Về mục tiêu của môn Văn trong nhà trường

VHSG- Từ nhiều năm nay câu chuyện về việc dạy văn và học văn ở trường phổ thông trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội. Khen thì ít mà than phiền thì nhiều. Dư lận chung cho rằng việc dạy văn đã không đạt được kết quả như mong đợi. Học sinh bị nhồi nhét quá nhiều những kiến thức không cần thiết, không phù hợp với lứa tuổi, trong khi đó năng lực cảm thụ tác phẩm còn thấp, nhất là kỹ năng sử dụng tiếng Việt rất yếu, hầu hết học sinh tốt nghiệp PTTH còn viết sai câu, không có khả năng diễn đạt và viết những văn bản đơn giản và kết quả là môn Văn trở thành gánh nặng, trẻ em không thích học Văn.

Để khắc phục tình trạng này, ngành giáo dục đã đưa ra nhiều biện pháp, nhưng nhìn chung cho đến nay kết quả đạt được vẫn chưa nhiều. Hiện nay Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án cải cách Chương trình và SGK các môn học với quy mô lớn. Hy vọng đây sẽ là cơ hội để đổi mới việc dạy học, trong đó có dạy Văn. Tuy nhiên, để có được một chương trình môn học thật hợp lý và có khả năng mang lại hiệu quả thật sự, trước hết cần xác định rõ mục tiêu của mỗi môn học. Không làm rõ mục tiêu môn học sẽ không thể thiết kế được nội dung chương trình môn học và do đó cũng sẽ không thể biên soạn được SGK và xác định phương pháp giảng dạy. Nói một cách nôm na, không xác định được dạy để làm gì thì cũng sẽ không biết dạy cái gì và dạy như thế nào.

Vậy mục tiêu của môn Văn là gì?

Minh hÍa: VIIP

Theo chúng tôi, dạy Văn ở trường phổ thông có ba mục tiêu chính:

Thứ nhất, hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ cho học sinh, rèn luyện cho trẻ em kỹ năng đọc hiểu và viết đúng tiếng Việt, khả năng diễn đạt – cả viết và nói – những điều mình muốn thể hiện. Dạy Văn phải bắt đầu bằng dạy Tiếng và dạy Tiếng phải đi từ dạy đọc hiểu những văn bản dễ đến những văn bản khó, từviết đúng đến viết hay, làm sao cho học sinh hết THCS phải đảm bảo không còn viết sai chính tả, sai câu, diễn đạt thiếu mạch lạc, rồi tiến dần lên, thông qua kết hợp với học tác phẩm văn chương, thấy được cái hay cái đẹp của tiếng Việt, biết diễn tả những điều phức tạp hơn trong tình cảm và suy nghĩ của mình, có khả năng giao tiếp, hòa nhập với thế giới xung quanh. Trong dạy Tiếng cần chú ý rèn luyện kỹ năng cả viết và nói, cho học sinh tiếp xúc với nhiều loại văn bản khác nhau, không chỉ tác phẩm văn chương mà bao gồm cả các văn bản lịch sử, xã hội…v..v.. đồng thời tránh nhồi nhét các kiến thức về ngôn ngữ học, dẫn đến tình trạng học sinh không tiếp thu được và chán học.

Thứ hai, bồi dưỡng và phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh. Nhiều người nhầm tưởng đây là giúp học sinh thấy cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương. Đó không phải là cái chính. Cái chính là hình thành ở trẻ em một kiểu cảm nhận đặc thù về thế giới, một cách nhìn về sự vật và con người thấm nhuần cảm xúc, đầy chất tưởng tượng, bay bổng, huyễn hoặc. Đó không hẳn là cách tư duy hay là một tình cảm mà là một cái gì đó pha trộn cả hai, vừa là kiểu nghĩ, kiểu nhìn, vừa là kiểu rung động – rung động thẩm mỹ. Với mục tiêu đó, dạy Văn chủ yếu không phải là dạy lịch sử văn học, dạy ghi nhớ về tác giả, tác phẩm, dạy về cách cấu tạo và phân tích tác phẩm, mà là khơi dậy những rung động thẩm mỹ, hình thành thói quen về cách tiếp cận với thế giới nghệ thuật không có thực do nhà văn tạo ra, từ đó phát triển ở trẻ em khả năng tưởng tượng, khả năng nhập vai, khả năng sống trong một thế giới khác, một cuộc đời khác, một sự sống khác dù đó là con người hay con vật, cây cỏ. Hình thành năng lực thẩm mỹ là sứ mạng đặc thù của môn Văn, trước hết là của việc dạy văn chương. Dĩ nhiên trong quá trình giảng dạy và tùy từng cấp học – phổ thông hay phân ban, THCS hay THPT – dạy Văn vẫn cung cấp những kiến thức về lịch sử văn học, nhà văn và các thể loại, nhưng cũng giống như việc không được biến dạy tiếng Việt thành dạy ngôn ngữ học tiếng Việt, trong việc dạy Văn cũng không được biến dạy văn chương thành dạy khoa học về văn chương, dạy về nghiên cứu văn học. Đây cũng chính là một nguyên nhân giải thích vì sao môn Văn trong nhà trường hiện nay quá nặng và học sinh không thích học. Dạy Văn trong nhà trường phổ thông chủ yếu là dạy tác phẩm. Tác phẩm, văn bản (text) là nguyên liệu chính để hình thành năng lực thẩm mỹ ở học sinh. Tuy cũng là những loại hình nghệ thuật, nhưng sỡ dĩ văn học được đưa vào giảng dạy ở nhà trường như một môn học chính chứ không phải hội họa hay âm nhạc một phần vì do nó gắn với ngôn ngữ (tiếng Việt), một phần vì nó là loại hình nghệ thuật vừa tiêu biểu vừa phổ biến, gần gũi, có thể đại diện cho kiểu sáng tạo đặc biệt của con người – sáng tạo nghệ thuật. Bởi vậy dạy Văn chủ yếu không phải là trang bị những tri thức về văn mà dùng việc dạy Văn, trước hết là dạy tác phẩm văn chương, như một phương tiện, một cách thức để đạt đến một mục đích lớn hơn là phát triển năng lực thẩm mỹ của học sinh, hình thành ở học sinh một cách cảm, cách nghĩ mang đậm tính sáng tạo, tính cá nhân và thiên về hướng nội. Ở đây văn chỉ là chất liệu, là một trường hợp cụ thể. Nếu hiểu như vậy, từ cách dạy đến cách ra đề thi, kiểm tra sẽ hoàn toàn khác và lúc đó chắc chắn việc dạy Văn sẽ khắc phục được tình trạng nhàm chán khá phổ biến như hiện nay.

Thứ ba, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách cho học sinh. Tác phẩm văn chương là kết quả của sự sáng tạo đặc sắc, chứa đựng các giá trị Chân, Thiện, Mỹ. Văn gắn với chữ, chữ gẵn với nghĩa, tác phẩm văn mang nhiều giá trị, nội dung ý nghĩa khác nhau, vô cùng phong phú. Thông qua việc giảng dạy tác phẩm, người giáo viên có thể khơi dậy ở học sinh tình yêu đối với cái đẹp, lòng nhân ái, khát khao lý tưởng cũng như những hiểu biết về thế giới, về xã hội và nhất là về con người. Không phải tác phẩm nào cũng có đầy đủ những giá trị ấy và cũng không phải giờ dạy Văn nào cũng phải đáp ứng tất cả những yêu cầu ấy, nhưng mục tiêu chung mà việc dạy Văn cần hướng tới là kích thích ở trẻ tình cảm hướng thiện và tư duy phê phán, giúp trẻ có khả năng tự định hướng và lựa chọn một lối sống tích cực. Lâu nay chúng ta thường nói về giáo dục đạo đức, dạy làm người. Môn Văn là môn có điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện nhiệm vụ này. Dạy Văn không phải là để dạy đạo đức, nhưng dạy Văn cũng không xa lạ với dạy đạo đức, giống như dạy Văn không xa lạ với dạy cái hay cái đẹp, dạy những hiểu biết về cuộc sống. Giáo dục về giá trị không phải là nội dung trực tiếp và đặc thù của môn Văn, nhưng nó là một yêu cầu quan trọng và không thể thiếu của dạy Văn.

Từ ba mục tiêu trên đây cộng với việc xem xét vấn đề từ góc độ tâm lý và sư phạm, chúng ta sẽ có cơ sở để thiết kế lại toàn bộ Chương trình và Phương pháp dạy môn Văn ở trường phổ thông. Môn Văn – chúng tôi dùng chữ Văn chứ không phải Ngữ Văn vì đây là tên gọi quen thuộc của môn học này ( chữ Ngữ Văn có thể bị hiểu nhầm là philology như khoa học về ngôn ngữ) – bao gồm hai bộ phận chính là tiếng Việt và Văn học. Kết hợp dạy tiếng Việt và Văn học như thế nào ở từng cấp học, lúc nào tập trung vào tiếng Việt, lúc nào tập trung vào Văn học- đó là những vấn đề cần được tính toán kỹ cho phù hợp với từng lứa tuổi, từng bậc học. Việc xác định và làm đúng mục tiêu trên đây sẽ góp phần tránh được tình trạng hiện nay khi thì biến dạy Văn thành phương tiện giáo dục tư tưởng, giáo dục đạo đức, khi thì đổi sang thiên về cung cấp những tri thức về văn học, thi pháp, còn dạy tiếng thì nặng về giảng giải những kiến thức có tính chất ngôn ngữ học mà coi thường việc rèn luyện kỹ năng nói và viết cho học sinh.

Môn Văn là một trong hai môn chính ở trường phổ thông. Đổi mới dạy Văn có vị trí quan trọng trong đổi mới Chương trình và SGK cũng như đối với  việc nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường nói chung.

TS. NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

Báo Giáo Dục TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *