“Bình yên nước Mỹ”: Bất an của sự kỳ vọng

Từng đứng thứ hai trong cuộc bình chọn Tác phẩm hư cấu hay nhất trong 25 năm của văn chương Mỹ (từ năm 2006), cũng như đoạt giải Pulitzer 1998, “Bình yên nước Mỹ” không chỉ là một trong những tác phẩm hay nhất của Philip Roth, mà mặt nào đó, nó cũng phản ánh những vấn đề chung của thế giới, lịch sử và cộng đồng người Do Thái chịu nhiều áp bức suốt bao năm qua.

Lấy bối cảnh thập niên 60 – 70 ở nước Mỹ với nhiều biến động lịch sử, tác phẩm xoay quanh nhân vật Seymour “Swede” Levov, một doanh nhân người Mỹ gốc Do Thái thành đạt và là một cựu vận động viên “ngôi sao” đến từ Newark, New Jersey. Seymour vẫn thường được gọi chệch đi như “Sweden” – “người Thụy Điển”, và là nhân vật điển hình của motif người đàn ông Mỹ hoàn hảo.

Những tưởng thế giới không thể cho anh thêm điều gì nữa, thì anh bỗng nhiên rơi vào trầm uất, khi nghi ngờ con gái Merry của mình đứng sau một vụ đánh bom trong phong trào phản chiến, khiến cho một người thiệt mạng cũng như phá hủy cửa hàng bách hóa. Liệu hung thủ có phải Merry? Và Người Thụy Điển cần phải làm gì để tiếp tục sống với một cuộc đời không còn như xưa?

Hình ảnh gia đình của Người Thụy Điển trong film chuyển thể Bình yên nước Mỹ ra mắt vào năm 2016. Nguồn: IMDb.

Thiên đường và vỡ mộng

Bi kịch của người Do Thái đã được viết nhiều trong các tác phẩm văn chương. Đó không chỉ là khía cạnh thể xác như việc bị đánh đuổi bởi người La Mã, là trại tập trung với phòng khí độc hay bị giết chóc phía sau đàn ngựa của quân Cossack… mà còn sâu hơn khi thiên về mặt tâm lý. Ở Bình yên nước Mỹ, Roth đã tạo chúng từ những kỳ vọng cũng như phẩm chất của chủng tộc này. Không cần nghĩ mình như một tạo tác vượt ngoài tạo hóa như nhân mã Guedali của Moacyr Scliar, Người Thụy Điển là một chứng nhân hùng hồn cho thấy tổn thương não trạng của sự tận diệt vẫn chưa khi nào ngơi nghỉ.

Theo đó nhìn vào tiểu sử của nhân vật này, ta có thể thấy anh là biểu tượng và là hiện thân của niềm hi vọng ấp ủ từ rất nhiều người, từ sức mạnh can trường, lòng quyết tâm, tính gan dạ cho đến cách sống đơn giản, bình thường và tuyệt vời nhất theo phong cách Mỹ… Có vợ là một hoa hậu, thừa kế công việc kinh doanh găng tay từ cha và ông của mình… Ở Người Thụy Điển dường như không có thứ gì có thể làm mất đi được mọi vẻ hoàng huy.

Tuy thế mọi việc đã đổi khác đi vào năm 1973, khi quả bom phát nổ và con gái anh biến mất. Đối mặt với bi kịch ấy, từng người trong nhà Levov bắt đầu suy sụp. Trong khi người mẹ chìm trong thảm kịch không muốn đối mặt, thì Người Thụy Điển bằng tình yêu thương cũng như thể diện đã không ngừng tìm chân tướng sự thật, để kết nối lại với cuộc đời cũ như lúc trước kia.

Ở Bình yên nước Mỹ, ta thấy Roth rất thành công khi xây dựng được một nhân vật gần như hoàn hảo, giống với Quý ngài Ripley của Patricia Highsmith. Tuy thế đứng trước một người suy tư – là nhân vật Nathan Zuckerman, một nhà văn ở tuổi 60 (hay đó là Roth?) – y liền bị nhận ra là hắn rỗng tuếch ở trong tất thảy. Bằng việc truy sâu vào trong nguồn gốc, Roth đã cho thấy nhiều sự phức tạp khi được trở thành một người hoàn hảo. Trong những lần tiếp xúc với Người Thụy Điển, Zuckerman đã hoàn toàn đúng khi nhận ra được sự thiếu bản sắc, chìm trong chủ nghĩa hoàn hảo nhợt nhạt với một cái tôi vốn thiếu tự vấn.

Tuy thế không chỉ có Người Thụy Điển, mà vợ anh – Dawn Dwyer – một cựu hoa hậu của hạt, cũng phải chịu đựng những sự kỳ vọng cũng như soi mói từ cộng đồng mình. Đó cũng là cha của Người Thụy Điển, Lou Levov, người mãi ám ảnh chỉ với công việc và rồi thấy mình đã bị cách ngăn khỏi thế hệ mới…

Kỳ vọng của người Do Thái không chỉ tập trung vào một cá nhân nhất định, mà di chứng đó là trục thời gian không ngừng kéo dài. Điều đó cũng đã lý giải vì sao suốt cuộc đời mình, Jerry – người sống quá lâu dưới cái bóng lớn của người anh trai, đã không thể nào tìm thấy hạnh phúc.

Và cũng không cần đến một nhà văn vốn có cái nhìn suy tư như Zuckerman, chính truyền thông, con người cũng như làn sóng thời cuộc… quét qua Merry như một sinh vật đứng trước bầy đàn, đã làm thay đổi cô bé mãi mãi, khi nó nhìn thấy gia tộc Levov dường như lạc loài trong dòng chảy đương đại.

Vì vậy có thể thấy rằng không phân biệt chủng tộc, giới tính, xuất thân… nhân vật của Roth trong tác phẩm này đều là nạn nhân của kỳ vọng, hào quang và sự o bế. Họ sống trong một đời sống chỉ toàn là sự giả hiệu, dẫn đến dẫu cho dù có đào sâu vào họ thì đó cũng là một tập hợp những lớp vỏ khác nhau, chồng lắp lên nhau và cũng rỗng tuếch không tự phản tư. Nên điều cần thiết là một vụ nổ, một vụ nổ thật sự, để thức tỉnh họ và để cho họ biết chính bản thân mình thật sự nhỏ bé cũng như mong manh đến mức độ nào.

Bản chất của giấc mơ Mỹ

Không chỉ viết về hiểm nguy của kỳ vọng và sự yếu đuối của con người, trong tác phẩm này, Roth cũng dựng lên bối cảnh nước Mỹ từ hậu Thế chiến thứ Hai cho đến chiến tranh Việt Nam vô cùng sôi nổi cũng như sống động. Đó là các ý thức hệ khác nhau, hình thành cũng như sinh sôi mỗi ngày mỗi giờ, từ đó tạo thành những kiểu sống mới, những niềm tin mới, những tôn giáo mới…

Bìa cuốn sách “Bình yên nước Mỹ” của Philip Roth

Merry xuất hiện ở đây mà việc phát triển cá tính của cô như cuộc khảo sát về lịch sử Mỹ. Roth cho thấy được tình thế mong manh của giai đoạn đó, với hội Người Dự Báo, Black Panther, chiến tranh du kích đô thị, vụ Watergate, sự kiện Deepthroat cũng như hành động bắt giữ nhà hoạt động Angela Davis… để làm hậu cảnh cho những “quả bom” sau cùng.

Roth có đôi khi dùng những bối cảnh này theo luật “phối cảnh” như làm phông nền cho các câu chuyện có thể diễn ra, mà cũng có lúc ông biến nó thành “lợi thế”, là những suy tư rất sâu mang tính triết học và đầy châm biếm, như cuộc nói chuyện với Thánh Angela Davis hay buổi tiệc cuối, nơi cuộc cách mạng tình dục và sự kiện Deepthroat đã làm thay đổi nhân sinh quan của nhân vật chính…

Với lối viết thận trọng, phức tạp nhưng phi thường với các câu phức, nhiều chi tiết là những hồi ức liên hồi, Roth tuy thế lại kiểm soát chúng một cách hoàn hảo. Xuyên suốt cuốn “sử thi” này, không có đoạn nào tỏ ra thừa thãi, dù đó là những đối thoại dễ rơi vào sự giáo huấn, hay là độc thoại lan sang rất nhiều trang giấy… Theo các chia sẻ của chính nhà văn, ông đã đến tận Gloversville, New York để tìm hiểu về công nghiệp sản xuất găng tay, cũng như đến gặp, nói chuyện với Hoa hậu Mỹ 1951 Yolande Fox như một hình mẫu cho nhân vật Dawn Dwyer của mình…

Từ tính tỉ mỉ cũng như cẩn thận đã là thói quen, Roth ngược trở lại cũng cho ta thấy niềm tự hào đầy mong manh của các di sản từ người Do Thái. Trong những dòng văn mô tả công việc cũng như từng cá nhân một trong tiểu thuyết này, ta có thể thấy được các hình mẫu của người Do Thái điển hình và đầy thu hút.

Đó là thể trạng của nguồn năng lượng tái thiết vô hạn, và cũng là những mâu thuẫn đối với nước Mỹ, nơi họ cố gắng vươn lên dẫn đầu nhưng cũng tạo ra nỗi đau cho riêng chính mình. Trong những dòng văn như được viết ra từ bản thân mình, Roth cho ta thấy cả một điển hình của những người Mỹ gốc Do Thái chứa đầy mâu thuẫn.

Có thể nói rằng Bình yên nước Mỹ là cuộc khảo sát lại những tổn thương của vết cắt “diệt chủng” vô cùng đớn đau trong thập niên 50, 60, 70, 80 vô cùng hoang mang với chiến tranh Việt Nam và cuộc phục dựng đằng sau thế chiến thứ hai. Ở đó ta đã thấy lại mối hiểm nguy của những kỳ vọng, cũng như một trường ảnh hưởng mà nó tạo ra, cùng với thời thế, là một núi lửa luôn âm ỉ cháy.

MINH ANH

Người Đô Thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *