Đọc tập thơ “Sóng xô từ đất” của Quang Chuyền

VHSG- Quang Chuyền là thi sĩ của những ưu tư. Tôi nảy ra ý này khi đọc dứt 68 bài thơ trong tập Sóng xô từ đất, tác phẩm thứ 18 của ông do Nxb Hội nhà văn ấn hành, thượng tuần tháng 10.2020. Sở dĩ tôi gọi ông là thi sĩ của những ưu tư bởi gần như cả tập thơ là một tập hợp những nỗi niềm: Đất cất tiếng người, Mùa dịch bệnh Covid-19, Viết cho Trà My, Nghe sóng, Trước mặt trời, Phía ngoài khung cửa, Ghi chép một vùng quê… Vui có ưu tư của vui, buồn có ưu tư của buồn, ít nhiều bài nào cũng có, rất đặc trưng Quang Chuyền.

Nhà văn – nhà phê bình Cao Chiến

Thơ Quang Chuyền, giới hạn trong tập Sóng xô từ đất, căn bản là ngắn: 4 câu, 6 câu, 9 câu, đôi bài 20 câu. Thực ra dài ngắn chẳng mấy quan trọng, vấn đề cốt yếu là đủ. Đọc thơ, có lúc thấy thiêu thiếu một chút lại là đủ; thừa thừa lại thấy thiếu. Dĩ nhiên cái thiếu, thừa và đủ ấy đều tương đối. Thế nào là đủ, ở đây tôi cho chính là âm ba. Tác giả không nói tuột ra mà nhấn nhá lúc gần lúc xa, theo lối ẩn ngôn, gợi lên nơi người đọc những nghĩ suy, ám ảnh. “Ai tính giá núi sông nước Việt/ bằng máu, mồ hôi?/ chạm vào đất nghe rõ/ đất cất lên tiếng người” (Đất cất tiếng người); “Có gió ắt có sóng/ biển động nơi thường tình/ lắng tai thầm nghe rõ/ sóng vỗ từ lặng thinh” (Nghe sóng); “Vu oan giá họa cho người/ ngỡ đâu che được mặt trời bằng tay/ mặt trời soi rõ bụi bay/ gian manh rồi cũng có ngày phơi ra” (Trước mặt trời); “Ngồi trong khung cửa nhìn ra/ phố phường thấp thoáng người qua dập dìu/ người ơi có thấy một điều/ở nơi tấp nập thường nhiều lẻ loi” (Phía ngoài khung cửa).  

Tập thơ “Sóng xô từ đất” của Quang Chuyền

Tôi dẫn ra mấy bài thơ này để minh họa cho cái âm ba trong thơ Quang Chuyền. Mới bập vào đôi ba câu ngỡ tưởng ông lộ hàng, nhưng té ra là thi sĩ chơi chiêu. Người làm thơ nào cũng có chiêu. Nhà phê bình gọi là bút pháp hay thi pháp gì đó, tôi tay ngang gọi chiêu. Chiêu của Quang Chuyền nằm ở kỹ năng chốt hạ. Ví như mấy bài thơ tôi dẫn ở trên, các chốt hạ “đất cất lên tiếng người”, “sóng vỗ từ lặng thinh”, “gian manh rồi cũng có ngày phơi ra”, “ở nơi tấp nập thường nhiều lẻ loi”…rõ là đã tạo âm ba, khiến người đọc phải nghĩ suy, cảm ngộ. Các bài: Tro và than, Ghi ở Thủ Thiêm, Điều khó nói, Sau tiếng trống kèn, Trong sắc gạch xây Vạn Lý Trường Thành… căn bản đều vậy.

Thơ là hồn cốt của một người. Người sao thì thơ vậy. Đọc tác phẩm Sóng xô từ đất, trước mắt tôi hiển hiện một người đàn ông vâm váp, lúc nào cũng ưu tư. Tôi thích chiều sâu triết lý trong thơ qua lối biểu đạt đằm chất người của ông. Đằng sau lối dụng ngôn ấy, thiết nghĩ thi sĩ đã phải lao tâm khổ tứ rất nhiều, đúng nghĩa lao động nghệ thuật, để viết ra. “Tự dưng hàng xóm cách ngăn/ tự dưng phố xá đang gần thành xa/ tự dưng nhà đóng cửa nhà/tự dưng người chết không hoa viếng người (Mùa dịch covid-19 năm 2020); “Con chết vì tắc thở/trong hòm xe chật người/ thiên đường con tìm kiếm/ biết bao giờ tới nơi!” (Viết cho Trà My); “Anh có khỏe không?/ lời cửa miệng/ mỗi khi nhắc máy. Gọi xa gần/ yếu khỏe miễn là nghe tiếng bạn/ có nghĩa trời chưa xóa dấu chân” (Hỏi thăm). Tông này còn có: Cây ngô, Chữ còn lưu lại, Thơ đi, Thơ Bùi Giáng, Nhớ nhà thơ, Anh còn câu hát, Thương nhớ Văn Lê, Nhớ bạn Trường Lâm… Đọc thơ ông, có lúc có cảm giác viết như không, vẻ như chẳng có gì, đọc kỹ lại thấy có gì. Thơ Quang Chuyền hay là bởi vậy.

Từ phải sang: Cao Chiến, Quang Chuyền, Văn Lê, Phan Đức Nam tháng 7.2020. Ảnh: PH

Chủ quan tôi nghĩ trong sâu thẳm Quang Chuyền biết rõ sứ mệnh nhà thơ. Ưu tư là gánh nặng bề trên đặt lên vai mọi thi sĩ, trong đó có ông. “Chợt thấy cần buông bỏ/ mọi lụy phiền trong tâm/chợt thấy cần buông bỏ/ khát khao không thể cầm/ xin cuộc đời lưu giữ/ đôi môi tươi nụ cười/ xin cuộc đời lưu giữ/ đức tin đừng phai phôi” (Chợt nghĩ). Tôi không biết cặp từ “phai phôi” ông chủ ý hay viết cho hợp vần, nhưng ngẫm đi ngẫm lại thì thấy “phai phôi” đắc địa lắm. Nó làm cho câu thơ, và cả bài thơ tươi hẳn ra. Nó cũng cho thấy con người thi sĩ trước sau thủy chung trọn vẹn. Tôi kết thúc bài viết tại đây.

25.10.2020

CAO CHIẾN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *