Thổ phỉ – Tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam – Kỳ 8

17

VHSG- Cuộc họp Ban chấp hành Châu ủy mở rộng bàn về việc tiễu phỉ đang kỳ gay cấn. Cái mầm họa Thực dân Pháp nuôi dưỡng mấy chục năm trước bị cách mạng đánh cho tan tác, phần nhiều bọn tàn binh phải chui sâu vào rừng hoặc mai danh ẩn tích, nay thấy chính quyền lúng túng, dân chúng nửa nghe theo chính quyền, nửa không theo đã được thể cất đầu, ngoe nguẩy như đám vắt gặp trời mưa. Sự ác liệt từ các nơi dồn cả về châu ủy làm cho phòng họp như muốn nổ tung lên. Lãnh đạo các xã, các ngành thi nhau báo cáo. Lửa cháy không chỉ làm nóng một bếp. Hai cán bộ Khu phản bội bị bắt ta mới biết được bọn đặc vụ, phản động đã chui được vào lòng chính quyền. Tình hình ngày càng phức tạp, Khu đã dồn hết lực lượng tại chỗ để dẹp yên những đám cháy, nhưng việc tác chiến đầy khó khăn, bọn phỉ không cần đồn bốt, cất dấu lực lượng, tập trung quân khéo léo khiến ta lúng túng, luôn từ thế chủ động bị đẩy sang bị động.

Bí thư Châu ủy Đoàn Văn Long rùng mình. Đúng là nước mềm sợ hơn đá cứng, sự việc rối lên đến nỗi Long không còn đánh giá được thực lực của châu ra sao nữa. Những ngày qua cả Châu ủy như cung lên dây. Các cấp chính quyền, đoàn thể rải ra chỉ đạo việc bảo vệ cơ quan, kho tàng, biên giới. Các cơ sở quần chúng, trưởng các dòng họ được củng cố tinh thần. Bọn tề ngụy đã qua cải tạo được mời đến tuyên truyền, giáo dục. Và ngay những ngày này tổng lực bộ đội địa phương, công an, dân quân du kích và đồng bào đồng loạt tấn công bọn thổ phỉ, đặc vụ dọc biên giới… Mọi việc, từ giáo dục cho đến răn đe, giúp đỡ, thuyết phục, trừng phạt, việc gì làm được thì bộ đội đã làm, châu đã làm, vậy mà…

Nhà văn Đoàn Hữu Nam

Long ôm đầu thất vọng. Phòng Tô còn đâu mơ cảnh giời đất nguyên sơ, dung dưỡng khiến cho vạn vật cũng nguyên sơ như giời đất. Đâu còn cảnh: người, bên trong sự thô ráp là hân hoan thỏa mãn; đất đai thả hạt giống xuống là chỉ việc chờ gặt; đeo dao, cầm nỏ vào rừng là có cái bỏ nồi; chó không biết cắn người; trâu ngựa lông da láng bóng, mặt mũi phởn phơ, bốn mùa đực cái…

Thổ phỉ là gì?

Đó là Hản Sào Lùng – Người đứng đầu họ Hản, là trùm phỉ khét tiếng ở miền Đông Lào Cai. Lùng từng được nước mẹ Pháp phong đến chức đại úy, được tặng thưởng mề đay Bắc đẩu bội tinh. Hắn thuộc loại gian hùng, có thế lực mạnh. Thổ phỉ người Hán sang đánh thổ phỉ người Hán. Quân Nhật đến đánh quân Nhật. Quốc dân Đảng Tưởng mượn cớ sang giải giáp quân đội Nhật rồi ở lì lại, đánh Quốc dân Đảng Tưởng… Tóm lại ngoài quân Pháp, ai đến đất của Hản, Hản đều đem quân ra đánh, kẻ nào thua thì phải rút, kẻ nào thắng Hản giơ tay hàng, đón về làm bạn, rồi lại làm phản. Từ năm 1950 đến năm 1954 ở miền Đông của Lao Cai phỉ nổi bốn lần thì cả bốn lần Hản đứng đầu nổi dậy, làm mưa làm gió.

Ở Phòng Tô, Triệu Tá Sắn là một kẻ chống chính quyền điển hình. Theo sự dẫn dắt, kích động của hắn nhiều người đang làm lãnh đạo châu bỏ lãnh đạo châu, làm cán bộ xã bỏ cán bộ xã, tụ tập nhau nổi lên cát cứ chống lại cách mạng. Theo sự dẫn dắt của hắn bọn phỉ vác súng đi các bản đe dọa, thị uy, ai không đi lính sẽ đuổi hết cả nhà, cả họ ra khỏi bản, ai chứa chấp, liên lạc với Việt Minh giết cả nhà. Cả châu, cả tỉnh căm thù con rắn độc, nghe tin báo hắn ở đâu là ở đó có vây bắt, song vây lần nào hắn trốn thoát lần ấy. Trận vây bắt ở hang đá Sán Chải rõ ràng hắn đã ngã xuống trước mũi súng, cả vùng hết thán phục, hết lo âu, cả châu thở phào nhẹ nhõm, vậy mà sau năm năm hòa bình trinh sát, quần chúng lại phát hiện ra hắn có mặt ở Phòng Tô.

Thổ phỉ là gì ?

Năm 1950 ta giải phóng Phòng Tô. Nghe theo lời kêu gọi của Việt Minh hầu hết các chức dịch, lính tráng đã từng làm việc cho chính quyền cũ đều ra trình diện. Những tưởng sẽ bị bắt, bị tù đầy, bị tẩy não đến không còn nhớ những việc mình đã làm, nào ngờ lại được chính quyền mới giao ngay quyền hành, súng ống. Các chức dịch từng làm quan trong chế độ cũ nghiễm nhiên chuyển sang làm cán bộ chế độ mới. Sau ngỡ ngàng là vui mừng của kẻ đi săn lạc đường gặp con thú ngon ăn, tất cả đều hồ hởi, phấn khởi, những lời hứa trung thành, tận tụy bật ra khỏi miệng làm mát lòng cả bên giao lẫn bên nhận. Cả vùng hồ hởi, hò hét như đám người đi ruốc cá trên suối rồi đâu vẫn đóng đấy. Chính quyền mới mỏng manh, rỗng rễnh như ống tiêu. Người làm việc khoác được cái oai vào người nhưng mất công mất việc, mất nguồn thu, làm việc Nhà nước mà chẳng khác gì đầy tớ ngày trước. Cách nghĩ, lối sống, mưu mô, chèn ép  cũ vẫn còn nguyên trong đầu. Ơn huệ của chế độ cũ còn hiển hiện khắp trong nhà, ngoài dòng tộc. Các cánh quân mà Việt Minh coi là kẻ thù, cánh lừng lững bên Lai Châu, Lào Cai nhăm nhăm tái chiếm những gì đã mất; cánh như đàn rắn hổ mang lúc nhúc khắp núi rừng, làng bản, lúc vỗ về, hứa hẹn, lúc đe dọa, trừng trị khiến cho ai nấy đều nơm nớp chờ cơn lũ ống, vậy là lựa chọn con đường hai mang, vậy là bưng tai, bịt mắt.

Thổ phỉ là gì?

Xét cho cùng chính sách của ta cũng có những cái nóng vội, bất cập, không tính đến đặc điểm từng vùng. Năm một chín năm tám rồi mà vẫn có người cho rằng Phòng Tô là như cái mắt muỗi, không quan trọng, giải quyết nạn thổ phỉ chỉ là vấn đề dân tộc, nếu ta làm mạnh, làm tốt thì họ sẽ theo. Vậy là nửa vời, là không kiên quyết, là giằng dai, là để cho các thế lực cũ có cơ hội ngóc đầu dậy. Còn cái việc trồng và hút thuốc phiện nữa. Hút thuốc phiện ở nơi này đã giống như việc cho cơm vào bụng, đến bữa không có có ăn thì bụng réo, người réo. Thuốc phiện dễ trồng, tự trồng được thuốc thì rẻ như thuốc lá, xin nhau, cho nhau là chuyện bình thường, nhưng đi mua thì đồng cân thuốc phiện bằng đồng cân bạc. Trước đây đến mùa trước nhà, sau nhà, trên nương, dưới ruộng, chỗ nào cây cải, cây lúa, cây ngô mọc được là cây thuốc phiện nở hoa được, bây giờ thuốc phiện không được phép trồng là bếp tắt, lòng tắt, căm hận chính quyền cũng từ đây mà ra. Không! Một ngàn lần không! Phải chui vào giữa sự rối loạn mới mong dẹp yên được sự rối loạn. Trong cuộc chiến cam go này, ai có nhân dân người đó có chiến thắng. Phải làm cho nhân dân yên ổn làm ăn. Với họ, miếng cơm manh áo hệ trọng ngang bằng với độc lập tự do. Ta không thay đổi được cuộc sống của họ thì phải để cho họ yên tâm làm chủ đời mình.

Long dãi bầy những tâm sự trong lòng. Mọi người lặng lẽ lắng nghe, qua lời Long họ không chỉ thấy ngọn lửa được đấy lên mà còn vỡ ra việc đời, việc mình.

Long gợi ý cho mỗi người, mỗi ngành, mỗi xã tự xây dựng kế hoạch dẹp tan bọn phiến loạn, xây dựng chính quyền của  mình sau đó báo cáo Châu ủy rồi tuyên bố giải tán cuộc họp.

18

Mọi người lục tục ra về, phòng họp chỉ còn lại Long và Phó bí thư  Châu ủy Tẩn Diêu Siểu. Long bảo Siểu:

– Hôm nay mẹ con nó bồng bế nhau về bên ngoại có việc rồi, anh về tôi uống rượu đi.

Thấy Siểu ngần ngừ Long sởi lởi:

– Gật đầu đi, tự nhiên hôm nay muốn uống cho say, mà mình còn có nhiều việc phải nói với nhau mà.

Siểu cười:

– Anh lúc nào cũng tìm được lý do, còn tôi thì chẳng bao giờ cưỡng nổi cả.

Long vỗ vai Siểu:

– Thì hôm nào cưỡng, hôm nay về mình khắc làm khắc ăn thôi, không nhanh thì trời bịt mắt đấy.

Siểu xiêu lòng.

Long vui vẻ dẫn Siểu về nhà. Tiện có con gà sống đang nhốt Long bảo:

-Lấy con gà kia làm rau thôi, anh có biết làm tiết canh không?

– Tôi người miền rừng mà, anh cứ lấy rau, nấu cơm đi, con gà để tôi lo.

Nói đoạn Siểu hăng hái sắn tay áo bắc nước, bắt gà, cắt tiết, làm lông.

Nhìn Siểu, Long không giấu nổi niềm tự hào. Siểu khoẻ mạnh, vâm váp, nước da đen sẫm, mắt sáng, đầu cao, trán rộng, vừa có cái dáng con gấu, vừa có cái tinh anh của con hổ. Những thớ thịt trên cơ thể Siểu nổi lên những múi là múi. Làn da bánh mật gồ ghề, săn chắc phô ra sức lực, từng trải, sóng gió. Bước vào tuổi mười lăm Siểu đã mồ côi cả bố lẫn mẹ. Người khác ở cái tuổi này đã mất gốc, mất ngọn không chết khô cũng làm mồi cho lửa hay mối mọt, mộc nhĩ. Siểu khác người. Siểu là cây mai mọc trong hốc đá, những tháng ngày bám rễ vào kẽ đá, uống sương đá lớn lên đã hun đúc Siểu thành một chàng trai người Dao có thể đương đầu được với mưa đá sấm rền. Siểu là một trong ba người từ cái nôi Phòng Tô đi kháng chiến, vì cái nôi Phòng Tô trở về và được giao trọng trách ở lại gánh vác công việc.

Siểu thẳng thắn, nghiêm khắc, luôn lấy việc công làm trọng, lòng tự trọng lúc nào cũng ngùn ngụt như lửa cháy, chính từ người thẳng, lòng thẳng của Siểu mà những công việc chồng chất khó khăn của châu được nhanh chóng giải quyết, nhưng cũng chính vì người thẳng, lòng thẳng mà Siểu gây ra không ít khó khăn cho chính mình, cho phong trào.

Siểu đã từng là học trò cưng của cụ giáo Choong, và Siểu cũng là người phản đối kịch liệt việc bắt tay, thân thiện với cụ giáo ngay từ đầu những năm năm mươi.

Sau ngày bố mẹ Siểu mất, cụ giáo ngỏ ý được nhận Siểu làm con, bảo Siểu về ở hẳn trong nhà, Siểu lễ phép thưa: “Thưa thầy, lòng thiện của thầy là dòng sông, thầy có thể thu nhận tất cả mọi con suối, song lực của thầy không đủ để chống ô đầy trời, con không muốn vì con mà khó cho thầy.”; “Nhưng ta muốn đỡ đần cho con.”; “Quanh Sín Chải rừng núi bạt ngàn, con là người Dao, con theo được tổ tiên, con có thể tự nuôi được mình.”; “Ta nghĩ một thân một mình nắm tay qua ngày, qua đêm khó lắm.”; “Được thầy cho theo học là con mãn nguyện lắm rồi, còn việc mưu sinh con sẽ có cách.”; “Dù ta chưa biết thế nào là nhiều, song lớn, nhỏ, đen, trắng ta đã trải. Ta biết rồi đây con sẽ làm được những việc ta không làm được nên ta không muốn con mất thời giờ, sức lực vào miếng cơm manh áo. Thôi được, con không nhận tấm lòng của ta thì con giúp việc ta, coi như sự trả công vậy.”. Siểu đã nhận lời giúp cụ giáo trong việc lên rừng lấy cây thuốc, theo cụ giáo đi chữa bệnh cứu người, và đặc biệt là việc sao chép chữ thánh hiền. Siểu học một biết mười, sắp xếp công việc đâu vào đấy, luôn là niềm tự hào của cụ giáo. Năm 1948, Siểu cùng ba thanh niên Sín Chải vượt qua dãy Hoàng Liên theo Việt Minh với khát vọng đổi đời cho mình, cho cả vùng. Lúc đó cụ giáo không tin mấy vào mấy ông Việt Minh nhưng cũng không giữ chân Siểu. “Người khôn phải ra sông rộng mới biết”, lâu nay trong vòng vây núi non, người Phòng Tô như trong cái lòng thúng chật hẹp.  Bay ư! Cánh đâu. Chạy ư! Được vài bước chân đã bị núi non chặn lại. Gáy ư! Tiếng gầm của hổ trong lồng dù có to đến mấy cũng chẳng dọa nổi ai. Lâu nay ngôi nhà của thống lý họ Đèo là cái lâu đài to nhất, chắc chắn nhất, bất khả xâm phạm nhất vùng. Cả Dao, cả Hmông, cả Thái, cả Kinh, cả Tây, cả Nhật đều quy tụ quanh lâu đài, quanh tri châu họ Đèo. Tiền bạc là họ Đèo, ruộng đất là họ Đèo, quyền thế là họ Đèo, trời đất là họ Đèo. Từ cái bóng của họ Đèo, các chánh tổng, lý trưởng, séo phải không ai muốn và cũng không ai dám vượt qua dãy Hoàng Liên xem thời, xem thế. Học trò của mình rời Sín Chải với cái chí bạt núi lấp sông là cụ mừng, cụ phấp phỏng, chờ đợi.

Cuối cùng cái gì đến nó sẽ đến, Siểu trở về với cái thế nước lũ cuốn trôi bè mảng. Trở về, Siểu bám cội, bám rễ, phát động cội rễ đứng lên che kín bầu trời. Và rồi Siểu vấp phải cảnh học trò của thầy, con thầy, cháu thầy bỏ vào rừng theo phỉ. Và rồi Siểu mời thầy ra làm việc, thầy từ chối. “Ta không ghét chính quyền. Ở đâu, thời nào cũng cần phải có chính quyền, song ta đã thấy bao chính quyền dựng lên, bao chính quyền đổ xuống đều lấy lợi lụy hình, lấy giàu sang hại thân, ta trọng thân mình, việc thế tục không vướng bận đến ta.’’, ‘’Yên thiên hạ ư ! Cái chính là trị mình, sửa mình cho tốt, ai cũng vậy thì thiên hạ sẽ thái bình, an vui.’’, ‘’Việt Minh chưa đến ta đã trao truyền chữ nghĩa cho người, Việt Minh đến ta cũng chỉ mong mọi người trọng chữ nghĩa ta truyền, thế là ta thỏa mãn lắm rồi.’’… Những lời khôn khéo, ngụy biện, trốn tránh của cụ giáo làm Siểu bực mình. Siểu nghi ngờ lòng thầy. Mắt thầy đã  nhìn thấy con đường sáng, thầy biết rõ kẻ ác đang hại dân lành mà thầy lại úp mũ che tai, nhắm mắt cho yên thân. Xâu chuỗi lại việc chống phá cánh mạng của bọn phỉ, trong đó có cả con cháu họ Triệu, Siểu nghi ngờ cả cụ giáo. Trước thẳng thắn, nghiêm khắc đến thái quá của Siểu, Châu ủy phải tạm chấp nhận đồng ý kiến với anh để giữ yên hòa khí, nhưng đến khi Siểu phân loại dân chúng, cách ly nhà cụ giáo thì Long không chịu nổi. Triệu Tá Dùn, con trai cụ giáo có đi theo phỉ đi chăng nữa thì cũng chỉ là sự o ép hay nhất thời hồ đồ. Ai làm nấy chịu, không thể vì hạt sạn mà đổ cả bát cơm, cách mạng rất cần tập hợp lực lượng, nhất là người trí thức hiếm hoi giữa vùng rừng mê muội này. Những ngày trao quyền cho thổ ty, bị thổ ty làm phản, nổi phỉ, thất vọng dồn lên, tức tối dồn lên, một số người quá hữu đã kiên quyết diệt cỏ diệt tận gốc. Trong vùng đã sảy ra cảnh bắt được tên phỉ nào là tên phỉ ấy không còn đường sống. Bản nào có thổ phỉ ẩn náu, kêu gọi, vận động không được, cho đốt cả bản. Đo độ thành thật, tin cậy của tên tướng phỉ ra hàng bằng cách giao cho việc cắt mười cái tai đồng bọn mang về mới chấp nhận hàng, kết quả ngay đêm ấy hắn cắt đầu xẻo tai ba bộ đội, hai du kích vất vào cửa lán rồi biến vào rừng. Cách hành xử cứng nhắc, mất hết tình người của mấy người cực hữu kết cục dẫn đến mất hết lòng người, cảnh người sợ người, người căm hận người diễn ra khắp nơi. Là lãnh đạo Long không thể để cái tư tưởng cực hữu, xúc đất đổ đi của Siểu ảnh hưởng đến sự nghiệp chung, anh  đem những suy nghĩ của mình trao đổi với Siểu trong một cuộc họp.

Siểu phản ứng quyết liệt ý kiến của Long. Đá va đá. Lời va lời. Bất hòa nảy sinh bất hòa. Siểu khăng khăng: làm cách mạng là phải triệt để, phải lật tận gốc, trốc tận ngọn. Trù trừ, mị dân là sẽ bị lấn lướt, là nhờn với chó chó liếm mặt, cuối cùng là mất mạng, mất chính quyền. Bài học mua chuộc thổ ty năm 1946 còn sờ sờ ra đấy. Cách mạng nửa vời đã tiếp tay cho những thổ ty mang danh cán bộ vừa vơ vét, hạch sách dân chúng, vừa tập trung củng cố sức mạnh của mình. Cách mạng nửa vời đã dẫn đến việc quân Pháp chưa đến ủy ban xã, ủy ban huyện đã rã ra như cơm nắm dính nước mưa. Phòng Tô không thể cách mạng nửa vời, không thể đánh rắn giữa khúc, phải tỏ rõ uy lực và quyết tâm của cách mạng. Hơn ngàn quân phỉ, kinh thì kinh thật, nhưng chỉ là những kẻ bại trận sống vật vờ giữa rừng sâu. Điều chúng mong mỏi nhất là quân Pháp phản công thì quân Pháp lại rút sang tận Lai Châu, Điện Biên. Trên không thể để mất cửa ngõ Phòng Tô, nhất là lúc cách mạng đang quyết tâm giải phóng  Tây Bắc.

Hai quan điểm, hai chính kiến đã đào sâu ngăn cách giữa hai người. Rất may trước trách nhiệm, trước một núi công việc phải làm nên cả hai cố dẹp những ý nghĩ không vào nhau để tập trung xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng. Siểu tỏ ra ưu thế trong việc này. Sự am hiểu hoàn cảnh, đồng cảm cùng kinh nghiệm “ba cùng” trong những ngày tháng gây dựng cơ sở hồi còn ở vùng giáp ranh đã giúp Siểu nhanh chóng chiếm được cảm tình của quần chúng. Ngay trong tuần đầu tiên mười lăm người ra nhập đội du kích. Mười lăm thanh niên trong thế giới những người cùng khổ được Siểu truyền cho bầu máu nóng đã võ vẽ biết thế nào là đế quốc sài làng, thế nào là cường hào bóc lột, là làm cách mạng phải biết vùng lên đập tan mọi xiềng gông… Sau hơn nửa tháng ăn tập trung, ngủ tập trung, luyện tập, canh gác ngày đêm, ai cũng thấy mình như được thay máu. Những mặc cảm, tự ti trong những cái đầu từ khi sinh ra đã bị vòng vây núi bao bọc được gột rửa, thế vào đó là tinh thần của những chiến binh trước giờ ra trận.

Thấy cả tiểu đội du kích dậm dựt chân tay, hừng hực khí thế Long rất mừng. Anh cùng Siểu lao vào huấn luyện, lên phương án đánh địch. Công việc tối ngày hút hồn Long, song anh vẫn nỗi lo canh cánh trong lòng. Gây được ngọn lửa thì dễ, nuôi được ngọn lửa, nhất là nuôi trong lúc gió bão vô cùng khó. Anh em du kích toàn những người nghèo, họ không chỉ lo cái ăn, cái mặc cho mình, mà còn phải lo cho cả nhà, cứ cơm nhà việc nước thế này khí thế được mấy nả. Long thổ lộ việc này với Siểu. Siểu bảo:

– Anh đúng là sặc mùi tiểu tư sản. Làm cách mạng đến thế này rồi mà vẫn còn lo bò trắng răng. Thóc ngô trong kho nhà họ Triệu còn đầy, bao giờ vơi hãy tính.

– Nhưng kho lẫm có hạn, dùng hết ta lấy gì nuôi nhau?

– Thì lấy mồi mà nhử, anh không thấy quân Pháp rải dù trắng rừng à, trước sau đồ tiếp tế của bọn phỉ cũng thành đồ tiếp tế cho mình, ta cứ chờ mà hưởng thôi.

– Anh nói lạ, cứ như tự nó mang đến cống cho mình không bằng – Long bực mình

– Trời ơi! – Siểu ôm đầu kêu lên – Sao anh sợ bóng sợ gió mãi thế, tốt nhất anh hãy trở về với phận sự của mình.

Đúng là hết thuốc chữa, tham gia cách mạng không chỉ thay đổi được cuộc sống của cán bộ, du kích mà còn phải là hạt giống hứa hẹn no đủ cho cả vùng, cứ nịnh nọt, mơn trớn mà không có được việc làm tự nuôi sống bản thân thì sẽ nuôi cái gốc, cái ngọn của sự bất mãn. Những người ngày đêm được học tập, huấn luyện, nuôi nấng mà thấy trời thuận, đất thuận, không được lên nương, ra ruộng là lòng dạ như trên chảo lửa, tay chân thừa thãi, bức bối…, tách những người nông dân này ra khỏi công việc quen thuộc có khác gì tách cá khỏi nước.

Những linh cảm của Long được minh chứng, khí thế của đội du kích rệu rã dần, tâm lý ỉ lại vào bộ đội, cán bộ, suy tính được gì, mất gì trùm lên toàn đội đã làm Siểu và Long như ngồi trên đống lửa.

Được tin Triệu Tá Sắn ngày đêm luyện tập trong rừng Siểu sôi sùng sục. Siểu với Sắn lớn lên từ một dòng nước, ở chung một vùng trời, học chung một thầy, song lớn lên mỗi người mỗi đường. Với mệnh người, vận giời ai đi đường người ấy sẽ giống như mặt trời, mặt trăng, không tranh chỗ nhau thì mặt đất còn tối, còn sáng, còn sinh, còn tử tự nhiên, khi mặt trời, mặt trăng tranh cướp đường của nhau thì sẽ sảy ra cảnh một mất một còn. Siểu cho người thăm dò rồi lôi Long lên đồn Tả Chải bàn bạc với Ban chỉ huy đại đội bộ đội địa phương kế hoạch trấn áp Sắn.

Thấy Siểu như con ngựa chiến chồn chân, muốn bứt phá dây cương để lao ngay vào trận chiến, Chính trị viên đại đội Hoàng Viết Hồng bảo:

– Phàm là biết rõ mình, rõ người mới chắc thắng được. Mình thì anh rõ rồi, còn bọn phỉ, anh rõ chúng đến đâu?

Siểu bảo:

– Tôi đã cho điều tra rồi, anh em thấy chúng đứa thức, đứa ngủ, đứa ủ rũ, đứa tản mát trong rừng, lơ là việc luyện tập, canh gác, đúng là một bọn ô hợp.

Hoàng Viết Hồng:

– Đó cũng là cách mập mờ, thật giả lẫn lộn, ta nên cảnh giác, đã đến cái không rõ thì chưa nên vội…

– Nhưng mà ta đang có thời cơ anh ơi! – Siểu rên lên, trong tiếng rên có chứa sự bất mãn.

Hoàng Viết Hồng vẫn mềm mỏng:

– Thời cơ là làm sao đổ ít xương máu nhất mà vẫn toàn thắng, đừng để người mình đổ máu khi chưa cần thiết anh ạ.

– Trong chiến tranh mạng người như mạng chó, tránh nó thì biết bao giờ mới được nếm mùi chiến thắng – Đại đội trưởng Trần Văn Nam ngồi yên từ lúc hai cán bộ xã đến làm việc giờ mới lên tiếng. Câu nói lỗ mãng, vô trách nhiệm của Nam làm cho cả ba người sững sờ.

Chưa ai kịp lên tiếng thì Nam vừa với cái ống điếu, tra thuốc, vừa thủng thẳng:

– Lựa chiều xuôi theo dòng chỉ là kẻ cơ hội mà thôi, xét cho cùng phỉ chẳng qua là bọn a dua, bọn nhìn không quá miếng cơm, nghĩ không quá tấm áo, có gì mà phải sợ.

Long buột miệng:

– Nhưng những kẻ đó nhiều như cỏ dại phủ kín núi rừng.

Nam chậm rãi châm lửa, chậm rãi nhả từng sợi khói một cách điệu nghệ:

– Chúng nhất thời là đám đông, là sức mạnh, song chỉ  răn đe một trận tơi bời là có thể xuyên thừng qua mũi, đặt ách lên vai.

Long và Hồng nhìn nhau. Nam là hiện thân của chiến thắng. Trên con đường Tây tiến, trong trận tấn công địch ở Suối Thầu, cả ban chỉ huy đại đội hy sinh, liên lạc Trần Văn Nam đã chỉ huy cả đại đội xông lên dập tắt ba ổ kháng cự, thay lá cờ ba sọc bằng lá cờ đỏ sao vàng. Trong chiến dịch Lê Hồng Phong màn I, mũi Nam chỉ huy tiến đến đâu là ngụy quân ngụy quyền tan rã đến đấy. Nam nhận nhiệm vụ Đại đội trưởng đại đội bộ đội địa phương bảo vệ Châu lỵ Phòng Tô là thử thách, là bước đệm cho con đường thăng tiến của một chiến binh mưu trí, gan dạ.

Khác với thái độ trù trừ của Hồng và Long, Siểu hồ hởi, đắc thắng:

– Anh Nam nói đúng, cha mẹ, anh em, con cháu bọn phỉ ở cả trong tay chúng ta, chỉ cần một trận thắng ròn rã là cả bản ào tất vào rừng lôi chồng con, anh em về. Lúc đó ta mới quần cho quan tan xác quan, lính tan xác lính. Cứ nổi chẳng ra nổi, chìm chẳng ra chìm thế này điên hết cả người.

Nam nối lời:

– Tôi nhất trí, muốn có sự phân minh phải trái ở đất này trước tiên phải có sức mạnh. Ta sẽ tập trung toàn bộ lực lượng đánh một trận vào tận hang ổ của Triệu Tá Sắn. Bắt được nó thì tất cả dân chúng Phòng Tô sẽ ngả cả về phái cách mạng, song muốn chiến thắng thì phải chuẩn bị kỹ phương án tác chiến đã.

Siểu lấy trong túi dết ra cái sơ đồ trình bày hướng đánh, cách đánh, phương án phối hợp.

***

Trận đánh quyết định làm cho bọn phỉ tan xác pháo chưa mở màn thì Triệu Tá Sắn đã nhanh tay ra đòn.

Ngày …  tháng…   năm…

Sáng sớm. Khi sương mù còn bao trùm lên cả vùng, cả thị trấn còn đang ngủ yên thì bất ngờ tiếng tù và, tiếng trống, tiếng la hét đồng loạt nổi lên khắp các thôn bản khiến cả vùng như đang bị cháy nhà. Cùng với những âm thanh thúc dồn thúc dập ấy là từ các triền núi mấy trăm tên phỉ vừa bắn súng thị uy, vừa hò nhau tràn xuống thung lũng. Một mũi ào lên bao vây đồn Tả Chải, một mũi bao vây khu nhà ủy ban hành chính kháng chiến xã. Bọn chúng mặt đằng đằng sát khí, miệng hò hét man rợ, giương súng bắn vào bất cứ mục tiêu nào chúng nghi là có cán bộ, bộ đội, du kích, phối hợp với bọn phỉ là từng tốp máy bay Henscát ào đến cắt bom. Phía Uỷ ban xã, cuộc chiến đấu không cân sức, lại bị vỗ mặt bất ngờ, không có phương án chuẩn bị nên thế trận của dân quân du kích bị vỡ ngay từ lúc đầu. Siểu, Quăng, Lẩy, Phin, Long cùng nhóm dân quân trực chiến tan rã nhanh chóng, mạnh ai nấy chạy vào rừng.

Chiếm được Uỷ ban xã một cách dễ dàng song không giết được cán bộ Việt Minh hay dân quân, du kích, bọn phỉ điên cuồng đuổi theo. Các nhóm của ta vừa rút vừa chống trả. Riêng nhóm bốn người theo Hội trưởng phụ nữ cứu quốc xã Lý Thị Phin rút lui sang dãy Pu Sam Cáp gặp phải sự cố khó khăn. Năm người leo tới lưng chừng núi Cô Tiên thì tiếng súng, tiếng hò hét đã đuổi sát sau lưng. Tình thế vô cùng nguy cấp, một bên là vách đá, một bên là vực thẳm. Nếu cứ leo ngược mãi thì không kịp, Phin quát mọi người dừng lại.  Tiếng quát của Phin vuột đi trong gió, cả nhóm vẫn chân tay líu ríu, loạng quạng leo ngược. Phía sau năm người là lúc nhúc bọn phỉ súng ống lăm lăm trong tay. Không chặn được bọn ô hợp kia thì chết cả nút, Phin gầm lên, cầm lấy chân người đi trước kéo mạnh. Người bị kéo hét lên hoảng sợ. Mọi người quay lại ngơ ngác.

Phin bảo:

– Bốn người để hết lựu đạn lại rồi leo nhanh lên.

Bốn người ngây người nhìn nhau. Một người ấp úng:

– Nhưng… nhưng…

– Không nhưng gì cả, tình thế nguy cấp lắm rồi, các anh rút nhanh để bảo toàn lực lượng, tôi sẽ ở đây sống mái với bọn chúng.

Cả bốn bối rối nhìn nhau, lẳng lặng gỡ lựu đạn đặt trước mặt cô hội trưởng phụ nữ rồi lùi lũi ngược dốc. Bốn người leo lên tới đỉnh đèo thì tiếng súng nổ dữ dội dưới lưng đèo, chen lẫn tiếng súng là tiếng lựu đạn nổ, tiếng thét, tiếng la hét tuyệt vọng. Bốn người bấm vào nhau đến bật máu song không ai nói đến chuyện quay trở lại, bởi nếu có đường thông nhau thì hai quả cà của bộ truyền giống đã lủng lẳng trên cổ họ cả rồi.

Phía đồn Tả Chải, bộ đội tuy bất ngờ song nhờ lô cốt vững chắc nên sau phút lúng túng ban đầu các họng súng đã chặn đứng được các mũi tiến công của bọn phỉ. Chiếm được đồn Tả Chải là khống chế được Sán Chải, khống chế được con đường huyết mạch. Triệu Tá Sắn biết rõ điều đó nên chia quân ra bao vây, cắt nước, cắt đường tiếp tế cho đồn rồi cứ một canh giờ lại thúc quân chiêng trống, hò la rầm trời xông lên. Theo hắn, chỉ ba ngày nữa mấy chục con người không muốn chết đói, chết khát thì chỉ còn con đường duy nhất là kéo cờ trắng ra hàng.

Quả như Sắn dự tính, khi  bọn phỉ bao vây đến ngày thứ ba thì tình thế bộ đội đã vô cùng khó khăn. Không liên lạc, tiếp tế, lương thực, thực phẩm chủ yếu là ngô rang và nước lã. Ngô rang, nước lã cũng cạn kiệt, bộ đội đã phải tích trữ nước tiểu để thay nước.

Đói, khát cùng với  suốt ba ngày đêm căng ra đối phó với địch đã làm cho sức khỏe, ý chí chiến đấu của bộ đội kiệt quệ. Chính trị viên Hồng và Đại đội trưởng Nam lo sốt vó, hai người bàn bạc rồi phân công ba tổ giữ ba khẩu súng máy ở ba lỗ châu mai sẵn sàng nhả đạn, còn tất cả nghỉ ngơi chuẩn bị cho một trận huyết chiến phá vòng vây.

Dường như đoán trước được ý định của Nam, Hồng, sáng sớm ngày thứ tư, Sắn cùng Quan ba Đờ ri nhô đi vòng quanh chân đồi xem xét. Quả đồi thuần một loại cỏ gianh. Những vạt rừng gianh khô xác phủ kín từ chân đến đỉnh đồi làm Sắn bỗng ồ lên khoái chí. Giời này, đất này mà đánh hỏa công thì đến cả những con giun chui sâu trong lòng đất cũng thành than chứ cứ gì người. Sắn bàn bạc với Đờ ri nhô rồi cho quân lính mai phục, đón lõng các ngả đường từ trên đồn xuống bản, vào rừng.

Đúng giữa giờ Ngọ, khi cơn nóng của ông trời đến đỉnh điểm, những cơn gió ngựa lồng đã gom đủ sức lao vào cuối chặng đường đua, Sắn thúc quân nổi tù và chiêng trống và châm lửa quanh chân đồi.

Những ngọn lửa đùng đùng liếm gọn những vạt gianh  dưới chân đồi làm cả đại đội bộ đội bàng hoàng. Mọi người lao cả ra khỏi lô cốt, ngây người nhìn lửa vèo vèo chạy lên đỉnh, ai nấy đều cầm chắc chuyện thân xác thành tro. Trong cơn bĩ cực, Nam lồng lộn như con thú bị thương. Hồng cũng nao núng không kém, anh cố kìm mình chạy đến hết các trung đội, tiểu đội động viên tinh thần. Trong lúc mấy chục con người đang nhốn nháo thì một chiến sỹ người Tày Cao Bằng đưa ra ý kiến cùng đốt lửa. Ngọn lửa ở trên cao được gió sẽ mạnh hơn và thổi bạt ngọn lửa dưới chân đồi. Thấy không còn cách nào khác, Hồng và Nam ra lệnh cho mọi người chuẩn bị mở đường máu và đốt lửa bốn xung quanh đồn.

Thực là trời phù hộ, ngọn lửa trên ngọn quả đồi được gió đã thổi bạt ngọn lửa cháy đùng đùng ở chân đồi.

– Xung phong…. – Tiếng hét cùng tiếng súng của Đại đội trưởng Nam vang lên.

– Xung phong… – Cả đại đội vượt qua vòng vây lửa lao như tên bắn xuống chân đồi.

– Xung phong…

Bọn phỉ dưới chân đồi đang hí hửng chờ ngọn lửa nướng chín đối phương bỗng kinh hoàng khi thấy những con người đen nhẻm than bụi, lưỡi lê tuốt trần chui ra từ biển lửa lao vào chúng như những mũi tên. Những mũi tên đó lao đến đâu là bọn phỉ tan đến đấy. Cả hai đại đội phỉ mạnh thằng nào thằng ấy chạy, thừa thắng cả đại đội ào tới đánh tan bọn phỉ đang cố thủ ở Tả Chải.

Sau trận đánh ta bị mất đi mười ba người, bị thương sáu người, Phỉ bị chết hai mươi sáu người, bị thương hai, mà người chết của cả hai bên  toàn người Phòng Tô mới đau. Làng Tả Phìn bốn tên phỉ, ba du kích bị phơi xác. Cả làng không phân biệt phỉ, ta, xúm vào làm ma cho bẩy người chết không hợp lẽ. Cả làng đưa tang giữa lúc mưa giời, mưa lòng sầm sập. Cả làng chứng kiến một cuộc chảy máu. Máu ở đâu ra nhiều thế không biết. Bẩy cai quan tài chứa người chết đã đổ đầy gạo rang, chè búp khô để thấm máu, song máu vẫn chảy ròng ròng qua mép gỗ. Trên con đường làng ngập ngụa, máu từ bẩy cái quan tài chảy xuống hòa lẫn với nước mưa, bùn đất, phân trâu, phân bò biến thành dòng sông máu. Trên rừng, những lạch nước chui ra từ ruột núi bỗng dưng đỏ quạch, tanh tưởi, trườn ra nhập vào dòng suối máu, khiến cả vùng như vừa trải qua một trận thảm sát đến tuyệt diệt…

Sau trận đánh thất bại đau xót ấy Đại đội trưởng Nam bị điều đi chiến trường khác, Siểu bị lạc rừng, khi trở về bị nghi ngờ làm tay trong phá hoại tổ chức, rồi anh được minh oan, được cấp trên cho đi học chính trị. Những vấp ngã đau đớn trong những ngày đối đầu với Pháp, phỉ, những bộn bề công việc mới mẻ, khó khăn trong công cuộc xây dựng chính quyền mới cùng học tập đã làm cho Siểu dần thích nghi, dần làm chủ những hoàn cảnh phức tạp.

***

Cơm đã chín, mâm đã bày, hai người háo hức vào cuộc. Nhưng rượu ngon, gà béo, rau ngọt đến đâu thì hai người vẫn không dứt khỏi chuyện thế sự.

Sau hai tuần rượu, Long hỏi Siểu:

– Anh Siểu! Anh là người sinh ra và lớn lên giữa vùng rừng, chảy trong anh là dòng máu người miền rừng, anh nghĩ gì khi những người miền rừng lạc lối ngay chính trên quê hương của mình?

Siểu lẳng lặng nâng bát rượu lên uống cạn rồi đặt bát xuống mâm:

– Việc này khó nói lắm. Trong rừng, săn mồi và làm mồi cho con thú khác là lẽ của tự nhiên, có lẽ con người cũng nghĩ thế chăng?

– Vậy anh nghĩ thế nào về phỉ?

– Trên đã xác định rõ rồi, phỉ có ba tính chất: giai cấp, quần chúng và dân tộc. Có lẽ không còn định nghĩa nào hơn thế, bởi gốc của ngọn lửa phản loạn dấy lên từ bọn giai cấp bóc lột. Nó quần chúng, nó dân tộc bởi những người cầm súng cho nó là dân, chiêu bài lừa người của chúng là vì dân, vì dân tộc.

Long nâng bát rượu lên:

– Anh nói trúng bụng tôi quá, xin uống với anh bát này.

Siểu chạm bát rượu vào bát của Long, uống cạn. Siểu đặt bát xuống nhìn đăm đăm vào bếp lửa:

– Nhìn dao sắc thấy thương cây, đánh phỉ là đánh giết người Dao, người Hmông, người Phú Nả… đánh giết những đứa con dứt ruột của rừng. Nhưng không đánh thì bọn người ăn phải bả quyền lực sẽ đưa các tộc người đến tuyệt diệt. Uớc vọng lớn nhất, duy nhất của người miền rừng là yên lòng mình thì nhà yên, yên lòng người thì làng bản yên, rừng núi, đất nước yên. Bao năm nay cái ước vọng, khát khao này bị chính ngay những người con của rừng châm lửa thiêu cháy. Đau, đau lắm anh ơi!

Siểu đặt bát xuống, những giọt rượu còn vương trên đám râu bắt ánh lửa óng ánh như viên ngọc nhũ. Anh lấy tay chùi những giọt rượu, những  ngón tay giống như những cái thìa cong lên vê vê những sợi râu cứng như những sợi dây thép, anh thốt lên:

– Anh không biết tôi yêu vùng rừng này đến thế nào đâu. Tình yêu cá nước, cây đất không thể giải thích được, tôi yêu mảnh đất này cũng thế. Mỗi sáng mở mắt thấy rừng, thấy núi là lòng tôi chộn rộn chỉ muốn làm con chim hót lên ríu rít. Mỗi chiều nhìn thấy ông xanh nuốt chửng ông mặt trời là hồn tôi lâng lâng như người ngậm ngải chờ người yêu. Mỗi đêm thức thi với giời, nghe lòng đất, lòng rừng cựa quậy là những dự định giống như ấm nước no lửa. Người miền núi thô vụng, thật thà, cả tin song tinh tế không kém bất cứ người dân vùng nào đâu anh ạ.

Long nắm lấy tay Siểu xiết chặt. Bàn tay to bè, thô ráp của người đàn ông vùng rừng ấm nóng trong bàn tay anh:

– Mình hiểu, hiểu lắm Siểu ơi, dẫu không sinh ra ở vùng rừng nhưng mình nguyện sống chết với vùng rừng, bình thường còn giọt gianh rơi đâu anh em đấy chả là cùng vào sinh ra tử.

Siểu nâng bát rượu lên uống một ngụm rồi đặt xuống, thốt lên:

– Cám ơn anh, những lời gan ruột anh nói trong cuộc họp tôi thấm, thấm tới tận con tim, lá gan này này. Anh hỏi phương án phá phỉ thế nào ư? Tôi nghĩ, chúng có ba tính chất, lại ngoắt ngoéo, lẩn khuất trong dân để chống phá cách mạng nên việc tiễu phỉ không thể hoàn toàn dùng quân sự mà phải kết hợp giữa vận động, phân loại những tên đầu sỏ. Trong bọn đầu sỏ cũng phải phân loại ra để bắt, để cải tạo. Ta vừa vận động sản xuất, vừa tiễu trừ thổ phỉ, lấy tác chiến lâu dài làm trọng điểm, làm điểm nào dứt điểm ấy, xong tản ra như vết dầu loang thì việc lớn chắc  thành.

Đúng. Đúng quá. Long cảm thấy mình như bắt được vàng. Kinh nghiệm xương máu cho biết dẹp loạn không đơn giản là quét sạch mà phải tạo nên cuộc sống thuận chiều, quy về một mối mới tạo được sự yên bình. Long nhoài sang nắm chặt lấy tay người cộng sự đắc lực của mình:

– Ý anh hay quá. Đúng, ta sẽ phá phỉ theo vết dầu loang. Phá chứ không diệt. Đúng, đúng…, chính quyền mới vững chắc không đâu bằng chính người Phòng Tô làm chủ, cho nên ta phải xây dựng nền móng từ người dân Phòng Tô, mời anh bát này rồi ta bàn việc tiếp.

Hai bát rượu lại thay lời tri kỷ, hai người càng uống càng tỉnh, trong tri kỷ, trong rượu, trong chăm chắm vào việc lo bình yên cho làng bản, kế hoạch tiễu phỉ ở Phòng Tô hình thành. Khi tiếng gà gáy bào hiệu đã sang ngày mới hai người hài lòng dắt nhau vào giường, nhanh chóng thả hồn thả vía vào chín tầng mây.

ĐOÀN HỮU NAM

(Còn tiếp)

TIN LIÊN QUAN:

>> Đoàn Hữu Nam – Từ công nhân làm đường đến nhà văn

>> Thổ phỉ – Tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam – Kỳ 1

>> Thổ phỉ – Tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam – Kỳ 2

>> Thổ phỉ – Tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam – Kỳ 3

>> Thổ phỉ – Tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam – Kỳ 4

>> Thổ phỉ – Tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam – Kỳ 5

>> Thổ phỉ – Tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam – Kỳ 6

>> Thổ phỉ – Tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam – Kỳ 7

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *