Ngẫu tượng – tiểu thuyết Lưu Vĩ Lân – Kỳ 1

VHSG- “Câu chuyện là tự thuật của một cá nhân về những ngày tháng 3 và tháng 4 năm 1975 ở Huế, Đà Nẵng… Cuộc “triệt thoái” hay tháo chạy của quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) khỏi Vùng 1 trước sức tấn công của Quân Giải phóng miền Nam, mở đầu cho cuộc sụp đổ hoàn toàn của quân lực Sài Gòn, đi đến hoàn tất cuộc chiến tranh, thống nhất Việt Nam ngày 30.4.1975.

Dựa vào các diễn tiến của lịch sử nhưng tình tiết câu chuyện cũng như nhân vật trong truyện đều là hư cấu”.

Đó là những dòng trong Lời phi lộ, mở đầu cho cuốn tiểu thuyết chiến tranh Ngẫu tượng của tác giả Lưu Vĩ Lân.

Lời phi lộ này, tuy ngắn gọn, nhưng đưa ra hai thông tin cần thiết cho người đọc. Thứ nhất, đây là cuốn sách viết về sự kiện lịch sử 30.4.1975, nhưng không phải từ Sài Gòn, mà từ Huế – Đà Nẵng. Thứ hai đây là một cuốn sách hư cấu (fiction) dựa trên những diễn tiến có thật của cuộc chiến (non – fiction)

Như vậy, tác giả không phải rào đón mà muốn dọn sẵn tâm thế cho người đọc, như cách mà mỗi người lính chuẩn bị gì cho một cuộc hành quân, cho một trận đánh lớn. Nhưng đây không phải là một trận đánh. Đây chính xác hơn là một cuộc tháo chạy. Mà, trước cuộc tháo chạy lịch sử, trước cơn sóng thần, mọi thứ bỗng trở nên yên bình đến không ngờ.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Dũng – một chuẩn tướng của Việt Nam Cộng hòa, người từng tốt nghiệp sĩ quan Đà Lạt. Sau tốt nghiệp thì về Nha Trang học hải hành, và chọn hải quân làm binh nghiệp. Dũng từng tham gia vào nhóm biệt kích biển, nhưng sau đó lại tăng cường cho biệt kích dù nhảy toán vào các vùng rừng núi từ Quảng Nam tới Thừa Thiên, Quảng Trị. Rồi Dũng được đưa sang Mỹ học trường sĩ quan cao cấp hải quân, chuyên về tình báo biển. Dũng là thế hệ lính thứ 3 của VNCH. Một người thị dân nhưng mê đời hải hồ. Cách dựng nhân vật như vật, có thể nói là một lựa chọn thông minh, dù không kém phần mạo hiểm.

Nhà văn – nhà báo Lưu Vĩ Lân

Câu chuyện tiểu thuyết cũng được kể từ chuẩn tướng Dũng, với cách xưng hô nhẹ nhàng kiểu miền Nam là “Mình” (có một chút liên tưởng tới Mình & họ của Nguyễn Bình Phương) Nhịp điệu của tiểu thuyết rất hối hả, nhanh dồn như phim hành động (action), khiến người đọc bị cuốn hút một cách vô thức. Những giữa những cú máy nhanh, những cú chuyển cảnh đột ngột, thỉnh thoảng tác giả lại lia ra những cú ngoài lề, khiến từ thót tim chuyển sang bâng khuâng, day dứt. Cứ như thế, tác giả dẫn người đọc đi, như giữa hai bờ hư thực, giữa sắt thép của súng ống tàu thuyền và giữa bao la thẳm sâu nhưng êm dịu của biển cả. Và, lúc ấy, không chỉ có chuẩn tướng Dũng, mà người đọc cũng thầm kêu lên: “Giá như đừng có chiến tranh”.

Chọn cái nhìn từ một sĩ quan cao cấp của VNCH, tức là chọn cái nhìn từ “Bên thua cuộc”, cuốn tiểu thuyết cung cấp cho người đọc những tư liệu quý báu về cuộc chiến 1975. Nhưng vượt lên cái gọi là hiện thực chiến tranh, đó chính là thân phận con người, thân phận người Việt Nam. Những dư chấn về chiến tranh, có thể nói là vẫn còn kinh hoàng cho tới tận ngày hôm nay.

Lưu Vĩ Lân, với tư cách của một nhà báo thâm niên, đã công phu nghiêm cẩn trong việc làm tư liệu. Bên cạnh đó, anh còn như một nghệ sĩ trầm lặng, dường như không cố ý nhưng lại viết nên những trang văn sâu sắc và ấm áp.

Lưu Vĩ Lân là nhà báo, từng làm tổng thư ký tòa soạn nhiều tờ báo nổi tiếng ở Sài Gòn. Mấy năm nay anh tập trung viết tiểu thuyết. Đã in Mật đạo (NXB HNV 2018).

VHSG xin trích đăng một số chương tiểu thuyết của tác giả Lưu Vĩ Lân.

Trần Nhã Thụy giới thiệu

 

CHƯƠNG 1

 

Người đàn ông châu Á phong trần, ngơ ngác, tóc bạc phơ trông như đã ngoài lục tuần, đứng bơ vơ ngoài chốt gác trước cổng căn cứ không quân Dawson, thuộc Camp Dawson, quận Preston, bang West Virginia, Hoa Kỳ. Bốn giờ chiều mùa thu Bắc Mỹ, con đường phía trước căn cứ, chạy dài ven sông Cheat River, hoang vắng không bóng người. Chiếc túi vải quân đội dơ bẩn, dường như là thứ hành lý duy nhất của ông, nằm chỏng chơ bên vệ đường. Con người này trông lạc lõng như từ một hành tinh khác rơi tõm xuống vùng đất hiu quạnh nhất của nước Mỹ –  vốn nằm sâu trong dãy đại hùng sơn Appalachian. Nhưng dường như ông ta không phải là kẻ lạc lối. Ông ta đứng thẳng nhìn trừng trừng phía trước, không dáo dác, không tìm kiếm, không ngóng đợi. Ông ta có cái dáng dấp của một kẻ không cần đường, không cần lối đi, không cần phương hướng, không cần đường về. Dường như ông ta không thuộc về bất cứ nơi nào. Và cũng không có điều gì thuộc về ông.

Đó là loại hình nhân vô hình giữa dòng đời. Người ta thoáng thấy và quên mất ông ta ngay dù ông ta vẫn ở đó. Các chuyển động của ông ta chầm chậm và giật khúc như một đoạn phim bị hư, đi một bước rồi đứng buồn như phổng đá, rồi lại đi để rồi lại hóa phổng đá. Ông ta là loại sinh vật hóa đá trong từng cử động. Con người đó như một file đã bị delete, vẫn tồn tại đâu đó trên ổ đĩa cứng nhưng các đường dẫn, các manh mối đã bị hủy, chỉ còn lẩn khuất giữa mông lung trước khi bị những dữ liệu mới dập lên và xóa hẳn mọi dấu tích. Ông ta là lãng quên.

Tiểu thuyết “Ngẫu tượng” của Lưu Vĩ Lân

Một chiếc xe xuất hiện từ xa tít tắp trên con lộ, nó lớn dần lên. Nó chạy tới vội vã nhưng đột ngột giảm ga và chỉ còn từ từ trờ tới khi nhận ra cái hình nhân của lãng quên ấy. Xe như không dám tiến đến quá gần. Dừng lại. Rất lâu, rất lâu… mà không thấy ai mở cửa bước xuống. Có cái gì đó nặng trĩu đè nặng khoảng cách giữa chiếc xe và người đứng. Sau cùng, khá khó khăn mới nghe được tiếng cửa xe bật mở. Ở cửa tay lái là một người Mỹ trung niên sang trọng khỏe mạnh chừng hơn 50. Còn ở cửa bên cạnh xuất hiện một phụ nữ châu Á dáng dấp mệnh phụ, nét xinh đẹp còn bàng bạc trong từng ánh nhìn, khuôn mặt và đường nét của cơ thể. Chỉ một mình nàng tiến lại phía người đàn ông với những bước đi không giấu được run rẩy.

Họ đối diện nhau.

“Em đến đón anh!”

“Đây là đâu?”

“Nước Mỹ. Anh đang ở nước Mỹ!”

“Bây giờ là… lúc nào?”

“Lúc nào? Lúc nào… là sao? Anh muốn hỏi cái gì?”

“Ừ, ừm… năm nào? Năm mấy… mấy năm?”

“Anh không còn biết năm tháng sao!”. Giọng nói như nghẹn đi.

“Bây giờ là năm 1996!”. Nàng như khó khăn lắm mới dám thốt lên con số ấy. Nước mắt kinh hoàng và đau buồn đã hoen trên mắt.

“Trời, đã hai mươi mốt năm rồi sao!”.

Câu thốt lên của người đàn ông làm đau xé lòng cả hai người, nhưng chỉ có mỗi nàng khóc, khóc một mình, người đàn ông thì vẫn trơ ra.

“Kia là John phải không?”.

“Ôi, lạy Chúa tôi, anh không mất trí nhớ!”. Nàng nhoẻn miệng cười trong nước mắt. Nụ cười long lanh nước mắt thật đẹp.

“Em vẫn còn đẹp, Nụ à!”

Nàng chồm tới ôm chầm lấy ông sau khi nghe câu nói, bật thét lên: “Ôi, ôi, anh không quên em, không quên em!”.

Nàng nói thầm qua tai ông: “Tụi em bảo lãnh anh về đây. Máy bay quân sự vừa đưa anh từ căn cứ Guantanamo(1) đến đây đó. Anh được trả tự do rồi, nhưng sẽ bị quản thúc một thời gian. Anh không được tiếp xúc với người Việt hiện rất đông ở Mỹ và không được đi ra khỏi tiểu bang này. Em và John sẽ chăm sóc cho anh, bù đắp cho anh. Anh đã mất mát cả cuộc đời rồi!”.

LƯU VĨ LÂN

(Còn tiếp)

______________

 (1)  Căn cứ hải quân của Mỹ tại vịnh Caribe.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *