Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 1

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở cố đô Hoa Lư – Ninh Bình

Lời nói đầu

 

VHSG- Câu chuyện này xảy ra, cách đây nghìn năm có lẻ.

Tài liệu thành văn cũng như huyền thoại, giai thoại về Đinh Tiên Hoàng và triều Vua Đinh, có rất nhiều; thật giả lẫn lộn, khó phân biệt rạch ròi. Nhưng tiểu thuyết lịch sử là văn học, hư cấu trên cơ sở chính sử, nên đấy lại là mảnh đất màu mỡ cho ngòi bút tung tẩy.

Nhân vật trung tâm số một là Đinh Tiên Hoàng, khi nhỏ tuổi, bản danh Đinh Hoàn, mãi đến khi kết nghĩa với sứ quân Trần Lãm, mới được phong chức Bộ lĩnh. Từ đó, mang tên Đinh Bộ lĩnh (thường viết hoa Đinh Bộ Lĩnh), nổi danh ngàn đời. Khi dẹp loạn mười hai sứ quân, xưng Vạn Thắng Vương, đến khi thống nhất đất nước được tôn là Đại Thắng Minh Hoàng đế… Sau khi băng hà, thường được gọi là Đinh Tiên Hoàng, hoặc Đinh Tiên Hoàng đế, không có tên thụy.

Đinh Tiên Hoàng có năm người vợ; có thể thống kê, gồm: bà cả sinh ra Nam Việt Vương Đinh Liễn, thứ đến Trần nương, rồi một bà nữa cũng chưa biết tên sinh ra công chúa Phất Kim, Ngô Bà sinh ra Hạng Lang và cuối cùng là Dương thị sinh ra Vệ Vương Đinh Toàn. Cả năm bà đều được phong hoàng hậu, nhưng không ai chính cung. (Ngoài ra, còn có bà Đặng thị sinh ra công chúa Liên Hoa, nhưng các tài liệu thường ít nhắc đến tên).

Dương thị, người con gái họ Dương, được Đinh Tiên Hoàng lấy làm vợ, khi mới mười sáu tuổi và được lập hoàng hậu. Theo giới sử học, thì cái tên Dương Vân Nga là do văn nghệ sĩ đặt vào đời sau mà thôi. Khi Dương Hoàng hậu tái giá với Lê Đại Hành, được phong là Đại Thắng Minh Hoàng hậu. Lê Đại Hành cũng theo lệ Đinh Tiên Hoàng, cả năm hoàng hậu của mình đều không lập ai làm chính cung.

Ngoài ra, còn có những câu chuyện lưu truyền trong dân gian: nào bố Đinh Hoàn là con rái cá, nào Dương Thái hậu tư thông với Lê Đại Hành và đoạt ngôi của chủ, nào Đỗ Thích giết vua Đinh để thỏa mộng thiên tử, khi mơ thấy sao rơi vào miệng, nhưng đời sau lại suy đoán đó là âm mưu của tập đoàn Lê – Dương, vv…

Mỗi người viết về lịch sử với phương pháp tiếp cận và thể hiện khác nhau. Có nhà văn dùng lịch sử như sợi chỉ mành, để treo chiếc chuông sự kiện và tư tưởng của mình lên. Nhà văn  khác, lại coi lịch sử như cái đinh, để treo bức tranh văn chương của mình. Tiểu thuyết này, tôi xây dựng ba nhân vật trung tâm là Đinh Hoàn (Bộ Lĩnh, Vạn Thắng Vương, Đinh Tiên Hoàng), Lê Hoàn (Lê Đại Hành) và Dương thị (cái tên Dương Hoàng hậu, tính từ lúc được lập hoàng hậu, tên Dương Thái hậu là khi Đinh Toàn lên ngôi). Sở dĩ, gọi Dương Hoàng hậu để phân biệt với Dương Phương Lan, công chúa của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, được Ngô Quyền lập hoàng hậu, sử sách thường gọi Dương hậu. Bên cạnh đó, hơn chục nhân vật chính là các đại thần từ thuở Cờ Lau tập trận (Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Phạm Hạp, Phạm Cự Lạng…), cùng mười hai sứ quân (Trần Lãm, Kiều Công Thuận, Kiều Công Hãn, Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Bạch Hổ, Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Nguyễn Siêu, Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh, Lã Đường, Lý Khuê; trong đó, có năm sứ quân người Hán: Trần Lãm, Đỗ Cảnh Thạc và ba anh em Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Nguyễn Siêu. Các nhân vật đại diện giới tăng đạo, nghệ nhân dân gian: nhà sư Ngô Chân Lưu (Khuông Việt đại sư), Ưu bà Phạm Thị Trân (tổ nghề diễn chèo- lúc đó chưa có hát chèo). Và không thể thiếu nhân vật Đỗ Thích, là một trong những cái bản lề dịch chuyển triều đại lịch sử. Đỗ Thích có công cứu giá, nên được Đinh Tiên Hoàng đặt tên cho một quả núi, ngay sau lăng phát tích nhà Đinh, ở Kỳ Lân nơi quê hương bản quán. Nghe nói, khi Đỗ Thích can tội giết hai cha con Vua Đinh, thì dân chúng lập tức phá tan quả núi ấy. Ngoài ra, còn có các nhân vật khác, trong gia đình Ngô vương (Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn và các con của Ngập), rồi Dương Tam Kha là mầm mống dẫn đến loạn mười hai sứ quân. Các nhân vật sứ thần nhà Tống, thầy địa lý người Hán, mục đồng, binh lính, nông dân, ngư phủ, lái buôn. Các con vật liên quan cũng trở thành nhân vật, gồm: rái cá khổng lồ đã hóa thành tinh, trâu đầu đàn… Tất thảy, ước chừng dăm chục nhân vật, đại biểu cho thời ấy.

Thời gian khảo sát lập biên niên sự kiện liên quan, chừng hơn trăm năm, kể từ lúc Ngô Quyền ra đời vào năm Mậu Ngọ (898), đến khi Phó vương Lưu Cơ qua đời, khoảng năm Quý Sửu (1013). Trong dòng  chảy lịch sử đó, các nhân vật hiện ra, nhưng chủ yếu là, từ khi loạn sứ quân năm Ất Tỵ (945), cho tới kỳ đoạn Đinh- Tiền Lê, năm Canh Thìn (980). Tập trung nhất chỉ từ khi Đinh Hoàn dấy binh dẹp loạn, rồi lập nước Đại Cồ Việt, cho tới lúc Dương thị được Lê Đại Hành lập làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu. Vị chi, ba mươi năm có lẻ mà thôi.

Nhà Đinh, một triều đại hiển hách trong lịch sử dân tộc, đứng đầu là Đinh Tiên Hoàng. Từ một trẻ chăn trâu mà đứng lên thu phục anh tài, lập sứ quân cát cứ vùng đất Đại Hoàng, rồi dẹp loạn mười hai sứ quân khác, giang sơn thu về một mối, thoát ách đô hộ phương Bắc, xưng Hoàng đế, lập nước Đại Cồ Việt, định đô mới Hoa Lư, thống nhất tám đạo từ Đèo Ngang trở ra Ải Bắc, quả là anh hùng cái thế. Đinh Tiên Hoàng là nhân vật thông minh xuất chúng, bản lĩnh cao cường, nhưng cũng không tránh khỏi lẫm lỡ. Đinh Hoàn làm tướng, rồi làm vua, tuy có học hành, tập ấm, nhưng mang tính cách nông dân, tuy đa mưu túc kế, nhưng cũng chất phác, nhẹ dạ cả tin, nên Dương Hoàng hậu tư thông với quan Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Đó cũng chính là một cái bản lề nữa, mở cánh cửa chuyển Đinh sang Lê. Đinh Tiên Hoàng lại bỏ con trưởng Đinh Liễn có nhiều công lao, lập con út Hạng Lang mới ba tuổi làm Thái tử, nên Liễn nổi giận, giết em. Đó là đại họa trong triều. Thời ấy, chưa có bộ luật, chỉ xử bằng qui chế, tập quán, nên thiên vị là điều không tránh khỏi. Và Đinh Tiên Hoàng xuề xòa, mất cảnh giác, nên mới xảy ra nông nỗi bị đầu độc…

Đinh Hoàn ở ngôi Hoàng đế mười hai năm, thọ năm mươi nhăm tuổi (tính tuổi dương, có nơi tính thọ năm mươi sáu là cộng thêm tuổi mụ), nhưng sự nghiệp sáng chói muôn năm. Cuộc đời Đinh Tiên Hoàng anh dũng phi thường và đầy bất hạnh. Khi lập nghiệp, Đinh Hoàn thường dùng quan hệ kết nghĩa huynh đệ, cha con, hôn nhân gia đình để thu phục các sứ quân. Nhưng chính điều đó, cũng khiến gia đình Hoàng đế trắc trở, triều đình hỗn loạn, lại thêm các đám tàn quân gây nhiễu nhương, nên phải dùng hình phạt tàn bạo như vạc dầu, chuồng hổ, ao giải để trừng trị kẻ phạm tội. Đinh Hoàn làm con nuôi Trần Lãm, lại lấy con gái Lãm là Trần nương làm vợ, rồi lại gả hai con gái của mình cho hai anh trai của Trần nương nữa. Hoặc, khi dẹp Đường Lâm, thu phục sứ quân Ngô Nhật Khánh, Đinh Hoàn đã lấy mẹ Khánh làm vợ, lại cưới em gái Khánh cho Liễn là con trai mình, và cũng gả con gái là Phất Kim cho Khánh. Sau này, Khánh xẻo má vợ, chạy xuống Chiêm Thành cầu viện binh về đánh Đại Cồ Việt, nhưng giấc mộng bị tan tành ở cửa biển Thần Phù. Trong thời gian dẹp loạn, bất đắc dĩ Đinh Hoàn mới phải dụng binh đao, nhưng các sứ quân tử trận, đều cho lập đền thờ cả. Đó là lòng nhân của Đinh Hoàn, hợp với lòng dân. Bởi các sứ quân đều có công chống giặc ngoại xâm, chăn dân, giữ yên địa bàn cát cứ.

Có thể tóm tắt biên niên lịch sử cuộc đời Đinh Hoàn, như sau:

– Năm 924 (Giáp Thân): ra đời vào ngày rằm tháng hai, tại Kim Lư; lớn lên, theo bố là Đinh Công Trứ và mẹ là Đàm thị cùng anh nuôi Đinh Điền vào Châu Hoan, nơi Đinh Công Trứ làm Thứ sử; sau đó, lại theo ra Châu Ái.

– Năm 937 (Đinh Dậu): bố chết, nên cùng mẹ, anh nuôi và bọn người hầu về quê.

– Năm 939 (Kỷ Hợi): lấy vợ đầu.

– Năm 940 (Canh Tý): sinh con cả Đinh Liễn.

– Từ năm 940 (Canh Tý)- đến năm 944 (Giáp Thìn): 5 năm khi Ngô Quyền ở ngôi vua, thì Đinh Hoàn được học đòi chức Nhiếp thứ sử, Ngự phiên đô đốc.

– Năm 944 (Giáp Thìn): Hào trưởng sách Đào Áo.

– Năm 951 (Tân Hợi): dấy binh Hoa Lư. (Có thể coi là sứ quân đầu tiên, trong mười ba sứ quân sau này). Lúc thất thế, phải sang Bố Hải Khẩu nương nhờ Trần Lãm, được phong chức Bộ lĩnh. Từ đó, mang tên Đinh Bộ Lĩnh, dẹp loạn mười hai sứ quân khác, lấy thêm hai vợ là Trần nương- con gái Trần Lãm, rồi Ngô bà- mẹ Ngô Nhật Khánh.

– 968 (Mậu Thìn): Đinh Hoàn được chư tướng coi như vua, tôn làm Vạn Thắng Vương; sau khi đánh dẹp xong 12 sứ quân, xưng Hoàng đế, đặt tên nước Đại Cồ Việt, định đô Hoa Lư, lấy Dương thị và phong hoàng hậu.

– Năm 969 (Kỷ Tỵ): vào tháng năm nhuận, phong con cả Đinh Liễn làm Nam Việt Vương.

– Năm 970 (Canh Ngọ): đặt niên hiệu Thái bình, đúc tiền Hưng bảo (đồng tiền đầu tiên của nước ta).

– Năm 971 (Tân Mùi): định cấp bậc văn, võ, tăng đạo, nghệ nhân…

– Năm 974 (Giáp Tuất): Dương hậu sinh Đinh Toàn.

– Năm 975 (Ất Hợi): Ngô Bà sinh Đinh Hạng Lang.

– Năm 978 (Mậu Dần): phong Hạng Lang làm Thái tử, (ba tuổi); phong Đinh Toàn làm Vệ vương (bốn tuổi).

– Năm 979 (Kỷ Mão): đầu năm, Đinh Liễn giết Hạng Lang, nhưng không bị trị tội. Mùa đông năm ấy, Đỗ Thích mơ thấy sao rơi vào mồm, ngỡ điềm làm vua.

– Năm 980 (Canh Thìn): vào đêm rằm tháng tám (Trung thu), Đinh Hoàn, Đinh Liễn bị Đỗ Thích đầu độc chết. Đinh Toàn kế ngôi; tám tháng sau, bị Dương Thái hậu, Lê Hoàn, Phạm Cự Lạng phế truất, lập triều Tiền Lê. Nhà Đinh bị triệt hạ.

Có thể nói, Đỗ Thích và Dương thị là hai cái bản lề; Lê Hoàn chủ mưu, Phạm Cự Lạng trợ giúp đắc lực và lại được Dương thị làm tay trong, là những người đẩy cánh cửa nhà Đinh sang Tiền Lê. Như vậy, vai trò của Dương thị trong vụ đổi ngôi từ Đinh sang Tiền Lê là vô cùng quan trọng; nếu không, Lê Hoàn khó bề ra tay.

Hoàn thành cuốn tiểu thuyết này, tôi xin cám ơn các nhà sử học đã có nhiều công trình nghiên cứu về thời Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý; cám ơn những người đã đưa in-tơ-nét vào Việt Nam và các tác giả có bài vở liên quan trên mạng; cám ơn bà con, anh em ở các tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Việt Trì, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa… đã giúp việc khảo sát điền dã trên bốn mươi điểm liên quan nơi các sứ quân xưa cát cứ; cám ơn Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Bảo tàng Cổ Loa đã tạo điều kiện cho việc khai thác tư liệu, hiện vật, vv…

Mười năm trước, tôi đã nghiên cứu, khảo sát vùng Tây Bắc và Nghệ An, Hải Dương, để viết tiểu thuyết Chúa Bầu, nói về Gia Quốc Công Vũ Văn Mật. Nhân vật lịch sử này rất ít tài liệu thành văn, thời Lê- Mạc cũng cách đây dăm trăm năm. Tiểu thuyết Chúa Bầu được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra đời năm 2006, được nhiều người quan tâm, VTV1 phát trong chương trình Khám phá Việt Nam, đã góp phần nhỏ bé vào việc tôn vinh khu di tích Thành Nhà Bầu ở bến Bình Ca (Tuyên Quang), được Bộ Văn hóa và Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử quốc gia.

Đinh Tiên Hoàng là một nhân vật lịch sử, tầm cỡ vượt trên thời đại, mà khả năng của tôi có hạn, nên không tránh khỏi sơ xuất, dám mong bạn đọc chỉ giáo. Thiển nghĩ, đây là cuốn tiểu thuyết văn học, viết về thân phận nhân vật Đinh Tiên Hoàng, nhưng thông qua bức tranh lịch sử xa xưa, để cố gắng nói được điều gì đó với thời nay, thì may lắm thay.

Tôi xin trân trọng cám ơn Quỹ tài trợ sáng tác của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong quá trình viết bản thảo này.

Tp. Tuyên Quang, năm 2015

VŨ XUÂN TỬU

Nhà văn Vũ Xuân Tửu

Phần thứ nhất

CỜ LAU TẬP TRẬN

 

Chương một

Anh em nhà Đinh

1.

Tuân lệnh triều đình, Đinh Công Trứ dẫn quân đi thị sát phương nam, đôn đốc quan quân châu Hoan(1), châu Ái(2) phải phòng bị cẩn mật, ngừa quân Chiêm Thành nống ra. Trên đường về, Đinh Công Trứ và đám tùy tùng cưỡi ngựa đến chợ Điền Hộ, thì trời đã xế chiều, bèn dừng chân.

Bọn lính dắt ngựa xuống bến sông Càn(3) cho uống nước. Trứ cũng lững thững xuống theo, vốc nước rửa mặt, khoan khoái nhìn về phía hạ lưu. Từ đây ra núi Nẹ, bên cửa Càn(4) ngoài bể, rồi ngược lên phía bắc là cửa Thần Phù(5). Đó là ranh giới châu Ái với Đại Hoàng(6), nhà mình. Trứ ngoái lại ngắm núi lã Vọng và núi Mai An Tiêm bên sông, nhận thấy chốn địa linh, nghĩ bụng, ắt hẳn sinh nhân kiệt… Về chuyến này, gặp lại người thiếp Đàm thị mặn mà, thế nhưng sao vẫn hiếm muộn? Trứ thở dài, chợt nhìn thấy một chiếc thuyền nan đang cập bến. Một thiếu phụ mặc váy đùm, áo cánh, tóc độn khăn xanh vấn quanh đầu, đang lẹ làng buộc thuyền, rồi bế đứa con trai kháu khỉnh, toan bước lên bến. Bất chợt, gặp cái nhìn của viên quan triều đình, khiến thiếu phụ sợ hãi, lùi vội lại khoang, thèn lẹn ngồi xuống cái thuyền, ôm chặt đứa con vào lòng. Nhưng thằng bé cứ nhoai ra, toét miệng cười với viên quan lạ.

Trứ sực nhận ra sự bất nhã của mình, bèn lên tiếng, khỏa lấp:

– Thằng bé khôi ngô quá! Trộm vía!

– Lạy quan lớn! Không dám ạ!- thiếu phụ lí nhí đáp.

– Cu con mấy tháng tuổi rồi? – Trứ bước lại gần, một chân giậm lên mũi thuyền, khẽ hỏi.

– Bẩm quan lớn, mới chín tháng, đang cò dò biết đi. – Mặt thiếu phụ ửng hồng, mạnh bạo hỏi lại, – cậu ấm nhà quan, còn bằng năm bằng mười cái rãi khoai này ấy chứ? – Thiếu phụ cười, để lộ hàm răng đen hạt na, đều tăm tắp.

– Giời bắt ta hiếm muộn, đến cả người thiếp cũng chưa thấy gì, – Trứ thở dài, chẳng giấu nỗi niềm tâm sự.

Bọn lính xúm lại bến sông hóng chuyện. Mấy con ngựa thỏa cơn khát, hí vang trời, khiến đứa bé giật mình, khóc váng cả lên. Trứ nghĩ bụng: “Tiếng nó khóc vang to và khỏe khoắn, hẳn có nội lực từ ấu thơ, lớn lên ắt hẳn là anh hùng trong thiên hạ”. Bất giác, nhìn thấy cái yếm sồi căng mẩy của thiếu phụ, Trứ ngượng ngùng quay đi, lẩm bẩm: “Rõ là, lớn vú bụ con”.

– Hay là, cho ta làm con nuôi đi!- giọng Trứ chắc nịch, vừa như xin lại, vừa như ra lệnh.

– Ối giời, mả nhà con có táng hàm rồng đâu mà dám mong phúc ấy? – Thiếu phụ tươi cười đáp lại, nghĩ là viên quan bông đùa.

Bọn lính thấy chủ tướng có vẻ mến thằng bé con kia, bèn húm vào nói đỡ:

– Đây là quan lớn triều đình, tuần du phương nam. Nay hồi Loa Thành, nhưng cũng một công đôi việc, ghé quê…, – tên lính dừng lời, nheo mắt đầy vẻ ngụ ý. – Ví bằng nhà chị cho thằng cu làm con nuôi quan lớn, có khi phu nhân lại sinh đông đàn dài lũ không chừng.

Nghe vậy, Trứ hởi lòng, cười ha hả.

– Nhưng mà, nó chửa đi ngựa bao giờ, – thiếu phụ thốt một câu, tưởng như chẳng đâu vào đâu, nếu tinh ý sẽ nhận thấy, cô ta đã bằng lòng bảy tám phần rồi. – Vả, nhà con vẫn trong chợ, cảnh neo người…

Vừa hay lúc đó, một thanh niên lực lưỡng vác đòn gánh, xuống bến.

– Nhà, – thiếu phụ mừng rỡ, reo lên. – Ạ bố đi cu, – thiếu phụ nhìn con, khẽ nhắc.

Chàng trai lặng lẽ tháo dây buộc thuyền, toan cầm sào đẩy ra. Thiếu phụ níu tay chồng, khẽ nói điều gì đó.

– Thế hả? – Anh chàng thốt lên và nhìn viên quan, đon đả chào, – lạy quan lớn!

– Hẳn cô ả đã nhỏ to, tôi muốn xin thằng cu làm con nuôi? – Trứ từ tốn hỏi.

– Nhà con vừa bẩu. – Anh ta bẹo má cu con mà hỏi, – mày theo quan lớn nhá, thoát cảnh đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn?

Cu con lại toét miệng ra cười.

– Thế này, phúc ta lớn lắm thay, – Trứ nhìn thằng bé, gật đầu tâm đắc.

– Chẳng qua, nghe ngựa hí bất đồ thì cu cậu giật mình mà khóc thôi. Nhưng nó chưa quen ngựa thì ta lại xuống thuyền, ngược sông Càn, sang sông Bút, sông Vạc, rồi ngược sông Đáy, qua sông Đại Hoàng là đến quê nhà quan lớn, ở như Đại Hữu. Còn đi Cổ Loa, thì đến sông Đáy, rẽ nẻo sông Châu, ngược sông Hồng thôi, – tên lính hầu đỡ lời, nói làu làu như thể sông nước khắp vùng đọng trong lòng bàn tay vậy.

Thấy câu chuyện rôm rả, đám dân đi chợ chiều cũng đổ xô cả lại, ai cũng có ý vun vào cho viên quan:

– Cho quan lớn làm con nuôi đi. Mai ngày, khô đầu khô sọ, hẳn nên người, mình cũng có phận nhờ.

– Để ở làng, lớn lên lại đi đánh giậm thâm d., chứ nước non gì mà tiếc?

– Nom hơ hớ thế kia, còn đẻ hàng đống. Thương người hiếm muộn, ông giời đoái trông.

– Quan lớn đã có nhời, biết điều thì ăn cơm tám, trái ý thì cám cũng chẳng có mà ăn đâu.

Người mẹ trẻ nghe vậy, lòng rối bời, gùn gắng hồi lâu, nhìn chồng dò ý tứ, thấy chồng gật đầu, thì cũng rân rấn nước mắt mà thuận theo. Thằng bé lẫm chẫm bước trên sạp thuyền, Trứ dang tay đón.

– Ở nhà đã đặt tên con chưa? – Trứ trìu mến nhìn đứa con nuôi, nhưng lại hỏi vọng về phía người mẹ.

– Bẩm quan lớn, mới ướm gọi là Trào, còn chờ người hay chữ, cho cái tên, nên thường gọi là thằng Cu thôi ạ! – ông bố trẻ thật thà đáp thay.

– Thế thì ta đặt tên cho con. Xứ này là Điền Hộ(7), – Trứ đưa mắt nhìn bao quát hình sông thế núi, – ta đặt tên con là Điền, để nhớ về quê hương bản quán. Ta họ Đinh, con lấy theo họ ta. Vậy là Đinh Điền! – Trứ xướng to cho mọi người cùng nghe(8).

– Phúc đức quá, – dân chúng và binh lính reo lên.

– Chưa quen đi ngựa thì ta đi thuyền, nhề? – Trứ âu yếm nhìn Điền, rồi sai bọn lính hầu mua một chiếc thuyền, rồi bảo chúng đưa vàng bạc biếu bố mẹ đứa trẻ.

Điền đưa tay với cây cung đang khoác chéo trên vai tên lính. Hắn reo lên:

– Như vầy, cậu nhà sẽ theo nghiệp kiếm cung. Mai sau nối chí quan lớn.

Trứ thấy vậy, tươi nét mặt, vẻ mãn nguyện; đoạn, sai bọn tùy tùng chia làm đôi, nửa cưỡi ngựa đi Cổ Loa, nửa xuống thuyền cùng cha con Trứ ngược sông Càn.

Khi thuyền rời bến, cu Điền không thấy mẹ, mới khóc toáng lên. Bọn lính, kẻ đẩy thuyền, người giương buồm, đứa lóng ngóng dỗ trẻ. Bố mẹ cu Điền đứng chôn chân trên bến, nước mắt lã chã. Dân chúng cũng lặng lẽ nhìn theo. Đám lính bộ lục tục lên đường.

– Con ơi!- Bất chợt, thiếu phụ gào lên, nghẹn nấc.

Trứ vội nhìn núi Mai An Tiêm và Lã Vọng, nói to để trấn an:

– Ta thề có núi kia, sông này, sẽ hết lòng nuôi dạy Đinh Điền như con đẻ. Nếu ta trái lời, số phận sẽ như mũi tên này!- Trứ bèn rút phắt mũi tên, bẻ làm đôi, ném xuống sông.

Trên bờ, mọi người chắp tay cúi rạp, tiễn biệt.

2.

Thôn Kim Lư(9) nằm dưới chân núi Kỳ Lân.

Mặt trời lên cao bằng ngọn tre, nàng Đàm mới lững thững ra đồng.

Bấy lâu, nàng từ biệt An Trai(10), về làm thiếp Đinh Công Trứ, mà vẫn chân son. Chàng theo Hào trưởng Dương Đình Nghệ, bôn tẩu tứ phương, thỏa chí tang bồng, chẳng mấy khi đáo về, khiến nàng ốm lửng. Lắm lúc, chân tay rã rời như thể đi mượn, nhàn rỗi mãi cũng chán, nên nàng đành bẫy chẫy ra đồng nhặt cỏ, be bờ cho đỡ buồn.

Thôn Kim Lư nằm trong lũng núi. Thường ngày, chỉ có người già lụ khụ và trẻ ẵm ngửa ở nhà, còn người lớn ra đồng cấy lúa, xuống sông đánh cá, lũ trẻ nhầng nhầng lên núi chăn dê. Kìa, có con dê cụ đứng trên mỏm đá, dáng vẻ chủ tướng. Xa xa, ven chân núi, thấp thoáng giữa đám hoa lau, bọn trẻ chăn trâu đang nô đùa, tiếng núi vọng lại rộn ràng. Ước gì mình có đứa con giai, sẽ cho theo đám trẻ kia, thỏa sức chạy nhảy. Mới nghĩ vậy, mà nàng Đàm đã cảm thấy má nóng ran, chắc đã chín hồng như mặt giời buổi sớm mai rồi. Nàng mỉm cười một mình, bước chân đưa ra bờ suối lúc nào không hay. Khóm trúc xanh, bụi lau vàng phất phơ trong gió. Dòng suối rì rào từ chân núi chảy ra. Nàng thong thả lội xuống suối, kẹp váy giữa hai bắp đùi trắng mập như thân cây chuối. Nàng khỏa nước rửa mặt, thấy bóng mình run rẩy trong làn nước xanh. Có tiếng đập nước thì thũm phía vực suối, khiến nàng giật thót, gấu váy tuột xuống nước. Nàng định thần ngoái lại, có thấy gì đâu nhỉ, hay thần hồn nát thần tính? Nàng kéo váy lên bờ, vắt nước, rồi nhìn trước ngó sau không thấy người, bèn len lén cởi xống áo, yếm khăn vắt lên cành trúc, toan bước xuống tắm, giải nồng.

Bỗng cảm thấy có cái gì ấm mềm cụ cựa ở bắp chân, nàng vội nhìn xuống, giật nẩy mình, vội lấy tay vùng che ngực và phần dưới rốn. Giời ơi, con rái cá! Thì ra, tiếng động dưới vực lúc nãy là nó đây. Con rái cá khác thường, to như một chàng trai lực lưỡng. Nàng định kêu lên, nhưng như có cái gì nghẹn ở cổ. Hình như, con rái cá hiểu được cảnh ngộ ấy, nên rướn lên, dúi mõm vào tận đùi non của nàng. Lớp lông mịn mượt của nó chà lên thân thể, làm cho nàng đê mê trong nỗi sợ hãi tột cùng và từ từ ngã khụy xuống bãi cỏ…

Trong cơn mê cuồng, nàng cảm thấy mình đang giao hoan cùng chồng. Bất chợt, có tiếng bọn trẻ chăn dê kêu hoảng loạn lưng núi và tiếng đám trẻ chăn trâu la thất thanh cuối đồng, làm nàng bừng tỉnh. Ngoảnh sang, không phải là phu quân đầu gối tay ấp, mà là con rái cá khổng lồ, đang âu yếm liếm nhũ hoa. Nàng sợ hãi, thét lên một tiếng kinh thiên động địa,

*

Nàng Đàm vừa kịp lủi vào đền Sơn Thần, thì bọn mục đồng đã cưỡi trâu sầm sập phi tới, í ới hỏi nhau:

– Chả thấy con giao long nào sất cả?

– Cỏ mới nát bấy đây thôi.

Chúng lùng sục khắp bờ cây, lối cỏ, nhưng tiu nghỉu trở ra.

Ngay lúc đó, bọn trẻ chăn dê tất tả lao xuống, kêu to:

– Rõ ràng hai con giao long quần nhau.

– Đâu?- Bọn chăn trâu cự nự.

– Một con xam xám lao xuống vực. Trên núi, chúng tao nhìn rõ mồn một, – đứa chăn dê vừa chạy ra phía vực, vừa ong oang nói.

– Còn một con trăng trắng nữa. Chúng quần nhau như thể chúng mình đấu vật. Hay là nó trốn vào đền?- Thằng bé chăn dê toan mò vào đền.

Nàng ngồi co rúm như con tê tê bị đập, tưởng chừng không dám thở nữa.

– Chớ làm càn, mù mắt đấy! – Tiếng thằng mục đồng can ngăn.

Chúng lại bổ đi lùng soát và cãi nhau chí chóe như đàn khỉ, bỏ mặc mấy con trâu đang nhẩn nha gặm cỏ quanh đền. Bọn trẻ vã mồ hôi, lột phăng những bộ quần áo màu nâu non, vá chằng vá đụp, ném lên bãi cỏ, nom như đàn bìm bịp đang xõa cánh nằm sưởi nắng. Chúng nhảy xuống vực tắm táp và té nước đùa nghịch. Những cái đầu để trái đào hai bên tai và món tóc trên thóp, ngoi ngóp trên mặt nước, trông tựa đàn rùa kỳ dị đang quần thảo. Lợi dụng lúc bọn trẻ đang chơi trò đánh trận thủy chiến, dìm nhau dưới nước, nàng Đàm len lén bò ra khỏi đền, căm cắm rảo bước về nhà.

*

Ngay chiều hôm đó, cả làng đổ ra, quây kín vực suối. Cánh thanh niên mang theo dao quắm và lao phóng bằng tre đực, hè nhau phát cỏ, chọc hang, làm cho vực nước sôi lên sùng sục. Những cây tre bổ bả, được mang ra vực đập nước như thể giặt chiếu, khiến đàn cá lộng óc, ngoi lên. Dân làng ùa xuống, bắt được không biết bao nhiêu là cá mà kể, cứ hết giỏ này đến rổ khác bưng lên bờ.

Con rái cá to và khỏe làm chúa tể cả vùng này, thế mà không chịu đựng nối, phải thò mũi lên để thở. Lập tức, cả làng quây lại, con rái cá lao thục mạng qua những khe đùi; nhưng cuối cùng kiệt sức, bị tóm sống. Đám người xúm đen xúm đỏ, hò nhau kéo lên bờ và kinh hoàng nhận ra, một con rái cá khổng lồ, to như gốc chuối hột, dài như đòn gánh, sức vóc không kém gì một chàng trai.

– Rái cá chứ không phải giao long. Còn một con trắng nữa. – Tiếng bọn trẻ hồ hởi reo lên.

Dân làng lại nhao xuống vực suối mà quần đảo, hồi lâu không thấy tăm hơi, bèn thu quân về, xả rái cá ra chia nhau, mỗi nóc nhà trong thôn đều được một phần.

Nàng Đàm nhìn miếng thịt rái cá, rùng mình, vội biếu lại hàng xóm, nói thác đi là đang phải kiêng chất tanh, rồi đi xin từng mẩu xương rái cá, nhặt vài mảnh da nữa, bảo là để làm thuốc. Nàng bồi hồi gói mớ xương vào tấm da của nó, treo lên gác bếp. Đoạn, nàng mang trầu mời Yên Khê:

– Mời thím xơi khẩu giầu.

– Không dám!- Yên Khê vươn tay nhón miếng trầu têm cánh phượng, vẻ ưng ý.

– Tôi có gói thuốc treo bếp, thím để mắt giắng trông hộ nhá, – cố giấu nỗi lòng, nhưng giọng nàng Đàn vẫn rưng rưng.

– Ừ, khéo mà thuốc nhà giời, – Yên Khê vừa nhai trầu, vừa nghĩ bụng, rái cá có gì mà báu, nhưng lại hỏi, – thế, bao giờ thì bác giai về đón lên Loa Thành.

– Thấy bảo nay mai; đâu như, lại xin được con nuôi thì phải, chú lính mới đáo qua, bảo thế, – giọng Đàm trở nên đăm chiêu.

– Thế hở, ôm rơm rặm bụng, – Yên Khê thở dài, – ông Dự cũng bảo tôi mấy lần, nhưng nghĩ cái sự khác máu tanh lòng…

*

 Chú lính hầu mở liễn cơm, toan xới vào bát, thì nàng Đàm ngửi thấy mùi, ọe khan một tiếng. Trứ giật mình hỏi:

– Nhà, sao vậy?

– Không sao, – nàng Đàm cười gượng, đáp.

– Có khi phu nhân sắp thấy tin vui, – tên lính hầu tỏ vẻ từng trải. – Con đã nói ở chợ Điền Hộ, nuôi cậu Điền thì mắn mà.

– Thế hử?- Trứ gật gù, cười tủm tỉm, – giời mà cho con giai nữa, ta đặt là Hoàn, Đinh Hoàn.

– Cũng chưa biết thế nào, có gì mà đã vội mừng.- Nàng Đàm chữa thẹn, nhưng trong lòng vui lâng lâng, đưa bát cho chú lính hầu, – chú đơm miệng bát, chớ lèn chặt mà em cu chậm nhớn. – Đoạn, nàng vẽ miếng cá kho và bón cho cu Điền.

– Hay ăn chóng nhớn nhá! – Chú lính cười cười trêu đùa với cu Điền, – mai ngày, bằng sào bằng gậy mà tỏ mặt với thiên hạ, thì bõ công cha sinh mẹ dưỡng.

– Chú kho cá với dưa cải ngồng, rõ khéo, – nàng Đàm nhìn chú lính cười tươi.

– Dưa ngồng thì có gì mà ngon, chẳng qua là đất Dương Xá(11) này vốn khô cằn, nhưng may nhờ các quan dẹp giặc, nên ông giời mới cho hỏa cốc phong đăng, – chú lính được khen nở mũi, nhưng vẫn lễ phép nói một thôi một hồi. – Chứ như châu Đại Hoàng nhà quan, rừng vàng bể bạc, mùa nào thức nấy…

– Chú nói cho vui câu chuyện thế chứ, đất Dương Xá có kém gì An Trai bên đằng ngoại tôi nào? – Đàm thị nói như đi guốc trong bụng chú lính.

Chú lính bị bóc mẽ, đành cười trừ cho qua cái chuyện nói nịnh nhà quan.

*

Nàng Đàm ăn rở khác thường. Đàn bà nghén, thì ăn của chua, như là múi chanh, miếng khế; có khi, ăn cả đất vách, bếp lò. Nhưng nàng Đàm lại thích ăn sống các loài thủy sản: nào cá, nào tôm, nào cua, nào ốc…

– Thứ này sẵn, nhưng để con làm gỏi, cho đỡ tanh, – chú lính đưa mắt, xem ý.

– Vẽ, – nàng Đàm bắt con cá chép, to bằng ba đầu ngón tay, đang giãy đành đạch trong rổ, rồi chấm vào đĩa muối sống.

– Ấy, – chú lính vội xua tay. – Phu nhân phải ăn từ đằng đuôi; cắn đầu, nó quẫy thẳng vào cuống họng thì khổ.

– Chú dạy phải, – nàng Đàm ân cần đáp, vẻ hàm ơn sau khi đã nhai ngấu nghiến miếng đuôi cá.

– Khiếp! – Chú lính nhăn mặt, – phu nhân ăn cứ như thể rái cá. – Chú lính vội vả vào mồm mình, – vô phép, xin phu nhân bỏ quá cho.

Câu nói vô tình của chú lính hầu, khiến nàng Đàm giật mình, đánh rơi con cá đang ăn dở, mặt tái dại. Đoạn, nàng thẫn thờ đứng dậy, bước ra khỏi bếp. Nhớ đến miếng thịt rái cá chia phần ở Kim Lư khi nào, chợt có cái gì đưa lên cổ, khiến nàng nôn thốc nôn tháo.

3.

Khi nàng Đàm đã ộ ệ, Đinh công Trứ bèn xin với Dương Hào trưởng đưa vợ về lại Đại Hoàng, nhân chuyến tuyển quân luôn thể. Một công đôi việc đều thuận cả công lẫn tư, nên được chuẩn y.

Điều làm Trứ và gia tộc lo lắng là nàng Đàm lại thích ngâm mình dưới suối và bắt cá ăn, lỡ sinh con thì đỡ sao cho kịp. Chú lính hầu bàn tính:

– Thưa quan lớn, hay là để phu nhân ngâm mình trong thùng nước, khi nào sắp sinh thì bồng ra.

– Thùng nào cho thấu?- Trứ đáp bâng quơ, tâm trạng để tận đẩu tận đâu.

– Con thấy người áo chàm, vùng sơn trại, thường ngâm mình tắm lá thuốc trong bồn gỗ ngọc am.

– Thế hử? Nhưng làm sao mà kiếm được bây giờ?

– Con biết, trong đền Sơn Thần, trữ sẵn một cái, to bằng cái nia.

Thế là ngay tức khắc, cái bồn gỗ ngọc am được bọn trẻ chăn trâu và chăn dê lôi ra khỏi đền, lau rửa sạch sẽ, đưa xuống gian tả vu. Đoạn, chúng ra giữa sông Đại Hoàng, kín nước về.

Bà Đốc Khánh liền cho đun nước nóng, pha thêm vào bồn cho ấm, rồi mới rước nàng Đàm vào ngâm mình.

Nàng Đàm bụng chửa vượt mặt, lặc lè như nhện công trứng, mặt nhăn như bị, kìm cơn đau. Nhưng khi vào bồn nước, lại cảm thấy thoải mái lạ thường. Bà Đốc Khánh xăng xái giúp nàng Đàm ngồi tựa lưng vào thành bồn và lễ phép thưa:

– Phu nhân, khi nào trở dạ, thì ới một tiếng, chúng con đỡ lên giường.

– Thấy cơn đau rồi đấy, – nàng Đàm nói đứt đoạn.

– Thế thì lên giường là vừa.

Bà Đốc Khánh hô to một tiếng, bọn con gái trong thôn xúm vào, toan bồng Đàm lên giường, nhưng nàng khoát tay, ra hiệu cho chúng lui ra, khiến bà đỡ lo cuống cả lên.

– Ta đã cắt rốn cho hàng trăm đứa trẻ sơ sinh khắp cái động này, nhưng chưa bao giờ thấy cái sự lạ… – bà Đốc Khánh vội nín bặt, khi nhác thấy nàng Đàm chau mày. – Ra mau, kẻo nó ngạt nước!

– Gượm đã, – nàng Đàm cố nén cơn đau, như thể định phân bua điều gì đó, nhưng vội cắn răng, bám chặt tay vào thành bồn mà rướn bụng lên.

– Cái đầu nó đã thò ra kìa! Ra mau!

Không biết là bà Đốc Khánh giục nàng Đàm ra khỏi bồn, hay khiến hài nhi thoát khỏi bụng mẹ. Nàng Đàm bật cười. Hài nhi vọt ra, bơi nghều ngào trong bồn. Bà Đốc Khánh tá hỏa, vội vớt lấy. Đứa bé khóc toáng lên.

– Con giai! – bà Đốc Khánh cúi lom khom và kêu lên mừng rỡ.

Đám con gái liền xô lại, ngó nghiêng. Bà Đốc Khánh luôn mồm sai khiến:

– Đưa cái khăn! Không, cái mềm mềm để lau bé cơ mà, da còn non. Chúng bay vụng quá đi mất.

Bọn con gái bị mắng, nhưng lại hớn hở chạy ra chạy vào. Mấy đứa nhìn vào bồn nước có lẫn màu máu tươi hồng, thấy phần bụng dưới nàng Đàm dập dờn rau thai và “đám rêu đen”, bèn bấm nhau cười.

– Rồi đến lượt chúng bay. Đàn bà con gái, chửa thì phải đẻ, gọi là banh thây xẻ thịt, đau đớn bội phần, nhưng lại vui đáo để. Cô nào sinh ra vua chúa cho thiên hạ, thì cửa mình đáng dát vàng, bọc bạc. Các cụ chả dạy là cái ngàn vàng đấy thôi…

Nghe vậy, nàng Đàm và bọn con gái cười rũ rượi.

Bà Đốc Khánh đặt bé con vào ngực nàng Đàm và lẹ làng nâng rau thai, thắt cuống rốn và buột miệng thốt lên:

– Y như thể rái cá! – Đoạn, bà ra lệnh, – đứa nào đi ngắt cái cuống chiếu, đốt lấy gio, bôi vào cuống rốn cho thằng bé.

Mấy đứa gái dạ ran, vẫn còn buồn cười chuyện dát vàng, bọc bạc, vừa đỏ mặt liếc vào bụng dưới của nhau, vừa ngúng nhuẩy chạy đi.

*

Đinh Công Trứ đang tư lự nhìn lá số tử vi, ghi sẵn trên bàn độc: “Năm Giáp Thân (924), tháng hai, ngày rằm, giờ… “. Giờ sinh thì còn để trống, chờ tiếng khóc lọt lòng.

Chú lính hầu đứng ngóng ngoài sân, nghe bà Đốc Khánh xướng câu: “Con giai”, vội chạy lên nhà, khoanh tay lễ phép, báo tin mừng:

– Bẩm, con giai rồi ạ!

– Lâu chưa? – Trứ như chợt tỉnh cơn mê, vội hỏi.

– Dạ, vừa xong ạ!

Trứ nhìn đồng hồ cát, bấm bấm đốt ngón tay, tính tính toán toán, rồi nở nụ cười rạng ngời gương mặt, thốt lên:

– Cát tường! Nên cơ đồ! Đinh Hoàn!

Chỉ chờ có thế, chú lính hầu lại tất bật chạy sang gia tả vu, nói chõ vào:

– Ông bảo, làm nên cơ đồ, đặt tên Đinh Hoàn.

Nàng Đàm và bà đỡ Đốc Khánh cùng bọn con gái biết Đinh Công Trứ đã lấy lá số và đặt tên cho bé, nên cùng à lên vui sướng.

Ngoài ngõ, bọn trẻ chăn trâu, chăn dê reo hò ầm cả lên và phất cờ bông lau, chạy rông khắp xóm.

Núi đồi, đồng ruộng, sông ngòi cũng như sáng lên trong ánh hào quang, đang được chiếu rọi bởi trời và tỏa lên từ đất. Đêm ấy, trăng dường như sáng hơn và trong hơn lệ thường. Núi Kỳ Lân cũng như thể vươn vai đứng dậy, giữa đồng đất Đại Hoàng.

*

Nàng Đàm tỷ mẩn xem bàn tay, bàn chân của con, tịnh không thấy các ngón kéo màng, da cũng không có lông như rái cá, mà mở cờ trong bụng. Nàng đã giấu Đinh lang quân, về chuyện bị rái cá phủ. Nàng chỉ lo thím Yên Khê là người có thói tọc mạch mà thôi. Nhưng giờ đây, Hoàn là đứa bé khôi ngô thế này, lại giống Đinh Công Trứ từ lúc lọt lòng, thì còn sợ gì nữa. Mai ngày, dù đức ông chồng có năm thê bảy thiếp, con đàn cháu đống đi chăng nữa, thì Hoàn vẫn đường đường là trưởng nam, không kẻ nào có thể vượt mặt. Còn Điền, dù được quý như con đẻ, thì vẫn là con nuôi mà thôi. Ôi, con vàng con bạc của mẹ. Mẹ sinh ra con, nhưng ông giời ban phúc cho họ Đinh của bố và họ Đàm của mẹ. Ngõ hầu, con là của giời, mai ngày lớn khôn, đặng gánh vác thiên hạ.

Đinh Hoàn ngủ say dưới ánh đèn dầu lạc. Nàng Đàm vẫy tay gọi đứa hầu gái, chỉ đĩa đèn, ra hiệu cắt đoạn bấc cháy khô và khêu to cho rạng. Nàng nhìn mặt con như phủ lớp phấn hồng, cái miệng nhỏ xíu xinh xinh đang nún bú mơ, nom rất đáng yêu. Nàng cười rạng rỡ và vạch yếm, định cho con bú, nhưng nghĩ thế nào, lại thôi. Nàng nhìn bầu vú căng tròn dưới yếm thắm cổ xây, tự dưng cảm thấy nóng má, chợt nhớ chuyện rái cá liếm nhũ hoa hôm xưa. Ừ, nó chẳng khác gì người, cũng biết âu yếm đấy thôi. Có lẽ, đó là một chàng trai tuấn tú, bị ông giới hóa kiếp, đày xuống trần gian. Chứ rái cá, dù là loại gì đi chăng nữa, làm sao biết chuyện phủ phả. Không, nhưng Hoàn rõ ràng là con của họ Đinh. Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Hoàn giống Trứ, người dưng cũng nhận thấy điều ấy, nói chi là mẹ. Còn chuyện con rái cá thành tinh kia, chỉ làm mình sợ hãi ngất đi, rồi liếm láp, có khi còn định ăn thịt không chừng? Nhưng xưa nay, rái cá chỉ ăn cá, tôm, cua mà thôi, chứ đâu có ăn thịt người. Thôi, đừng nghĩ quẩn mà phải tội với giời. Như có thần linh mách bảo, mình đã thu nhặt bộ xương rái cá, rồi lấy chính da của nó bọc lại, treo gác bếp, nhưng không biết để cho ai và làm cái gì nữa? Linh tính mách bảo, sẽ có lợi cho Hoàn. Ai mà biết mệnh giời? Không gì tiện lợi, an toàn hơn là nói thác đi, chuyện gói thuốc treo gác bếp, để tránh tò mò của kẻ phàm trần. Nếu đúng là giời sai khiến mình làm việc ấy, thì không ai dám đụng vào. Nhưng tại sao, khi ăn rở, mình lại toàn xơi cá mú và khi chửa đẻ lại ngâm nước không biết chán? Chính mình cũng không hiểu được điều đó. Bà Đốc Khánh bảo, lần đầu tiên thấy người đẻ trong nước, thằng cu lọt lòng đã nghều ngào bơi như rái cá vậy!

4.

Rằm tháng ba, năm Giáp Thân (924), Đinh Công Trứ thửa mâm cỗ, mừng đầy tháng Đinh Hoàn. Trứ nâng chén rượu, bảo em chú là Thúc Dự:

– Tôi làm anh, nhưng thời buổi loạn lạc, phải xa nhà luôn, tòng chinh theo Hào trưởng Dương Đình Nghệ. Nói để chú biết, dăm sáu năm trước, từ Mậu Dần (918), sau khi Khúc Hạo mất, thì Khúc Thừa Mỹ lên thay. Nhưng do hèn yếu mà đã cầu cứu nhà Lương, nên quân Nam Hán tiến vào Tĩnh Hải Quân(12). Tôi không thể khoanh tay ngồi nhìn. Chú ở nhà, giữ hương khói, trông nom mồ mả tổ tiên, ông bà, bố mẹ cho chu tất, thì tôi mới yên lòng mà rảnh tay lo bề công danh sự nghiệp.

Dự cũng nâng chén đáp lễ:

– Tôi chỉ quanh quẩn như gà què nhặt nhạnh hạt rơi hạt vãi chân cối xay. Nhưng các cụ dạy, sống về mồ về mả, chứ ai sống bằng cả bát cơm. Bác cứ thỏa sức bôn tẩu tung hoành thiên hạ, chớ bận tâm việc nhà mà sao nhãng việc quan.

Hai anh em nâng chén ngang mày, cùng uống. Đoạn, Trứ gọi bế hai anh em Đinh Điền, Đinh Hoàn đến cạnh mâm, quệt cho mỗi đứa một ngón út rượu vào miệng, khiến chúng nhăn mặt mũi, cả nhà cười hể hả.

– Hồng phúc nhà ta, mai ngày, nhờ vào nó cả, – Trứ trỏ Đinh Hoàn nói, đầy vẻ hãnh diện; đoạn, lèo thêm, – thằng Đinh Điền cũng rạng danh chứ chẳng chơi.

– Phải! – Dự cũng gật gù, – biết đâu, nhờ phúc ấm mà chúng dựng nên cơ đồ.

– Tôi mà chẳng may có mệnh hệ gì, thì nhờ cả ở như tay chú. Xảy cha còn chú mà lị, – Trứ cười cười nói nói.

Bỗng Đinh Hoàn khóc thét lên, khiến ai cũng giật mình kinh hãi. Nàng Đàm tái mét cả mặt, ấp vội con vào lòng, ru nựng mà lòng dạ bồn chồn không yên. Đinh Điền cũng mếu máo, khóc không thành tiếng.

– Bác đừng gở miệng. – Dự nhíu mày, – con cháu là con cháu chung. Thế nào mà chẳng có ngày, hai bác cùng gia tộc thấy các cháu đội giời đạp đất trong thiên hạ.

Nghe vậy, cả nhà lại cùng cười nói vui vẻ. Đinh Hoàn cũng nhả vú mẹ, toét miệng cười như nghé con.

Ngẫm nghĩ hồi lâu, Dự khẽ hỏi anh trai:

– Có điều này, tôi hỏi bác. Bác là mệnh quan triều đình, lại đi nhiều biết lắm…

– Cái gì thì chú nói luôn xem nào, cứ vòng vo như gõ thuyền đuổi cá mãi thế? – Trứ sốt ruột giục.

– Họ Đinh nhà ta, từ đâu mà ra? – Dự độp luôn.

– Nghe nói, – Trứ ngẫm nghĩ, đắn đo, – có người thì bảo, cháu chắt Khương Tử Nha, đời nhà Chu, lấy cái tên thụy là Đinh Công làm họ, đến đời Đường, di từ phương Bắc xuống Đại Hoàng này, sinh cơ lập nghiệp…

– Khương Tử Nha là cái ông câu cá mà mắc lưỡi câu thẳng ấy à? – Dự ra vẻ hiểu biết, cắt ngang lời.

– Phải, tỷ như Triệu Việt Vương, Lý Nam Đế cũng là người phương Bắc xuống cả, – Trứ nhìn độ lượng. – Lại nói, cái sự họ Đinh, cũng có người thì cho là con cháu dân Mường. Đấy, chú xem: Đinh, Quách, Bạch, Hà là bốn chi họ nổi tiếng của cái anh Mường ở đất này. Bây giờ, người Mường, người Việt cũng khó phân định rạch ròi, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Nhưng truy căn nguyên, thì cũng từ phương Bắc xuống cả. Ngàn năm Bắc thuộc, xứ mình bị coi như quận huyện, người phương Bắc, tục phương Bắc tràn ngập như lũ lụt. Nhưng được cái hay, cõi trời Nam này vẫn riêng một khoảnh, dân Nam vẫn cương cường, không khuất phục. Dù từ đâu tới, nhưng đã ở đất này, thì thành con dân nước này, một sống một chết mà giữ nước, thì mới có chỗ dành cho con cháu cắm dùi.

– Thế thì cũng là dân nước Nam cả thôi, – Dự nói vậy, nhưng trong lòng không tin cho lắm.

– Thì cứ vầy vậy đã, nhề! – Trứ chặc lưỡi, – Lúc này mà giở giói ra, đâm phiền phức không chừng, người đời lại bảo mấy cái anh nhiễu sự, vẽ rắn thêm chân.

– Cứ bảo thế, nhưng rắn có chân, thật đấy! – Dự hồ hởi khoe, – tôi đốt nương, thấy con rắn bị cháy, thò ra hai cái chân bé xíu dưới bụng, chỗ hậu môn…

VŨ XUÂN TỬU

(Còn tiếp)

_____________________________________

(1) nay thuộc tỉnh Nghệ An.

(2), (3), (4) nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

(5) nay thuộc xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình,

(6) nay thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

(7) nay thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

(8) Lê Quang Chắn, Vũ Nguyên Lý- Một số nhân vật lịch sử được thờ tự trên đất Hưng Yên. (Tài liệu hội thảo khoa học “Nhà Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước”, do Viện Sử học, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình/ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tổ chức tháng 01/2012, tại Ninh Bình), trang 305, viết đại ý rằng, trên đường về làng, Đinh Công Trứ thấy một hài nhi quấn trong mảnh áo cũ, liền đưa về nhà nuôi, đặt tên Đinh Điền.

Khi tôi (VXT) đi khảo sát điền dã, để viết tiểu thuyết Đinh Tiên Hoàng, ngày 14/8/2014, đến gặp ông Trần Văn Mi, người trông coi đền Vua Đinh (phối thờ Đinh Điền, Nguyễn Bặc), tại làng Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, được biết: “Khi ông Đinh Công Trứ qua Điền Hộ (Thanh Hóa), gặp người đàn bà chở thuyền, có đứa bé khôi ngô, bèn xin làm con nuôi, đặt tên Đinh Điền”. (Điền, mang ý nghĩa kỷ niệm quê hương bản quán Điền Hộ).

(9) nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

(10) nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thủ đô Hà Nội.

khiến con rái cá giật mình, vùng căng lao xuống vực, nghe “tùm” một tiếng, như vọng về từ chốn thủy cung. Nàng cuống cuồng mặc lại váy, yếm, áo, khăn và liếc nhìn đám cỏ nhàu nát. Ôi, lưng nhặm, quờ tay thấy đầy lá cỏ; bụng nhớt, xoa bàn tay thấy đầy lông rái cá. Chả nhẽ, rái cá cũng là người, nhưng bị đầu thai xuống thủy cung, đã hóa thành tinh chăng?

(11) nay thuộc ngoại thành Hà Nội.

(12) tên nước ta, từ năm  866 đến 967.

 

Xem tiếp:

>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 2

>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 3

>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 4

>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 5

 

 

One thought on “Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *