Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một bậc thầy giác ngộ tâm linh – đã về với cõi Phật vào lúc 00 giờ 00 phút ngày 22.01.2022, hưởng thọ 95 tuổi. Theo nhiều học giả quốc tế, thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong hai nhà lãnh đạo Phật giáo có sức ảnh hưởng lớn nhất ở phương Tây.

Một bậc thầy giác ngộ tâm linh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là bậc thầy hướng dẫn tâm linh, là một nhà văn hóa, nhà thơ, học giả, hoằng pháp ở nhiều nước trên thế giới, với những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục nghìn người ở khắp nơi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, và có hơn 120 tác phẩm xuất bản có ảnh hưởng và sức lan tỏa mạnh mẽ như “Đường xưa mây trắng”, “Phép lạ của sự tỉnh thức”, “Hạnh phúc cầm tay”, “Phật trong ta”…
Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, y bác sĩ…
Mục sư Martin Luther King vinh danh Thiền sư như là “một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử thiền sư cho Giải Nobel Hòa bình vào năm 1967.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” (engaged Buddhism).Trong buổi trả lời phỏng vấn nhà báo John Malkin cách đây hơn một thế kỷ, Thiền sư khẳng định, Phật nằm chính trong nghệ thuật sống chánh niệm từng phút giây của cuộc đời.
Dấn thân ở đây có thể hiểu là nhập thế: Phật giáo đi vào cuộc đời.
Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo Dấn thân cho thế kỷ XXI với gần 1250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và hàng trăm triệu độc giả trên khắp năm châu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về Việt Nam nhiều lần và cuối tháng 10.2018, ông đã trở về sống ở Tổ đình Từ Hiếu cho đến ngày viên tịch.
Những lời dạy còn mãi của thiền sư
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nhiều câu nói, lời dạy để đời với nhiều Phật tử và cả những người bình thường. Ở chùa Từ Hiếu còn lưu hai câu thơ của ông “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Đã cho ta ngày mới để yêu thương”.
Đặc biệt, tùy bút nổi tiếng “Bông hồng cài áo” của thiền sư làm nguồn cảm hứng cho nhạc phẩm cùng tên của Phạm Thế Mỹ có những đoạn văn thấm thía, cảm động: “Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ, con cần mẹ, mẹ cần con”…
Và rất nhiều câu nói hay của thiền sư được trích dẫn ở khắp nơi mà nhiều khi người trích cũng không nhớ nổi nó nằm trong cuốn nào trong số hơn 120 tác phẩm của thiền sư.
“Tình yêu của anh nếu là tình yêu chân thật thì nó sẽ lớn lên không ngừng và sẽ ôm từ từ hết tất cả mọi người và mọi loài. Tình yêu của anh không những nuôi dưỡng được anh mà còn nuôi dưỡng được tất cả chúng tôi. Đó là tình yêu không biên giới, không kỳ thị…”.
“Một đám mây trông hiền lành như thế nhưng có khả năng tạo thành sấm sét. Tình thương chân thật không bao giờ là sự yếu đuối. Đại Bi là Đại Dũng. Đại Từ cũng là Đại Dũng”.
Mathieu Ricard – nhà khoa học thuộc viện Pasteur (Pháp) – từng nói: Xã hội Tây phương có thừa phương tiện để xoa dịu những đau khổ vật chất nhưng lại rất thiếu phương tiện để xây dựng hạnh phúc tinh thần.
Khi Liên Hợp Quốc công nhận ngày Phật đản (15.4 âm lịch) là ngày lễ hội tôn giáo quốc tế; ngày hòa bình thế giới – cũng là sự thừa nhận Phật giáo với tư cách một nền văn hóa, văn minh có sức ảnh hưởng to lớn tới nhân loại.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng dạy: “Hãy ví khổ như rác và hạnh phúc như những đóa hoa… Chuyển hóa khổ đau chính là biết cách biến rác trở lại thành hoa”.
Đức Phật khuyên mỗi cá nhân hãy biết tự yêu thương chính mình. Tình thương chính là sợi chỉ nối kết người với người, để không những nuôi dưỡng chính mình mà còn lo cho người khác. Tình thương sẽ giúp chúng ta rũ bỏ mọi phiền não của đời. Hãy “xả” đi (Từ – Bi – Hỉ – Xả) vì “xả” là sự buông bỏ cái cần buông bỏ. Đừng luyến tiếc bởi xét đến cùng mọi vật là vô sinh và bất diệt.
Và triết lý sống – quan niệm sống của nhà Phật là “quy luật của muôn đời”: Hãy sống trọn vẹn “sát na” thực tại (“sát na” là đơn vị đo thời gian nhỏ nhất của đạo Phật tính bằng 1/60 hơi thở mong manh).
Sống trọn vẹn với hiện tại mới khiến con người ta làm chủ được tư duy và dục vọng. Để không rơi vào bi kịch của một người ngụp lặn giữa dòng sông mà vẫn cố ngoi đầu lên để kêu gào vì cơn khát!
VIỆT VĂN
Báo Lao Động