Ý nghĩa bài thơ trên chiếc ống điếu của vua Hàm Nghi

Chiếc ống điếu này do cô Amandine Dabat – hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi – tặng lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

Chiếc ống điếu này được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác như một kỷ vật quý giá của nhà vua.

TS Amandine Dabat trao tặng chiếc ống điếu hút thuốc của vua Hàm Nghi cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Ảnh: Lê Thanh Phong

Ống điếu cao 20,1cm, sâu 8,8cm, được vua Hàm Nghi đem theo từ Việt Nam sang Algers. Thường ngày, vua Hàm Nghi dùng chiếc ống điếu này để hút thuốc. Trên chiếc ống điếu còn được khảm một bài thơ bằng chữ Hán.

Bài thơ đầy tâm trạng của một vị vua yêu nước bị lưu đầy. Xin được giới thiệu bản dịch, chú thích và giải nghĩa bài thơ của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung.

Tể tướng điều canh thủ,

Tướng quân hữu khát tâm.

Mai hoa tu đắc đáo,

Hoằng hạc hữu tri âm.

Dịch nghĩa:

Tể tướng dùng để điều hòa công việc,

Tướng quân dùng để an úy tâm can.

Hoa mai có được sự tu chỉnh (được phẩm cách),

Hoàng Hạc có được tri âm, tri kỷ.

Dịch thơ:

Tể tướng điều hòa việc,

Tướng quân an ủi lòng.

Hoa mai thanh khiết đạt,

Hoàng Hạc được tri âm.

Giải thích điển tích điển cố trong 4 câu thơ:

Câu 1 là một điển tích xưa của Trung Quốc nói về vị trí tể tướng, người bên cạnh giúp vua, ví họ như người nêm canh (điều canh thủ), giúp nhà vua điều hòa mọi việc. Ở đây, khi dẫn dòng thơ này, có thể đã ẩn dụ về cái ống điếu có thể giúp điều hòa mọi việc.

Câu 2 là tích từ câu: Tướng quân chỉ khát sơn nam bán/ Tướng công điều đỉnh điện đông sương将军止渴山南畔/相公调鼎殿东厢: Tướng quân chỉ thích bên sườn Nam sơn/ Tướng công  điều hòa cái đỉnh ở chái đông cung điện). Hai câu này trong bài thơ Tối cao lâu (最高楼: Lầu cao chót vót) của Tân Khí Tật (1140-1207) đời Tống. Cái đỉnh xưa có nghĩa là cái nồi, nghĩa là câu 2 cũng trùng ý với câu 1 với ý nghĩa là điều hòa mọi sự…

Câu 3 là tích từ câu thơ: Phẩm cách mai hoa tu đắc đáo / Hảo yêu minh nguyệt chứng tiền thân (品格梅花修得到 /好邀明月证前身: Hoa mai có phẩm cách có thể tu chỉnh được / Mong được trăng sáng chứng thực từ đời trước) trong quyển 3 Vị Thanh Đường thi sao (味清堂詩鈔)

Câu 4 là tích từ bài thơ Tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng lăng của Lý Bạch, với câu đầu là Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu… Đây là hai thi gia có tình tri âm tri kỷ sâu sắc mà người đời sau khi nhắc đến lầu Hoàng Hạc thường chỉ đến tình tri âm…

LÊ THANH PHONG

Báo Lao Động 01.2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *