Tản văn của Ksor H’Yuên: Tết Tây Nguyên…

Nhắc đến văn hóa Tây Nguyên người ta thường nghĩ đến cồng chiêng, rượu cần, xa hơn hơn nữa có điệu xoang sóng sánh của các chàng trai cô gái Jrai, Bahnar, hai dân tộc chủ yếu trực tiếp tạo nên văn hóa truyền thống đặc trưng, đậm nét của Tây Nguyên- Gia Lai.

Vào những dịp lễ hội tiếng chiêng, điệu xoang ấy lại có dịp được tung hoành, nào mừng lúa mới, nào cúng giọt nước và trong cuộc sống hiện đại thì xuất hiện lễ mừng năm mới,… tất cả tạo nên một nét đẹp riêng trong phong tục, tập quán của người Tây Nguyên bản địa mà hễ ai nói đến là biết, là thân quen.

Nhà văn trẻ Ksor H’Yuên ở Gia Lai

Thế nhưng nhiều du khách và cả đám bạn bè thân của tôi ở tỉnh khác về thăm  Phố núi- Pleiku đôi lần tò mò rằng: “Tết Tây Nguyên có gì đặc biệt hay khác với Tết cổ truyền của người Việt (Kinh)?

Xin thưa, với tôi người Jrai gốc dù buồn song cũng phải thừa nhận: Tết Tây Nguyên chỉ như một cụm từ ước lệ, tượng trưng thực ra nó chưa trọn vẹn để có thể định nghĩa hay mô tả, có lẽ vì những ai đã, đang gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên – Gia Lai có gì đó vương vấn, dành tình cảm đặc biệt cho tiết trời se lạnh không giống phố Đà Lạt, cái nắng không gắt gọng như miền Trung- Đà Nẵng mà dịu nhẹ mang hơi thở của gió, mây, cảnh vật điệp trùng đồi cùng với những con người nồng hậu, mến khách, chân tình nên khi đi xa và trở về người ta lại thấy có gì níu kéo, chan chứa những kỷ niệm thân thương.

Không phải cứ nhộn nhịp phố xá mới thấy cái tết ở Tây Nguyên đang tràn về, không phải cứ cành mai xứ Nam phe phẩy tung cánh lá đón nắng trời phố núi hay phớt hồng của hoa đào xứ Bắc báo hiệu xuân đến mà sắc vàng óng ánh của dã quỳ trải dài cả một góc đồi thênh thang chen lẫn những hàng thông ngút xanh đầy mơ mộng, xuân Tây Nguyên có gì hoang sơ, mộc mạc.

Vào những ngày tết chẳng đâu xa lạ, phong tục chào mời khách vào nhà thưởng thức ché rượu cần mà gia đình đã kịp ủ trước mấy tuần lễ đó vừa tỏ sự hiếu khách vừa muốn thử lòng thành của khách khi đến với gia đình trong dịp đầu năm, ít thì nửa can, nhiều thì cũng phải ngà ngà mới vừa tấm lòng của kẻ chủ mến khách, cùng với rượu không thể thiếu thịt nướng, lá mì giã luộc ngày tết không sang mà đạm bạc.

Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cả dân làng già trẻ, gái trai cùng tụ tập sinh hoạt cồng chiêng múa hát cho đến phút giao thừa, ở đó người ta kể chuyện cũ, buồn, vui được giãi bày và không thể thiếu lời khấn của già làng mong mọi người luôn được ấm no, sung túc cứ như nối tiếp của lễ hội xưa cúng lúa mới, lễ cầu may sức khoẻ,…. Hướng về ông bà tổ tiên, nguồn cội, người thân đã mất người Tây Nguyên tỏ lòng thương tiếc, biết ơn bằng những mâm cơm, hoa quả cúng tế nơi nhà mồ, đó tượng trưng cho thành quả lao động cả một năm của gia đình có được do sự phù hộ của người đã khuất, tục thăm mộ cũng hao hao  tục tảo mộ của người Việt có gì đó gần gũi, quen thuộc.

Tết là đoàn tụ, sum họp gia đình, người Tây Nguyên cũng thế, cho dù đi làm ăn hay đi học xa nhà bận rộn đến mấy cũng cố gắng sắp xếp về đón tết cùng người thân. Đâu đó những tiếng cười bên nếp nhà sàn, những lời chúc nhau an lành, hạnh phúc lại cứ rôm rả, hân hoan.

Tết Tây Nguyên lại trọn vẹn dường như cái chung hoà lẫn cái riêng, vốn dĩ gia đình Tây Nguyên là một mái nhà chung, đùm bọc, yêu thương nên chẳng lạ, chẳng khác.

KSOR H’YUÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *