Mỹ nhân nơi đồng cỏ – Tiểu thuyết của Lê Hoài Nam – Kỳ 2

Nhà văn Lê Hoài Nam

Chương mười chín

 

VHSG- Hôm nay, Tuyên từ Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh lại tiếp khách tại phòng khách của riêng bà trong cung Diên Khánh. Khách là Phó đô ngự sử Ngô Sĩ Liên và Đồng tu sử Phan Phu Tiên. Hai ông đều đã ở tuổi ngoài bảy mươi, râu và tóc đều trắng như cước nhưng nhờ kiến văn cao và có uy tín mà vẫn được giữ lại làm việc trong Viện Quốc Sử. Ngô Sĩ Liên vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn của một chiến binh trận mạc năm xưa. Phan Phu Tiên có vẻ gầy gò, dáng ông đồ.

Nguyễn Thị Anh tiếp hai sử quan với vẻ trịnh trọng. Bà sai Lưu Bích pha trà tuyết ướp hương sen để hai ông uống với mứt gừng và chè lam.

– Hôm nay ta cho gọi hai ông đến phòng khách riêng, hẳn hai ông hiểu cho mối thịnh tình của ta đối với hai ông – Nguyễn Thị Anh nói, giọng nhẹ nhàng mà chắc nịch – Chỉ có những người ta tin yêu thì mới được ngồi ở phòng này để nói những điều tâm huyết mà chỉ người nói và người nghe biết với nhau, sống để dạ, chết mang theo!

– Thưa Tuyên từ, lời người nói, chúng thần đã hiểu và xin lĩnh ý – Ngô Sĩ Liên vuốt chòm râu dài nói.

– Xin Hoàng thái hậu cứ an tâm – Phan Phu Tiên tiếp lời – Chúng thần vinh hạnh được làm bề tôi của Tuyên từ và Hoàng thượng đến nay cũng đã một thập kỷ, cho dù khi ở trong Hoàng cung, khi ở dưới phiên trấn thì những nguyên tắc kỷ cương mà Hoàng triều ban ra, chúng thần đâu dám trái phép. Xin người cứ nói!

– Hai ông hiểu cho như thế là ta an tâm lắm – Nguyễn Thị Anh nói – Trước hết, ta muốn hỏi các ông về công việc đã. Phó đô ngự sử Ngô Sĩ Liên, công việc của ông hiện nay thế nào, có khó khăn gì không?

– Bẩm Hoàng thái hậu – Ngô Sĩ Liên đáp – Như hạ thần cũng đã có lần khải tấu, rằng thần đang chuẩn bị tư liệu cho một bộ quốc sử. Từ xưa đến nay Đại Việt ta chỉ mới có một bộ quốc sử, đó là Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu. Hồi quân Minh xâm lược, cai trị nước ta suốt một thập kỷ, nhiều sách quý chúng đốt hoặc mang về bên bắc quốc hết. Riêng cuốn Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu thì rất may là Thái Tổ cao Hoàng đế vẫn bằng mọi cách giữ được. Cuốn ấy ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế, tức Triệu Đà cho tới Lý Chiêu Hoàng. Còn từ Trần Thái Tông trở lại đây, thần đang rất tích cực sưu tầm tư liệu.

– Thế còn Đồng tu sử – Nguyễn Thị Anh quay sang hỏi Phan Phu Tiên – Ta nghe các quan văn sử rất khen cuốn Việt âm thi tập do ông biên soạn từ thời Thái Tổ còn bình sinh. Họ nói rằng đấy là bộ hợp tuyển thơ văn đầu tiên của Đại Viêt…

– Hạ thần đội ơn Tuyên từ Hoàng thái hậu đã có lời khen – Phan Phu Tiên chắp hai tay, đầu hơi cúi xuống, tỏ vẻ rất cảm kích.

– Thế còn cuốn Đại Việt sử ký tục biên mà đích thân ta và Đức vua giao cho ông biên soạn thì đã làm đến đâu?

– Bẩm Hoàng thái hậu, phần đầu, hạ thần  dựa vào những tài liệu trong cuốn Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu – Phan Phu Tiên đáp –  phần sau hạ thần biên soạn xong từ thời Trần Thái Tông cho đến khi quân Minh rút khỏi Đai Việt. Hiện nay thần đã bắt đầu viết sang triều Nhân Tông tuyên Hoàng đế, bản triều mà Hoàng thái hậu nhiếp chính…

– Đồng tu sử làm việc như thế là rất đáng khen – Nguyễn Thị Anh nói – Vậy sau cuốn Đại Việt sử ký tục biên, ông còn dự định biên soạn cuốn gì nữa không?

– Bẩm Hoàng thái hậu, tuổi già đang sầm sập đến với hạ thần nên hạ thần phải cố gắng để khi nằm xuống sẽ không phải ân hận vì những dự định còn dang dở – Phan Phu Tiên nói – Cuốn Đại Việt sử ký tục biên chỉ ít ngày tháng nữa là tạm ổn, thần chuyển sang biên soạn cuốn Bản thảo thực vật toát yếu, nói về các loại thực phẩm của nước ta. Hạ thần đã kê ra được hơn bốn trăm loại thức ăn động vật và thực vật có ở trong nước và công dụng của các loại thức ăn đó!

– Như vậy sơ bộ ta cũng biết được cả hai ông đều rất yêu và mẫm cán với công việc biên soạn quốc sử nước nhà – Nguyễn Thị Anh nói – Sở dĩ ta để cho hai ông cùng biên soạn quốc sử, mỗi người biên soạn một bộ, là cũng có ý phòng ngừa nếu có chuyện can qua mà bị mất cuốn nọ thì cũng còn cuốn kia lưu lại cho hậu thế. Song có hai điều kiện mà ta yêu cầu các ông bắt buộc phải làm theo: một là, khi soạn đến đoạn Tiên đế Lê Thái Tông đi tuần và mất trên sông Thiên Đức, các ông phải ghi rõ Nguyễn Thị Lộ là con rắn báo oán. Nguyễn Trãi nuôi âm mưu phế lập đã cho Thị Lộ xuống thuyền hầu vua rồi đầu độc vua chết. Thứ hai là về vụ xử tử hai cặp cha – con Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục vừa mới đây, vì cũng có những dư luận bất lợi cho triều đình,  các ông không nên ghi chép chuyến đi Lam Kinh của Đức vua diễn ra trước vụ án một ngày, như thế người đời sẽ suy diễn rằng ta bày đặt cho vua đi Lam Kinh để ở nhà rảnh tay xử tội chết hai cặp cha con ấy.

Cả Ngô Sĩ Liên và Phan Phu Tiên đều tái mặt nhìn nhau. Sinh ra, lớn lên trong gia đình nho học, hai ông đều hiểu tình huống gian dối này là trái đạo, nhất là đối với người viết sử, nhưng giờ đây họ buộc phải lựa chọn, hoặc làm theo lời chỉ giáo của Nguyễn Thị Anh, hoặc bị buộc tội chống lại triều đình, mà chống lại triều đình nghĩa là phản quốc. Tội phản quốc thì nhận án tử là điều không còn phải bàn cãi! Tuy tuổi đã cao, bằng tuổi các ông, nhiều người đã thanh thản về nơi cát bụi, nhưng  Ngô Sĩ Liên và Phan Phu Tiên đều còn nuôi khát vọng hoàn thành mỗi người một bộ quốc sử, lưu danh cho hậu thế. Cuối cùng thì hai ông đành phải chọn sự sống!

– Bẩm hoàng thái hậu, ghi về cái chết của Tiên đế Thái Tông như thế là rõ rồi – Ngô Sĩ Liên nói – nhưng ghi về chuyến đi Lam Kinh của Đức vua thì thời gian vào thời điểm nào là thích hợp ạ?

– Các ông nên ghi lui về sau!

– Chúng thần tuân chỉ! – Cả Ngô Sĩ Liên và Phan Phu Tiên đưa mắt nhìn nhau, dùng ánh mắt để nói với nhau, cùng đáp.

***

Khống chế được hai sử quan, Nguyễn Thị Anh tạm an lòng. Bây giờ người mà bà cần phải vấn an chính là Hoàng đế  Bang Cơ, con trai bà. Mấy hôm nay, mỗi sáng mỗi chiều đến Võ Miếu và Kinh Diên chỉ thấy Nguyễn Xí và Đinh Liệt, Bang Cơ và Tư Thành lại ngẩn ngơ nhớ thương Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục. Có hôm hai chàng trai còn mang theo hương nến châm lửa thắp ngay trên hương án Võ Miếu thầm khấn hai ông, như là viếng muộn hai người thầy của mình. Khi trở về điện Trương Xuân mặt Bang Cơ buốn rười rượi.

Hôm nay cũng vậy, Nguyễn Thị Anh đến điện Trường Xuân, thấy Bang Cơ ngồi trước án thư, cuốn Binh thư yếu lược trước mặt, nhưng mắt chàng thì nhìn xa xăm tận đẩu đâu.

– Bang Cơ, sao trông mặt con ủ rũ thế kia? –  Nguyễn Thị Anh hỏi.

– Con nhớ thầy Khả và thầy Phục lắm, mẫu hậu biết không?

– Ta hiểu! Nhưng người mắc tội thì đã chết rồi – Nguyễn Thị Anh nói – Người sống thì phải sống sao cho ra dáng một con người! Cuộc sống dù có lúc vui lúc buồn, nhưng nên nhớ con đang là Hoàng đế của một nước. Một nước mà thời nào cũng có binh hùng tướng mạnh, đánh tan nhiều đội quân xâm lược lớn, thì vua không được phép mềm yếu, ẻo lả!

– Làm vua, nhưng con có quyền gì đâu! – Bang Cơ cãi.

– Con làm vua, nhưng vì còn ấu nhi nên mẹ phải nhiếp chính dìu dắt, giúp đỡ con, đó là luật của Hoàng triều – Nguyễn Thị Anh nói đến đó thì có cảm giắc dễ gây căng thẳng, liền hạ giọng – Chỉ hai năm nữa thôi, bước sang tuổi mười ba, tuổi vị thành niên, vững chãi hơn, mẹ sẽ trao lại quyền hành cho con!

Thấy Bang Cơ có vẻ nguôi nguôi, Nguyễn Thị Anh hỏi:

– Bây giờ con yêu cầu mẹ điều gì nữa, cứ nói?

– Qua dư luận từ  bá quan văn võ mà con biết, việc mẫu hậu cho giết hai cặp cha con Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục đã gây ra một dư luận rất không hay từ trong triều ra ngoài dân chúng – Bang Cơ nói – Bây giờ mẹ con mình phải làm thật nhiều việc tốt, lấy lại niềm tin của mọi người. Việc đầu tiên, con muốn có một yến tiệc để bốn người vợ và bốn con trai của Tiên đế gặp nhau như con đã nói với mẫu hậu mấy lần.

– Được, lần này thì ta đồng ý. Con hãy viết thư cho Lê Nghi Dân thăm dò xem ý tứ nó thế nào!

Chương hai mươi

 

Suốt đêm Nội nhập đô đốc Đinh Liệt không sao chợp mắt. Ông cứ trăn trở với những câu hỏi: “Thực chất mình là con người thế nào nhỉ? Mình có phải là một kẻ hèn không? Không! Hồi kháng chiến chống quân Minh, rất nhiều lần mình bị rơi vào tình thế hiểm nghèo, nhưng chưa bao giờ mình có tư tưởng đầu hàng hay thỏa hiệp. Mình là bạn Nguyễn Trãi, nhưng mình lại phải nhận lệnh truy bắt và ngồi ghế quan tòa xử Nguyễn Trãi. Nếu mình chống lại thì chắc chắn mình cũng đã bị rơi đầu, về với cát bụi như ông ấy. Mình là bạn với Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục mà khi hai cặp cha con các ông ấy bị xử chết đã mấy hôm rồi, mình chưa dám ra mộ thắp cho họ một nén nhang! Mình ra mộ các ông ấy thắp nhang thì sao nhỉ? Biết đâu mình sẽ bị Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh quy cho tội đồng lõa với các ông ấy, nhẹ cũng vài năm tống giam, nặng thì mình sẽ phải ra nghĩa địa nằm cùng hàng với các ông ấy. Phải, trong chiến tranh, mình có đủ phẩm chất của một anh hùng, nhưng trong thời bình, mình đã trở thành một thằng hèn chăng!”.

“Nhưng cũng có khi mình phải hèn để được sống. Mình cần phải sống để làm một cái gì đó rất mệnh hệ mà những bạn mình đã chết mà chưa làm được! Có những việc mà nếu mình chết đi sẽ không ai có thể làm thay!”.

“Một tin mật báo cho mình biết, hôm qua, Nguyễn Thị Anh còn gọi hai sử quan Ngô Sĩ Liên và Phan Phu Tiên đến phòng khách riêng ép hai ông phải chép sử theo ý của bà. Nếu hai ông buộc phải chấp hành lệnh của bà thì hậu thế sẽ hiểu thế nào về cái thời cam go mình đang sống đây? Nguyễn Trãi,Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục! Nếu có vong hồn thì vong hồn các đại nhân hãy về bên ta chứng giám những việc ta làm. Ta sẽ chép sử. Nhưng ta có cách làm của riêng ta. Nguyễn Thị Anh không thể kiểm soát! Ta sẽ làm cho hậu thế hiểu đúng về các đại nhân, về thời ta đang sống. Ta bắt đầu đặt bút viết đây…”

Phu nhân Lương Minh Nguyệt nằm ở giường bên hỏi vọng sang:

– Đêm nay có chuyện gì khiến phu quân khó ngủ đến vậy? Hay vẫn là nỗi băn khoăn vì chưa ra nghĩa địa thắp hương cho ông Khả, ông Phục?

– Đó chỉ là một lẽ thôi mình ạ – Đinh Liệt đáp.

Bà Lương Minh Nguyệt không hỏi thêm gì nữa, Đinh Liệt lại tiếp rục viết. Gần sáng, Lương Minh Nguyệt thức giấc vẫn thấy chồng ngồi viết, bà nhắc:

– Gần sáng rồi, mình phải chợp mắt một lát, mình vẫn còn đang phải uống thuốc chữa suy nhược cơ thể mà!

***

Trong nhà Đinh Liệt có hai bàn thờ. Bàn thờ Phật, nhỏ nhưng đặt trên cao, phải kê chiếc ghế đôn đứng lên mới thắp hương được. Bàn thờ gia tộc lớn hơn,  nhưng đặt ở vị trí thấp hơn. Đinh Liệt là con trai út, nhưng vì anh cả Đinh Lễ và anh thứ Đinh Bồ đã hy sinh trong kháng chiến chống quân Minh nên ông phải thay thế các anh lập bài vị thờ phụng tổ tiên và những người thân đã mất.

Sáng nay không phải ngày kỵ, nhưng Đinh Liệt vẫn thắp hương khấn gia tiên, bởi ông vừa làm một việc hệ trọng và ý nghĩa. Ông viết một tài liệu quan trọng về cái vương triều mà ông đang phụng sự, không thể công khai lúc này, mà ông muốn gửi lại cho hậu thế. Ông sẽ bỏ vào một cái rương kê bên dưới bát hương tổ đường, nhờ vong hồn các cụ lưu giữ, đến một thời nào đó, hậu duệ của ông sẽ công bố. Việc làm này của Đinh Liệt chỉ cho một người duy nhất biết, đó là Nguyễn Xí, người bạn tri âm tri ngộ của ông.

Đinh Liệt sai nô tỳ đi mời Nguyễn Xí từ sớm. Giữa buổi sáng thì Nguyễn Xí đi xe song mã đến. Xe dừng trước cửa ngôi biệt thự mà trong sân có cây hoa mộc lan và cây thu hải đường. Nguyễn Xí dặn người xà ích và hai người lính hầu ngồi chờ, một mình ông vào nhà Đinh Liệt. Thấy Đinh Liệt đang chắp tay đứng trước ban thờ, Nguyễn Xí cũng làm theo. Sau đó Nguyễn Xí đến đứng trước bài vị Đinh Lễ, trịnh trọng khấn thầm:

– Thưa vong linh Hiển khánh vương tướng quân. Tôi là Nguyễn Xí, bạn đồng ngũ với anh đây. Hôm nay trước vong linh anh, Nguyễn Xí tôi xin nhắc lại một vài kỷ niệm trong quân ngũ của chúng ta. Hôm ấy, anh đem quân đến đặt phục binh ở Tốt Động, Chúc Động. Tôi  bắt được tên thám tử của Vương Thông. Tôi và anh đều biết Vương Thông định chia đường, hẹn nhau khi pháo nổ thì quân mặt trước mặt sau cùng đánh úp đội quân của tướng Lý Triện. Tôi và anh bèn tương kế tựu kế dụ Vương Thông vào ổ mai phục Tốt Động, rồi đốt pháo giả làm hiệu cho quân Minh tiến vào để ta đánh. Quân Vương Thông thua to. Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Vương Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan. Bình Định vương Lê Lợi được tin thắng trận liền tiến đại quân ra bắc, vây thành Đông Quan. Lê Lợi lệnh cho tôi và anh  mang quân vây phía nam thành.

Tháng 2 năm 1427, tướng Minh là Phương Chính đánh  cánh quân của tướng Lý Triện ở Từ Liêm. Lý Triện bị tử trận. Tháng 3 Vương Thông đánh trại quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt. Tôi cùng anh mang 500 quân Thiết đột tiếp viện, đánh đuổi quân Minh đến My Động. Hậu quân Lam Sơn không theo kịp, Vương Thông bèn quay lại đánh, hai chúng ta cưỡi hai con voi bị sa xuống đầm lầy, quân Minh bắt mang về thành. Chúng tra khảo, anh quả cảm không chịu hàng, liền bị giết. Nhìn thấy chúng giết anh mà tôi bị trói không thể làm gì cứu anh. Tôi không chịu hàng nhưng không hiểu sao chúng chỉ tống giam chứ không giết. Nhân một đêm mưa gió tôi dùng mưu lừa quân gác ngục trốn thoát trở về. Sau đó tôi lại cầm quân tham gia trận chiến Xương Giang tiếp ứng cho Lê Sát bắt được Hoàng Phúc, Thôi Tụ là đạo viện binh sót lại sau khi Liễu Thăng bị chém. Đó là trận đánh mang ý nghĩa kết thúc cuộc kháng chiến. Mọi người trở về trong niềm vui chiến thắng, nhưng khi tôi nói đến việc anh hy sinh như thế nào thì ai cũng ngậm ngùi thương anh. Cho tôi được thắp nén nhang này cầu cho vong hồn anh bình an nơi chín suối sớm siêu thoát về nơi niết bàn dưới vòng tay che chở của Đức Phật…

Đinh Liệt mời Nguyễn Xí ngồi bên án thư. Đinh Liệt ra hiệu cho các nô tỳ của ông hầu trà xong thì lui ra ngoài để hai ông nói chuyện. Đinh Liệt mở tập tài liệu ông mới viết đêm qua:

– Hồi này tôi mang nặng nỗi ưu tư nên võ vẽ làm thơ, xin đọc mấy bài đại nhân nghe thử:

Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa
Bất thức hà nhân chủng bảo đa
Chủ kháo Tống khai vi linh dược
Cựu binh tân tửu thịnh y khoa

Đinh Liệt đọc xong, hỏi Nguyễn Xí:

– Đại nhân thấy có được không?

Nguyễn Xí cứ xem đi xem lại bài thơ, rồi gật gù:

– “Nhung tân” đọc lái là Nhân Tông, tức là Bang Cơ, con Nguyễn Thị Anh; “thịnh y” là “Thị Anh”. Bài này có thể tạm dịch:

Nhân Tông sáu tháng đã ra hoa
Dòng máu ai đây quý báu à?
Núp bóng Thái Tông làm linh dược
Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha

– Chà chà, thâm hậu và khí phách quá Đinh Liệt đại nhân ơi! – Nguyễn Xí nói.

– Bài thứ hai nhé – Đinh Liệt nói – rồi đọc luôn:

Tống Thai mạc kiến nguy ký hiện
Nịch ái Thịnh y nhật nhật tăng
Mỹ sắc điềm ngôn gia phỉ báng
Cơ đồ sự nghiệp hải hà băng

– Bài này tôi dịch luôn nhé – Nguyễn Xí nói – rồi đọc:

Thái Tông chẳng thấy nguy đã hiện
Say đắm Thị Anh cứ mãi tăng
Sắc đẹp lời ngon kèm phỉ báng
Cơ đồ sự nghiệp có ngày băng

– Khen thay cho đại nhân đã dịch đúng ý hiền đệ! – Đinh Liệt bảo – Bây giờ đến bài thư ba:

Nhung Tân hà hữu Tống thai tinh
Lục nguyệt khai hoa quái dị hình
Niên nguyệt nhật thời Thăng Đính ký
Hoàng bào ô nhiễm vạn niên thanh

– Bài này nghe qua đã nhận ra có nói đến Đinh Thắng và Đinh Phúc rồi!

– Phải, hai vị hoạn quan này đã ghi chép lịch chăn gối của vua. Họ chết oan chỉ vì tiết lộ cho Nguyễn Trãi chuyện Nguyễn Thị Anh vào cung sáu tháng đã sinh vua Bang Cơ! – Đinh Liệt nói – Đại nhân cũng biết chính hiền đệ được phân công ngồi ghế quan tòa xử Đinh Thắng và Đinh Phúc cùng một ngày với phiên xử Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ. Thần viết bài thơ này thay cho lời xám hối và xin lỗi vong hồn họ.

– Ta hiểu – Nguyễn Xí nói – Ta xin dịch như sau:

Nhân Tông không phải máu Nguyên Long
Sáu tháng hoài thai cảnh lạ lùng
Năm, tháng, ngày, giờ Đinh Thắng chép
Hoàng bào dơ bẩn tiếng ngàn năm

– Đại nhân dịch thoát ý lắm! – Đinh Liệt khen, rồi hỏi Nguyễn Xí – Đại nhân nghĩ sao khi đọc những bài thơ này của hiền đệ?

– Ta chỉ thấy vui vì quan Nhập nối đô đốc, từng vào tù ra tội, dù có lúc vì phải giữ mạng sống mà làm trái với luân thường, nhưng trước sau cái trí của người vẫn mẫm tiệp, tâm của người vẫn tỏa sáng!

– Đội ơn đại nhân đã khen – Đinh Liệt tỏ ra rất vui, nói tiếp – Chắc đại nhân còn nhớ cái hôm bốn chúng ta: Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục đi từ Hoàng cung ra Võ Miếu để chuẩn bị cho việc giảng dậy Bang Cơ và Lê Tư Thành, chúng ta đã thống nhất với nhau một điều rằng, nếu như Bang Cơ chứng tỏ là bậc minh quân thì dù chàng có nguồn gốc như thế nào, chúng ta cũng sẽ một lòng một dạ phụng sự. Chúng ta đặt sự hưng vong của Hoàng triều và xã tắc lên trên những lơi ích của dòng họ và những toan tính cá nhân. Nhưng đến khi Nguyễn Thị Anh ra tay sát hại Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục thì hiền đệ thấy không thể tha thứ cho bà ta được nữa. Hiền đệ vẫn phụng sự Hoàng  triều, nhưng hiền đệ buộc phải ghi chép những dòng này lưu lại cho mai hậu!

– Ta đồng tình với việc làm của quan Nhập nội đô đốc – Nguyễn Xí nói – Ta chỉ khuyên người phải di chúc lại cẩn thận và phải cất giấu cho cẩn mật. Gián điệp của Nguyễn Thị Anh mà biết thì không những quan Nhập nội rơi đầu mà ta cũng liên lụy!

– Vâng, thần sẽ viết thêm một số bài nữa, đóng thành quyển, nhờ vong linh tổ tiên giữ hộ!

Đinh Liệt ra hiệu cho nô tỳ bưng mâm cơm lên. Hai ông nâng chén với nhau trong niềm phấn chấn của những người vừa hoàn thành xong một công việc nhiều ý nghĩa.

LÊ HOÀI NAM

XEM THÊM:

>> Nhà văn Lê Hoài Nam: Cuộc hành quân không mỏi

>> Mỹ nhân nơi đồng cỏ – Tiểu thuyết của Lê Hoài Nam – Kỳ 1

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *