Miền nước chảy ngược – Tự truyện Nguyễn Ngọc Anh – Kỳ 1

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh

>> “Miền nước chảy ngược” – xuôi thăm thẳm vào lòng người

 

Chương 1

MIỀN NƯỚC CHẢY NGƯỢC

 

VHSG- Nhà nó nằm ở rìa một xóm nhỏ thuộc xã Bình Kỳ (nay là Bình Hòa), huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Xóm là những ngôi nhà tranh ẩn mình trong một khu vườn rộng, mít, chuối sum sê. Những nhà vườn như vậy nằm lưa thưa dưới chân các ngọn đồi nhỏ, cây cối không cao to nhưng rậm rạp, kéo dài đến vài kilomet. Về phía bắc, tây bắc, núi trùng điệp không người ở. Sau năm 1975, khi đi chơi trên những ngọn đồi này cùng lũ trẻ chăn bò hàng xóm, nó thường bắt gặp rất nhiều ba lô, mũ, súng, đạn của quân Việt Nam Cộng Hòa để lại. Một lần, nó thấy hai cái ba lô còn nguyên vẹn, bên cạnh là một cây súng R15. Nó mở một ba lô ra coi và thấy trong đó có quần đùi, áo, khăn lau, những thứ linh tinh khác và một tấm thẻ bài nhỏ bằng thiếc, kích thước khoảng 30 x 50 mm để nhận dạng người lính. Nhìn quanh, không thấy người, hoặc xương người đâu cả, nó sợ quá đặt ngay ngắn lại và đi chỗ khác mà không nói với ai.

Những năm sau, lũ chúng nó thường chăn bò xa nhà, đi xuyên qua hết vùng đồi núi sau lưng xóm khoảng 5 – 6 km. Trước mặt nó là một thung lũng khác, cũng có những ngôi nhà nhỏ lưa thưa thấp thoáng trong những vườn cây xanh lá. Đó là địa phận xã Bình Trị.

Theo hướng bắc, qua hết xã Bình Trị với vài thung lũng như vậy sẽ đến xã Bình Đông, rồi cửa Sa Cần, nơi sông Trà Bồng đổ ra biển. Cửa biển Sa Cần, xưa gọi là Thể Cần, là nơi vua Lê Thánh Tông đánh tan quân Chiêm Thành trong trận thủy chiến năm 1471, và cũng từ đó, vùng đất này thuộc về Đại Việt. Phía nam cửa Sa Cần có Vũng Quít, nơi giặc biển thường đến đậu thuyền. Vũng Quít nay là cảng nước sâu Dung Quất. Cùng với nhà máy lọc dầu số 1 ở xã Bình Trị – Dung Quất đã làm bộ mặt của vùng nông thôn quê nó thay đổi rất nhiều.

Bên kia sông là xã Bình Thạnh rồi đến Chu Lai, một căn cứ quân sự lớn của quân đội Mỹ trước năm 1975, thuộc tỉnh Quảng Nam. Từ nhà nó đến Chu Lai khoảng chừng 25 km. Cái tên Chu Lai đã khắc sâu vào ký ức ấu thơ của nó lúc cất tiếng khóc chào đời vào một đêm đúng mười năm sau đó.

Mặt trước xóm nó, hướng nam, là cánh đồng Trà Lung rộng mênh mông, kéo dài xuống phía đông là Bàu Lác. Đó là một vùng ruộng thấp, ngập nước quanh năm, cây lác mọc phủ kín. Nhớ thời còn nhỏ, vào mùa gặt, nó thường đứng trước nhà ngắm nhìn cánh đồng lúa vàng rực, thơm lừng trải dài tít tắp đến chân các dãy núi xanh mờ xa xa phía trước. Sau này, mỗi bận hè về, nó thường đưa con về thăm nội, chỉ cho chúng đồng lúa của ngày xưa. Nhưng cánh đồng giờ đây đã bị thu hẹp và chẻ nhỏ ra nhiều quá. Đây đó, người ta đã lấy ruộng làm nhà. Hương thơm của cánh đồng lúa vàng trĩu hạt của ngày xưa giờ cũng không còn nữa, thay vào đó là mùi hăng hăng khó chịu của thuốc rầy mỗi khi có cơn gió nhẹ thoảng qua.

Đến mùa mưa, cánh đồng trước xóm nó lênh láng nước. Cá đủ các loại ở đâu không biết tràn về. Tối tối, nó cũng bắt chước mấy đứa trẻ hàng xóm cầm đuốc đi nơm cá. Nó không nhớ rõ lúc đó ăn cá có ngon không, nhưng cái cảm giác sướng rân khi chụp được một con cá nhỏ đến giờ vẫn còn in trong tâm trí nó mồn một. Đó là một con cá tràu cửng bằng đầu ngón chân cái. Nó thò tay vào nơm. Con cá nhỏ cứ chạy vòng vòng. Đụng. Tuột. Trơn lùi. Quần một lúc, cuối cùng nó cũng tóm được. Trong tay nó, con cá quẩy quẩy mạnh cái đuôi… Khoái không từ nào tả được!

Bên kia đồng Trà Lung là thôn Nam Yên nối tiếp, với những quả đồi nhỏ xen giữa các cánh đồng hẹp. Từ trước sân nhà nó, nhìn qua bên kia đồng Trà Lung, khoảng 6 km theo đường chim bay, là ngọn núi Thình Thình như một hình thang cân vuông vức án ngữ. Dưới chân núi phía Tây Bắc là xóm nhà ngoại nó, thôn Tham Hội, xã Bình Thanh – nơi cách đây 53 năm, tiếng khóc chào đời nhỏ nhoi nhưng tràn đầy sinh lực của nó đã may mắn không bị dập tắt trong tiếng gầm rú của đạn bom, nơi mà vừa có một mầm sống mới ra đời, thì cũng có hàng loạt sự sống trưởng thành khác bị tước đoạt ngay tức khắc.

Núi Thình Thình cao khoảng 170m so với mực nước biển. Đây là điểm khởi đầu dãy đồi núi nhấp nhô chạy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, rồi kết thúc ở sông Trà Khúc bằng một ngọn nhô cao như đầu rồng nên gọi là núi Long Đầu. Đỉnh núi Thình Thình bằng phẳng, rộng khoảng 4 héc ta, giữa có một ngôi chùa được xây dựng từ năm 1920, gọi là chùa Thình Thình. Trụ trì chùa có Hòa thượng Thích Hạnh Diên vừa mới viên tịch năm ngoái (năm 2017) thọ 105 tuổi. Không nghi ngút khói hương đến ngạt thở, cũng không đông đúc ồn ào, chèo kéo bán mua trong các dịp lễ Tết như một số ngôi chùa nổi tiếng khác, chùa Thình Thình cổ kính nhưng vẫn xanh tươi giữa vùng đồi núi hoang sơ cô tịch không vấy bụi trần.

Sở dĩ có tên gọi Thình Thình là do tiếng kêu thình, thình … phát ra khi dậm bước chân đi trên đỉnh núi, do cấu tạo địa chất của vùng đất này có nhiều lỗ hổng. Tuy nhiên, tiếng thình thình cũng gắn liền với nhiều giai thoại. Tương truyền rằng: “Ngày xưa, có vị Thiền sư lập am tu trên núi. Sau hơn 10 năm nhập định, vị Thiền sư nầy chứng quả và phát nguyện khi viên tịch không cần nhập tháp mà địa táng vào lòng núi. Ngài nằm đó và dùng thần thông diệu pháp để phát hiện kẻ dữ người hiền. Nếu là người hiền, khi lên núi, bước chân đến đâu thì từ trong lòng núi sẽ phát ra âm thanh êm ả. Nếu là kẻ dữ, mỗi bước chân của họ sẽ tạo nên âm thanh gầm gừ “ình ình” của loài ác thú phát ra trong lòng núi, làm cho người ta đinh tai nhức óc, có khi giãy giụa, lăn quay. Về sau, tiếng “ình ình” chuyển thành “thình thình”.

Lại có thơ rằng:

“Núi Thình Thình, Chùa cũng Thình Thình

Ai lên tới đó cho mình hỏi thăm

Vì đâu nên tiếng nên tăm

Để cho miếng đất ngàn năm Thình Thình!”

Đường lên đỉnh núi là những rừng cây rậm rạp, nơi đã từng là cứ địa của quân du kích địa phương trong suốt thời gian chiến tranh. Đây cũng là nơi ẩn náu, tránh bom đạn của dân làng ngoại nó khi có đánh nhau giữa quân Giải Phóng và quân Việt Nam Cộng Hòa hay quân Mỹ.

Đứng khoảng lưng chừng núi, nhìn xuống dưới xung quanh là những cánh đồng, làng mạc hiền hòa ẩn mình dười những vòm xanh cây lá. Xa xa phía đông là mũi Batangan (Cape Batangan) nhô ra biển, trên đó có ngọn hải đăng dẫn lối tàu thuyền ra vào cảng Sa Kỳ được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Cape Batangan là vùng đồi núi đá được tạo thành từ những trầm tích nham thạch nghìn xưa. Mùa hè, nước biển xanh ngắt. Khi thủy triều xuống, gành đá nổi lên lởm chởm trải dài, sau lưng là vách núi đá dựng, trước mặt là biển xanh. Biển ở đây không êm đềm vỗ về bờ cát trắng mịn màng như những nơi khác mà hoang sơ dữ dội nhưng quyến rũ mê hồn. Nó hừng hực năng lượng từ lòng đất chỉ đợi thời khắc phun trào như hàng triệu năm trước nó đã làm để tạo nên sự kỳ vĩ hôm nay. Dưới lòng núi đá Batangan là sự sống. Có một địa đạo được đào từ thập niên 1950, gọi là địa đạo Phú Quý đã hoạt động cấp tập trong suốt thời gian chiến tranh ác liệt. Đây là nơi trú ẩn, cũng là một trạm xá tiền phương của quân Giải Phóng. Nhưng, ở quê nó, đây không phải là nơi duy nhất.

Con đường chính, trước mặt nhà nó xuyên ngang qua đồng Trà Lung, đi về phía Tây qua thôn Long Bình, lên xã Bình Phước, rồi thị trấn Châu Ổ, trung tâm quận Bình Sơn, nằm hai bên quốc lộ 1A. Băng qua quốc lộ 1A lên nữa là các xã vùng núi, thuộc miền sơn cước của dãy Trường Sơn Đông. Đi về phía đông thì xuống biển. Bãi biển gần nhất, phía đông nam là biển An Cường cách nhà nó khoảng chừng 4km. Nơi đây, vào tháng 8 năm 1965, thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ đánh trận Vạn Tường. An Cường là bãi biển xanh cát trắng mịn màng nên quân Mỹ đặt cho cái tên Green Beach. Biển nằm giữa 2 gành đá: ngay sát bên trái là gành Yến, bên phải bãi cát trải dài hơn chục km đến mũi đá Batangan.

Gọi là xuống biển, nhưng đường đi gồ ghề, phải băng qua nhiều ngọn đồi, cây lá sum sê. Cách biển gần 1 km là thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, vùng cao nhất ngăn cách với xã Bình Kỳ bởi đập Ồ Ồ. Đứng ở Vạn Tường, nhìn về hướng đông thấy biển xanh gợn sóng bao la, nhìn về hướng Tây, thấy đồi núi nhấp nhô trùng trùng điệp điệp.

Càng xuống gần biển, độ cao càng tăng. Thành ra, quê nó nước chảy ngược. Nước từ những con suối, vùng trũng ở xã Bình Kỳ chảy qua Cầu Ván, rồi chảy ngược lên xã Bình Thạnh qua cầu Bầu Dông, sau đó băng qua quốc lộ 1A ở Cầu Cháy, xã Bình Hiệp, tiếp tục chảy lên phía Tây giáp đường xe lửa, rồi thong thả vòng lại xã Bình Long, qua Quốc lộ 1 ở cầu Ô Sông, đến cầu Bi xã Bình Thới nhập vào sông Trà Bồng chảy ra biển.

Hồi nhỏ, nó cứ hỏi cha, tại sao tên xã mình là Bình Kỳ. Cha nó cười nói: tại đất quê mình có nhiều chuyện kỳ cục, mà nguyên nhân của mọi sự kỳ cục là do nước chảy ngược! Không biết ông nói thật hay nói đùa, nhưng chuyện nước chảy ngược lại ám ảnh nó nhiều năm sau đó. Sau năm 1975, ở quê nó phong trào cải tạo con người, cải tạo thiên nhiên diễn ra rầm rộ. Cấp lớn thì xây đập lớn, làm thủy điện, cấp nhỏ thì đắp đập nhỏ, đào mương. Tất cả mọi người dân buộc phải tham gia.

Hồi nó học lớp 6, xã huy động người dân đào một con mương dài khoảng 3 km, rộng 3 mét, sâu hơn 2 mét để dẫn nước từ các thôn phía tây, qua cầu Ván, chạy song song trước trường cấp 2 Nam Yên chúng nó đang học, qua thôn Ngọc Hương hướng đông xuống biển. Cả xã, sau nhiều tháng đào đất nhọc nhằn cật lực, con mương hoàn thành. Nhưng buồn cười là con nước chảy không theo ý định ban đầu. Nước cứ chảy theo chiều ngược lại. Mùa khô, con mương hoàn toàn khô ráo, mùa mưa, nước từ các thôn phía dưới biển theo con mương cứ chảy ngược lên trên!

NGUYỄN NGỌC ANH

(Còn tiếp)

__________________

Đất Bình Sơn, Quảng Ngãi, theo sách “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí” trước thuộc Cổ Lũy động của Chiêm Thành. Năm 1402, sau khi Hồ Hán Thương đánh thắng quân Chiêm, lấy đất động Cổ Luỹ đặt ra bốn châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Nhưng chỉ vài năm sau khi nhà Hồ bị quân Minh đánh bại, người Chiêm đã chiếm lại đất này.

Đến năm 1471, sau khi hạ thành Đồ Bàn (thuộc Tuy Phước, Bình Định) bắt vua Chiêm, vua Lê Thánh Tông đã mở rộng biên giới Đại Việt đến Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia, Đèo Cả ngày nay) và xuống chiếu lấy đất từ nam Hải Vân đến Thạch Bi Sơn đặt làm thừa tuyên Quảng Nam (gồm 3 phủ), thừa tuyên thứ 13 của nước ta thời bấy giờ.

Đến thời chúa Nguyễn Hoàng, thừa tuyên Quảng Nam gồm 4 phủ: Thăng Hoa, Điện Bàn, Tư Nghĩa, Hoài Nhân. Phủ Tư Nghĩa có 3 huyện: Nghĩa Giang, Bình Dương và Mộ Hoa. Thời Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Tư Nghĩa thành Quảng Nghĩa và huyện Bình Dương thành huyện Bình Sơn, Nghĩa Giang thành Chương Nghĩa và Mộ Hoa đổi thành Mộ Đức. Tên gọi Bình Sơn, Quảng Nghĩa bắt đầu từ đó.

Huyện Bình Sơn thuở ấy gồm 70 xã, ranh giới bao gồm phần lớn Sơn Tịnh và một phần Trà Bồng hiện nay, có lẽ là vùng đất nằm giữa hai con sông Trà Bồng và Trà Khúc kéo dài từ trung du mạn tây xuống biển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *