Truyện ngắn Nguyễn Thu Hà: Con rơi

Hận ngồi phệt xuống góc hành lang bệnh viện. Sau khi rút ống máu to cỡ chuôi liềm cô y tá vừa bơm máu cô vào dãy ống nghiệm vừa bảo:

– Chị ra ngoài ngồi chút cho đỡ choáng. Nhớ bảo người nhà pha cho ly sữa uống ngay và ăn bát phở nóng để hồi sức nhé! Giờ sức khoẻ chị còn cần chú ý hơn cả ông cụ đấy!

Cô choáng thật. Cứ nghĩ, với sức khoẻ gái làng quen đồng áng như cô, lại chẳng sinh nở bao giờ thì cơ thể lực điền của cô chẳng coi mấy cái xét nghiệm ấy ra gì. Từ hôm qua, cô đã chẳng ăn uống gì để làm các xét nghiệm, cộng thêm cả tuần lễ mất ngủ và suy nghĩ lẫn sốc về người cha từ trên trời rơi xuống, cô bải hoải cả thể xác lẫn tinh thần. Trong cô, mọi suy nghĩ và quyết định cứ rối rắm, mâu thuẫn đến cực điểm. Cô chỉ muốn xoá sạch tất cả mọi kí ức lẫn những mong mỏi về nguồn gốc của mình. Giờ thì cô thấm, tại sao mẹ từng buồn rầu bảo cô là cha cô đã chết từ khi cô còn trong bụng mẹ.

Nhà văn Nguyễn Thu Hà

Hận vịn tường đứng dậy. Cô thấy toàn thân mình lạnh, nhất là phần trán và gáy có cảm giác hơi tê cứng. Cô biết mình có thể ngất nếu không ăn uống vì quá đói. Cô đi về hướng căn tin bệnh viện, phía cuối dãy phòng xét nghiệm. Trên băng ghế chờ lấy kết quả, hai người đàn bà mặc váy sang trọng đang ngồi vắt chéo giò với đôi vai vươn ra cứng đờ, khuôn mặt lạnh lùng sang trọng. Họ như những bức tượng sáp đúc ra bởi những cái khuôn na ná nhau. Da họ đều trắng bệch, móng tay và chân sơn vẽ cẩn thận, nước hoa và trang sức thật đắt tiền. Nom họ giống các nhân vật quý bà từ trên phim bước ra vậy. Cả đời cô, cô chưa từng gặp người phụ nữ nào sang trọng, quý phái và thơm tho như họ. Họ cũng rất kiệm lời, ánh mắt sắc lạnh và vô cảm khiến người nghe thấy ớn lạnh sờ sợ dù lời nói của họ nhỏ nhẹ. Cô cứ nghĩ, cùng chung dòng máu, ít ra giữa cô và họ cũng phải có chút gần gũi, không thể như chị em ruột thịt nhà khác thì họ cũng thương hại cô khi cô quê mùa thiệt thòi khác xa họ một trời một vực như thế này.

Ngày còn bé, con bé Hận thường được mọi người gọi là Hạnh, khác với tên trên giấy khai sinh mà mẹ nó cất kĩ nơi góc tủ. Nhà Hận neo người, khi Hận ra đời thì chỉ có bà ngoại, mẹ và Hận ở trong căn nhà ngói cũ cuối xóm. Con bé với đôi mắt to sáng, cái trán hơi dô thông minh và cái miệng lém lỉnh luôn đeo sát mẹ như hình với bóng từ ruộng về vườn, lên chợ huyện bán những thứ bòn mót từ mảnh đất quê với hàng ngàn câu hỏi luôn miệng. Mẹ Hận đẹp gái lắm. Mẹ cao ráo, trắng trẻo, khuôn mặt sáng rờ rỡ khác hẳn với những phụ nữ khác nên Hận luôn lừ mắt cảnh giác đám đàn ông cứ xáp vào tán tỉnh mẹ. Nom mẹ trẻ trung, nhưng khi đứa trẻ kháu khỉnh đeo chặt luôn miệng mẹ ơi là họ từ từ lảng ra. Đôi khi cũng có người lì lợm, đùa rằng gọi chú là bố đi thì mẹ nó nghiêm mặt hoặc vài lời nhẹ nhàng là họ đành tiu nghỉu rút lui dần.

Hận khôn lanh từ nhỏ. Con bé lí lắc biết líu lo xua đi không khí ảm đạm trong gian nhà rộng thiếu vắng bóng dáng đàn ông mỗi khi bà ngoại thở dài thườn thượt. Nó quen với cảnh hai người đàn bà một già một trẻ đối thoại nhát gừng mà khóc cùng nhau dài hơn nói. Bà ngoại chiều nào cũng đốt nhang trẻn ban thờ ông ngoại, lầm bầm kể cho ông ngoại nó về mọi việc trong nhà như ông ngoại trong bức hình là người sống vậy. Qua những lời rủ rỉ của bà, nó hình dung ông bà thật hạnh phúc. Và qua những lời tiếc nuối giá như của bà, nó cảm nhận ông từng là chỗ dựa lớn thế nào với bà và mẹ nó. Có lần, nó trốn ra đụn rơm bên hông nhà ngồi khóc khi nghe được tâm sự của bà với ông về mẹ nó. Lần đầu tiên trong đời, nó biết đến cảm giác đau nhói nơi ngực trái khi trí não non nớt biết nghĩa của từ chửa hoang là thế nào…

Hận chưa từng hỏi bà hay mẹ về cha. Sự thông minh cho nó đủ nhạy cảm để tự chắt lấy những thông tin về nguồn gốc của mình gắn với nỗi buồn trong mắt bà và sự lặng lẽ mòn mỏi của mẹ. Ngôi nhà ba thế hệ đàn bà lẻ bóng nằm biệt lập cuối xóm, sát với triền sông vắng và cánh đồng ngút mắt yên ả bọc lấy tuổi thơ ngập tràn tình yêu thương của bà và mẹ cho Hận. Thi thoảng, có những người quen trong xóm sang nhà Hận vào những dịp mùa vụ hoặc bà ngoại sang xóm dự giỗ chạp, cưới hỏi thì những mẩu đối thoại rời rạc như những mảnh ghép cho Hận dần tỏ nguồn gốc của mình.

Lên năm, Hận biết cha gặp mẹ trong lần về chỉ đạo xây cây cầu qua khúc sông nối con đường cạnh UBND xã lên gần chợ huyện. Chính là cây cầu mẹ nó thồ mớ sản vật bòn vườn trong hai cái sọt lưới mắt cáo và nó ngồi vắt vẻo trên thanh ngang sau lưng mẹ cổ vũ khi mẹ gồng người đạp lên dốc và hò reo khi mẹ ngưng đạp cười to cùng nó để xe đạp tự thả dốc. Lên năm, Hận chưa hiểu hết nghĩa lời thì thầm sau lưng mẹ về chửa hoang, con rơi, sở khanh nhưng đủ khôn để vờ ngây ngốc không bao giờ tò mò về hoàn cảnh đặc biệt của gia đình.

Hận đi học muộn một năm so với chúng bạn. Lý do mẹ bảo để Hận lớn hơn, khoẻ hơn một chút mới đến trường vì Hận nom gày gò bé nhỏ hơn bạn đồng lứa. Sau này khi lên bảy, Hận núp dưới cửa sổ lớp nghe cô giáo họp với mẹ thì nó hiểu lí do mẹ chần chừ vì không muốn nộp cái giấy khai sinh trống khuyết tên cha. Suốt hơn ba năm, mẹ lặn lội về Hà Nội tìm người đàn ông ấy nhưng không thể gặp. Trong những giấc ngủ thơ trẻ, thi thoảng nó giật mình tỉnh vì nước mắt mẹ nhỏ trên má giữa đêm. Hận chưa đủ trí khôn để hiểu mẹ đau đến đâu, nhưng thừa gan lì chịu đau và giấu những vết thương đánh nhau với đám bạn cùng trường vì chúng giễu cợt mẹ chửa hoang đẻ ra Hận. Cha mẹ chúng cũng cấm chúng chơi chung với Hận và xì xầm kì thị mỗi khi đi họp phụ huynh cho con. Hận không biết an ủi mẹ thế nào khi thấy mẹ buồn rũ và tỏ ra tin lời mẹ rằng cha không may bị tai nạn chết khi bé Hận chưa ra đời.

Lên chín, Hận cao to nhất lớp. Nó thề trong lòng sẽ trả thù cho mẹ và bản thân bằng cách học giỏi nhất, đánh nhau khoẻ nhất để trong trường học, không ai dám điều tiếng gì về nó. Đi học về, Hận biết phụ giúp bà và mẹ tất cả mọi việc. Nó vui vì mẹ đã không còn khóc và bà rủ rỉ bên mẹ khuyên mẹ lấy chồng. Nhiều đám tốt đánh tiếng xin cưới mẹ, nhưng mẹ nó chỉ cười gạt đi. Mẹ bảo, Hận đã mất cha thì không thể mất thêm mẹ.

Nhưng bất hạnh đeo bám nhà Hận như lời nguyền lên nhan sắc của mẹ con Hận. Năm Hận vào học lớp mười trường huyện, niềm vui của bà và mẹ về bé Hận học giỏi và xinh đẹp nhất trường chưa kịp vỡ oà thành hạnh phúc mong đợi thì bất hạnh khủng khiếp ập xuống. Một chiếc ô tô biển xanh lao vào mẹ trên những mét dốc cầu cuối cùng trong hơi men hể hả sau bữa tiệc nào đó. Mẹ nằm đó, trên đường bên cạnh cây cầu với đôi mắt mở lớn nhìn lên bầu trời cao xanh. Đôi mắt đẹp của mẹ như dấu hỏi với cái đuôi là hai giọt nước rỉ chậm lên đám tóc mai đen nhánh thơm mùi hương bưởi mẹ gội trước khi đi thăm Hận. Cái xe đạp cũ chỏng chơ gãy gục, đám trứng gà bể nát và mớ trái cây vườn tung toé xung quanh. Hận không thể khóc hay nói được  còn bà quỵ hẳn một thời gian dài sau đó.

Cuộc đời đóng lại với Hận sau cái chết của mẹ. Hận bỏ học về chăm sóc bà. Mười sáu tuổi, Hận thay mẹ âm thầm làm nhưngx việc trước đây mẹ làm để nuôi sống bàn thân và bà ngoại nằm liệt sau cái chết của con gái. Bà ngoại kiên cường bên Hận được hai năm nữa thì ra đi theo ông ngoại và mẹ Hận. Trước khi đi, bà nắm tay Hận dặn hãy đi tìm cha. Tay bà run run chỉ vào cánh tủ luôn khoá kín. Bà thở hắt hơi cuối cùng trong tay Hận. Hai giọt nước mắt thương đứa cháu bạc phước giờ trơ trọi mồ côi không biết số phận sẽ về đâu nguội dần …

Hận ấp tay vào ly sữa ông Thọ pha nước sôi cô phục vụ vừa mang đến. Cô gần như quỵ xuống chiếc ghế bên góc bàn cạnh cửa ra vào căn tin thì có vài bàn tay dìu đỡ cô ngồi xuống. Dòng hồi ức về cuộc đời hơn bốn mươi năm của cô bị cắt ngang bởi cơn choáng ngất lần đàu tiên cô trải nghiệm. Sự hỗn loạn trong cô mang những cạnh sắc của nỗi đau mồ côi giờ thêm sự nhức nhối của thù hận, khinh miệt và sợ hãi lẫn lộn. Hận chợt cười chua chát khi cảm giác yếu ớt, cô đơn, bất lực bây giờ y hệt cái ngày hơn 25 năm trước cô từng trải qua cũng ở giữa Thủ Đô này. Có chăng, giờ đây cô không còn sợ hãi và uất hận đến mức muốn chết như ngày đó.

Từng hớp sữa nóng ngọt qua cổ giúp Hận ấm lên và bớt choáng. Nhìn cô bé phục vụ căn tin má hồng rực đang bưng tô cháo đến bàn, Hận thấy mang ơn những người xa lạ. Cái căn tin nhỏ phía góc bệnh viện này có lẽ cả nhân viên và người nhà bệnh nhân đã quá quen với những người xanh mét choáng váng như cô nên họ phản xạ giúp đỡ, mang đồ ăn uống ra khi chưa cần phải yêu cầu. Phải rồi, những ca ghép tạng và cho tạng thì đều có mẫu chung về sự đau đớn, tuyệt vọng, hy vọng và đầy nỗi niềm đàng sau như nhau cả thôi. Hận lại nhếch mép cười. Chỉ có Hận là khác họ. Hận không được một bàn tay người thân nào dìu đỡ, một ánh mắt nào quan tâm và Hận cũng không mang tinh thần hy sinh giúp đỡ nào khi quyết định hiến tạng mình cho người đàn ông đó. Hận chỉ muốn đáp trả sự khinh bỉ, ghẻ lạnh, vô cảm dưới lớp vỏ thanh cao quyền quý kia bằng tận cùng xương thịt mình. Giá có rút hết máu ra để không mang chung dòng máu với họ thì Hận sẽ làm ngay.

Những giọt nước mắt không thể tự chủ được rơi xuống tô cháo. Hận xúc từng muỗng lớn nuốt xuống cho trôi đi cơn nghẹn nơi cổ họng. Kí ức của hai mươi lăm năm trước rõ mồn một như mới hôm qua.

Hận đã quyết định đi tìm bố sau khi trải qua nhiều cơn ác mộng giữa ngôi nhà khuất nẻo, quạnh vắng. Ngăn tủ bà ngoại khoá kín được mở ra vỏn vẹn một khoản tiền nhò, vài chiếc nhẫn vàng y ngoại dành dụm tiết kiệm và cuốn sổ bìa cứng giấy đã ố vàng. Hận run run đọc từng trang nhật kí của mẹ. Con bé Hận đã thức bao đêm để khóc vì thương mẹ, thương ngoại và ngắm bức hình mẹ còn trẻ măng bên cạnh người đàn ông ấy. Họ đẹp và trông vô cùng hạnh phúc bên cạnh nhau.

Những trang nhật kí của mẹ đầy vui vẻ, hạnh phúc rồi lo lắng bất an và cuối cùng là tuyệt vọng về mối tình với ông ta còn in hằn trong trí nhớ của Hận. Trang cuối cùng, mẹ viết về ngày tìm thấy gia đình ông ta, về cuộc nói chuyện với vợ ông ta và những lời đe doạ sẽ bắt đứa con rơi của chồng về nuôi của người đàn bà đầy quyền lực. Mẹ viết, người đàn bà ấy bảo mẹ và Hận chỉ là cỏ rác đối với gia đình họ và nếu không muốn mất con, hãy im lặng mà sống như cỏ rác bên đường. Bà ta không quan tâm chồng mình gặp bao nhiêu thứ cỏ rác ấy trước đây và sau này, nhưng nếu tìm gặp hay làm phiền đến thanh danh gia đình quyền thế của bà ta, chắc chắn mẹ sẽ phải ôm hận.

Mẹ viết, mẹ không gặp được người đàn ông ấy sau rất nhiều lần cố gắng nhưng lại thấy ông ấy đứng trên ban công ngôi nhà bề thế nhìn theo lúc mẹ gạt nước mắt ra về..

Từ ngày đọc những dòng nhật kí ấy, Hận đã tự gọi mình là Hận đúng như cái tên mẹ đặt trên giấy khai sinh mặc mọi người vẫn gọi mình là Hạnh. Hận hiểu, cái tên mẹ đặt để mẹ tự chặt đứt đi nỗi đau trong tim mẹ. Và có lẽ, mẹ muốn Hận cũng chặt đứt đi những nỗi đau mang theo dòng máu trong người…

Nhưng rồi, những điều Hận nghe được sau khi bà ngoại mất từ những người hàng xóm sang bầu bạn với con bé côi cút làm lung lay ý chí và khơi sự tò mò trong Hận. Họ bảo, mẹ cô và người đàn ông ấy yêu nhau tha thiết lắm. Cả gần hai năm trời từ khi cây cầu là bản vẽ đến khi con đường lên huyện được khai mở thay cho những chuyến đò ngang, anh kĩ sư ấy luôn quấn quýt bên cô hoa khôi của huyện. Họ bảo, cả xóm đã nghe lời hẹn ước của anh kĩ sư công trình về một đám cưới sau ngày khánh thành cây cầu hàng ngàn người đợi mong. Rồi chẳng ai hiểu, người con trai tài giỏi phong độ ấy vì sao không trở lại khi cái bào thai kết tinh tình yêu đẹp như thế lớn dần lên theo từng chiều ngóng đợi của mẹ cô. Tất cả với mẹ cô chỉ còn lại là những cánh thư thưa dần. Sự mòn mỏi đợi mong kết thúc bẽ bàng sau đó gần bảy năm. Bảy năm mòn mỏi để mẹ cô tìm ra nhà người yêu giờ là nhà con gái rượu một ông thứ trưởng và chàng kĩ sư không còn xây cầu nữa. Giờ đây, bên người vợ đẹp gốc Hà Nội ba đời, chàng thành sếp của những kĩ sư và những cây cầu lướt dưới chữ kí chỉ còn là các bản vẽ…

18 tuổi, hai bím tóc buộc nơ tím y hình mẹ chụp bên ông ta năm nào, Hận đứng dưới gốc hoàng lan nhìn vào khoảng sân ngôi biệt thự. Hận đứng nhìn người đàn ông trong bức hình của mẹ giờ ở độ tuổi ngoài bốn mươi vừa âu yếm ôm eo người đàn bà quý phái lạnh lùng đỡ lên chiếc ô tô đắt tiền vừa pha trò vui vẻ cùng hai đứa con gái sàn sàn tuổi Hận và cậu con trai nhỏ. Chiếc xe khựng lại khi người đàn ông nhìn thấy Hận bên cạnh cổng. Mặt ông ta tái đi, đôi mắt trân trối nhìn Hận rồi nhìn lảng đi chỗ khác. Người đàn bà quý phái lạnh lùng mở cửa xe bước xuống, đi đến trước mặt Hận đưa mắt quét dọc từ đầu đến chân rồi mở ví, móc ra một xấp tiền. Giọng bà ta nhỏ nhẹ, mang âm hưởng Hà Nội nhưng sắc lạnh:

– Cầm lấy và đừng tìm đến đây nữa! Nơi này không phải chỗ của đám ăn mày nhà quê đâu. Đúng là mẹ nào con đấy!

Bà ta quay ngoắt bước lên chiếc xe sang trọng, ngồi vào cạnh người chồng đang nắm chặt vô lăng với khuôn mặt nhìn nghiêng đẹp như tượng tạc. Khuôn mặt đó rắn đanh nhìn thẳng phía trước không hề liếc về phía Hận. Những đứa trẻ của họ nhìn Hận ngạc nhiên qua của sổ xe đang mở. Có lẽ chúng chưa bao giờ nhìn thấy một đứa trẻ chỉ lớn hơn chúng một chút dám trừng mắt nhìn cha mẹ chúng vừa oán hận vừa khinh bỉ như vậy. Những tờ tiền mệnh giá lớn còn thơm mùi mực từ ví mẹ chúng rơi vào mặt cha mẹ rồi bay lả tả khắp xe…

Ngày ấy cách đây đã 25 năm. Hận đã xoá bỏ kí ức về gia đình họ. Hận lầm lũi cương cường vượt qua bao nhiêu đau đớn của kiếp phận một đứa con hoang mồ côi rồi kiếp phận một người đàn bà làm vợ, làm dâu đầy cay đắng. Hận không quá đau đớn khi gã trai làng cưới cô rồi về ở trong nhà cô bỏ cô đi sau đó vì gần chục năm lấy nhau mà cô không sinh được con. Cô không thấy oán hận mỗi khi mẹ chồng sang nhà xỉa xói cô là dòng giống lăng loàn quyến rũ con bà bằng nhan sắc nhưng hành hạ nó vì cái nhân quả con hoang vô phúc từ đời cha mẹ truyền lại. Hận chỉ cúi đầu im lặng, thấy thương cho mẹ chồng và chồng vì nửa dòng máu phản phúc bạc bẽo đang chảy trong Hận. Cô biết, nguyên nhân vô sinh không phải do cô nhưng không nỡ nói ra để tự họ rời xa cô cho nhẹ nhàng…

Hơn mười năm nay, cô sống khoẻ mạnh vui vẻ và bằng lòng với thành quả chắt chiu từ lao động. Ngôi nhà, khu vườn tươm tất của Hận luôn tràn đầy hương thơm và âm thanh vui vẻ đầy sức sống. Đám trẻ đứa mười hai, đứa lên chín con Hằng  gần như chuyển sang ở hẳn cùng Hận. Từ khi Hằng, bạn thân từ cấp hai của Hận mất do bệnh tim cách đây hai năm, cô giúp đỡ bọn nhỏ và cha chúng vượt qua cú sốc mất mẹ, mất vợ rồi tình cảm của lũ trẻ với cô cứ lớn dần. Giờ thì chúng gọi cô là mẹ và ở cùng cô nhiều hơn ở nhà với bố. Duy chỉ có ánh mắt đăm đắm, vừa biết ơn vừa ấm áp mong đợi của Quyết, cha chúng là cô tránh né.

Hận mở túi xách lấy ra cái ví tiền móc bằng dây cước cũ lôi ra mấy tờ tiền để trả tiền cháo và sữa. Cái phong bì dày đứa con gái lớn nhà họ đưa Hận kèm câu nói xin chị giúp bố chúng tôi lúc họ ngồi trên bộ kỉ nhà cô nằm nơi đáy túi. Hận đã bỏ cái bì thư ấy vào trong cái túi nilon rồi dán băng keo niêm phong lại cẩn thậm. Cô bé phục vụ hỏi nhỏ:

– Chị cho hả? Người nhà chị à?

– Không! Chỉ là người quen thôi!

– Vậy người nhà họ đâu mà không theo chăm sóc chị? Ở đây mấy người bán lấy tiền họ còn được người nhà nhận tạng o bế, chăm bẵm ấy! Sao người nhà bên nhận để chị té xỉu một mình tệ thế này?

– Chẳng liên quan gì đến họ em ạ! Chị hiến để trả nợ thôi!

– Ôi lần đầu em nghe thế đấy? Mà chị hiến gì?

– Gan!

Hận đi chậm trở về phòng bệnh. Ngang qua băng ghế, Hận thấy giờ là cả ba chị em họ ngồi thẳng đơ chờ kết quả cuối cùng. Hận chợt cười. Lũ hèn nhát vô phúc. Họ sợ các chỉ số của Hận có sai lệch thì sẽ không nhận gan của Hận ghép cho cha họ được. Mà có lẽ, nỗi sợ lớn nhất của cả ba người họ là sẽ phải thay vào vị trí của Hận. Bốn mẹ con họ chả đã từng gay gắt tranh cãi, đùn đẩy cho nhau rất hèn hạ ngay trong vườn nhà Hận còn gì!

Hận lặng lẽ cúi mặt đi qua chiếc giường người đàn ông đó đang nằm, vén tấm màn gió họ căng tạm che chiếc giường dành cho cô nơi căn phòng thông kế bên. Phòng bệnh đặc biệt trong khu riêng biệt chuyên để phục vụ khách VIP có hẳn của sắt kéo ngăn với hành lang và bảo vệ gác 24/24. Mới vài ngày trong viện mà Hận nhận ra quá nhiều thứ khác biệt của cuộc sống giữa những lớp người khác nhau trong cái xã hội đầy phân biệt và bất công,  định giá mọi thứ bằng tiền này. Trước đây, Hận chưa bao giờ hình dung sức mạnh bán mua của đồng tiền có thể lớn đến vậy. Họ có thể mua được cả bộ phận sống trong cơ thể người khác, mua được tử cung của một phụ nữ để không phải nặng nề mang thai sinh ra đứa con của chính mình. Cô chua chát nhớ về cái chết tức tưởi của mẹ bị chìm lấp khi họ đổ cho mẹ cô có lỗi trong vụ tai nạn đó. Thứ bồi thường duy nhất gã cán bộ say rượu gây ra cái chết của mẹ là cái bao thư tiền phúng điếu gã giao cho tài xế chịu tội thay gã đến viếng tang. Sau này, người tài xế không dằn lòng được trước sự vật vã của ngoại và xót thương cảnh con bé chưa đầy 16 khờ khạo mồ côi buộc phải thành người lớn để nuôi bà đã vừa khóc vừa khuyên Hận hãy nhận số tiền ấy. Ông ta bảo, đó là giải pháp tốt nhất bởi nếu gia đình Hận có đòi ra toà định tội, kẻ vô tội là ông ta cũng vẫn chịu tội thay cho gã cán bộ kia và số tiền ấy sẽ vào túi kẻ khác…

Đồng tiền quả có mãnh lực thật khủng khiếp. Người đàn ông suy gan đến mức sắp chết bên kia hẳn đã chọn tiền tài thay vì mẹ và vứt bỏ  cô từ trong bụng mẹ. Không biết khi quyết định lấy người vợ con nhà quyền thế ấy, ông ta đã định giá được địa vị và tiền bạc đánh đổi điều ấy ở mức nào, có lường trước được định mệnh khốn khổ của ông ta hôm nay hay không! Trong Hận, sự hận thù oán trách hay nỗi đau len lỏi xuyên tim óc bao năm giấu kín đã vuột trôi mất vào cái ngày vợ con ông ta tìm tới nhà xin cứu giúp. Hận còn không cảm thấy phẫn nộ hay ghê tởm họ khi họ ra giá mua nửa lá gan cô để cứu chồng, cứu cha họ. Cô gần như vô cảm và thương hại cái người mà lẽ ra cô phải gọi là cha. Có lẽ, ông ta mới là người đáng thương nhất, bất hạnh nhất chứ không phải mẹ con cô.

Có tiếng lao xao của người đến thăm bệnh. Tiếng đứa con gái lớn của ông ta tiếp khách. Họ cắt cử nhau túc trực bên cạnh người cha  lằng nhằng đầy dây nhợ, vàng bủng suy kiệt chỉ để tiếp những kẻ đến thăm người bệnh mà mục đích chính là để biếu tiền. Họ sắm hẳn 1 cái két riêng đặt cạnh tủ giường bệnh để cất tiền và ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ kèm trong đó tên cùng chức danh kẻ đến biếu với số tiền là bao nhiêu. Họ rành mạch, cặn kẽ, tỉ mỉ và sòng phẳng chia nhau số tiền mà đồng nghiệp, bạn bè hay cấp dưới của từng người về tay người ấy. Mẹ họ sẽ quản phần còn lại. Nhẹ nhàng, nhanh chóng và thoả mãn. Chỉ tuyệt nhiên, không ai trong số họ động tay lau mặt hay thay cái bịch nước tiểu cho ông ta. Tất cả những chăm sóc nhỏ nhất ấy họ đều bấm chuông gọi y tá hay người giúp việc.

Hận tự hỏi, nếu cô không chấp nhận hiến tạng, liệu họ có chi số tiền lớn hơn số họ nhận được nhờ căn bệnh của ông ta mà tìm mua từ một người cùng quẫn nào đó. Số tiền ấy chắc phải vô cùng lớn bởi ông ta có nhóm máu rất hiếm. Liệu họ sẽ làm toán ra sao nhỉ? Cứu sống ông ta bằng giá đắt hay để mặc cho ông ta chết mà giữ cái vỏ danh giá cao vời của họ?

Chắc họ cũng từng đau đầu lắm khi quyết định tìm về tận nhà cô hạ mình xin cô cứu giúp. Ba đứa con của ông ta, sang trọng và danh giá thường ngày hét ra lửa ở ba nơi công quyền, quen với mỗi lệnh được ban ra là người khác răm rắp làm theo đã cúi đầu ngon ngọt xin cô nghĩ tình máu mủ. Hận bật cười chua chát. Cô nhớ đến xấp tiền 500 ngàn còn nguyên niêm phong mà con gái lớn ông ta bỏ vào bì thư ngay trước mặt cô cùng giọng mềm mỏng:

– Đây là số tiền nhà em chắt góp đưa trước để chị bồi dưỡng. Khi nào bố mổ xong mà ổn định, bọn em sẽ thu xếp gấp đôi chỗ này gửi chị. Sau này, chị cứ qua lại thăm bố…

Hận đã muốn ném xấp tiền ấy vào cái miệng vô cảm, như cái ngày 18 tuổi từng ném nắm tiền vào mặt cha mẹ họ. Nhưng giờ đây sau khi trải qua hai lần chôn cất người thân,Hận dằn nén những oán hờn của 43 năm bị ghẻ lạnh, bị khinh miệt để cảm thông cho những người làm con đối với cha mẹ. Lúc đó, Hận chỉ buông được câu:

– Cứ về đi! Để tôi suy nghĩ vì sao tôi phải cứu ông ta thay các người đã!

Hận bỏ ra vườn. Chờ cho bọn họ ra về để không phải nghe điều gì nữa thì vô tình nghe được cuộc tranh cãi của bốn mẹ con họ. Người đàn bà quý phái vợ ông ta không hạ mình đủ để vào cầu xin cô. Bà ta đợi đám con ngay bên ngoài hàng rào nơi cô đứng. Vẫn cái giọng nhỏ nhẹ lạnh lùng ấy, bà ta ra lệnh:

– Thuyết phục nó bằng mọi giá! Nó có đòi gấp đôi, gấp ba số đã hứa cho cũng đồng ý. Cứu ông ấy trước đã.

– Con thấy khó đấy mẹ! Nó có vẻ hận lắm.

– Vậy trong hai chị, đứa nào sẵn sàng hiến cho ông ấy?

Im lặng một lúc. Hận hồi hộp làm rơi chiếc điện thoại đang cầm. Cô nhặt lên định đi thì hiếu kì khi nghe họ cự cãi. Đứa con lớn viện cớ sắp thăng chức sau khi hoàn thành lớp cao cấp chính trị. Cô ta phải tranh thủ sức ảnh hưởng của ông già tiếp nhận vị trí đã nhắm nhiều năm nay. Đứa con gái thứ khóc thút thít kể lể sức khoẻ kém, còn con nhỏ và công việc không thể ngắt quãng sẽ mất vị trí cao hơn để giữ người chồng ngoại tình. Thằng con út im lặng giờ như không chịu nổi, to tiếng:

– Các chị thật ích kỉ! Để tôi! Cùng lắm tôi nghỉ ngơi vài tháng rồi về tiếp quản công ty của ông già là được! Các chị khòi bù lu bù loa nữa!

– Anh thì không thể được! Một trong hai chị tự xác định cứu ông ấy. Còn anh thì ở yên đấy cho tôi!

– Mẹ! Sao mẹ phân biệt con cái như vậy? Tại sao cứ phài là con gái chịu thiệt thế?

Tiếng khóc, tiếng thở dài và tiếng đập cửa xe một cách cáu kình. Rồi dường như bà ta không chịu nổi, hét lên:

– Vì chỉ các chị mới cho cha các chị được thôi! Nó không phải con ông ấy!

Hận sững lặng! Bên kia rào, ba đứa con cùa ông ta chắc cũng chết lặng.  Hận bỏ mặc họ không nghe thêm nữa. Cô bước những bước nhẹ bỗng vào nhà. Trên tay Hận chiếc điện thoại vô tình thu âm trọn vẹn cuộc nói chuyện của họ lúc cô nhặt lên…

………

Cuộc phẫu thuật thành công tốt đẹp. Hận tỉnh dậy ở một phòng hậu phẫu khác, cách xa căn phòng người đàn ông ấy đang nằm. Hai đứa trẻ líu ríu oà khóc khi cô mở mắt tỉnh dậy. Cha chúng đang vắt chiếc khăn nóng lau mặt và hai cánh tay tê rần vì truyền dịch của cô. Quyết nghiêm mặt, giọng trách cứ:

– Em coi cha con anh là người dưng đến bao giờ nữa! Nếu anh không phát hiện ra kịp, em một mình không ai trông coi thế này thì sẽ ra sao? Mà em nghĩ gì lại đi hy sinh bản thân mình như vậy?

Hận chì cười yếu ớt. Chỉ tay vào ngăn tủ chứa tư trang và bệnh án, Hận ra hiệu cho Quyết mang chiếc điện thoại và cuốn sổ lại giường. Đoạn hội thoại trong điện thoại khiến Quyết giận dữ hơn. Hận lắc đầu:

– Em làm vì mẹ! Ông ấy luôn là chồng mẹ, là người mẹ yêu thương đến tận lúc mất. Nếu mẹ em còn sống, bà cũng sẽ khuyên em làm như vậy. Từ nay, em được thanh thản anh ạ!

Hận không đợi hết 10 ngày theo dõi. Kí tờ cam kết và nhận phác đồ từ bác sĩ, Quyết dìu Hận ra chiếc xe có hai đứa trẻ đang chờ. Hận thấy đôi chân mình run rẩy. Bụng cô còn đau nhưng cả trái tim và toàn cơ thể cô chợt nhẹ hẫng. Có lẽ không chỉ một nửa lá gan cô mất đi mà tất cả những gánh nặng cô mang bấy lâu cũng mất đi theo nó…

Trên cao, trong căn phòng VIP riêng biệt người đàn ông gần 70 tuổi một tay nắm cục tiền mà Hận cẩn thận  bọc nilon, một tay ôm vào ngực cuốn nhật kí của mẹ Hận. Chiếc USB vừa được ông ta nhấn mở bằng chiếc laptop trước mặt. Những âm thanh chân thực, chát chúa mang giọng nói vợ con ông ta vang khắp căn phòng kín..

Ngoài đường, lá vàng bay rơi theo từng cơn gió thu mát dịu. Tiếng kinh Vu Lan văng vẳng đâu đó khắp mọi ngõ ngách đường phố. Hận mỉm cười, dựa đầu ngà vào cánh tay vững chãi của Quyết đang đỡ sau gáy và gật đầu trước ánh nhìn hun hút của anh. Hai đứa trẻ phía sau đang giành nhau bóc quýt cho mẹ. Cô thầm nghĩ, từ đây, cô sẽ sửa cái tên trên khai sinh của mình.

Một mùa Vu Lan đang trôi qua. Từ đây, Vu Lan của cô sẽ không còn nước mắt…

NGUYỄN THU HÀ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *