Chương bốn
Trần Lãm trao quyền bính
1.
VHSG- Lãm người gốc Hán, quê ở Quảng Đông, cha là Trần Công Đức. Đức sang Tĩnh Hải Quân lập nghiệp vùng Bố Hải Khẩu. Thời xa xưa, vùng này là Kẻ Bo, cửa bể, nhận nước từ sông Hồng đổ ra. Dần dần, người kéo nhau đến khai phá, quần tụ nên đông, lúa nhiều, cá lắm. Nhờ sức dân cần cù, nên đất đai ngày càng trù phú.
Lãm kế nghiệp cha, thấy Cổ Loa nghiêng ngả, bèn mộ quân luyện binh cát cứ một vùng, xưng là Trần Minh Công. Từ khi quân Cờ Lau sang nương tựa, lại càng làm cho thế lực của Lãm trở nên hùng hậu.
– Minh Công được lòng người, bởi thuận lẽ giời, – lão Bộc chắp tay đứng bên giường bệnh, từ tốn nói. – Dân Bố Hải Khẩu, ai ai cũng coi như cha vậy!
– Đấy là nhờ hồng phúc của Ngô Tiên Vương. – Lãm khó nhọc đáp một cách khiêm nhường, – chứ cứ như kẻ mọn này, thì đáng gì.
Lãm húng hắng ho, kẻ hầu bưng cái ống nhổ bằng đồng miệng loe, cổ thót, bụng phình, nom như quả bầu, kề đầu giường. Bộ Lĩnh khẽ khàng đỡ vai cho nhạc phụ nhỏm dậy mà nhổ. Một đứa hầu lấy khăn lau miệng cho chủ. Mấy giọt đờm dính trên bộ râu bạc, Bộ Lĩnh vội lấy ống tay áo ra lau. Các quan nhìn thấy, ai cũng cảm động. Lãm hài lòng ra mặt, trỏ rể quý, rồi nhìn các quan, chậm rãi nói:
– Bộ Lĩnh là nha tướng của ta, lại là giai tế(1). Nhưng, hai ta cũng làm thông gia với nhau, – Lãm cười khùng khục, ai nấy cười theo và đưa mắt nhìn nhau, đầy ý tứ.
– Bộ Lĩnh hơn ta, rồi ra, sẽ là minh quân của dân ta, – Lãm cười móm mén, vẻ mãn nguyện.
– Mạt tướng đâu dám vô lễ, – Bộ Lĩnh vội quỳ xuống, chắp tay cung kính.
– Thuở hàn vi đã được Ngọc khuê, lại cưỡi Rồng qua sông, Ngô Tiên Vương lại ban cho Nhiếp thứ sử, Ngự phiên đô đốc. Quả là ngài nhìn xa trông rộng, – Lãm nhìn Bộ Lĩnh trìu mến. – Khi xưa, ta bảo, sang đây là để rồng ấp là gì, – Lãm lại cười rạng rỡ.
Vẫn chắp tay, cúi đầu, đáp lại tấm lòng của ân nhân, cũng là bố vợ, lại thêm tình thông gia nữa, Bộ Lĩnh trịnh trọng nói:
– Nhờ Minh Công cùng với dân kẻ Bo cho nương nhờ, mới có hôm nay.
– Cũng là ông giời xui khiến cả thôi. – Lãm cười cười, đôi lông mày dài thõng xuống như lá liễu, – nay ta đã được phụ thân báo mộng về đón rồi. – Lãm cụ cựa lưng trên tấm gối dựa đầu giường, – vậy, từ năm Đinh Mão này (967), có giời chứng giám, ta ủy thác binh quyền, cơ nghiệp cho Đinh Bộ Lĩnh.
Nghe vậy, cả bọn ồ lên, vừa kinh ngạc, vừa vui mừng. Bộ Lĩnh vội giập đầu xuống nền nhà lát gạch nung, tứa máu trán, kêu to:
– Rể hèn, đâu dám thế!
Lãm giơ tay, ra hiệu cho các tướng đỡ Bộ Lĩnh đứng dậy, rồi lại vẫy tay gọi các con, các cháu đến bên, vẻ âu yếm, hiền từ:
– Các con, các cháu là con cháu ta, nay cũng là con cháu Bộ Lĩnh. Giời cho phúc ấm, mai ngày nên cơ đồ, hẳn là phò mã, – Lãm chỉ tay vào bọn Thăng, Thái. – Rồi thì hoàng hậu, – Lãm lại chỉ tay vào Trần nương. – Vậy, liệu đường mà ăn ở, nhớ thuở hàn vi, thương yêu lấy quan, quân, dân chúng thì phúc mới trường…
Bộ Lĩnh và đám con cháu chưa kịp nói câu cảm tạ, thì Lãm đã lừ đừ xỉu dần, rồi tắt thở.
Nghe tin Trần Lãm qua đời, quan, quân, dân chúng khóc ầm cả vùng kẻ Bo.
2.
Đinh Bộ Lĩnh đứng lên lo liệu tang lễ cho Lãm thực linh đình, theo cổ tục người Hán, lại đáp ứng được tình cảm của dân chúng kẻ Bo, nên ai cũng thấy mãn nguyện, lại càng thêm nể kẻ kế nghiệp, nối quyền.
Bộ Lĩnh, ngoài mặt thì phải tỏ ra đau thương của đạo làm con, nhưng trong lòng như lửa đốt. Tin tức các nơi dồn dập báo về: nào là, Ngô Xương Xí ở Bình Kiều chém sứ giả, tỏ ý tuyệt giao; nào là, Lã Đường ở Tế Giang đi đánh Đỗ Cảnh Thạc ở Thành Quèn, nhưng lại bị thất bại; nào là, Kiều Công Hãn chạy khỏi Cổ Loa, nhưng lại dẫn quân đánh Nguyễn Khoan ở Tam Đái, cũng bị thua đau; rồi thì, Nguyễn Thủ Tiệp ở Tiên Du đã giết Dương Huy và cướp đất, lại còn ngang nhiên xưng vương nữa… Nếu ta không sớm lo củng cố Bố Hải Khẩu, thì nhân lúc tang gia bối rối, chúng sẽ đánh úp, khó trở tay. Mà dày công quá, lại e miệng thế đồn thổi, con rể chiếm đất bố vợ. Nay mà cất quân ra Cổ Loa cũng được, bởi đã phao tin đón Xí về kế ngôi, nhưng tự nó đoạn tuyệt. Chỉ e, đất cố đô ấy trống trải quá, phòng thủ không tiện. Thế thì chỉ có đường về Trường Châu là hợp. Đấy là nơi ta dấy binh khởi nghiệp. Vả lại, nghe Tú nói, thành trì, doanh trại, đền đài cũng đã tươm tất cả rồi.
*
Một hôm, Bộ Lĩnh mời các quan lại nghị bàn, chuyện định nơi cát cứ. Điền nói:
– Ta nên lên Cổ Loa, sẵn Thành Ốc, đỡ khó nhọc, mà dân lại lành, thủy bộ đều thuận lợi. Các đời vua từ Thục Phán đến Ngô Quyền, đều đóng đô tại đấy, từ quan chí dân phép tắc đã thuần.
– Gớm, hôm nay sao huynh trưởng cỏ vẻ thông tỏ địa lý, tới phép an dân trị nước làm vậy, – Bặc cười nói. – Nhưng chỗ ấy, phòng thủ không thuận như Trường Châu – Yên Thành ta đâu.
– Trường Châu thì lại phải nhọc công dựng lầu xây thành, – Điền vặc lại.
– Cái này, Trịnh Tú đã làm hòm hòm rồi, – Cơ lên tiếng. – Cổ Loa cũng tốt, nhưng là đất kinh đô của nhà Tiền Ngô, Hậu Ngô, nên thể nào Ngô Xương Xí cũng quay về, lòng dân vẫn còn hướng về nhà Ngô. Nếu ta đóng đô ở đấy, sẽ bị lấp bóng. Chi bằng, giở lại Yên Thành- Trường Châu của ta gây dựng…
– Lão thấy ông Bặc, ông Cơ nói phải, – lão Bộc cũng lên tiếng. – Chả đâu bằng cái quê nhà mình. Trường Châu với Đại Hoàng chỉ cách một con sông. Quan, quân ta, phần đông quê ở đấy cả, còn một phần gốc gác châu Hoan, châu Ái, nay lại có thêm người kẻ Bo. Về sau, kẻ nào đánh thành, thì quan, quân tất gắng giữ, bởi giữ được thành cũng là giữ được quê rồi.
Các quan nghe vậy, ai cũng lấy làm hỉ hả.
– Hay là, ở quách đây cho xong? – Điền lại bàn ngang. – Ít ra cũng được hơn chục năm gắn bó, nhiều người đã lấy vợ sinh con ở kẻ Bo này rồi.
– Đây là đất hương hỏa của Trần Minh Công để lại, có từ thời ông cụ thân sinh từ Quảng Đông sang kia. – Lão Bộc khuyên can, – chớ phạm vào, mang tiếng.
– Nhưng Minh Công đã giao tất cả cho hiền đệ rồi mà, – Điền quay sang Bộ Lĩnh, tìm sự đồng thuận. – Vả lại, đệ là giai tế, cũng có phần chứ?
Ngẫm nghĩ hồi lâu, Bộ Lĩnh mới chậm rãi nói:
– Anh em, bằng hữu, lão trượng nói, đều có lí cả. Nhưng khi ra đi, ta đã có ý sớm muộn cũng về lại Yên Thành – Trường Châu, nên cắt đặt Trịnh Tú ở lại luyện quân Thung Lau, trấn giữ Đại Hoàng, xây dựng Yên Thành. Lưu Cơ cũng đã xem, thấy tốt đẹp cả. Vậy, ta phải về đấy, nhưng Cổ Loa, Đại La, Kỳ Bố cũng phải để tâm. Bây giờ, hai anh em ở lại. – Bộ Lĩnh trìu mến nhìn Thăng, Thái, – đặng trông nom phần mộ Minh Công, tu bổ bản phủ, vỗ yên dân chúng. Lưu Cơ với Đinh Liễn đi thị sát Cổ Loa, Đại La để tính kế lâu dài. Nguyễn Bặc đốc thúc chuyển đại bản doanh về Yên Thành.
– Hẳn lại là hai cánh thủy, bộ như xưa, – Điền cười nói.
– Phải! – Bộ Lĩnh hồ hởi, quay sang Bặc, – ông Bặc này, giao cho bác Điền đường thủy nhá. Chuyến này mã hồi, lại có món cá rô Trường Châu chờ đợi bấy lâu, hẳn là ba quân hể hả lắm đây?
Bặc, Điền nuốt nước miếng, y lệnh.
Lão Bộc và Đỗ Thích giúp các phu nhân và con cháu cùng chuẩn bị, chờ ngày tốt xuất hành.
3.
Lưu Cơ và Đinh Liễn cùng tuổi Canh Tý (940), nhưng Cơ biết phận, nên luôn nhún mình làm kẻ dưới. Bởi Cơ hiểu, Bộ Lĩnh có sao Thiên mã chiếu dẫn, lại được Ngọc khuê, Rồng vàng phù trợ, anh hùng cái thế, đứng ngôi Thiên tử. Như vậy, Liễn ắt kế ngôi, nên đạo vua tôi phải rõ ràng, nhưng tình cảm cần thân mật.
Một hôm, cả hai đang ruổi ngựa trên đường lên Cổ Loa, Liễn thân tình bảo:
– Anh em ta cùng cầm tinh con chuột. Vậy, kết nghĩa anh em cho mạnh cánh.
Cơ nghe vậy thì hoảng sợ, vội kiếm cớ lảng chuyện:
– Đất châu Ái, có tay Lê Hoàn, cũng chỉ kém anh em mình một tuổi, nhưng mạnh chân khỏe tay lắm..
– Hắn cầm tinh con lợn, Kỷ Hợi (939). Tôi cũng nghe đồn, hắn chiêu binh mãi mã ghê gớm lắm. Hẳn cũng là anh hùng đời nay, nên tôi được lệnh thu phục. Nhưng qua trận vừa rồi, nếu như không có thằng Bò Đen, thì chắc gì Lê Hoàn đã sống nổi? – Liễn tỏ ra thạo đời.
– Tuổi ấy, ví như có chí, mà giời đất phù hộ, thì đường quan lộ cũng hanh thông, phát đạt, – Cơ cố phụ họa, khiến Liễn quên đi cái chuyện kết nghĩa huynh đệ vừa mới khơi ra. Nhưng không dám nói chuyện Lê Hoàn, cũng được rồng ấp thuở hàn vi, sợ Liễn ngờ.
– Hồi bị giam lỏng ở Cổ Loa, nghe đồn, dân chúng đào ao, thấy cả kho mũi tên đồng, – Liễn khoe.
– Thế hả, – Cơ hào hứng. – Chuyến này, ta sẽ rinh về Yên Thành. Chủ tướng hẳn sẽ hài lòng.
– Sợ gỉ cả ra rồi, – Liễn thấy Cơ có vẻ thích thú, nhưng sợ kẻ mừng hụt, người nói hớ, nên tỏ ra phân vân.
– Trong cả đống, ngoài cái gỉ, ắt có cái lành, – Cơ hiểu ý, nói câu động viên. – Có khi, ta học cách đúc lại, thì còn sợ gì lá chắn, áo giáp của quân địch nữa.
Mới đây, Liễn theo cha đánh lấy Cổ Loa, nay trở lại, khác nào về nhà mình. Quan, dân trong thành, sợ uy Đinh Bộ Lĩnh, nay gặp Liễn lại càng vồ vập. Liễn dẫn Cơ đi xem dân Mạch Tràng làm bún. Cơ ăn bát bún xào cần, khen ngon. Thấy vậy, cô hàng bún lấy cái thúng khảo, lót lá ngái, rồi xếp con bún đầy có ngọn, mang biếu. Cơ cả sợ, không dám nhận:
– Tướng quân Đinh Bộ Lĩnh đã dạy, không được lấy của dân.
– Phải, – Liễn đế theo. – Dân khó nhọc mới làm ra hạt gạo tai hồng, rồi thì xay, giã, ủ để có quả trùng, mới vắt thành sợi bún. Chúng tôi chỉ dám nếm thử, chứ ai lại lấy cả thúng thế vầy.
Đám dân thấy vậy, lại xúm cả vào dâng bún. Không lấy thì sợ mang tiếng phụ lòng dân. Hai bên đưa đi đẩy lại mãi, cuối cùng Liễn đành cảm tạ, rồi cho lính đội về thành, để quan quân cùng thưởng thức.
Liễn lại đưa Cơ đi xem nơi làm Bỏng Chủ, thấy cách làm cầu kỳ, nếm thử thấy ngon, mà không dám khen, sợ dân lại biếu thì phiền. Trên đường vào Thành Nội, Cơ bảo:
– Tôi thấy, cái anh Bỏng Chủ này, chế làm lương khô cho quân thì tốt.
– Phải! – Liễn toan nói cách chế, chợt thấy bọn trẻ tắm thùm thũm dưới Giếng Ngọc, bèn dừng lại, chỉ cho Cơ xem, rồi nói, – đây, gọi là Giếng Ngọc.
– Ối, giời! Tôi có nghe truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy, nhưng không ngờ cái giếng lại to như ao làng thế vầy.
Một thằng bé lặn cắm đầu, chổng mông lên chơi trò “trồng cây chuối”. Lúc ngoi lên, nó trên tay cầm theo cái mũi giáo đồng, vừa vuốt mặt, vừa khoe ầm lên. Cơ thấy lạ, vẫy nó vào và cầm xem:
– Cái này, lắp vào gậy tre thì thành cây giáo, có thể đâm xuyên áo giáp như bỡn, – Cơ tâm đắc, đưa cho Liễn cùng xem.
– Nghe nói, dân mò được cả lưỡi rìu đồng nữa kia, – Liễn khoe. – Cái này cũng dùng trong quân được.
Cả hai mải nói chuyện, lúc quay ra thì bọn trẻ đã ôm quần áo chạy nhông nhông, không dám ngoái lại. Nhưng hôm sau, Cơ bàn với Liễn, bảo bọn xã quan, kỳ lão nhờ bọn trẻ, tìm được một đống to như thóc ngày mùa, toàn là mũi tên đồng, lại thấy cả khuôn đúc nữa. Bọn trẻ này, xó xỉnh nào cũng đào bới, mò mẫm, nên khám phá ra những kho báu của tiền nhân gửi lại hậu thế. Bởi vậy, ai được lòng trẻ con là thuận ý trời, lấy được thiên hạ. Về sau, Bộ Lĩnh lấy được thiên hạ là nhờ có đám mục đồng.
Trước khi đi La Thành, Liễn sai lính đóng lô mũi tên đồng và khuôn đúc vào thùng gỗ, cho ngựa thồ về Yên Thành..
Cơ và Liễn vãng cảnh Đại La, lòng thầm khâm phục Cao Biền. Chỉ có điều không ưng là, tại sao lại làm các cửa thành đều hướng về phía bắc? Cơ nghĩ thầm, phải tay ta, sẽ xoay lại hướng nam, hướng về Đại Hoàng, Trường Châu…
Cả hai bơi thuyền chán trên sông Tô Lịch, lại chạy ngựa ra hồ Lục Thủy(2), rồi chèo thuyền ra sông Hồng, đến bến Lâm Ấp thì rẽ vào đầm Xác Cáo. Cơ bảo với Liễn:
– Nghe nói, ở chùa Khai Quốc kia, – Cơ chỉ về mom đất nhô ra ven hồ, – Hòa thượng Ngô Chân Lưu là cháu nội Ngô Tiên Vương.
– A, thế là thằng Tỷ, anh thằng Xí, – Liễn bỗ bã nói, tỏ ra tường tận về con cháu nhà Ngô thất sủng.
– Hay là, ta ghé vào, nhề! – Cơ dò ý.
– Cái đám thầy chùa này vô tích sự, – Liễn chép miệng, vẻ ngán ngẩm. – Ông thích thì cứ vào…
*
Nhác thấy con thuyền có quan và lính lố nhố trong khoang, đang hướng mũi vào chùa Khai Quốc, chú tiểu chạy vội vào bẩm. Hòa thượng bảo:
– Con ra xem, thuyền ghé bến đền thì mời chảo, đón khách.
– Biết là ai mà đón ạ?
– Ai đến chùa cũng là khách. Đã là khách thì đến phải đón rước, về phải đưa tiễn.
Chú tiểu chạy ra, vừa lúc con thuyền cập bến. Một chú lính cầm cái mỏ neo bằng gỗ lim, nhảy lên bờ, bập vào cạnh gốc cây si già. Cả bọn lục tục bước lên tấm ván gỗ, đỡ nhau bước lên vạt cỏ. Chú tiểu chắp tay chào khách.
Lưu Cơ cất tiếng hỏi:
– Chúng ta muốn xin vào chùa, vấn an Hòa thượng?
– A Di Đà Phật, Hòa thượng có lời mời các quan vào trai phòng.
Liễn tò mò nhìn đám cành lá lòa xòa mặt sóng, như kiểu trẻ con nghịch nước, lẩm bẩm: “Lá ngâm nước mà không thối”. Hòa thượng thân ra đón khách, nghe vậy, nhưng sắc mặt vẫn không thay đổi. Lưu Cơ giới thiệu danh tính hai người. Hòa thượng reo lên:
– Bần tăng nghe quý danh đã lâu, nay mới hạnh ngộ, thực là phúc lớn lắm thay!
– Chúng tôi cũng biết ông đấy! – Liễn bỗ bã chào mà như dọa, – anh thằng Xí, phỏng?
– A Di Đà Phật, bần tăng biết chuyện bất hạnh của sứ giả ở Bình Kiều, nhưng kỳ thực là do viên Thái úy, chứ… – Hòa thượng nghẹn lời, như vẻ mình cũng có lỗi.
– Phải, nhưng bữa nay, anh em tôi lĩnh mệnh chủ tướng Đinh Bộ Lĩnh, đi thị sát Cổ Loa, Đại La, nên tự tiện đến vãng cảnh chùa, vấn an Hoà thượng, chứ không có ý gì.
Lưu Cơ vội vàng biến báo, khỏa lấp và đưa mắt nhìn Liễn, có ý nhắc nhở sự hòa nhã. Nhưng Liễn thấy mà vờ như không, vẫn trân trân. Lưu Cơ và Chân Lưu đều hiểu là Liễn vẫn bực chuyện Ngô Xương Xí xử tệ với sứ giả của Đinh Bộ Lĩnh và chuyện bản thân bị Ngô Xương Ngập bắt làm con tin năm nào.
Chú tiểu dâng trà ướp hương sen. Cả ba trở lại thư thái hơn. Cơn gió đầm Xác Cáo thổi một hơi dài, như giải nồng, xua đi cái ngột ngạt tự trong lòng người. Ngồi trong trai phòng, mà có thể nghe rõ tiếng sóng ì oạp vỗ quanh chùa và tiếng bọn lính tát nước bì bũng ngoài khoang thuyền.
– Chùa thanh, cảnh tĩnh, khiến lòng người cũng thảnh thơi như thoát khỏi trần tục, – Cơ lựa ý, gợi chuyện.
– Bần tăng ở chốn này, có làng Long Đỗ, tức là nơi rốn rồng, ngay gần bến Lâm Ấp kia, Hoà thượng chỉ tay ra đầm. – Thiển nghĩ, đất Đại La này có rồng ẩn đâu đó, nhưng chưa thấy bay lên, hẳn còn chờ người mang mệnh lớn. Nghe nói, gần núi Kiếp Lĩnh có bến Long Độ, ghi dấu sự tích tướng quân Đinh Bộ Lĩnh năm xưa, – Hoà thượng đưa đẩy, đầy vẻ ngụ ý để lấy lòng Liễn.
– Chẳng qua, là cái tích vậy thôi, – Liễn nói câu khiêm nhường, nhưng đã tươi nét mặt.
– Thời buổi, khắp nơi loạn lạc, chẳng hay đầm này có được yên không? – Cơ ướm hỏi.
– Sóng ngoài đầm vỗ vào tận cửa chùa, – Hòa thượng lại giơ tay trịnh trọng mời khách uống trà và nói câu đầy ngụ ý.
– Vậy, tôi hỏi, ông có biết hiện thời có nhiêu xứ quân trong nước? – Liễn độp một câu.
– Bần tăng chỉ biết mười một sứ quân thôi, – Hòa thượng từ tốn đáp.
– Thế mà cũng đòi, mười hai! – Liễn tỏ ra ngạo mạn.
– Quả là năm ngoái có mười hai sứ quân cả thảy, nhưng năm Đinh Mão (967) vừa giờ, sứ quân Trần Minh Công đã giao lại quyền bính cho tướng quân Đinh Bộ Lĩnh, rồi quy tiên, – hòa thượng điềm nhiên như không.
Liễn nghe vậy cho là phải, ngồi ngay cán tàn. Lưu Cơ mừng thầm, nghĩ bụng, chả may, Chân Lưu lại kể cả Đinh Bộ Lĩnh cũng là sứ quân, thì tạo cớ cho sấm sét nổi lên giữa chùa. Kỳ thực, có lúc Đinh Bộ Lĩnh nửa đùa nửa thật, cũng xưng mình là sứ quân. Nhưng nếu người khác nói câu ấy, thì liệu hồn. Bởi vậy, ai cũng biết ý nói tránh đi, chỉ một mực bảo là có mười hai sứ quân thôi. Nhưng trong bụng, ai cũng nghĩ là mười ba sứ quân nổi lên, ai thắng thì làm vua, mười hai sứ quân kia thành giặc. Nói mười ba, hóa ra đánh đồng là giặc, cùng làm loạn cả hay sao?
– Chẳng phải cái chuyện khen phò mã tốt áo, nhưng quả thật, Tướng quân Đinh Bộ Lĩnh là người có chí, có dũng, có nhân. Bởi vậy, đã thu phục được Trần Lãm, làm chủ cả vùng Bố Hải Khẩu. Quan, quân, dân chúng ai nấy đều theo cả, – Hòa thượng nói câu tâm đắc.
– Mười hai sứ quân, thì bọn người Hán, như Đỗ Cảnh Thạc, Trần Lãm với ba anh em con nhà Nguyễn Nê được coi là ngũ hổ đấy! – Liễn tự đắc, khi đề cao Lãm, để nói bố mình cũng thu phục được, tất phải cao tay hơn.
– Còn như hiền đệ của bần tăng đây, – Hòa thượng muốn nói về Ngô Xương Xí, – năm nay cũng ba tư, ba lăm tuổi rồi, nhưng lực mỏng, lại xa xôi góc bể chân giời, chẳng nước non gì mà tướng quân phải nhọc lòng.
Cơ hiểu ý, đưa mắt nhìn Liễn, nói:
– Chủ tướng tôi cũng có ý mời Ngô sứ quân về Cổ Loa, kế tiếp Hậu Ngô. – Cơ nghiêng mình nhìn Chân Lưu, – nhưng tiếc là việc chưa thành.
Chân Lưu nghe vậy nhếch mép cười, trong lòng thừa hiểu, Bộ Lĩnh làm thế chỉ là để che mắt thiên hạ, hòng lấy chính danh mà thôi. Lưu Cơ nhác thấy cái cười ấy, thì giật mình, nghĩ bụng, tuy là nhà tu hành, nhưng hiểu sự đời như lòng bàn tay vậy. Thảo nào, ông ta một mực ngợi ca Bộ Lĩnh. Liễn thì có vẻ bồn chồn muốn về, hẳn không hiểu nỗi niềm tâm sự ấy.
Chương năm
Phạm Phòng Át về hàng Cờ Lau
1.
Phạm Lệnh Công là người Nam Sách, nhưng có cửa hiệu buôn bán ở Đằng Châu. Vợ Lệnh Công khi mang thai đã mơ thấy Sơn Tinh và hổ trắng, nên vào năm Canh Ngọ (910) sinh con, đặt tên Phạm Bạch Hổ.
Hổ lớn lên ở Đằng Châu, thân hình vạm vỡ, mạnh mẽ như hổ, thông minh hơn người. Nhà nhiều của cải, Hổ lại có chí học văn tập võ, nên mạnh cánh lắm, về sau, làm Hào trưởng Đằng Châu.
Vào năm Tân Mão (931), khi tròn hai mươi tuổi, Hổ đã theo Dương Đình Nghệ, đánh Lý Tiến là Thứ sử Giao Châu, lại đuổi Trần Bảo từ Nam Hán sang cứu viện. Khi Nghệ xưng Tiết độ sứ, dùng Hổ làm nha tướng.
Lúc Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ để cướp ngôi, thì Hổ theo lệnh Ngô Quyền, cùng bọn Đỗ Cảnh Thạc, Dương Tam Kha, Đinh Công Trứ, Kiều Công Chuẩn… kéo quân về vây đánh Đại La. Chính Hổ là người chém đầu Tiễn, mang về dâng Ngô Quyền. Trong trận Bạch Đằng, năm Mậu Tuất (938), Hổ là tướng chỉ huy, dùng thuyền nhử giặc vào bãi cọc, để cho Dương Tam Kha chém đầu Hoằng Thao. Đại thắng, Ngô Quyền phong cho Hổ chức Phòng át tướng công, coi giữ miền Hải Đông(3), nên thường gọi là Phạm Phòng Át.
Khi Dương Tam Kha cậy công lớn, lại là con trai của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ; hơn nữa, trước lúc Ngô Quyền mất, từng ủy thác con côi, nên đã chiếm ngôi, xưng Dương Bình Vương.
Thái tử Ngô Xương Ngập chạy về Trà Hương, trú ẩn núi Hun, nên Phạm Bạch Hổ cũng giúp bố là Phạm Lệnh Công che chở, nuôi dưỡng cho. Về sau, Ngập lấy người thiếp, sinh ra Ngô Xương Xí cũng tại nơi đây. Hổ gắn bó máu thịt với nhà Ngô là cái sự vậy. Tiếc thay, nhà Ngô đoản mệnh!
Hổ nghĩ, bây giờ Ngô suy, Dương Bình Vương không cai quản nổi, nên sứ quân khắp nơi nổi dậy cát cứ, nhưng xem ra chỉ có Đinh Bộ Lĩnh là bậc anh hào đủ tư chất bình thiên hạ. Từ thuở hàn vi đã được Ngọc khuê, thế là điềm giời cho cái hốt của nhà vua rồi. Lúc gặp nạn thừa sống thiếu chết, liền được Rồng vàng giải cứu. Tuổi thiếu niên đã cầm đầu đám mục đồng, phất cờ lau tập trận, quả là chí lớn. Sinh thời, Ngô Vương đã cho tập ấm chức Nhiếp thứ sử, Ngự phiên đô đốc, thế là vua yêu. Lúc trưởng thành, liền dấy binh khởi nghiệp, là sứ quân đầu tiên, từ năm Tân Hợi (951), rồi được bô lão tôn làm hào trưởng khi mới đôi mươi, thì cái uy không phải là thường. Đến khi phải nhờ cậy Trần Lãm, liền được phong chức Bộ Lĩnh mà thành tên tuổi, rồi lấy được cả vùng đất ấy mà không tốn một mũi tên, quả là tài tình. Trận đầu, chiếm ngay được Cổ Loa, lại còn mời Ngô Xương Xí về kế ngôi nhà Ngô nữa, chứ không vơ vào lòng, thật là khí khái, một lòng thờ vua… Người như thế, làm gì chẳng thu được thiên hạ trong tay hay sao? Bộ Lĩnh, khó ai địch nổi, tất sẽ thu phục thiên hạ, lên ngôi Thiên tử cho mà xem…
Hổ lại điểm mặt các sứ quân trong cõi Tĩnh Hải Quân, non nửa là người Hán. Kẻ mạnh,
yếu, nhưng không ai sánh được với Bộ Lĩnh. Cứ xem ba anh em nhà họ Nguyễn, tuy cũng mạnh, nhưng mỗi người một phương, thì làm sao thống lĩnh thiên hạ. Hai anh em nhà họ Kiều cũng vậy. Họ Đỗ cụt tai, tuy hùng mạnh, nhưng cái chuyện thanh liễu diệp kiếm lúc nào cũng giấu trong người, phòng thân, thì khó tụ hợp anh hào. Còn như bọn Lý Khuê, Lã Đường, Ngô Nhật Khánh, Ngô Xương Xí thì bão nổi là bay, sóng đánh là tan, kể gì…
Mình đường đường là Phòng át, danh nghĩa cai quản cả vùng bể rộng sông dài, nhưng thật ra cũng chỉ lập được thành trì ở Cát Đằng, dựng đồn tại Cửa Triệu, Kiền Kinh, Cửa Chùa, Bến Đò… trấn giữ Đằng Châu(4) mà thôi. Thế nào Bộ Lĩnh cũng chiếm cả, không từ sứ quân nào, để thống nhất thiên hạ về một mối. Chả nhẽ, lúc ấy mình lại hàng? Hàng thì còn ra thể thống gì nữa? Nhưng không hàng, chắc chết. Chi bằng, mình đến hợp quân với Bộ Lĩnh cho sớm, nghề buôn dậy rằng, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Nhưng phải chờ cơ hội, không thể quăng gươm cởi giáp quy hàng như tướng thất trận được. Phải tính, sự đường hoàng hôm nay, sẽ làm nên vị thế ngày mai.
2.
Một hôm, Phạm Bạch Hổ đang đọc sách trong trướng phủ, chợt lính hầu vào báo, có tướng quân Đinh Điền xin đến yết kiến. Nghe vậy, Hổ nghĩ bụng, quả là sự đến rồi, bèn thân ra đón khách.
– Thực là rồng đến nhà tôm, – Hổ hồ hởi nói câu xã giao, thay lời chào hỏi, – tướng quân khó nhọc đến tệ xá thế này, vinh hạnh lắm thay!
– Thưa đại nhân, – Điền cũng lựa lời thi lễ, – bấy lâu bỉ nhân được nghe danh tiếng như sấm bên tai, nhưng đâu dám tự tiện. May phúc, tướng quân Đinh Bộ Lĩnh ủy thác, nên mới mạo muội…
Hai bên mới gặp lần đầu, nhưng có vẻ tâm đầu ý hợp, nên không phải giữ lễ gì lắm, nhưng cũng không dám khinh suất mà hỏng việc lớn. Điền từ tốn hỏi, như thể thăm dò:
– Chủ tướng tôi, tuổi còn trẻ, lực lại mỏng, bất đắc dĩ phải sang nương nhờ Bố Hải Khẩu. Nhưng trong lòng vẫn nhớ đến đại nhân. Bởi đại nhân là chỗ bằng hữu của phụ thân Nhiếp thứ sử.
– Bộ Lĩnh còn nhớ đến mỗ, thì thực là phúc lớn, – Hổ khiêm nhường nói. – Chỉ tiếc, Đằng Châu đất hẹp, người thưa, nên chưa được mắt rồng hạ cố soi xét.
Điền nghe vậy, biết Hổ là người thức thời, lại có ý đề cao Bộ Lĩnh như thể Thiên tử, hẳn không có ý tranh giành như các sứ quân khác. Bộ Lĩnh sai mình đi sứ chuyến này, hẳn đã suy tính thấu đáo, quả là có con mắt nhìn đời, nhìn người đâu cũng thấu tỏ cả. Mình không được sơ xuất mới thành tựu.
– Ngặt vì tướng quân tôi không đến diện kiến được, nên tôi lĩnh mệnh mang chút quà mọn, đến làm lễ ra mắt. Cụ thể, chủ tướng tôi hẹn sẽ có ngày hội ngộ.
Đoạn, Điền vẫy tay, gọi lính hầu bê tráp vào, nhún chân cung kính dâng lên. Hổ tò mò hỏi:
– Quà gì thế này?
Điền lại phẩy tay cho tên lính lui ra, rồi đặt xuống bàn, khoát tay:
– Mời đại nhân…
Hổ nhíu mày, khẽ kéo khăn hồng, thận trọng mở nắp tráp. Bất chợt, Hổ sững người, lấy tay che mắt, khi thấy vàng ngọc sáng lóa cả phủ, bèn thất thanh kêu lên:
– Sao Bộ Lĩnh khách sáo quá vậy? – Hổ vội xua tay, – không dám, không dám!
Thấy Hổ vẻ không hài lòng, cho là Bộ Lĩnh dùng kim ngân thử lòng người, nên vùng vằng toan vào phòng trong, Điền sợ hãi vội níu tay lại, nói:
– Đây là chút lễ mọn, nhưng lại là tấm lòng thành của chủ tướng tôi. Dám mong đại nhân nhận cho, kẻo hạ quan này đắc tội.
Nghe Điền nói vậy, Hổ giật mình, sợ làm quá dễ hỏng việc lớn. Không nhận món này, Bộ Lĩnh lại cho ta khinh nhờn, mang quân đánh một trận thì nguy, nhưng nhận, thì mang tiếng con nhà buôn hám của. Ngẫm nghĩ hồi lâu, Hổ mới nén tiếng thở dài, nói:
– Thôi được, đa tạ tấm lòng vàng ngọc của tướng quân Đinh Bộ Lĩnh. Tôi nhận, nhưng mai ngày, có cơ hội thì xin đóng góp dùng cho việc quân. Nhờ tiên sinh nói lại như thế, thì tôi mới dám tạm giữ của hộ Người mà thôi…
Cả hai lại hân hoan, bàn chuyện:
– Chủ tướng tôi đã viết thư vào Bình Kiều, mời Ngô Thái tử về kinh đô, nối nghiệp vua cha, nhưng tiếc thay, không đậu, – Điền lại vào chuyện.
– Mỗ có nghe chuyện ấy, – Hổ dừa theo, nhưng trong bụng nghĩ, đó chẳng qua là bức bình phong, che mắt thiên hạ thôi.
– Bởi vậy, dân lành chẳng biết trông cậy vào đâu, – Điền lựa ý, – nếu đại nhân không chê Trường Châu núi cao đất chật, thì xin hợp quân để giữ yên thiên hạ.
– Mỗ tài hèn đức kém, lực mỏng sức yếu, chỉ dám lo cho dân Đằng Châu không chết đói là phúc lắm rồi, đâu dám kinh động, – Hổ cả mừng, bởi ý Điền hợp lòng mình mong đợi, nhưng cũng phải dè chừng, vồ vập quá, chúng khinh.
– Chim đại bàng bay cao là nhờ đôi cánh, – Điền nói, – tướng quân tôi mới có một cánh, phải cậy nhờ đại nhân thêm cho một cánh nữa, mới đặng nên công nghiệp.
– Ấy chớ, – Hổ vội xua tay. – Mỗ chỉ làm người dắt ngựa trên bộ, chống sào trên thuyền mà thôi, đâu có dám làm cánh đại bàng.
– Khi nào rỗi rãi, mời đại nhân đến Đằng Man(5) chơi, – Điền ngỏ ý. – Thực tình, tôi tuyển được ba tướng là người họ Phan, họ Phạm, họ Nguyễn. Rồi tướng họ Phan thương tình, còn gả con gái là Môi nương cho tôi làm vợ nữa. Thế mà người ta cứ bảo, phúc bất trùng lai…
Nghe vậy, cả hai cùng cười rổn rảng. Thấy Điền bày cả gan ruột, Hổ lấy làm hân hạnh lắm, nên càng quyết chí mang quân về với Cờ Lau.
Số là, khi Điền đến đóng quân Đằng Man, cưới được Môi nương xinh đẹp bội phần, lại giỏi việc quân lương, thì lấy làm mãn nguyện lắm. Về sau, Môi nương còn cải trang làm người ăn xin, lẻn vào trại giặc, mở được cửa thành, giúp quân Cờ Lau ào vào, bắt sống tướng Ngô Đẩu. Ngoài ba tướng mới tuyển, lại thu phục được Phạm Phòng Át sứ quân Đằng Châu, khiến tên tuổi Điền nổi như cồn. Quân uy bọn Cờ Lau càng thêm lừng lẫy.
*
Nguyễn Siêu đóng bản phủ ở Tây Phù Liệt, nghe tin phong thanh, Phạm Bạch Hổ đã quy hàng Đinh Bộ Lĩnh, thì vội giong thuyền qua sông Hồng, đến Đằng Châu:
– Ông đường đường là Phòng át, trấn thủ cả cõi Hải Đông, cớ sao vác giáo theo thằng mục đồng ấy?
– Tôi là bộ tướng của Ngô Tiên Vương, nay thấy cảnh cát cứ loạn lạc, nhưng mà mắt mờ chân yếu, không làm gì được. Nay Bộ Lĩnh muốn phò trợ phục hưng Hậu Ngô, nên đã cho mời Ngô Bình Kiều về Cổ Loa, – Hổ biến báo.
– Ông mà còn u mê thế sao? – Siêu ngạc nhiên nhìn Hổ. – Việc ấy, nó che mắt thế gian mà thôi. Đấy, ông xem, nó đánh tiếng sang nương nhờ Trần Lãm, nhưng kỳ thực là thôn tính Bố Hải Khẩu, mà không tốn một mũi tên. Nay ông đem Đằng Châu, Hải Đông ấn vào tay nó nữa, khác nào gắn thêm vây cho rồng, chắp thêm cánh cho hổ. Ông đẩy bọn tôi vào chỗ chết sao?
– Thì tôi với ông, mỗi người một bờ sông. Xưa nay, ta có phạm gì nhau đâu? – Hổ vờ tỏ ra ngờ nghệch, cố thanh minh. – Chẳng qua, tôi muốn khuông phò nhà Ngô mà thôi.
Biết là không thuyết phục được Hổ, Siêu hằm hằm xuống thuyền, về bên hữu ngạn.
3.
Hổ có vẻ trầm hẳn đi, khi thì ra ngoài quân doanh ngắm núi Mã Yên, hoặc xem trẻ chăn dê, lúc lại ra sông Sào Khê ngó ngư phủ đánh cá. Lưu Cơ nhìn thấy tâm trạng của Hổ, bèn nói với Điền:
– Có khi, tôi dẫn ông Hổ đi vãng cảnh cho thư thái, kẻo nghĩ quẩn.
– Thì, ngót sáu mươi rồi, người già ắt trầm tính, – Điền bảo. – Chứ chả nhẽ, lại nhảy chân sáo, la hét như trẻ trâu à?
– Tôi nói là nói cái tâm trạng người ta, về với mình như thế, – Cơ cố thuyết phục. – Người ta đường đường…
– Biết đâu mà vội tin, – Điền chặn họng, khác nào người ta chưa nói xong đã nhảy vào mồm. – Hôm nay, rước đi thăm thành, khác nào bày cỗ, nhỡ ngày mai có biến, thì ăn nói thế nào với hiền đệ của ta?
– Giời ơi, – Cơ kêu lên. – Người ta thật lòng về với mình, khác nào rồng thêm vây, hổ thêm cánh. Đánh dẹp chỉ là chuyện bất đắc dĩ mà thôi. Mà chính ông có công thu phục đó thôi?
– Thì tôi cũng phòng cái sự phải đánh dẹp về sau, – Điền vẫn khăng khăng lý sự cùn.
Trịnh Tú nãy giờ nghe hai quan cãi nhau, không ai chịu ai, đành phải lên tiếng:
– Ông Cơ nói phải. Ông Hổ thực bụng đấy. Đừng làm cho Bộ Lĩnh thêm khó nhọc.
Đến lúc này, Điền mới chịu xuống nước, ngồi im, uống rượu suông. Cơ nghĩ bụng, tiền nhân nói quả không sai, hai con hổ không thể nhốt chung một chuồng.
*
Nhưng Lưu Cơ không dẫn Phạm Bạch Hổ đi thăm thành, mà xuống thuyền, ngược sông Hoàng Long. Cơ chỉ cho Hổ núi Cắm Gươm bên tả ngạn, lại kể về sự tích ông Rồng cõng Bộ Lĩnh khi lâm nạn, rồi chỗ mò được Ngọc khuê… Bọn lính thong thả chèo, Hổ thỏa thích ngắm nhìn núi non, sông nước kỳ thú. Đây là núi Con Lợn, kia núi có hình đầu gà trống, này là Kênh Gà… Hai con sông Bôi và sông Lạng đổ vào sông Hoàng Long. Chỗ này, gọi là Vọng Ấm. Hổ nhìn thấy trong núi có dòng suối chảy ra, khói bốc nghi ngút, tỏ ra phấn chấn hẳn lên. Thế là, cả bọn bỏ thuyền lên bờ, cùng xem. Cơ bảo, đây là suối nước nóng Kênh Gà. Hổ khoát tay, thấy ấm. Cơ bảo: “Uống được”. Hổ vốc một ngụm, nói: “Chan chát”. Cơ nói: “Phải, dùng lợi tiểu, ngâm mình thì chữa được phong khớp”. Nghe vậy Hổ liền ngâm cả bàn chân xuống suối.
Cơ nhìn thấy lông chân của Hổ rậm rì, bết lại như rêu đen, nghĩ bụng, quả là bậc quân tử. Cơ lại sai lính kín đầy vại nước suối, chất lên thuyền chở về Yên Thành cho Hổ ngâm chân. Đoạn, cả bọn lên ngựa, đi chơi Thung Lau, Thung Lá.
Sau một ngày bơi thuyền, lội suối, trèo non, mệt bã người, nhưng Hổ tỏ ra phấn chấn, lâu dần bỏ được mặc cảm trong lòng, xả thân vì công nghiệp vủa Bộ Lĩnh.
Chương sáu
Thu phục Ngô Nhật Khánh
1.
Ngô Nhật Khánh đóng ở Cam Lâm(6), xưng là Ngô Lãm Công, rồi An Vương, cũng là chỗ anh em họ hàng của Ngô Tiên Vương. Khi nghe tin Bộ Lĩnh đã rút về Trường Châu, Khánh liền thu thập năm trăm quân bản bộ, đi đánh Bố Hải Khẩu. Nhưng dọc đường, bị Ngô phó sứ chặn đánh ở Ô Man, đành rút quân về.
Về đến Trường Châu, vừa chân ướt chân ráo đã nghe tin khẩn báo, Ngô Nhật Khánh bỗng dẫn quân đánh Bố Hải Khẩu, nhưng đã bị thất trận; Bộ Lĩnh bực, nói:
– Minh Công vừa nằm xuống, nó không đến viếng, lại còn dẫn quân định cướp phá. Thật quá lắm!
Lưu Cơ thấy chủ tướng có ý quyết đánh Cam Lâm, bèn nói:
– Nó từng tự xưng An Vương, rồi Ngô Lãm Công, lại định tranh đoạt Cổ Loa nữa… Vả, nó cũng thuộc dòng dõi, được trông coi đất hương hỏa của Ngô Tiên Vương, thế là cũng có chút chính danh. Năm xưa, Nam Tấn Vương cất quân đánh Đường Lâm mà không xong, chứng tỏ nó có thế lực. Nay chủ tướng đánh là phải, nhưng cẩn trọng mới được.
Điền bốc đồng, nói:
– Thằng này, không đánh không xong!
Nguyễn Bặc cũng thấy đánh Khánh là phải, bèn nói:
– Trận này, chủ tướng nên cho Liễn làm tiên phong, tôi dẫn cánh quân vu hồi. Chỉ một trận là xong.
Bộ Lĩnh gật gù, phán:
– Ta đi trung quân cùng Lưu Cơ. – Đoạn, quay sang Điền, bảo, – huynh trưởng làm hậu quân!
Điền bảo:
– Hiền đệ ở nhà, lo giữ thành. Đánh thằng Khánh là việc nhỏ, để tôi!
Bộ Lĩnh bảo:
– Không được, tôi mà không đi, thì còn mặt mũi nào với Bố Hải Khẩu nữa. Đánh một trận là để rửa hận. Chuyện này, bởi thằng Khánh làm càn, gây ra!
Các tướng y lệnh, cơ nào đội ấy tức tốc tiến quân.
*
Khánh thua to ở Ô Man, vừa rút về Cam Lâm, lòng bực bội, vì không thôn tính được kẻ Bo, lại còn thiệt quân, mất nhuệ khí nữa, chợt có tin báo:
– Quân Cờ Lau đã phạm vào địa phận Cam Lâm, Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh rồi, – viên phán phủ, sợ hãi tâu, líu cả lưỡi.
– Rút mau ra sông Hồng! – Khánh đập bàn quát.
– Voi chiến của Đinh Liễn đã kéo đến làng. Thuyền chiến Nguyễn Bặc cũng đã đậu ở bờ sông rồi.
– Sao mà chúng như trên giời rơi xuống, dưới đất chui lên vậy? Chúng bay là đồ ăn hại đái nát, nó thò vào tận cạp váy mà chẳng hay.
– Thì An Vương vừa sai tất cả đi lấy Bố Hải Khẩu…
– Câm mồm!
Ngô bà là mẹ Khánh, nghe tiếng voi gầm, ngựa hí, quân reo ngoài làng, lại có tiếng quát tháo ầm ĩ trong phủ, không hiểu đầu cua tai nheo thế nào, vội chạy ra hỏi:
– Cơ sự thế nào?
– Bọn Cờ Lau đã vây khắp chốn cùng nơi rồi! – Khánh nghẹn ngào.
– Giờ, tính sao? – Ngô bà lo lắng, khẽ hỏi.
Chợt có tên lính mang thư của Bộ Lĩnh chạy vào. Khánh vội mở ra xem, rồi thở dài đánh thượt.
– Thư nói gì vậy? – Ngô bà sốt ruột hỏi.
– Nó bảo hàng, không thì làm cỏ…
– Vậy sao?
– Hàng thì nhục!
– Việc quân, mẹ là đàn bà không dám lạm bàn. Con hội các tướng lại xem…
– Bọn ấy vô tích sự, chỉ thích chức tước, giỏi ăn uống, nịnh bợ kẻ trên, gièm pha kẻ dưới mà thôi, – Khánh nói huỵch toẹt.
– Đám ấy, là anh em bà con họ Ngô gửi gắm cả, biết làm sao? Một người làm quan, cả họ cậy nhờ. Nay nguy cấp, quan làm sao nhờ lại được họ? – Ngô bà thở dài, nẫu ruột.
– Hàng cái đã, rồi tính sau, – Khánh nói với mẹ. – Hàng thì không xảy ra họa binh đao, bảo toàn lực lượng, tính kế lâu dài.
– Mẹ cũng nghĩ thế, – Ngô bà mừng như muốn reo lên. – Ngghe đồn, thanh thế họ lớn lắm, lại có mệnh đế vương, thiên tử gì ấy.
Khánh viết vội mấy chữ, giao cho sứ giả, rồi sửa soạn hàng phục.
Thấy Ngô Nhật Khánh đã chịu quy hàng, Bộ Lĩnh ra lệnh cho quan quân tản ra đóng trại trong các cánh rừng xung quanh. Voi, ngựa buộc vào rặng duối. Đoạn, sai chuẩn bị lễ vật đến Cam Lâm viếng lăng Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương, Ngô Quyền Tiên Vương, chứ chưa vội vào phủ.
Khánh thấy vậy, trong lòng hoang mang vô cùng, không biết bụng dạ bọn Cờ Lau thế nào? Hay là bọn giặc cỏ này, định làm nhục ta? Biết thế, chẳng hàng làm gì, đánh dốc một trận, rồi chạy vào Bình Kiều, cùng khôi phục nhà Ngô lại hóa hay. Nhưng Ngô bà và quan quân lại mừng ra mặt, không phải chiến trận, đỡ cảnh máu chảy đầu rơi. Mà xem chừng, đám mục đồng này không ham của cải, chẳng màng đàn bà thì phải? Mấy buổi nay, chúng chỉ đi cúng đền, không mảy may cướp bóc, hay chọc ghẹo con gái. Bộ Lĩnh chẳng cần phải đánh, thế mà đã thu phục được lòng người rồi.
Về phía quân Cờ Lau, Bộ Lĩnh lại thầm phục Lưu Cơ. Cơ bày kế hơn người. Có lúc, Bộ Lĩnh nghĩ bụng, chỉ cần có Cơ bày kế, Bặc cầm quân là có thể bình thiên hạ. Nhưng điều ấy chỉ ngẫm để biết, mai kia phong chức thưởng công, chứ dại gì mà nói ra, mếch lòng tướng sĩ, có mà ăn cám…
Ngô Nhật Khánh như con hổ bị giam lỏng trong cánh rừng Đoài Giáp của mình. Vì thân cô thế yếu, nên buộc lòng phải tạm quy hàng. Lưu Cơ biết vậy, nên bàn với Bộ Lĩnh cho quân chốt chặn các ngõ cụt, nếu có động dụng gì, thì ùa cả ra, theo đường xương cá trong làng mà kéo lưới, dù Khánh có bụng phản cũng không còn đường chạy.
Khánh cho bọn tâm phúc đi dò đường, thấy vậy, chỉ còn biết kêu trời. Té ra, bọn Cờ Lau cũng đa mưu túc kế, bề ngoài cứ tưởng lơi lỏng, buông tuồng… May mà chưa khởi sự phản loạn.
Mấy hôm sau, y hẹn, Ngô Nhật Khánh phải thân chinh ra mời, Đinh Bộ Lĩnh và các tướng mới vào phủ. Khánh lại mời mẹ và vợ con, gia tộc ra lạy chào tử tế.
Bộ Lĩnh thấy Ngô bà, tuy luống tuổi, nhưng còn óng ả, mặn mà, bèn vẫy lại, nói:
– Đất này linh, không chỉ là nơi phát tích của Bố Cái Đại Vương, Ngô Tiên Vương, mà còn là nơi sinh ra cụ Man Thiện là thân mẫu của hai Nữ vương Trưng Trắc, Trưng Nhị. Bởi vậy, bà phải khuyên bảo con cái, giữ nếp nhà, sống cho phải đạo.
Ngô bà cảm động, quỳ xuống tâu:
– Kẻ hèn mọn này, phận đàn bà, nay nghe tướng quân giáo hóa, đầu óc cũng mở mang. Mong tướng quân thương lấy dân lành, thì phúc lớn lắm thay!
Bộ Lĩnh thấy Ngô bà đối đáp trôi chảy, trong lòng có vẻ mến, bèn trỏ sang cô gái đang đứng khép nép bên cạnh, thân mật hỏi:
– Con gái rượu đó hả?
– Bẩm phải! – Ngô bà vui hẳn lên, quên mất thân phận “hàng binh” vội nói, – đây là em gái của Ngô Nhật Khánh.
– Rõ là nhất mẹ nhì con…
Bất chợt, Bộ Lĩnh buông một câu vô duyên, không ăn nhập với tính chất nghiêm trang của buổi lễ, khiến hai mẹ con Ngô bà xấu hổ đỏ cả mặt. Các quan tướng hai bên cười rộ lên, lấy lòng chủ tướng thắng trận. Riêng Khánh chau mày, có ý không vui. Nhưng Liễn lại lồi mắt ra như thể mắt cua, nhìn con gái Ngô bà và nuốt nước bọt đánh “ực” một cái.
2.
Đỗ Thích, người làng Đại Đê, huyện Thiên Bản(7), nhờ ơn cứu mạng chủ tướng, nên đã trở thành viên quan hầu cận của Bộ Lĩnh.
Biết Bộ Lĩnh khoái món lòng lợn, tiết canh, nên Thích thường chế biến cầu kỳ. Lòng xe điếu luộc nước sôi lăn tăn, rồi tráng qua nước lã cho trắng và giòn. Dồi bằng tiết đọng với mỡ lá, luộc nhỏ lửa và lấy đũa vót nhọn mà tiêm, không bị vỡ. Gan thái lát mỏng như tờ giấy, bóp nước chanh, chấm mắm chắt. Tiết canh hãm vào bát tộ, khi chọc dao bầu vào cổ họng con lợn, phải lấy bát tộ hứng tiết, dùng đũa khuấy xoay vòng như miết xuống, thì không bị dây, rồi đánh với sụn rang cháy cạnh, vừa tỏa thơm, vừa nghe lật sật trong chân răng, lại làm khoái lỗ tai nữa.
Bây giờ, đến Cam Lâm, Bộ Lĩnh thích ăn món tương làng này. Bữa nào cũng tương, thôi thì rau muống luộc chấm tương, cá kho tương, có khi chan tương luôn vào bát cơm, ăn ngon lành. Mãi sau, Thích mới biết, thì ra món tương vùng này ngon có tiếng, nhưng Bộ Lĩnh chỉ thích món tương do chính tay Ngô bà làm. Ngô bà thấy vậy thì lấy làm tự hào vô cùng và linh tính mách bảo rằng, Bộ Lĩnh đã phải lòng mặt…
Nghe nói, Bộ Lĩnh đã có những mấy vợ, hàng đàn con cháu. Đinh Liễn con trưởng cũng hơn thằng Khánh mấy tuổi. Rõ là, sông bao nhiêu nước cho vừa. Mình cũng trên dưới bốn chục tuổi rồi, gái ba mươi tuổi đã toan về già, huống chi mình. Nhưng nhìn lại, vẫn còn ưa nhìn, được mắt ta thì ra mắt người.
Bộ Lĩnh ưa cái duyên mặn mà của Ngô bà, nhưng điều quan trọng hơn, là muốn thông qua quan hệ hôn nhân để giàng buộc Khánh. Nhớ lại, khi xưa đến kẻ Bo, ban đầu, cũng chỉ có ý định tìm nơi trú quân, không ngờ ông tơ bà nguyệt lại se duyện ta với Trần nương, rồi bọn Thăng, Thái, lại trở thành rể quý. Nhưng ở Cam Lâm – Đoài Giáp này thì khác. Khánh đường đường là một sứ quân, mượn được chính danh nhà Ngô, tuy hàng phục, mà trong lòng có vẻ chưa phục. Nó khác tâm tính so với bọn con cái Minh Công. Bọn kia thật bụng, tin người hơn thằng này.
Khi Bộ Lĩnh nói chuyện với lão Bộc và bọn Điền, Bặc, Cơ, Liễn thì ai cũng phân vân.
– Gái già khú rồi, ham làm gì? – Điền bỗ bã can.
– Huynh nói thế chứ, – Bặc phản đối, – trông cũng còn mặn mà nhuận sắc lắm. Vả, chủ
tướng lại muốn dùng hôn nhân thu phục sứ quân cứng đầu này. – Ngoảnh sang Điền, Bặc có ý trêu chọc, – bác vỡ trùy rồi, lấy gì đánh nữa, mà không lôi kéo thằng Khánh sao?
Điền nghe vậy, đỏ mặt lên chống chế:
– Chẳng qua, chế tác từ thời Thung Lau, quăng quật đã nhiều, nên nó bị om bên trong mà không hay biết. Thế mà, còn đánh bay cái khiên đồng đấy thôi.
– Nhưng mà, côn mẫu tử của bác, móc được gan ruột địch quân đấy.
Nghe Bặc khen, Điền đổi giận làm vui, cười phớ lớ, nói:
– Thì đánh cả cụm mẫu tử đi, tôi thấy thằng Liễn cũng thích con gái Ngô bà.
Lão Bộc nghe vậy, bèn nói hùn vào:
– Người đời nói, tơ chỉ buộc chân voi. Hôn nhân mà thu phục được địch nhân, thì cũng nên làm, lão cho là thuận, đỡ phải đánh nhau.
Nghe tin Bộ Lĩnh sắp lấy mẹ mình, Khánh hỏi độp một câu:
– Mẹ còn đẻ được không?
Ngô bà thẹn đỏ mặt, lập bập nói:
– Đẻ được thì thêm anh thêm em, chẳng vui sao? Vả, tình cảnh thế này, không thể làm theo ý mình, mà phải chiều ý người…
– Thế thì lấy!
Khánh nghĩ, có được thằng em giai, lại là con Bộ Lĩnh, thì cơ nghiệp bọn Đinh nó lại về tay nhà Ngô.
Bộ Lĩnh đón Ngô bà về đại bản doanh, thưa dần món tương. Đỗ Thích lại trổ tài món tiết canh lòng lợn. Lòng lợn giòn, tiết canh đông, rượu đưa cay, lại có bà Ngô bên cạnh, khiến Bộ Lĩnh mãn nguyện lắm. Ngô bà cũng chiều chồng, ăn theo, nhưng tiết canh phải hấp cách thủy. Ngô bà ăn nhỏ nhẻ như mèo, không bù cho Bộ Lĩnh, ăn như hùm đổ đó. Đĩa lòng đầy tú ụ, hàng rá rau thơm húng dũi, hành chẻ; thế mà bữa nào Bộ Lĩnh cũng đánh hết bay, cùng mấy nậm rượu tăm nữa.
3.
Liễn cầm quân tiên phong, bức hàng được Khánh, trong lòng kiêu lắm, nay lại lấy được em gái Khánh, giai nhân sắc nước hương trời, thì hãnh diện vô cùng. Liễn xin với cha, cho hai vợ chồng ở trong phủ. Bộ Lĩnh bảo:
– Mày chớ ham hố mà lơ là việc quân!
Bặc tỏ ra hiểu đời, lại thương con bạn như con mình, bảo:
– Thôi, kệ nó. Tôi đảm nhiệm việc quân giúp cho dăm bữa nửa tháng.
Nghe vậy, cả bọn cùng cười ồ lên. Bộ Lĩnh nể bạn, đành y cho, nhưng có vẻ không hài lòng.
Liễn ở trong căn nhà dành cho tiểu thư Ngô nương, nhìn những viên gạch đá ong xù xì, bèn nói:
– Bên ta, tường xây bằng đá xanh, cũng mát lạnh như vầy.
– Thì cũng là đá cả thôi. Đá ong thì đào từ đất lên, đá xanh thì đẽo từ núi xuống, – Ngô nương phù họa theo chồng.
– Nhưng mà, đá xanh thì xuống nước vẫn là đá. Còn đá ong xuống nước thành bùn, – Liễn vô tâm, giảng giải.
Nghe vậy, Ngô nương nén tiếng thở dài, nghĩ rằng, Liễn chê mình là hạng bùn đất, định quay mặt vào tường, xây lưng lại, nhưng sợ Liễn phật ý, nên không dám. Liễn vô tình, không để ý đến điều ấy, mắt nhìn lên mái nhà. Ngọn nến bị gió thổi, khiến cái bóng xà nhà đu đưa, Liễn chợt nghĩ bụng, nó mà rơi xuống thì chết bỏ bu. Thần hồn nát thần tính, Liễn vội quay sang ôm chầm lấy vợ. Ngô nương giật mình, hoảng hốt hỏi:
– Chuyện gì vậy, chàng?
– Ta thương nàng! – Liễn chữa ngượng, chống chế.
Nghe vậy , Ngô nương tưởng thật, cảm động ứa nước mắt.
– Nàng là người đàn bà, lần đầu tiên ta có được trong đời, – Liễn quên chuyện bóng xà, thổ lộ tâm can.
Ngô nương nhìn Liễn chập chờn, vẻ nghi hoặc. Liễn bèn kể sự tình:
– Khi ta mười một tuổi đã phải đi làm con tin cho nhà Hậu Ngô…
– Thiếp có nghe anh Khánh kể, – Ngô nương thỏ thẻ đỡ lời.
– Mười bốn năm sau, nhà Ngô hết số, ta mới giở về, rồi theo lệnh cha, đi mộ quân châu Ái. – Liễn cảm thấy Ngô nương giật mình, khẽ hỏi, – sao vậy, nàng?
– Thiếp bị lạnh, – Ngô nương chống chế, chứ thực tình, là do cái câu “Nhà Ngô hết số”, từ mồm Liễn vừa nói ra.
– Này, đắp chăn nào. – Liễn kéo chăn gấm hồng, và lại thao thao, – rồi chiến trận liên miên.
Ngô nương nghe vậy, cảm thấy hãnh diện một cách tội nghiệp.
– Nàng…
Liễn nhổm dậy, cởi xiêm y Ngô nương. Nàng run bần bật, mặt ửng hồng dưới ánh nến. Liễn thơm lên má, rồi quờ quạng… nàng vội ôm lấy bàn tay chai sạn, gân guốc của chồng. Một chốc, Liễn nhoài người phủ xuống tấm thân nõn nà ấy. Ngô nương hồi hộp khẽ kêu lên trong hơi thở nóng bỏng:
– Chàng…
Tiếng trống cầm canh trên điếm, điểm một tiếng “thùng”.
VŨ XUÂN TỬU
(Còn tiếp)
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 1
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 2
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 3
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 4
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 5