Thạch trụ huyết – Tiểu thuyết của Nguyễn Trần Bé – Kỳ 1

Nhà văn Nguyễn Trần Bé ở Hà Giang

1

VHSG- Thung lũng Sủng Pả. Chiều đông năm Canh Dần.

Bầu trời xám xịt một mầu chì. Mây đen cuồn cuộn từ phương Bắc kéo về. Gió thổi hun hút. Ngôi nhà chình tường, lợp cỏ gianh của Sùng Chư Pấu chìm nghỉm trong sương trắng mịt mùng. Cái lạnh giá tràn tới làm tê tái những tảng đá tai mèo nhọn hoắt, xếp chồng chồng lớp lớp trên các triền núi bao quanh bản người Mông nghèo khó. Khi những trận gió hàn thổi bạt sương trắng về phương Nam cũng là lúc bóng tối bất ngờ ập xuống.

Hút tới điếu thuốc phiện thứ ba mà Sùng Chư Pấu vẫn chưa say. Vừa đưa tay xoa cái ngực lép kẹp, Chư Pấu vừa lẩm bẩm:

– Hầy dà… Mình lo cái gì chứ? Vợ sắp đẻ con à? Mặc kệ nó. Nó chửa thì nó đẻ, giống như quả chín thì rụng thôi. Lo làm gì. Người chửa nào mà chẳng đẻ.

Giàng Thị Mùa, vợ của Sùng Chư Pấu, bụng to vượt mặt, nhăn nhó lần lên chỗ chồng nằm. Chống hai tay vào hông cho đỡ mỏi, Mùa nói với Chư Pấu:

– Mình hút thế thôi! Dậy đi gọi bà đỡ về đây. Tôi sắp đẻ con cho mình rồi. Cái bụng tôi đau quá. Con mình nó đạp mạnh lắm!

Chư Pấu bắt đầu ngấm thuốc, lừ mắt nhìn vợ, xua tay:

– Tối rồi đẻ sao được. Đợi mai hãy đẻ có được không?

Mùa kêu lên:

– Ối a, đẻ mà chờ được à? Kìa, tôi đau quá rồi! Đi gọi bà đỡ mau lên!

Chư Pấu khật khừ chống tay ngồi dậy, thở dài:

– Hầy dà, đi đâu được bây giờ chứ. Mày cứ đẻ đi tao lôi con ra cho!

– Không được đâu. Mình đi đi! Ái ôi, đau quá!

Chư Pấu lại nằm xuống, quay mặt vào bàn đèn, cầm tẩu thuốc phiện rít tiếp mấy hơi nữa. Trong làn khói mờ ảo, gương mặt Chư Pấu hiện rõ vẻ bất an, đờ đẫn.

Bầu trời tối đen. Gió bấc thổi ù ù.

Đứa con trong bụng đang xoay trở, quẫy đạp tìm lối ra khiến Mùa đau đớn quằn quại. Sự ngột ngạt trong căn nhà chật hẹp làm cho Mùa không thở được. Mùa ôm bụng lần ra phía cửa. Ngoài trời bỗng loé lên những tia chớp chói loà, tiếp đó là một tiếng sấm lớn. Mùa giật mình ngã ra bậc cửa. Chưa kịp kêu vì đau thì Mùa đã nghe thấy tiếng đứa con khóc oe oé dưới chân. Mùa vội lột váy quấn lấy đứa con vừa vọt ra khi có tiếng sấm rồi vội vã gọi chồng:

– Chư Pấu à, tôi đẻ con rồi! Nó khắc ra. Giúp tôi với, mau lên!

Nghe tiếng vợ gọi cuống cuồng, nhưng mãi một lúc lâu sau Chư Pấu mới khập khễnh bước ra cửa. Qua ánh chớp loé, nhìn thấy máu tươi chảy lênh láng từ cặp đùi xuống bắp chân vợ, Chư Pấu vội kêu lên:

– Ôi a!… Mày sắp chết rồi à? Máu gì mà nhiều thế! Con tao đâu rồi?

Chư Pấu hết chạy ra lại chạy vào vì chẳng biết làm cách nào để giúp được vợ. Việc đầu tiên cần phải làm lúc này là đốt lửa lên để có ánh sáng thì Chư Pấu lại không nghĩ ra. Chạy lật khật quanh hai mẹ con Mùa một lúc vẫn chẳng biết phải làm gì, Chư Pấu bèn ngồi phịch xuống bậu cửa, ruỗi cổ lên thở.

– Mình thắp lửa lên đi. Mau lên!

Nghe tiếng giục của vợ, Chư Pấu vội nhỏm dậy, chạy đến chỗ bàn đèn hút thuốc phiện cầm chiếc đĩa đèn mỡ lợn đang leo lét cháy ra chỗ Mùa ngồi. Đôi tay Chư Pấu loắng quắng làm rơi chiếc đĩa, ngọn đèn tắt phụt, tối om. Chư Pấu ngồi thụp xuống khoắng tìm chiếc đèn. Mùa hoảng loạn hét lên:

– Thôi mình đừng tìm đèn nữa! Đốt lửa lên đi! Con nó sắp chết rét rồi đấy! Lấy củi nòm mà nhóm lửa cho nhanh!

Lụi cụi mãi Chư Pấu mới lôi được những cây ngô khô còn cả lá dựng quanh bếp lửa (mà Mùa gọi là củi nòm), chụm vào đống tro than đang ủ giữa bếp, ra sức thổi. Ngọn lửa bùng lên, toả ánh sáng và hơi ấm khắp căn nhà tối tăm, chật chội, lạnh lẽo.

Đang trong lúc Chư Pấu không biết tiếp tục làm việc gì để giúp vợ thì bên ngoài có ánh đuốc. Dính cùng mấy người đàn bà Mông trong bản đang đến. Lúc chiều, khi thấy Mùa vác cái bụng to ộ ệ đi cắt cỏ ngựa, thỉnh thoảng lại xoa bụng nhăn nhó, Dính đoán là Mùa sắp đẻ nên tối nay đã rủ mấy chị cùng bản đến xem thế nào.

Chư Pấu mừng quá, gọi vợ:

– Mùa à, có người đến giúp rồi đấy!

Khi Dính cùng mấy chị trong bản bước vào nhà, Chư Pấu bỗng thấy mình như thừa ra. Đứng tần ngần một lúc chẳng thấy ai nói gì với mình, Chư Pấu liền lủi vào chỗ bàn đèn nhồi một điếu thuốc phiện mới. Rít hơi thuốc thật dài, thật sâu, Chư Pấu khoái chí nằm lăn ra đất, ngất ngây trong làn khói thuốc đê mê, quên cả việc mình vừa trở thành bố trẻ con!

Dính và các chị trong bản giúp mẹ con Mùa một cách lặng lẽ. Cần điều gì họ chỉ liếc mắt cho nhau là hiểu ý. Phụ nữ Mông đến tuổi sinh đẻ ở Sủng Pả thường được các bà già căn dặn một điều, khi chăm sóc bà đẻ chớ nên nói nhiều, vì bà mụ của bọn trẻ sơ sinh vốn không thích những kẻ lắm lời.

Tuy cùng tuổi với Mùa, nhưng lấy chồng sớm nên Dính đã đẻ được hai đứa con. Tháng trước Dính mới đẻ thằng con thứ hai, đặt tên là Seo Lử. Vừa cắt rốn cho thằng bé, Dính vừa nói với Mùa:

– Thằng này cùng tuổi với Seo Lử, sau này ta cho hai đứa kết bạn tốt với nhau. Khi Mùa hoặc tôi đi vắng cho hai đứa bú chung một mẹ là được.

Mùa mỉm cười nhìn Dính, khẽ gật đầu. Đôi mắt Mùa sáng lên lấp lánh.

Sau khi cắt rốn, mút bọt rãi, lau rửa sạch sẽ cho đứa trẻ, quấn kín người nó trong tấm áo tà pủ còn mới của Chư Pấu, Dính và mấy chị em trong bản dặn dò Mùa cách chăm sóc con, rồi ra về. Trước khi bước khỏi chiếc cổng gỗ, Dính dặn thêm:

– Cần gì Mùa cứ bảo Chư Pấu đến gọi tôi nhá!

Mùa gật đầu, ôm con nhìn theo Dính và mấy chị em cùng bản, đôi mắt rưng rưng. Mùa thấy ấm lòng trước tình nghĩa giữa người với người ở nơi mù sương, xám đá này. Mùa nhẹ nhàng hôn lên gương mặt thật đẹp và sáng của đứa con yêu. Đôi mắt Mùa ứa ra những dòng nước mắt hạnh phúc – hạnh phúc được làm mẹ – cái hạnh phúc thật bình dị mà lớn lao của đời người phụ nữ. Từ trong sâu thẳm cõi lòng, Mùa thầm nghĩ, mình sẽ làm tất cả vì con. Trong lòng Mùa luôn tin tưởng một điều, sau này lớn lên nhất định con mình sẽ trở thành một chàng trai đẹp nhất, tốt nhất của bản. Niềm tin ánh lên, rạng ngời trên gương mặt vừa đẹp vừa dịu hiền của Mùa. Thằng bé cựa mình đòi ăn. Mùa thôi nghĩ miên man, nhẹ nhàng ấp miệng đứa bé vào bầu sữa mọng căng của mình.

Nhìn kỹ đứa con, Mùa thấy nó thật lạ. Vừa đẻ ra mà tóc nó tốt chùm đến gáy, mắt sáng quắc, hàm răng dưới đã mọc hai chiếc khá dài, hàm trên có mấy cái đang nhú. Mùa bỗng đâm lo. Nỗi lo của Mùa ngày càng lớn thêm khi thằng bé có những biểu hiện khác thường: đêm nào nó cũng khóc ra rả, nhưng sáng ra thì lại cười khanh khách. Mùa bơ phờ mệt mỏi, nhưng vẫn không nản chí. Nhiều hôm Mùa thức thâu đêm chăm con, dỗ nó ngủ, cho nó bú, trong khi Chư Pấu chỉ biết hút thuốc phiện nằm bẹp ở góc nhà. Sốt ruột khi nghe tiếng thằng bé khóc, Chư Pấu gắt lên vài tiếng rồi lại nhón tay vê thuốc phiện nhét vào tẩu, tiếp tục mê man trong làn khói ma! Mùa giục Chư Pấu đi gọi Dính đến để hỏi xem thế nào, nhưng Chư Pấu vẫn cứ nằm bẹp tai bên cái bàn đèn!

Những lúc như vậy Chư Pấu hiện nguyên hình là một kẻ ất ơ, ngờ nghệch. Cái tên Chư Pấu, thoạt nghe cứ như thể tiếng gọi chệch của hai chữ “chi pấu” (tiếng Mông nghĩa là “không biết”) nghe vào lúc này càng thấy rõ hơn cái sự ất ơ ấy. Mọi người trong bản từng bảo, cha mẹ Chư Pấu thật khéo đặt tên cho con, vì cái tên ấy rất giống với con người của Chư Pấu. Ngoài cái vẻ ngờ nghệch, ngốc nghếch hiện rõ trên gương mặt, thân hình Chư Pấu lúc nào cũng gầy nhẳng như bộ xương, chân tay lẻo khẻo, mặt quắt queo, răng to và hô. Cha Chư Pấu đã phải thuê thợ kim hoàn bọc vàng vào mấy chiếc răng cửa to như những cái bàn cuốc, vừa để giữ của, vừa để che bớt cái hô và độ to quá cỡ của những chiếc răng ấy. Mặc dù được “trang điểm” bằng vàng nhưng hàm răng trên của Chư Pấu vẫn là nỗi khiếp đảm của những ai khi lần đầu nhìn thấy Chư Pấu cười! Có lẽ vì vậy mà chẳng có cô gái nào để mắt tới Chư Pấu. Chư Pấu lấy được Mùa là nhờ gán nợ. Mẹ của Mùa gả con gái cho Chư Pấu là để trừ vào số nợ vay của bố mẹ Chư Pấu.

Trước khi lấy vợ, Chư Pấu chẳng biết làm gì ngoài việc uống rượu, hút thuốc phiện, đi chợ phiên ăn thắng cố. Hồi trước Chư Pấu đã từng đi chăn bò, nhưng thỉnh thoảng lại dắt nhầm bò nhà người khác về chuồng nhà mình, gây ra bao nhiêu sự phiền toái, đến nỗi cha Chư Pấu không cho đi chăn nữa! Từ ngày lấy được Mùa về làm vợ, Chư Pấu hình như đỡ ngờ nghệch hơn một chút. Dân bản khen Mùa khéo dạy chồng. Cha mẹ Chư Pấu rất mừng vì có được đứa dâu tốt, họ tin rằng Mùa sẽ là chỗ dựa suốt đời cho thằng con trai ất ơ, ngờ nghệch đến tội nghiệp của mình.

2

Những năm về trước, gia đình Mùa gặp cảnh túng quẫn kiệt quệ sau một đợt dịch bệnh, phải đem tất cả của cải, bò ngựa ra chợ bán lấy tiền chữa bệnh, cúng ma. Tiền hết mà người vẫn chết. Cả nhà Mùa có sáu người thì chết mất hai, là cha Mùa và đứa em trai ngay dưới Mùa một đốt. Ngày ấy cha Mùa đi chợ, gặp người ta bán thịt bò rẻ hơn mọi bận, nghĩ thương vợ con đã lâu không được ăn thịt, ông mua về cả một đùi bò. Ông không biết con bò đó đã bị ốm vì bệnh nhiệt thán, thứ bệnh mà người già gọi là “than hủi”, ăn vào chết lây sang cả người!

Mùa nhớ như in những ngày đau thương ấy. Hôm đó cha từ chợ phiên trở về, vẻ mặt ông vui như người thợ săn vừa hạ được con mồi lớn. Trên vai cha là một đùi bò to, thịt đỏ tươi. Cha nói với mẹ:

“Hôm nay thịt bò rẻ lắm, giá chỉ bằng một nửa ở phiên chợ trước. Tôi mua cả một đùi về cho các con ăn thoả thích, đỡ thèm. Lâu rồi chúng nó chưa được ăn thịt!”

Mẹ nhìn cha bằng đôi mắt rơm rớm nước, nói giọng nghẹn cứng:

“Bố nó mua nhiều quá! Bữa sau lấy gì ăn? Miệng ăn núi lở, bố nó à!”

Cha nhìn mẹ bằng ánh mắt xót thương, nói một câu an ủi:

“Thôi mẹ nó đừng tiếc nữa! Hôm nay tôi trót mua nhiều rồi thì làm sao đây? Cũng chỉ vì tôi thấy họ bán rẻ quá mà. Lần sau tôi không hoang phí nữa đâu!”.

Nói xong, cha vác đùi bò xuống bếp, thui da, xả thịt. Đứa em trai giáp với Mùa xúm vào làm giúp cha. Nhìn gương mặt háo hức vì sắp được ăn một bữa thịt thoả thích của nó, Mùa bỗng ứa nước mắt! Mùa thấy thương các em mình đã bao ngày thèm miếng ăn ngon! Mùa tự nhủ, lúc nữa mình ăn in ít thôi, để nhường cho các em.

Mùa giã hạt thảo quả, hạt dổi và gừng già làm gia vị để cha nấu thắng cố. Vừa làm Mùa vừa ngoái đầu ra phía cổng đá ngóng xem mấy đứa em đi chăn bò, chăn ngựa thuê cho những nhà giầu đã về chưa. Mùa muốn bữa nay có đủ mặt cả nhà, mọi người cùng quây quần bên bếp lửa ăn một bữa thắng cố thật thỏa thích, cho bõ cơn thèm thịt!

Cha chia số thịt và xương thành hai phần. Phần thịt và da non thái miếng, ướp gia vị nấu thắng cố ăn trước; phần xương và da già chặt khúc để hầm canh ăn dần.

Mẹ rửa chiếc chảo to đặt giữa bếp để cha nấu thắng cố. Vừa làm cha vừa nói với mẹ và những đứa con đang vây quanh bếp lửa bằng cái giọng tiếc rẻ:

“Nồi thắng cố này mà có thêm chút lòng và tiết bò thì mới thật là ngon. Tiếc là hôm nay những thứ ấy người ta mua hết mất rồi!”.

Cả nhà Mùa ngồi quây quần quanh bếp lửa chờ thắng cố chín. Gương mặt người nào cũng tỏ ra háo hức, vui mừng, nhất là các em của Mùa. Nhìn cảnh ấy Mùa cảm thấy nao nao trong lòng. Nó bỗng ước ngày nào cũng được nhìn thấy cảnh này, ngày nào nhà nó cũng có nhiều thịt để ăn. Chảo thắng cố bắt đầu sôi liu riu. Mùi thịt chín thơm ngon đầy quyến rũ lan tỏa khắp gian nhà khiến hai cánh mũi của Mùa cứ phập phồng, phập phồng.

Chảo thắng cố hôm nay thật ngon. Cả nhà Mùa hì hụi ăn như chưa bao giờ được ăn một bữa thắng cố ngon và thỏa thuê đến vậy. Chỉ một lúc sau chảo thắng cố đã vơi đi một nửa. Chính lúc đó bất chợt đôi mắt Mùa mờ đi. Qua làn khói trắng bốc lên từ lòng chảo, Mùa nhìn thấy gương mặt cha và đứa em trai có nét gì đó rất lạ. Những gương mặt trắng bệch, lúc ẩn lúc hiện. Trong lòng Mùa chợt thấy bất an, lo lắng.

Và cái sự bất an, lo lắng ấy của Mùa biến thành hiện thực sau đó mấy ngày. Cha và em trai Mùa bị mắc bệnh “than hủi”. Mấy người cùng bản cũng mắc bệnh này. Họ đều là những người mua và ăn thịt con bò mà cha Mùa đã mua. Cũng may là chỉ những người trực tiếp thái thịt mới mắc bệnh nặng, còn những người ăn thịt chín thì bị nhẹ hơn. Cha và đứa em trai Mùa là những người thái thịt nên bệnh nặng nhất. Hai người sốt nóng như hòn than, môi khô rộp như cửa bếp lò, lúc mê man miệng cứ kêu ú ớ những câu kinh hãi giống như lời của ma quỷ!

Mẹ đi đón thầy mo về cúng con ma. Thầy mo cúng ma ba ngày, sai những người giúp việc giết thịt ba con lợn, mổ hàng chục con gà, đồ mấy mẹt xôi, mua mấy vò rượu để làm lễ giải hạn, đuổi tà ma… nhưng cha vẫn không qua khỏi. Lúc chết mắt cha mở trừng trừng. Đứa em trai của Mùa cũng mắc bệnh rất nặng, nhưng nó là đứa trẻ mới lớn nên sức chịu đựng tốt hơn cha. Vậy mà nó cũng chỉ sống được thêm có ba ngày nữa. Trong ba ngày ấy thầy mo đã kịp sai người giết thịt thêm ba con lợn, mổ thêm hàng chục con gà, đồ thêm mấy mẹt xôi, mua mấy vò rượu nữa để tiếp tục cúng ma giải hạn, nhưng con ma vẫn kéo nó đi theo cha! May cho mẹ và mấy chị em Mùa ăn thịt khi đã nấu chín nên bệnh nhẹ hơn, nhưng ai cũng ốm mất cả tuần trăng mới gượng dậy được. Trong lúc túng quẫn cùng cực ấy, mẹ và mấy chị em Mùa phải trông cậy vào sự giúp đỡ của bà con dân bản. Ông Sùng Chư Sảng, cha của Sùng Chư Pấu, là người giúp đỡ nhiều nhất. Ông ấy giúp nhà Mùa năm con lợn và hai con bò. Lợn thì giết thịt để thầy mo cúng ma; bò bán đi lấy tiền mua thuốc chữa bệnh cho mấy mẹ con. Thuốc gửi mua tận bên Vân Nam, hết khá nhiều tiền, nhưng nhờ thuốc tốt nên mẹ và mấy chị em Mùa thoát được chết. Mùa nghĩ thương cha và đứa em trai chưa kịp uống thuốc thì đã về Trời!

Đến ngày hẹn trả nợ, mẹ và mấy chị em Mùa không thể nào lo kịp. Lợn chưa lớn, bò không có tiền mua nên đành cúi đầu xin khất nợ. Cũng may ông Chư Sảng là người tốt, không o ép hay bắt vạ. Nhưng cái tục của người Mông ở Sủng Pả từ bao đời nay là thế, đã vay mượn thì phải trả. Trả không được thì phải đi làm không công cho chủ nợ trừ dần. Bằng không thì phải gả con gái cho con trai nhà chủ nợ. Thế là Mùa thành vật gán nợ. Thực ra, do cái số của Mùa hẩm hiu gặp phải Chư Pấu ất ơ, chứ nếu Chư Pấu là thằng trai khoẻ mạnh, khôn ngoan thì đâu đến nỗi. Mùa không thể nào quên được cái bộ dạng của Chư Pấu trong lần đầu tiên hai người gặp nhau. Khi Mùa theo mẹ đến nhà ông Chư Sảng khất nợ, Chư Pấu chẳng biết ở đâu tấp tểnh chạy về, lắc lư trước hai mẹ con Mùa, cười nhăn nhở. Miệng Chư Pấu lấp loá mấy chiếc răng bọc vàng, trông thật khiếp. Chư Pấu chỉ vào Mùa, nói những câu chẳng giống như lời của kẻ ất ơ, ngờ nghệch:

“Mày đẹp đấy. Lấy tao nhá! Nhà tao nhiều ngô, nhiều lợn, nhiều bò lắm. Tao cũng biết làm chồng mà!”

Mùa sợ hãi túm lấy váy mẹ, mắt lấm lét nhìn sang phía Chư Pấu thế thủ. Và

Mùa gần như phát sốt khi nghe tiếng ông Sùng Chư Sảng nói với mẹ mình:

“Phải đấy. Cho con Mùa lấy thằng Chư Pấu là nhà chị hết nợ thôi. Con Mùa khỏe thế này sẽ giúp được thằng Chư Pấu nhiều đấy. Thế là hai nhà chúng ta đồng ý rồi nhá!”

Mặc dù không thấy mẹ hứa hẹn hay gật đầu, nhưng nhìn vào mắt mẹ, Mùa hiểu mẹ đã buộc phải đồng ý rồi. Cổ mẹ duỗi lên, cố sức nuốt nước mắt vào trong bụng. Mẹ nhìn Mùa bằng cặp mắt rất lạ, hiện lên vẻ thương xót tận cùng mặc dù đã cố tình giấu kín.

3

Lễ hội Gầu tào ở Sủng Pả năm ấy diễn ra trên bãi nương rộng, tròn như một cái mâm, được bao bọc bởi những dải núi đá vôi. Trông xa, khu vực lễ hội có hình dáng giống như cái cối đá xay ngô của người Mông. “Ngõng” của cái cối xay khổng lồ ấy chính là cây nêu, được dựng bằng một cây tre mai to nhất, cao nhất, đẹp nhất, chọn trong búi tre tốt nhất ở thung lũng Sủng Pả. Đó là nơi làm lễ chính của người đứng ra tổ chức lễ hội Gầu tào. Xung quanh cây nêu là nơi tổ chức các trò chơi dân gian, được truyền nối từ đời nọ sang đời kia.

Những năm trước, mỗi khi đến lễ hội Mùa rất thích ngắm cây nêu, thích xem thầy mo cúng lễ, thích cùng mọi người hào hứng tham gia các trò chơi dân gian. Nhưng năm nay thì khác. Mùa không còn được tự do cùng bạn bè chơi đùa thoả thích như trước, vì Mùa đi đến đâu cũng có Chư Pấu lẵng nhẵng bám theo. Nhiều lúc Mùa cảm thấy đôi chân mình như bị ai đó buộc dây kéo lại. Các trai bản thấy Mùa xinh đẹp tìm cách đến gần để ngỏ lời nhưng không thể nói chuyện được vì bị Chư Pấu làm vướng chân.

Cái háo hức ban đầu trong tâm trí cứ giảm dần khi đôi chân Mùa bước sâu vào lễ hội. Mọi năm, đôi bắp chân quấn xà cạp trắng của Mùa cứ thoăn thoắt dưới làn váy lanh thổ cẩm xếp lớp, đung đưa theo nhịp bước, đẹp đến mê hồn. Nhưng hôm nay đôi bắp chân ấy cứ như có bàn tay vô hình đang níu giữ, khiến Mùa thấy vướng víu, trễ nải. Nhìn cảnh Chư Pấu ngờ nghệch, ngửa cổ cười cười, đi bên cạnh Mùa đẹp rực rỡ như bông hoa mẫu đơn rừng, ai cũng thấy tiếc cho một bông hoa đẹp. Nhiều người nhận thấy bông hoa ấy đang héo úa từ bên trong. Bao đôi mắt tiếc rẻ nhìn theo Mùa cùng những tiếng thở dài của các chàng trai Mông đang đi tìm gái đẹp để kết bạn cứ đuổi theo phía sau lưng khiến Mùa càng thêm chán chường. Tất cả những trò chơi vui trong lễ hội bỗng trở nên nhạt nhẽo, vô nghĩa trước mắt Mùa. Lách đám đông, Mùa tìm cách chui ra khỏi “chiếc cối đá khổng lồ” đang quay những vòng quay náo nhiệt. Khi Mùa càng cố sức bước qua cái vòng quay ấy lại càng thấy nó quay mạnh hơn, nhanh hơn. Mùa đâu biết, đó chính là những vòng quay cuộc đời của những người phụ nữ Mông như Mùa. Một khi ai đó đã bị vòng quay ấy cuốn vào thì dù có cố sức thoát ra cũng khó lòng mà thoát được! Mùa lảo đảo như sắp ngã…

Cuối cuộc chơi xuân, nhà ông Sùng Chư Sảng bố trí cho Chư Pấu và các bạn của nó đi “kéo” Mùa về. Đối với con gái Mông đến tuổi lấy chồng, việc được một chàng trai ưng ý “kéo” về làm vợ vào dịp xuân sang, tết đến là cả một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của đời người phụ nữ. Nhưng Mùa không cảm nhận được điều đó. Mùa biết rõ rằng cái việc “kéo vợ” của Chư Pấu đối với mình chỉ là kết quả sự dàn xếp của những người lớn. Mùa đi “làm dâu nhà người” trước sự luyến tiếc của không biết bao nhiêu trai bản xa gần. Họ tiếc cho một bông hoa đẹp đã cắm nhầm chỗ. Mùa âm thầm làm “vật gán nợ” cho nhà Chư Sảng, quên đi hạnh phúc của mình để gánh nợ cho cả nhà, phó mặc cuộc đời mình cho số phận đẩy đưa. Mẹ Mùa thương con đứt từng khúc ruột nhưng chẳng thể làm khác được, đành ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong bụng, rồi tự an ủi rằng, dẫu sao nó cũng được nương tựa ở một gia đình khá giả. Song điều mong mỏi giản đơn ấy của bà cũng không thành hiện thực, bởi chẳng bao lâu sau ngày Mùa về làm dâu, thì tai hoạ bất ngờ ập xuống nhà Chư Sảng.

Chuyến đi buôn thuốc phiện đường dài lần ấy ông Chư Sảng và người con trai cả của ông đã bị một băng cướp núi sát hại. Hôm ấy là một ngày kinh hoàng nhất trong đời Mùa. Bọn cướp đem xác ông Chư Sảng và người con trai cả đặt trước cổng đá nhà ông trong một đêm giông gió, sấm chớp. Đêm ấy Chư Pấu say thuốc phiện nằm bẹp dí dưới đất, Mùa xay ngô mãi gần sáng mới đi nằm. Nhưng Mùa không tài nào ngủ được vì tiếng chim lợn cứ kêu eng éc sau nhà. Tiếng kêu làm cho Mùa nổi da gà, dựng tóc gáy. Linh cảm có điều chẳng lành xảy ra, Mùa lần đến cửa buồng mẹ chồng, khẽ gọi. Bà mẹ chồng của Mùa cũng không ngủ được từ khi nghe thấy tiếng chim lợn. Bà ngồi như hoá đá, mắt nhìn về bếp lửa leo lắt. Con chó già từ ngoài cửa chạy vào, miệng rên ư ử như muốn nói điều gì. Đoạn nó cắn áo bà Chư Sảng kéo đi.

Bà Chư Sảng ngã vật xuống đất khi nhìn thấy xác chồng và con trai bị chém nát mặt. Mùa chỉ kịp hét lên một tiếng rồi lịm đi. Khi tỉnh dậy, Mùa thấy trong nhà mình đầy người. Dân bản đến giúp làm ma tươi, chôn cất người chết. Chư Pấu vẫn nằm bẹp dưới đất trong cơn say thuốc phiện, thỉnh thoảng cái miệng đầy bọt dãi của Chư Pấu lại phát ra những câu ú ớ như thằng câm học nói.

Nhà Sùng Chư Sảng suy kiệt từ đó!

 4

Thấy mọi người kháo chuyện về đứa con khác thường của Chư Pấu, tộc trưởng Nỏ Pó thấy rất khó tin, bèn sang tận nơi để xem thực hư thế nào. Khi nhận thấy đúng là thằng bé này có những điều khác lạ so với những đứa trẻ trong bản, Nỏ Pó lắc đầu:

– Hầy dà!… Thầy mo bảo mùa đông mà có sấm chớp là tam giới có động đấy. Mọi chuyện sẽ không hay đâu. Thằng bé này đẻ ra trong lúc có sấm chớp lại càng không hay. Trẻ con vừa đẻ mà đã có răng là hoạ đấy. Phải bỏ nó lên rừng thôi!

Chư Pấu nghe Nỏ Pó nói thế cứ gật đầu cười cười. Cái cười hiện rõ sự ngờ nghệch của một kẻ ất ơ. Mùa quắc mắt nhìn tộc trưởng Nỏ Pó, rồi hoảng hốt ôm chặt thằng bé như sợ bị ai cướp đi. Mùa nhìn sang phía chồng, bảo:

– Mình mang thuốc phiện sang nhà Nỏ Pó mà hút. Con tôi để tôi nuôi!

Nghe đến thuốc phiện, mắt Chư Pấu sáng lên. Chẳng cần đợi vợ giục, Chư Pấu khật khưỡng vào chỗ bàn đèn lấy cục thuốc phiện, kéo tộc trưởng Nỏ Pó tấp tểnh bước thấp bước cao ra khỏi cửa!

Tìm cách đuổi khéo được chồng và tộc trưởng Nỏ Pó đi, Mùa yên tâm ngồi cho con bú. Thằng bé đang bú bỗng cắn mẹ một cái thật đau bằng những chiếc răng sắc nhọn, rồi đạp chân, ưỡn bụng kêu ằng ặc như thể bị đứt lưỡi. Mùa hoảng hồn bế con chạy ra cửa. Thằng bé bất ngờ cười khanh khách. Mùa sợ quá vội ôm con đến nhà thầy mo.

Thầy mo lột hết tã lót thằng bé, xem xét rất kỹ khắp người nó. Lát sau thầy nói:

– Thằng này tuổi Dần, đẻ vào giờ Tuất, khó nuôi. Nếu nuôi được lớn lên nó sẽ chẳng giống ai. Không nuôi được thì ba ngày nữa nó sẽ chết. Nếu không muốn nó chết thì phải làm lễ cúng tế thần linh để giải hạn!

Nghe thầy mo nói vậy Mùa sợ lắm. Ôm con về nhà, Mùa vội gọi chồng dậy bàn việc làm lễ cúng giải hạn cho con. Nhưng Chư Pấu mải hút thuốc phiện vẫn nằm bẹp tai không nói gì. Khi Mùa giục đến lần thứ ba Chư Pấu mới nhỏm dậy nhìn chằm chằm vào mặt thằng con trai, nói lại lời tộc trưởng Nỏ Pó:

– Hầy dà!… Thầy mo bảo mùa đông mà có sấm chớp là tam giới có động đấy. Mọi chuyện sẽ không hay đâu. Thằng bé này đẻ ra trong lúc có sấm chớp lại càng không hay. Trẻ con vừa đẻ mà đã có răng là hoạ đấy. Phải bỏ nó lên rừng thôi!

Mùa thấy lạ. Thường ngày Chư Pấu là người rất hay quên, nếu muốn nói điều gì thì phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần Chư Pấu mới nhớ. Vậy mà sao hôm nay Chư Pấu lại nhớ hết được câu nói của Nỏ Pó khi ông ấy chỉ nói có một lần? Hay đấy chính là lời của quỷ thần nói qua miệng Chư Pấu? Mùa bỗng thấy lo. Một nỗi lo vô hình nhưng rất dữ dội đang xâm chiếm lòng Mùa.

Chán chồng quá, lại lo sợ nhỡ biết đâu Chư Pấu nghe theo lời tộc trưởng Nỏ Pó đem con bỏ vào rừng thì khổ, Mùa quyết định đem con về nhà mẹ đẻ. Đêm ấy Mùa đặt đứa con vào quẩy tấu, xếp đồ đạc lên lưng ngựa, lặng lẽ ra đi.

Mùa dắt ngựa bước đi trên con đường gập ghềnh đầy đá nhọn. Thằng bé cứ lúc khóc, lúc cười. Tiếng nó lẫn trong tiếng gió đêm hun hút, tạo nên một thứ âm thanh rờn rợn, khiến Mùa sợ hãi. Đang ngập ngừng không biết nên đi tiếp hay quay trở lại, thì Mùa gặp Dính.

– Mùa dắt ngựa đi đâu vào giờ này? – Dính ngạc nhiên hỏi.

– Tôi về nhà mẹ đẻ. Tôi chán Chư Pấu quá rồi!

Nghe Mùa nói chán chồng bỏ về nhà mẹ đẻ, Dính khuyên:

– Chư Pấu nó dại nhưng vẫn là chồng mình, đừng bỏ nó mà khổ cả hai!

Nghe Dính nói thế, Mùa nghĩ nhiều lắm. Mặc dù không có tình yêu, nhưng từ ngày về làm vợ Sùng Chư Pấu đến nay Mùa thấy chồng mình cũng tốt, biết thương vợ. Tuy không được khôn như chồng người ta, nhưng bù lại Chư Pấu thuộc dạng người dễ sai bảo. Hầu như việc gì vợ bảo làm là Chư Pấu làm ngay. Nết tốt của Chư Pấu là không bao giờ đánh vợ, nếu say rượu thì chỉ ngủ. Là con nhà khá giả nhưng Chư Pấu không cậy của. Số bạc bố mẹ để lại Chư Pấu đưa hết cho vợ cất giữ, tự ý chi tiêu, lúc nào cần mua thuốc phiện hoặc đi chợ ăn thắng cố thì Chư Pấu lại chìa tay xin vợ. Nghĩ như vậy tự nhiên Mùa thấy thương Chư Pấu quá, liền nói với Dính:

– Tôi phải dắt ngựa đem con về với Chư Pấu thôi. Dính đi cùng tôi nhá!

Thằng bé trong quẩy tấu bất ngờ cười khanh khách. Nó đạp mạnh đến nỗi chiếc quẩy tấu rung lên bần bật.

Mùa cùng Dính dắt ngựa trở về. Đi được một đoạn bỗng thấy có ánh đuốc phía trước. Hoá ra là Chư Pấu. Thấy vợ đem con bỏ nhà đi, Chư Pấu như người phát điên, phát cuồng. Hết ngửa mặt kêu trời, Chư Pấu lại ngửa cổ nốc rượu đựng trong vỏ quả bầu khô. Thật lạ, mọi khi chỉ uống nửa bầu rượu là Chư Pấu đã say nghiêng ngả, nhưng hôm nay uống cạn đến giọt cuối cùng vẫn tỉnh như sáo. Chư Pấu đưa tay đấm ngực bùm bụp. Rồi khóc. Cào cấu tóc tai mà khóc. Khóc chán vẫn không thấy vợ con về Chư Pấu liền đốt đuốc đi tìm. Gặp vợ con và Dính giữa đường, Chư Pấu sung sướng cười như bị ma làm. Cười chán, Chư Pấu vòng ra sau lưng vợ, móc tay vào trong miệng quẩy tấu lôi lấy thằng con. Chư Pấu giơ cao thằng bé trên đầu, vục mặt vào cái chim tí xíu của nó hôn hít cuống cuồng. Hình như chưa thỏa cơn nhớ con, Chư Pấu còn dùng đôi môi thâm xì của mình mút mút cái đầu “con chim” be bé xinh xinh của thằng cu con. Mùa nhìn cảnh Chư Pấu đùa con mà thấy lòng mình rưng rưng. Đôi mắt Mùa long lanh nước. Mùa khóc trong sự sung sướng của người mẹ trẻ. Dính đến bên Mùa, nói nhỏ:

– Chư Pấu chưa phải là người bỏ đi đâu. Nó tốt đấy, yêu con thế kia cơ mà!

Thằng bé lại cười khanh khách.

Từ hôm ấy Chư Pấu trở thành người khác hẳn. Ngoài việc chủ động bảo vợ đi đón thầy mo về làm lễ giải hạn cho con, Chư Pấu còn thức suốt đêm để cùng vợ chăm sóc con mỗi khi nó quấy khóc. Sự yêu con của Chư Pấu thể hiện rõ nhất trong buổi lễ cúng giải hạn. Chính hôm ấy Mùa và bà con dân bản mới nhận thấy hết tình yêu thương mà Chư Pấu dành cho đứa con trai của mình. Để xua đuổi tà ma, thầy mo ngậm dầu trong miệng, vừa nhảy múa vừa thổi phù phù vào que lửa đang cầm trên tay. Đúng lúc ngọn lửa bùng lên, Chư Pấu chẳng biết từ đâu nhảy bổ vào dùng tấm lưng gầy che chắn ngọn lửa cho con, miệng quát thầy mo: “Ông làm như thế cháy con tôi thì sao?” Thầy mo phát bực đuổi Chư Pấu ra ngoài. Được một lúc Chư Pấu lại ngó cổ vào xem. Thấy trên người thằng bé có mấy giọt máu tươi, Chư Pấu hét lên rồi lao vào túm lấy thầy mo, quát tướng: “Tại sao ông làm cho con tôi chảy máu?”. Chư Pấu đâu biết đấy là những giọt máu của con gà trống dò, thầy mo cắt tiết vẩy lên người thằng bé để làm phép trừ tà.

Sự yêu thương, chiều chuộng, giúp đỡ vợ con của Chư Pấu còn được thể hiện bằng những công việc thường ngày, những việc mà trước đây chẳng mấy khi Chư Pấu làm. Ngày nào Chư Pấu cũng miệt mài đi cắt cỏ bò, lấy củi, cõng nước giúp vợ. Đêm về còn cặm cụi xay ngô để vợ đồ mèn mén. Có hôm Chư Pấu thái cỏ bò, xay ngô đến gần sáng mới đi ngủ. Nhìn Chư Pấu gầy ngẳng, gò vai duỗi cổ kéo cái giằng xay để quay chiếc cối đá to như vành thúng, miệng thở phì phò, Mùa thấy xót đau từng khúc ruột vì thương chồng. Mùa địu con bước đến gần Chư Pấu, nói những lời yêu thương:

– Để tôi xay xúm với mình cho đỡ nặng!

– Tôi khắc xay được mà. Mình cứ cho con ngủ đi. Lúc nữa xay xong, tôi bế con cho mình đồ mèn mén.

Nghe Chư Pấu nói những lời ấy Mùa sung sướng, cảm động vô cùng. Ngồi ôm con bên bếp lửa, Mùa nhìn chồng bằng cặp mắt lóng lánh nước và nghĩ thầm: những người chồng khôn chắc cũng chỉ làm, chỉ nói được như thế thôi. Chư Pấu của mình không còn là người khờ dại nữa rồi!

Mùa đặt con lên chiếc phản, đắp cho nó chiếc áo tà pủ của Chư Pấu rồi bước ra bên ngoài. Mùa ngửa mặt trông lên bầu trời đêm lấp lánh muôn vàn những vì tinh tú, chắp tay trước ngực, miệng lẩm bẩm: “Ông Trời ơi! Chư Pấu chồng con hết dại rồi! Con xin đa tạ Ông Trời!”

Chư Pấu bàn với Mùa đặt tên con trai là Sùng Chứ Đa. Mùa chẳng biết cái tên ấy có nghĩa là gì, nhưng vì đó là cái tên do Chư Pấu nghĩ ra, lại nghe thấy cũng hay hay nên đồng ý ngay. Thật lạ, khi Mùa nhìn vào chỗ thằng bé đang nằm, gọi tên Chứ Đa, nó liền đón nhận luôn bằng một tràng cười khanh khách.

Hàng ngày Chư Pấu vẫn hút thuốc phiện, nhưng không hút nhiều, nhờ vậy không bị say bí tỉ như trước. Rượu thì Chư Pấu chỉ uống có chừng mực và uống trong bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Người già trong bản bảo chính thằng con của Chư Pấu đã đổi tính, đổi nết cho cha nó. Ai cũng tin rằng, khi lớn lên nhất định thằng Chứ Đa sẽ khôn hơn cha, sẽ làm được nhiều điều kỳ lạ, khác người…

Chẳng biết người già nói có đúng không, nhưng vợ chồng Chư Pấu mừng lắm, nhất là Mùa. Bị khổ nhiều vì phải lấy người chồng dại, Mùa luôn mong ước thằng Chứ Đa lớn lên sẽ khôn ngoan, khoẻ mạnh, khôi ngô.

Từ ngày có thằng Chứ Đa, vợ chồng Chư Pấu vất vả, bận rộn thêm nhiều, nhưng cuộc sống cũng có lắm niềm vui hơn. Đêm đêm, khi Chứ Đa ngủ say, Mùa đổ ngô hạt vào cối đá xay thành bột để đồ mèn mén. Khi chưa có Chứ Đa, việc xay ngô chỉ có một mình Mùa làm. Chiếc cối đá quá to khiến Mùa phải oằn mình mới quay được những vòng nặng nhọc, trong khi đó Chư Pấu cứ vùi mình giữa đống chăn sui, thò đầu ra rít thuốc phiện từ chiếc tẩu đen xì, cáu bẩn, rồi lịm đi trong làn khói ngất ngây. Bây giờ thì Mùa không phải xay ngô một mình nữa vì đã có Chư Pấu giúp sức. Chư Pấu mải xay ngô quên cả hút thuốc phiện. Chư Pấu vừa kéo giằng xay cùng vợ, vừa nhìn thằng con bụ bẫm đẹp như thiên thần đang nằm ngủ yên lành trên chiếc phản gỗ đen bóng, dưới ánh lửa bập bùng, ấm áp, bất chấp tiếng cối đá xay ngô ù ù bên tai. Ánh mắt Chư Pấu nhìn đứa con bằng cái nhìn thánh thiện của một người cha hiền lành. Mùa liếc mắt nhìn chồng, nhìn con, lòng dạt dào niềm vui, niềm hạnh phúc đơn sơ của một người mẹ trẻ. Mùa làm lụng thâu đêm đến sáng mà không thấy mệt, đôi má lúc nào cũng đỏ rực, nóng như bếp lò.

Những buổi làm nương Mùa thường thả Chứ Đa ngồi vào chiếc quẩy tấu, cho Chư Pấu đeo sau lưng đi trước, còn mình thì đeo quẩy tấu nặng đến oãi vai theo sau. Trong chiếc quẩy tấu của Mùa đựng bao nhiêu là thứ, từ đồ ăn thức uống cho đến hạt giống, lưỡi quà, lưỡi cuốc, dao rựa… Nhìn thằng con trai có gương mặt sáng đẹp như trăng ngày rằm, đầu đội chiếc mũ nồi ngũ sắc, ngồi trong quẩy tấu ngoái cổ cười với mẹ, Mùa quên hết mọi mệt nhọc. Đôi chân tròn lẳn, trắng muốt của Mùa thoăn thoắt bước như múa dưới lớp váy thổ cẩm đong đưa. Chả mấy chốc đôi chân ấy đã đưa Mùa lên tới cái nương cao vút trên lưng chừng núi đá. Chứ Đa vẫn ngồi trong quẩy tấu, được cha treo lên cành cây to rợp bóng mát. Mùa hái cho nó một bông hoa mẫu đơn rừng thơm ngát, đỏ lựng. Chứ Đa nhìn bông hoa cười khanh khách. Những con bướm rừng đủ sắc mầu từ đâu bay đến, lượn quanh bông hoa mẫu đơn trên tay Chứ Đa. Chẳng mấy chốc lũ bướm đã tụ tập thành đàn, rập rờn quây kín chiếc quẩy tấu của Chứ Đa. Chứ Đa thích thú cười đùa với lũ bướm. Tiếng cười của nó vang khắp cả triền đá xám. Tiếng cười con trẻ khiến cho cái tay chọc lỗ của Chư Pấu nhanh hơn, bàn tay bỏ hạt của Mùa thoăn thoắt như múa…

Hai vợ chồng Chư Pấu chăm chỉ làm ăn được nhiều ngô, nhiều bò, nhiều lợn, nhiều gà. Chứ Đa được ăn no, ăn ngon nên lớn rất nhanh, cao hơn các bạn cùng lứa hẳn một cái đầu. Nó là đứa rất nhanh nhẹn, bạo dạn và sáng dạ. Hiềm một nỗi nó lại mắc chứng hay hung cùn. Ai trêu chọc hoặc làm trái ý là Chứ Đa đỏ mặt, tía tai liền. Nó sẵn sàng sừng sộ với bất cứ người nào làm nó tức giận. Những khi tức giận, giữa trán Chứ Đa thường nổi lên một nốt có mầu bạc trắng như bôi vôi, to bằng đầu ngón tay cái người lớn. Khi nào nó hết tức giận, mặt hết đỏ, cái nốt mầu trắng ấy mới lặn.

NGUYỄN TRẦN BÉ

(Còn tiếp)

TIN LIÊN QUAN:

>> Thạch trụ huyết – Vấn thế gian thế nào là nhân nghĩa

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *