Truyện ngắn Nguyễn Khương Trung: Đảo đàn bà

Khe Cò trông ra biển. Chiều chiều Dâng vượt Khe Cò mang sò ra chợ Vồ.

Chiều đang xuống. Những đợt nắng ngắn cuối ngày nối nhau hầng lên, rồi nhanh chóng tím lại, lụi đi. Cảm nhận này khiến Phương lâng lâng. Anh lỏng tay máy, dời mắt khỏi khoảng không cao tít trên mỏm núi. Anh chợt nhớ cha! Nhớ giọng nói run rẩy của mẹ qua máy điện thoại năm nào – ” Về ngay Phương ơi! Bố đang như ngọn đèn cạn dầu chờ con”…

Nhà văn Nguyễn Khương Trung ở Lâm Đồng

Thân thể rời rã, anh thấy lạ với chính mình. Kẻ “săn cái đẹp”, kẻ luôn “tươi mới” như anh sao bỗng dưng lại có cảm nhận này trong một buổi hoàng hôn trời đẹp? Một ý nghĩ chợt lóe lên – Phải chăng giai đoạn cuối của mọi quá trình vận động trong vũ trụ đều giống nhau? Gắng gượng, bùng lên trong tuyệt vọng… rồi vụt tắt. Phương bâng khuâng cười với cái triết lý đột xuất của mình. Anh ngước lên, mắt chạm mỏm núi thì ống kính trong tay cũng nâng lên như một phản xạ. Anh nín thở. Một áng mây hình gấu mẹ đang dật dờ trôi tới. Gió nhẹ, áng mây trôi chậm nhưng rõ ràng đang hướng tới cái mé anh chọn – Mé nở của triền núi. Trời đang râm. Không gian bát ngát một màu tím nhạt. Ông mặt trời đang lẩn chốn nào? Phương lẩm nhẩm lạy trời. Áng mây đang ngự sườn non, hơi chếch mỏm núi. Nắng bỗng hầng lên. Áng mây lập tức được nhuộm màu hồng nhạt, điệu đàng đón nhận những tia phản xạ tim tím, mong manh từ sườn núi hắt lên. Phương bấm máy. Anh reo lên rồi vùng chạy, hai cánh tay dang rộng, huơ cao như chú chim non đòi cất cánh tách mình khỏi mặt đất. Cứ thế, Phương vừa reo vừa chạy trong rừng cây. Những cú ngã lăn lông lốc do vấp, do va phải thân cành cũng chẳng có nghĩa lý gì. Anh lại vùng dậy hất cái mớ tóc tổ quạ che kín mặt ra phía sau reo lên chạy tiếp. Anh đang trong cơn nhập đồng, cơn mất trí của một nghệ sỹ đích thực. Có điều là trong khoảng không gian hẹp của rừng chiều lúc này không chỉ có một mình Phương vừa chạy vừa hét. Chính điều này  khiến anh khựng lại. Đứng như trời trồng! Trước mắt anh là một phụ nữ cũng đang chạy. Chạy tạt ngang, chạy chúi đi vì sợ. Phương tỉnh ra! Người phụ nữ và tiếng kêu thất thanh xa dần, chìm vào cây rừng. Anh ngồi bệt xuống, bần thần gom lại mân mê mấy con sò vương vãi trên mặt cỏ.

Cò đã bỏ đi. Nẩy ra cái chợ Vồ. Đó là những biến động dễ thấy nhất của miền rừng vốn yên ả này, kể từ ngày cả ngàn người tập kết về đây dựng đập thủy điện. Cụ Khang nhấp hớp trà, đưa lại cho Phương bức ảnh.

– Ảnh đẹp, nhưng toàn cò đậu thế này thì kém sinh động. Bức hình này anh chụp ở vùng nào?

– Dạ, cò thung lũng trong một cánh rừng miền Đông Nam Bộ.

– Cò và Khe Cò nơi đây đẹp hơn, tiếc là không có ai chụp ảnh lưu lại. Cụ Khang nói chậm, mắt hướng lên Khe Cò – Mé triền áp biển là rừng chò chỉ chứ không phải đồi trọc như anh thấy. Anh đã được tận mắt thấy cảnh cánh cò chớp nắng chưa? Hàng ngàn cánh chứ không chỉ một vài. Ai chứ ta thì không bao giờ quên được cảnh huyên náo của đàn cò và, tiếng sóng bể vỗ áp triền núi khi chiều xuống. Phúc ra thì phải ghi lại được những tấm hình, để con cháu đời đời biết khu công nghiệp này trước kia từng có một Khe Cò.

– Sao cháu không thấy ai nói đến điều này?

– Thế thì mới cần đến những người như anh. Thời bê tông trải cùng khắp thế này thì ai là người nhớ đến Khe Cò! Phải có lòng trârn trọng thì mới mong giữ được hồn non nước. Phải biết bảo nhau mà lưu giữ, ghi lại thì mới ra quê hương. Ta cũng nói anh hay chứ quê người ta thường là cây đa bến nước, được mấy vùng có được Khe Cò như quê ta.

Phương gạt tóc, bần thần – Nghe cụ nói cháu thấy tiếc quá.

– Chả có tiếc được! Cụ Khang cười khà khà – Ta nói anh hay chứ muôn việc ở đời phải đủ duyên mới thành. Gần chùa mà duyên chưa tới cũng chẳng thể vào mà thắp hương được! Anh cứ ngẫm bức hình ” Mây Gấu Mẹ” chiều qua anh chụp hỏng trong Khe Cò xem ta nói có đúng không? Chả phải sự bấm máy nhanh chậm, hay những gì gì như anh than thở đâu. ” Duyên” đấy! Ta nói thế để anh chớ băn khoăn, chớ làm mình làm mẩy mà làm gì. Cả Khe Cò cũng thế, ta nói anh hay chứ anh có đến đây sớm, cũng chắc gì đã chụp nổi cảnh cò trong Khe Cò.

– Cụ nói thế nghĩa là…

– Nghĩa là anh cứ sống đi, sẽ vỡ dần ra những điều ta nói qua năm tháng chứ chẳng thể đúng sai phải trái ngay được đâu. Có điều ta muốn nhắc là anh đã đến đây, thì cố mà ghi lại những gì đang diễn ra ở Khe Cò, nó sẽ biến đi nhanh lắm đấy. Kể cả cái chợ Vồ.

Chợ Vồ họp dọc con đường đất đá lổn nhổn dẫn vào công trường. Chợ chỉ họp vào xế chiều, nhóm lên rồi tan cũng rất nhanh. Chả biết ai là người gọi ra cảnh mua bán chóng vánh của cái đám lộn xộn này mà chính xác đến thế. Người mua là đám thợ nhếch nhác, mệt mỏi sau một ngày làm việc. Mua như vồ! Không mua nhanh, vồ nhanh thì hết. Công trường đã làm nảy ra cái chợ dài theo đường đi, cung không đủ cầu này.

Thực ra thì từ ngày tới đây, chưa bao giờ Phương để ý tới cái chợ dài họp một chốc một nhát này. Anh chỉ mê thiên nhiên, phải nói là đam mê thiên nhiên chứ không “mê người”. Cảnh quang vũ trụ đã nhiều lần khiến anh bay bổng, nhập đồng. Anh hạnh Phúc! Những ngày mới cầm máy chưa hẳn là như vậy, anh cũng từng nhiều lần bấm máy chụp người. Khổ nỗi là anh không sao “bắt nổi hồn người”. Bao nhiêu cố gắng đều vô vọng. Những bức ảnh không hồn vía, thần sắc khiến anh xấu hổ, đau khổ. Anh không có duyên với người và thề rằng không bao giờ bấm máy chụp người nữa. Với thiên nhiên thì ngược lại, anh đắm đuối vì nó. Hạnh phúc trong nó! Niềm hạnh phúc “dở người” này biến anh thành đứa trẻ to xác – Mẹ anh cười buồn bảo thế.

Mỗi lần chui từ rừng ra là anh hớn hở như một đứa trẻ được quà. Mẹ lại phải lựa theo anh, khéo léo tìm cách lột cái bộ quần áo bê bết bùn đất đem ngâm để giặt; rồi than thở, xót xa về cái thân thể hốc hác mốc meo của thằng con trai đã gần bốn chục tuổi. Những cú hứng bất chợt, những chuyến chui rừng chui suối liên miên của anh buộc mẹ phải chấp nhận, phải quen. Bà chỉ còn cách mua hàng thùng mỳ tôm để sẵn trong nhà, xăm xoi chất mỳ vào cái ba lô lộn xộn đồ nghề của đứa con trai chẳng để ý gì đến chuyện no đói. Có lần bà hồi hộp, mừng thầm khi thấy Phương dắt về nhà một cô gái xinh xắn. Bà nấp vào một chỗ rình nghe. Phương lục lọi, lôi ra một tập ảnh rồi hớn hở kéo cô gái ra vườn.

– Hoa đây á! Cô gái không tin, chun mũi cười.

– Hoa đấy! Những bông hoa vô danh của rừng núi mà ảnh nó em đang cầm đấy. Bấm máy xong là anh gom về đây trồng.

Cũng khó mà tin được! Mảng vườn nhỏ phía ngoài rào kỹ càng lớp lưới sắt B40, phía trong và trên cao còn được giăng một lớp lưới ni lông, chứng tỏ chủ nhân rất chăm chút và yêu quý nó. Cái mảng đất tơi xốp này được phủ nhiều màu, bởi được trồng nhiều loại cây; có điều là cây ở đây phải tinh mắt, phải ghé  xuống thì mới thấy được, bởi nó nhỏ và tơ mảnh như những cây mùi bao tử. Cây thế thì hoa của nó… cô gái không tin là phải.

Phương kề bức ảnh sát một ” bông hoa”, kéo cô gái xuống – Hoa rêu đấy. Em so ảnh và hoa xem đúng không.

– Hoa Rêu! Cô gái tròn mắt. Cơ ghé sát vào một chấm nhỏ màu tím biếc. Nếu không ghé xuống, nó sẽ lẫn ngay vào những chấm khác, mà mảng đất này thì vô vàn những chấm nhỏ. Điều kỳ lạ là tấm ảnh cô đang cầm trên tay là một bông hoa hình loa kèn ẩn hiện, e ấp dưới những tầng lá hình răng cưa – Em vẫn không thể tưởng tượng, không thể tin được. Cô gái ngước nhìn Phương. Phương cười to, vụt đứng dậy, vừa chạy về phía cửa vườn vừa hổn hển : “Đợi anh tý”. Lát sau Phương đặt vào tay cô gái cái kính lúp.

– Em nhìn qua kính sẽ rõ hơn.

– Đúng rồi! Cô gái vừa xăm soi vừa reo lên – Nhưng vẫn nhỏ quá, phải căng mắt  mới nhận ra được. Ảnh hoa của anh duyên dáng, lớn đến thế kia cơ mà.

– Anh luồn xuống một vị trí thấp hơn hoa, lựa thế, chọn vị trí bấm máy, rồi dùng kỹ thuật phóng lên. Em lưu ý là anh tuyệt đối giữ nguyên màu sắc tự nhiên của hoa lá đấy nhá.

– Tuyệt vời! Anh giỏi quá. Mắt cô gái trong veo, dìu dịu, ánh mắt hàm chứa sự ngỡ ngàng trước một cái đẹp không ngờ rằng có, không tin là thật. Mặt cô gái bừng sáng, ấm áp một niềm hạnh phúc. Cô thủ thỉ –  Nhưng sao lại là hoa rêu hả anh?

– Cây hoa nhỏ nhoi, mọc chen trong đám rêu trên một tảng đá suối nên anh gọi là hoa rêu. Cũng như bông này là hoa giọt sương, vì khi bấm máy anh thấy rìa cánh hoa còn long lanh bụi nước. Đây là hoa trượt chân – Phương cười như nắc nẻ – Em biết không, bấm máy xong là anh trượt nhào xuống suối.

Cô gái vô tư cười theo Phương rồi đột ngột ngừng lại, thì thầm – Hôm nào cho em theo vào rừng với nhá.

– Em theo – Phương cười lớn – Thế thì thích lắm. Nhưng phải nói thật đấy.

– Thật mà. Cô gái bị cuốn vào hoa lá nghiêng mình duyên dáng.

Con bé đáng yêu quá. Giá như… mẹ Phương lầm bầm trong chỗ nấp. Hình như bà cũng bị cuốn vào chuyện hoa lá của đôi trẻ. Rõ ràng những chấm hoa li ti, vô danh kia đã mang lại niềm vui cho cô bé. Có lẽ còn hơn thế, niềm hạnh phúc thì đúng hơn. Mắt con bé long lanh, mặt nó bừng sáng, ấm áp thế kia cơ mà. Bà cũng vui lây, lòng dạ nao nao khi nghĩ việc lăn lóc nơi rừng rú, sự “dở người” của con trai mình đã mang lại niềm tin yêu và hạnh phúc cho người khác.

Cô gái vừa ra khỏi nhà thì bà rón rén đến bên con trai.

– Người ta là thế nào hả con?

– Cô ấy xem triển lãm, nhất quyết không chịu tin những bức ảnh con chụp là những chấm hoa li ti không tên trong rừng nên con phải đưa về nhà.

– Có thế thôi á! Mẹ cứ tưởng… bà thở dài – Con bé xinh xắn, đáng yêu quá, hay là con… mẹ thấy nó cũng mến con đấy.

– Mẹ thì… Phương nhấc bổng mẹ lên xoay tròn, cười khanh khách – Chóng mặt nào, cha bố nhà anh, còn bé lắm đấy, lúc nào cũng như thằng chẻ được cái đanh. Phương buông mẹ, vừa chạy vừa hét – Con ra triển lãm đây.

Bây giờ thì anh đang cách mẹ cả ngàn dặm đường. Anh đang dong ruổi ” săn cái đẹp”. Khe Cò có lẽ đã quen thấy cái gã tóc dài chấm vai, bù xù như tổ quạ; người cao lớn, thoáng trông dữ dằn mà lại hiền khô. Gã hay cười, hay chạy mà đặc biệt là rất thích chơi với trẻ con; cũng cù, cũng khăng và… cũng cãi nhau những trận ra trò mỗi khi bị ăn gian. Có dịp là bọn trẻ kéo đàn kéo lũ theo gã. Nhiều người đã thấy buồn, thấy thiếu nếu ngày nào vắng cái gã chuyên mặc cái áo nhà báo nhiều túi không tay, vai  khoác cái ba lô lấm láp. Áo trong của gã cũng không tay nốt, thành thử hai tay gã trông cứ loằng ngoằng, nhôm nham với nắng gió. Có người đã nghĩ thằng cha này hình như chưa một lần mặc áo dài tay, kể cả là mùa đông. Thật thế thì sao nhỉ? Nghĩ cũng hãi. Gã đang lang thang, đang héo hắt vì bức ảnh ” Mây Gấu Mẹ”. Niềm vui sướng tột cùng trong rừng chiều khi bấm máy và, nỗi thất vọng đắng cay chiều nay là ngang nhau. Sự cảm nhận, tình cảm nơi gã là thế, bao giờ cũng bị đẩy đến tận cùng. Gã có thể bật lên reo chạy, hoặc tức thì bật khóc như một đứa trẻ; lại cũng có khi bỏ ăn bỏ uống, trầm lắng cả ngày. Gã đang trong tâm trạng hắt hiu, đang dằn vặt vì sự thất bại của bức ảnh “Mây Gấu Mẹ”. Sao lạ thế? Những tia phản xạ tim tím, tuy mong manh nhưng rõ ràng là có, nó biến đâu mà không chịu khắc vào ảnh? Chả lẽ lại do tay bấm?

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

Sự tiếc nuối đám mây chưa đủ hồn vía cứ xoáy vào lòng, gã rã rời. Có lẽ cụ Khang nói đúng, còn ăn nhau ở cái “duyên!” Cái duyên trong tích tắc chứ không phải sự đam mê, lăn lóc với những chấm hoa vô danh trong rừng mà có được. Gã đã tạm yên tâm với bộ sưu tập hoa vô danh nhưng với mây thì chưa. Vẫn chỉ là hy vọng! Hắn đã qua bao vùng, tập ảnh mây chưa đủ hồn vía cứ dày mãi lên. Bao giờ thì “duyên” mới tới đây? Gã chợt nhận ra cái khó khi chụp những bức ảnh động, sự biến đổi chỉ trong tích tắc. Niềm đam mê, sự lăn lộn chưa đủ với những tấm ảnh này… cần phải có cả cái “duyên!” Cụ Khang dạy rằng có tới đây sớm, cũng chưa chắc đã thành công với những cánh cò là đúng chăng?

– Vào đây với em. Khiếp quá! Trông cứ như bị ma làm.

Phương giật mình, ngơ ngác để cô gái dắt đi. Anh được dắt dọc theo hiên nhà, đến bên những cái váy ngắn. Sự có mặt của anh khiến những cái váy sinh động hẳn lên.

– A, lão giời đầy! Một cô gái reo lên, quẳng cái sửa móng tay xuống xoắn lấy Phương – Ảnh đẹp của em đâu?

– Hỏng rồi! “Gấu Mẹ” hỏng rồi. Phương phờ phạc.

– Cái gì mà gấu mẹ. Em hỏi ảnh cơ mà.

– Thì “Mây Gấu Mẹ” hỏng chứ sao. Anh chưa đủ duyên.

– Cái lão này nói chuyện cứ như người ngủ mê. Khổ thân anh. Mây với chả mưa. Cô gái phì cười – Muốn đẹp thì đây này! Cô nghiêng người, kéo rộng hai mép váy tạo dáng – Đẹp thế này thì kiếm đâu ra. Tao nói thế có phải không chúng mày? Cô cười ngặt nghẽo.

– Nó nói đúng đấy. Anh cứ chịu khó chụp nó là có ảnh đẹp, lặn lội đâu cho khổ thân.

Phương như kẻ rơi xuống từ giời.

– Thôi đi bọn mày. Cô gái dắt anh vào nhăn mặt – Để tao lo cho cái lão nửa người nửa ngợm này đã. Đầu tóc gì mà như tổ quạ. Vào đây em matsa rồi chải đầu chải tóc cho.

Phương lại bị lôi đi. Anh khổ sở – Anh hết tiền rồi.

– Tiền! Cô gái cười to – Kể từ giờ phút này không lấy tiền của nghệ sỹ nữa. Em sẽ giải quyết miễn phí tất cả các nhu cầu của nghệ sỹ. Cô cấu vào tay Phương, giọng nhỏ nhẹ – Như thế đã được chưa!

– Không được. Phương nhăn nhó – Em cần tiền mà.

– Không nói nhiều. Cô gái ấn Phương nằm xuống. Âm thanh của những động tác tẩm quất vang lên rất giòn, lên xuống trầm bổng như ru người ta. Cô gái cười – Chỉ có nghệ sỹ kiểu anh mới không cần tiền. Anh cũng chả phải lo, thiếu gì kẻ đáng để em moi tiền mà phải lấy tiền của anh. Ngừng một lát, cô nói tiếp – Bữa nọ đưa hết tiền cho em rồi anh sống bằng gì?

– Cụ Khang cho anh ăn ở.

– Cái cụ thọt chân ở cuối dốc Tiên Sa phải không? Anh may mắn đấy. Cô gái thủ thỉ – Nghệ sỹ kiểu anh thì phải có những người như cụ Khang… em thật chẳng ra gì, em sẽ trả hết lại anh số tiền bữa nọ.

Phương lại được kéo trở lại hiên nhà. Cô gái nhăn nhó vì cái mớ tóc không sao gỡ nổi.

– Anh không chải đầu bao giờ à?

– Không. Anh chỉ vuốt bằng tay.

– Gớm quá. Cái ông giời đầy này. Cô lại dịu giọng, dỗ dành – Từ mai chăm đến đây em gội đầu, chải tóc cho nhé. Cô kiên trì gỡ dần từng mảng rối, rồi tết nó thành hai dải đuôi sam theo ý cô. Trông Phương ngộ nghĩnh. Cô gái nghiêng ngó ngắm Phương như để tự thưởng thức công trình của mình.

– Bà chủ có nhà không em?

Phương và cô gái hướng về tiếng hỏi. Người phụ nữ vừa hỏi ngây ra nhìn Phương, lùi dần trong dáng vẻ sợ hãi

– Cô là… Phương lắp bắp.

– Là chị Dâng. Chị ấy bán sò cho bà chủ. Cô gái lên tiếng.

– Vâng… vâng… tôi sẽ gặp bà chủ sau. Người phụ nữ quay lưng đi nhanh ra khỏi hiên nhà.

– Anh biết chị Dâng?

– Không… nhưng hình như… mà đúng rồi…

– Hình như với đúng rồi cái gì? Ấm ớ quá. Chị Dâng ở đảo Đàn Bà.

– Đảo Đàn Bà!!!

***

– Đấy là đảo Mun. Trước kia đảo là rừng mun. Những ngày đẹp trời đứng ở nơi anh ” săn mây” cũng nhìn thấy đảo, cái dải xanh mờ ở phía Nam ấy.

– Sao người ta lại nói là đảo Đàn Bà ạ?

– Chuyện ấy đau lòng. Cụ Khang trầm giọng – Ta thì không gọi thế. Mà anh tính chụp gì ở nơi ấy?

– Không ạ, cháu muốn tìm một người.

– Ai thế?

– Cô ấy tên là Dâng.

– Dâng à! Cháu dâu ta đấy. Cụ Khang vẻ ngạc nhiên – Anh quen nó à?

– Dạ chưa, nhưng…

– Thế mới phải! Ta nói anh hay chứ cháu ta vài năm nay là bóng, là hình. Nó tồn tại nương theo hai thằng con trai nó.

– Dạ, cháu không hiểu…

– Mẹ nó đẻ rơi nó trên bãi biển khi triều dâng. Mà thôi, mười bảy tháng tám nào ta cũng ra đảo. Cũng sắp tới ngày rồi, anh có thể ra đó cùng ta.

Phương muốn hỏi thêm nhưng thấy cụ Khang có vẻ gì khang khác, anh không dám nói gì nữa.

Cụ khang dắt Phương xuống thuyền vào lúc nửa đêm. Trăng mười bảy vằng vặc gác núi. Biển lộng gió. Bất giác Phương hít sâu. Anh như được đẩy lên. Không phải trời nước bao la! Từ lúc nào Phương thấy lòng mình dào dạt, cuộn lên một cảm nhận không thể diễn đạt nhưng chắc chắn rộng lớn hơn trời nước. Anh đang mê đi thì bị cuốn vào sắc màu. Mái chèo vảy lên khỏi mặt nước những mảng lân tinh lấp lánh. Mặt biển bị xẻ ra, một ống vàng hình phễu theo độ khua của mái chèo xoáy vào lòng biển. Nhấp nhoáng, nhấp nhoáng những vẩy mầu đuổi nhau trong dòng xoáy; nối nhau mất hút theo độ thắt dần của chiếc phễu vàng. Vô vàn là đốm sáng, vô vàn là sắc màu lóe lên khi mái chèo chấm nước. Mắt Phương sáng lên, anh miên man theo sắc màu của đêm trăng biển. Một vạt lân tinh đột ngột táp vào Phương, anh rùng mình, đưa tay vuốt những giọt nước trên mặt.

Cụ Khang chấm mái chèo vừa gạt nước vào Phương xuống mặt biển, khề khà cười – Coi chừng mà đứng lên chạy là nguy đấy. Bao la là nước chứ không phải đất đâu. Lần đầu đi biển đêm phải không?

– Dạ, đúng là cháu không thể tưởng tượng nổi. Đẹp quá! Sao lại nhiều chấm sáng lấp lánh như pha lê thế ạ?

– Biển mặn! Muối biển và ánh trăng! Anh hiểu không nào?

– À… à… đúng lúc ấy, mắt Phương chạm vào một dải sáng phía xa. Anh dụi mắt nhìn lại, đưa tay chỉ phía dải sáng – Gì thế kia, cụ ơi?

– Đảo Mun đấy! Cứ tới rồi khắc rõ.

Dải sáng càng lúc càng rực lên, bây giờ Phương đã nhìn rõ lửa trên những cây đuốc. Rất nhiều đuốc được giăng ra trên bãi Sò. Thuyền cập bãi. Lửa đỏ và khăn trắng trùm bãi Sò. Những vòng khăn trắng buộc ngang đầu. Những dải lụa trắng phơ phất bay trên những cành tre cắm quanh một chiếc bàn lớn trải vải trắng. Trên bàn đặt một lư hương lớn, chấm lửa trên đầu những que hương từng lúc rực lên vì gió táp. Một hình Cá Ông phết bằng giấy trắng đặt giữa bàn, xung quanh Cá Ông la liệt rượu và trái cây. Phía cuối bàn xếp những hàng người nộm cắt bằng giấy trắng hướng mặt về đảo. Hai người đàn bà mặc đồ tang, đầu đội vòng tròn bện rơm, tay nâng Cá Ông đứng hai góc bàn. Tiếng mõ và giọng cầu hồn của nhà sư già tan vào gió, quẩn trong sóng nước. Phương theo cụ Khang vòng xuống, quỳ bên đoàn người đang hướng lên bàn thờ.

Dứt tiếng mõ, hai người đàn bà mặc đồ tang tiến đến bàn thờ, cung kính đặt hai Cá Ông lên bàn; rồi đi giật lùi xuống ngồi sang hai bên nhà sư già, cung kính phủ phục xuống. Đoàn người quỳ trước bàn thờ cũng cung kính phục theo. Sau lần phục lạy thứ ba thì điểm mõ. Mõ điểm nhát gừng, âm thanh như tiếng chạm của hai quân cờ sừng rót đều xuống giọng kinh đùng đục, âm âm. Phương toàn tâm làm theo mọi người. Dứt giọng kinh thì một chú tiểu giơ cao ngọn đuốc tiến về phía bàn thờ. Hai người đàn bà mặc tang phục bước theo chú tiểu, cầm lại Cá Ông. Không gian phần phật tiếng lửa reo. Ngọn đuốc dẫn hai người đàn bà đi đến biển. Mọi con mắt đều hướng về ba cái bóng chập chờn. Tới mép biển thì ngọn lửa dừng lại. Không gian vỡ trong âm thanh chân đè nước. Hai người đàn bà vẫn song song bước lên, nước đã ngập đến thắt lưng, họ dừng lại. Hai Cá Ông được thả xuống. Tiếng tù và vọng lên, nhẩy trên sóng nước. Ngoài khơi, hai người đàn bà với rộng cánh tay ra biển bằng những động tác rất chậm, rồi thu dần về ép hai bàn tay vào ngực… Phương nhận ra người đàn bà đứng bên phải là Dâng!

Mặt trời lên là tan lễ cầu siêu.

Đảo Mun có một ngày giỗ tập thể, đó là ngày đau thương mà những người đàn ông ra khơi đánh cá không trở về. Để rồi người đời khắc vào đảo một cái tên mới – Đảo Đàn Bà!

Phương rời đảo sau đó một tuần. Một tuần bên những người đàn bà góa bụa, lặng thầm nhưng quyết liệt. Triều xuống là bãi Sò tràn đen những tấm khăn che mặt. Những bàn tay mò mẫm, giằng giật sự sống từ trong cát biển. Biển đã lấy đi những người đàn ông của đảo, những người đàn bà nơi đây đang lầm lũi, quyết liệt đòi biển phải trả lại họ những người đàn ông khác. Hai đứa con trai của Dâng, của những người đàn bà trên đảo một ngày nào đó sẽ lại ra khơi. Bãi Sò sẽ lại ngân nga tiếng nói cười của những người đàn bà gánh cá… Đẹp chứ! Phương đã nhìn thấy viễn cảnh của những ngày ấy. Ngày ấy nhất định anh sẽ quay lại đây ” chụp người”. Sẽ quyết liệt như những người đàn bà kia đòi lại bằng được cái ” duyên chụp người”. Những bức ảnh sẽ lấy lại sự cân bằng cho đảo. Trả lại tên cho đảo.

Dâng đã không còn sợ anh, đã không coi anh là kẻ điên như cái buổi chiều bất chợt trong Khe Cò.

***

Tập ảnh cứ dầy mãi lên, sự khát khao về vẻ đẹp toàn mỹ, vẻ đẹp của sự cộng hưởng trong Phương cũng cháy mãi lên. Anh chưa thể bằng lòng với những bức ảnh mây đã chụp. Mệt mỏi, anh nằm tênh hênh gối đầu lên tảng đá nhô cao, tóc ruội xuống, lắt lơ bay. Những đám mây nhiều kiểu vẫn vô tình vẩn vơ lướt qua khoảng không phương chọn. Nhưng với anh thì những đám trôi nổi trên không trung kia chưa phải là mây. Nói đúng hơn thì với anh những đám mây kia chưa đủ hồn vía. Nó không thể cho những bức ảnh đẹp. Trời đã gần tắt nắng. Lại thêm một chiều thất bại. Phương chán nản di chân rồi lững thững xuống núi. Qua khúc quanh mỏm non anh giật bắn mình, hai tay từ từ nâng máy. Anh co người, di chuyển như chú mèo để chọn vị trí. Mặt trời đã chấm vạch biển, đỏ ối. Khối đỏ cong dưới chân người đàn bà xõa tóc. Dáng người đàn bà dướn ra biển, tay khoanh hờ ấp ngực, tóc tung theo gió. Hoàng hôn nhuộm tím vách núi, nhuộm tím người đàn bà. Anh bấm máy!

Phương lại reo lên, vùng chạy. Có điều là Khe Cò chiều nay chỉ có một mình Phương chạy.

Người đàn bà kia có lẽ là Dâng!!!…

Đạ Nghịt 11.2014

NGUYỄN KHƯƠNG TRUNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *