
CHƯƠNG 3
VHSG- Có hai ông đại tá trẻ được gắn sao ngay trên chiến trường bốn ngày trước, sau khi Buôn Mê Thuột thất thủ. Người đầu tiên là một đại tá Biệt động quân ở chiến trường Kontum và người thứ hai là mình, một đại tá Hải quân. Và cay đắng thay, cả hai có cùng một nhiệm vụ chiến lược: tổ chức những cuộc rút quân.
Tướng là gì? Ba chữ này luôn gợi lên trong mình lời nhắn nhủ của vị tướng Mỹ hồi hưu đến dạy tại Trường US Naval Academy tại Annapolis mà mình theo học hồi 1968. Ông là một tướng ba sao của thủy quân lục chiến từng trôi nổi khắp Thái Bình Dương, tham gia hầu hết trận chiến với Nhật Bản, rồi chiến trận Triều Tiên sau đó… Mình nhớ sau khi đặt ra câu hỏi, người quân nhân già đứng thẳng người nhìn vào các sĩ quan trẻ dày dạn trận mạc đang ngồi bên dưới và nhấn mạnh từng lời: “Tướng là bạn thân của tử thần. Quân nhân là người ôm cái chết vào lòng. Người có thể ôm cây súng – lưỡi hái tử thần – ngủ say, mân mê quả lựu đạn như một quả cam nhỏ mà khi bật nổ sẽ băm nát con người, tính toán chiến thuật để bao vây, nã pháo sát hại đối phương càng nhiều càng tốt… Và, không một quân nhân nào lên đến cấp tướng mà không nhiều lần mặt đối mặt với cái chết. Khi kết bạn được với cái chết, thì tất cả tầm thường của sự sống đều vô nghĩa. Họ sống trong sự cao thượng, danh dự và nghĩa khí. Tướng vì vậy là sự tôn quý không có gì đánh đổi được, kể cả cái chết”.
Ngôi sao được gắn vào cầu vai mình vào ngày thứ năm 13 tháng 3 năm 1975. Mình trở thành tướng cách nay bốn ngày lúc vừa tròn 34 tuổi, cùng tuổi với ông Nguyễn Cao Kỳ khi được phong thiếu tướng hồi 1964, thiếu tướng Lâm Văn Phát lúc 35 tuổi hồi 1963, tư lệnh không quân Trần Văn Minh được phong chuẩn tướng lúc 35 tuổi hồi 1967… Một cuộc chiến thôi thúc, một quân đội vội vã hình thành… nên tướng tá đều quá trẻ. Mình là thế hệ tướng thứ ba của VNCH, sinh quanh năm 1940, mà vào ngày chia đôi đất nước chỉ ở lứa tuổi 15, 16, 17. Mình nhớ hôm ấy, chiếc trực thăng của Tư lệnh quân đoàn đáp vội vã xuống Bộ Chỉ huy Sở Phòng vệ Duyên hải trong căn cứ Hải quân Tiên Sa, bước xuống trực thăng cạnh trung tướng tư lệnh còn có cả phó đề đốc chỉ huy trưởng Hải quân Vùng 1. Cả hai như bị ma đuổi đi thẳng vào phòng hành quân. Trước quân kỳ Hải quân và tấm bản đồ hành quân với những điểm đỏ rực cháy của chiến trận, Tư lệnh quân đoàn dõng dạc: “Đại tá, thừa lệnh của Tổng thống – Tổng tư lệnh, tôi mang đến một ngôi sao và quân lệnh thăng cấp cho ông!”. Khi ngôi sao vừa được gắn vào cầu vai, ông dõng dạc tiếp: “Chuẩn tướng, từ giờ phút này ông là một tướng lãnh trẻ nhất của quân đội, và ông phải tiếp nhận một sứ mệnh mà ông có trách nhiệm hoàn thành dù có phải đổi bằng sinh mạng của mình!”. Tư lệnh ra lệnh tất cả quân nhân rời khỏi phòng để ba viên tướng ở lại. Ông quay qua bản đồ hành quân nói từng chữ: “Chuẩn tướng nghe cho rõ: chúng ta có thể sẽ bỏ lãnh thổ Vùng 1 này, sau khi đã có lệnh bỏ Vùng 2 cao nguyên để rút quân lực về Nam tử thủ Vùng 3 và Vùng 4. Vùng 1 chỉ giữ lại ba đầu cầu gắn với đại dương để dễ phòng vệ là căn cứ Chu Lai, Đà Nẵng và cửa Thuận An – Huế. Đặc biệt là Đà Nẵng. Ba đầu cầu đó chỉ sống còn được nhờ vào hải quân. Ông là một chỉ huy hải quân lại từng tốt nghiệp sĩ quan Đà Lạt, tham gia biệt kích nhảy toán, rồi sau đó chỉ huy lực lượng Biệt hải. Ông có nhiệm vụ giúp Tư lệnh Hải quân Vùng 1 trong chiến dịch tái phối trí này, đặc biệt kết nối giữa hải quân và bộ binh, và bảo đảm di chuyển các cơ sở tình báo quân đội an toàn trong triệt thoái!”.
Sao nhiều mỹ từ quá: tái phối trí lực lượng, triệt thoái, rút quân lực, bảo toàn lực lượng… Sao toàn là những mỹ từ hàm nghĩa… “rút chạy” không thế nhỉ, sao không có một động từ nào liên quan đến… “đánh” vậy. Đúng là mình đã ngẩn cả người lên vì sốc. Một loại “sốc doublement(1)”. Sốc vì thành tướng chưa xong, thì bị cú sốc nặng hơn nữa: sốc vì có thể thành… “bại tướng”.
“Trình Tư lệnh. Ngay bây giờ sao?”, giọng mình không giấu được thảng thốt của cú “doubler(2) sốc” đó đến mức ông tướng vội vã đứng dậy vừa quay mình vừa trả lời: “Hãy chờ mật lệnh Thuyền Viễn Xứ!”.
* * *
Ủa, sao đường phố có vẻ chật chội và vô trật tự thế nhỉ. Cảnh sát và quân cảnh xuất hiện khắp mọi ngả đường. Từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn mình đi về phía Chợ Mới, qua đường Trưng Nữ Vương, quẹo vào đường Hoàng Diệu ra Ngả Năm, khu trung tâm của thị xã Đà Nẵng, khắp nơi người ở đâu mà xuất hiện nhiều thế, dường như có cả “tay xách nách mang” thì phải. Thôi rồi, người tản cư từ Huế đã bắt đầu xuất hiện ở Đà Nẵng. Lính tráng bị quân cảnh chận xét hỏi tại mọi ngả đường. Đào ngũ, bỏ ngũ đang là mối đe dọa của quân đội. Đang có lệnh cắm trại một trăm phần trăm mà áo lính xuất hiện ngoài đường là bị hốt ngay. Đàng kia một quán cà phê máy lạnh, nhạc tình đang réo rắc bỗng vụt tắt. Hai xe quân cảnh ập vào xét giấy tờ tất cả các thanh niên có mặt. Yêu cầu bổ sung lính cho các sư đoàn đang rất căng thẳng. Thanh niên tìm đủ mọi cách trốn quân dịch mà các quán cà phê là nơi dễ hốt lại họ nhất… Tiếng súng còn ở tận xa xăm mà tình thế đã bấn loạn đến thế rồi sao. Tin về cuộc tháo chạy khỏi cao nguyên sau thất thủ Buôn Mê Thuột bắt đầu ngấm vào dân chúng, và củng cố một tin đồn râm ran từ lâu về việc bỏ miền Trung và cao nguyên. Họ chỉ nghe vậy thôi, còn mình thì được thông tin đầy đủ rằng, trong một cuộc họp tuyệt mật, Tổng thống đã huơ tay vạch một đường cung từ Buôn Mê Thuột xuống Nha Trang và nói: lãnh thổ mới của VNCH chỉ tính từ đây. Đó là vĩ tuyến 13. Một cuộc thụt lùi bốn vĩ tuyến.
Dừng ở cửa nhà bấm chuông mãi mà không thấy nàng xuất hiện, trong lúc tiếng máy truyền tin cứ lặp đi lặp lại vừa nhàm chán vừa nóng ruột khúc hát: Chiều nay trên bến muôn phương/Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường… xen lẫn với lời réo gọi của trung tâm hành quân: Chim non đang đói. Mời Đại Bàng về gấp. Chim non đang đói. Mời Đại Bàng… Nhấn kèn xe đến lần thứ năm cửa mới xịch mở mà lại là ông gia nhân xuất hiện chứ không phải nàng. “Sao lâu thế!”, giọng mình gắt nghe cũng khiếp thật, ông lão lập cập chạy vừa phân bua: “Dạ, dạ, thưa ông tôi ở dưới bếp…!” vừa trao một tờ giấy nhỏ. Nét chữ của nàng: “Em ra biển. Sợ sóng lớn đã vào bờ! Chiều anh ra nhé, em cần anh!”. Có nét gạch bên dưới chữ sóng lớn. Chuyện này mới là chuyện lớn chứ không phải cuộc tháo chạy Thuyền Viễn Xứ kia đâu.
“Này chú!”, mình cố gắng giảm cường độ giọng nói xuống dù còn bực lắm: “Chú bỏ cái radio đi nhé. Trong đó toàn là tin nhảm không à!”.
“Dạ, dạ, tui, tui…”. Ông không dám nhận đang chúi đầu vào cái radio nghe ngóng tình hình nên không nghe tiếng tôi gọi ngoài này chứ gì! “Chú nì, gia đình mình đang yên lành ngoài Huế hỉ?”.
“Dạ, cả tháng ni tui có liên lạc chi mô!”.
“Chú muốn đón gia đình vô trong ni hay cứ ở ngoài nớ!”. Đây là những người mình có nghĩa vụ Thuyền Viễn Xứ trước tiên đây chứ nào đâu xa xôi.
“Dạ, ông ơi, ông biết phải làm chi chứ tui biết chi mô!”. Trời đất, tôi còn không biết số phận tôi sẽ ra sao nữa đây. Ông tin tôi vậy tôi đau lòng lắm, ông ơi. Bỗng nhiên mọi sốt ruột vội vã như tan biến mất. Đưa tay tắt cái máy truyền tin. Sau tiếng phụp của công tắc “turn off”, con đường Độc Lập đoạn cuối trở lại sự yên lặng của một thời yên bình xưa cũ.
“Chú lên xe ngồi cạnh tôi đi!”, mình phải vỗ vào ghế mấy lần ông già mới dám rón rén ghé người ngồi lên. Mình nói gì với ổng bây giờ đây. Nói rằng chúng tôi sắp bỏ rơi ông lại đây để chạy tuốt vào Nam. Nói rằng, tướng nhỏ như tôi cũng như tướng lớn đàn anh trên kia cũng đang chạy tới chạy lui và không biết tình hình đang diễn tiến thế nào. Hay nói rằng sẽ tử thủ ba cái đầu cầu này để chiến trận ập tới nghiền nát cái thị xã nhỏ bé, yên bình này. Hay nói rằng, thôi ông cứ để gia đình lại ngoài Huế còn tôi đưa ông chạy vào Nam và ông sẽ chia lìa khỏi họ thêm hai mươi năm nữa. Mà ông làm gì còn hai mươi năm nữa mà đợi.
“Chiến tranh lâu quá rồi chú hì!”.
Ông già gục gặc: “Lâu thiệt, ông ơi!”
“Chừ chú muốn kết thúc hay tiếp tục hắn?”
“Tui mà biết chi mô!!!”. Ừ, mình cần phải bổ sung cho vị tướng già đã định nghĩa về Tướng. Tướng là dẫn đường, đưa lối. Chứ đám tùy tùng, người dân có biết chi mô thiệt! Vậy thì mình phải quyết giúp ổng, chứ ổng làm sao nói được mà hỏi.
“Vậy được rồi, chú cứ ở yên trong nhà hỉ. Tích trữ lương thực đầy đủ, đừng nghe lời ai chạy bậy. Tui sẽ đưa gia đình chú vô đây. Sống chết có nhau còn chuyện mai sau để trời tính hỉ!”
“Dạ, lạy ông. Ông tính cho rứa phước đức quá. Tui có biết chi mô, biết chi mô!”. Nét mặt ông già như từ khoảng tối ló ra ánh sáng. Đúng thật, họ cần mình, Tướng, quyết định cho họ.
* * *
Sở Phòng vệ Duyên hải, trực thuộc Nha Kỹ thuật, Bộ Tổng Tham mưu, một cái tên hiền lành như một cơ quan hành chánh kỹ thuật, thực chất là vỏ bọc cho một bộ máy hành động quyết liệt nhất mà quân lực miền Nam đã tiến hành: gởi người xâm nhập miền Bắc bằng đường biển từ những năm 1962 để phá hoại, thu thập tin tình báo, thâm nhập, gây kích động bạo loạn, bắt cóc người để đưa về Nam huấn luyện. Nó là cơ cấu tinh nhuệ chuẩn bị cho Bắc tiến khi cần.
Thoạt đầu đây chỉ là một chiến dịch tình báo đơn lẻ do Trung ương Tình báo Hoa Kỳ(3) chỉ đạo ngầm, chỉ đến năm 1964, mới hình thành cơ cấu hỗn hợp Việt Mỹ chính thức và lấy tên là Sở Phòng vệ Duyên hải. Sở có hai bộ phận chính là lực lượng Hải tuần, nơi tập hợp những kẻ lì đòn nhất, khả năng hải hành giỏi nhất của hải quân, và lực lượng Biệt hải, gồm những biệt kích hàng đầu từ khắp nơi tụ họp lại, dĩ nhiên phải được huấn luyện biển để trở thành biệt kích biển. Xuất qủy nhập thần từ đại dương, lực lượng Hải tuần âm thầm đưa những con thuyền đủ loại từ thô sơ như ghe Nautilus(4) đến các loại tiểu đỉnh hiện đại như PCF, rồi PTF… vượt qua vĩ tuyến 17 tiến đến vĩ tuyến 18 – khoảng bờ biển Hà Tĩnh – và xa hơn có lúc đến vĩ tuyến 20 – vùng biển giữa Thanh Hóa và Nam Định – để tiến hành các vụ đổ bộ thâm nhập, có lúc là đánh phá các cơ sở hạ tầng như cầu cống, bến cảng, các đài radar ven biển; có lúc là bắt cóc người dân hoặc cán bộ chuyển về Nam khai thác tin tức tình báo, rồi huấn luyện cài trở lại miền Bắc; có lúc là quấy nhiễu các hoạt động của tàu bè ven biển để gây tâm lý bất an, hoặc các hoạt động của chiến tranh tâm lý như rải truyền đơn, gởi quà cáp để kích động các thành phần bất mãn trong đất liền, điều hành đài phát thanh “Gươm Thiêng Ái Quốc” phát sóng ra miền Bắc trong cuộc chiến tranh tâm lý… Nếu quân miền Bắc thâm nhập vào Nam bằng đường rừng thì Sở là cuộc thâm nhập của miền Nam ra miền Bắc bằng đường biển.
Người Mỹ đã kết thúc việc trực tiếp dính líu vào công tác này từ năm 1970 khi họ xuống thang chiến tranh và chuẩn bị rút khỏi Việt Nam, nhưng hoạt động của Sở vẫn được duy trì, về mặt chính thức là thuộc quân lực VNCH, nhưng bên trong vẫn được sự ủng hộ ngầm của tình báo Mỹ. Họ không dại gì buông tay khỏi một công cụ mật hữu hiệu mà họ đã dày công vun đắp.
Và lúc này đây, khi chiến cuộc đang đi vào chung cuộc, khi một giai đoạn lịch sử mới đang ló dạng kèm theo tính vô định của tương lai thì chính là lúc các công cụ mật ấy được sử dụng. Trong chính trị không có công cụ nào hữu hiệu hơn công tác tình báo để đối phó với những bất định đó. Mình quá hiểu chuyện này nên ngay từ khi dong xe từ Đà Nẵng về căn cứ Tiên Sa đã phải phát mật hiệu họp nhóm công tác tình huống đặc biệt này. Mười hạm trưởng tài giỏi nhất của các khinh tốc đỉnh đã có mặt, viên trung úy chỉ huy liên đội người nhái hải quân biệt phái vạm vỡ đen như cột nhà cháy im lặng ngồi vào bàn, viên đại úy dáng dấp thư sinh nhưng rắn rỏi xuất thân từ sĩ quan Đà Lạt chỉ huy nhóm Thủy quân Lục chiến biệt phái theo sau dập chân chào và một trung úy khác người gốc Huế chỉ huy nhóm biệt kích xuất thân từ nhảy dù, lực lượng đặc biệt và bộ binh lặng lẽ ngồi vào bàn sau khi chào chỉ huy. Bên trái bàn họp đã ngồi sẵn từ đầu một người đàn ông trạc ngũ tuần mặc đồ dân sự nhưng đều nhận được cái gật đầu chào tôn trọng của các sĩ quan trẻ. Ông ta là chỉ huy nhóm dân sự chiến đấu, một loại du kích quân có mặt từ đầu trong các cuộc thâm nhập miền Bắc hồi đầu những năm 60. Họ là dân hoạt động tình báo thứ thiệt chứ không phải là quân nhân biệt phái như các thế hệ sau. Họ hầu hết là người gốc Bắc di cư vào Nam và khao khát trở lại miền Bắc.
“Chào anh em, Tư lệnh quân đoàn đã ra lệnh bắt đầu chiến dịch Thuyền Viễn Xứ. Tôi với tư cách chỉ huy tác chiến của Sở sẽ trực tiếp chỉ đạo chiến dịch! Anh em đã có bản kế hoạch trong tay. Bước một, chúng ta sẽ chỉ phòng thủ ba đầu cầu là cửa Thuận An, Đà Nẵng và Chu Lai. Chúng ta phải di tản các cơ sở tình báo nằm ngoài ba khu vực này vào nơi an toàn, phá bỏ các thiết bị liên lạc, đưa người thoát ra! Vì đường bộ không còn an toàn nữa và đã bị cắt đứt vài nơi, nên trong ba ngày tới, chúng ta sẽ dùng các khinh tốc đỉnh tiếp cận các bờ biển là điểm cầu từ Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Biệt hải sẽ đổ bộ di chuyển nhanh ra các vùng ven đô thực hiện công tác triệt thoái này!”. Mình đang nói về điều gì mà giọng vẫn dõng dạc thế nhỉ! Mình đang nói về chuyện chạy, đúng rồi… chạy! “Chạy” mà sao hùng hồn thế, phải điều chỉnh giọng lại thôi!
“Sau bước một từ nay đến ngày 20 tháng 3 phải hoàn tất, chúng ta sẽ đi vào bước hai: thu gọn các cơ sở ngay trong lòng thành phố Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, tập trung họ đến gần các nơi có thể di tản được như Tiên Sa, Thuận An, Chu Lai… rồi dọn một “hành lang an toàn” dùng các khinh tốc đỉnh của ta để giúp di tản các sĩ quan cao cấp, các sĩ quan còn ở lại chỉ huy bọc hậu giúp các đơn vị di tản trước. Tất cả để chuẩn bị cả khả năng bỏ Huế, Đà Nẵng và toàn bộ Vùng 1!”. Tiếng ồ của cả phòng họp mật được cách âm gần như đồng loạt vang lên làm mình cũng giật bắn cả người. “Bỏ toàn bộ quân khu sao, chuẩn tướng!”, có người cao giọng. “Chạy hết sao?”, một giọng khác nối tiếp. Rồi hai ba người cùng chồm lên bật ra: “Đâu đến nỗi thế hả trời!”…
“Không được mất tập trung!”, giọng mình hét lớn đến ù cả tai, đập bàn đứng phắt dậy, giọng mình gằn lên nghe phát khiếp. Đây là những chiến binh cực đoan nhất của quân lực chứ không phải đa số đám lính kiểng gà mờ của quân đội. Họ gia nhập binh chủng để sống chết theo tinh thần “Lương Sơn Bạc”, chất giang hồ đậm nét trong cách sống này, quân kỷ, cấp bậc chả là gì, họ chỉ tuân lệnh và chấp nhận đi vào chỗ chết với một “đàn anh” mà họ phục chứ không phải quân hàm mà người đó mang. Chính tính chất này mà mình mới được chỉ định chỉ huy lực lượng này. Anh em phục cái thành tích lì lợm của mình.
“Kỷ luật số một của binh chủng này là gì? Tôi hỏi lại mấy anh đó? Đang nhảy toán vào rừng hay đêm hôm lặn vào bờ biển Nghệ Tĩnh mà mạnh ai nấy có ý kiến thì có còn là biệt kích không? Kỷ luật là sống! Vô kỷ luật là chết!”. Với tay mở ngăn kéo buya-rô lôi ra khẩu browning(5) thân thuộc, mình buộc phải làm điều mình ghét nhất – dập khẩu súng lên bàn – mình cố gắng nói thật nhẹ nhưng dứt khoát: “Khi nhận chỉ huy nhóm công tác đặc biệt này, tôi đã được giao khẩu súng danh dự này. Nó được dùng để bắn bất cứ ai bất tuân thượng lệnh hoặc làm lộ bí mật và đồng thời để… bắn vào đầu tôi khi rơi vào tình thế bị lộ!”. Không nhìn vào mặt bất cứ ai trong phòng, mình đành ngước nhìn lên trần nhà thở dài: “Các chiến hữu, đừng để tôi phải làm việc này!”. Sợ mọi người chưa rõ quyết tâm của “quân lệnh như sơn”, mình phải gằn rõ từng chữ: “Lúc này tôi chỉ muốn sự yên lặng và thực hành nhiệm vụ!”.
Một im lặng nặng nề chụp xuống căn phòng. Độ cách âm tuyệt đối của nó càng làm cho sự yên lặng không còn là vo ve mà như tiếng ong ong trong màng tai. Nếu mình không phải là một sĩ quan tốt nghiệp hàng đầu của Đà Lạt chuyển qua hải quân thực tập điều hành các khinh tốc đỉnh đổ bộ thâm nhập, rồi xung phong nhảy toán ở Trường Sơn suốt bốn năm liền, rồi du học ở trường hải quân và tình báo Hoa Kỳ, sau đó gắn bó với nhiệm vụ ở Sở này suốt năm năm qua thì chắc là các chiến binh vào sinh ra tử, lì lợm đối diện với cái chết dưới kia không dễ gì nuốt trôi những lời lẽ nặng nề như thế. Họ khâm phục, nể trọng và sợ viên chuẩn tướng trẻ tuổi trải cả tuổi thanh xuân của mình ở những binh chủng kiêu hùng nhất. Một thứ sĩ quan chiến binh đùa giỡn với tử thần thật sự chứ không phải đám tướng tá sa lông đang lục đục tháo chạy ngoài kia.
“Trước khi giải tán để thi hành nhiệm vụ, anh em đưa danh sách những người thân của mình đang ở trong Vùng 1 này cho tôi, tôi sẽ đích thân lo việc di tản họ thay cho anh em. Một gia đình không quá 5 người!”. Gia đình binh sĩ luôn là một gánh nặng tâm lý đè lên các quân nhân. Nếu mình thương anh em thì phải thương gia đình họ trước. Các ánh mắt của họ dường như thoáng biết ơn khi chào chỉ huy.
“Thưa Đại Bàng”, giọng Huế của trung úy Hùng chỉ huy nhóm nhảy dù biệt phái tiến đến và ghé sát tai mình: “Gia đình em ở tận Hải Lăng làm răng chuyển vô kịp!”.
“Ngày mai, tôi nhảy vào Trường Sơn để quan sát tình hình đây! Thì Hải Lăng là bao xa?”, mình nửa đùa nửa thật với Hùng. Phải cao bồi và đậm chất “anh hùng Lương Sơn Bạc” một chút với anh em.
“Dạ, rứa đón được hả Đại Bàng? Mà cả nhà có đến 7 người lận Đại Bàng!”, Hùng tươi hẳn ra và có ý nài nỉ.
“Thi hành nhiệm vụ đi!”, giọng mình thật lòng ân cần: “Chuyện gia đình để anh lo. Lúc đó cứ chen đại lên 7 người ai trách móc!”. Quân lệnh cũng phải có… du di, mình cũng thấy tức cười và nói ra lời dặn dò khó nhất: “Quân lệnh của binh chủng là không để lộ bất cứ hành tung nào ngay cả với vợ con, nhưng trong tình hình này thì… cố gắng nhắn nhủ khéo để cả nhà tập hợp lại. Đừng di tản lung tung, chờ người đến đón!”.
Tiếng dập chân chào thật mạnh và sốt sắng: “Tuân lệnh Đại Bàng, em đi thi hành nhiệm vụ ngay đây!”. Huynh đệ chi binh là vậy. Sống chết có nhau họ mới liều mình thế. Vậy là Tướng còn cần phải Chết Sống cùng binh sĩ nữa!
LƯU VĨ LÂN
(Còn tiếp)
_________
(1) Tiếng Pháp, hàm nghĩa “Sốc hai lần hay sốc gấp đôi”.
(2) Nghĩa như trên.
(3) CIA.
(4) Mật danh loại ghe thô sơ để xâm nhập miền Bắc.
(5) Tên một loại súng.
XIN XEM:
>> Ngẫu tượng – tiểu thuyết Lưu Vĩ Lân – Kỳ 1
>> Ngẫu tượng – tiểu thuyết Lưu Vĩ Lân – Kỳ 2