Kỳ 9: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

Chất hiện sinh được đẩy lên cao trào “nhiều người thậm chí ra tay với cả đồng loại mình” nhưng vẫn luôn ồn ào “ngợi ca sự văn minh”. Họ không nhận diện được cái ác hay là một sự lẩn tránh cái ác? Ý thơ bóc trần sự giả tạo hợm đời trong cái vỏ ngoài đội lốt khá ấn tượng. Một cú bồi thêm thật nặng kí “nhưng lại thỏa hiệp với những con người trong lòng có quỷ”…

>> Kỳ 1: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 2: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 3: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 4: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 5: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 6: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 7: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 8: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

Nhà phê bình Khang Quốc Ngọc

Tứ thơ chặt, ý nén lại từng câu để bung ra theo sự bập bùng nhân quả. Những mâu thuẫn giằng xé trong con người là muôn đời. Sự từng trải được diễn ngôn bằng một giọng thơ đẫm đặc chất chiêm nghiệm. Câu thơ khai mở “Nếu ác quỷ không có trên đời, cái ác biết đổ cho ai?” dường như đã trực tiếp đụng đến một vấn đề lớn của nhân loại: cái ác tồn tại được nhìn bằng con mắt rũ bỏ, loại suy? Kiểu ta và chúng nó y như sự rõ ràng đối lập trên dưới cao thấp vậy.

Song, một sự thật vẫn hiện hữu làm con người phải ray rứt “loài người văn minh chưa từng nhận đã đốt rừng/ chưa từng nhận đã tàn sát chó mèo, cỏ cây, muông thú”. Điệp ngữ “chưa từng nhận” xuất hiện làm cho sự thật kia như cắt cứa hơn. Ở đó có một ít sự phủi tay, một ít sự dối trá, một ít sự trốn tránh và một ít sự ngoan cố. Lẽ đương nhiên không thấy bóng dáng của sự dằn vặt. Lời thơ diễn tả lạnh băng. Lạnh băng để buộc chúng ta phải suy nghĩ cho dù có thể rùng mình!

Chất hiện sinh được đẩy lên cao trào “nhiều người thậm chí ra tay với cả đồng loại mình” nhưng vẫn luôn ồn ào “ngợi ca sự văn minh”. Họ không nhận diện được cái ác hay là một sự lẩn tránh cái ác? Ý thơ bóc trần sự giả tạo hợm đời trong cái vỏ ngoài đội lốt khá ấn tượng. Một cú bồi thêm thật nặng kí “nhưng lại thỏa hiệp với những con người trong lòng có quỷ”. Chữ “nhưng” ở đây đã tự gánh lấy bao nhiêu ý nghĩa. Câu thơ diễn tả một sự đảo chiều mưu mô? Một sự khỏa lấp tàng hình che chắn? Một sự lấp liếp kiểu cả vú lấp miệng em đầy xảo biện? Tất cả đều cùng con chữ xòe ra cho độc giả nhìn, thì hai năm rõ mười kia cả đấy thôi, lượn lờ để tồn tại, tồn tại để lượn lờ. Bóng dáng trải nghiệm được tung ra hết cỡ. Rồi câu cuối như chốt lại, thực tế đó làm cho người ta nghẹt thở “nhưng lại thỏa hiệp với những con người trong lòng có quỷ”. Cái ác sẽ tàn phá loài người bởi chính sự “thỏa hiệp” lạnh lùng kia. Hiện sinh hay cảnh báo đều đúng. Lời thơ Trương Mỹ Ngọc tự thán suy nghiệm, pha chút tự trào mỉa mai âu cũng để chính con người nhìn lại mình mà sống sao cho hài hòa và thiện lương hơn thôi chăng?

Nếu ác quỷ không có trên đời, cái ác biết đổ cho ai?

 

Loài người văn minh chưa từng nhận đã đốt rừng

Chưa từng nhận đã tàn sát chó mèo, cỏ cây, muông thú

 

Nhiều người thậm chí ra tay với cả đồng loại của mình

Loài người ngợi ca sự văn minh

Nhưng lại thỏa hiệp với những con “người” trong lòng có quỷ

(Trương Mỹ Ngọc – TPHCM)

Nhà thơ Trương Mỹ Ngọc

Hơi thơ thoảng nhẹ, lời thơ như tự tình mà lắng mà đọng. Bài thơ kết cấu hai phần rất rõ, phía trên là sự đặt vấn đề dưới hình thức câu hỏi, phía dưới là sự trả lời. Rất tuần tự nhịp nhàng. Trả lời mà gợi tả để lại dư âm. Đó là sự độc đáo của bài thơ.

Ngôn ngữ của hoa” để tâm tình và gửi gắm điều gì đến chúng ta? Hoa nói bằng “sắc” hay bằng “hương”? Mà dẫu nói bằng “là sắc hay là hương” thì cũng chỉ là hai đặc thù quen thuộc của muôn loài hoa mà thôi. Có gì lạ mà phải áy náy? Thế thì, phía sau hai đặc thù ấy là cả một hiện sinh tiếp nối phải đến của cả một đời hoa “là cánh tươi trên cành hay tàn phai rơi rụng”? Ngắt khúc để gợi mở. Tiếp nối mà như không hề tiếp nối. Thành thử, câu thơ như vẽ ra một hành trình tồn tại và tàn phai của hoa cũng là gợi ra sự hư huyễn của kiếp người. Có đấy rồi mất đấy. Câu thơ nhuốm màu sắc sắc không không của Phật pháp.

Do vậy mới có cái nhìn “đôi khi, sự rực rỡ làm tôi quên lãng” như phần nào xác nhận tâm trạng nhân vật trữ tình đã bị chính cái “rực rỡ” phía bên ngoài che lấp. Dẫu chỉ là “đôi khi” nhưng cũng đủ thấy hành trình suy niệm bị rơi rụng đi ít nhiều. Đến câu thơ “có những lặng thầm tàng ẩn lắng sâu/ như sớm nay, những sợi vàng tình tự với đất nâu” đã mở dần biên độ cảm xúc và suy tư cho bài thơ.

Nhà thơ Hà Phi Phượng

Thế thì, cách đặt vấn đề phía trên chỉ là cái cớ để nhân vật trữ tình bày tỏ tâm tư mình trước ngồn ngộn những vấn đề nhìn ngắm, suy tư của cuộc sống. Ở đó, chúng tôi còn thấy bóng dáng của mối quan hệ giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình (“sắc, hương” – “lặng thầm tàng ẩn lắng sâu”) qua hình ảnh so sánh “như sớm nay, những sợi vàng tình tự với đất nâu” hài hòa nồng ấm. Ý thơ mở toang ra phía phồn thực. Có “tình tự” giữa mặt trời (những sợi vàng) và đất (đất nâu) thì lo gì không có sự sống? Do đó, “ngôn ngữ của hoa” tưởng chỉ dừng lại ở sự thỏ thẻ của những “sắc/ hương/ cánh tươi/ tàn phai rơi rụng” mà đã mở ra và đụng tới mảng vỉa những ý nghĩa triết lí cuộc đời. Giọng thơ Hà Phi Phượng đẫm chất suy nghiệm và nồng nàn hiện sinh.

Ngôn ngữ của hoa

 

Là sắc hay là hương

Là cánh tươi trên cành hay tàn phai rơi rụng.

 

Đôi khi, sự rực rỡ làm tôi quên lãng

Có những lặng thầm tàng ẩn lắng sâu

Như sớm nay, những sợi vàng tình tự với đất nâu.

(Hà Phi Phượng – Thái Bình)

Bài thơ khép lại thì chất nhân văn sáng lên. Câu chữ đã sẵn sàng hệt như một sự chuẩn bị nhóm lửa. Một bài thơ tự sự đọc lên làm chúng ta không thể không xúc động. Ấy là vẻ đẹp nhân cách của nhân vật trữ tình “chàng trai” toát lên đẹp và “tươi như tia nắng”. Vẻ đẹp ấy bắt nguồn từ những hành vi thiện lành, hành vi ấy được cộng thêm sự tưới tẩm từ vẻ tươi tắn xuất phát tự đáy lòng “cụ bà phúc hậu của con ơi gắng ăn nào/ ăn xong rồi cụ sẽ thấy mình chẳng làm sao”. Một sự săn sóc động viên như thâm tình ruột thịt. Lời thơ ân cần, vỗ về, ấm áp.

Lời người dẫn truyện được lồng vào cách tả qua sự ví von “chàng trai ấy tươi như tia nắng” đã thấy lấp lánh vẻ đẹp chi đó của một sự sống tràn đầy năng lượng tích cực sẻ chia “cụ bà phúc hậu của con ơi gắng ăn nào!/ ăn xong rồi cụ sẽ thấy mình chẳng làm sao!”.

Cái hay của bài thơ nằm ở chỗ, tuy không để cho nhân vật trữ tình là “chàng trai” đi chăm sóc mẹ mình trong bệnh viện, chỉ qua hành động anh giúp đỡ bà cụ nằm cùng phòng với mẹ anh, nhưng chúng ta có thể nhận ra sự hiếu nghĩa của nhân vật.

Giúp người nhưng anh không quên nói với mẹ “con chạy sang giường kia giúp một bác…” như một lời xin phép mẹ độc đáo. Dĩ nhiên, mẹ hiểu là anh vui rồi, mà mẹ anh cũng vui nữa. Có thể bà mẹ anh đương đau, nhưng trước hành động ân cần thiện lành của anh với bà cụ bệnh bên kia giường, cũng làm bà vui lên “người mẹ nhìn con cười héo hắt”. Câu cuối có sức nặng tình thương bởi sự nồng ấm như một đòn gánh tình nghĩa đặt trên vai nhân vật trữ tình. Vẫn lo cho mẹ và vẫn có thể giúp được người khác một cách chu toàn.

Bùi Thanh Hà như đang kể lại câu chuyện thấm đẫm tình người cho chúng ta nghe. Sự xúc động ấy bật lên qua từng câu thơ, từng hành động của nhân vật trữ tình. Tác giả kể bằng một bài thơ tự sự nhẹ nhàng tự nhiên. Cái hay của bài thơ là ở tình người tỏa sáng. Không gian bệnh tật nhưng lại ăm ắp không khí yêu thương. Do vậy, câu thơ “bình minh trong bệnh viện xôn xao” đã diễn tả rất hay cái không gian tràn ngập sức sống tình thương ấy. Tình người trân trọng quá! Quý thay!

Nhà thơ Bùi Thanh Hà

Tạm khép lại bài thơ, song chúng tôi lại thiết nghĩ, phải chăng sự yêu thương ở chàng trai đã kích hoạt tình thương trong những con người khác “mẹ nằm yên nha, con chạy sang giường kia giúp một bác…”. Cứ thế, dấu ba chấm kết bài thơ như một dấu hiệu tươi vui nối tiếp mãi. Do vậy, bài thơ dừng lại mà ý nghĩa tích cực yêu thương thì không hề dừng. Yêu lắm!

Chàng trai ấy tươi như tia nắng

 

– Cụ bà phúc hậu của con ơi gắng ăn nào!

Ăn xong rồi cụ sẽ thấy mình chẳng làm sao!

 

Bình minh trong bệnh viện xôn xao

Người mẹ nhìn con cười héo hắt

– Mẹ nằm yên nha, con chạy sang giường kia giúp một bác…

(Bùi Thanh Hà – Hà Nội)

Thơ tình tuổi năm mươi đằm vị mà vẫn long lanh đến lạ. Tình muốn bung ra nhưng ý thì kìm lại. Có cái chững chạc đi bên cạnh cái “lấp lánh” “rơi” bên. Câu thơ thú vị “khép chặt tuổi năm mươi trong chiều nghiêng sắc lạnh” trước “một vạt nắng mong manh/ trước khoảnh sân nhà em, rơi lấp lánh”. Cái nhìn trẻ quá làm cho ý thơ như nở giãn ra, “lấp lánh” sự nồng nàn. Nhưng như đã nói, bài thơ đang được dẫn dắt bởi bước đi của lí trí “tuổi năm mươi” nên ý thơ dường như hơi bị “khép chặt”.

Lời thơ rõ ràng xoáy vào cái nhìn của nhân vật trữ tình. Cho nên, bao nhiêu hình ảnh được đề cập “vạt nắng mong manh/ sân nhà em/ rơi lấp lánh/ em ngoảnh mặt/ nhoẻn cười/ tóc xõa lưng chừng” phía trước thì ngay lập tức những thanh âm trong lòng rộn ràng khua ngay “tiếng chuông gió khua lanh canh” để lời thơ xác tín “tóc xõa lưng chừng… còn rờ rỡ xanh”. Nhưng, hình như sự rộn ràng cũng chỉ dám khua vang lên một nửa, một nửa còn lại bị nhốt trong cái giới hạn “tuổi năm mươi” mất rồi. Do vậy, lòng có thể khua lên tươi vui đấy nhưng vẫn thấy đây đó những “vạt nắng mong manh” của buổi “chiều nghiêng sắc lạnh”. Một sự tự biết, tự cảm, tự khoanh vùng mới đáng quý làm sao!

Nhà thơ Lê Thanh Hùng

Đâu phải ngẫu nhiên mà mở đầu bài thơ tác giả Lê Thanh Hùng đã cho nhân vật trữ tình phải buông ra ý thơ “nhẹ nhàng thôi” như để tự nhắc mình? Là có ý sợ gì ở đây chăng? Sợ sự bung tỏa kia không thể lưu giữ “một vạt nắng mong manh” hay sợ sự mơ hồ lãng đãng sẽ không thể trụ vào tâm thức “tuổi năm mươi”? Mơ hồ và rõ ràng va nhau. Thích lạ!

Tất cả những cảm thức ấy trỗi lên cũng bởi sự từng trải lên tiếng. Một thế giới chiêm ngưỡng xen ngang không thể không làm cho nhân vật trữ tình xao động. Xao động để lắng lọc, xao động để trân quý, xao động để giữ gìn, cho dù điều ấy chỉ là những khoảnh khắc. Do vậy, sự vô tư trong sáng của nhân vật “em” càng làm nổi bật lên những tâm tư kia “em ngoảnh mặt, nhoẻn cười dường như vội lắm/ tóc xõa lưng chừng… còn rờ rỡ óng xanh”.

Nhẹ nhàng thôi, một vạt nắng mong manh

 

Trước khoảnh sân nhà em, rơi lấp lánh

Khép chặt tuổi năm mươi trong chiều nghiêng sắc lạnh

 

Tiếng chuông gió khua lanh canh, như trêu của để dành

Em ngoảnh mặt, nhoẻn cười dường như vội lắm

Tóc xoã lưng chừng… còn rờ rỡ óng xanh

(Lê Thanh Hùng – Bình Thuận)

Nghệ thuật đòn bẩy kích hoạt. Tác giả chỉ rải thực tế mang màu sắc hiện sinh ra so sánh rồi để tự sự so sánh ấy cất lên ý nghĩa. Hình ảnh những “con thiêu thân lao mình vào đóm lửa” trong một tâm thế sẵn sàng “điệp điệp trùng trùng” là cốt chỉ đi “tìm ánh sáng hư vô” nhưng kéo theo cái nhìn về hậu quả để “rồi lại ra đi như những kẻ dại khờ”. Ở đây rõ ràng ý thơ đã được nhìn từ hai tâm điểm. Một là đặt mình vào trong tâm thế đi tìm rất ư là thiên tạo, do vậy, tứ thơ vút lên qua sự kết nối từ những hình ảnh đẹp “lao mình” trong “điệp điệp trùng trùng”. Hai là đặt cái nhìn chủ quan thể hiện qua sự đánh giá khi thấy những cái chết của con thiêu thân “ra đi như những kẻ dại khờ”. Ba dòng thơ lồng ghép được hai cái nhìn, hai suy nghĩ gần như ngược chiều nhau là hoàn toàn có ý đồ cho ý thơ chớp nhá phía sau mở ra.

Bởi thế, sự tiếp nối như xác thực cho cái ý thơ mang dáng dấp khách quan nhìn nhận đánh giá phía trên “con người trông ra và bảo nhau như thế”. Ý thơ như chốt lại rồi phồng lên sự khôn ngoan và đẫm đặc lí trí con người. “Trông ra” là nhìn ngắm, suy tưởng; còn “bảo nhau” là trao đổi, bàn bạc và sẻ chia. Kiểu hài lòng của cách nhìn ra sự vật ấy được chan đều lên các con chữ trong dòng thơ nên nó tiếp tục chảy kiểu hệ quả xuống câu thơ phía dưới “và họ vùi đầu vào cuộc sống cuồng quay”. Cứ thế, cuộc sống con người tiếp nối trong mạch dẫn tràn ngập suy nghĩ ấy. “Cuộc sống cuồng quay” cuốn họ đi. Diễn tiến nhanh, không khác.

Nhưng rồi câu hỏi tu từ xuất hiện, nó như một phản đề nhắc nhở chúng ta, nó xuất hiện làm chậm lại sự tuôn chảy ào ạt trên kia “đi tìm ánh sáng ở đâu trong thế gian này?” Thế thì, hình ảnh “ánh sáng” ở đây khác gì so với hình ảnh “ánh sáng” ở khổ thơ đầu? Một mạch ngầm thi tứ lộ diện. Chọn lựa gì trong cuộc đời và rồi liệu con người tìm được điều gì mang ý nghĩa thánh thiện nguyên sơ như sự “lao mình vào đóm lửa” của những con thiêu thân kia để đi tìm ánh sáng? Ánh sáng nguyên sơ ở đâu để con người sẽ có được những giây phút “lao mình” hoành tráng đầy thiên tính căn cốt?

Nhà thơ trẻ Sang Trương

Do vậy, bài thơ tưởng ẩn giấu mà lại lấp lánh lên một khía cạnh tâm thức rốt ráo rằng, rốt cùng con người “quay cuồng” trong cuộc sống để đi tìm điều gì trong cõi ta bà này? Nhìn “thiêu thân lao mình vào lửa” con người những tưởng mình đã hiểu được quy luật của cuộc sống này rồi nhưng cuối cùng hóa ra không phải. Cái “ánh sáng” kia có thể nguy hiểm đến tính mạng chỉ là thứ “ánh sáng” dành cho “thiêu thân” trong cái suy nghiệm thường tình. Nó không thể là kiểu “ánh sáng” dẫn đường chỉ lối mà con người có thể “lao mình” vụt theo. Thế thì, rõ ràng “ánh sáng” đang được đi tìm trong câu hỏi kia là một thứ ánh sáng mà con người có thể dâng hiến cả cuộc đời mình, tiếc thay, con người có thể lại tìm chưa ra! Do vậy, qua sự gợi tả, bài thơ nhuộm thẫm chất triết lí nhân sinh và sắc màu tôn giáo. Nhịp chậm, gọn; lời thơ giàu gợi tả.

Con thiêu thân lao mình vào đóm lửa

 

“Điệp điệp trùng trùng tìm ánh sáng hư vô

Rồi lại ra đi như những kẻ dại khờ”

 

Con người trông ra và bảo nhau như thế

Và họ vùi đầu vào cuộc sống cuồng quay

Đi tìm ánh sáng ở đâu trong thế gian này?

(Sang Trương – Vĩnh Long)

Sài Gòn, 23.8.2022

KHANG QUỐC NGỌC

(còn tiếp…)

One thought on “Kỳ 9: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

  1. Phương says:

    Góp ý:
    Cho bài viết của tác giả Khang Quốc Ngọc:
    “Kỳ 9: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
    Cập nhật ngày: 27/08/2022 lúc 08:45.
    -Một:Tôi đọc & xem đi xem lại bài viết nhiều lần để rồi tôi chẳng hiểu ý của anh Ngọc là muốn nhấn mạnh hay muốn nêu ý gì đây???Và hình như anh Ngọc hiểu chưa “rốt ráo” từ “hiện sinh” trong văn học nghệ thuật hiện đại-ngày nay & tại sao anh mở đầu bài viết bằng đoạn văn mở đầu: “Chất hiện sinh được đẩy lên cao trào “nhiều người thậm chí ra tay với cả đồng loại mình” nhưng vẫn luôn ồn ào “ngợi ca sự văn minh”. Họ không nhận diện được cái ác hay là một sự lẩn tránh cái ác? Ý thơ bóc trần sự giả tạo hợm đời trong cái vỏ ngoài đội lốt khá ấn tượng. Một cú bồi thêm thật nặng kí “nhưng lại thỏa hiệp với những con người trong lòng có quỷ”…(tôi xin trích lại như trên:).Theo tôi hiểu: văn học “hiện sinh”(gồm nghĩa hiện sinh) là miêu tả cuộc sống bao gồm cái tốt-cái xấu trong cuộc sống nhưng thiên về cái tốt nhiều hơn cái xấu một chút(tỷ lệ 70% tốt & 30% xấu.v.v.).Nhưng nếu chúng ta đọc thật kỹ đoạn văn mở đầu của anh Ngọc lại hóa ra anh Ngọc đang thiên về “cái xấu” nhiều hơn “cái tốt” thì phải?Nếu như vậy,thì đâu còn chất “hiện sinh” trong văn học đương đại nữa phải không anh Ngọc???Nêu “cái tốt” trong văn học hiện đại là để biểu hiện tính nhân văn trong văn học,để khơi dậy tính thiện lương trong mỗi một con người đọc truyện,đọc thơ.v.v.chứ không phải làm thơ,viết truyện để: (tôi xin dẫn lại ý của anh Ngọc trong đoạn văn mở đầu: “Chất hiện sinh được đẩy lên cao trào “nhiều người thậm chí ra tay với cả đồng loại mình” nhưng vẫn luôn ồn ào “ngợi ca sự văn minh”. Họ không nhận diện được cái ác hay là một sự lẩn tránh cái ác? Ý thơ bóc trần sự giả tạo hợm đời trong cái vỏ ngoài đội lốt khá ấn tượng. Một cú bồi thêm thật nặng kí “nhưng lại thỏa hiệp với những con người trong lòng có quỷ”…
    -Vậy là sao ta???Tóm lại,theo tôi: xuyên suốt bài viết của anh Ngọc tôi chẳng thấy “đốm lửa nào lóe sáng” trong thơ 1-2-3 đang được đăng trên trang vanhocsaigon.com hết=Không thấy mà chỉ thấy “ý thơ lan man-giả tạo-loanh quanh-vụn vặt” trong con người-cuộc sống hiện nay nếu như theo ý của anh Ngọc đã viết bài phân tích,ngay chính ý trong đoạn mở đầu bài viết mà tôi đã trích dẫn.
    -Do giới hạn của bài phản hồi nên tôi xin góp ý như trên.Tôi khẳng định rằng bài viết,bài phân tích-lý giải của anh Ngọc “vô cùng dở” ngay đoạn mở đầu.
    Tôi mong anh Ngọc & BQT-BLĐ trang vanhocsaigon.com lượng thứ vì tôi đã phản hồi & góp ý.Tôi chào trân trọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *