Tự tin với ‘bình thường mới’

VHSG- Tôi tin rằng chỉ cần áp dụng nguyên tắc nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được xét nghiệm ngay, cài ứng dụng Bluezone và các biện pháp khác mà không cần phải cách ly. Nếu thực hiện tốt việc này thì đây sẽ là cơ hội biến “nguy” thành “cơ”, để chúng ta có thể phát triển…

Buổi họp đầu tiên của tôi sau kỳ nghỉ Tết năm nay là về virus sinh học corona chủng mới, thay vì virus máy tính.

Đó là thời điểm Covid-19 còn chưa được gọi tên, nhưng diễn biến dịch bệnh tại Vũ Hán đã bắn những tín hiệu rất đáng ngại tới Việt Nam. Với kinh nghiệm lâu năm phân tích logic khi tìm và diệt virus máy tính, sau khi đánh giá tình hình, tôi quyết định BKAV vẫn làm việc bình thường với điều kiện khuyến nghị mọi nhân viên đeo khẩu trang nơi công cộng. Tuyệt đối không sờ tay lên mặt, không dùng tay gãi, ngoáy mũi, tai, nặn mụn.

Trên trang cá nhân, tôi viết bài “Chuyên gia chống virus máy tính nói về virus sinh học”, với mong muốn giúp mọi người bình tĩnh với dịch bệnh. Lúc đó là đầu tháng hai. Sang đến giữa tháng ba, tình hình dịch leo thang với sự lo sợ cao độ bao trùm toàn xã hội, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Một lần nữa, tôi đứng giữa quyết định sẽ tiếp tục để tập đoàn hoạt động như bình thường hay phải ngừng lại nhiều việc.

Nếu nhìn nhận bằng cảm tính tại thời điểm đó, ai cũng lo sợ, ngay cả tôi. Tuy nhiên, phân tích logic và các số liệu thống kê đã giúp tôi nhìn nhận vấn đề điềm tĩnh hơn. Tôi thấy bản chất sự việc không đáng ngại và quyết định, BKAV vẫn làm việc bình thường.

Sau gần một năm, hiện thế giới đã có hơn 24 triệu ca nhiễm Covid-19. Việt Nam cũng đã qua hai đợt dịch. Phân tích khối dữ liệu lớn này bằng khoa học, logic giúp ta có thể nắm bắt được quy luật, từ đó đưa ra được những biện pháp để khống chế và chung sống với dịch bệnh.

Số liệu phân tích từ hàng chục triệu ca lây nhiễm trên thế giới đã chỉ ra hệ số lây nhiễm của Covid-19 từ 2,5 đến 3 với chu kỳ lây nhiễm là 5 ngày. Tức là cứ sau 5 ngày, một người sẽ lây trung bình cho 3 người nếu hệ số lây nhiễm là 3; sau 10 ngày sẽ có 9 người bị lây nhiễm và sau 15 ngày sẽ có 27 người bị lây nhiễm… cứ thế, theo cấp số nhân.

Ở trên là số liệu trung bình, còn trong một số điều kiện tiếp xúc đặc biệt, hệ số lây nhiễm có thể cao hơn. Ví dụ, ổ dịch siêu lây nhiễm bắt nguồn từ nhà thờ của giáo phái Tân thiên địa ở Hàn Quốc, hệ số lây nhiễm là 3,9. Một số nơi có thể có hệ số lây nhiễm lên tới 6 như trong bệnh viện hay trong những môi trường đặc biệt. Nhưng những hệ số cá biệt này chỉ đúng trong vài chu kỳ đầu tiên, sau đó, khi lây rộng ra cộng đồng với mức độ tiếp xúc và điều kiện sinh hoạt bình thường của cộng đồng, tỷ lệ sẽ giảm xuống và tiệm cận với mức 2,5 đến 3.

Tại Đà Nẵng vừa qua, từ số liệu dịch tễ trên 5.000 mẫu kháng thể xét nghiệm, các chuyên gia y tế chỉ ra ổ dịch đã khởi phát từ đầu tháng 7. Do đó, thời gian virus lây nhiễm tự do trong cộng đồng có thể tính từ ngày 1/7. Tới ngày 27/7, khi chính thức có lệnh phong tỏa – thường sau 2 đến 3 ngày lệnh mới phát huy triệt để – ổ dịch Đà Nẵng đã có 6 chu kỳ lây nhiễm tự do (30 ngày). Như vậy, tức là có tới 6 chu kỳ mọi người sinh hoạt hết sức bình thường, thoải mái du lịch, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí… Nếu chọn hệ số lây nhiễm cao nhất là 3 thì trong 6 chu kỳ ta có 3 lũy 6 là 729 ca lây nhiễm. Tương tự nếu hệ số lây nhiễm 2,9, ta có khoảng 595 ca, và 2,8 là khoảng 482 ca.

Diễn biến thực tế hiện nay, các ổ dịch liên quan tới Đà Nẵng cơ bản đã được khống chế với 551 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tính tới sáng ngày 3/9 – không bao gồm các ca nhập cảnh. Với thực tế này, hệ số lây nhiễm sẽ phải nhỏ hơn 3 vì số ca lây nhiễm không thể lên tới 729. Thực tế đã vượt qua hệ số lây nhiễm 2,8. Như vậy, hệ số lây nhiễm hợp lý nhất là 2,9. Tức, trong những ngày tới, tổng ca lây nhiễm liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng sẽ ước trên dưới 595 ca.

Nếu việc khoanh vùng dập dịch, tìm ra được tất cả các ca này, không bị bỏ sót, tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục không có Covid-19 trong một thời gian, giống như giai đoạn dịch bệnh trước đó. Tuy nhiên, việc để bỏ lọt một số ca là điều hoàn toàn bình thường và có thể xảy ra. Vậy, giả sử có bỏ lọt, chúng ta có thể có cuộc sống bình thường hay không?

Dựa vào số liệu thống kê từ hàng chục triệu ca lây nhiễm trên thế giới trong đợt dịch vừa qua, sẽ có khoảng 15% số người nhiễm Covid-19 có những biểu hiện lâm sàng về hô hấp ở thể nặng, có thể đến mức phải thở máy.

Giả sử có một ca lây nhiễm ra cộng đồng, thì sau hai chu kì – tức 10 ngày, người này đã lây nhiễm ra 9 người khác với hệ số lây nhiễm là 3. Trong số 9 người này sẽ có 15%, nghĩa là một người có biểu hiện lâm sàng nặng và chắc chắn họ sẽ vào bệnh viện để được điều trị, chứ không thể tự điều trị tại nhà. Để chắc chắn những người có triệu chứng này xuất hiện, chúng ta có thể tính thêm một chu kỳ nữa, từ người ban đầu đã lây cho 27 người, vẫn với tỷ lệ 15%, ta có có khoảng bốn người đến bệnh viện với triệu chứng nặng.

Đến đây có lẽ các bạn đã hình dung ra giải pháp, đó là điểm chốt chặn Covid-19 quyết định sẽ là ở các bệnh viện, tại các khoa về hô hấp.

Nếu như tất cả bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng về hô hấp đều được xét nghiệm để tìm Covid-19, mỗi ổ bệnh mới sẽ chỉ lây cho khoảng từ 9 đến 27 ca là đã bị phát hiện và việc khoanh vùng và dập dịch sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Đặc biệt, nếu như mọi người sử dụng ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone thì việc tìm ra các ca nhiễm bệnh này có thể ngay lập tức trong một đến hai ngày, chặn đứng đà lây nhiễm của virus mà không cần phải cách ly toàn thành phố.

Quay trở lại với phân tích ổ dịch ở Đà Nẵng, nếu theo dõi tin tức thì các bạn cũng sẽ biết những ca bệnh đầu tiên đã xuất hiện triệu chứng hô hấp và khám ở các bệnh viện tại Đà Nẵng. Cụ thể, bệnh nhân 416 đã xuất hiện các triệu chứng từ 17/7 đến khám tại Bệnh viện C Đà Nẵng; bệnh nhân 418 xuất các triệu chứng từ ngày 11/7 và đến khám tại Bệnh viện quận Hải Châu…

Giả sử áp dụng các biện pháp chặt chẽ, chúng ta đã có cơ hội chặn lây nhiễm virus ở Đà Nẵng khoảng từ ngày 11/7, tức chỉ khoảng 2 chu kỳ, tính từ ngày 1/7. Lúc đó nếu tính hệ số lây nhiễm là 3 thì chỉ có 9 ca, thậm chí với môi trường bệnh viện có thể lên tới hệ số 6 thì cũng chỉ có 36 ca lây nhiễm. Việc kiểm soát sẽ đơn giản hơn hiện nay rất nhiều. Tôi hiểu là vừa qua chúng ta chưa có quy định, phương pháp rõ ràng nên còn bỏ lọt dẫn tới sự lây nhiễm lên tới 6 chu kỳ là điều dễ hiểu.

Với những phân tích nêu trên, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể tự tin với cuộc sống bình thường mới. Nghĩa là xã hội vẫn lao động sản xuất, vui chơi giải trí hoàn toàn như bình thường. Tuy nhiên, chúng ta phải áp dụng một số biện pháp mới trong thời kỳ dịch bệnh, có thể kéo dài hàng năm, đó là:

Đầu tiên, cài ứng dụng Bluezone nhiều nhất có thể. Điều này sẽ giúp việc truy vết được tiết kiệm, nhanh chóng, chính xác, hạn chế tối đa các ca bỏ lọt. Những người được cảnh báo cũng được xét nghiệm và điều trị ngay, tránh việc phát hiện muộn khiến bệnh tiến triển nặng hơn đến khi có biểu hiện lâm sàng, giảm tối đa hệ số lây nhiễm cho người thân, cộng đồng.

Nếu không có Bluezone chúng ta vẫn có thể kiểm soát được dịch, nhưng việc khoanh vùng dập dịch thay vì chỉ từ vài chục đến vài trăm người, sẽ phải phải khoanh vùng, cách ly tới hàng nghìn, hàng chục nghìn người như vừa qua, vừa tốn kém, vừa ngưng trệ các hoạt động khác.

Biện pháp thứ hai, như đã nói là chốt chặn tại bệnh viện phải được làm triệt để; xét nghiệm sớm tất các những trường hợp có biểu hiện lâm sàng về hô hấp.

Theo WHO, thế giới có từ 9 đến 45 triệu người nhiễm cúm một năm. Nếu lấy số liệu cao nhất chia theo tỷ lệ dân số, mỗi năm Việt Nam có 640 nghìn người nhiễm cúm, tức là có triệu chứng lâm sàng về bệnh phổi như Covid-19.

Nếu tất cả những người có biểu hiện cúm đều được xét nghiệm, với phương pháp xét nghiệm gộp năm bệnh phẩm mỗi lần, tức 640 nghìn chia 5 nhân với 724 nghìn đồng chi phí xét nghiệm mỗi người, số tiền Việt Nam tiêu sẽ khoảng 92,6 tỷ đồng mỗi năm. Một con số không lớn so với những thiệt hại hàng tỷ USD nếu như chúng ta kiểm soát không tốt Covid.

Nếu chúng ta kiểm soát tốt theo những kịch bản như này thì diễn biến dịch bệnh Covid ở Việt Nam sẽ thế nào? Chúng ta có quyền chấp nhận có ca bỏ lọt nhưng sau đó sẽ được dập ngay, dẫn đến mỗi ngày có thể chỉ có vài ca nhiễm, nếu có bùng lên thì cũng chỉ có vài chục ca. Có những lúc may mắn sẽ sạch bóng Covid, nhưng chúng ta cũng không cần phải sạch bóng như vậy, bởi vì chúng ta vẫn phải mở cửa với thế giới để giao thương, phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa và du lịch.

Chúng ta hoàn toàn có thể mở cửa với những nước hàng ngày hiện tại chỉ có vài ca đến vài chục ca nhiễm giống kịch bản chúng ta nói ở trên.

 

Tôi tin rằng chỉ cần áp dụng nguyên tắc nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được xét nghiệm ngay, cài ứng dụng Bluezone và các biện pháp khác mà không cần phải cách ly. Nếu thực hiện tốt việc này thì đây sẽ là cơ hội biến “nguy” thành “cơ”, để chúng ta có thể phát triển.

Trong khi rất nhiều nước đang còn chật vật với Covid-19 thì chúng ta đã có thể có cuộc sống hoàn toàn bình thường mới một cách tự tin. Khi có cơ sở khoa học rõ ràng và nắm được quy luật vận động thì tự tin với cuộc sống hoàn toàn bình thường mới là điều đương nhiên.

NGUYỄN TỬ QUẢNG

Chuyên gia công nghệ/Vnex

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *