
CHƯƠNG 4
VHSG- Biển chiều trở gió. Gió chiều hè từ biển táp vào bờ thật hỗn tạo nên những đợt sóng vỗ bờ tung bọt trắng xóa. Nước biển bị mặt trời đun nóng suốt một ngày, giờ đang dội nhiệt lượng lên hâm nóng không khí ngay trên nó. Lớp khí đầy năng lượng này tuôn chảy vào nơi nguội hơn, đó là đất liền dọc bãi biển. Những cơn gió hình thành như thế cho đến đêm khuya, khi nước biển nguội dần sau lúc mặt trời tắt bóng. Lúc này, gió sẽ thổi theo chiều ngược lại, từ đất liền ra biển. Mặt đất giờ mới tỏa nhiệt và khí nóng sẽ từ bờ tuồn ra đại dương đang nguội.
Đưa một chiếc ca nô nhỏ rời cầu tàu đầy sóng dập vào buổi chiều thế này là cả một kỳ công. Phải gần như chĩa thẳng mũi ca nô nhảy lên từng con sóng mà thoát ra. Ca nô và người lái không khác mấy với các chàng chăn bò vùng Viễn Tây Hoa Kỳ trong trò chơi cỡi bò đầy mạo hiểm, chỉ khác là thay vì bò tìm cách hất mình xuống thì lúc này là biển. Biển không hất mà chỉ là búng tay để lật úp con thuyền. Ừ chỉ là mấy cái búng tay thôi chứ người hải hồ quá biết sức mạnh của đại dương, nên các cú tách bờ vượt sóng thế này đúng chỉ là những cái búng nhẹ.
Sau cú nẩy đánh ầm thật mạnh của lần nhảy sóng sau cùng, con thuyền bỗng như bị hỏng máy, nó lặng thinh lướt êm trên mặt biển chiều. Thế là đã vượt ra khỏi vành đai sóng rồi. Trước mặt, tám hòn đảo của Cù lao Chàm nằm thật buồn giữa biển chiều. Một chuyên gia khảo cổ biển người Mỹ sau khi được mình cung cấp thuyền bè để thực hiện mấy cuộc khảo sát đã bật ra với mình một phát hiện: “Có một trục thần thánh ở đây!”, anh ta đưa tay chỉ vào bản đồ và vạch một đường thẳng. Đúng là một trục thẳng nối liền bốn điểm linh: Cù lao Chàm – Cửa Hội – Trà Kiệu và Thánh địa Mỹ Sơn. Trước năm 1967, khi còn ở biệt kích mình đã nhảy toán vào vùng bán sơn địa vốn là chân của dãy Trường Sơn này và đã thấy các phế tích ở vùng Mỹ Sơn. Bây giờ cả vùng này nằm lọt trong tầm kiểm soát của phía bên kia rồi. Tay nghiên cứu Mỹ nọ tiếc hùi hụi khi nghe mình kể về các thánh tích ở Mỹ Sơn mà hắn chẳng kịp đến để hoàn tất nghiên cứu trục thần thánh của mình.
Ừ, mà chẳng có gì kịp hoàn tất ở đất nước này cả. Một quốc gia vội vã. Chẳng có gì đủ lâu đủ chín. Mọi cái như được nặn ra, dựng ra vậy. Mình thi đậu vào Trường Sĩ quan Đà Lạt năm 1958 thì cơ sở vẫn còn tạm bợ vì ngôi trường chỉ mới ra đời được vài năm. Tiền thân của trường là Trường Võ Bị Đập Đá ở Huế thì chỉ là dáng dấp thời Pháp thuộc, chẳng có gì để tự hào. Chả bì với các trường võ bị Mỹ mà mình theo học, truyền thống cả trăm năm và quan trọng hơn nó được sinh ra từ một truyền thống hào hùng.
Không chỉ có quân đội, quốc gia này được nhào nặn ra từ một quan điểm địa chính trị gọi là chiến lược nation-building(1). Các cường quốc phương Tây cho rằng các nước non nớt nhược tiểu cần được cấp tốc xây dựng các định chế vững mạnh giống với một quốc gia phát triển phương Tây để nó có thể vận hành được, từ đó chống sự xâm nhập của chủ nghĩa Cộng sản. Họ lập tức tạo ra một “West Point”(2) Việt Nam, rồi một trường chính trị kinh doanh như một Havard Business School, một trường Quốc gia Hành chánh… Xây gấp một Dinh Độc Lập như tòa Bạch Ốc, tạo ra thượng viện, hạ viện, tối cao pháp viện…Ý tưởng thì không tồi, nhưng điều buồn cười là đáng ra, tất cả những định chế ấy phải hình thành từ từ trong thực tiễn cả vài trăm năm như ở phương Tây, thì đùng một cái mọc ra ở Việt Nam sau 1954, mà trước đó dân tộc này chẳng biết mô tê gì về những điều này ngoài sự tài phán, giám hộ của người Pháp.
Và lúc này, cái quốc gia vội vã ấy đang… vội vã tiến về đâu đây. Mình là “Tướng” của cái quốc gia ấy, là người “dẫn đường”, là thuyền trưởng, mà sao như đi trong bóng đêm, như kẻ mù lòa thế này. Tướng mất phương hướng thế thì làm sao đưa đường chỉ lối cho quân.

Biển Đà Nẵng chập choạng chiều tối tháng 3 như nhộn nhịp hẳn lên. Các hải vận hạm, tuần dương hạm, khu trục hạm của hải quân được điều động về vùng nước này ngày càng nhiều. Các con tàu lớn thả neo xa bờ và hạ nhỏ đèn chiếu sáng để tránh tầm quan sát của trinh sát đối phương đang đặt ống nhòm từ bờ để đếm tàu và dự đoán tình hình di chuyển của quân đội. Bây giờ là lúc người ta moi tìm thông tin để dự đoán các nước đi của đối phương trên bàn cờ. Biết trước được một nước đi có thể giúp giải quyết ván cờ nhanh gọn hơn. Gần bờ một chút là vùng hoạt động của các tiểu đỉnh, di chuyển dày đặc để tuần tiễu, bảo vệ vùng nước và kết nối với đất liền. Nhiều tàu buôn của tư nhân từ Sài Gòn cũng đang kéo ra đây nằm chờ, họ chờ biến động của tình hình để kịp thời di tản tài sản hay nhân viên và gia đình đang làm việc tại đây. Một vài tàu buôn nước ngoài cũng vội vã cập bến cảng sâu ở Tiên Sa để vận chuyển những đợt hàng hóa sau cùng. Chủ tàu nằm ở Hương Cảng, Tân Gia Ba không muốn họ lưu lại quá lâu trong vùng đất đang vướng những lời nguyền này. Có một sự thiếu vắng gây buồn nhất chính là sự biến mất của các con tàu container của hãng tàu Sealand. Suốt cuộc dính líu trực tiếp của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam từ 1965 đến 1973, hãng tàu này ngày đêm cập cảng Tiên Sa để chở tiếp liệu quân trang, quân dụng cho mấy sư đoàn Mỹ trải dài từ Quảng Ngãi ra đến vĩ tuyến 17. Cái bến cảng container sầm uất nhất nhì Việt Nam này đúng vào đầu năm 1973 bỗng chỉ trong một đêm biến mất khỏi tầm nhìn của người đi biển. Người Mỹ đã rút đi. Và toàn bộ hãng tàu Sealand rút hết về Tân Cảng Sài Gòn. Từ căn cứ của Sở cạnh bến cảng Tiên Sa, khi quan sát các dấu hiệu về “chỉ số container” này, mình gần như đã biết tiến trình cuộc chiến sẽ đi về đâu.
May quá mình vẫn còn có đại dương. Cuộc sống này cần có một chỗ nấp, và chỗ nấp của mình là biển cả. Ba mươi bốn năm tuổi đời, mười bảy năm tuổi quân. Một trí thức trẻ quốc gia không vướng vấp quá khứ phức tạp của một lịch sử phức tạp. Chưa đủ lớn để theo Việt Minh hồi 1945 hay đi lính cho Pháp. Chưa kịp tuổi để tham gia một quân đội nửa nạc nửa mỡ do Pháp và cựu hoàng Bảo Đại thỏa thuận hồi 1951. Lớn lên toàn vẹn trong chủ nghĩa quốc gia của nền Đệ Nhất Cộng hòa. Là người miền Nam từ gốc. Mình là thành phần ưu tú của chế độ và của Mỹ. Tiếng Anh là ngoại ngữ chính chứ không phải tiếng Pháp như lớp đàn anh. Người Sài Gòn chứ không phải người Bắc như lớp sĩ quan di cư hay lớp tướng tá gốc miền Trung vương vấn dấu ấn thời ông Diệm. Cuộc cách mạng 1963 và những năm kế tiếp là một khẳng định rất rõ của những phân biệt này: ưu tiên cho lớp sĩ quan trẻ không vương vấn chuyện thỏa hiệp với miền Bắc mà người Mỹ gọi là chống trung lập, đẩy người miền Nam lên để chống lại sự xâm nhập của dân miền Trung và miền Bắc di cư. Ông Kỳ là thiếu tướng lúc 34 tuổi, dân Bắc: dẹp. Ông Nguyễn Chánh Thi… dân Huế: dẹp. Ông Đỗ Mậu, dân Quảng Bình: dẹp. Ông Big Minh, ông Trần Văn Đôn… giới tướng già: dẹp…
Mình là lớp thị dân yêu mến đời hải hồ và những cuộc phiêu lưu. Dân hướng đạo sinh nào cũng thế, huống hồ mình đã leo lên đến tráng sinh(3) với đầy đủ các bằng Rừng, bằng Biển(4). Binh nghiệp là một chọn lựa. Lý tưởng ư, có thể có một thứ mơ hồ về lý tưởng tự do, dân chủ nhưng thấm đẫm rất nhiều là nỗi ám ảnh mang tên “Chủ nghĩa Cộng sản”. Chưa biết đúng sai thế nào, nhưng cách mà truyền thông phương Tây nói về nó thì quả thật đáng sợ.
Ngày mình đậu vào Trường Sĩ quan Đà Lạt, chiến tranh chưa bùng nổ và binh nghiệp thật là đẹp và hào hùng. Hai năm đào tạo sĩ quan chỉ huy tốt nghiệp xong mình chọn hải quân và được đưa về học hải hành tại Nha Trang thêm hai năm. Mình đã sẵn sàng để chọn cuộc đời một hạm trưởng thì bước ngoặt chiến tranh đã lên tiếng quyết định. Cuộc chiến tranh bí mật đã bắt đầu hồi năm 1963, người ta không ngồi yên để đợi miền Bắc xâm nhập, người ta cần gởi người ra xâm nhập miền Bắc để đáp trả và con đường xâm nhập có thể là đường rừng để vào các chiến khu hay nhảy ra Bắc, hoặc bằng đường biển. Lực lượng đặc biệt ra đời dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Tình báo Hoa Kỳ. Mình được điều động vào lực lượng tinh nhuệ này, chỉ huy những nhóm Biệt hải hay còn gọi là Biệt kích biển.
Năm 1964 sau khi ông Diệm bị lật đổ, chiến dịch xâm nhập miền Bắc gặp lúng túng trong một giai đoạn đảo chánh liên hồi tại Sài Gòn, trong khi mức độ xâm nhập của quân miền Bắc ngày càng tăng mà lực lượng biệt kích nhảy toán vào chiến khu chưa mấy tinh nhuệ. Thế là thay vì ở biển mình được điều động tham gia lực lượng nhảy toán vào các chiến khu dọc theo dãy Trường Sơn thuộc Quân khu 1. Mình đã ở đây bốn năm và thâm nhập hầu hết các vùng rừng núi từ Quảng Nam đến Thừa Thiên và Quảng Trị, có lúc vượt qua vĩ tuyến 17 ở vùng núi đầu nguồn sông Bến Hải.
Ở sự cố Mậu Thân 1968, một đại tá tình báo chiến lược Mỹ được mình cứu trong một cuộc vây hãm ở đường 9 đã nhận mình làm con nuôi và ông đã yêu cầu chính phủ VNCH đưa mình qua học tại trường sĩ quan cao cấp của Hải quân Hoa Kỳ chuyên về tình báo biển. Chính hai năm sống và học tập ở các học viện quân sự Hoa Kỳ mà mình dần nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh Đông Dương này. Quả thật phải đi ra ngoài bàn cờ mới thấy rõ được thế cờ. Mọi lý tưởng minh bạch trước đây nay bỗng trở nên rối rắm, mọi cái không đơn giản như cách nghĩ non nớt của một thanh niên mang lý tưởng quốc gia chỉ biết loay hoay trong đất nước nhỏ bé, lạc hậu. Bàn cờ lớn ngoài kia và các đại kỳ thủ thế giới đang tính nước cờ khác hẳn với mấy con chốt đang hào hùng tiến từng nấc bên trong ô cờ. Choáng váng vì những hiểu biết mới, mình giật mình nhận ra: may quá mình còn có đại dương. Mình nấp vào vòng tay của biển mỗi khi quá bối rối trước những thế sự kinh hoàng đang được sắp đặt.
Chiều nay cũng vậy, sau những sắp xếp cho hành quân Thuyền Viễn Xứ, mình băng núi Sơn Trà xuống cầu cảng lúc sáng, lấy ca nô chạy vội ra biển. Đêm nay phải tránh xa thành phố Đà Nẵng đang hừng hực nóng, chẳng có mấy người Đà Nẵng yên giấc giữa cái nóng tháng 3, và tháng 3 này lại càng khó ngủ hơn vì bao nhiêu những tính toán đi, ở đang lảng vảng trong mọi gia đình.
Mặt biển lúc chiều sắp tàn lấp lánh màu hổ phách. Sóng nhẹ nhấp nhô phản chiếu ánh sáng đỏ cạch của chiều tà dưới muôn vàn góc phản quang, tạo ra bất tận những sắc độ đỏ, cam khác nhau. Ca nô như lướt đi trên một khối vật chất làm từ thủy tinh đổi màu. Tiếng lụp bụp của động cơ giữa biển trời mênh mông không có gì để dội lại nên như tan biến đâu mất. Mọi âm thanh như bị biển nuốt chửng để nhả ra một sự thinh lặng. Một thinh lặng không phăng phắc lặng mà có một chút gầm gừ, rên rỉ. Biển dù có ngủ sâu cũng thở phì phò.
* * *
“Ông Tướng, cuối cùng thì ông muốn gì ở tôi?”, cái giọng nằng nặng vùng Móng Cái sặc mùi biển của Bắc nghe mãi mà sao mình vẫn không quen được. Nhất là lần này còn gằn danh xưng “ông Tướng” đầy chất mỉa mai nữa. Tuần trước gã còn gọi mình là “ông sĩ quan”, mấy ngày nay khi thấy lính tráng thưa “chuẩn tướng” thì gã cứ nhếch mép cười khẩy mãi.
“Tôi vừa từ Đà Nẵng “bơi” ra đây, tính lên núi, tạt qua uống chén rượu với anh thôi!”, giọng mình cũng tỉnh queo, cố gắng không để gã này bắt nọn, hắn không chỉ là con “sói biển” mà còn là thứ đại ma giáo trên “thương trường” nữa.
“Vậy uống đi rồi lên núi với… người đẹp. Khà! Khà!”. Ông đừng ra vẻ thế ông bạn. Ông nắm thóp của tôi thì tôi cũng nắm tẩy của ông đấy. Năm năm dọc ngang vùng biển này với Bắc mình quá hiểu về gã. Gọi gã là dân thương hồ cũng được, dân thuyền chài cũng xong, dân đi biển cũng ổn… Nhưng trước hết gã là dân tha phương, không tổ quốc, không quê quán. Gã là một kẻ lang thang trên đại dương. Cha ông gã nhiều đời trước sinh thành từ sự hợp huyết của nhiều sắc dân thiểu số lang thang bằng thuyền trong vùng biển Móng Cái, Trà Cổ… giữa Việt Nam và Trung Hoa. Họ có thể là một thành phần trong đám giặc tàu ô từng quấy phá và thống trị vùng biển vịnh Bắc Bộ từ Bắc Việt qua vùng biển Quảng Đông đến đảo Hải Nam thời vua Tự Đức. Khi người Pháp chiếm Đông Dương đã đưa tàu ra tiểu trừ họ nhưng mãi không xong đành vỗ về, cho họ chút không gian sinh tồn trên biển và sử dụng họ trong những công việc dơ bẩn, hắc ám. Khi Việt Nam độc lập dù còn chia đôi, đám người này mất dần đất sống, nhưng họ không biến mất. Họ thay đổi bộ dạng một chút, biến thành những ngư phủ bình thường, nhưng biển vẫn thuộc về họ và họ dong thuyền lang thang khắp các vùng biển khuất, các hòn đảo hoang. Họ nói được tiếng Việt, tiếng Quảng Đông, nhiều thổ ngữ địa phương,… nên họ dễ dàng tan biến vào dân cư trong vùng biển vốn còn rất hoang sơ, thưa thớt.
Họ là hải tặc. Nói trắng ra thế. Vùng đất giáp ranh nào cũng dễ thành vô chính phủ, huống hồ vùng giáp ranh ấy lại là những vùng biển dữ, hoang vắng, dày đặc những quần đảo như vùng biển Móng Cái ấy. Kẻ lang thang không gốc tích dong thuyền ở những vùng biển giáp ranh, cộng với tình hình tranh tối tranh sáng từ những tranh chấp chính trị, quân sự; đó là công thức hoàn hảo để tạo ra hải tặc.
Chính vì gã là hải tặc mà mình mới giao du với gã suốt năm năm qua. Còn các “ông chủ” của mình thì đã làm việc với họ còn lâu hơn nữa.
“Anh cho tôi uống thứ rượu gì mà hăng thế?”, mình muốn giảm độ thách thức của câu chuyện, nhưng hình như Bắc chưa chịu buông, hắn đớp ngay: “Ông Tướng sắp sửa phải uống cả… thuốc độc nữa chứ đâu chỉ rượu đắng!”. Ừ, Bắc vừa nói đến điều cốt lõi của một… bại tướng. Hắn nói đúng, thuyền trưởng thì phải chết theo tàu, vậy thất trận thì tướng có phải tự sát không?
“Sao im lặng thế “tướng quân”, sao thế!”, hắn lại cười khà khà. Mà sao mình không thấy giận vì sự khích bác này nhỉ, mình lại cảm thấy hơi nhột nhạt khi nhớ về bộ lễ phục trắng tinh từ sáng giờ chưa kịp thay. Đúng rồi, gã chuyên “ăn sóng nói gió” này đang nói về một sự thật. Sự thật, dù là sự thật chát chúa, đối với kẻ hải hồ luôn là điều dễ nghe nhất, vì ở chốn biển dữ không có chỗ cho những uyển ngữ của sa lông. Nó là sống hay chết, thế thôi.
“Anh nghĩ, tôi…, tôi… có đáng là… tướng không?”. Mình buông một câu hỏi và thấy Bắc thoáng giật mình. À, hắn biết là mình cũng thẳng thắn không thua gì hắn, chỉ lịch sự hơn thôi. Và Bắc cũng nể trọng sự thật.
Nhìn hắn yên lặng kìa. Lại còn trầm ngâm rót rượu đưa lên môi nữa chứ. Giữa bộ ria mép dày nối tròn vành râu quai nón, đôi môi như thô hơn toát lên chất dục tình chắp chắp rượu chẳng mấy thanh tao, nhưng ánh mắt nhìn xa vào đại dương thì lại trông thật hiền lành, thậm chí có chút xa xăm. Đây là nét hào sảng vương vấn chút lương tâm, dù kiểu rừng rú của Bắc đã giúp cho cuộc hợp tác giữa mình và gã duy trì đến giờ.
“Ông sĩ quan”, hắn đổi lại cách xưng hô cũ rồi, “Tôi đầu đội trời, chân quẫy sóng biển, tôi không chơi với ai mà tôi coi khinh!”. Cảm ơn anh. Còn gì nữa nào.
“Ông đích thị là Tướng!”, gã nói rất rõ chữ tướng. “Ông xứng đáng là Tướng hơn rất nhiều gã đeo sao trong bờ kia!”.
Câu chuyện gợi nhớ về một buổi tối tháng 7 năm 1970 trên vùng biển Quảng Bình. Đúng rồi. Một đêm không trăng tối như mực. Chiếc PTF số 3 lặng lẽ rời cảng Tiên Sa lúc mười giờ đêm hướng ra biển Bắc. Vượt vĩ tuyến 17 lúc mười một giờ đêm và tiến sát vùng biển Quảng Bình đúng giữa đêm. Đại úy hạm trưởng Vũ Văn Vũ, mình còn nhớ như in chàng sĩ quan hải quân hào hoa nhưng gan dạ có cái tên đọc nhanh giống như tên của tài tử võ thuật Hồng Kông Vương Vũ nức tiếng màn bạc, cẩn thận dùng ống nhòm hồng ngoại tuyến quan sát bờ biển trước khi ra lệnh đỗ bãi. Chiếc khinh tốc đỉnh tắt máy bập bềnh nhẹ theo sóng biển êm. Năm trăm mét phía trước là quê hương “nghìn trùng xa cách”. Tim của một thiếu tá biệt kích rừng, biệt kích biển từng trải như mình mà cũng đập như sai nhịp. Bãi biển đó cũng là tổ quốc của cha ông mà sao mình lại như rình mò, như e sợ, như ngượng ngùng trước nó. Vùng đất mà thời còn học sinh ai cũng mơ màng khi nghe câu thơ “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen lá đá chen hoa” của Bà Huyện Thanh Quan, hay câu dân ca hào sảng và lẳng lơ: “Thương anh em cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”, nay chỉ còn cách vài trăm mét vậy mà không dám chạy vội đến ôm chầm lấy nó, ngược lại phải vỗ về trái tim đang co thắt vì căng thẳng. Ở đó có thể là một cái bẫy mà đối phương đang đón lõng mình, những kẻ xâm nhập.
“Thiếu tá nghĩ sao, tôi thấy tình hình có vẻ… sao sao ấy!”, Vũ hạ ống nhòm trao cho mình và đưa ý kiến. Dưới ánh sáng xanh ma quái của ống kính hồng ngoại hiện ra một bãi cát trắng tuyệt đẹp ôm theo một vạt rừng thấp. Bên trái có một núi đá nhỏ đâm thẳng ra biển. Tất cả tuyệt đối yên ắng.
“Vũ, ông có chắc đây là vị trí đỗ bãi để “trả hàng” không?”. Trước tiên phải xác định vị trí cái đã rồi đánh giá tình hình sau.
“Thưa thiếu tá, đúng tọa độ lưu trong lần “bốc hàng”, đúng chỉ dẫn “hàng” đã nói: bãi biển, cánh rừng và ngọn núi đá bên trái và đúng với linh cảm hải hành của tôi!”. Giọng của chàng hạm trưởng tài ba này tự tin thế tức là tin được. Trong chiến đấu phải đặt niềm tin vào đồng đội, nhất là đồng đội giỏi, chẳng có chỉ huy nào tự mình kiểm chứng được hết mọi việc.
“Ông cho người đưa “hàng” lên đây giúp tôi!”, mình bảo nhỏ, mắt không rời ống nhòm. Tiếng thỏ thẻ của Nụ vang lên bên tai: “Dạ ông sĩ quan muốn chi ạ?”. Mình đã nghe giọng nhiều người Quảng Bình sống ở Huế hay Quảng Trị suốt nhiều năm chiến đấu ở vùng đất này. Tất cả dường như bị “Huế hóa” hết, nó không còn nguyên bản như giọng của nàng. Một kiểu giọng tròn âm, khá rõ, tạo cảm giác dứt khoát, cứng cỏi, nhưng khi các từ nối kết với nhau thành câu thì cách nhấn nhá, nhả từ và cách vuốt cuối câu lại như tạo ra một cung bậc mới, khác hẳn. Nó như đưa đẩy, như níu kéo, như âu yếm, như dỗi hờn, như xa vắng. Lạ và làm giật bắn mình khi nó thì thầm ngay bên tai đúng vào lúc trái tim đang loạn nhịp vì căng thẳng quan sát trận địa.
“Cô xem thử có đúng là bãi biển làng cô không?”, khuôn mặt trắng như ánh trăng ngà của nàng bị chiếc ống nhòm to đùng che gần hết, dường như chỉ để lộ đôi môi cắn chặt nhưng vẫn không kìm được những run rẩy, tất cả như nhạt nhòe trong bóng đêm trông vừa tội nghiệp, vừa siêu thực, vừa liêu trai. Người thôn nữ tinh tuyền như một bông bưởi, run rẩy cầm một dụng cụ kỹ thuật hầm hố của biệt kích, nhạt nhòa trong bóng đêm trước một cuộc giết chóc. Tất cả là một sự pha trộn tàn nhẫn nhưng phi thường.
“Dạ, dạ… chắc rứa!”. Nàng nhìn lâu thế mà kết luận lại mơ hồ. Không quen đâu biết cách phân định bằng ống nhòm kỹ thuật này. “Xem hình dáng ngọn núi đi, đừng nhìn bãi biển!”, mình hơi gắt nhẹ để giúp cô ta cách định vị một cảnh quan.
“Dạ, ông sĩ quan giỏi thiệt, nhìn dáng núi em thấy quen liền!”. Giọng nàng tươi tỉnh hẳn lên, xác quyết của hạm trưởng và giọng nói này nữa là hội đủ điều kiện để kết luận rồi. “Cô trở về vị trí chuẩn bị đi!”. Ánh mắt Vũ cũng đỡ căng thẳng hơn sau xác định của Nụ. Bây giờ là vấn đề an ninh: “Ok một chuyện. Giờ chuyện an toàn ông thấy sao?”.
“Thưa thiếu tá, tôi thấy, tôi… cảm giác…”, tay này mà ngập ngừng là phải tin đấy. “Đại úy nói dứt khoát ý kiến giùm đi!”. Mình phải gắt lên, dân hải quân còn có thời gian để “thì, là, mà…” chứ dân biệt kích thì không. Nói liền, vì đó là sống – chết.
“Tôi có linh cảm không ổn!”. Tim mình bỗng như thôi nhảy loạn nhịp, nó bình thản trở lại, bản năng chiến binh là thế: chỉ căng thẳng vì cái chưa rõ, trở nên bình thản ngay khi đã biết, đi thẳng vào cái chết dễ tính hơn cái chết nhảy chụp vào mình. Khác với hồi trước 1970, hiện nay miền Bắc đã cảnh giác cao độ với việc xâm nhập từ biển vào này. Họ đã từng gài bẫy dưới dạng một thuyền chài của ngư dân, một khi các khinh tốc đỉnh tiếp cận để thăm dò thì đặc công từ dưới hầm tàu xông lên bắn thẳng và bắn gần trực diện luôn. Với cách tiếp cận đó thì ưu thế về tàu bè hay hỏa lực của lực lượng Hải tuần VNCH không còn phát huy được nữa. Cũng thế, cái bãi biển êm ắng lúc nửa đêm kia có thể đang được phục sẵn bởi vài chục dân quân với súng trường đơn sơ thôi là đủ dập tắt và bắt gọn toán đổ bộ, còn nếu họ có một khẩu DKZ(5) chống tăng loại thường thôi thì chiếc PTF hiện đại đắt tiền này có thể bị đánh chìm ngay tại chỗ khi tấp vào bãi cát ấy. Ngày mai nó sẽ được trưng lên các phương tiện thông tin toàn cầu và cuộc chiến bí mật xem như hỏng bét.
“Đại úy Vũ nghe rõ mệnh lệnh!”, giọng mình đanh lại, phải dứt khoát thế khi ra lệnh, phải lạnh và đanh để thuộc cấp sợ và tin, phải gọn để họ chỉ thi hành không cần suy nghĩ gì thêm: “Hủy lệnh đỗ bãi. Cho chiến đỉnh ở yên tại đây, tình trạng nổ máy chờ. Hỏa lực vào nhiệm sở tác chiến(6), nếu bị tấn công thì bắn trả và thoát ra. Tuyệt đối không để bị thiệt hại và để chiến đỉnh lọt vào tay đối phương!”. “Tuân lệnh!”, giọng Vũ còn thoáng chút băn khoăn nhưng chấp hành ngay. “Thiếu úy Tâm đâu!”, đội trưởng Biệt hải nhoài người lên từ phía sau gọn gàng chờ lệnh. “Cho “hàng” mặc áo phao vào, tôi sẽ đích thân đưa “hàng” vào bờ. Anh và toàn nhóm đổ bộ vào vị trí chuẩn bị tiếp cứu. Các anh không cần lên bờ!”. “Tuân lệnh, nhưng…!”, cái quắc mắt của mình làm Tâm thụt lại, một tay biệt kích giỏi nhưng chưa phải chuyên nghiệp. “Tình hình trên kia không “clear”, nên tôi quyết định chỉ thực hiện nhiệm vụ 1, nhiệm vụ 2: bãi bỏ!”. “Thiếu tá cho em trình bày?”, Tâm bối rối nói như rên. “Nói đi!”, mình thấy nó tội tội nên cũng nhỏ giọng dù có hơi gắt. “Để em thi hành nhiệm vụ được không? Em đã đổ bộ ba lần rồi!”. Nó thương và lo cho mình, huynh đệ chi binh là vậy, nhưng chỉ huy biệt kích khác với binh chủng khác ở chỗ: biệt kích là phải thâm nhập. Đây là loại chiến tranh đặc biệt. Các chỉ huy ở binh chủng khác, muốn có bằng dù thì chỉ lên máy bay nhảy dù xuống quân trường là xong. Nhưng muốn mang ensigne(7) biệt kích thì phải đặt chân vào lòng địch. Mình về nhận chỉ huy tác chiến ở Sở đã sáu tháng mà vẫn chưa đặt chân lên bờ biển miền Bắc lần nào thì nói ai nghe.
“Tâm, anh biết em lo cho anh”, mình nói thật nhẹ với chàng thiếu úy mặt còn non choẹt nhưng khá lì lợm này, nó hào sảng y như mình hồi mới nhảy toán vào chiến khu. “Nhưng, lo tốt nhất lúc này là back up thật tốt cho anh. Rõ chưa! Từ lúc anh đỗ bãi, quyền chỉ huy thuộc về đại úy Vũ, phải tuân lệnh nhé!”
Tâm vừa thụt lui xuống hầm tàu để triển khai đội hình là mình quay qua Vũ liền: “Đại úy, nếu có động, ưu tiên một là bảo toàn lực lượng nhé. Không để cho anh em biệt kích vọng động!”. Lúc mình nhẹ nhàng nhoài xuống mặt biển đen ngòm một tay ôm chiếc phao nhỏ có gác khẩu Stoner 63(8), một tay cắp ngang hông nàng mình đã thoáng giật mình vì cái ấm áp ngạc nhiên của nước biển đêm Quảng Bình. Dường như có một thoáng mình quên mất nỗi sợ, quên mất thực tại của chiến trường, nước biển ấm ôm lấy mình, nhẹ nhàng nâng mình lên, vuốt ve mình, bên tai tiếng lõm bõm của nước va đập vào phao, vào cơ thể mình, vào guồng chân mình đang bơi êm như một lời ru, tất cả như đưa mình về lại ký ức tuổi học trò với những đêm ngông cuồng trần truồng bơi ở biển Vũng Tàu. “Ui, ông sĩ quan xiết em đau quá!”, tiếng rên khẽ của nàng lôi mình về thực tại, nhưng chưa phải thực tại của chết chóc mà là thực tại của một cơ thể căng tròn mà mình đang cặp trong vòng tay. “Quên, xin lỗi, sao cô không nói! Giờ, tôi buông cô ra, cô cứ nằm ngửa, đã có áo phao, tôi vừa bơi vừa kéo, đừng sợ, càng thư giãn càng nổi, càng vùng vẫy càng chìm đấy!”. Chưa kịp dứt lời đã nghe nàng thì thầm: “Em là dân biển, em biết bơi!”. Ừ quên làng cô trong kia mà.
Cát biển vừa lạo xạo dưới chân, mình đã buông tay nàng ra, khoác chiếc phao bơi nhỏ ra sau lưng, đưa tay bật chốt an toàn khẩu tiểu liên, đứng thẳng không động đậy khi nước biển còn ngập đến cổ. Nàng thấp hơn còn bám vào vai mình thở hổn hển. Gần năm trăm mét bơi biển trong tình trạng căng thẳng là một thử thách không nhỏ. Bãi cát biển chỉ còn cách vài bước chân vẫn trống trơn khi nhìn ở cự ly gần, nhưng cánh rừng sau nó có vẻ không yên tĩnh. Mai phục, ngụy trang là cả một nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật bất động, con rắn bò qua người cũng trân mình không động đậy. Rặng cây của cánh rừng thưa đàng kia không phải thế, nó động đậy, cái động đậy không tự nhiên của cây đong đưa theo chiều gió. Có một vài chuyển động nhỏ không thuận chiều trong các lùm cây. Nhưng quan trọng hơn nữa là mùi. Mình đang ở cuối chiều gió vì gió từ bờ thổi ra. Thôi chết rồi trong một thoáng mình nghe thấy mùi thuốc lào. Trong rặng cây kia có phục kích của dân quân, du kích địa phương. Họ không đủ chuyên nghiệp để xóa hết mọi dấu tích. Mình choàng hai tay sau lưng ôm lấy nàng, ngã người ra và nói nhỏ: “Lộ rồi, nằm ngửa ra bơi ngửa để lùi lại!”. Khi cả hai vừa đạp được vài cú búng chân thì đạn bắt đầu nổ, một đám đông tràn ra từ cánh rừng, vừa chạy băng bãi cát vừa la hét vừa vãi đạn ra biển. Với lưới lửa và tầm bắn này mình biết là không thể bơi thoát ra năm trăm mét nữa mà còn toàn mạng! Hét vào tai Nụ: “Cởi áo phao vất đi, lặn sâu xuống theo tôi!”. Mình kéo nàng lặn sâu xuống thoát khỏi vị trí đã bị phát hiện, không theo hướng trở ra biển mà lệch về bên trái tiến về hướng mỏm núi đá quan sát ban nãy. Khi cả hai nổi lên để lấy hơi mình nhận ra đã thoát khỏi vị trí của tầm đạn giao tranh giữa bờ biển và chiến đỉnh bên ngoài. Nương vào bóng đêm, mình kéo nàng lặng lẽ bơi về các ghềnh đá ở chân núi. Phía sau, chiến đỉnh đã chấm dứt giao tranh lặng lẽ biến mất trong màn đêm, trên bờ vài phát đạn lác đác bắn vu vơ. Vậy là Tâm đã tuân lệnh hạm trưởng. Bây giờ chỉ còn cầu cho các du kích này không đủ kinh nghiệm để nhận ra có hai kẻ xâm nhập còn mắc kẹt lại trên bờ này.
“Năm năm rồi nhưng tôi chưa quên món nợ với anh đâu, anh Bắc!”, mình nói và nhớ như in hai ngày đêm trân mình trong những hốc đá bên bờ biển Quảng Bình đó. Cả vùng bờ biển đã được báo động vì biệt kích thâm nhập nên đêm nào du kích cũng tổ chức đi tuần. Họ cũng có tổ canh gác ngay trên đỉnh ngọn núi đá nữa. Không có nhiệm vụ giải cứu nào dám thực hiện cho đến khi tình báo Mỹ nhờ đến Bắc. Bằng một chiếc mảng nhỏ (9) dong buồm y như của ngư dân vùng biển này, Bắc từ tốn đi bủa lưới cận bờ và giữa thanh thiên bạch nhật đưa chiếc mảng đến sát ghềnh đá, lợi dụng du kích không tuần tiễu ban ngày để đón và vớt mình và Nụ trở ra.
“Tôi không cứu ông, tôi cứu một người lính can đảm và một người đẹp. Khà, khà… Tôi cũng thích ông từ sau vụ đó đó, ông sĩ quan, ông tướng”. Hắn lại cười hềnh hệch…
LƯU VĨ LÂN
(Còn tiếp)
________
(1) Một chiến lược xây dựng cấp tốc các quốc gia nhỏ vừa ra khỏi tình trạng thuộc địa do phương Tây đề xuất để chống lại khối Cộng sản.
(2) 1 Học viện quân sự hàng đầu của Mỹ chuyên đào tạo các sĩ quan ưu tú.
(3) Một bậc của Hướng Đạo sinh cũ gồm: Sói, Thiếu, Tráng .
(4) Các loại thử thách kỹ năng trên rừng, biển, cứu thương… mà Hướng Đạo sinh phải trải qua.
(5) Súng chống tăng do Liên Xô sản xuất từ năm 1954.
(6) Thuật ngữ vào vị trí chiến đấu của hải quân VNCH.
(7) Tiếng Pháp: huy hiệu.
(8) Súng tiểu liên chuyên dùng của biệt kích.
(9) Một loại thuyền ghép bằng tre ngư dân miền Bắc thường dùng vào giai đoạn đó.
XIN XEM:
>> Ngẫu tượng – tiểu thuyết Lưu Vĩ Lân – Kỳ 1
>> Ngẫu tượng – tiểu thuyết Lưu Vĩ Lân – Kỳ 2
>> Ngẫu tượng – tiểu thuyết Lưu Vĩ Lân – Kỳ 3