Ca từ Trịnh Công Sơn, một chữ cũng gây xôn xao

Rất nhiều ca sĩ đã phải nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi với gia đình, khán giả yêu nhạc Trịnh khi hát sai một chữ trong ca khúc của ông.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Một chữ cũng gây bão

Câu chuyện gần nhất gây xôn xao là ở hậu trường chương trình thực tế “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”, ca sĩ trẻ Trang Pháp có ý tưởng viết lại lời trên nền một giai điệu nhạc Trịnh, lập tức Mỹ Linh đã phản đối ngay, và còn gửi lời cảnh báo đến Trang Pháp với đại ý, nếu đụng tới nhạc Trịnh sẽ chịu sự phản ứng từ khán giả trong nước đến quốc tế.

Trước đó, ca sĩ Mỹ Linh, Thu Phương đã phải lên tiếng xin lỗi gia đình, khán giả yêu thích nhạc Trịnh khi hát sai lời ca khúc “Diễm xưa” trong chương trình “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”.

Khi tham gia trình diễn bản mash-up (kết hợp) “Diễm xưa” và “Đại minh tinh”, Mỹ Linh và Thu Phương đã hát “Nhớ mãi trong cơn đau vùi”, trong khi bản gốc của phần ca từ này được viết “Nhỡ mai trong cơn đau vùi”.

Đây không phải lần đầu, những ca sĩ kỳ cựu như Mỹ Linh, Thu Phương phải xin lỗi vì hát sai ca từ nhạc Trịnh.

Nhạc Trịnh với hệ thống ngôn ngữ đặc biệt với những nét riêng về cấu trúc, cách sử dụng từ – tiếng, với âm hưởng, ý nghĩa đặc trưng phong cách cá nhân của Trịnh Công Sơn. Nhiều ca từ có thể khiến người nghe lạ lẫm, dễ dẫn để nhầm tưởng.

Đơn cử trong ca khúc “Một cõi đi về” có câu “con tinh yêu thương vô tình chợt gọi”, nhưng nhiều ca sĩ khi hát đã “biến hóa” thành “con tim yêu thương vô tình chợt gọi” và đinh ninh như thế là đúng.

Nhưng, Thái Hòa – một ca sĩ từng hát và nghiên cứu về nhạc Trịnh trong thời gian dài từng chia sẻ rằng, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lý giải về “con tinh yêu thương” trong “Một cõi đi về” ý chỉ những cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế. Những cô gái ấy thường hay được gia đình, người thân mắng yêu theo kiểu Huế là “đồ yêu tinh”. Và chữ “tinh” này được sử dụng trong nhạc Trịnh với ý nghĩa đó.

Ca từ là một giá trị rất riêng trong thế giới chung của nhạc Trịnh. Nhạc sĩ Văn Cao từng gọi nhạc Trịnh là ca thơ, trong đó không phân biệt được đâu là ca đâu là thơ. Với lối cấu trúc, ngữ nghĩa đặc biệt và rất riêng như thế, mỗi một chữ sai trong nhạc Trịnh cũng có thể gây bão dư luận.

Bởi vậy, yêu nhạc Trịnh là yêu giai điệu yêu mỗi ca từ trong nhạc.

Đã 23 năm, Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm, 23 năm với muôn vàn biến thiên trong đời sống âm nhạc, nhưng nhạc Trịnh vẫn là một thể loại mang tên riêng, một vị trí tôn nghiêm, một con đường thiêng – mà bất cứ ai muốn thể nghiệm cũng ngại ngần, thận trọng.

Bút tích của Trịnh Công Sơn.

Như cánh vạc bay

Đã 23 năm, Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm (ngày 1.4.2001), nhưng hình bóng, cuộc đời, tên tuổi và âm nhạc của ông vẫn phủ rộng với sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ.

Năm 2022, bộ phim “Em và Trịnh” ngay khi ra mắt đã chịu bủa vây trước rất nhiều tranh cãi xoay quanh những chi tiết, tạo hình nhân vật Trịnh Công Sơn, cũng như thông tin về các bóng hồng đi qua cuộc đời ông.

Cuộc đời Trịnh và âm nhạc của ông luôn có vị trí thiêng liêng trong lòng người hâm mộ, nói như NSND Trần Lực “ai cũng có một Trịnh Công Sơn riêng trong trái tim mình”, bởi thế, mỗi sự cải biên, phóng tác đều có thể bị phản ứng.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh trong suốt quá trình quay “Em và Trịnh” đã chia sẻ với phóng viên Lao Động, “Khi làm phim về Trịnh Công Sơn, tôi đọc nhiều về Trịnh, đọc triết lý sống, cách nhìn của ông về cuộc đời, tất thảy đều rất nhẹ nhàng. Chính sự nhẹ nhàng xuất phát từ ông, đã giúp những người xung quanh ông cũng cảm nhận được mọi sự trên đời này đều nhẹ nhàng. Trịnh Công Sơn đã thay đổi tôi”.

Phan Gia Nhật Linh nói thêm, “Có điều lạ là, chúng tôi đã gặp rất nhiều người bạn của Trịnh, và ai khi gặp cũng khẳng định họ chính là người thân nhất”. Với bạn bè, với những người cùng thời với Trịnh, họ vẫn kể về ông đầy sống động, trân quý.

NSND Trần Lực – người đóng Trịnh Công Sơn ở “Em và Trịnh” nói, “Việc vào vai một nhân vật được yêu mến như Trịnh, vừa có cái khó, nhưng cũng vừa có cái dễ. Dễ là có thể sẽ được yêu mến lây (cười).

Khó là, có quá nhiều tư liệu, có quá nhiều góc nhìn, có quá nhiều hình dung về Trịnh Công Sơn. Ai yêu Trịnh, ai mê nhạc Trịnh, cũng sẽ đều có một Trịnh Công Sơn của riêng mình. Với tôi, tôi nhận vai Trịnh Công Sơn sau 12 năm dừng đóng phim vì tôi yêu nhạc Trịnh, vì quý trọng con người nhạc sĩ”.

Đã 23 năm trôi qua, dẫu “cánh vạc đã về chốn xa xôi”, nhưng những kỷ niệm về Trịnh, tình yêu dành cho âm nhạc của ông vẫn vẹn nguyên, chưa từng thay đổi.

MI LAN/LĐO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *