Thạch trụ huyết – Tiểu thuyết của Nguyễn Trần Bé – Kỳ 3

Nhà văn Nguyễn Trần Bé

8

VHSG- Đi với Pủ Sá rồi Chứ Đa mới thấy sợ. Tuy là một chàng trai trẻ thông minh, can đảm, có phần ngỗ ngược, đã từng học võ Tầu và dám làm những việc ghê gớm, nhưng Chứ Đa thật sự thấy nản lòng khi theo lão Pủ Sá vượt đường xa, đá nhọn để đến Mã Lỳ, mảnh đất nó chưa hình dung được sẽ như thế nào. Tiếng móng ngựa gõ vào đá mà nó nghe cứ tưởng tiếng đập của quả tim mình nơi lồng ngực. Hình bóng cha mẹ bỗng hiện lên trước mắt Chứ Đa. Nỗi thương cha, thương mẹ trào lên trong lòng nó. Bóng Thào Mỷ cứ chập chờn phía xa xa. Chứ Đa cảm thấy ân hận khi đi xa mà không chia tay với Thào Mỷ và Seo Lử, Mí Vư – những người bạn thân nhất của nó. Cũng chỉ tại cái lão Pủ Sá gớm ghiếc kia bắt phải như vậy. Lão bảo, chuyến đi này ngoài cha mẹ ra không được cho ai biết. Lời của lão giống như lời thầy mo, đầy quyền lực và bí ẩn không thể cưỡng lại được.

Lão Pủ Sá cưỡi ngựa rất giỏi. Nhiều lúc ngựa leo dốc ngược trông như thể lão ngã đến nơi, vậy mà lão vẫn nhởn nhơ bám lấy bờm ngựa, ngoái đầu lại gọi Chứ Đa:

– Hầy dà, cố lên đi, bám chắc bờm ngựa vào! Mày sợ hay sao mà không nói năng gì cả? Hay là mày không muốn đi nữa?

Thỉnh thoảng hứng chí lên Pủ Sá lại hát mấy câu nghe như tiếng ngựa gõ móng. Lão hát rằng: “Đời trai sơn cước chẳng sợ gian nan. Không gì sướng bằng có vợ đẹp. Không gì thích bằng hút thuốc phiện và ôm gái tơ. Khoái nhất là được đâm chém…” Nghe lão hát những câu chẳng đâu vào đâu (chắc là do lão tự nghĩ ra), Chứ Đa chợt thấy sợ. Nó có cảm giác lão đầu hói này là con quỉ đội lốt người. Tự nhiên Chứ Đa thấy việc mình đi theo lão là dại dột và đầy mạo hiểm. Nhưng đã đi được mấy ngày đường rồi, quay lại đâu có dễ. Vả lại đã chắc gì con quỉ kia đồng ý. Chứ Đa bỗng thấy ân hận vì không nghe lời cha mẹ. Nó cảm thấy mệt mỏi rã rời. Nó gọi lão đầu hói:

– Pủ Sá à, nghỉ một tí đi!

Pủ Sá nghe tiếng Chứ Đa gọi liền ghìm cương ngựa. Lão ngoái lại nhìn Chứ Đa, rồi ngửa cổ cười sằng sặc. Cười chán, lão quát:

– Sắp đến chỗ có bọn cướp rồi, đi nhanh lên kẻo tối thì nguy!

Nói xong lão quất ngựa phóng đi. Chứ Đa đành thúc ngựa theo. Nó thật sự sợ hãi khi nghĩ đến bọn cướp ở biên giới. Mặc dù đã được học mấy bài võ Tầu từ Pủ Sá nhưng nó vẫn rất sợ gặp bọn cướp. Cái ác và sự dã man của bọn cướp vùng sơn cước Chứ Đa đã từng được nghe người già ở bản Sủng Pả kể nhiều lần. Lần nào nghe cũng thấy rùng mình! Chuyện ông nội và bác cả của Chứ Đa bị bọn cướp núi chém nát mặt từ ngày mẹ Mùa mới về làm dâu, làm cho Chứ Đa bị ám ảnh từ bao năm qua, bỗng như hiển hiện ngay trước mắt. Một cái gì đó lạnh toát chạy dọc sống lưng Chứ Đa, khiến nó nổi da gà.

Đầu óc Chứ Đa cứ lởn vởn nghĩ về bọn cướp. Ngồi trên lưng ngựa mà đôi mắt nó luôn lơ láo nhìn về phía các lùm cây hai bên lối ngựa đi để canh chừng. Bất ngờ con ngựa của nó trượt chân lảo đảo. Chứ Đa bị mất đà, tuột khỏi lưng ngựa rơi xuống phía vực sâu. Trong khi rơi nó chỉ kịp rú lên tuyệt vọng:

– Ôi a!… Cha mẹ ơi, chết rồi!…

9

Trong lúc Chứ Đa gặp nạn thì ở nhà Mùa và Chư Pấu đang cãi nhau. Từ lúc Chứ Đa đi, Chư Pấu lại trở thành người ất ơ, không còn nhanh nhẹn, chịu khó như trước nữa. Thuốc phiện cũng hút nhiều hơn. Ngoài thuốc phiện, Chư Pấu còn uống rượu say suốt ngày. Trong cơn say, Chư Pấu túm lấy váy vợ lôi xềnh xệch vào nhà, vừa khóc vừa quát:

– Mày là mẹ sao lại để thằng Chứ Đa đi? Tao nhớ nó quá rồi, mày đi tìm nó về cho tao ngay! Trời ơi, tao chết mất thôi!

– Mình tưởng tôi không nhớ nó à? Tôi còn khổ hơn mình nhiều. Mình là cha không giữ nổi nó, sao lại đổ lỗi cho tôi? – Mùa cự lại chồng.

Chư Pấu rứt tóc kêu:

– Hầy dà, tao chết mất thôi! Chứ Đa ơi, con ở đâu không về với cha? Phải đi tìm, đi tìm nó về thôi!

Mùa khóc to hơn. Vừa khóc Mùa vừa nói với chồng:

– Thôi mình đừng kêu nữa! Con nó đi xa biết nơi nào mà tìm? Càng khóc càng khổ thôi! Chứ Đa nghe thấy tiếng khóc nó càng khổ mà.

Chư Pấu lao ra khỏi cửa, chạy như ma đuổi. Mùa chạy theo chồng, vấp chân vào mỏm đá, ngã sóng soài. Máu tứa ra đẫm cả bàn chân.

Thạch trụ huyết – Tiểu thuyết của Nguyễn Trần Bé

Chư Pấu bỏ nhà đi tìm con. Đi một ngày, hai ngày và nhiều ngày. Chư Pấu cứ theo hướng Bắc mà đi. Đi mãi. Đôi chân mỏi nhừ không muốn bước nữa, nhưng vẫn cố lết đi. Rồi Chư Pấu chợt thấy đói. Đói cồn cào. Khi không còn sức để bước nữa Chư Pấu mới nhớ ra là đã mấy ngày nay mình không có cái gì cho vào bụng. Cơn đói thuốc phiện cũng bất chợt ùa về khiến Chư Pấu lả đi, ngã rụi. Thật may Chư Pấu lại ngã vào đúng cái nương anh túc mới tàn. Mắt Chư Pấu sáng lên khi nhìn thấy những quả anh túc to như ngón chân cái, xung quanh còn bám khá nhiều vệt nhựa đen. Chư Pấu vội vặt mấy quả ấn vào mồm nhai ngấu nghiến. Lát sau Chư Pấu lịm đi. Khi tỉnh dậy Chư Pấu thấy người khoẻ khoắn hơn, liền vặt thêm mấy quả anh túc nhiều nhựa đen, giắt vào cạp quần xoắn lá toạ, nhằm hướng Bắc bước tiếp. Nhưng chỉ đi được vài quăng dao thì lại ngã khuỵu, bụng sôi lên òng ọc vì đói. Chư Pấu đưa mắt nhìn quanh hai bên đường, ngóng xem có thứ quả rừng nào gần đấy có thể ăn được, nhưng chẳng thấy có một thứ gì. Chư Pấu loạng choạng bước tiếp. Đôi chân rệu rã loắng quắng đưa Chư Pấu đến một nương ngô cũ. Chư Pấu đưa mắt khắp nơi tìm xem có bắp ngô nào còn sót lại. Tìm mãi cũng thấy một bắp ngô còi, to bằng nắm tay trẻ con, chỉ có vài chục hạt. Chư Pấu vội đưa lên miệng gặm. Đối với Chư Pấu, những hạt ngô lúc này chẳng khác gì những hạt ngọc. Nó đã giúp Chư Pấu bớt đi cơn đói khủng khiếp đang hành xác. Chưa bao giờ Chư Pấu thấy những hạt ngô ngon đến như vậy! Chư Pấu tìm tiếp nhưng chỉ được thêm vài bắp còi cọc. Chư Pấu bẻ chúng nhét vào cạp quần để dành, phòng khi quá đói. Cơn đói tạm yên thì cơn khát ở đâu bất chợt kéo đến. Chư Pấu cảm thấy họng mình như có lửa đốt. May cho Chư Pấu, ngay lối đi mọc đầy những cụm rớn đá. Chư Pấu nhổ lên, vặt những củ rớn mọng nước vã vào miệng, nhai ngấu nghiến.

Vài bắp ngô còi, mươi quả anh túc cuối mùa, mấy cụm rớn đá không giúp được Chư Pấu thoát cảnh đói cơm, đói thuốc, đói nước. Chính trong lúc tuyệt vọng ấy Chư Pấu gặp được cái quán ven đường. Người ta làm cái quán này bằng bốn cây cọc gỗ đóng xuống đất, đặt trên đỉnh cọc mấy tầu lá cọ để che mưa nắng. Giữa chừng các cọc được làm một chiếc sàn đặt những thứ cần bán. Trên sàn có một đĩa xôi, mấy chục quả đào, mấy chiếc bánh ngô, vài củ khoai lang luộc, một vỏ bầu khô đựng rượu, xung quanh là những chiếc cốc bằng ống nứa cắt ngắn, phía trong là một ống bương đựng nước uống. Cạnh đó là chiếc ống tre có hai đầu mặt, được khoét một lỗ nhỏ để bỏ bạc vụn. Mắt Chư Pấu sáng lên khi nhìn thấy những thức ăn, thức uống có thể giúp mình thoát khỏi cơn đói khát khủng khiếp đang hành hạ, được bày sẵn trên sàn quán. Đã có lần Chư Pấu được cha dẫn đi chơi xa, hai cha con từng bắt gặp một cái quán như thế này. Cha bảo đây là quán tự giác, không có người bán hàng. Ai muốn mua gì thì cứ tự lấy những thứ mình cần, rồi bỏ bạc vụn vào ống tre. Người mua cứ liệu chừng số hàng mình mua để bỏ bạc vào ống. Chư Pấu hỏi cha: “Nếu mình lấy hàng mà không bỏ bạc vụn vào ống tre thì có sao không?” Cha bảo: “Người tốt không ai làm thế. Người có cái quán này không biết, nhưng có trời biết, đất biết”.

Đang cơn đói, Chư Pấu véo luôn nắm xôi nhai ngâu ngấu. Đột nhiên Chư Pấu phát ho. Cơn ho dồn dập như người hít phải khói độc. Đến lúc cơn ho bớt đi Chư Pấu mới nhận ra là tại mình. Đĩa xôi này là để lau lông quả đào chứ không phải để ăn. Ai mua đào, trước khi ăn thì lau quả đào vào đĩa xôi. Xôi dẻo sẽ làm sạch lông nhặm trên vỏ quả đào. Chư Pấu chén phải cái thứ xôi đầy lông nhặm ấy nên phát ho. Chư Pấu bỏ xôi, bóc bánh ngô ăn. Ăn xong mấy chiếc bánh ngô, Chư Pấu với tay lấy bầu rượu, uống liền mấy cốc. Xong xuôi, Chư Pấu móc bạc vụn bỏ ống. Sờ khắp người chẳng thấy túi bạc đâu Chư Pấu mới nhớ ra là lúc đi mình không mang theo thứ gì. Chẳng biết làm cách nào, Chư Pấu đành bỏ đi. Nhưng chợt nhớ tới lời cha nói ngày trước: “Người tốt không ai làm thế. Người có cái quán này không biết, nhưng có trời biết, đất biết”, Chư Pấu bỗng đứng khựng lại nghĩ cách. Rồi chợt nhớ ra mấy chiếc răng bọc vàng, Chư Pấu vội nhe hàm răng, đưa tay cậy lớp vàng bọc một chiếc răng cửa hình lưỡi cuốc của mình, bỏ vào ống tiền. Chư Pấu yên tâm bước đi mặc dù trong bụng vẫn thấy tiêng tiếc chiếc răng vàng, của để dành trong miệng từ bao năm nay của mình.

Chư Pấu tiếp tục bước về phía Bắc. Đường xa, đá nhọn, gai góc không làm Chư Pấu nản lòng. Nỗi mong ước tìm thấy Chứ Đa đã tạo nên sức lực cho Chư Pấu. Nhưng cái đói, cái khát vẫn đánh quỵ người cha yêu con ấy. Suốt mấy ngày liền Chư Pấu không gặp được cái quán tự giác nào nữa, cũng chẳng có nương ngô, nương anh túc cũ, ngoại trừ những cụm rớn đá là còn khá sẵn trên đường. Sức vóc vốn còm nhom của Chư Pấu không chịu nổi trước cái đói khát khiến nên cứ lịm dần, lịm dần. Chư Pấu kiệt sức nằm thoi thóp ở rìa đường. Trong cơn mê sảng Chư Pấu thấy có người đến cào cấu vào mặt, vào cổ mình. Chư Pấu đưa cánh tay lẻo khẻo gạt cái vật gì sắc nhọn đang khía vào cổ, miệng phều phào:

– Để yên cho tao nằm. Tao đói mệt lắm rồi! Tránh ra đi!

Khi Chư Pấu bị con hổ đói ngoặm hai hàm răng sắc nhọn vào cổ mới giật mình mở mắt. Nhận ra hổ dữ, Chư Pấu gào lên thất thanh:

– Ôi a, chết rồi… Chứ Đa ơi!… Mùa ơi!…

Đêm ấy ở nhà Mùa không thể nào ngủ được. Nỗi lo cho chồng, cho con chiếm hết tâm trí của người đàn bà khốn khổ. Đã mấy lần Mùa toan đi tìm Chư Pấu nhưng cái móng chân vấp đá bị tróc mấy hôm trước chưa khỏi khiến Mùa không thể nào đi được. Vừa chợp mắt Mùa đã gặp ác mộng. Một con hổ dữ từ đâu nhảy xổ ra quắp lấy cổ Mùa. Nó đưa đôi hàm răng sắc nhọn ngoặm lấy yết hầu khiến Mùa không thở được. Mùa cố vùng vẫy để thoát ra. Đến khi bàn chân đạp phải chiếc vung nồi kêu loảng xoảng thì Mùa mới giật mình tỉnh giấc. Từ đó Mùa không thể nào ngủ lại được. Mùa ngồi dậy khui to đống lửa, ôm đầu gối chờ trời sáng, trong lòng chồng chất những âu lo.

10

Thật may cho Chứ Đa, nó rơi ngay xuống bụi si đá. Tuy mình mẩy, mặt mũi rớm máu, đau nhừ tử nhưng không đến nỗi phải bỏ xác dưới vực sâu. Sau pha hú hồn, Chứ Đa chắp tay lạy trời đất đã cứu giúp nó khỏi cái chết đau thương.

Pủ Sá dừng ngựa nhìn xuống nơi Chứ Đa đang quì lạy, cười hềnh hệch, rồi hỏi:

– Chưa chết à? May đấy. Bò lên đi!

Lão lại thúc ngựa chạy tiếp.

Con ngựa nâu của Chứ Đa vẫn đứng chờ chủ. Nó hí lên ằng ặc, khua móng gọi Chứ Đa. Chứ Đa ứa nước mắt bám đá leo lên. Nó thấy hận Pủ Sá đã không giúp gì mình. Nhưng chính trong lúc khốn quẫn ấy trong đầu Chứ Đa lại loé lên một ý nghĩ dữ dội, rằng mình phải vượt qua tất cả bằng chính sức lực và sự khôn ngoan của mình để sống, để không phụ thuộc vào những kẻ như Pủ Sá.

Thấy Chứ Đa lên tới đường mòn, con ngựa nâu của nó quì xuống đón chủ lên lưng. Chứ Đa vỗ vỗ vào tai ngựa nói điều gì đấy, rồi thúc ngựa đuổi theo Pủ Sá. Đuổi mãi chẳng thấy lão đầu hói đâu, Chứ Đa nổi cơn bực mình. Nó gầm lên, thúc ngựa chạy tiếp. Bỗng có tiếng hét rất to phía sau, tiếp đó là một bóng người lao đến vung kiếm loang loáng. Chứ Đa vội nhảy khỏi lưng ngựa, bám vào tảng đá lớn thế thủ. Nó nghĩ rằng mình đã gặp bọn cướp. Chứ Đa chưa kịp định thần thì Pủ Sá hiện ra. Lão xoa bụng cười hềnh hệch, vỗ vai Chứ Đa khen:

– Hảo lớ, hảo lớ!

Lão giơ trước mặt Chứ Đa một con chồn bị chém gần đứt cổ, rồi bảo:

– Buộc ngựa xuống dưới kia. Nướng thịt chồn ăn đã! Con chồn này tao vừa chém được. Tại nó mải ăn quá nên mới chết. Thật khốn nạn cho những kẻ chết vì ăn!

Pủ Sá sai Chứ Đa đốt lửa lấy than nướng thịt. Lão tự tay lột da con chồn, đặt lên cái chạc ba của cành cây tươi mà Chứ Đa vừa gác trên chốc đống than hồng rực. Mùi thịt nướng bốc lên ngào ngạt khiến Chứ Đa thèm ứa cả nước miếng.

11

Nửa tuần trăng không thấy Chư Pấu về, Mùa lo lắng ra vào không yên. Chõ mèn mén đồ đã ba ngày mà vẫn gần như còn nguyên. Mỗi bữa Mùa chỉ ăn được vài thìa gỗ vì thấy miệng đắng ngắt. Hôm nay cái móng chân vấp đá đỡ đau, Mùa quyết định đi tìm chồng vì thấy ruột gan mình nóng như lửa đốt. Linh tính mách bảo có điều chẳng lành đã xảy ra với Chư Pấu. Nhưng biết tìm ở đâu bây giờ? Mùa cảm thấy lo sợ vì mất phương hướng. Nhưng tình chồng vợ khiến Mùa không thể ngồi ở nhà chờ chồng lâu hơn được nữa. Mùa lủi thủi, lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến đi chẳng dám nhờ ai, hỏi ai. Khoác quẩy tấu lên lưng, Mùa cứ nhằm hướng Bắc mà đi. Đường xa, đá nhọn không làm Mùa nản chí, chùn chân, cứ bước đi trong niềm hi vọng gặp được chồng, gặp được con – những người yêu thương nhất. Từ ngày Chứ Đa đi theo lão Pủ Sá thì Chư Pấu lại sinh hư, nhưng Mùa không hề kêu ca hoặc ghét bỏ chồng. Mùa nghĩ, dù chồng dại nhưng có chồng vẫn hơn. Quanh năm vất vả việc nhà, việc nương rẫy Mùa quen rồi. Thậm chí Mùa thấy mình thật hạnh phúc khi có chồng con bên cạnh, nhất là thằng Chứ Đa vừa khoẻ mạnh vừa thông minh, lanh lợi. Nhìn nó ăn mỗi bữa hết mấy bát to mèn mén mà sướng cái bụng. Mùa nghĩ, hạnh phúc của người đàn bà Mông thực ra chẳng có cái gì khác ngoài việc làm nương và chăm sóc chồng con. Đó cũng chính là sự an ủi lớn nhất đối với Mùa. Nghĩ được như vậy Mùa cảm thấy như có thêm sức lực để quên đi sự mệt nhọc mỗi ngày. Mùa cặm cụi làm quần quật từ sáng sớm đến nửa đêm để lo cái ăn, cái mặc cho hai vợ chồng, lo tiền mua thuốc phiện cho Chư Pấu. Và trong sâu thẳm cõi lòng, Mùa còn lẳng lặng tích cóp, dành dụm một ít bạc trắng để sau này thằng Chứ Đa đi học chữ nho, học nghề buôn về sẽ cho nó để lấy vốn làm ăn, có tiền cưới vợ. Vậy mà bây giờ cả hai cha con Chứ Đa đều đã bỏ Mùa mà đi!

Mùa vấp ngã. Vết thương cũ ở móng chân toác ra, rỉ máu. Mệt và đau quá Mùa muốn nằm vật xuống nương đá ngủ một giấc dài. Nhưng nghĩ lo cho Chư Pấu không biết giờ này ở đâu, sống chết ra sao, Mùa lại gắng sức gượng dậy đi tiếp. Phía trước là con đường đầy chông gai, đá nhọn, vô vàn sự bất trắc. Loáng qua mắt Mùa là bóng vằn đen khủng khiếp của hổ dữ. Tim Mùa như muốn vỡ tung. Mùa ôm lấy ngực khuỵu xuống. Trong cơn sợ hãi Mùa chỉ còn biết dựa lưng vào vách đá nhắm mắt lại phó mặc cho số phận. Đá xám đã che trở cho Mùa. Mùa thiếp đi một giấc dài. Trong cơn mơ Mùa thấy Chứ Đa cưỡi ngựa trắng về đón mẹ. Nó cao lớn, khôi ngô, đầy dũng mãnh, tươi cười thúc ngựa về phía Mùa. Tiếng vó ngựa của nó mỗi lúc một gần, nghe rất rền vang, mạnh mẽ.

Mùa tỉnh giấc. Chẳng có con ngựa trắng nào cả. Trước mắt Mùa là một cuộc đuổi nhau của bầy bò rừng. Những con bò đực hung hãn đang đánh nhau dữ dội để tranh giành bò cái đến kỳ động dục. Mùa gượng dậy bám mô đá đứng lên, lê bước về phía không có bầy bò rừng để đề phòng bất trắc. Đói khát, mệt nhọc khiến Mùa liêu xiêu, đến nỗi không đeo nổi cả cái quẩy tấu rỗng không. Mùa gỡ quẩy tấu khỏi lưng, nằm vật ra bãi cỏ, thở dốc và bỗng thấy khát khô cổ, liền với tay nhổ cụm rớn đá, nhặt những củ to mọng nước vã vào miệng. Ăn được vài khóm, Mùa thấy người tỉnh táo hơn, lại gượng dậy, nhẫn nại đi tiếp. Hình như có người đang đi phía trước. Có cả tiếng nói nữa. Mùa cố bước thật nhanh, hi vọng gặp được bạn đồng hành. Nhưng Mùa càng bước nhanh thì hình bóng và bước chân của những người đi trước lại càng mất hút. Mùa dừng lại thở lấy hơi, thì lạ thay, những người phía trước cũng dừng lại đợi. Trông dáng họ rất quen, như thể cái lưng của Chứ Đa và đôi chân khật khưỡng của Chư Pấu. Mùa khấp khởi cất tiếng gọi:

– Chứ Đa ơi! Chư Pấu à? Có phải cha con Chư Pấu đấy không?

Không có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng thình thịch phát ra từ chính quả tim trong lồng ngực. Mắt Mùa hoa lên muôn vàn tia sáng xen lẫn những khoảng tối, xoay tròn tít tắp khiến Mùa ngả nghiêng, phải cố vịn vào vách đá cho khỏi ngã. Mùa cảm thấy mình không còn đủ sức lực để đi tiếp. Đôi tay Mùa bải hoải, rã rời, không thể bám chắc được vào vách đá, ngã thụp ngay dưới chân mình. Đúng lúc ấy Mùa nghe thấy bên tai mình có tiếng ai đó nói như một sự thúc giục: “Mùa ơi! Hãy cố lên đi! Nếu nằm xuống bây giờ thì ngươi sẽ không bao giờ đứng dậy được nữa! Ngươi còn phải đi tìm con, tìm chồng cơ mà!”. Mùa cố bám đá đứng dậy và thấy đôi tay, đôi chân mình bắt đầu vững hơn, khoẻ khoắn hơn.

Gió bỗng thổi ù ù. Mây đen ở đâu kéo đến phủ kín bầu trời. Tiếng cành cây rơi, tiếng đá lăn nghe rợn người. Những con chim rừng bay nháo nhác tìm chỗ trú ẩn. Trên những cây to từng đàn sóc đang chuyền cành vội vã tìm nơi tránh gió. Mùa cảm thấy lẻ loi, cô độc và yếu đuối trước trận cuồng phong bất chợt của thiên nhiên. Mùa vội chạy về phía trước mặt, vừa chạy vừa ngửa cổ lên trời gọi Chư Pấu, gọi Chứ Đa, cứ như thể hai cha con họ đang ở ngay trên đầu mình. Có cái gì cớp nhớp dưới chân. Mùa nhìn xuống và giật mình rú lên. Trước mắt Mùa là đầu lâu Chư Pấu cùng những khúc xương chân tay, những dẻ xương sườn đã thâm đen lẫn trong lần áo tà pủ rách tướp. Đôi mắt Chư Pấu trợn trừng, lưỡi thè ra lặt lẽo từ trong cái miệng đầy bọt dãi! Mùa gục xuống bên phần thi thể còn sót lại của chồng. Chiếc khăn vuông thổ cẩm dệt bằng sợi lanh bung ra, phủ lên đầu lâu Chư Pấu. Mùa vừa bò quanh vừa hét lên hoảng loạn. Tiếng hét của Mùa chìm lẫn trong tiếng sấm, tiếng gào thét của trận cuồng phong!…

Trời bắt đầu mưa. Mưa sầm sập như thác đổ. Đá lở lăn lông lốc theo những dòng nước trắng xoá. Đất đá cuốn theo dòng nước kết tụ thành đống phủ lên phần thi thể còn lại của Chư Pấu, giống như một ngôi mộ mới đắp.

Mùa tỉnh lại, bỗng thấy khoẻ khắn lạ thường. Ngơ ngác trước ngôi mộ Chư Pấu do thiên nhiên vùi đắp, đôi mắt Mùa nhìn nháo nhác xung quanh như thể đang tìm những người đã đắp mộ cho chồng mình. Tịnh không một bóng người. Cả một vùng không gian rộng lớn chỉ có đá và đá. Nhìn hết tầm mắt chẳng thấy một ngôi nhà nào. Mùa ngỡ như mình đã lạc vào một cõi hư vô. Bất ngờ Mùa ôm lấy ngôi mộ Chư Pấu kêu khóc vật vã, rồi lại lịm đi…

12

Từ ngày Chứ Đa bỏ đi biệt tích, ngày nào Thào Mỷ cũng sang nhà Chư Pấu để tìm. Có hôm nó đi một mình, hôm thì rủ Seo Lử và Mí Vư đến. Lần nào bọn chúng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu đầy bí ẩn của cha mẹ Chứ Đa. Cả bọn không hiểu đã xảy ra chuyện gì với Chứ Đa nên lo lắm. Thào Mỷ là đứa lo lắng nhất. Nó rủ Seo Lử, Mí Vư đi dò hỏi mọi người trong bản. Ai cũng lắc đầu không biết. Chúng bèn rủ nhau lên cái hang chứa nước ở trên núi Tả Chô để tìm. Đấy là nơi mà trước kia Chứ Đa cùng các bạn đã tìm ra nguồn nước quí cho dân bản. Từ đó thỉnh thoảng Chứ Đa cùng bọn Seo Lử, Mí Vư và Thào Mỷ lại lên cái hang này thăm thú. Cảnh trong hang thật đẹp và đầy bí ẩn. Đối với bọn trẻ con như Chứ Đa, sự kỳ ảo của thiên nhiên luôn hấp dẫn chúng.

Đi khắp các ngóc ngách trong hang đá mà Thào Mỷ và bọn Mí Vư chẳng tìm thấy Chứ Đa. Nhìn cột đá giữa lòng hang, Thào Mỷ bỗng nhớ lại như in cái lần nó cùng Chứ Đa và các bạn tìm thấy chiếc hang chứa nước này.

…Năm nào cũng thế, cứ đến mùa khô là thung lũng Sủng Pả thiếu nước. Khắp cả bản chỉ còn vài vũng nước nhỏ. Đến khi những vũng nước này cạn thì dân bản phải đi xa hàng nửa ngày đường leo núi mới có chỗ lấy nước, mà nước cũng chẳng còn nhiều, phải chắt từng giọt vào vỏ bầu khô, bỏ quẩy tấu cõng về. Trước tình cảnh ấy, Chứ Đa rủ các bạn lên đầu nguồn Tả Chô tìm nước. Nhìn những hang động đá vôi vừa kỳ vĩ, vừa bí ẩn, Chứ Đa nói với các bạn:

“Nhất định trong những hang động này sẽ có cái chứa nước”.

Mí Vư bảo:

“Nếu hang có nước thì người già đã biết. Tìm làm gì cho mất công!”

Thào Mỷ và Seo Lử gật đầu có ý tán đồng ý kiến của Mí Vư. Nhưng Chứ Đa vẫn nói tự tin:

“Tao hỏi người già rồi, chưa ai lên hang núi Tả Chô đâu. Dân bản đồn rằng ở đó có Thần Núi trú ngụ. Họ cho rằng ai tự tiện vào đó làm động chạm đến Thần Núi sẽ bị Thần Núi hại chết. Tao đoán là trong hang này có nước”.

Thào Mỷ nghe thế sợ tái mặt, liền bảo:

“Người già còn sợ, chúng mình vào đó có sao không?”

Mí Vư nói chêm vào:

“Đúng đấy. Người già còn sợ cơ mà!”

Chứ Đa trấn an các bạn:

“Tao chẳng tin Thần Núi làm hại những người đi tìm nước cho dân bản đâu. Mới lại đã có ai nhìn thấy Thần Núi bao giờ chưa?”

Seo Lử từ đầu đến giờ im lặng, bỗng nói như người lớn:

“Chứ Đa à, hang này lạ, lại tối nữa biết thế nào mà vào. Tao thấy nguy hiểm lắm! Hay là ta quay về nhà lấy đèn ló lên để soi đường rồi hãy vào?”

Thấy các bạn có vẻ nản lòng, Chứ Đa nói quả quyết:

“Bọn mày cứ ở ngoài chờ tao. Tao vào trước, khi nào tìm thấy nước sẽ gọi”.

Nói đoạn, Chứ Đa lách mình chui vào một ngách hang nhỏ, tối om. Bỗng có tiếng phần phật nổi lên loạn xạ trong hang. Chứ Đa hơi chột dạ vì tưởng Thần Núi nổi giận, nhưng chỉ trong khoảnh khắc nó trấn tĩnh lại ngay. Hoá ra đó chỉ là lũ dơi trong hang thấy động bay ra. Chứ Đa nhoẻn cười. Nó ngửa cổ tìm lối vào sâu trong lòng hang, rồi bám đá, bám dây, lách mình luổn hết ngách này đến ngách khác. Một luồng khí lạnh phả vào người làm Chứ Đa sởn da gà. Nó lưỡng lự định quay ra nhưng bản tính tò mò, ưa mạo hiểm cứ lôi nó đi tiếp. Chứ Đa muốn tìm hiểu xem luồng hơi lạnh kia từ đâu tới. Nói hít thở thật sâu để tự trấn an mình, rồi mạnh bước về phía có luồng hơi lạnh. Bỗng trước mắt nó hiện lên một vầng trăng mờ đục. Chứ Đa dụi mắt nhìn lại cho rõ. Đúng là một vầng trăng vừa tròn vừa to. Nó ngửa cổ nhìn lên, thấy trên nóc hang có một lỗ thủng tròn như cái mẹt. Lỗ thủng ấy đem ánh sáng trên trời rọi xuống đáy hang sâu. Một hòn đất nhỏ, hình như là vỏ con ốc núi, từ chân Chứ Đa rơi xuống. Vầng trăng bỗng tan ra, lượn sóng. Nước! Hoá ra là nước. Chứ Đa hét ầm lên: “Có nước rồi chúng mày ơi! Bà con dân bản ơi, có nước rô…ồ…i!”

Quá sung sướng, Chứ Đa nhảy đại xuống vũng nước. Không phải vũng nhỏ mà là cả một hang chứa nước vừa rộng vừa sâu. Nếu không túm được cột đá giữa hang thì có khi Chứ Đa đã chết đuối rồi. Lúc ôm được cây cột đá mọc lên từ giữa vũng nước Chứ Đa mới hoàn hồn và thấy mình liều lĩnh quá. Ngửa cổ nhìn lên lỗ thủng ở nóc hang, Chứ Đa cười như bị ma làm. Tiếng cười của nó vang khắp lòng hang, vọng vào các ngóc ngách thành một chuỗi cười dài không dứt.

Chứ Đa bắt đầu thấy lạnh. Nó bám cột đá leo lên rồi nhảy vào bờ đá, tìm lối ra. Thỉnh thoảng nó ngoái cổ lại nhìn “vầng trăng” dưới đáy hang, nhìn lỗ thủng trên trời để thêm một lần nữa tin vào sự hiển hiện của nguồn nước quí. Nó còn nhìn kỹ để định hướng lối vào và tính đếm đến việc dẫn nước ra.

Nhìn thấy Chứ Đa ướt như chuột lột, Thào Mỷ và các bạn vừa sợ vừa mừng. Chúng chạy đến đón Chứ Đa như đón một người từ cõi chết trở về.

Chứ Đa dang tay, ngửa mặt lên trời gào to:

“Dân bản ơi! Có nước rồi. Tìm thấy nước rồi!”

Mí Vư, Seo Lử sung sướng ôm lấy Chứ Đa. Thào Mỷ quên mình là con gái cũng nhảy vào ôm lấy bọn con trai. Giật mình nhận ra điều ấy, Thào Mỷ vội buông tay ra, cúi mặt ngượng ngùng. Seo Lử nói thủng thẳng như người lớn:

“Về báo tin vui cho dân bản thôi!”

Chứ Đa và các bạn đến báo tin cho tộc trưởng Nỏ Pó biết chúng đã tìm thấy nguồn nước trên hang núi Tả Chô. Tộc trưởng có vẻ không tin lắm, vì ông nghĩ, từ trước tới nay người lớn tìm mãi còn chẳng thấy, nói gì đến mấy đứa trẻ con. Nhưng trước lời lẽ quả quyết của Chứ Đa, ông thấy có điều gì đó rất lạ, liền cắt cử một số trai tráng khoẻ mạnh, giỏi leo núi theo chân bọn Chứ Đa lên tận nơi xem xét. Cái Thào Mỷ là con gái cũng đòi đi theo. Khi nhóm người trẻ tuổi từ hang nước trên núi Tả Chô trở về, tộc trưởng Nỏ Pó hỏi họ rất kỹ về cái hang chứa nước. Một người trong nhóm bảo:

“Lời thằng Chứ Đa nói đúng đấy. Hang nhiều nước lắm. Lấy nước xuống cũng không khó lắm đâu, chỉ cần đục một cái lỗ từ vách đá bên ngoài vào tầm nửa sải tay là tới nước thôi!”

Nghĩ ngợi một lát, tộc trưởng Nỏ Pó nói:

“Lấy nước ở hang núi Tả Chô về Sủng Pả thì mọi người trong bản sẽ có nhiều nước để dùng, nhưng ta chỉ sợ Thần Núi, Thần Nước phạt thôi!”

Chứ Đa hỏi chen ngang:

“Sao Thần Núi, Thần Nước lại phạt chứ?”

Câu hỏi khó khiến tộc trưởng Nỏ Pó nghĩ mãi mà chưa biết cách trả lời. Ông nhìn lên trời, nhìn lên phía núi Tả Chô có hang nước, nhìn khắp lượt cánh trẻ, rồi hạ một câu chắc như đinh đóng cột:

“Ta phải làm lễ cúng thần linh để xin phép Thần Núi, Thần Nước. Khi các thần linh đồng ý thì mới được dẫn nước từ hang núi Tả Chô về bản”.

Chứ Đa thắc mắc:

“Nhưng làm thế nào để biết được các thần linh có đồng ý hay không?”

Tộc trưởng Nỏ Pó nói:

“Ta được xem thầy mo cúng thần linh nhiều rồi. Khi làm lễ cúng để xin phép thần linh điều gì, thầy mo sẽ khấn vái, sau đó thả ra một con dê. Con dê bước về hướng nào là ý các thần linh nghiêng về hướng ấy. Hôm làm lễ cúng xin nước, nếu con dê bước về hướng núi Tả Chô có hang nước thì tức là các thần linh đồng ý. Nếu nó bước theo hướng khác thì nhất quyết là không được. Muốn có cuộc sống yên ổn thì chúng ta phải làm theo ý nguyện của các thần linh!”

Nghe Nỏ Pó nói thế, gương mặt Chứ Đa tươi tỉnh hẳn. Nó ghé tai Thào Mỷ bảo:

“Thế thì chắc chắn Thần Núi, Thần Nước sẽ đồng ý thôi!” – Chứ Đa cười cười, nháy mắt về phía Thào Mỷ vẻ bí hiểm.

Đúng như lời Chứ Đa nói với Thào Mỷ mấy hôm trước, hôm thầy mo làm lễ cúng để xin phép các thần linh được lấy nước về cho dân bản, con dê đen được thầy mo cởi sợi dây buộc sừng khỏi chiếc cọc để thả ra ngoài, nó đã đi thẳng về hướng núi Tả Chô – nơi có hang nước quý. Vậy là các thần linh đã đồng ý. Mắt tộc trưởng Nỏ Pó sáng lên. Niềm vui khiến gương mặt vốn đăm chiêu của ông rạng ngời. Ông vui là phải, vì với cương vị một tộc trưởng, được dân bản tin tưởng giao cho việc cai quản địa phận, được coi là người thay trời hành đạo, chăm lo cuộc sống cho dân lành, ông luôn nghĩ mình sẽ phải làm những việc có ích cho mọi người. Từ ngày giữ chức tộc trưởng ông đã làm được nhiều việc, nhưng riêng cái việc lo đủ nước cho dân bản thì ông chưa có cách nào làm được. Nay việc khó đó đã có lối gỡ, bởi thế ông vui cái đầu, ông sướng cái bụng.

Hôm ấy dân bản Sủng Pả vui như Tết, vì từ nay sẽ có nhiều nước để dùng, không còn phải đi lấy nước xa như trước nữa. Chứ Đa nháy mắt về phía Thào Mỷ, ý muốn bảo: “Thào Mỷ thấy chưa? Chứ Đa đoán có sai đâu!”.

Trong lúc con dê đen bị đem đi mổ thịt làm lễ tế thần, Thào Mỷ lôi Chứ Đa ra một góc để hỏi chuyện về “đường đi của con dê”. Nó phải gặng hỏi mãi, thậm chí sắp khóc Chứ Đa mới nói cho biết cái bí quyết của mình:

“Việc ấy dễ thôi mà. Chứ Đa rắc muối để dẫn đường cho con dê đen đi đúng ý của Chứ Đa! Trước khi thầy mo làm lễ, Chứ Đa lén rắc muối về hướng núi Tả Chô. Khi thầy mo thả ra, con dê ngửi thấy mùi muối đã đi về hướng ấy. Thế thôi!”

“Nhưng sao Chứ Đa biết dê thích muối?” – Thào Mỷ hỏi.

“Để ý thì biết ngay thôi. Nhà nào nuôi dê cũng thỉnh thoảng cho chúng liếm láp tí muối để tránh bệnh tật và mau lớn”.

Thào Mỷ gật gù khen:

“Chứ Đa giỏi thật đấy. Đánh lừa được cả thầy mo!”

“Thào Mỷ đừng nói cho ai biết nhá. Thầy mo mà nghe được là không hay đâu!”

Được thần linh đồng ý, tộc trưởng Nỏ Pó yên tâm cắt cử các trai tráng đem dụng cụ lên hang núi Tả Chô đục đá dẫn nước về bản. Họ lấy cây bương làm đường ống dẫn nước dài cả “nửa buổi đi bộ” về Sủng Pả. Từ đó Sủng Pả chẳng bao giờ thiếu nước vào mùa Đông…

Không tìm thấy Chứ Đa, Thào Mỷ và các bạn buồn lắm. Chúng cảm thấy thực sự mất đi chỗ dựa. Hàng ngày vẫn đi chăn bò nhưng chúng chỉ ngồi trên các mỏm đá nhìn về một miền xa xăm nào đó và chẳng thiết chơi trò gì. Mọi lần Chứ Đa thường khới ra các trò chơi như đánh sảng, trốn tìm, bắn nỏ… khiến bọn chúng rất thích. Mí Vư nhớ mãi việc nó được Chứ Đa đẽo cho một con quay to như cái bát ăn cơm, quay tít mù mãi mà không “chết”. Thào Mỷ luôn giữ bên mình quả pao do Chứ Đa làm tặng từ Tết sớm năm ngoái. Seo Lử chẳng bao giờ quên tài bắn nỏ của bạn mình. Nó còn nhớ, hôm làm xong chiếc nỏ, hai đứa rủ nhau ra nương tập bắn. Chứ Đa hái một chiếc lá cài vào thân cây chuối rừng, ngắm bắn. Nó bắn lần nào cũng trúng, mặc dù chiếc lá chỉ bé bằng nửa bàn tay trẻ con, trong khi Seo Lử bắn hết cả ống tên mà thỉnh thoảng mới có phát trúng đích. Thào Mỷ thì vừa thích vừa sợ trò chơi trốn tìm trong hang đá. Dù hang mới hay hang cũ, chỉ một loáng là Chứ Đa đã thuộc hết các ngóc ngách trong khi Thào Mỷ và các bạn khác còn chưa biết lối nào mà lần. Những cuộc đánh sảng (chơi cù) của bọn trẻ ở Sủng Pả do Chứ Đa tổ chức vui không để đâu hết. Cả người già, phụ nữ trong bản cũng bỏ việc nương rẫy, việc nhà cửa kéo đến xem. Gọi là trò chơi của trẻ con nhưng cả người lớn cũng tham gia rất đông. Mỗi cuộc như vậy thường kéo dài cả ngày, thậm chí hết ngày này đến ngày khác. Thường thường mỗi cuộc cù như vậy phần thắng luôn thuộc về Chứ Đa. Cù của nó vừa “tít”, vừa “sống lâu”. Những cú “bổ” của Chứ Đa thường rất chính xác và mạnh mẽ, khiến cù của các bạn chơi bị vỡ đôi hoặc bật khỏi sới. Hàng năm, cứ trước mùa đánh sảng, Chứ Đa lại bỏ công đẽo rất nhiều con quay cho các bạn trong bản. Một số thanh niên cũng nhờ nó đẽo cho những chiếc cù vừa to vừa “khoẻ” để đi thi thố với thanh niên bản khác. Có người nhờ thắng cuộc cù mà lấy được gái đẹp ở bản khác đem về làm vợ. Riêng trò nhảy qua vực Miệng Hổ thì đến bây giờ ở Sủng Pả và các bản lân cận cũng chưa ai làm được như Chứ Đa. Hồi nó còn ở nhà, có người lớn không tin bảo nó nhảy cho xem, Chứ Đa chẳng ngần ngại bay người qua luôn, khiến những người chứng kiến phục sát đất.

Ngoài những cái tài kể trên, Chứ Đa còn là một trong những người giỏi khoan nòng súng kíp và thổi xì đồng. Cách đây mấy năm nó đã xin người già cho theo vào rừng xem các tay thợ khoan nòng súng bằng sức gió. Cái kiểu khoan này chỉ những người Mông kỳ cựu, giỏi rèn đúc nhất cả vùng mới có thể làm được. Đây là một bí quyết của người Mông, lẽ ra không được cho người lạ và trẻ con đến xem, nhưng chẳng biết Chứ Đa nói thế nào mà người thợ già lại đồng ý cho nó đi cùng. Quả là người thợ già có con mắt tinh đời. Chứ Đa còn rất trẻ mà đã học được bí quyết khoan nòng súng, thậm chí nó khoan giỏi không kém gì những người lớn tuổi giỏi nhất. Nó học thổi xì đồng nhanh đến mức thầy dạy vừa giảng xong nó đã làm được ngay. Phường săn của bản thấy Chứ Đa giỏi quá đã cho nó nhập vào tốp “lõng mồi” (tức là nấp ở những chỗ thích hợp để chờ con mồi xuất hiện là bắn hạ). Nó trở thành đứa trẻ con đầu tiên của bản được nhập vào phường săn. Ngay buổi đầu tiên ra mắt, Chứ Đa đã dùng nỏ bắn hạ được mấy con chồn và cáo – một việc được coi là “kỳ tích” trong mỗi phường săn…

Chứ Đa bây giờ ở đâu? Câu hỏi ấy cứ bám theo Thào Mỷ và các bạn không thể dứt ra được. Từ ngày Chứ Đa mất tích, Thào Mỷ thường xuyên lui tới nhà Chứ Đa để ngóng tin bạn và giúp đỡ bác Mùa vài thứ việc vặt. Vừa làm nó vừa lựa lời dò hỏi bác Mùa tin tức về Chứ Đa, nhưng vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu khó hiểu. Trong thâm tâm Thào Mỷ đoán chắc rằng cha mẹ Chứ Đa biết nó đi đâu, nhưng không muốn nói ra. Thào Mỷ cũng chẳng hỏi nữa, vì nó nghĩ chắc việc này có điều gì khó nói nên cha mẹ Chứ Đa mới giữ bí mật như vậy. Gần đây Thào Mỷ thấy bác Chư Pấu cũng không có ở nhà, chẳng biết là bác ấy đi đâu nữa. Mấy lần nó định hỏi bác Mùa xem bác trai đi đâu, nhưng nghĩ sao nó lại thôi.

Thào Mỷ là một đứa gái có nhiều nỗi khổ. Nó mồ côi cha mẹ từ khi còn bé tí. Nó được nghe người lớn kể rằng, trong một lần đi làm nương, cha mẹ nó bị đá núi lở bất ưng, đè chết. Người ta đưa xác cha mẹ nó về chôn cất nhưng không cho nó biết. Khi Thào Mỷ hỏi mọi người “Cha mẹ đâu?” thì chỉ nhận được những cái lắc đầu bí hiểm. Thào Mỷ nhớ lại, hồi nó được bà ngoại đón về nuôi, nó cứ thắc mắc tại sao bà ngoại lại ở có một mình, trong khi những nhà khác có đủ ông bà, cậu mợ, chú dì? Một lần nó hỏi:

“Bà ơi! Cha mẹ cháu đi đâu? Ông cháu đâu? Sao cháu không có cậu, có dì?”

Nó chỉ thấy bà buồn bã lắc đầu. Nó gặng hỏi thì bà gắt lên:

“Cháu còn bé, hỏi chuyện người lớn làm gì!”

Thào Mỷ sợ không dám hỏi nữa. Nhưng trong đầu nó lúc nào cũng cứ thắc mắc về chuyện tại sao nó không có cha mẹ, không có ông ngoại và các cậu, các dì.

Mãi gần đây, khi bà ngoại đã mất, Thào Mỷ mới được nghe người già trong bản kể lại: Cha mẹ nó bị đá lở đè chết từ lúc nó mới biết đi. Ông ngoại nó bỏ nhà đi theo người đàn bà khác từ khi mẹ nó mới biết bò. Từ đó bà ở một mình cho đến khi đón nó về nuôi. Từ chuyện của bà ngoại, Thào Mỷ nghĩ, nhất định chuyện Chứ Đa vắng nhà cũng có lý do gì đó khó nói, vì nó nhận thấy cái lắc đầu của cha mẹ Chứ Đa giống hệt như cái lắc đầu của bà ngoại nó ngày trước.

***

Thấy Thào Mỷ thường xuyên qua lại nhà Chứ Đa, Mí Vư không vui. Hồi Chứ Đa còn ở nhà, nét mặt Mí Vư cứ lầm lỳ, thậm chí là hậm hực, mỗi khi nhìn thấy Thào Mỷ đi với Chứ Đa hoặc nghe Thào Mỷ nhắc đến Chứ Đa. Nhiều lần cả bọn cùng nhau đi chơi, đi chăn bò, Mí Vư thường tìm cách kéo Thào Mỷ ra chỗ riêng nói chuyện nhưng Thào Mỷ không đi. Ngược lại, Thào Mỷ cứ xán lăn đến chỗ Chứ Đa. Đôi má bầu bĩnh, lúc nào cũng đỏ hồng như vừa từ bếp bước ra, lại điểm thêm cái lúm đồng tiền rất sâu, cùng đôi mắt to tròn, sáng lóng lánh của Thào Mỷ đã làm cho Mí Vư mê mẩn. Cái dáng người tròn lẳn của một thiếu nữ đang ở tuổi dậy thì giấu trong bộ váy áo thêu hoa văn rất đẹp của Thào Mỷ khiến cho bao gã trai bản nao lòng. Đã không ít lần Mí Vư đứng như trời trồng nhìn đăm đắm vào bộ ngực tròn căng của Thào Mỷ. Lúc leo núi nó luôn đi sau ngay sát Thào Mỷ để được ngắm đôi kheo chân trắng mọng của người con gái cùng bản. Dáng hình Thào Mỷ toát lên một vẻ đẹp thuần khiết, dịu dàng giống như một bông hoa rừng. Rồi sẽ đến ngày bông hoa rừng ấy bừng nở, rực rỡ và ngát hương. Mí Vư cứ lo rằng đến lúc đó Thào Mỷ sẽ thuộc về người khác, mà phần nhiều là sẽ thuộc về Chứ Đa!

Mí Vư lo là phải, bởi nó thua kém Chứ Đa về mọi mặt. Tuy là một chàng trai khỏe mạnh nhưng Mí Vư không có khả năng gì đặc biệt, lại lầm lỳ ít nói, gương mặt lúc nào trông cũng khắc khổ. Nét nổi bật nhất của Mí Vư là thường quan tâm giúp đỡ mọi người. Đức tính này nó học được từ người cha ngay khi nó còn nhỏ. Theo lời cha Mí Vư kể, hồi trước nhà nó bị cháy không còn cái gì, phải vào hang đá ở, sống bằng củ quả, rau măng kiếm được ở nương, ở rừng. Bà con trong bản xúm vào giúp cha mẹ nó dựng một ngôi nhà chình tường, góp mỗi nhà một sinh ngô để sống qua ngày, đợi đến khi thu hoạch vụ ngô mới. Để trả nghĩa tấm lòng bà con đối với nhà mình, cha mẹ Mí Vư luôn sống tốt với mọi người. Nhà ai trong bản có công to việc lớn, cha Mí Vư luôn có mặt trước tiên để giúp sức. Vào mùa làm nương, cha thường bảo anh em Mí Vư đi khắp bản xem nhà ai neo người thì đến giúp chọc lỗ bỏ hạt.

Từ ngày Thào Mỷ biết làm nương, Mí Vư thường hay đến giúp Thào Mỷ lảu cỏ, chọc lỗ. Nó giúp theo thói quen vốn có, giúp vì thấy nhà Thào Mỷ chỉ có hai bà cháu, thiếu người làm. Khi lớn hơn một chút, đến tuổi thích nhìn con gái đẹp, nó còn lấy cớ đến giúp để được gần người con gái mà nó thích. Mỗi khi được làm nương cùng Thào Mỷ, Mí Vư thấy lòng mình xốn xang, làm việc không biết mệt. Nhìn Mí Vư chọc lỗ cho Thào Mỷ bỏ hạt, dân bản bảo trông hai đứa giống như một đôi vợ chồng. Nghe thế Mí Vư thích lắm, gương mặt nó tươi tỉnh hẳn lên.

Vậy mà chẳng hiểu sao Thào Mỷ không thích nói chuyện với nó, chỉ thích ngồi gần Chứ Đa, khiến Mí Vư buồn lòng. Bây giờ Chứ Đa bỏ đi đâu không rõ, Thào Mỷ vẫn hay đến nhà nó là làm sao? Lòng tốt trong con người Mí Vư mách bảo nó rằng, vì Thào Mỷ thương bác Mùa chỉ còn một mình nên thường xuyên đến đó để an ủi. Nghĩ vậy, đôi mắt Mí Vư sáng lên niềm hi vọng.

NGUYỄN TRẦN BÉ

(Còn tiếp)

TIN LIÊN QUAN:

>> Thạch trụ huyết – Vấn thế gian thế nào là nhân nghĩa

>> Thạch trụ huyết – Tiểu thuyết của Nguyễn Trần Bé – Kỳ 1

>> Thạch trụ huyết – Tiểu thuyết của Nguyễn Trần Bé – Kỳ 2

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *