Dạy và học Ngữ văn: Tôn trọng sự sáng tạo của học sinh

Có thể thấy, chất lượng dạy và học môn Ngữ văn do nhiều yếu tố quyết định như chương trình, sách giáo khoa, giáo án, phương pháp giảng dạy của giáo viên. Năm học 2022 – 2023 là năm học đầu tiên áp dụng chương trình sách giáo khoa mới ở khối lớp 10.

Riêng với sách giáo khoa lớp 10 đã cho thấy tinh thần đổi mới của việc dạy và học môn Ngữ văn, trong đó điểm nổi bật của sách mới là cung cấp và phân tích cho học sinh rất nhiều ví dụ để các em có thể hiểu bài, tự mình khám phá kiến thức.

Cô Trương Thị Châu Minh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trần Hưng Đạo, Mỹ Tho, Tiền Giang.

Với môn Ngữ văn, điều quan trọng là học sinh cần đọc phải hiểu, viết rõ ràng, diễn đạt ý tưởng của mình để người khác có thể nghe và hiểu được. Chính vì vậy, vai trò của giáo viên khá quan trọng, cần trang bị cho học sinh các kiến thức, kỹ năng, ví dụ như khi đọc văn bản phải hiểu được đại ý nội dung, viết câu có đủ thành phần câu, viết đoạn văn phải rõ ràng, sắp xếp ý tứ hợp lý…

Với đặc thù của môn học, có thể thấy, học sinh có hứng thú với môn Ngữ văn hay không, có sáng tạo trong bài viết, câu văn có giàu cảm xúc hay không phần lớn phụ thuộc vào phương pháp của giáo viên. Giáo viên cần tôn trọng sự sáng tạo của học sinh, bởi mỗi học sinh sẽ có cách diễn đạt khác nhau, miễn là các em cảm thụ môn học với ngôn từ phù hợp, chuẩn mực chứ không nên áp đặt theo khuôn khổ.

Một trong những phần khá quan trọng của môn Ngữ văn là phân môn làm văn.

Thay vì những lý thuyết khô khan, cứng nhắc, giáo viên hãy hướng dẫn cho học sinh liên hệ thực tế, diễn đạt bằng lời văn của mình, trình bày ý tưởng mạch lạc, sáng tạo; từ đó các em sẽ nêu lên cảm nhận, suy nghĩ của bản thân. Bên cạnh kỹ năng viết, giáo viên cần hướng dẫn, tổ chức các chuyên đề về kỹ năng nói, thuyết trình cho học sinh. Giáo viên cần dành thời gian cho các em cùng tranh luận và biết bảo vệ quan điểm cá nhân của mình về vấn đề quan tâm, từ đó rèn luyện cho học sinh kỹ năng sử dụng ngôn từ…

Vấn đề đổi mới trong dạy và học môn Ngữ văn không đâu xa vời mà hãy suy nghĩ đơn giản là bám sát với cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh vấn đề truyền đạt hướng dẫn kiến thức, giáo viên cần chú trọng và đổi mới cách đánh giá học sinh. Với môn Ngữ văn, bên cạnh việc kiểm tra, đánh giá bằng hình thức viết, giáo viên cần linh hoạt tạo các sản phẩm học tập, các buổi thuyết trình, thảo luận nhóm để học sinh có thể đánh giá học sinh. Trong quá trình đánh giá cần tôn trọng ý kiến riêng của học sinh, tránh tình trạng đếm ý cho điểm, khi chấm bài cần linh hoạt, tránh rập khuôn vào đáp án.

TRƯƠNG THỊ CHÂU MINH

ĐỖ PHI/BÁO ẤP BẮC ghi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *