Thạch trụ huyết – Tiểu thuyết của Nguyễn Trần Bé – Kỳ 4

13

VHSG- Hôm nay Thào Mỷ sang nhà Chứ Đa sớm hơn mọi ngày vì đêm qua nó mơ thấy Chứ Đa về. Nó háo hức gọi từ ngoài cổng:

– Chứ Đa ơi! Chứ Đa! Bác Mùa ơi! Bác Mùa!

Chẳng thấy tiếng ai thưa. Cánh cổng gỗ vẫn buộc chặt bởi sợi mây già. Thào Mỷ nghến chân ngó vào phía trong thấy hết sức yên ắng. Bếp lửa lạnh tanh. Nó thắc mắc: Sao giờ này bác Mùa vẫn chưa dậy? Mọi khi bác ấy dậy sớm lắm cơ mà? Hay là bác ấy ốm? Có thể lắm, mấy hôm trước mình thấy bác ấy có vẻ rất mỏi mệt, ăn mỗi bữa không hết bát mèn mén. Cái chân bác ấy bị tróc móng phát sốt, đi lại phải chống que. Mình phải vào nhà xem bác ấy thế nào. Nghĩ thế, quên mình là con gái, Thào Mỷ cởi dây buộc cổng bước vào nhà. Nó mở cửa ngó cổ vào trong. Một luồng khí lạnh bất chợt ùa ra khiến Thào Mỷ sởn da gà. Nó mạnh bạo bước vào bên trong, đến chỗ mọi khi bác Mùa thường ngủ. Chẳng thấy ai. Chăn chiếu lạnh lẽo. Chứng tỏ đêm qua bác ấy không ngủ ở nhà. Thế thì bác ấy đi đâu? Chẳng lẽ bác ấy đi tìm cha con Chứ Đa? Biết ở đâu mà tìm chứ? Hay là bác ấy buồn chán quá đã…? Tự suy đoán bằng những câu hỏi trong đầu, Thào Mỷ bỗng thấy lạnh toát sống lưng khi nghĩ đến chuyện mẹ Chứ Đa vì buồn chán quá mà ăn lá ngón! Nó vội chạy đến nhà tộc trưởng Nỏ Pó báo tin:

– Tộc trưởng ơi! Tộc trưởng!

Nghe tiếng gọi giật giọng của Thào Mỷ, Nỏ Pó đoán là có điều gì đó bất thường, vội ra mở cổng, tất tưởi hỏi:

– Thào Mỷ à, có chuyện gì thế?

– Có chuyện thật đấy. Cả nhà bác Mùa bỏ đi đâu hết rồi! Chứ Đa đi trước, rồi đến bác Chư Pấu và bây giờ là bác Mùa. Thào Mỷ lo lắm, có khi cả nhà bác Mùa chết hết rồi cũng nên! Tộc trưởng gọi người đi tìm xem!

Tộc trưởng Nỏ Pó gật đầu, nói với Thào Mỷ, rồi nói với chính mình:

– Được rồi. Thào Mỷ cứ về đi! Mà mẹ Chứ Đa đi đâu mới được chứ? Cả cha con Chư Pấu nữa, chúng bỏ đi đâu không biết? Hầy dà…

Tộc trưởng Nỏ Pó vội đi báo tin cho dân bản Sủng Pả. Cả bản bỏ hẳn việc làm nương để đi tìm vợ chồng Mùa. Họ cứ nghe theo lời kể và những suy đoán của Thào Mỷ mà đi, nhưng chẳng hiểu sao đôi chân mọi người cứ tự nhiên đi về hướng Bắc như thể có ai xui khiến. Seo Lử, Mí Vư, Thào Mỷ là những đứa tích cực nhất. Trước khi đi, Seo Lử dắt con chó khoang thân thiết của mình sang nhà Chứ Đa để nó ngửi hơi quần áo, đồ vật của những người mất tích. Seo Lử bảo, con chó khoang này rất thính mũi và có biệt tài đánh hơi người. Chỉ cần cho nó ngửi quần áo, đồ vật của ai một lần thì dù người đó có ở xa cả một quả đồi hay đứng giữa đám đông nó cũng nhận ra được.

Nhà văn Nguyễn Trần Bé

Seo Lử sử dụng con chó bằng cách huých nó chạy trước để đánh hơi. Con khoang luôn chạy trước, rất xa mọi người. Nó sục sạo hết chỗ nọ, chỗ kia để tìm mùi hơi của những người nhà Chứ Đa. Nó mải mê đến mức mấy lần Seo Lử đưa tay lên miệng huýt gió để gọi mà nó cũng không quay trở lại. Trên đường đi, theo lời chỉ bảo của tộc trưởng Nỏ Pó, mọi người tìm khắp các nương ngô, nương anh túc cũ và những nơi mà vợ chồng Mùa có thể tới. Cánh trai trẻ sục sạo khắp các hang đá, các hẻm vực mà vẫn chẳng tìm thấy dấu tích gì!

Đúng lúc mọi người cảm thấy nản lòng và hết hi vọng vì chẳng biết tìm cha mẹ Chứ Đa ở đâu thì con chó khoang của Seo Lử sủa nhanh nhách phía trước mặt. Tiếng sủa của nó như báo cho mọi người biết có chuyện chẳng lành. Và đúng là có chuyện chẳng lành đã xảy ra. Trước mắt mọi người là một ụ đất giống như ngôi mộ mới đắp. Con chó khoang của Seo Lử đang bới hai chân trước vào chiếc áo tà pủ rách nát, thẫm máu, bị vùi dưới lớp đất đỏ. Khi con chó khoang cắn cái áo lôi ra, nó kéo theo luôn cả mấy khúc xương còn dính thịt nham nhở. Tộc trưởng Nỏ Pó bảo các trai tráng bới đất ra xem. Tất cả bàng hoàng khi thấy chiếc đầu lâu cùng những dẻ xương sườn thâm đen. Mọi người xem xét kỹ và nhận ra đó là đầu lâu của Chư Pấu nhờ vào những chiếc răng bọc vàng. Cạnh đấy là chiếc khăn vuông thổ cẩm. Thào Mỷ nhận ra đó là khăn của mẹ Chứ Đa vì nó đã nhiều lần nhìn thấy bác Mùa đội chiếc khăn này. Tộc trưởng Nỏ Pó bất ngờ ôm mặt khóc khồng khộc. Tiếng khóc của ông lan truyền sang mọi người thành những âm thanh như tiếng lá rụng trong đêm mưa phùn gió bấc.

Chẳng ai bảo ai, mọi người xúm vào đắp lại ngôi mộ cho vợ chồng Chư Pấu. Xong việc, họ lặng lẽ trở về bản trong nỗi xót thương chẳng thể nói bằng lời…

14

Sau một tuần ngày đi đêm ngủ, Pủ Sá và Chứ Đa mới về tới Mã Lỳ. Đến nơi, Chứ Đa thấy mọi mệt nhọc gần như tan biến hết, bởi nơi đây có biết bao nhiêu điều mới lạ. Nhà cửa rất ít, nhưng cái nào cũng xây cất rất to và chắc chắn. Mọi người cứ lầm lũi làm việc như những cái bóng. Chứ Đa có cảm giác đây không phải là nơi định cư của dân làng mà là một nơi khu trú đặc biệt của một nhóm người chuyên làm việc gì đó không bình thường. Nhưng nó là cái gì thì Chứ Đa chưa thể đoán biết, chưa hình dung ra được.

Buộc ngựa xong, Pủ Sá dẫn Chứ Đa ra trước một đám người lạ hoắc. Lão chỉ tay vào Chứ Đa, giới thiệu:

– Thằng này là Chứ Đa, một đầu lĩnh ở Sủng Pả. Tuy nó còn trẻ nhưng không phải đứa vừa đâu. Nó sẽ giúp chúng ta được nhiều việc đấy.

Một thằng đầu trọc, chạc tuổi Chứ Đa, nhìn Chứ Đa chằm chằm. Nó chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ tiến đến chỗ Chứ Đa đứng, bất ngờ tung một cú đấm cực mạnh vào thẳng mặt Chứ Đa. Chứ Đa né người tránh đòn làm cho tên đầu trọc mất đà nhao về phía trước. Nhân cơ hội ấy Chứ Đa thúc cùi chỏ vào lưng tên đầu trọc làm hắn ngã sóng soài. Tên đầu trọc vùng dậy phi thân vào bụng Chứ Đa. Cái đầu trọc của nó chưa kịp chạm vào người Chứ Đa thì đã bị Pủ Sá tóm gọn. Pủ Sá nâng tên đầu trọc lên quá đầu doạ ném xuống khiến nó phải van xin cuống quýt. Khi thả tên đầu trọc xuống đất, Pủ Sá bảo:

– Từ nay chúng mày là bạn. Bảo nhau mà sống!

Pủ Sá chỉ vào tên đầu trọc, nói với Chứ Đa:

– Đây là thằng A Pẩu, bằng tuổi mày. Nó sẽ đi cùng mày trong thời gian ở Mã Lỳ. Có gì không biết thì hỏi nó.

Chỉ sang Chứ Đa, Pủ Sá nói với A Pẩu:

– Thằng này sang đây học chữ nho, học nghề buôn. Nó là đệ tử của tao. Mày phải giúp nó hàng ngày. Lúc nào cần thì tìm tao!

Nói xong Pủ Sá bỏ đi.

A Pẩu nhìn Chứ Đa chòng chọc một lúc rồi cũng bỏ đi.

Chứ Đa cảm thấy bơ vơ. Nó toan chạy theo A Pẩu, nhưng chợt nhớ đến cuộc “đón tiếp” chẳng hay ho gì mà A Pẩu dành cho mình lúc nãy, Chứ Đa lại thôi. Nó lững thững đi loanh quanh thăm thú nơi ở mới. Thấy một đường hầm tối om phía trước mặt Chứ Đa tò mò bước vào. Có mùi gì như khói thuốc phiện lan toả khắp đường hầm. Chứ Đa đang nghếch mũi hít hít cái mùi thuốc quen quen mà nó đã có lần được hút, bỗng nó bị một tấm khăn đen trùm kín đầu. Chưa kịp biết chuyện gì xảy ra, Chứ Đa đã bị quật ngã, bị khoá tay lôi đi.

Được bỏ khăn trùm đầu, Chứ Đa thấy mình đang ở trong một hang đá rất rộng. Ở các ngách hang có nhiều người lạ mặt đang đun nấu thứ gì đó. Nó ngửi thấy mùi thuốc phiện “thượng hảo hạng” mà nó đã từng được Pủ Sá cho hút hôm học võ ở hang Thẳm Vài. Chứ Đa nhìn thấy Pủ Sá đang quát tháo mọi người xung quanh. Đoạn Pủ Sá bước đến trước mặt Chứ Đa, mắt lão long lên:

– Ai cho mày vào đây?

– Tôi khắc vào thôi. Thấy lạ thì vào xem tí mà.

– Thằng A Pẩu đâu?

– Nó đi rồi.

– Đi đâu?

– Tôi không biết. Lúc đi nó không nói gì cả.

– Hầy dà, không được rồi!

Pủ Sá sầm sầm bỏ đi. Một lúc sau lão túm cổ A Pẩu lôi về. Pủ Sá bắt A Pẩu quì gối xuống đống đá nhọn, rồi quát:

– Sao mày để thằng Chứ Đa đi một mình?

– Tôi ghét nó! – Thằng A Pẩu nói ấm ức.

Pủ Sá cười sằng sặc. Tiếng cười của lão bỗng tắt đột ngột. Lão nghiến răng kèn kẹt, tay chỉ vào mặt A Pẩu, quát lớn:

– Mày đánh nó không được thì tức à? Hỏng rồi. Quì ở đây đến tối, nghe chưa?

Thấy A Pẩu bị phạt, Chứ Đa lấm lét nhìn Pủ Sá. Lát sau nó đánh bạo đến bên lão Pủ Sá, nói ngập ngừng:

– Pủ Sá à, tại tôi tự bỏ đi thôi. Tôi đáng tội, hãy phạt tôi chứ đừng A Pẩu! Nó không có lỗi gì đâu! Thật đấy!

Pủ Sá quát:

– Mày ra kia ngồi. Ra!

Chứ Đa lùi lại. Lát sau nó lại bước đến gần Pủ Sá, ấp úng nói:

– Pủ Sá à, phạt Chứ Đa thế nào cũng được, nhưng đừng phạt A Pẩu!

Hình như Pủ Sá đã bớt giận. Lão nhìn Chứ Đa, rồi hất đầu bảo đám người hầu:

– Thôi, tha cho A Pẩu. Đưa hai thằng này ra ngoài hang!

Trên đường về nhà A Pẩu, Chứ Đa hỏi:

– A Pẩu à, trong hang nấu gì đấy?

– Không biết đâu. – A Pẩu đã thay đổi thái độ với Chứ Đa, nhưng vẫn dè dặt.

– Tao nghĩ là mày biết chứ!

Ngập ngừng một lúc, A Pẩu ghé miệng vào tai Chứ Đa, nói nhỏ:

– Chưng cất thuốc phiện đấy. Thuốc phiện mua về phải chưng cất thành loại “thượng hảo hạng” mới bán được nhiều tiền.

Ánh mắt Chứ Đa sáng lên. Nó bắt đầu mường tượng ra điều gì đó từ cái nghề chế biến thuốc phiện của lão Pủ Sá. Chứ Đa bỗng nhớ lại cái lần lão Pủ Sá cho nó hút loại thuốc “thượng hảo hạng” này. Quả là thơm ngon hơn nhiều cái thứ thuốc phiện mà người ở bản Sủng Pả của nó thường hút.

– Chưng cất có khó không? – Chứ Đa hỏi A Pẩu.

– Tao chẳng biết đâu. Bí mật mà.

– Thế những người trong hang có biết không?

– Mỗi người làm một việc, không biết hết đâu. Chỉ có lão Pủ Sá là biết cách làm từ đầu đến cuối thôi. Lúc nãy mày vào hang không xin phép là mắc tội lớn đấy. May mà lão Pủ Sá biết mày, chứ nếu người lạ mà vào đấy là lão giết chết.

Chứ Đa hỏi thêm, vẻ thăm dò:

– Thế Pủ Sá mua da lông thú về có bán được nhiều tiền không?

– Tao không biết chắc. Nhưng lão ấy mua da lông thú chỉ là để đánh lừa bọn cướp thôi, vì lãi lời chẳng được bao nhiêu. Nghề chính của Pủ Sá là buôn bán, chế biến thuốc phiện. Cái đó mới lãi to.

– Tao hiểu rồi!

Chứ Đa không hỏi gì thêm nữa. Trong đầu nó loé lên một kế hoạch ăn cắp bí mật nghề chế biến thuốc phiện thô thành loại “thượng hảo hạng” của lão Pủ Sá. Chưa biết là sẽ đánh cắp bí quyết ấy bằng cách nào, nhưng dứt khoát là phải tìm cách đánh cắp cho bằng được. – Chứ Đa nghĩ.

Thấy Chứ Đa im lặng, A Pẩu hỏi:

– Mày nghĩ gì thế?

– Chẳng nghĩ gì.

– Sao mày không hỏi nữa?

– Tao mệt, tao sợ.

– Sợ gì?

– Sợ Pủ Sá.

Kể từ lúc được Chứ Đa liều mạng xin Pủ Sá tha tội khỏi bị phạt quì gối trần trên đá nhọn, A Pẩu thay đổi hẳn thái độ đối với Chứ Đa. Nó bắt đầu thấy mến thằng bạn vừa ở xa đến mà đã có những việc làm táo bạo và nghĩa hiệp. A Pẩu nói với bạn:

– Pủ Sá thì ai cũng phải sợ. Nhưng Pủ Sá cũng có lúc tốt chứ không phải lúc nào cũng ác đâu. Lão ta rất thích gái đẹp.

Nghe A Pẩu kể thế, Chứ Đa chợt phì cười khi nhớ lại câu hát của Pủ Sá “không gì sướng bằng có vợ đẹp” mà lão hát nghêu ngao khi đi đường. A Pẩu hỏi:

– Mày cười gì thế?

– Tao cười vì người như Pủ Sá mà cũng thích gái đẹp.

– Gái đẹp thì ai mà chẳng thích. – A Pẩu nói như người lớn.

A Pẩu dẫn Chứ Đa về nhà gặp cha nó là A Pa. A Pa tóc bạc trắng như cước, búi tó củ tỏi sau gáy. Thực ra A Pa chưa già lắm, nhưng không hiểu sao tóc sớm bạc trắng. Có điều lạ là, tuy tóc và lông mày bạc hết, nhưng bộ râu của A Pa lại đen như mực Tầu. Theo lời A Pẩu kể thì cha nó là người chuyên dạy chữ nho cho những người cần học chữ. Cả lão Pủ Sá cũng là học trò của A Pa. Ngoài dạy chữ, A Pa còn dạy võ cho nhiều người, có cả những người từ rất xa tới. Nghe đâu Pủ Sá cũng là đồ đệ của A Pa một thời. Nói đúng hơn, A Pa từng là ân nhân của Pủ Sá.

A Pa nhìn Chứ Đa từ đầu đến chân, rồi bảo:

– Học chữ là phải nghiêm. Học giỏi được thưởng, học dốt bị phạt đòn.

Chứ Đa đáp tỉnh khô:

– Thưa A Pa, con biết rồi ạ.

– Khá lắm! – A Pa khen, rồi gọi A Pẩu:

– A Pẩu à, đưa nó xuống bếp ngủ với mày!

Đêm ấy A Pẩu kể cho Chứ Đa nghe rất nhiều chuyện. Nó bảo cha nó dạy chữ cho nhiều người mà không dạy nổi con. A Pẩu bảo chữ nho khó học, nó càng học càng dốt, bị cha đánh đòn liên tục. Đánh mãi nó cũng chẳng khá hơn, cha chán quá không dạy nữa. A Pẩu còn bảo, cha chỉ dạy võ cho những người mà cha thấy nên dạy. Riêng nó, A Pa nhất định không dạy, nó phải học lỏm bằng cách nhìn trộm những lúc cha dạy cho người khác. Chứ Đa bắt đầu hình dung ra tính cách của ông thầy mình. Trong đầu nó sắp xếp một kế hoạch ứng xử cho phải phép. Nó hỏi A Pẩu:

– A Pa có lấy tiền công dạy học không?

– Cha không lấy tiền, nhưng phải làm việc cho cha.

– Việc gì?

– Cắt cỏ ngựa.

– Thế thì được.

– Nhưng không ít đâu. Nhà tao nhiều ngựa đấy.

– Mấy con?

– Bẩy con to, hai con nhỏ.

– Có ai cắt cùng không?

– Tao.

– Thế lúc tao chưa đến thì một mình mày cắt à?

– Không. Cha thuê người khác cùng cắt với tao.

Chứ Đa yên tâm với công việc này, vì hồi còn ở Sủng Pả nó đã cắt cỏ ngựa, cỏ bò quen rồi. Điều làm nó vui là có thằng A Pẩu. Từ khi xa cha mẹ, xa Thào Mỷ và các bạn ở Sủng Pả, đây là lần đầu tiên Chứ Đa thấy vui vẻ. Nỗi nhớ cha mẹ, nhớ Thào Mỷ và các bạn cũng dần vơi đi ít nhiều.

Mặc dù nhà A Pa có chín con ngựa, nhưng Chứ Đa và A Pẩu chỉ phải cắt cỏ cho năm con. Bốn con kia A Pa cho Pủ Sá và những người buôn bán đường dài thuê đi thồ hàng. Nhờ vậy buổi cắt cỏ ngựa đầu tiên của Chứ Đa cũng không quá vất vả.

A Pa đến chỗ Chứ Đa và A Pẩu đang thái cỏ ngựa. Hai đứa mải làm không biết, khi nghe tiếng A Pa nói chúng mới giật mình quay lại.

A Pa bảo Chứ Đa:

– Chứ Đa dắt ngựa về đây chăn cả thể. Ai cần thì cho thuê để có thêm tiền.

Nghe lời A Pa, Chứ Đa dắt con ngựa nâu của mình đến tầu ngựa nhà A Pẩu. Khi con ngựa nâu mới bước đến cửa tầu đã bị lũ ngựa nhà A Pẩu phản ứng quyết liệt, nó sợ quá hí lên, gõ móng đòi chạy đi. Chứ Đa chưa biết làm thế nào thì A Pẩu bảo:

– Để tao nói với lũ ngựa!

Chẳng biết thằng A Pẩu nói những gì mà lũ ngựa nhà nó hiền hẳn. Khi A Pẩu dắt con ngựa nâu của Chứ Đa vào tầu, lũ ngựa nhà A Pẩu không doạ nạt nữa, trái lại chúng còn tỏ ra thân thiện với bạn mới.

Nhìn đàn ngựa hiền lành bên nhau, Chứ Đa lạ lắm. Nó thực sự phục tài khiển mã của thằng bạn mới.

– Mày nói gì mà chúng lại nghe? – Chứ Đa hỏi A Pẩu.

– Tao bảo lũ ngựa: Đây là bạn mới phải chơi với nhau. Giống như lão Pủ Sá dặn tao hôm mới gặp mày.

Chứ Đa chợt nhớ ra cái điều thắc mắc từ mấy hôm trước, liền hỏi A Pẩu:

– Hôm ấy sao mày lại đánh tao? Cái hôm đầu tiên chúng mình gặp nhau ấy!

– À, tao muốn thử võ thôi mà.

– Tao hiểu rồi!

A Pẩu hỏi Chứ Đa:

– Mày học võ khi nào mà đánh hay thế?

– Tao học lão Pủ Sá từ hồi lão sang Sủng Pả.

– Vậy là Pủ Sá tin mày đấy. Nếu không tin lão chẳng dạy võ đâu. Mày đừng bao giờ làm mất lòng tin của lão mà mất mạng! – A Pẩu nói như người lớn.

Lời cảnh báo của A Pẩu làm Chứ Đa vừa sợ vừa tò mò muốn tìm hiểu về lão Pủ Sá. Nó hỏi A Pẩu:

– Pủ Sá có giầu không?

– Tao không biết. Nhưng chắc là có nhiều bạc trắng.

– Lão có vợ không?

– Có nhiều, nhưng bây giờ thì không. Bọn vợ không ở được với lão nên bỏ đi hết. Nhưng chỉ một thời gian sau là lão lại kiếm được vợ mới thôi.

– Nếu bị Pủ Sá ghét thì sao? – Chứ Đa hỏi tiếp.

– Thì mất mạng!

– Thế nếu được lão yêu?

– Thì lão chẳng tiếc cái gì. Nhưng khó lắm!

Chứ Đa lờ mờ hình dung ra tính cách Pủ Sá. Trong đầu nó mường tượng ra một kế hoạch đối phó, mà theo nó là sẽ tranh thủ được Pủ Sá, ít ra là không bị lão ghét.

***

Chứ Đa nhận thấy A Pa không có vợ, A Pẩu không có mẹ, nó đã định hỏi A Pẩu mấy lần nhưng không biết nên bắt đầu như thế nào. Hôm nay đi cắt cỏ ngựa với A Pẩu, Chứ Đa dè dặt hỏi:

– A Pẩu này, mẹ mày đâu?

A Pẩu dừng tay cắt cỏ. Mặt nó hiện lên nỗi buồn xa xăm. Nó ngửa cổ nhìn trời như thể tìm kiếm điều gì, lúc lâu mới nói:

– Mẹ tao chết rồi! Một hôm vào rừng lấy cây thuốc mẹ bị hổ vồ. Tối không thấy mẹ về cha đốt đuốc vào rừng tìm suốt đêm. Bắt gặp hổ dữ đang vùi giấu phần xác mẹ còn lại trong đống lá khô, cha rút dao nhọn đâm chết hổ, vác về nhà lấy thịt nó cúng ma cho mẹ.

Đôi dòng nước mắt trong veo chảy tràn trên đôi má A Pẩu.

Nhìn A Pẩu khóc, Chứ Đa thấy lòng mình xót đau như chính mẹ mình bị hổ ăn thịt. Nó lặng lẽ ôm A Pẩu thật chặt trong vòng tay của mình. Đợi A Pẩu bớt khóc Chứ Đa nghẹn giọng hỏi:

– Chuyện ấy xảy ra lâu chưa?

– Ba năm rồi! Không nghĩ thì thôi, cứ nghĩ đến chuyện ấy là tao lại thấy nhớ mẹ, thương mẹ quá! Chẳng biết ở trên trời mẹ có hiểu được điều ấy không? Mà tại sao hổ lại vồ mẹ tao chứ? Mẹ là người tốt nhất trần đời. Mẹ vào rừng hái cây thuốc về để chữa bệnh cho người ốm chứ có làm điều gì ác đâu mà hổ dữ lại ăn thịt mẹ? Tất cả mọi người ở Mã Lỳ bị ốm đau bệnh tật đều đến nhờ mẹ lấy thuốc. Mẹ chỉ giúp thôi chứ không lấy tiền. Có người trả ơn mẹ cả một con bò đấy. Nhưng mẹ chẳng lấy của ai thứ gì. Hôm mẹ bị hổ vồ ai cũng khóc thương, cũng tiếc mẹ. Mọi người đắp ngôi mộ mẹ to nhất, đẹp nhất Mã Lỳ. Nhiều người bảo, Mã Lỳ mất mẹ chẳng khác nào mất đi một nữ thần y.

– Mẹ mất ba năm rồi mà A Pa không lấy vợ mới à?

– Không. Cha tao yêu mẹ quá nên không lấy người khác. Sau khi mẹ tao mất, cha cứ im lìm như một tảng đá hàng tháng trời. Có lúc cha ngồi như hoá đá không ăn không uống mấy ngày liền. Sợ cha chết theo mẹ, tao phải bảo: “Cha mà chết thì A Pẩu ở với ai? Ai sẽ nuôi A Pẩu?” Đến lúc ấy cha như chợt tỉnh ra mới chịu ăn uống!

– Chắc mẹ mày đẹp lắm nhỉ.

– Ừ. Mẹ tao đẹp nhất Mã Lỳ. Cha tao bảo chưa có một phụ nữ nào đẹp như mẹ. Cha kể, hồi trẻ mỗi lần mẹ xuống chợ thường có rất nhiều trai tráng tìm cách vây quanh. Đã có không ít cuộc đánh nhau giữa những người đàn ông để tranh giành bông hoa đẹp là mẹ. Cha tao giỏi hơn những người khác nên “kéo” được mẹ về.

A Pẩu nhẩn nha kể cho Chứ Đa nghe về cuộc đời của cha mẹ mình. Nó bảo, cha kể lại rằng, ngày trước cha là một gã giang hồ, đã từng tung hoành ngang dọc khắp nơi. Cha giỏi võ, giỏi chữ nhưng ngang tàng. Sau khi từ bỏ giới giang hồ cha mới lấy vợ, lúc ấy tuổi cha đã gần bốn mươi. Cha bảo ông ngoại tao làm nghề bốc thuốc Nam cứu người nhưng bị kẻ xấu ghen ăn tức ở tìm cách làm hại. Chính vì được chứng kiến tận mắt bọn người xấu làm hại gia đình nhà mẹ mà cha bỏ kiếp sống giang hồ. Sau khi cưới mẹ về cha thành người khác hẳn. Cha mở lớp dạy chữ nho, dạy võ cho những ai cần học, không phải vì tiền mà vì muốn mọi người biết chữ Thánh hiền để mà hướng thiện, tránh xa điều ác; dạy võ cho những người yếu thế để họ tự bảo vệ lấy bản thân mình trước sự chèn ép những kẻ cậy quyền, cậy thế. Người già bảo, có lẽ Ông Trời trừng phạt những việc làm xấu xa của cha trước kia nên để hổ vồ mất mẹ! Tao nghĩ, nếu có việc đó thật thì Ông Trời cũng chẳng ra sao. Ở trên cao mà ông ấy không biết ai là kẻ xấu, ai là người tốt thì còn gì là Ông Trời nữa. Hay mắt ông ấy bị mây đen che lấp mất rồi? Trước đây cha là giang hồ thật, nhưng bây giờ cha đã nhận thấy cái sai, bỏ kiếp sống giang hồ để trở thành người tốt rồi cơ mà. Tại sao thế chứ? Hả? Tại sao?

A Pẩu bước về phía Chứ Đa, nhìn xoáy vào mắt nó, hỏi những câu nghẹn cứng cứ như thể Chứ Đa là hiện thân của ông Ông Trời đang đứng trước mặt mình. Gương mặt hiền của A Pẩu đẫm nước. Nó mím chặt môi, duỗi cổ nuốt nước mắt vào trong bụng.

Nghe A Pẩu kể chuyện về cha mẹ, Chứ Đa bỗng thấy chạnh lòng. Nó chợt nhớ đến mẹ mình ở nhà. Nhớ đến cồn cào, nhớ đến phát khóc. Mẹ nó cũng đẹp lắm. Nó nghe người già kể lại, mẹ đẹp đến nỗi, khi mẹ lấy cha đã có trai bản ăn lá ngón tự tử vì tiếc mẹ! Nó không thể quên được những ngày ở Sủng Pả, được mẹ cho đi chơi chợ. Những phiên chợ đối với nó chẳng khác gì những ngày hội. Người nào cũng mặc những bộ quần áo đẹp, đem xuống chợ đủ mọi loại hàng, từ ngô đậu, lợn gà đến mèo chó, rau quả… nhưng nhiều nhất vẫn là rượu ngô. Có người dắt theo cả bò, ngựa để bán. Chứ Đa nhận thấy những cuộc mua bán ở các phiên chợ thường diễn ra rất nhanh. Bán hàng xong người ta đem tiền đi mua sắm những thứ cần thiết, rồi rủ nhau uống rượu, ăn thắng cố đến say nghiêng ngả. Các cô gái Mông đến tuổi thích nhìn con trai, đem theo gương lược làm dáng trước khi vào chợ. Cánh trai bản đem theo cả khèn, sáo xuống chợ thi thố với nhau. Họ say sưa múa khèn, thổi sáo để lôi kéo các cô gái đẹp. Chứ Đa đứng nhìn múa khèn, đôi chân nhấp nhảy không yên. Miệng nó nhẩm theo những điệu khèn đầy mê hoặc. Đến chợ Chứ Đa thấy cái gì cũng thích, nhưng nó thích nhất là những miếng đường phên vàng rộm, ngọt lừ được bày bán ngay phía cổng chợ. Phiên chợ nào mẹ cũng mua cho nó những cục đường thơm ngọt ấy. Trong khi Chứ Đa mải mê gặm những miếng đường, mẹ đi mua sắm, thì cha nó rủ bạn bè uống rượu với thắng cố. Phiên chợ nào cha cũng say rượu nằm lăn ra đất. Không riêng gì cha, nhiều người đàn ông khác tầm tuổi như cha cũng say như vậy. Mẹ và những người đàn bà như mẹ phải nhờ người khoẻ vác cha đặt vắt ngang lưng ngựa, dắt về. Chứ Đa giận cha lắm. Nó nghĩ, mẹ vất vả quanh năm với bếp núc, ruộng nương, đến khi đi chợ vẫn còn bị cha say rượu làm khổ thêm. Nhưng mẹ bảo, mẹ không buồn về điều đó, vì cha có nhiều bạn uống rượu nên mới say. Người đàn ông Mông nào có nhiều bạn thì mới là người tốt. Nghe mẹ nói vậy Chứ Đa không giận cha say rượu làm khổ mẹ nữa, vì nó thấy cha có rất nhiều bạn. Có hôm ngựa thồ hàng nhiều không cõng nổi cha, mẹ phải để cha nằm ở vệ đường, ngồi che ô đợi cha tỉnh rượu cùng về. Những lúc như vậy Chứ Đa tha hồ gặm những miếng đường phên, quên hết mọi chuyện…

Thấy Chứ Đa ngẩn mặt nghĩ ngợi, A Pẩu hỏi:

– Mày nhớ cha mẹ à?

– Ừ. Đi xa thế này tao mới thấy thương mẹ. Hồi còn ở nhà tao đã nhiều lần làm khổ mẹ mà không biết. Bây giờ nghĩ lại tao mới thấy, bao nhiêu cái khổ của nhà tao đều đổ lên đầu, lên lưng mẹ hết. Nhưng tao hơn mày là vẫn còn mẹ. Mất mẹ như mày thì khổ nhiều lắm đấy!

A Pẩu nhìn Chứ Đa bằng ánh mắt thiện cảm, tin cậy. Lát sau nó nói:

– Mày đừng bao giờ nói với cha tao về mẹ nhá!

– Sao vậy?

– Cha sẽ buồn đấy! Vì cha vẫn chưa quên được mẹ mà!

Nghĩ về cha A Pẩu, Chứ Đa lại nhớ đến cha mình. Nó biết cha mình không phải là người khôn ngoan nhưng nó vẫn thương cha lắm. Tình thương ấy nó được mẹ truyền cho. Nghĩ đến cha mẹ, Chứ Đa tự hứa với lòng mình sẽ cố học giỏi chữ nho, học giỏi nghề buôn, nhất là phải tìm cách học cho được bí quyết chế biến thuốc phiện của Pủ Sá để về giúp cha mẹ làm giàu. Ngoài ra nó còn nghĩ sẽ rủ thằng A Pẩu xin A Pa cho hai đứa học võ để có thêm sức mạnh và ý chí.

Chứ Đa hình dung ra một viễn cảnh tốt đẹp đang chờ đón nó ở phía trước. Đêm ấy nó ngủ một giấc dài và thoải mái nhất kể từ ngày đến Mã Lỳ. Trong giấc ngủ nó mơ thấy mình thành một chàng trai khoẻ mạnh, tuấn tú, giỏi võ, cưỡi ngựa trắng về Sủng Pả. Cha mẹ nó mặt mày rạng rỡ ra tận cổng đón con. Cả nhà vui vẻ, sung sướng về sự trưởng thành của nó. Trong số những người thân của nó có cả Thào Mỷ, lúc này đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, rực rỡ như đoá hoa rừng. Chứ Đa đổ ra giữa nhà một túi bạc trắng do nó kiếm được. Nó biếu mẹ cha một phần, một phần dành để làm nhà to, một phần làm vốn đi buôn, phần còn lại nó sắm lễ, mua đồ cưới Thào Mỷ về làm vợ. Nghĩ đến đó Chứ Đa nở nụ cười mãn nguyện. Nó cười bật thành tiếng.

Thấy Chứ Đa đang ngủ bật cười, A Pẩu hỏi:

– Chứ Đa à, mày cười gì thế?

Chứ Đa tỉnh giấc, dụi mắt nói:

– Tao mơ được về nhà. Mơ thấy được cưới Thào Mỷ.

– Thào Mỷ nào?

– Bạn gái tao ở bản Sủng Pả.

– Đẹp không?

– Đẹp lắm! Tao chưa gặp đứa con gái nào đẹp như Thào Mỷ.

Chứ Đa bỗng thấy mặt nóng phừng phừng khi nói về Thào Mỷ. Mắt nó sáng lên đầy kiêu hãnh, hướng cái nhìn về phía Sủng Pả. Nơi ấy có Thào Mỷ đang đầy đặn, rực rỡ lên từng ngày. Đã từ lâu nó để ý đến cô bạn gái xinh đẹp ở cùng bản. Mỗi lần đi cắt cỏ ngựa, đi chăn bò mà có Thào Mỷ là Chứ Đa rất vui, ngược lại hôm nào vắng Thào Mỷ là nó buồn ra mặt. Nhiều lúc ngồi cạnh Thào Mỷ, được nghe hơi thở thơm tho từ chiếc miệng chúm chím, được nhìn cặp má bầu bĩnh, lúc nào cũng đỏ hồng như vừa từ trong bếp lửa bước ra, Chứ Đa cứ thấy lâng lâng. Cái lâng lâng khó tả của một chàng trai mới lớn đang mon men đến cửa tình yêu. Chứ Đa bỗng thấy nhớ Thào Mỷ da diết. Hình ảnh người bạn gái cùng bản luôn ám ảnh Chứ Đa từ khi nó đặt chân đến Mã Lỳ. Hình ảnh ấy ngày càng sâu đậm hơn trong tâm trí nó.

– Dậy đi Chứ Đa! – A Pẩu gọi.

– Trời còn tối, dậy gì sớm?

– Đi cắt cỏ ngựa. Hôm nay ngựa về thêm hai con, phải cắt nhiều cỏ hơn. Cỏ ở gần hết rồi, phải đi xa mới có.

Điều ấy thì Chứ Đa đã biết, nhưng nó vẫn muốn nằm thêm chút nữa để có thể lại mơ thấy Thào Mỷ, hoặc được gặp Thào Mỷ trong sự tưởng tượng của chính mình.

Sáng hôm ấy A Pẩu và Chứ Đa vừa cắt cỏ, vừa nói chuyện rất nhiều về bản Sủng Pả, về các bạn của Chứ Đa, nhất là về Thào Mỷ.

A Pẩu ngập ngừng hỏi:

– Ngoài Thào Mỷ ra, còn đứa con gái nào không?

Chứ Đa nhìn A Pẩu, cười cười:

– Còn nhiều. Nếu mày thích thì hôm nào về Sủng Pả với tao.

– Những đứa con gái khác có đẹp không?

– Đẹp, nhưng không bằng Thào Mỷ của tao.

– Thào Mỷ của mày? Làm sao mày biết được Thào Mỷ thích mày? Nhỡ lúc mày ở đây có đứa con trai nào khác kéo nó về làm vợ rồi thì sao?

– Thào Mỷ chỉ thích tao thôi. Tao là đầu lĩnh mà! – Miệng nói vậy nhưng trong bụng Chứ Đa vẫn rất lo. Biết đâu A Pẩu nói đúng thì sao? Mình ở xa chẳng biết thế nào thật. Tuy lo lắng, nhưng trong thâm tâm Chứ Đa vẫn tin rằng Thào Mỷ chỉ thích mỗi mình nó. Chỉ yêu nó thôi.

A Pa dạy chữ nho cho Chứ Đa vào buổi chiều mỗi ngày. Ông cho cả thằng A Pẩu cùng học theo Chứ Đa. A Pa rất vui khi thấy Chứ Đa học giỏi, thằng A Pẩu cũng đỡ dốt hơn. A Pa thấy rất lạ, bởi chưa đầy một năm mà Chứ Đa đã đọc thông viết thạo được hầu hết số chữ do ông dạy. A Pẩu cũng biết đọc, biết viết nhiều hơn. Nhìn tướng mạo Chứ Đa, ông đoán sau này nó sẽ làm nên việc lớn.

Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng A Pa cũng đồng ý dạy võ cho cả Chứ Đa và A Pẩu. Trước khi dạy võ cho hai đứa, A Pa hỏi:

– Chứ Đa học võ làm gì?

– Con học để bảo vệ thân mình và giúp đỡ người khác. Nếu gặp bọn cướp hay kẻ xấu chèn ép dân lành con sẽ ra tay cứu họ, giống như ngày trước cha đã cứu Pủ Sá. Con học võ cho cái tay, cái chân cứng cáp để làm được những việc khó.

– Sao Chứ Đa biết trước đây ta đã cứu Pủ Sá? Mà nó là một kẻ ngang ngược chứ đâu phải dân lành?

– Chuyện đó A Pẩu kể cho con nghe. Pủ Sá không phải dân lành, nhưng khi bị bọn cướp chém ngã rồi thì cha phải cứu thôi.

– Chứ Đa nói đúng. Đã là một võ sĩ đạo thì phải biết cứu giúp những kẻ gặp nạn, bất kể đó là ai. – A Pa khen Chứ Đa.

Cứ sau giờ học chữ, A Pa lại dẫn hai đứa ra bãi đất rộng sau nhà luyện võ. Có bạn cùng tuổi học với nhau, A Pẩu và Chứ Đa tiến bộ rất nhanh. Lúc đi cắt cỏ ngựa hai đứa thường dành ra một khoảng thời gian đấu tay đôi để rèn luyện nên các đường quyền ngày càng thành thục, chính xác và mạnh mẽ. Đang tuổi vỡ tiếng, được ăn uống tốt, rèn luyện đúng bài bản, cả A Pẩu và Chứ Đa lớn nhanh như thổi. Đứa nào cũng phổng phao, rắn rỏi, bắp tay, bắp chân bắt đầu săn chắc.

Thỉnh thoảng Pủ Sá lại đến nhà A Pa thăm Chứ Đa, bàn với A Pa điều gì đó, để lại một túi bạc trắng, rồi đi. Lão bảo số bạc ấy để trả công thầy dạy dỗ thằng Chứ Đa. A Pa chẳng cầm, nhưng lão Pủ Sá cứ để lại. Những lúc như vậy Chứ Đa thấy Pủ Sá cũng không phải là người xấu. Chỉ có điều nó thấy đôi mắt của Pủ Sá luôn gian giảo, con người lão ta đầy bí ẩn, quyền uy. Nói chung Chứ Đa vẫn rất sợ Pủ Sá. Tuy sợ nhưng nó vẫn quyết chí tìm bằng được bí quyết chế biến thuốc phiện từ loại thô thành loại “thượng hảo hạng” của Pủ Sá để sau này về Sủng Pả sẽ làm theo, bán được nhiều tiền.

15                                              

Biết tin Pủ Sá sang Ai La – một vùng đất xa lạ, giầu có – để mở rộng phạm vi làm ăn, nhất là khai thác nguồn lợi từ buôn bán thuốc phiện, Chứ Đa liền tìm cách vào cái hang nơi mọi khi Pủ Sá cùng bọn người hầu vẫn chế biến thuốc phiện “thượng hảo hạng”. Nó lục lọi khắp các ngõ ngách chẳng thấy gì. Những chỗ mọi ngày đun nấu nay chỉ còn là đống tro tàn lạnh ngắt. Không nản chí, nó quyết tìm bằng được chỗ cất giấu đồ nghề của Pủ Sá để xem xét. Thấy một phiến đá phẳng phía bên trái có vẻ như không liền với vách hang, Chứ Đa đẩy mạnh. Phiến đá chuyển động và từ từ hé mở. Thì ra đó là một cánh cửa đá bí mật. Chứ Đa hồi hộp lẻn vào bên trong. Mắt nó hoa lên khi thấy một đống đồ nghề gồm nồi đồng, chảo gang, gáo sắt, bát sứ, bình lọ… Chứ Đa biết đấy là những thứ dùng để nấu thuốc phiện. Nó xem xét kỹ từng thứ, cố nhập tâm để nhớ. Chứ Đa tiếp tục tìm kiếm tiếp xung quanh. Lại một phiến đá phẳng nằm đè lên mô đá cao, Chứ Đa thấy khác thường liền cậy lên xem. Người nó bỗng toát mồ hôi khi thấy trong hốc đá có một cuốn sách viết bằng chữ nho. Vốn chữ mà Chứ Đa học được từ A Pa đã giúp nó đọc hết nội dung cuốn sách. Đó là cách thức bí truyền nghề nấu thuốc phiện thô thành thuốc “thượng hảo hạng”. Thoạt đầu Chứ Đa định đem về chép, nhưng nó sợ lộ bèn cắm cúi đọc. Cuốn sách khá dầy, nhưng nhờ trời phú cho một trí nhớ đặc biệt nên Chứ Đa đọc đến đâu hiểu đến đó và nhớ được cơ bản cách thức chế biến bí truyền kia. Nó đọc lại một lần nữa rồi gấp cuốn sách bỏ vào chỗ cũ, đậy hòn đá lên. Chứ Đa xem lại thật kỹ các đồ nghề một lần nữa mới yên tâm ra khỏi hang. Vừa bước ra cửa hang, nó bỗng lạnh toát sống lưng khi nhìn thấy một người đàn ông ôm bọc gì đó trong túi vải gai, lặng lẽ chui vào. Không còn đường thoát, Chứ Đa chủ động tấn công. Nhờ những bài võ học được của Pủ Sá và A Pa, chỉ sau vài “cước” nó đã hạ gục người đàn ông kia. Chứ Đa giở túi vải gai ra, người nó chợt nóng lên hầm hập khi thấy đó là một túi thuốc phiện dễ đến vài chục cân. Nhìn thấy túi thuốc phiện, lòng tham của Chứ Đa nổi lên. Nó nghĩ, nếu có được số thuốc phiện này mang về Sủng Pả chế thành thuốc “thượng hảo hạng” thì chả mấy chốc mà giầu. Cái ước muốn làm giầu nhanh chóng thôi thúc Chứ Đa, cộng với ý nghĩ sợ bị lộ đã xui khiến nó tính đến chuyện cướp lấy số thuốc phiện này. Nó liều nghĩ đến một việc làm đen tối là giết chết người đàn ông (mà nó đoán là hầu cận của Pủ Sá) đang nằm bất tỉnh dưới chân nó. Sau một thoáng ngần ngừ, mắt Chứ Đa quắc lên dữ tợn, môi nó bặm lại như nín thở. Nó vác người đàn ông ra ngoài hẻm vực, ném xuống đáy hang sâu!

Xong việc, Chứ Đa nằm vật ra bãi cỏ thở hổn hển. Người nó như lên cơn sốt. Nó thấy ân hận, thấy tâm can mình bị dày vò vì đã làm một điều ác là giết người. Nhưng “thằng ác” trong con người Chứ Đa lại an ủi nó rằng, muốn làm nên nghiệp lớn thì có lúc phải thế. Nó đứng dậy ôm bọc thuốc phiện tìm chỗ kín giấu đi, rồi trở về nhà A Pa. Chứ Đa đi thất thểu như kẻ mất hồn.

– Mày đi đâu về đấy Chứ Đa?

Tiếng thằng A Pẩu từ phía tầu ngựa làm Chứ Đa giật mình. Sau phút hốt hoảng, nó cố trấn tĩnh nói với A Pẩu:

– Tao nhớ cha, nhớ mẹ đi chơi loăng quăng.

Nhìn Chứ Đa thất thần như người ốm, A Pẩu gọi A Pa:

– Cha à, hình như Chứ Đa bị ốm đấy!

– Con chẳng sao đâu, chỉ mệt tí thôi! – Chứ Đa nói với A Pa, đôi mắt nó ngấn nước. Nó nhìn A Pa lòng đầy lo lắng vì sợ lộ ra cái chuyện tày trời mà nó vừa làm trong hang đá lúc trước. May mà A Pa không nhận ra điều khác thường của nó.

A Pẩu bảo:

– Hay là cha cứ xem bệnh, bắt mạch cho nó đi!

Thực ra cha A Pẩu không giỏi bốc thuốc Nam như mẹ, nhưng cha lại có biệt tài bắt mạch và dùng khí công chữa bệnh. Hồi mẹ A Pẩu còn sống, những người bị ốm thường đến cho cha xem bệnh, bắt mạch. Sau khi cha nói bệnh của họ, mẹ dựa vào đấy đi nhặt thuốc Nam. Lúc bắt mạch cha chỉ dùng ba ngón tay của mình đặt vào mạch máu ở cổ tay người bệnh một lúc là biết họ bị bệnh gì. A Pẩu nghĩ cha mình thật là giỏi.

A Pa bảo Chứ Đa ngồi cho ông bắt mạch. Lát sau ông chậm rãi nói với A Pẩu:

– Chứ Đa không bị bệnh gì đâu, chỉ bất ổn tâm thần chút thôi. Chắc nó đi xa đã lâu, nhớ cha mẹ quá nên sinh ra thế. Con ngựa xa tầu còn biết nhớ bạn cơ mà!

Quay về phía Chứ Đa, A Pa bảo:

– Hay là hôm nào Chứ Đa tranh thủ về Sủng Pả thăm nhà một lần đi!

Nghe A Pa nói thế, Chứ Đa khóc rống lên. Nó nói trong nước mắt:

– A Pa hiểu đúng cái bụng con rồi đấy! Mấy đêm nay con đều mơ được gặp cha mẹ, tỉnh dậy không phải lại càng nhớ cha mẹ hơn!

Trong óc Chứ Đa chợt loé lên ý nghĩ: Đây là cơ hội tốt để mình bỏ về Sủng Pả mà không bị ai nghi ngờ. Mang được số thuốc phiện kia về Sủng Pả rồi thì mình sẽ không bao giờ quay trở lại Mã Lỳ nữa.

Để khỏi lộ ý đồ của mình, Chứ Đa làm ra vẻ chưa muốn về. Nó nói với A Pa:

– Con muốn về thăm nhà lắm, nhưng bây giờ thì chưa được đâu A Pa ạ. Vì con còn phải học thêm nhiều chữ nữa. Mới lại con muốn chờ Pủ Sá về để hỏi ý kiến.

A Pa xoa đầu Chứ Đa khen:

– Làm trai biết tính xa là tốt. Nhưng ta cũng sắp hết chữ rồi. Số chữ ta dạy con đã tạm đủ cho con làm được nhiều việc đấy!

Chứ Đa xúc động thật sự. Nó càng cảm động hơn khi lần đầu tiên A Pa gọi nó là con thay cho cách gọi thẳng tên như mọi khi. “Thằng người tốt” trong người Chứ Đa bùng lên khiến nó khóc to hơn. Nó nhào tới ôm lấy A Pa, cất giọng nghẹn ngào:

– Cha! Cha thật tốt với con. Con biết lấy gì đền ơn cha bây giờ?

A Pa thực sự xúc động trước tình cảm của đứa học trò giỏi. Gương mặt cương nghị của ông giật giật, đôi mắt chớp chớp. Ông ôm Chứ Đa khá lâu mới cất nổi lời:

– Ơn huệ cái gì. Ngược lại, ta thấy từ ngày có con về đây, thằng A Pẩu đã bớt ngờ nghệch, khôn dần ra. Điều đó làm cho ta rất vui. Đúng ra ta phải biết ơn con về điều ấy! Theo ta, ngày mai con nên tranh thủ về thăm cha mẹ một thời gian. Con sang đây cũng khá lâu rồi còn gì!

A Pẩu nhìn thấy hết cảnh ấy. Nó còn nghe rõ lời cha bảo Chứ Đa ngày mai về thăm Sủng Pả. Nó chạy như tên bắn đến chỗ hai người, kéo tay Chứ Đa ra một chỗ, hỏi giật giọng:

– Chứ Đa về thật sao? Vắng mày thì tao chơi với ai? Mày ở lại đây, đừng về! – A Pẩu nói giọng van nài. Rồi nó khóc. Nó cứ ôm lấy Chứ Đa mà khóc.

A Pa nói với A Pẩu, giọng như quát:

– Làm trai phải cứng rắn lên! Khóc lóc cái gì? Nó về rồi nó lại sang cơ mà!

Tuy nói cứng, nhưng đôi mắt A Pa ràn rụa nước. Ông không thể cầm lòng trước tình cảm của hai đứa trẻ mới lớn!

NGUYỄN TRẦN BÉ

(Còn tiếp)

TIN LIÊN QUAN:

>> Thạch trụ huyết – Vấn thế gian thế nào là nhân nghĩa

>> Thạch trụ huyết – Tiểu thuyết của Nguyễn Trần Bé – Kỳ 1

>> Thạch trụ huyết – Tiểu thuyết của Nguyễn Trần Bé – Kỳ 2

>> Thạch trụ huyết – Tiểu thuyết của Nguyễn Trần Bé – Kỳ 3

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *