Bút ký Đào Ngọc Vinh: Từ đam mê cải lương tới viết lách

Năm 1991, tôi thi đậu vào lớp đào tạo diễn viên cải lương Trần Hữu Trang, khóa bốn. Lớp này là sự liên kết đào tạo giữa trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà hát Trần Hữu Trang.

Hai khóa trước, một dàn diễn viên cải lương được đào tạo chính qui từ đây đã thành danh như Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Thanh Thanh Tâm, Chí Linh, Vân Hà, Tấn Giao… Ra trường, họ làm mưa làm gió trên các sân khấu cải lương thành phố, trong đó Nhà hát Trần Hữu Trang với ba đoàn hát trực thuộc là cơ hội cho những diễn viên mới ra trường có đất dụng võ. Còn trường Nghệ thuật sân khấu II do Bộ Giáo dục quản lý cũng có khoa đào tạo diễn viên cải lương nhưng các diễn viên trẻ của trường này khi tốt nghiệp phải tự bươn chải tìm cho mình đất sống ở các đoàn tỉnh hoặc phải trầy trật ở các đoàn hát lớn một thời gian dài mới mong được đóng đào kép… phụ!

Cái tin tôi đậu vào lớp đào tạo cải lương Trần Hữu Trang là đề tài bàn luận sôi nổi của nhà trường, bạn bè, chòm xóm, dòng họ… Bởi, tôi lặng lẽ chọn cho mình một ngành thi “không giống ai” trong mắt nhiều người, lặng lẽ xách túi đi thi và lặng lẽ… đậu! Trước đó, khi còn học phổ thông, mấy chữ nhạc hò, xự, xang, xê, cống, líu, ú tôi còn chưa biết, nói gì tới một lớp Bắc và hai câu vọng cổ như yêu cầu của trường này về phần thi năng khiếu. Khi đã đặt bút ghi vào hồ sơ thi tuyển vào trường nghệ thuật sân khấu tôi có nửa tháng đi tìm thầy dạy hát và đúng… ba ngày để được truyền “nghề”!

Nhà văn Đào Ngọc Vinh ở Bến Tre

Anh Mẫn ở chợ Phú Phụng, Chợ Lách, người có ngón đờn bén và mùi, từng là nhạc công ở các đoàn lớn của khu vực đồng bằng sông Cữu Long là người thầy dạy hát đầu tiên của tôi đã phán một câu xanh dờn: Mầy mà thi đậu vô trường này về nhà tao bỏ nghề! Số Phận, tôi đậu vào trường cải lương còn anh thì thật sự bỏ nghề vì một tai nạn nghề nghiệp. Yêu cầu của cuộc thi tuyển vào trường là thí sinh phải hát hai câu vọng cổ, một lớp trong sáu bài Bắc và diễn một tiểu phẩm có thời lượng dưới mười phút. Ngoài ra còn phải thi tự luận môn văn học. Ở phần thi năng khiếu, khi được giới thiệu Ban giám khảo, tôi đã rùng mình định bỏ cuộc vì toàn là những tên tuổi lớn trong giới sân khấu cải lương như nghệ sĩ Phùng Há, Tấn Đạt, Thanh Vy, Ca Lê Hồng, Nguyễn Thị Minh Ngọc…

Tôi dám chắc là phần thi hát và diễn của tôi là ẹ nhất trong trên dưới ba trăm thí sinh đăng ký dự thi. Vớt vát lại, tôi có một tiểu phẩm tự sáng tác được giám khảo khen là “được” và môn văn tự luận cũng không đến nỗi làm khó tôi. Nhà văn kiêm đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc sau phần thi tiểu phẩm có đến gặp tôi an ủi: Em tinh tế hơn các bạn nhưng chưa biết chuyển sang hành động. Diễn gì không một chút hồn vía làm sao người xem xúc động. Thôi, về ráng tập dợt lại cho nhiều vô, hy vọng… lần sau, hén! Trời xui đất khiến thế nào mà tôi lọt qua khe cửa hẹp, đàng hoàng có tên trong danh sách gần ba mươi trên ba trăm thí sinh dự thi trúng tuyển. Và, tôi nghi rằng tôi đậu là nhờ vào môn văn và cái tiểu phẩm lếu láo tự nghĩ ra trước khi đi thi… hai ngày cùng sự đam mê cải lương cháy bỏng của người miền Tây rặt, dù trước đó tôi đã từng chứng kiến nhiều thảm cảnh đoạn trường của các đoàn cải lương tỉnh lẻ khi phải tan đàn xẻ nghé giữa chừng như lục bình sau bão. Tin tôi đậu vào trường sân khấu cải lương nhanh chóng được phát tán.

Nhóm người có tư duy nghề nghiệp “thời thượng” thì mỉa mai, xỉa xói, trề nhún rằng tôi là đồ… cải lương! Còn lại, phần đông là người ở quê xem chuyện tôi trúng tuyển vào trường sân khấu là một hiện tượng đặc biệt. Cả xóm nhốn nháo truyền miệng nhau, tôi lúc đó là nhân vật trung tâm của những câu chuyện bàn luận thường ngày. Nhiều bà, nhiều cô, háo hức đến nhà tôi chúc mừng như tôi vừa trúng số độc đắc! Bà Hai Sang ở tận vàm kinh Bổn Sồ già lụm khụm vẫn ráng chóng gậy đến nhà nắm tay tôi vuốt ve: Ráng nghen con, học cho giỏi rồi mai mốt lên truyền hình hát cho bà coi. Mồ tổ cha nó, thằng coi vầy mà giỏi, bây! Nhiều đứa trẻ ở xóm coi tôi là thần tượng, cứ tụm năm, tụm ba đứng đằng xa lén nhìn mỗi khi tôi bước ra đường rồi xì xào bàn tán: Trời đất ơi, mai mốt ảnh trở thành “nghệ sĩ” cho tụi bây coi. Ừ, chừng nữa ảnh lên truyền hình hát cho mình coi nè…

Tôi chưa học cải lương ngày nào đã trở nên nổi tiếng, thật buồn cười nhưng đầy cảm động. Mới thấy người quê họ quí nghệ sĩ vô cùng. Ngày tôi chuẩn bị lên Sài Gòn nhập học, ngoại tôi bán một chỉ vàng trao tiền tận tay tôi rưng rưng dặn dò: Không phải dễ gì “được’ vậy nghen con, ráng học rồi hát hay như Minh Vương, Minh Phụng cho ngoại coi. Có thiếu thốn gì thì viết thơ về cho ngoại… Bà Tám Thắng ở gần nhà thì lần trong chiếc khăn tay cũ xì lóm đóm màu cổ trầu những tờ bạc lẻ nhét vào túi tôi rồi sụt sịt: Chèn ơi, không ngờ bây giỏi thiệt nghen, mấy đứa nhỏ của tao nghe nói đậu vào trường cao đẳng cao điếc gì đó không biết mai mốt làm cái giống gì chứ bây thì rồi đây thành kép chánh, thiệt giỏi!

Tôi nhận ơn huệ của cả xóm trước khi bước vào cuộc phiêu lưu chưa hề chuẩn bị, hành trang là nỗi khao khát đam mê ánh đèn sân khấu, là những minh quân, là những bậc trượng phu, là những đấng anh hùng hào kiệt, là các lãng tử hành hiệp giang hồ, những kiếm khách ngang dọc tung hoành… ánh hào quang lấp lánh quyến rũ tôi ngay cả trong những giấc mơ để tôi quyết định dấn thân không hề kiểm soát hay trang bị cho cái hành trình mà đích đến chưa thật rõ ràng.

***

Đam mê! Tôi chắc chắn như vậy khi nhiều lần chất vấn mình lúc mới bắt đầu nhập học. Không có đam mê sẽ không có cảnh tượng đau lòng khi nhiều lần tôi chứng kiến cảnh gánh hát rã đoàn giữa chừng, họ táo tác nhìn nhau cảm thông, chia sẻ, mặt của người nào cũng nặng trĩu suy tư dù đó là kép chánh hay chỉ là một quân sĩ chuyên cầm cờ chạy loanh quanh trên sân khấu. Biết rằng thế nào rồi họ cũng tiếp tục tìm cách đầu quân cho một đoàn hát khác theo nghề, theo nghiệp, đeo đuổi đam mê mặc cho phía trước bẫy đời có luôn rình rập nhưng sao vẫn thấy bùi ngùi.

Như nhiều đứa trẻ khác lớn lên trong thời bao cấp, tuổi thơ tôi gắn liền với những cái đói triền miên. Nhưng, cái đói sinh học thì có thể ăn qua loa một thứ gì đó cho qua ngày, còn cái đói tinh thần thì không thể có thứ gì thay thế được. Rồi, có vài cuộc vui nho nhỏ đã nuôi dưỡng ước mơ tôi cho dù lúc đó hai tiếng “nghệ thuật” đối với tôi là vô cùng xa lạ.Cuối thập niên bảy mươi, đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, lúc mà nhiều nhu cầu hưởng thụ của người dân đất Việt bị ngăn chặn, thậm chí bị triệt tiêu, sự đói khát văn hóa văn nghệ của người dân đã đến mức nghiêm trọng. Người dân cứ phải “ăn” mãi loại văn nghệ tuyên truyền, ngán tới cổ vẫn phải cố nuốt, không thì phải biết “nhai” thứ gì cho qua bữa bây giờ? Mấy năm đó, xóm tôi có tự phát “thành lập” một “đoàn” hát mà diễn viên là con Thu banh ú, chị Sáu bánh cam, thằng Chánh coi trâu, thằng Hoàng chăn vịt… Sân khấu là những tấm ván ngựa ghép lại. Ánh sáng sân khấu là hai cái đèn măng – sông tù mù, phong màng thì đem mền mùng đủ màu ra treo cho có vẻ… sân khấu một chút! Rồi thì diễn viên quẹt vôi, lọ nghẹ lên mặt, lấy giấy tập học sinh cắt dán để làm mũ mão, không có giày dép thì đi chân không, có sao đâu, vừa mới lùa trâu vô chuồng chỉ kịp tắm táp qua loa là chuẩn bị “sắm tuồng” rồi! Chân phèn không, móng chân thúi quắc, mùi bùn đất, mùi cỏ, thậm chí là mùi… trâu vẫn còn dính trên người vậy mà lát nữa trên sân khấu họ sẽ là quân vương, là mẫu hậu, là công chúa, là hiệp khách giang hồ võ công cái thế… Ở “đoàn hát” này có ông Ba Võ chuyên đóng kép độc.

Một lần, ông đang đóng vai phản diện trên sân khấu, tới đoạn mâu thuẫn gay gắt quyết liệt giữa hai nhân vật chánh tà, bất ngờ từ dưới đất bà Tư cùng xóm với “kép” Ba Võ nhào lên sân khấu nắm đầu ông này lôi xuống mắng té tát vào mặt rồi đánh túi bụi. Chưa đã giận, bà xách đuốc ngoe nguẫy đi về để… đốt nhà “thằng mất dạy”! Hoàn hồn, ông Ba Võ chỉ còn biết cười trừ với gương mặt méo xẹo. Tuồng tích cho những đêm hát ở đây đa số là những tuồng hát nổi tiếng trước giải phóng đã được nhiều người thuộc lòng soạn lại như: Người câu bóng trăng, Đêm lạnh chùa hoang, Sơn nữ Phà Ca, Người tình trên chiến trận… Nhiều lần các vị lãnh đạo văn hóa của xã đã đến giải tán “đoàn hát” vì tội “truyên truyền văn hóa đồi trụy(!?)” nhưng chính cha mẹ ông bà các vị ấy lại khuyến khích anh chị em “nghệ sĩ” chân đất kia cứ hát, “có gì tụi tao chịu trách nhiệm cho!”. Và, tôi dám chắc trong tâm hồn những “nghệ sĩ” nhỏ kia có chứa đựng những đam mê nhỏ đã “mớm” cho chúng tôi một món ăn tinh thần cũng nhỏ như vậy nhưng cần thiết trong cơn đói quặc quẹo nhiều ngày của thời buổi nhiễu nhương đó.

Sự nghèo đói văn hóa văn nghệ cũng ngột ngạt, bứt rứt, khó chịu như đói nghèo những thứ khác. Cho nên, từ khi có “đoàn hát” nghiệp dư này thì đêm nào sân lúa của ông Tư Trà cũng chật ních người. Già trẻ bé lớn đốt đuốc, bưng đèn dầu, xách đèn mủ u lặn lội một hai cây số để coi hát. Có khi trời mưa bất tử, cả “nghệ sĩ” và khán giả đều ướt chèm nhẹp nhưng họ vẫn dứng dưới mưa hát, ngồi dưới mưa coi cho tới giãn tuồng. Họ cùng buồn vui hờn giận với số phận của các nhân vật trong tuồng hát để quên đi nỗi âu lo nhọc nhằn thiếu thốn đang bũa vây họ. Sau đó ít năm thì trong ấp có một vài gia đình sắm được ti vi trắng đen, người dân dồn vào loại hình giải trí mới mẻ này vì được tận mắt xem các nghệ sĩ nổi tiếng ca diễn. Vậy là “đoàn hát” của ấp bắt đầu ế khách và giải thể. Sự giải thể này nhẹ hều bởi họ không mất mát gì và cũng chẳng có gì để mất khi mà họ thật sự vô tư lấy lời ca tiếng hát phục vụ cho niềm vui của nhiều người cũng là tạo niềm vui cho chính mình sau một ngày vất vã với ruộng đồng, vườn tược.

Thập niên sáu mươi và đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước được coi là thời kỳ vàng son của cải lương Nam bộ. Sau đó một thời gian dài tưởng đâu lụi tàn theo thời cuộc thì đến giai đoạn cuối những năm tám mươi đến đầu thập niên chín mươi thế kỷ hai mươi nó lại được phục hưng. Lúc này luồng gió đổi mới của đất nước tạo không gian mở cho nhiều lãnh vực của cuộc sống, trong đó có văn hóa nghệ thuật dù vẫn còn có những hạn chế nhất định. Không kể các đoàn cải lương lớn ở Sài Gòn phát triển mạnh mẽ, những đoàn tỉnh cũng rầm rộ được thành lập. Các diễn viên khóa một, khóa hai của Nhà hát Trần Hữu Trang may mắn ra trường trong thời điểm này “sống được” với nghề mà không phải bôn ba lận đận như các đàn em khóa sau. Sân khấu cải lương Nam bộ trở lại thời hoàng kim của nó nhộn nhip từ thành thị tới nông thôn. Ăn theo, các đoàn huyện, đoàn xã cũng bon chen xin phép thành lập. Thời gian đầu thì các đoàn nhỏ cũng kiếm ăn được ở các vùng nông thôn, các thị trấn, thị tứ. Nhưng, sự cạnh tranh và đào thải bắt đầu phát huy chức năng của nó khi đất nước bước vào nền kinh tế thị trường. Các đoàn lớn nhận ra ngay”thị trường” của mình không chỉ ở những thành phố lớn hay thị xã mà là những trung tâm văn hóa của huyện. Vậy là họ “tấn công” ngay khu vực này giành lấy khán giả. Các đoàn huyện, đoàn xã lập tức bị dồn về vùng sâu, vùng xa với lượng khán giả ngày càng bị thu hẹp. Rồi, chuyện gì đến sẽ đến, trụ không được thì phải rã gánh.

Năm 1988, đoàn hát Bông Hồng trực thuộc một huyện ở đồng bằng sông Cửu Long “trôi” về vàm kinh Bổn Sồ gần nhà tôi để mong ráng gượng những “hơi thở” cuối cùng sau khi đã bị đánh bầm giập ở các bến khác. Sự thoi thóp của đoàn hát ở giai đoạn chết lâm sàng đã ám ảnh tôi cho tới bây giờ. Tới đây, Trời lại không thương, tổ không đãi, hơn nửa tháng dọn về chỉ hát được một đêm với lèo tèo vài chục khán giả, còn lại là những ngày mưa dầm dề. Một đoàn hát trên hai chục con người từ chị bầu gánh, đào kép, nhạc công, âm thanh, ánh sáng nheo nhóc, điêu tàn trong những buổi chiều mưa gió tả tơi. Nhất là chị bầu gánh (cũng là diễn viên của đoàn), chị thường ngồi đưa đôi mắt u uẫn chống càm nhìn lên bầu trời xám xịt thở dài, cái thở dài dễ đoán được tâm trạng. Chị chưa già nhưng cũng không còn đủ trẻ để đóng được các vai thiếu nữ hay công chúa, chị thường đàm nhận những vai già nua khắc khổ, ứng với cuộc đời chị, ít nhất là trong thời điểm này. Đói, họ bắt đầu lần lượt bán đi những thứ vật dụng không cần thiết nhất của đoàn hát. Tay kép chánh thất nghiệp giăng võng dưới gầm sân khấu nghêu ngao những câu vọng cổ cho đỡ buồn. Thỉnh thoảng anh này thì thầm một đoạn nói lối đầy bi ai trong một tuồng tích nào đó về thân phận của đời nghệ sĩ nghe mà chua xót, nghe mà ngậm ngùi. Rồi như chưa đủ “độ” đau, anh ta bất ngờ rống lên cay đắng nức nở một câu vọng cổ cải biên như để thỏa mãn nỗi oan ức gì đó trong cuộc đời. Tiếng hát của người nghệ sĩ trong cơn bĩ cực mới ai oán và chua chát làm sao! Riêng cô đào chánh thì xách bộ bài Tây đi coi bói cho những bà những cô trong xóm để sống lây lất qua ngày.

Trời hết mưa, đoàn thông báo mở màng trở lại nhưng ác thay, ngoài thị trấn Chợ Lách cách đó chỉ ba bốn cây số, một đoàn hát lớn khác với các nghệ sĩ tên tuổi cũng vừa về dựng rạp. Sân khấu mở màng mà khán giả thì “không nấu ngọt nồi canh”! Vậy là phải trả vé và lầm lủi thay y trang rồi mỗi người tìm một góc nằm chèo queo mặc cho muỗi cắn và cơn đói hoành hành. Nhiều người trụ không được lần lượt quảy giỏ ra đi, đoàn hát cứ “rụng” dần, hết quân vương rồi tới binh sĩ, hết hoàng hậu rồi tới nữ tì, họ trôi dạt về đâu không ai biết được. Những người không nỡ bỏ gánh, nấn ná ở lại với hy vọng mong manh thì lân la phụ hợ hàng xóm việc này việc kia để kiếm bữa ăn, bữa nhậu. Chị bầu gánh lai tiếp tục bán những vật dụng khác của gánh hát để trang trải nợ nần cho hàng quán xung quanh. Hết đồ để bán, chị bầu gánh (nếu tôi nhớ không lầm có nghệ danh là Thanh Thanh), ngại ngùng đến mấy nhà gần đó mượn rổ xúc, mượn nồi rồi cũng ngại ngùng xuống sông bắt chước dân bản xứ cào hến, bắt tép để cải thiện bữa ăn cho những người còn lại trong đoàn. Nhìn người phụ nữ từng là mẫu nghi thiên hạ trên sân khấu, từng oai phong lẫm liệt trong vai nữ tướng đầy bản lĩnh và uy quyền lọ mọ bắt từng con hến, con tép dưới sông khiến tôi chạnh lòng.

Gạo thì người dân thương tình ( có cả vì yêu mến nghệ sĩ) mà góp lại mỗi người năm ba lít để họ ăn tạm qua ngày. Áo mão cân đai, gươm giáo cờ trống, long bào vương miện… cái gì bán được thì bán tất. Cái nào gá nợ được thì gá nợ. Chị bầu gánh mặt đăm chiêu suốt hai ngày bỏ ăn bỏ uống để có một quyết định đau lòng: giải thể gánh hát! Sân khấu tiêu điều, những gương mặt nghệ sĩ tiêu điều mạnh ai nấy xách giỏ chào nhau bằng những cái nhìn buồi rười rượi. Tôi nhớ như in thứ vật dụng cuối cùng mà chị bầu gánh bán đi là đôi dép da trầy xướt vài chỗ. Chị ôm gói hành lý đi chân không đến bến đò về Vĩnh Long bằng những bước chân nặng trĩu nỗi niềm. Bà Hai Sang, bà lão mà tôi có dịp nhắc tới ở đoạn trên, cố chóng gậy bươn bả bườn theo nhét vào túi chị bầu gánh vài trăm đồng để “em có tiền mà đi đò về quê”, nước mắt người nghệ sĩ thất thời rịn ướt cả khuôn mặt.

Vậy thì, tôi hy vọng gì vào cái nghề bạc bẽo đó mà thi vào trường nghệ thuật sân khấu? Đam mê? Ý thức nhắc tôi rằng tôi chưa đủ “độ” đam mê để trở thành một nghệ sĩ nhỏ chứ đừng nói tới thành danh. Rồi tiềm thức lại bảo, hãy dấn thân đi mình sẽ đạt được mục đích. Ý thức và tiềm thức đấu tranh nhau cho tới một ngày tôi nhận ra tôi đang hoang tưởng về bản thân mình. Thật ra, tôi đang chạy theo sự xúi giục của bản năng, đang chấp chới những ảo vọng từ hấp lực của ánh đèn sân khấu chứ con người nghệ sĩ ở tôi hoàn toàn trống rỗng. Tôi không có đam mê. Tôi không có năng khiếu bẩm sinh, tôi không đủ bản lĩnh để dấn thân, hai chữ đam mê chỉ là sự hoang tưởng đặt trên nền móng của người ham thích nghệ thuật đơn thuần. Nói chung là tôi không có một chút tố chất nào của người nghệ sĩ. Vậy là tôi rút lui sau chín tháng trong môi trường nghệ thuật chính qui đầy quyến rũ, vậy mà, tôi lại không một chút hối tiếc, mới lạ!

Nhắc tới nghiệp hát và đam mê nghề thì phải nhắc tới những gia đình mà ba bốn thế hệ vẫn còn đeo đuổi nghề nghiệp như các gia đình nghệ sĩ lớn ở sài Gòn. Gia đình của nghệ sĩ Thanh Tòng, nghệ sĩ Thành Tôn… trải qua nhiều giông gió bão tố thăng trầm vẫn còn có những hậu duệ đang hoạt động và thành danh trong nghề. Đất Sài Gòn giàu có sang trọng nuôi những đam mê vốn dĩ đang ngày càng có nguy cơ mai một như cải lương không nói gì, ở tại quê hương tôi cũng có một đại gia đình mà bốn thế hệ trôi qua vẫn gắn bó với cái nghiệp “xướng ca” mới là lạ. Đó là gia đình của gánh hát bầu Đua ở xã Hòa Nghĩa huyện Chợ Lách nổi tiếng từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Gia đình này khởi nghiệp bằng gánh hát bội phục vụ đám cúng đình trong huyện. Người đứng ra thành lập gánh hát là ông bầu Sang. Diễn viên trong đoàn hầu hết là bà con họ hàng của ông. Cha mẹ bầu Sang là những người mê hát bội, cải lương nên lên tận Sài Gòn mướn thầy về nhà dạy hát cho con. Học xong, ông lần lượt truyền nghề lại cho anh chị em trong dòng họ rồi tập hợp nhau thành lập gánh hát.

Ban đầu, gánh hát chỉ phục vụ cho nhu cầu cúng kiến lễ lộc trong xã. Dần dà, tiếng lành đồn xa, nhất là gánh hát có cô đào Kim Vui ( Võ Thị Vui ), con của bầu Sang nổi tiếng hát hay diễn giỏi lại nết na thùy mị nên khán giả ái mộ cứ một đồn mười, mười đồn trăm khiến cho gánh hát bội của bầu Sang nổi như cồn khắp xứ đồng bằng. Thời đó, những đoàn hát bội của các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang muốn tăng cường đào kép để hát mà không mời được đào Kim Vui thì Ban tổ chức sẽ  không “bấm tờ” ( ký họp đồng như bây giờ ). Bầu Sang qua đời, đào Kim Vui kết duyên với ông Trần Văn Đua (sau trở thành bầu Đua nổi tiếng trong giới sân khấu đồng bằng). Gánh hát bầu Sang sau đó được đổi tên thành gánh bầu Đua và chuyển sang hát cải lương. Gánh bầu Đua trụ được một thời gian rồi do chiến tranh giặc giã đành trở về quê tiếp tục phục vụ hát đám tiệc, cúng đình ở huyện nhà.

Bầu Đua và đào Kim Vui có cả thảy mười ba người con thì có mười một người theo nghiệp hát. Người cho tới hiện nay đã làm rạng danh gia đình là nghệ sĩ Dương Thanh, trưởng đoàn Trần Hữu Trang I. Năm 1984, thấy sân khấu cải lương nhiều nơi manh nha phục hồi, nhất là sân khấu cải lương Sài Gòn bắt đầu khởi sắc, bà Kim Vui xuất vốn, “gom” tất cả các con từ lớn tới nhỏ lại truyền nghề rồi xin phép cơ quan văn hóa huyện thành lập đoàn Văn công xã Hòa Nghĩa. Được chấp thuận, đoàn cải lương của đại gia đình bà Kim Vui khuấy động phong trào văn nghệ quần chúng thời đó. Những tuồng như Tình ca biên giới, Ngọc ẩn rừng thiêng, Tình hận thâm cung, Lâm Sanh Xuân Nương… được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Năm 1987, để có pháp nhân nhằm hát phục vụ khỏi địa phận huyện nhà, đoàn xin phép nâng cấp thành đoàn Văn công Chợ Lách.

Trong hơn năm năm tồn tại, trừ những ngày mưa và những yếu tố khách quan khác, đoàn văn công Chợ Lách đi đến đâu là thu hút khán giả tới đó. Đoàn hát xoay vòng các xã trong huyện nhà xong sẽ “đánh” sang các huyện lân cận thuộc tỉnh Vĩnh Long. Sân khấu của đoàn Văn công Chợ Lách khởi sắc tưng bừng mặc cho có sự cạnh tranh tồn tại quyết liệt của các đoàn khác trong khu vực. Rồi, sân khấu cải lương đồng bằng sông Cửu Long “hồi dương” được trong hơn một thập niên lại bắt đầu có dấu hiệu suy tàn do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Ngành nghệ thuật sân khấu cải lương có lúc đứng bên bờ vực bị khai tử. Những đoàn nhỏ chen lấn không được lần hồi rơi rụng theo thời cuộc, những đoàn lớn cũng bắt đầu vắng khách và rút về các thành phố lớn nằm chờ thời. Đoàn Văn công Chợ Lách cầm cự được tới năm một chín chín hai, lúc mà bộ phim Tây du ký bắt đầu phát sóng trên ti vi, hút mọi thành phần khán giả vào loại hình giải trí hấp dẫn này. Sân khấu điêu tàn và đoàn Văn công Chợ Lách quyết định giải thể tại xã An Bình huyện Long Hồ, Vĩnh Long. Chị Thanh Phượng, người con thứ mười một của đào Kim Vui và bầu Đua đảm nhiệm chức trưởng đoàn Văn công Chợ Lách lúc đó ngậm ngùi:

– Rã đoàn, may mắn là anh chị em thời ấy ai cũng tích lũy được một ít vốn để về quê sinh sống. Nhưng… cái cảm giác thiếu ánh đèn sân khấu, thiếu khán giả, thiếu tiếng vỗ tay mỗi khi xuống vọng cổ, thiếu những buổi cháo khuya mà đại gia đình quay quần trong những ngày lang bạt thì buồn vô cùng, nhớ nghề vô cùng. Gánh hát giải thể, mỗi người trong gia đình tìm cho mình một cách mưu sinh nhưng hầu hết không ai bỏ nghề mà vẫn đi hát phục vụ theo yêu cầu của các đám tiệc trong và ngoài xã. Cải lương bây giờ “hẻo” quá, nếu mà nó “sống” lại được như ngày xưa, chị em tụi tui dám tập hợp lại đi hát nữa chứ giỡn! Thôi kệ, thỉnh thoảng có người kêu hát đám tiệc, cũng vui, cũng đỡ nhớ nghề và cũng để còn có cái mà hy vọng… Như mấy đứa con chị Năm (Lệ Thanh) và chị Sáu (Diễm Lệ) của tui đó, hiện nay vẫn nối nghiệp gia đình theo cậu Dương Thanh lên Sài Gòn chạy sô cải lương, chắc cũng sống được…

Chữ “sống được” của người nghệ sĩ miệt vườn nghe nhẹ hơn những âm sắc khác trong câu nói tạo cho người nghe cảm giác không yên tâm nhưng vẫn hy vọng, mà sự hy vọng lại tạo tiền đề cho nhiều thứ khác của con người.

***

Năm hai ngàn, tình cờ tôi có dịp tiếp xúc với anh em văn nghệ của tỉnh Bến Tre sau khi trải qua những thăng trầm với đủ thứ nghề kiếm sống. Rồi lân la chơi, lân la tìm hiểu và lân la nhập cuộc lúc nào không biết. Tôi tới chơi với anh em văn nghệ bằng tâm thế của kẻ thiếu tự tin vì “vốn liếng” chẳng có gì ngoài một mớ kiến thức phổ thông lõm bõm trong đầu với mấy bài thơ “ngọng nghịu”! Vậy mà được khuyến khích, được động viên một cách chân tình nên mới tập tọng viết lách. Mới đầu viết chỉ vì nhu cầu bày giải, viết vì thấy… thích viết, vậy thôi! Lâu dần, văn chương chữ nghĩa như ma ám, được đăng thì ráng viết, không được đăng thì viết nhiều hơn, viết như khùng, như ma nhập.

Nhiều lúc muốn bứt mình ra khỏi cuộc chơi vốn không dành cho những kẻ thiếu tài thiếu vốn sống như mình (có cả vì cơm áo gạo tiền) nhưng lần nào cũng thấy dằn vặt, buồn rầu, đau đớn để rồi lại “ghé” vào chơi như kẻ nghiện. Cho tới bây giờ tài sản của hơn một chục năm lăn lộn với con chữ là vài bài ký, mấy cái truyện, ít bài thơ mà cái nào cũng thuộc dạng “đăng cũng được mà không đăng cũng chả sao”! Có điều, lần này thì khác với hồi tôi thi vào trường Trần Hữu Trang vì hơn mười năm rồi tôi vẫn chưa ngoảnh lại để hoang mang, để nuối tiếc, để muốn rời xa. Tôi vẫn chưa dám gọi cái mình đang đeo đuổi là đam mê vì biết rằng cuộc chơi nghệ thuật nào cũng luôn tiềm ẩn sự đào thải khắc nghiệt. Tôi cũng không biết mình có “sống được” như những đứa cháu thế hệ thứ tư theo nghề cải lương bằng sự đam mê di truyền của nghệ sĩ

Thanh Phượng hay không nhưng vẫn phải hy vọng dù biết bể dâu vẫn đang chờ phía trước.

ĐÀO NGỌC VINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *