5
VHSG- Chứ Đa càng lớn càng khoẻ mạnh, giỏi giang. Nhìn vóc dáng nó cao ráo, đi đứng nhanh nhẹn, nước da trắng như trứng bóc ai cũng phải trầm trồ. So với bạn bè cùng lứa, Chứ Đa hơn hẳn mọi mặt. Vợ chồng Mùa nhìn ngắm con mà sướng cái bụng. Họ luôn hi vọng lớn lên nó sẽ thành một chàng trai tuấn tú. Đối với lũ trẻ con ở thung lũng Sủng Pả, Sùng Chứ Đa giống như một thủ lĩnh, bởi làm bất cứ điều gì nó cũng giỏi hơn các bạn. Nó luôn là đứa cầm đầu trong các trò chơi trẻ nhỏ. Ngoài biệt tài chỉ huy, Chứ Đa luôn yêu thương, quan tâm, giúp đỡ bạn bè. Vì thế lũ trẻ con ở bản rất quí trọng, tin tưởng nó.

Nhưng Sùng Chứ Đa chỉ thực sự được các bạn nể phục, trở thành “đầu lĩnh” của nhóm khi cả bọn rủ nhau thi thố một trò chơi rất nguy hiểm lúc đi chăn bò. Hôm ấy, sau khi thả bò và rủ nhau tìm bắt tắc kè ở các khe đá, Chứ Đa cùng bọn thằng Seo Lử, Mí Vư và cái Thào Mỷ kéo nhau đến khu vực Miệng Hổ. Đó là một vực đá hết sức hiểm trở, đáy vực lởm chởm đá nhọn. Nhìn từ xa nơi đây trông giống như cái miệng cọp khổng lồ đang nhe hàm răng nhọn hoắt doạ nạt mọi người. Phía trước Miệng Hổ là một bãi đá rộng, khá bằng phẳng. Chứ Đa nhìn Miệng Hổ, hỏi các bạn:
– Chúng mày có đứa nào dám nhảy qua không?
Mí Vư nhìn xuống đáy Miệng Hổ, lắc đầu:
– Nhảy qua làm sao được. Rơi xuống thì chết nát xương!
Seo Lử ngó xuống theo, miệng ấp úng:
– Chịu thôi. Nhìn đã sợ rồi, nhảy qua làm sao được!
Thào Mỷ không dám đến gần miệng vực. Người nó cứ run lên như bị rét.
Chứ Đa nhìn lại Miệng Hổ một lần nữa rồi quả quyết:
– Tao nhảy qua được!
Thào Mỷ vội túm tay Chứ Đa, can:
– Không nhảy qua được đâu, nguy hiểm lắm!
Chứ Đa nhìn Thào Mỷ, nở một nụ cười. Nó nhẹ nhàng gỡ tay Thào Mỷ, bất ngờ bật “vèo” một cái qua miệng vực đá. Nó nhảy nhẹ nhàng như một chú sóc.
Những đứa bạn của Chứ Đa ngó xuống phía dưới đáy vực, nhìn sang vách đá bên kia lắc đầu sợ hãi. Chẳng đứa nào dám nhảy qua vì sợ nhỡ trượt chân rơi xuống vực đá nhọn thì chỉ có tan xác!
Chứ Đa cười khanh khách, rồi lại nhẹ nhàng nhảy qua Miệng Hổ. Nó cứ nhảy qua nhảy lại như biểu diễn. Đứng ở bờ đá bên kia, Chứ Đa nói to:
– Nếu không đứa nào nhảy qua được thì từ nay trở đi chúng mày phải gọi tao là đầu lĩnh. Phải nghe lời tao sai khiến!
Bọn bạn của Chứ Đa chẳng hiểu “đầu lĩnh” là gì, nhưng đều đồng ý ngay lập tức vì chúng thấy Chứ Đa giỏi quá!
Từ sau bận nhảy qua Miệng Hổ, Sùng Chứ Đa thành người khác hẳn. Làm việc gì nó cũng sai bảo các bạn, cứ như một đầu lĩnh thực sự. Việc lùa bò lên nương rồi gọi bò trở về Chứ Đa đều giao cho thằng Seo Lử và Mí Vư. Hai đứa cứ tăm tắp làm theo lệnh của “đầu lĩnh”, chẳng bao giờ dám trái lời. Bắt được tắc kè chúng phải nộp lại cho Chứ Đa một nửa, cho Thào Mỷ một phần theo lệnh của “đầu lĩnh”. Bù lại, nếu Mí Vư, Seo Lử bị bọn trẻ con bản khác bắt nạt hoặc trêu chọc, Chứ Đa sẽ là người ra tay bênh vực.
Riêng cái Thào Mỷ được Chứ Đa chiều chuộng hơn. Hàng ngày đi chăn bò Chứ Đa chỉ ngồi một chỗ để nói chuyện với Thào Mỷ hoặc cùng Thào Mỷ đi nhổ cây củ đá về nhâm nhi cho đỡ khát nước. Nó nhổ khóm củ đá lên, nhặt những củ to tròn, mọng nước, lau vào áo tà pủ sạch đến trong veo đưa cho Mỷ. Chứ Đa nhìn Thào Mỷ ăn củ đá bằng ánh mắt khác lạ – ánh mắt nửa người lớn, nửa trẻ con. Bắt gặp cái nhìn của Chứ Đa, đôi má Thào Mỷ hồng lên e thẹn.
Tiếng tăm của “đầu lĩnh” Sùng Chứ Đa lan dần ra các bản xung quanh. Nhiều trẻ con ở nhóm khác phần vì tò mò, phần vì nể sợ đã tìm đến Chứ Đa làm quen. Sau mỗi lần gặp Sùng Chứ Đa, đứa nào cũng nhận thấy nó xứng đáng là “đầu lĩnh” thật. Một đầu lĩnh trẻ con, nhưng đúng là “đầu lĩnh”! Con người Chứ Đa luôn toát ra một vẻ gì đó rất khác thường. Thời gian trôi đi, lũ trẻ ở Sủng Pả đến tuổi vỡ tiếng, phổng phao, trông đã ra dáng những chàng trai, cô gái. Chứ Đa là đứa khỏe mạnh, khôi ngô nhất. Nó cao lớn hơn hẳn các bạn cùng lứa. Nhìn nó giống hệt như chàng Hoàng tử trong chuyện cổ tích. Đôi má Thào Mỷ đã bắt đầu hồng lên như trái đào chín, gương mặt đẹp chẳng khác nào một nàng Công chúa. Nó học bà nội cách se lanh dệt vải, cách khâu áo váy từ mấy năm trước. Bây giờ nó đã làm thành thạo những việc ấy như một thiếu nữ Mông thực thụ.
6
Nghe tin ở Sủng Pả có đầu lĩnh, Pủ Sá thấy lạ lắm. Là kẻ chuyên đi buôn bán thuốc phiện, da lông thú khắp mọi vùng mà Pủ Sá chưa hề biết đầu lĩnh là gì. Chuyến này về Sủng Pả lão quyết tìm gặp bằng được kẻ đầu lĩnh kia để thoả chí tò mò. Lão cũng muốn tìm hiểu xem cái người được gọi là “đầu lĩnh” có gì đặc biệt so với người thường và quan trọng là liệu kẻ ấy có gây khó dễ gì cho lão khi buôn bán thuốc phiện, da lông thú ở cái thung lũng Sủng Pả này không. Trong thâm tâm lão nghĩ, nếu đầu lĩnh có thực lực lão sẽ hợp tác làm ăn; còn nếu đó chỉ là hư danh thì lão sẽ trấn áp ngay từ đầu.
Lão Pủ Sá có dáng người thấp đậm, đầu hói, để râu quai nón. Nhìn lão thấy toát lên những nét vừa bí ẩn vừa hoang dã. Đôi mắt lão ti hí nhưng rất giảo hoạt, núp dưới cặp lông mày rậm như sâu róm, phía cuối có những chiếc lông dài vểnh lên như sừng trâu. Lão có một chiếc sẹo hình lưỡi rìu khá to trên mảng đầu bên phải. Lão mặc áo da bò không tay, chẳng bao giờ cài khuy, để lộ ra mảng bụng vừa đen, vừa chai lỳ, chắc như da trâu. Người yếu bóng vía lần đầu tiên nhìn thấy lão chắc hẳn sẽ lạnh buốt sống lưng.

Mặc dù đi buôn bán thuốc phiện nhưng Pủ Sá không nghiện ngập đến mức còm nhom như những người nghiện hút ở Sủng Pả. Lão rất khoẻ, ngực nở, bụng thót, bắp chân bắp tay cuồn cuộn, rắn như đá. Lần nào đến Sủng Pả lão cũng trú ngụ ở hang Thẳm Vài, một cái hang đá chỉ nghe tên ai cũng thấy sợ. Buôn bán ở thung lũng Sủng Pả đã lâu nhưng lão không thân thiết với bất cứ ai. Các mối quan hệ của lão chỉ là bán mua đơn thuần. Cái hang lão ở khá rộng, có nhiều ngóc ngách, có mạch nước nhỏ chảy suốt ngày đêm. Lão biến cái hang đá lạnh lẽo, mà người dân trong bản thường đồn “có ma quỷ hiện hình” mỗi khi trái gió giở giời, thành ngôi nhà bất khả xâm phạm của lão. Từ ngày Pủ Sá chọn hang đá này làm nơi ẩn cư, dân bản Sủng Pả ít người dám đến gần. Lão thường đi suốt ngày, tối mới về hang luyện võ, nấu nướng, ăn uống, rồi ngủ. Một số người ở bản Sủng Pả từng nhìn thấy lão luyện võ Tầu vào những đêm trăng mờ phía ngoài cửa hang. Lão đi quyền cứ như mãnh hổ. Chân tay lão cứng như sắt nhưng rất hoạt. Khi lão múa võ, tiếng quật gió từ tay chân lão kêu vù vù. Lão nhào lộn trên bãi đá nhọn nhẹ như không. Thỉnh thoảng lão cao hứng chộp lấy những tảng đá to bằng nửa con bò ném xuống vực sâu. Tiếng đá lăn kinh thiên động địa, gây náo loạn cả một vùng. Mỗi lần về Sủng Pả tìm mua da lông thú, mua thuốc phiện, Pủ Sá thường đem theo hai con ngựa. Một con lão cưỡi, một con chuyên thồ hàng. Lão chỉ đi một mình, bên hông luôn luôn mang theo thanh kiếm dài.
Gặp “đầu lĩnh” Sùng Chứ Đa, Pủ Sá hơi bất ngờ vì đó chỉ là một thằng trai mới lớn. Nhưng nhìn kỹ lão thấy ở Chứ Đa có những nét khác thường nên rất chú ý đến thằng trai này. Một lần lão rủ Chứ Đa đi theo lão về Dú Già – một bản nổi tiếng có nhiều loại da thú tốt – để xem lão trổ tài mua bán. Sau chuyến đi ấy, Pủ Sá quyết định chọn Chứ Đa làm hầu cận cho mình. Hắn nghĩ xa rằng, muốn ngày càng giàu có, ngày một thêm thế lực thì phải có những kẻ hầu cận giỏi giang, mà Chứ Đa là một kẻ như vậy.
Một hôm Pủ Sá hỏi Chứ Đa:
– Mày có thích học võ không?
Chứ Đa không biết võ là gì, bèn hỏi lại:
– Võ là gì mới được chứ?
– Là luyện cho người mình khoẻ mạnh, chân tay cứng cáp, nhanh nhẹn để đánh nhau được với nhiều người. Muốn không bị ai bắt nạt thì cần phải học võ. Muốn hơn người và sai khiến được người khác thì phải giỏi võ.
Nghe Pủ Sá nói thế, Chứ Đa thích lắm. Nó gật đầu, hào hứng nói:
– Thế thì Chứ Đa thích đấy! Nhưng học võ ở đâu? Ai dạy?
– Tao sẽ dạy mày. Nhưng tao phải nói trước điều này, học võ sẽ rất đau đớn và mệt xác. Muốn học được thì phải biết chịu đau, phải cố sức, không được nản chí!
Ngẫm nghĩ một lát, Chứ Đa bảo:
– Những thứ ấy tôi làm được!
Từ hôm ấy, cứ lúc nào rỗi là Pủ Sá lại tranh thủ dạy võ cho Chứ Đa. Pủ Sá nhận thấy Chứ Đa đúng là một kẻ hơn người. Nó tiếp thu rất nhanh những thế võ, những đường quyền khó. Nó chịu đòn, tránh đòn rất tốt. Pủ Sá nghĩ, nếu dạy dỗ tốt, nhất định Chứ Đa sẽ trở thành một hầu cận giỏi sau này.
Nhiều hôm tập võ xong, Chứ Đa thấy người mình như vỡ ra, chân tay mỏi rã rời. Nhưng nó không nản. Sự trai trẻ giúp nó mau chóng lấy lại sức lực. Nhìn Chứ Đa đi những đường quyền, phóng những “cước” vừa mạnh, vừa chính xác, Pủ Sá ưng ý lắm. Lão liên mồm khen “hảo lớ, hảo lớ”. Lão thưởng cho Chứ Đa mấy điếu thuốc phiện loại “thượng hảo hạng” để hút lấy sức. Lão bảo hút loại thuốc này thì người khoẻ ra chứ không ốm yếu như thứ thuốc phiện mà người ở bản Sủng Pả thường hút.
Hàng ngày, ngoài việc dạy võ, Pủ Sá còn cho Chứ Đa đi theo mình đến các vùng lân cận xung quanh Sủng Pả tìm mua thuốc phiện và da lông thú để gom lại đem sang bên kia biên giới bán cho người Tầu. Trong những chuyến đi ấy Pủ Sá dành khá nhiều thời gian chỉ bảo cho Chứ Đa cách thức buôn bán hai thứ hàng quí đó. Chứ Đa chỉ nghe một lần là nhớ và làm được luôn.
Quen với Pủ Sá được vài tuần thì Chứ Đa dẫn lão về nhà giới thiệu với bố mẹ. Nhìn căn nhà tồi tàn, ngồi nói chuyện với bố mẹ Chứ Đa, Pủ Sá cứ lắc đầu quầy quậy. Lão không thể giải thích được tại sao một nhà nghèo thế này, một người bố ất ơ như vậy, một người mẹ bình thường như bao người mẹ khác mà lại đẻ ra được một thằng con có khả năng đặc biệt như thế? Lão nghĩ, có thể Chứ Đa là con của Trời hoặc của Thần Rừng, Thần Núi. Nghĩ đến đó, đôi mắt Pủ Sá sáng lên tinh quái. Sau khi mời Sùng Chư Pấu mấy điếu thuốc phiện “thượng hảo hạng”, tặng Mùa mấy đồng bạc trắng, Pủ Sá nói:
– Cha mẹ Chứ Đa à. Thằng Chứ Đa là người Trời đấy. Nó không phải là con của người thường đâu. Trời gửi nó xuống cho hai người thôi. Nếu không cho nó đi theo tôi là Trời bắt nó về sớm đấy. Hai người muốn cho thằng Chứ Đa sống lâu thì phải chịu xa nó một thời gian.
Mùa nhận thấy Pủ Sá là kẻ không đáng tin và nhìn lão bằng đôi mắt chẳng lấy gì làm thiện cảm. Nhưng những lời lão vừa nói lại làm cho Mùa thấy lo và có vẻ tin lão. Mùa nghĩ thầm, nhỡ biết đâu lão ấy nói đúng thì sao? Mùa bỗng liên tưởng cái sự khác thường của thằng Chứ Đa so với những đứa bé khác kể từ lúc nó được đẻ ra đến nay. Rồi Mùa nhớ đến lời tộc trưởng Nỏ Pó, lời thầy mo nói không hay về Chứ Đa từ hơn chục năm trước, khi nó còn là một đứa bé con. Những lời nói đó đã khiến cho Mùa thấy bất an cả trong giấc ngủ, trong từng bữa ăn, bây giờ lại nghe Pủ Sá nói Chứ Đa là người Trời thì thực sự Mùa thấy hoảng sợ. Mùa nhìn sang Chư Pấu xem ý chồng thế nào, nhưng Chư Pấu đang ngập chìm đê mê trong làn khói thuốc phiện nên chẳng chú tâm đến xung quanh. Mùa lại nhìn sang Chứ Đa, thấy mặt nó tươi tỉnh khác ngày thường. Mùa khẽ nén tiếng thở dài.
Lão Pủ Sá nói vậy là có ý cả. Lão muốn có trong tay một kẻ hầu cận giỏi võ, giỏi nghề, có khả năng hơn người để dễ bề sử dụng cho kế hoạch của lão sau này. Lão đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ gặp được một kẻ trẻ tuổi mà nhiều triển vọng như Sùng Chứ Đa. Lão muốn mang Chứ Đa về Mã Lỳ – nơi lão đóng bản doanh – để đào luyện thành một tên hầu cận tốt. Kinh nghiệm cho lão thấy, muốn làm nên việc lớn thì phải biết tìm chọn người từ khi còn trẻ về nuôi dạy để làm tay chân tin cẩn sau này. Trong thời gian ấy phải tách chúng ra xa khỏi vòng tay bố mẹ, để chúng toàn tâm toàn ý nghe theo lời chỉ bảo của lão.
Thấy Mùa lưỡng lự chưa nói gì, Pủ Sá bồi tiếp:
– Thằng Chứ Đa mà đi theo tôi về Mã Lỳ ở phía Bắc thì sẽ nên người giỏi đấy. Sau này nó trở về sẽ mang vinh hoa, phú quí về cho bố mẹ. Hai người cứ chọn đi, cho nó đi hay ở thì tuỳ. Nhưng nó đi thì tốt hơn. Nó ở nhà chỉ sợ Trời bắt về sớm thì mất hẳn nó!
Nói xong mấy câu có ý hăm doạ, Pủ Sá bỏ đi. Trước khi bước khỏi bậc cửa lão còn ngoái đầu nói thêm:
– Nếu cho nó đi thì bảo Chứ Đa nói với tôi. Tôi sẽ quay lại đón!
7
Bầu trời như rộng mở hơn trước mắt Chứ Đa kể từ khi nó gặp lão Pủ Sá đầu hói. Nó bỗng dưng thấy thung lũng Sủng Pả quê mình hết sức nhỏ bé, đơn điệu, cũ kỹ. Mọi ngày, mở mắt ra nó chỉ nhìn thấy xung quanh toàn một màu đá xám. Đá tầng tầng, lớp lớp giăng quanh thung lũng như chiếc váy khổng lồ của người đàn bà Mông. Nhìn lên toàn là mây đen, sương trắng dày đặc, che hết cả ánh mặt trời. Nhìn xuống chỉ thấy ngô đậu, bí dưa và cây thuốc phiện. Nhìn mọi người trong bản thấy ai cũng lam lũ, khổ sở quanh năm… Chỉ có một thứ duy nhất Chứ Đa thấy đẹp, đó là hoa cây thuốc phiện. Loài hoa này còn có cái tên rất đẹp khác là anh túc. Mỗi mùa hoa anh túc nở, cả thung lũng Sủng Pả rộng lớn chìm đắm trong bạt ngàn sắc hoa tím biếc, xen lẫn màu hồng tươi, màu xanh ngăn ngắt đẹp đến mê hồn. Những cánh hoa to như bàn tay trẻ con, mỏng mềm như lụa, ngậm muôn vàn hạt sương sớm li ti, trong veo như những hạt ngọc, đẹp chẳng khác gì vườn hoa cổ tích của các nàng Tiên. Nhưng Chứ Đa không thể nào hiểu nổi, tại sao loài cây hoa đẹp tuyệt ấy lại kết thành những quả có thứ nhựa khi tươi thì trắng như sữa, đến lúc khô lại đen như cứt gà sáp, dẻo quẹo. Cái thứ nhựa đen ấy khi đốt lên có mùi thơm đặc biệt và sự dẫn dụ kỳ lạ. Khói của nó đã làm cho bao nhiêu trai tráng khoẻ mạnh khi hút vào bị nghiện ngập đến mê man, mụ mị, trở nên thân tàn ma dại? Chứ Đa nghĩ, chính cha mình cũng là một người bị cái khói ma của thứ nhựa đen ấy làm cho tiều tuỵ như vậy. Bỗng dưng nó thấy những bông anh túc kia chẳng còn gì là đẹp nữa.
Chứ Đa muốn bứt phá khỏi sự cũ kỹ, chật hẹp, khốn khổ ấy. Nó muốn đi khỏi Sủng Pả một thời gian để xem bên ngoài thung lũng này còn điều gì khác nữa. Nó muốn cùng lão Pủ Sá đi buôn thuốc phiện, buôn da lông thú để biết nhiều nơi. Có lần Chứ Đa nghe Pủ Sá bảo, muốn buôn bán giỏi thì phải biết chữ nho, biết võ và biết nhiều thứ khác, mà việc ấy thì chẳng dễ làm, nhất là học chữ. Nhưng nó không ngại, bởi nó nghĩ, chữ thì chưa biết thế nào, riêng học võ cũng chẳng khó lắm. Tuy vất vả thật nhưng cố luyện tập sẽ biết thôi. Việc khác thì người ta làm được chắc mình cũng làm được… Nghĩ vậy nhưng Chứ Đa vẫn rất lo, biết đâu cha mẹ không đồng ý cho đi theo Pủ Sá thì sao?
Khi cả nhà ăn xong bữa tối, Chứ Đa lựa lời nói với cha mẹ:
– Cha mẹ à, tôi muốn được đi với lão Pủ Sá về Mã Lỳ ở phía Bắc để học nghề buôn, học chữ Nho. Như vậy có được không?
Nghe Chứ Đa hỏi, hai vợ chồng Chư Pấu im lặng nhìn nhau. Họ im lặng vì trong thâm tâm không muốn cho con đi xa. Mặc dù lão Pủ Sá bảo đưa Chứ Đa đi là để giúp nó phương trưởng, đem vinh hoa, phú quý về cho cha mẹ, nhưng vợ chồng Chư Pấu không cần những thứ đó. Cái họ cần là cả nhà sum vầy, vợ chồng con cái luôn ở bên nhau, sướng khổ có nhau. Lão Pủ Sá là người như thế nào cả hai vợ chồng đều chưa biết rõ. Nhìn vẻ mặt đầy bí ẩn của lão thấy thật khó tin. Mã Lỳ là vùng đất xa lạ biết hay dở thế nào? Thằng Chứ Đa vẫn còn là trẻ con, tuy có lớn nhưng chưa có khôn, đi xa thiếu sự chăm sóc của cha mẹ thì sẽ ra sao?… Bao nhiêu câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu óc Mùa và Chư Pấu. Cuối cùng, Chư Pấu bảo:
– Xa lắm không đi được đâu. Ở nhà làm nương thôi!
Chứ Đa quả quyết:
– Đi được chứ. Chỉ cần một ngựa, một thanh kiếm, mấy đồng bạc trắng là đi được mà. Không đi thử thì làm sao mà biết!
Mùa lo lắng hỏi:
– Nhưng ăn ở đâu, ngủ ở đâu, học làm sao?
– Khắc đi, khắc biết! – Chứ Đa nói như đã nghĩ kỹ lắm rồi.
Nhìn vẻ mặt kiên quyết của con trai, cả Chư Pấu và Mùa đều thấy ái ngại. Nuôi nó bằng ấy năm trời họ hiểu rất rõ tính nết con mình. Nó đã nói là làm, ngăn cũng chẳng được. Từ ngày có Chứ Đa, không hiểu sao Mùa không đẻ thêm được đứa con nào nữa. Bây giờ nó đi xa nếu chẳng may bị làm sao thì cả nhà chết mất. Nghĩ vậy Mùa định khuyên con đừng đi, nhưng chợt nhớ đến câu lão Pủ Sá doạ: “Nếu không cho nó đi theo tôi là Trời bắt nó về sớm đấy” và nhìn thấy gương mặt Chứ Đa bắt đầu đỏ tía, trên trán nó đang hiện dần nốt bạc trắng như bôi vôi, thì cả Mùa và Chư Pấu không dám cản nữa!
Chứ Đa băn khoăn nhìn cha mẹ. Thực lòng nó cũng không muốn xa nhà, xa Thào Mỷ và các bạn chăn bò. Nhưng cái ý thích đi xa để biết thêm những điều chưa biết, muốn học hỏi bao điều mới lạ, cộng với lời rủ rê đường mật của lão Pủ Sá đã khiến nó có thêm quyết tâm. Chứ Đa nói với cha mẹ:
– Bây giờ tôi đi tìm lão Pủ Sá để nói lại việc này.
***
Chư Pấu và Mùa không sao ngủ được. Nửa đêm nay Chứ Đa và lão Pủ Sá sẽ đi rồi. Cứ nghĩ đến cảnh phải xa con là Mùa lại thậm thụi khóc. Mùa có cảm tưởng lần này ra đi thằng Chứ Đa sẽ mãi mãi không về. Chư Pấu vùng dậy lao về phía bàn đèn. Đã khá lâu rồi Chư Pấu không hút thuốc phiện tại nhà, vì sợ Chứ Đa bắt chước hút theo thì khổ. Những lúc thèm quá Chư Pấu thường đem thuốc phiện sang nhà Nỏ Pó để hút. Nhưng hôm nay buồn quá nên Chư Pấu lại hút và hút khá nhiều. Giống như hôm Mùa đẻ Chứ Đa, hôm nay Chư Pấu hút liên tục mấy điếu liền mà vẫn chưa say.
Thấy cha mẹ không ngủ, Chứ Đa bảo:
– Cha mẹ cứ ngủ đi, lo làm gì. Nửa đêm về sáng tôi đi, chưa biết bao giờ về. Nhưng khi tôi về thì nhà ta sẽ hết khổ! Tôi nói thật đấy.
Mùa nghe con nói, nước mắt cứ chảy tong tong. Mùa nghĩ thương Chứ Đa chưa thực lớn khôn, lại đi đến chỗ xa lạ chẳng biết sẽ thế nào. Một hồi lâu sau, như chợt nghĩ ra điều gì, Mùa bỗng vùng dậy, bước nhanh xuống bếp, cặm cụi đồ một chõ xôi to, dỡ ra mẹt để nguội, cho vào ống bương giã chặt, nút lá chuối làm đồ ăn đi đường cho Chứ Đa và lão Pủ Sá.
Chư Pấu hỏi vợ:
– Không có gì ăn với xôi à?
Mùa thở dài:
– Vội thế này thì có gì chứ! Hay là làm thịt một con gà?
Chư Pấu chợt nhớ ra, liền nói với vợ:
– Ở giàn bếp nhà mình vẫn còn một ống thịt bò khô.
Mùa reo lên:
– A, đúng rồi. Mình lấy xuống đi!
Chư Pấu với tay lên giàn bếp lấy ống bương đựng thịt bò khô, lau sạch bồ hóng, buộc cùng với những ống xôi nếp mà Mùa đã chuẩn bị. Chư Pấu lên nhà lấy cái túi dết bằng vải lanh nhuộm chàm từ thời ông nội để lại, bên trong có mấy đồng bạc trắng, đưa cho Chứ Đa:
– Mày lấy cái này đựng quần áo cho gọn. Bạc trắng bỏ vào túi, dắt vào người kẻo mất! Phải nhớ ăn no để có sức mà cưỡi ngựa!
Nói đến chuyện cưỡi ngựa, Chư Pấu thấy Chứ Đa thật giỏi. Lứa tuổi như nó đã có mấy đứa biết cưỡi ngựa đâu. Ngay như Chư Pấu, đến bây giờ vẫn chưa biết cưỡi ngựa. Thế mà thằng Chứ Đa làm được việc ấy. Nó chỉ nhờ Pủ Sá bảo cho có một lần là làm được ngay. Mấy hôm trước nhìn Chứ Đa ngồi chễm chệ trên lưng con ngựa nâu, Chư Pấu thấy sướng cái bụng.
Dặn con xong, Chư Pấu ra phía sau nhà lấy chiếc yên ngựa xuống kiểm tra lại. Nghĩ ngợi một lúc, Chư Pấu đưa ngón tay lên miệng cắn cho chảy máu rồi bôi quệt lên khắp yên ngựa để cầu may, cầu phúc cho con trước lúc nó đi xa. Xong việc, Chư Pấu cầm tẩu thuốc phiện định hút vài điếu, nhưng nghĩ sao lại thôi. Ngần ngừ một lúc, Chư Pấu đi xuống bếp ngồi ôm gối nhìn đống lửa đang cháy âm ỉ, nghĩ ngợi mông lung. Đôi mắt Chư Pấu chợt mờ đi như có màn sương che phủ. Sống lưng Chư Pấu bỗng lạnh toát như có ai đang dùng lưỡi dao sắc nhọn khứa vào da thịt. Chư Pấu thấy trong lòng đầy những thổn thức, bất an.
Mùa ngồi bên con dặn dò đủ thứ, thỉnh thoảng lại nấc lên như người bị nghẹn.
Chứ Đa ngồi im lìm, đôi mắt mở to nhìn cha, nhìn mẹ và nhìn vào đống lửa. Chẳng biết nó đang nghĩ gì? Ngọn lửa từ bếp ánh lên trong đôi mắt nó đỏ rực.
Lão Pủ Sá lặng lẽ đến. Sau tiếng huýt gió, lão vẫy tay ra hiệu cho Chứ Đa lên ngựa. Thấy Mùa đưa cho Chứ Đa nhiều thứ lủng củng, lão tỏ ra không hài lòng, nhưng chẳng nói gì.
Chư Pấu đứng nhìn theo con trai như hoá đá. Mùa ngã vật xuống dưới chân chồng, miệng ú ớ không cất nổi lời. Đôi tay Mùa chấp chới hướng về phía Chứ Đa cùng lão Pủ Sá đang xa dần, xa dần…
Mặt trời lấp le trên đỉnh núi Pù Sa. Mây đen dầy đặc làm cho ánh nắng buổi sớm chiếu xuống thung lũng Sủng Pả chỉ còn là thứ ánh sáng yếu ớt, vàng vọt. Tiếng gà gáy sáng râm ran khắp vùng. Chư Pấu thấy tiếng gà hôm nay không vang vọng, hào sảng như mọi ngày, ngược lại cứ âm âm, u u như từ một cõi xa xăm vọng về, nghe thật não nùng, xa lạ.
Tiếng chuông bò nhà ai thả sớm đang leng keng trên dốc đá. Chư Pấu nhìn đàn bò nhẩn nha gặm cỏ mà thèm. Chư Pấu bỗng ước mình được như những con bò kia, chẳng phải lo lắng buồn phiền điều gì. Cứ nghĩ đến việc thằng Chứ Đa bỏ nhà đi theo lão đầu hói không biết là lành hay dữ, chẳng biết bao giờ về là Chư Pấu lại loạn trí như người hoá dại, gào thét ầm ĩ. Gào thét chán, Chư Pấu vào nhà lôi thuốc phiện ra hút. Hút liên tục mấy điếu liền. Mùa đến bên chồng, nói như người mê ngủ:
– Cho tôi một điếu. Tôi hút cho say để quên thằng Chứ Đa đi!
Chư Pấu tròn mắt nhìn vợ, rồi lè nhè nói:
– Đàn bà không hút thuốc phiện được đâu. Cái này chỉ dành cho đàn ông thôi!
– Mặc kệ. Mình cứ cho tôi hút một điếu đi!
Mùi khói thuốc phiện toả ra ngào ngạt khiến Chư Pấu ngất ngây, nằm lịm đi trong cơn mê khói thuốc. Mùa nằm cạnh chồng, nghếch mũi hít hít cái mùi thuốc đầy ma lực, rồi thiếp đi. Họ chìm vào một giấc ngủ mộng mị. Trong cơn mê ngủ thỉnh thoảng họ lại hét lên hoảng loạn, bất chợt ngồi dậy, rồi lại nằm xuống mơ mòng.
NGUYỄN TRẦN BÉ
(Còn tiếp)
TIN LIÊN QUAN:
>> Thạch trụ huyết – Vấn thế gian thế nào là nhân nghĩa
>> Thạch trụ huyết – Tiểu thuyết của Nguyễn Trần Bé – Kỳ 1