Dân đã rộng lượng tha thứ khi họ quảng cáo bẩn, khi họ bị sa vào tệ nạn, tha hoá vẫn giang rộng vòng tay thì giờ họ ngông cuồng xúc phạm người khác. Một góc khuất, một mảng tối đã lộ ra, ánh hào quang giả đã lộ ra, chất “kịch” đã lộ ra. Không thể để họ diễn từ sân khấu ra ngoài đời…

Vụ kiện cáo của bà Phương Hằng với ông “thần y” bịp kéo theo, hay liên quan đến một bộ phận nghệ sỹ, người của công chúng cho thấy đã đến lúc cần đánh giá đúng những “thần tượng”, những “ông hoàng bà chúa” của làng giải trí Việt.
Nói là “ông hoàng bà chúa” vì trong số đó có nhiều người được công nhận là nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân được nhà nước tôn vinh. Trong đó cũng có cả những ông “hoàng” tự phong, hay một bộ phận khán giả “cuồng” tâng bốc…
Nghệ sỹ là người của công chúng. Tài năng của nghệ sỹ phải được công chúng đánh giá, công chúng “nuôi”.
Đừng nghĩ đến chữ nuôi mà các anh chị nhẩy cẫng lên. Nuôi là để tồn tại và phát triển. Nuôi còn có ý nghĩa nuôi chí lớn, nuôi ước mơ, nuôi dưỡng tinh thần… Người nghệ sỹ không được quần chúng ủng hộ thì anh diễn cho ai, anh hát cho ai nghe. Không diễn không hát đồng nghĩa không có được sự nổi tiếng, không có tiền, không có quảng cáo…
Đừng nghĩ có một bộ phận khán giả đã cho mình là “tài năng”, là “ông hoàng”, thì tự cao tự đại và cho là của cả nước, là “siêu” là “đỉnh”…
Tài năng là sự kết hợp giữa tính thiên bẩm và sự rèn luyện, tài năng là năng lực xuất sắc, khả năng làm giỏi và sáng tạo trong công việc… còn người không có thực lực, ít tài năng thì có thể lóe sáng ở một lúc nào đó, một lĩnh vực nào đó, cũng có thể là hợp “gu” với một bộ phận thiếu hiểu biết…
Dư luận thời gian qua rất bất bình với một bộ phận nghệ sỹ đã có những cống hiến nhất định nhưng có những việc làm và những phát ngôn không chuẩn mực, chưa xứng đáng với danh hiệu mà nhà nước phong tặng, nhân dân phong tặng.
Mình là người của công chúng, làm việc trong môi trường văn hóa phải thể hiện là mình có văn hóa để làm gương, có sức lôi cuốn, lan tỏa…
Chúng ta đã thấy đã nghe những việc làm của một số các anh chị nghệ sỹ “có tiếng”. Có điều trớ trêu là họ nói mà không dám nhận, phát ngôn ra mà lại chối bỏ đổ thừa. Họ sống nhờ vào nhân dân, vào khán giả (điều đó là tất nhiên) nhưng coi quần chúng nhân dân không ra gì. Họ còn mỉa mai, coi thường “đám quần chúng”.
Họ mỉa mai những doanh nhân giàu có, làm từ thiện hết lòng vì cộng đồng, cho những người này chỉ có ăn cướp mới giàu có.
Họ là chiến sỹ trên lĩnh vực văn hóa mà lại đi ngược lại văn hóa, làm tha hóa văn hóa dân tộc.
Nghệ sỹ hầu đồng, gọi vong thì đó không thể coi là văn hóa. Đừng đánh đồng giữa hai cái đó rồi có người hô hoán lên rằng hình thức hầu đồng của Đạo mẫu là văn hóa dân tộc, đến UNESCO cũng phải công nhận. Đây là một sự đánh tráo có ý đồ, là một sự bao biện vô lối.
Chưa hết, họ còn đem uy tín của mình để làm con tin cho lương y rởm khi xuất hiện bên cạnh ông ta trong việc chữa bệnh. Không những thế họ cũng là con bệnh, cũng “hào hứng chữa bênh”, đi theo cổ vũ… đã làm cho người dân tin, ảo tường về cách chữa bệnh của “thần y”. Rồi để họ đánh cược số phận, tiền tài.
Đáng buồn nhất là khi bà Hằng chỉ yêu cầu các ông xác nhận có đúng chữa khỏi được bệnh không thì các ông biệt tăm, mất hút. Và cũng chính vì vậy số tiền 14 tỷ kêu gọi ủng hộ bão lũ miền Trung mới được khui ra.
Lúc này “cuộc chiến” rẽ sang hướng khác chia thành 2 phe, ủng hộ người này và ủng hộ người kia. Trong “cuộc chiến” này phía những văn nghệ sỹ đã bộc lộ rõ tính thiếu chuyên nghiệp, thiếu văn hoá.
Quần chúng bất ngờ khi những thần tượng của mình làm văn hoá mà thiếu văn hoá. Họ bênh vực thiếu khách quan cũng có thể tha thứ, đằng này công chúng không thể “nuốt” được những phát ngôn của họ. Là nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, là ông “hoàng” này nọ mà lại có những phát ngôn thô tục, thiếu văn hoá? Họ coi thường nhân dân.
Họ coi những sản phẩm văn hoá họ làm ra là “thuận mua vừa bán” nghĩa là họ tài giỏi thì bán được sản phẩm chứ họ có xin đâu, có ai “nuôi” đâu. Họ còn văng tục chửi thề, còn cho là bất khả xâm phạm không ai được động đến “tổ kiến lửa” của họ.
Họ làm như mình là lãnh chúa riêng, là “trời” riêng. Chỉ có họ mới có quyền phán xét, mới được chê người khác.
Chưa hết, họ dùng những lời lẽ thô tục, chửi rủa người khác, thoá mạ bôi xấu người khác đến khi cộng đồng mạng, báo chí lên tiếng thì họ đổ thừa cho bị hack. Họ đã không dám nhận, không dũng cảm đối đầu.
Ơ thế ra những vai diễn trên sân khấu họ lại đem áp dụng diễn cho đời, diễn cho dân, những người “nuôi” họ. Thế phải chăng cái quan niệm “dân” là cái đinh gì, biết gì, là bầy đàn nên họ tha hồ làm xiếc.
Dân đã rộng lượng tha thứ khi họ quảng cáo bẩn, khi họ bị sa vào tệ nạn, tha hoá vẫn giang rộng vòng tay thì giờ họ ngông cuồng xúc phạm người khác.
Một góc khuất, một mảng tối đã lộ ra, ánh hào quang giả đã lộ ra, chất “kịch” đã lộ ra. Không thể để họ diễn từ sân khấu ra ngoài đời.
Không thể để loại kịch ấy ngấm sâu vào con em chúng ta. Bảo vệ văn hoá bằng những con người ấy thì làm sao gánh nổi.
Hãy thanh lọc, hãy làm cho môi trường văn hoá lành mạnh. Không thể để một bộ phận nhỏ làm ô uế, tha hoá văn hoá dân tộc.
Hãy thanh lọc để những hào quang giả không có đất tồn tại.
Hãy thanh lọc để văn hoá với bản chất tốt đẹp: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng lên ngôi.
NGUYỄN ĐĂNG TẤN