Tình ái hữu trên đất lành Brazil

Kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Brazil (8.5.1989 – 8.5.2024)

Thiết lập ngoại giao từ 8.5.1989, nhưng tới năm 2003 Việt Nam mới có Đại sứ (ĐS) tại Brazil, đầu tiên là ĐS Nguyễn Văn Huỳnh. Trước ĐS Bùi Văn Nghị, chưa ĐS nào gặp quan chức thể thao Brazil. ĐS Bùi Văn Nghị có quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước từ 24.2.2023 nhưng mới sang làm việc tại thủ đô Brasilia từ 16.11.2023.

Bùi Văn Nghị là ĐS thứ 7 và là ĐS đầu tiên của Việt Nam  đã gặp gỡ trao đổi trực tiến dự định, chiến lược của Chủ tịch VFF tới Tổng thư ký LĐBĐ Brazil lúc 2 giờ sáng 24.4.2024 (theo giờ VN tức 16 giờ chiều 23.4 giờ Brazil). Ngài là ĐS Việt Nam đầu tiên tham dự và phát biểu số 1 tại Hội nghị quốc tế về chính sách công và kinh tế trang trại gia đình G20 tại Brasilia, 29.4.2024.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập bang giao Việt Nam – Brazil.

Đại sứ Bùi Văn Nghị trình Quốc thư tới Tổng thống Brazil, Lula da Silva, phía sau là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (cao nhất) và cố vấn Tổng thống, Amorim (râu bạc).

Niềm xúc động lớn khi tôi được đứng tại Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQ VN) ở thủ đô Brasilia tối 7.5.2024 để tôn vinh những mốc son lịch sử trong sự kiện kép tổ chức nơi này. Thành phố duy nhất xây dựng thế kỉ XX (1960) được UNESCO phong di sản năm 1987.

Một buổi tối có lẽ đặc biệt nhất trong sự nghiệp ngoại giao của tôi bởi có cơ hội chào mừng những kỉ niệm lớn ngay ở năm đầu của nhiệm kỳ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà XHCNVN tại Cộng hoà Liên bang (LB) Brazil kiêm nhiệm 4 quốc gia Nam Mỹ.

Làm sao đủ thời lượng và ngôn ngữ diễn tả hết suy nghĩ, xúc cảm và những gì muốn làm, mọi dự định, khát vọng trong khuôn khổ vài giờ của cuộc hội ngộ với bạn bè Brazil và quốc tế? 24 tiếng/ ngày, 24 chữ cái tiếng Việt và 26 chữ cái tiếng Anh, nói như văn hào Mỹ E.Hemingway: “chỉ như phần nổi của tảng băng trôi”.

Trôi qua tròn 35 năm của mối bang giao giữa hai nước chúng ta. Trong những người bạn Brazil gần xa trên lãnh thổ rộng lớn này, những người yêu mến Việt Nam, các bạn bè của tôi và đất nước tôi, có bao người hiểu trọn vẹn 35 năm hành trình hữu nghị?

Có bao người góp trí tuệ, tâm huyết, công sức vào hành trình ấy?

Có bao người chứng kiến toàn bộ hay tham dự/ cảm nhận một hay một số chặng đường?

Thật bồi hồi khi nghĩ tới mùa Hè 35 năm trước, khi Việt Nam và Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao. Một đất nước vừa mở cửa kinh tế được 3 năm, đầy khó khăn, còn đang bị Hoa Kỳ cấm vận; hạt nhân của Liên bang Đông Dương thời Pháp thuộc, quốc gia bên biển Đông, đã nhìn xa tới Nam bán cầu, kết bạn với một cường quốc ở Nam Mỹ.

Tình bạn ấm qua hơn 2 vạn km và 26 giờ mỗi chuyến bay qua 2 châu lục.

Tình bạn gần gũi qua hai biển Thái Bình Dương, Đại Tây Dương mà vẫn đồng cảm, tương đồng bởi chính thể luôn tôn trọng nhân dân, tôn quý người lao động.

Tình bạn cộng hưởng khát vọng cùng xây đắp tương lai.

Là nền kinh tế lớn nhất khu vực, đối tác số 1 của Việt Nam tại Nam Mỹ, Cộng hoà LB Brazil tuy xa mà gần trong tâm thức Việt Nam. Bất cứ người Việt Nam bình thường nhất nào đều biết Brazil là cường quốc bóng đá (BĐ), xứ sở điệu Samba cuồng nhiệt, với hơn 218 triệu trái tim rực lửa. Và hầu hết người Việt Nam nào cũng biết Brazil sở hữu rừng Amazon rộng nhất, sông Amazon dài nhất, nhiều cảng biển và cuộc sống luôn sôi động, lạc quan, ngợp sắc màu rực rỡ. Brazil là một “thế giới cuốn hút” như những bức graffiti tưởng như bất tận khó mà đo chính xác được tổng số met tranh ở các thành phố tôi thăm qua các đợt công tác, dù chỉ 3 – 5 ngày mà ấn tượng mạnh: Sao Paulo, Rio de Janeiro, Salvador.

Thạc sĩ Bùi Văn Nghị – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà XHCN Việt Nam tại Cộng hoà Liên bang Brazil (kiêm nhiệm Đại sứ VN tại Cộng hoà Peru, Guyana, Bolivia, Suriname): “Tôi hy vọng văn hóa là trung tâm trong khát vọng của đất nước!” – Tôi tâm đắc câu này trong bài phỏng vấn mới nhất của PGS, TS Văn hoá Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên thường trực ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội. Tôi trao đổi tinh thần ấy với ĐS Bùi Văn Nghị ngay đúng sinh nhật ông ngay 3.5, ĐS quả quyết: “Nhất định sẽ nỗ lực cao nhất cho hoạt động giao lưu, quảng bá Văn hoá 2 nước, dù có rất ít thời gian trong nhiệm kỳ 3 năm là ĐS kiêm nhiệm 5 quốc gia. Năm 2024 là năm kỉ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao với Brazil và 30 năm với Peru. Trong sự kiện tổ chức kết hợp 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 35 năm hữu nghị Brazil, tôi đã mời được lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Phát triển điền địa và nông trại gia đình và các nghị sĩ, trí thức. Tới đây, tôi sẽ gặp lãnh đạo, chuyên gia nhiều bộ, ngành và thăm ngài Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện. Năm nay, Nhà nước chỉ đồng ý tổ chức Ngày Văn hóa Việt nam tại Brazil và Ả Rập Xê út. Tôi đã có đề cương cho sự kiện đặc biệt này trình Bộ Ngoại giao từ cuối tháng 12.2023 và vẫn đang tích cực bổ sung, hoàn thiện. Bên cạnh tuần phim, triển lãm tranh, ảnh, hoạt động biểu diễn, tôi rất mong sẽ có các sáng tác văn chương của Việt Nam viết về Brazil, Peru để tổ chức dịch ra tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha – ngôn ngữ của hai quốc gia này và tiếng Anh để quảng bá rộng khắp về thơ đương đại Việt Nam cũng như tìm tác phẩm hay để phối hợp với ĐSQ Brazil tại Việt Nam đầu tư xuất bản.” (Theo VI VI)

Người Việt Nam có câu “Tam thập nhi lập”, 30 tuổi là trưởng thành. Tuổi 35 trung niên là đi nửa chặng đời. Mối bang giao của hai nước chúng ta đi qua mấy thế hệ, nhiều những cuộc đời. Từ năm 2007, quan hệ Đối tác toàn diện được xác lập, tính năm thì nay là 17 mùa Xuân, tuổi của thiếu nữ – chàng trai thời đẹp nhất. Lịch sử trong lịch sử khi chúng tôi sắp kỉ niệm 134 năm sinh lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khi là chàng trai tuổi 22, Nguyễn Tất Thành, theo tàu biển quốc tế, trên hải trình bôn ba tìm đường cứu nước, đã đến Rio de Janeiro. Người không chỉ ghé qua, đặt chân; Người đã sống tại thành phố này 6 tháng. Anh hùng giải phóng dân tộc của chúng tôi đã có nửa năm làm việc, hoà mình vào đời sống thợ thuyền, người lao động Brazil nơi cảng lớn này. Trong sự nghiệp một vĩ nhân đã tham gia lập Quốc tế Cộng sản, nhà cách mạng nổi tiếng của giai cấp vô sản thế giới, lãnh tụ Hồ Chí Minh chắc chắn không quên thời gian lưu trú ở Rio de Janeiro. Tôi nghĩ, lịch sử quan hệ sâu  sắc của chúng ta phải tính từ đó. Tôi đã lần tìm nơi Bác Hồ của chúng tôi sống, làm việc, chữa bệnh hôm 19 – 20.3.2024, mục đích chính của chuyến công tác lần đầu tôi tới Rio de Janeiro Rio. Joaquim Silva, nơi Nguyễn Tất Thành sinh sống – khu phố của thợ thuyền, dân nghèo – ngày 20.3.2024, tôi tới và thăm khu Lapaz, nơi Người từng làm việc để tìm hiểu về đời sống và đấu tranh của công nhân, thủy thủ Brazil trong 6 tháng, năm 1912.

Sau đó, Người đi Boston và New York (Hoa Kỳ), London – Anh, Paris – Pháp, Moskva – Nga… Tôi đã gặp hậu duệ của nhân chứng từng được gặp Bác  Hồ. Thật xúc động khi  một số người dân và các quan chức cao nhất của TP đều biết Hồ Chí Minh thời trẻ sống tại đây.

Phó Thị trưởng Nilton Caldeira khẳng định sự quan tâm của thành phố đối với hành trình của lãnh tụ Việt Nam tại Rio de Janeiro và đề xuất các hình thức lưu niệm/tưởng niệm hành trình này tại khu vực Quảng trường Lapaz; đặt tên con đường Việt Nam; vẽ tranh tường về hành trình của Nguyễn Tất Thành tại Rio de Janeiro.

10 năm sau ngày Nguyễn Tất Thành đến Rio, Đảng Cộng sản Brazil ra đời – năm 1922. Tôi ghé thăm CLB BĐ Vasco de Gama gắn với Đảng này (21.3.2024), dự – phát biểu trong Lễ hội đỏ tại Salvador (22 – 24.32024).

Bìa tiểu thuyết ‘Đất dữ ” của J.Amado (tái bản 2016, NXB Văn học). Dịch giả chính Dương Tường (dịch năm 1962).

Với quyết tâm nâng quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược, Việt Nam hằng coi Brazil là bạn quý, chúng ta có nhiều tiềm năng để phát triển, nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên thủ Việt Nam sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio, thì: “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

Cá nhân tôi, đang và tiếp tục nỗ lực để khai thông và phát triển luồng giao lưu văn hoá nghệ thuật đầy bản sắc của hai nước, mà Văn học tiếng Bồ Đào Nha vào Việt Nam và Việt Nam sang Brazil gần như “vùng trắng”.

Thực ra hơn 60 năm trước, độc giả Việt Nam đã biết đến Brazil qua tiểu thuyết Đất dữ của nhà văn lớn và danh tiếng nhất Brazil – Jorge Amado (1912 – 2001) mà dịch giả lớn của Việt Nam – Dương Tường, đã dịch từ bản tiếng Anh khi ông 30 tuổi. Sự nghiệp dịch giả của Dương Tường (1932 – 2023) gắn với nhiều tác phẩm của các nhà văn lớn, nhận giải Nobel và suốt đời, ông ao ước sang thăm Brazil, ước mơ 61 năm gần bằng tuổi bản dịch. Là con điền chủ sa sút, sinh trưởng tại Salvador (thủ đô Brazil trước năm 1763, thủ phủ bang Bahia) tại khu phố nghèo, gia đình sống bằng nghề trồng cacao, Amado đã chứng kiến quá trình đấu tranh để Brazil sau này là vựa cacao – cafe thế giới. Trên 100 đầu sách của Amado, nhiều cuốn được chấp bút tại Salvador. “Tôi viết sách là để tái tạo thực tế Brazil, tái tạo cuộc sống của nhân dân. Tất cả nội dung các cuốn sách đều thoát thai từ thực tế cuộc sống”.

Cuộc tranh giành khốc liệt địa hạt đất đen, loại đất lý tưởng nhất cho cây cacao, là cuộc chiến sinh tồn giữa giới chủ đồn điền và giới chủ với người lao động – nội dung của danh tác.

Đất dữ đã chuyển ngữ hơn 50 tiếng trên thế giới và được làm phim điện ảnh. Nhà văn I.Erenburg (1891 – 1967) khi giới thiệu Đất dữ xuất bản tại Nga đã viết: “Có một thời, trước khi biết đến một Brazil qua báo chí và các công trình nghiên cứu, bạn đọc trên thế giới thường chỉ biết đến một Brazil qua tác phẩm của Jorge Amado”.

Là nghị sĩ Cộng sản của bang Sao Paulo, từng bị nhà cầm quyền bỏ tù, nhà văn phải sống lưu vong nhiều năm tại Argentina và Pháp. Jorge Amado từ trần ngày 6.8.2001 tại Salvador. Sự ra đi của ông gây xúc động mạnh trong công chúng yêu văn học toàn thế giới. Tại bang Bahia, chính quyền đã để tang người con ưu tú của mình trong 3 ngày.

Jorge Amado là nhà văn có lối sống rất thẳng thắn, trung thực. Thẳng thắn với người và trung thực với chính mình.

“Nhà văn Brazil nổi tiếng nhất” – dòng chữ thường in trên bìa sách của cha đẻ Đất dữ khi xuất bản tại nước ngoài.

Quá trình xây dựng đất nước lớn mạnh trong thế kỉ XX đến nay, Đảng Cộng sản và Đảng cầm quyền là Đảng Lao động Brazil và gần 220 triệu dân đã tạo nên những mùa bội thu từ đất lành, trong đó có tình bạn tuyệt vời Việt Nam – Brazil.

BÙI VĂN NGHỊ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *