạch đó, cho tới khi nó không còn miếng nào trong không khí nữa. Giáo Lân mới dám đốt điếu thuốc và thưởng thức ly cà phê nguội ngắt của mình, trong cái tiếc rẻ, như người vừa tỉnh giấc sau cơn mộng đẹp, hay vừa để trôi tuột khỏi tay một phần đời của mình…

Bà Bé bán xôi trên chợ, ở cách đó mấy căn. Hai đứa con gái lớn thì đi may ở Khu Công Nghiệp, cuối tuần mới về. Mình bà loay hoay với nếp với đậu. Chỉ có hai thứ xôi duy nhứt. Xôi đậu xanh, đậu phộng, ăn với muối mè, đường cát.

Xôi nấu xong, bới ra hai thúng, hai đầu gánh. Gói xôi đầu tiên nóng hổi, bà gói cẩn thận, đem qua cho giáo Lân trước, rồi mới kẻo kẹt gánh lên chợ. Xôi ăn ghi sổ, năm bữa nửa tháng trả một lần. Giáo Lân lo nhớ tiền nợ, còn bà Bé nhớ gói xôi. Hai thứ xôi thay đổi, mỗi ngày một gói khác nhau. Vậy mà giáo Lân ăn ghiền, ăn không biết ngán…

Cái gì lặp đi lặp lại nhiều lần tất sẽ thành thói quen. Nghèo khổ cũng là một thứ thói quen của xóm chợ. Người ta chấp nhận tự quên đi nhiều thứ, để bằng lòng với cái trước mắt.

Đã nói là dân tứ xứ mà. Trung,Nam,Bắc có đủ. Đạo gì cũng được, thờ cúng ai cũng có khác gì nhau đâu! Đàn ông chỉ cầu mong cho có đủ sức để ra đường kiếm ăn, đàn bà cầu từng buổi chợ đông để ngày mai còn mua bán tiếp.

Rốt cuộc, nghèo thì đã nghèo rồi, cực cũng đã cực rồi. Dân trong hẻm chỉ cầu cứ như vậy hoài là được.

Dịch cả tháng nay, mỗi ngày mỗi lan rộng. Ngó đâu cũng thấy người bịnh. Người lớn đi về lặng lẽ. Trẻ con lẩn quẩn trong nhà. Hẻm vắng hơn và tiếng cười thưa hơn. Gánh xôi bấp bênh. Gánh chè chao đảo. Ế thì đem về cả nhà ăn thay cơm, mai lại nấu lại bán. Chợ còn đó, lo gì đói! Lo âu và sợ hãi là những thứ xa xỉ, rảnh đâu mà quan tâm tới nó.

Cho tới bữa có lịnh sáng mai đóng cửa chợ vì có người bị covid. Chiều lại, chợ rào kín bưng. Con hẻm tối nay sáng đèn hơn, thứ ánh sáng nặng nề trùm lên mọi thứ. Y tế mới xuống xét nghiệm, dặn không ra đường, chờ kết quả. Chưa ai chịu đi ngủ, mà mai có cần dậy sớm đâu? Người ngồi trước nhà, miệng che khẩu trang thì thầm bàn tán. Những tiên đoán vẫn vơ và cái nghi hoặc cứ đeo đẳng, lớn dần cho tới khuya.

Đêm yên ắng, cái yên ắng không bình thường trước lúc giông tố. Giáo Lân nằm mãi không ngủ được. Lão chờ, không biết chờ gì. Lâu lâu, có tiếng còi xe cứu thương ngoài đường vọng lại. Ngày mai chắc sẽ là một ngày dài lắm đây. Chợ nghỉ, dậy sớm làm gì? Nhà thằng Tý, con Lành, bà Bé dậy sớm làm gì? Không có xôi thì chiên cơm nguội ăn. Nhiêu đó mà thắc mắc, băn khoăn hoài, lạ thiệt chứ! Cứ vậy mà nó hành giáo Lân gần trắng đêm. Cho tới khi mũi lão như chợt nở ra, mắt lão như sáng lên. Lão nằm ngửa hít đầy lồng ngực lép kẹp, cái mùi thơm quen thuộc đang len qua khe cửa, chui tọt vào trong mùng. Cái mùi mơ hồ như những câu chuyện cổ tích lão nghe hồi nhỏ. Những mụ phù thuỷ, công chúa, hoàng tử theo cái mùi xưa cũ và quyến rủ đó, làm giáo Lân thiếp đi…

Có tiếng kêu cửa. Giáo Lân bật dậy. Bà Bé tay cầm dĩa xôi còn bốc khói:

– Bữa nay không có bán! Còn ít nếp với đậu tôi nấu cho hết. Thầy Hai ăn đi, xôi mới nấu xong còn nóng, không có bịnh đâu…

Giáo Lân thở ra. Người ta giăng dây kín con hẻm từ hồi nào:

– Cám ơn bà. Bịnh tật có ai muốn đâu. Sống chết có số. Trời kêu ai nấy dạ…

Tờ mờ sáng, đã có bóng những chiếc áo xanh, áo trắng ngoài đầu hẻm. Giáo Lân kéo ghế ngồi ngó ra ngoài, bốc tay từng miếng xôi đưa lên miệng nhai thật chậm, như nhai từng ngày tháng trong đời mình. Buồn với vui, nếp với đậu, ngọt ngào như nhau.

Ngoài hẻm, y tế đang gọi từng người, sắp xếp đồ đạc đi cách ly. Có tên con Lành, bà Bé và hình như có cả tên lão.

Giáo Lân vẫn bốc xôi, vẫn nhai đều đều. Lão già rồi, vội vàng gì. Bất quá lão thấy mình như cây me già, vỏ bong tróc xù xì vì mưa nắng trước hẻm. Nó ở đó lâu quá rồi, giờ bứng mang đi nơi khác, đã chắc gì sống nổi!

Ngày mai, ngày mốt hay những ngày còn lại, biết đâu…Ừ! Biết đâu cái mùi đã dắt lão đi qua biết bao nhiêu muộn phiền không còn nữa. Sẽ không theo tìm lão nữa, mà trôi dần, trôi dần vào cái dòng sông xưa cũ. Dòng sông của một miền quê yên lành, của tuổi thơ với những cánh diều lơ lửng. Dòng sông mang cái mùi…Cổ tích. Và một chuyến về quê…trong mơ!

15.7.2021

NGÔ ĐÌNH HẢI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *