Tùy bút Hoài Thu: Mùa thu ấm lửa những yêu thương

Mùa thu về, nắng thường nhẹ nhàng và không đủ sưởi ấm không gian, âm thanh thì thưa thớt cứ vọng vào những buổi chiều làm lòng người càng thêm xao xuyến. Mùa thu về lúa chiêm đang trải thảm vàng trên khắp các thửa ruộng bậc thang. Hai bên vệ đường đi, hoa ngũ sắc kết quả chùm chùm, hoa lau phất phơ trong gió, hoa xuyến chi rập rờn như hàng ngàn con bướm trắng tung tăng.

Trong không gian của ngôi nhà sàn đã cũ, người mẹ già ngồi chải tóc bên mái hiên. Mái tóc trắng và thưa không đủ quấn cho một vòng bàn tay, lơ thơ, sợi dài sợi ngắn nên chỉ đành buộc chúm lại, vắt lên đỉnh đầu cho chồng con khỏe mạnh và gia đình ấm êm.  Rồi mẹ đi thổi xôi trong chiếc “hày nửng khẩu” (dụng cụ đồ xôi bằng gỗ, hình trụ). Cái hày đen bóng và mòn vẹt vết bàn tay. Đôi bàn tay mẹ già nua xương xẩu, nhưng nhanh và dứt khoát đảo chiều cái hày để đổ ụp phần cơm xôi ra cái mẹt, trên có lót tấm tải dứa con con mầu trắng. Rồi thì là một tay đảo xôi bằng chiếc đũa cả, một tay quạt cho hơi nước bốc lên. Bàn tay dẻo như múa vậy!

Tác giả Hoài Thu (Đặng Thị Thu – Trường THCS thị trấn Sông Mã – Sơn La)

Mẹ luôn chút chiu, vuốt ve những hạt cơn xôi tròn lựng, trắng ngà, thơm dẻo cho cả  nhà quây quần bên nhau vào bữa sáng, bữa tối hay những nắm cơm xôi ăn vội như lọt thỏm vào dạ dày của bọn trẻ con sau một buổi sáng đến trường. Nhúm một chút xôi bỏ vào lòng bàn tay, vo vo thêm vài điệu, chấm vào bát “chẳm chéo” (Món chấm được làm từ muối, tỏi, ớt, rau thơm giã nhỏ) đưa lên miệng thưởng thức thấy thơm thơm mà  ngầy ngậy nơi cuống lưỡi đầu môi. Bữa cơm xôi đầu mùa ăn với  đĩa rau cải mèo nộm với gừng non và vài lá tỏi tía; bát canh rau rền lẫn rau sam non ngoài bãi nghe vị bùi thơm của rau rền, vị chua mát của rau sam khiến những người xa quê nhớ đến nao lòng.

Cũng dưới mái hiên bếp nơi mẹ hay ngồi hong nắng, mẹ đang làm măng muối chua để ăn vào những ngày đông giá rét. Bốn chiếc chum sành to đặt ở góc gian bếp dùng để muối măng chua sẽ được cho thêm măng cho đến khi đầy. Măng hái trên nương về rửa rồi để ráo, dùng chày đập rập rồi cho vào nước măng cũ. Măng được ủ ròng suốt mấy tháng, ủ lâu đến độ mà nước măng ngả một mầu trắng đục, sánh như nước cháo loãng. Từ cuối thu đến đầu giêng những đĩa măng lay, măng hốc luộc chấm chẳm chéo ăn ngọt mát sẽ được thay thế bởi bát canh măng chua nấu cá. Hoặc giả thử như không có cá thì một đĩa măng chua xào mỡ cho thật nhiều rau thơm cũng đủ cho cả nhà xơi hết vài “ếp” (Dụng cụ đựng xôi, đan bằng tre nứa) cơm xôi.

Chiều muộn, vài đám mây trắng ùn lên trên nền trời xanh ngắt. Lát sau, phía dưới đám mây trắng mặt trời hắt lên những tia sáng hình nan quạt làm bức tranh mây thêm phần rực rỡ. Lúc mà ánh sáng ban ngày chuẩn bị nhường cho màn đêm buông xuống là lúc cha, vai đeo túi vải chàm, lùa đàn dê về chuồng, trong chiếc túi vải chắc hẳn sẽ có một ít củ đậu, một ít mắc xim đầu mùa.

Về đêm, cả bản chìm trong màn sương mờ đục. Vài câu trẩu, cây lát đứng sừng sững bên cạnh các lối đi, tỏa bóng đen ngòm xuống những ngôi nhà nhỏ vàng vàng ánh đèn điện. Trong tiếng học bài của trẻ nhỏ, tiếng phim truyền hình “Cô dâu tám tuổi” mà các bà các bà các chị mê thích, cha xách ấm trà nóng xuống bếp ngồi cạnh mẹ đang bận làm khăn piêu.

Ngồi lâu lâu cha nói với mẹ:

– Ngày hai mươi tháng mười này tốt ngày tôi tính làm cái lễ cơm mới cho năm nay bà ạ. Năm nay, nhà mình thu hoạch không được nhiều nhưng vẫn phải làm mấy mâm cỗ để còn cúng ông bà, đón các con và mời anh em thân thiết. Ngày mai bà đào ít củ sắn về nấu rượu, sáu ngày nữa có kịp không? Rồi ta lại tháo cái ao chỗ nhà bác Diện lấy cá làm nhé.

– Thì ông cứ làm thế đi, mai tôi đi đào sắn là kịp mà, kì này gọi các con về hết cho vui ông ạ.

Cha mẹ là như vậy đấy, cả đời nông dân nghèo lắm, nuôi con khôn lớn cho ra ở riêng rồi mà lúc nào cũng nghĩ phải có gì cho thêm bọn chúng làm vui. Để rồi ở một góc bản nhỏ lại được thậm thịch tiếng thớt chày, lại được khói tỏa nồng nàn để chế biến các món ngon từ cá. Món pà pỉnh tộp (cá nướng uốn) đậm đà vị mắc khén, thơm thơm; món gỏi cá có hoa chuối trộn nước măng chua, vị ngọt ngon;  món cá trộn sả ớt nướng trong lá chuối ăn với lá sung non vị cay bùi, nồng đượm.

Mùa thu, những cơn gió heo may tràn về thường khiến lòng người mang một nỗi buồn man mác. Nhưng ở một bản nhỏ vùng cao này, chúng tôi lại ấm lửa những yêu thương mỗi độ thu về.

 HOÀI THU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *