Ngẫu tượng – tiểu thuyết Lưu Vĩ Lân – Kỳ 2

Nhà văn Lưu Vĩ Lân

CHƯƠNG 2

 

VHSG- Tiếng mặt biển bị xé toạc dưới mũi của chiếc hors-bord(1) tốc độ cao nghe như tiếng lụa yêu kiều bị chiếc dao găm Ka-Bar(2) ngọt lịm xuyên qua. Cái thứ tiếng xoèn xoẹt nhè nhẹ và sắc lẻm này luôn giữ cho mình niềm say đắm đời hải hồ. Nước biển là lụa của thinh không, mũi thuyền của người thủy thủ như  nhát kéo cắt những tấm lụa thinh không để may vá một cuộc đời trôi dạt. Lạ nhất là, dù đang ở trên tháp chỉ huy của một chiến hạm hay đang cỡi trên chiếc ca nô gầm rú lao tới này, mình vẫn luôn cảm nhận được tiếng động đó. Nó có một tần số rung động riêng, cao hơn, nên dù cường độ nhỏ vẫn không bị tiếng động cơ ồn ào che lấp.

“Tháng 3 bà già đi biển”, túi khôn dân gian về biển quả đúng thật. Năm giờ sáng biển khơi Đà Nẵng êm như một mặt hồ. Mười hải lý nối cực bắc Cù lao Chàm với bán đảo Sơn Trà, nơi có căn cứ hải quân Tiên Sa, chỉ mất hơn 30 phút hải hành, nhưng sợ nàng say sóng nên mình không đẩy lút ga được. Thôi đành mất thêm 10 phút để nàng không tả tơi khi vào xem lễ. Lễ sáng chủ nhật ở nhà thờ chánh tòa diễn ra lúc 5 giờ 30. Hôm nay là ngày 16 tháng 3 năm 1975, trong đất liền kia, những cuộc đụng độ mùa khô đã bắt đầu.

Nàng ngồi đó im lìm, cơ thể giật nhẹ theo nhịp của ca nô dằn sóng biển. Tóc rối nhẹ quanh chiếc băng đô màu đen kìm giữ. Chiếc áo dài cũng màu đen cổ lỗ lụng thụng của một tín đồ cũ xưa miền Bắc làm cho sự im lìm ấy càng nặng trĩu hơn. Đã bảo bây giờ tín đồ đi xem lễ không còn mặc thế nữa nhưng nàng vẫn không chịu nghe. Chẳng bao giờ cãi, nhưng cứ thủng thỉnh làm theo ý riêng, làm như chỉ cần ngước mắt cười hiền với mình một cái là xong. Đúng là ma soeur, “hiền như ma sơ”.

“Em lạnh không?”

“Dạ không!”, chỉ đáp có thế rồi lại nghiêng mặt nhoẻn miệng cười. Giọng Quảng Bình pha chút Bắc lẫn chút Nam nghe hay hay. Sau lưng ánh mặt trời hừng đông trên biển ướm nhẹ bờ vai và làn tóc của nàng, phía trước gương mặt chưa được chiếu sáng nên vẫn còn chìm trong bóng tối, nàng như bị kẹt giữa cuộc tranh chấp của phương Đông và phương Tây. Nàng là nơi tiếp giáp giữa mặt trời và cái bóng của nó. Mỗi con người tạo một vùng nhật thực phía sau mình, đó là cái bóng của mình hay vùng chết của vầng mặt trời, hay chính chúng ta tạo cho mặt trời có bóng?

Phía trước, biển Mỹ Khê phẳng lì vạch một đường dài mỏng và thẳng tắp nối cụm núi Non Nước và ngọn Sơn Trà hùng vĩ. Sáng tinh mơ cỡi trên những nhịp sóng biển còn thẫm màu từ đại dương tiếp cận đất liền luôn tạo ra một cảm giác hào sảng ấm áp của người chinh phu trở về. Núi Sơn Trà lớn dần lên chiếm hết tầm mắt, chiếc cầu cảng bí mật của căn cứ Biệt Hải thuộc cụm căn cứ Tiên Sa hiện rõ dần lên. Thủy triều buổi sáng của biển Đà Nẵng dâng trào, gió thường thổi ngược từ đất liền ra nên biển rất êm. Một chiếc tiểu đỉnh tuần tiễu vòng ngoài căn cứ chạy xa xa đánh tín hiệu đèn chào chỉ huy, Nam, Hải quân Đại úy là thuyền trưởng chiếc này, thỉnh thoảng cũng vào xin ý kiến mình về an ninh. Có tiếng của một chiếc ca nô tuần tiễu của Biệt hải tiến gần, chắc nhận ra chỉ huy nên ca nô dừng máy, cả ba lính đứng nghiêm chào nhường đường cho ca nô của chỉ huy tiến vào cầu cảng. Quân lịnh, quân kỷ của hải quân nghiêm trang thật, nhưng tiếc là… Thôi thở dài một cái cho xong đi!

Tắt động cơ khi còn cách cầu tàu hàng chục mét, dựa vào đà chạy của hors-bord và thủy triều lên, đánh một vòng tay lái để ca nô im lìm xoay mình nằm ngang khi tiếp cận bến, rồi để cho nó nhẹ nhàng bập bềnh theo con sóng nhỏ áp sát cầu tàu, là cách mình ưa thích nhất khi vào bến. Nó lịch sự, thanh thoát và dịu êm. Nó là phong cách của một người thủy thủ chiến binh về bến, nhẹ nhõm như hơi thở của biển sau bao nhiêu là phong ba.

Anh binh nhì tuần tra cầu tàu đứng nghiêm chào sau khi bắt dây và buộc ca nô vào trụ, nét mặt căng thẳng đến tội nghiệp. Chắc anh ta chưa hết giật mình vì người tự lái ca nô cập cầu tàu lúc tờ mờ sáng này lại là một Chuẩn tướng, nói theo cấp bậc của hải quân là “Phó Đề đốc”. Bộ quân phục trắng tinh thẳng nếp, nón kê pi trắng viền cành dương liễu, cầu vai một sao với chiếc mỏ neo trên vai Phó Đề đốc quả có một uy lực mạnh đến không ngờ. Ba ngày trước, khi trên cầu vai chỉ mới là hải quân đại tá thôi cũng đã làm khối người gập mình, nhưng chỉ sau một ngày, khi sao đậu vào cầu vai, mình mới thấy hết sức mạnh của từ TƯỚNG.

“Nghỉ!”. Anh binh nhì như giật mình sau lệnh của chuẩn tướng, hạ tay xuống nhưng tư thế thì không… nghỉ, vẫn căng cứng trong tư thế nghiêm.

“Em hút điếu thuốc đi!”.

“Dạ, xin Chuẩn tướng!”. Ừ, điếu thuốc, cái bật lửa Zippo chịu gió, tiếng bật nắp lách cách, che gió, đánh lửa, chụm đầu khom người đốt thuốc, ánh lửa bập bùng trong lòng tay, lập lòe trên khuôn mặt người lính trong cái tờ mờ của một bình minh trên biển đẹp quá, thân tình và gần gũi quá. Nó cũng làm cho người lính giãn cả người ra. Tất cả òa ra thân thiện khi hơi bập đầu tiên của điếu thuốc vừa cháy làm khói thuốc xõa trùm vào không gian. Không gian đượm nồng mùi thơm của lá thuốc cháy giữa biển cả ẩm lạnh.

Ánh mắt của anh ta dễ thương và bắt đầu thoáng láu lỉnh sau vài hơi thuốc.

“Quê ở đâu?”

“Dạ, thưa Chuẩn tướng, em dân Sài Gòn!”

“Sao vào hải quân?”

“Thưa, em đậu tú tài 1 vào Thủ Đức, đúng ra phải mang lon chuẩn úy, nhưng ba em bảo vào hải quân, em nghe lời và thành lính… thôi!”.

Hắn vừa nói vừa cười cười ý không che giấu việc gia đình chạy vào hải quân để khỏi đánh nhau. Một phần ba quân số đào ngũ, trốn lính, chạy vào lính kiểng hoặc các lực lượng không chiến đấu. Đó là chân dung của một quân đội mà mình đang làm… tướng đây!“Thôi giữ gói thuốc luôn đi nhé!”. Nàng đang đợi mình phía xa xa chỗ cầu tàu nối với bến cảng kìa. Quay đi mà còn nghe tiếng bốt-đờ-sô(3) của anh lính láu lỉnh dậm gót chào sau lưng. Quân phong, quân kỷ tuyệt hảo, nhưng quân đội đâu phải là hình thức hào nhoáng.

“Thưa, Chuẩn tướng đi đâu?” Tiếng của Tuệ, người trung sĩ lái xe.

“Cậu để tôi tự lái, sáng nay chủ nhật cho nghỉ một bữa!”

“Em chạy về nhà chút được không, Phó Đề đốc!”. Nhà anh này ở gần Cẩm Lệ, khu vực ngoại thành gần giáp ranh với vùng núi phía tây Đà Nẵng. Chắc đang lo lắng về tình hình chiến sự đây!

“Em đi đi, nhớ đội nón sắt kẻo không thì Quân cảnh tóm, phiền tôi đi lãnh nữa đó!”

“Dạ, em nhớ! Mà cái nón sắt của Phó Đề đốc em để ở băng ghế sau xe đó!”

“Ok, đi đi! Chiều trình diện nhé!”

“Tuân lệnh!”

Bàn tay của nàng ấm và êm quá khi nàng chộp tay mình trên cần số chiếc jeep vừa vào số một để leo dốc. Chiếc cầu tàu bí mật này nằm ở phía nam cụm núi Sơn Trà hướng thẳng ra biển để tiện cho các chuyến đi thị sát căn cứ Phượng Hoàng nằm ở Cù lao Chàm, còn căn cứ của Sở Phòng vệ Duyên hải tọa lạc ở phía bắc, tức bên trong vịnh Đà Nẵng ngay cửa sông Hàn mở ra đại dương. Xe đang leo lên con đường mòn ở chân núi, được ngụy trang để đi lên một con dốc vượt từ phía nam vào phía bắc núi Sơn Trà. Ở đỉnh của con dốc lúc nào mình cũng thích dừng lại một chút để nhìn xuống căn cứ: trên nền của vịnh Đà Nẵng mênh mông, bên trái là cửa sông Hàn, có con đường men theo chân núi Sơn Trà đi sâu vào căn cứ hải quân Tiên Sa tuyệt mật. Không có bóng thường dân lai vãng. Bộ Chỉ huy Sở Phòng vệ Duyên hải nằm sát mặt đường, kế đó gần mép nước là 4 cầu tàu bí mật nơi có 14 chiếc  PTF(4) đa năng chuyên dùng để xâm nhập vùng biển phía bắc vĩ tuyến 17, 3 chiếc PCF(5) đời cũ và 2 chiếc tàu ủi bờ LCM(6) đang neo đậu. Xa xa là cảng sâu Đà Nẵng mà lúc chiến tranh cao trào luôn rộn rịp vào ra các con tàu chở container của hãng tàu Sealand chở tiếp vận cho quân đội Hoa Kỳ, kế đó là bãi biển tuyệt đẹp Tiên Sa, bãi tắm của các sĩ quan cao cấp, đồng thời là bãi tập của lực lượng Biệt hải.

“Anh nhìn ngắm đủ chưa? Trễ giờ lễ của em rồi!”. Tiếng nhắc của nàng dịu dàng và nũng nịu. Sao cái gì toát ra từ con người này cũng đều dịu, xốp, mềm nhưng căng bật như mousse thế nhỉ. Không chỉ da thịt, cơ thể, mà hơi thở, âm thanh rên xiết, nụ cười, tiếng khóc, lời điêu ngoa… đều thế cả. Có một cái gì đó nén lại thật chặt bên trong nàng, lực nén rất lớn nhưng được đưa ra từ từ, bật ra nhè nhẹ, chứ không bùng nổ như chiếc lò xo hay viên đạn thoát từ nòng súng. Nó như mặt căng của sóng biển ngày không bão táp, vuốt ve, quăng quật, đẩy ta trồi ra khỏi nó, nhưng lại sẵn sàng nuốt chửng, nhận chìm ta ngay. Nó mạnh mẽ nhưng làm ra vẻ hiền hòa.

“Dạ rồi, xin tuân lệnh, làm ơn bám chặt vào nhé để anh nhấn hết ga”. Chiếc xe nuốt chửng con đường đi xuyên căn cứ ra đến trạm gác ở Cầu Trắng thì phải chậm lại. Người lính quân cảnh đứng chào thật nghiêm nhưng cũng bật nói: “Xin Chuẩn tướng nhớ đội mũ sắt!”. Bật cười vì lời nhắc nhở vừa xong thì đã thấy nàng nhoài người ra băng ghế sau lấy nón sắt thay chiếc kê pi, vừa buộc quai nón vừa cười: “Ông Tư lệnh của anh rắc rối thật!”. Ừ mấy tháng nay Tư lệnh quân đoàn ra nghiêm lệnh binh lính, sĩ quan phải luôn đội nón sắt ngay cả khi xuống phố. Chắc để nâng cao tinh thần chiến đấu.

* * *

Vị linh mục đang thánh thiêng cúi người trên bàn thờ đọc lời khấn ban phép để thánh hóa bánh và rượu, chuẩn bị cho nghi thức rước Mình Thánh bỗng dừng lại ngước nhìn. Chắc bóng dáng của người sĩ quan cấp hàm tướng trong bộ lễ phục hải quân trắng toát, đơn độc vội vã đi vào thánh đường trong thời khắc trang nghiêm nhất này làm ông giật mình. Tiếng gót giày dù mình có cố gắng nhẹ bước đến mấy cũng gõ vội vã trên lối vào giữa hai hàng ghế, ánh sáng dịu êm an bình của thánh đường giữa thánh lễ dường như cũng không ngăn nổi cảm giác xáo động của nó, tiếng gót giày như tiếng mõ báo nguy ngày xưa ở làng quê dự cảm một tai họa. Hình ảnh người sĩ quan xông vào giữa thánh đường vừa đẹp, lạ, vừa đầy lo âu. Ai mà không biết tình hình chiến sự đang căng thẳng và buổi lễ sáng chủ nhật để tìm chút bình an này chắc cũng không dễ hoàn tất. Khụy gối thi lễ, mình luôn thích động tác này vì nó giống như tư thế tốt nghiệp sĩ quan khi người thủ khoa khụy gối nhận kiếm lệnh, khẽ gật đầu chào linh mục chủ lễ và cúi sát hàng ghế Nụ đang ngồi, mình cố gắng thì thầm: “Em, mình phải về ngay!”.

“Anh, em chưa rước lễ!”, nàng thảng thốt.

Xốc vai nàng đứng dậy chẳng cần đồng ý hay không, cái cô này không biết lúc này là lúc nào sao. “Em biết anh đang nói đến chuyện gì rồi!”.

Nàng miễn cưỡng đứng lên, quay đầu cúi chào cung thánh rồi tất tả bước theo. Cả thánh đường thoáng xao động, mọi người ngoái đầu nhìn theo. Ai cũng biết tin Buôn Mê Thuột thất thủ vài ngày trước và tự hỏi về số phận của Đà Nẵng.

Vừa đẩy nàng lên xe xong là phải rồ ga vọt từ sân nhà thờ ra đường Độc Lập(7), ừ, quẹo phải về nhà cho nàng xuống trước đã rồi hãy chạy thẳng về hướng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1.

“Chuyện gì vậy anh?”, nàng ôn tồn hỏi.

“Khởi động chiến dịch Sóng Thần em!”. Mình dường như nghe tiếng tim nàng giật thót lên sau câu nói. Tiếng máy truyền tin Motorola đặc hiệu từ xe jeep của Phó Đề đốc vang lên: “Đại Dương gọi, Đại Dương gọi. Biển Động cấp 7, Biển Động cấp 7”. Sau đó là giọng Lệ Thu vang lên trong ca khúc “Thuyền Viễn Xứ”: Mịt mờ sương khói lên hương/Lũ thùy dương rủ bóng ven sông/Chiều nay trên bến muôn phương/Có thuyền viễn xứ, nhổ neo lên đường…”. Ám hiệu khởi động chiến dịch “Thuyền Viễn Xứ” của Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã bắt đầu. Nhưng, liền theo đó là câu chuyện của riêng mình và Nụ, nó mang tên Sóng Thần.

* * *

Nàng vội vã xuống xe dáng đi như bị vướng bởi những băn khoăn, còn ngoái đầu len lén nhìn lại. Chết đến nơi mà vẫn… đáng yêu. Căn biệt thự nhỏ nhà mình ở cuối đường Độc Lập dường như chưa thức giấc vì ánh đèn ở hiên nhà vẫn hắt thứ ánh sáng vàng lên chiếc cửa lá sách màu xanh lá úa, giống như một gắng gượng sau cùng của tồn tại. Trong tiếng gọi cửa khe khẽ của nàng và tiếng mở cửa rào lạch cạch của gia nhân sao vẫn chen vào được tiếng xe jeep gầm lên khi mình nhấn ga. Chắc tại mình đã bắt đầu nhớ nàng và nhớ ngôi nhà bình yên. Nhưng thôi phải nhanh nhanh hướng đến Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1, khu doanh trại có cái không khí êm đềm tọa lạc ở đầu cầu Trịnh Minh Thế thuộc vùng rìa của nội ô Đà Nẵng luôn mang lại cảm giác yên tĩnh khi đến đó.

Viên sĩ quan tùy viên vội vã đón và đưa mình theo hành lang bên phải thế này tức là vào thẳng phòng làm việc của tư lệnh thay vì phòng hành quân. Đây là một cuộc họp có chỉ thị riêng không phổ biến rộng. Tư lệnh quân đoàn ngồi đơn độc trầm tư sau chiếc bàn làm việc rộng ngập khói thuốc. Ít khi thấy ông tướng gốc dù này có dáng vẻ bối rối như vậy. Thôi, đúng quân lệnh dập chân chào rồi im lặng chờ đợi thôi. Biết gì mà thưa vào lúc này.

“Chuẩn tướng đã nhận được mật lệnh Thuyền Viễn Xứ?”, ông trung tướng ngẩng đầu mất một lát lựa lời rồi mới bật hỏi. Ba ngôi sao trên cầu vai hơi bắt nắng lấp lánh. Chiếc huy hiệu dù với cánh bay và chiếc dù bung gió trên ngực luôn là niềm tự hào của tất cả các chiến binh giờ trông hơi phập phù trên ngực áo, có lẽ do hơi thở nhanh của ông hay do cái nhìn căng thẳng của mình nhỉ? Ông ngập ngừng vì đang lo âu hay có lẽ ông chưa kịp quen với cấp bậc mới của viên sĩ quan trẻ Hải quân Biệt hải mà ông vừa yêu mến, vừa khâm phục. Chuẩn tướng là cách gọi chung mà các binh chủng vẫn gọi, nhưng nếu đó là hải quân và viên tướng gốc hải quân thì phải gọi là Hải quân Chuẩn tướng hay Phó Đề đốc. Cũng không rối rắm gì lắm, nhưng khi cái bụng đang rối thì cũng phải có chút ngập ngừng để nhớ.

“Thưa tư lệnh, đã nhận được cấp báo toàn quân đoàn về Biển Động và mật lệnh Thuyền Viễn Xứ của Bộ Tư lệnh Quân đoàn!”, giọng đáp của mình như đang cố gắng bình thản và rành mạch. Nên phải xác định rõ hai quân lệnh từ hai lãnh vực khác nhau.

“Ừ, cái quan trọng giờ đây không phải là cấp báo Biển Động mà là mật lệnh Thuyền Viễn Xứ!”, ông tướng đàn anh nói nhát gừng: “Chuẩn tướng là sĩ quan đặc biệt tinh nhuệ của một lực lượng đặc biệt quan trọng vào lúc này nên chúng ta mới có cuộc gặp riêng này!”. Lại ngập ngừng lựa lời sau khi rít hai hơi thuốc dài nhả khói dày đặc ngụy trang cho ánh mắt bối rối. “Biển đã động từ… lâu rồi!”. Ông như nhắn nhủ với chính bản thân hơn là với đối tượng.

Thưa tướng quân, chúng ta đã biết Biển Động từ lâu rồi, người Mỹ cuốn gói hồi năm 1972 là đỉnh cao nhất của đợt… động này. Chúng ta thiếu đủ thứ súng, đạn, quân trang, quân dụng, dầu nhớt, phụ tùng cho máy bay, tàu thủy… Nhưng cái thiếu quan trọng nhất là thiếu tinh thần, thâm hụt lòng can đảm, dư thừa thu vén cá nhân và tâm thế tháo lui có nguy cơ dẫn đến…tháo chạy. Ai trong tầng lớp chỉ huy của quân ngũ đều biết về sự thâm hụt này. Bây giờ xin ngài ra một mệnh lệnh thật đi thôi. Ừ! sao một nỗi giận dữ lại dâng tràn lên trong mình thế nhỉ. Thôi cứ trân mình lên như vậy để khỏi phải nói gì thêm.

“Ông đã nắm rõ tinh thần của chiến dịch Thuyền Viễn Xứ. Ông phải bắt đầu đi. Tuyệt mật. Tuyệt mật! Xin nhớ cho. Ngay cả ngày mai, trong cuộc họp đầu tuần giữa tư lệnh với tướng lãnh, họ cũng không hề biết rõ về Thuyền Viễn Xứ!”. Ông ta nói một mạch thế tức là ông muốn cho mệnh lệnh đau lòng đó không phải lặp đi lặp lại. Tướng mà ra lệnh rút quân thì sao không đau lòng. “Này, này chuẩn tướng!” à, ông còn muốn nói tiếp sao, “Nhớ là chỉ giữ lại 3 enclaves(8): Chu Lai, Đà Nẵng, Huế!”, rồi ông cúi đầu nói như lầm bầm: “Bỏ hết, rút tất cả về Nam!”. Im lặng, im lặng. Một sự im lặng nặng ngàn cân, im lặng nổ bùng như sấm động. Thế là hết! Chúng ta bắt đầu tháo chạy.

LƯU VĨ LÂN

(Còn tiếp)

______________

 (1) Loại ca nô gắn máy bên ngoài.

(2) Loại dao của lính biệt kích.

(3) Botte De Sault: Giày da được dùng trong quân lực VNCH.

(4) Patrol Torpedo Fast: Khinh Tốc Đỉnh.

(5) Patrol Craft Fast: Duyên Tốc Đỉnh.

(6) Landing Craft Mechanized: Tàu Đổ Bộ.

(7) Đại lộ chính của thành phố Đà Nẵng, nay là đường Trần Phú.

(8) Vùng đất cần phải giữ như một đầu cầu chiến lược.

 

>> Ngẫu tượng – tiểu thuyết Lưu Vĩ Lân – Kỳ 1

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *