NĂM
– Con cố nghĩ lại xem, con có làm điều gì để gây nên nỗi không?
Bà Chiên đã ngấm mệt. Đã gần trọn một đêm sắp trôi qua mà bà vẫn không dám chợp mắt. Cơn buồn ngủ bất ngờ kéo đến rất nhanh và bà không sao cưỡng nổi. Bà Chiên gục mặt vào giữa hai đầu gối mình mà ngủ thiu thiu. Tiếng hỏi nghe mập mờ, tiếng hỏi mơ hồ từ một nơi chốn rất vời xa thoảng tới. Giọng nói quen quen cứ như giọng nói ấy phát ra từ miệng của một ai đó trong nhà này vậy, nhất là chữ “xem” nghe hơi kéo dài, âm phát ra bèn bẹt. Bà Chiên cố nhớ mà không nhớ nổi giọng nói nghe quen quen ấy là của ai. Của ông Thanh ư? ông sẽ không nói với bà bằng kiểu xưng hô như vậy. Hơn nữa ông ấy còn đang ở trong tù mà ở trong tù thì làm sao có thể về nhà lúc này và nói chuyện với bà được. Của ai nhỉ? tất cả dường như đều im ắng. Vẫn cố nhớ mà bà vẫn chưa thể xác định được giọng nói mơ hồ thoảng từ nơi chốn vời xa ấy là của ai. Câu hỏi mập mờ khẽ thoảng qua tai rồi chìm vào im lặng. Ngôi nhà cũng chợt im phắc, tĩnh lặng như chưa hề có ai đã đến. Những con mọt cũng thôi không cắn gỗ nữa. Dấu hiệu cho thấy thời gian đã chuyển từ đêm sang ngày.
– Con cố nghĩ lại xem…
Tiếng hỏi nghe mơ hồ lại mập mờ vẳng từ nơi chốn rất vời xa thoảng tới. Lần này tiếng hỏi không hết câu, tiếng hỏi bỏ lửng như người vừa hỏi không kịp nói hết hoặc như người hỏi còn chần chừ mà sinh ngắc ngứ. Bà Chiên bàng hoàng giật mình choàng mở mắt. Nỗi lo sợ “phải tội” với ông Thanh mỗi khi chợp mắt đã cho bà một phản ứng tỉnh dậy rất nhanh. Bà ngơ ngác, mắt cũng mơ hồ nhìn xung quanh. Khắp ba gian nhà dường như cũng không có gì đổi thay. Cánh cửa ra vào, cánh cửa đóng bằng gỗ thông, thứ gỗ tận thu từ chiếc thùng đựng hàng mà ông Thanh mua rẻ được của người hàng xóm, người ấy có con đi xuất khẩu lao động gửi từ bên Đức về, lâu ngày cũng đã xập xệ. Cánh cửa đóng tạm bằng đinh đã han rỉ làm hở những mảnh ghép để cho ánh sáng lọt từ ngoài sân vào trong nhà, cánh cửa vẫn đóng khép nhưng ràng rạng báo hiệu một ngày mới đang tới, một thứ ánh ngyà đã mờ mờ dần thay thế ánh trăng khuya bàng bạc.

Không có gì khác lạ ngoài duy nhất một điều bất thường là dưới nền nhà, cạnh ngay bên chân chiếc ghế mà bà đang ngồi, đôi dép tổ ong rách lờm xờm, đôi dép vốn trước để xộc xệch lúc bà co cả hai chân lên ghế bây giờ hình như được xếp lại ngay ngắn. Đó chính là biểu hiện cho thấy đây là sự khác biệt xẩy ra trong lúc bà vừa ngủ thiu thiu. Lo hãi, bà Chiên dáo mắt nhìn xung quanh thêm một lần nữa. Mọi vật dụng trong nhà đều không hề suy chuyển. Trên chiếc giường một kê phía gian đầu hồi, thằng Lợi không biết đã cựa mình chuyển tư thế nằm từ khi nào. Nó quay mặt vào vách. “Vậy là nó không nghe thấy tiếng ai vừa hỏi. Hay là mình mơ ngủ?”. Bà Chiên sợ sệt đặt đôi bàn chân mình xuống đôi dép. Cảm giác như có ai vừa mới sỏ chân thể hiện qua đôi dép còn âm ấm.
Trong đầu chợt thoáng hồ nghi chuyện tâm linh, bà Chiên nhìn vội lên ban thờ. Chỗ trống vắng trên ban thờ do việc bà đã cất đi tấm bằng “Tổ quốc ghi công” bây giờ có vẻ như vừa có bàn tay nào lau dọn. Bằng chứng là lớp bụi bám ở chỗ đó hình như đã được phủi sạch, để lộ màu gỗ thâm đen. Bàng hoàng trước những điều thay đổi bất thường vừa nhận thấy đó, bà Chiên chợt hoảng cả hồn, khuôn mặt đầy đầy, khuôn mặt phúc hậu của bà dại trắng đi. “Không lẽ vong hồn của cha ông Thanh vừa hiện về?”. Những băn khoăn lẫn hồ nghi dồn dập len vào tâm dạ bà. “Nếu đúng thực là vong hồn cha vừa hiện về? Con nam mô a di đà phật. Con lạy cha. Con xin cha mách cho con biết con phải làm gì để giúp được nhà con”. Miệng lầm rầm khấn bái. Bà cuống quýt nhặt mảnh ghẻ lau bàn, bà vội vã lau những chỗ bụi còn lại trên ban thờ. Vừa lau miệng vừa lẩm bẩm.
– Con cố nhớ xem là mình có làm điều gì để gây nên nỗi không?
– Thực tình con không nhớ nữa.
– Thử cố nhớ xem.
– Con không nhớ nổi.
– Ví dụ như chuyện đã vi phạm lời nguyền chẳng hạn.
– Lời nguyền nào thưa cha?
– Các con bây giờ đã quên hết rồi sao?
– Thực tình con không nhớ. Xin cha, cha dạy bảo cho con.
– Muộn rồi.
– Con xin cha dạy bảo một lần nữa.
– Con không nhớ thì ta biết dậy bảo thế nào.
Như một người vừa bước ra từ cõi huyễn hoặc. Bà Chiên mặt vẫn còn dại trắng, khắp người run rẩy, toàn thân nóng lạnh lung tung. Mắt bà lại dáo dác nhìn khắp lượt quanh ngôi nhà như để kiểm xem mình có sơ sẩy gì không. Vẫn như ngày hôm qua và nhiều ngày trước nữa. Ngôi nhà gạch cấp bốn được xã xây dựng cho từ hồi thằng Lợi mới lên một tuổi giờ đã xuống cấp. Những mười bảy mười tám năm rồi còn gì. Ngôi nhà bắt đầu bong tróc lớp vữa trát tường, làm lộ những hàng gạch non bục tở, chỉ nhẹ tay cào là bụi đỏ bay rơi lả tả. Mấy chỗ góc nhà từng đám mạng nhện nhuốm màu bụi chăng nhằng nhịt, chứng tỏ cũng lâu rồi bà và các con chẳng buồn dọn dẹp, chẳng buồn ngó ngàng. Nỗi trống vắng bao giờ cũng đi kèm với sự trễ nải. “Hay là tại chuyện này?” bà Chiên thoáng nghĩ nhưng cũng cố tự lý giải chuyện chẳng buồn quét dọn nhà cửa không có lẽ lại là lý do cho chuyện có thể gây nên nỗi. Bà Chiên thấy phân vân.
Thực ra bà Chiên phân vân cũng có lý đúng. Năm thằng Lợi lên một tuổi, ngôi nhà này được xã xây dựng tặng cho gia đình bà, thay thế ngôi nhà lợp rạ vách trát bùn rơm làm từ hồi cha mẹ ông Thanh còn trẻ, gia đình diện chính sách mà. Vả lại hai ông bà lấy nhau ngoài ngôi nhà tranh dựng trên mảnh đất rộng hơn một sào ở giữa làng là của hồi môn do cha mẹ ông Thanh để cho, còn lại thì của cải của hai ông bà chẳng có gì đáng giá. Nhà nghèo, con còn nhỏ dại lại hay dặt dẹo, nên dù hai vợ chồng có chịu khó đến mấy thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, phong trào xây dựng “nhà tình nghĩa” tặng những gia đình chính sách diện hộ nghèo được nhiều địa phương, nhiều tập thể và cá nhân hảo tâm khắp nơi tích cực ủng hộ. Xã chọn gia đình bà cũng phải, bởi những năm ấy bà như người dở chứng sau hai lần sinh nở, chẳng được bồi dưỡng mấy, sinh đau yếu liên miên, ông Thanh sức lực bản thân cũng chỉ lấy việc chăm chỉ làm để gọi là bù trì mà thôi. Hai đứa con, một đứa mới một tuổi và một đứa lên sáu, việc dỗ chúng nó ăn, lo cho chúng nói ngủ đã khó, nói gì đến chuyện chúng nó lo giúp việc nhà làm thay bố mẹ. Một ngôi “nhà tình nghĩa” với sự đóng góp ngày công của bà con trong làng Me đã hình thành. Âu nó cũng là điều quý giá mà sự hy sinh của cha ông Thanh để phúc lại cho con cho cháu.
Ngôi nhà mới xây gạch, ba gian, lợp ngói tây, hai ông bà coi như tiện thể cũng cố vay mượn góp ít tiền làm thêm cái buồng trái, nằm lọt thỏm giữa làng Me. Người làng Me bao đời sống an phận. Người làng Me vốn không ham hố hay kèn cựa với ai. Chuyện vợ chồng bà may mắn có được “ngôi nhà tình nghĩa” ngày ấy như một sự kiện. Dân làng người mừng cũng có và người ganh tỵ cũng có. Kẻ ganh tỵ nói bóng nói gió, của cho là của nợ. Người mừng cho nói tưng tưng, nhà ấy bố liệt sĩ , con độc đinh, xã giúp cho cái nhà là chí phải. Hai vợ chồng ông Thanh bà Chiên thì khỏi bàn, mừng vui ra mặt, chỉ thương bà cụ mẹ ông Thanh đã mất trước đó vài năm. Bà cụ nhắm mắt mãi không xuôi, còn áy náy thương con mồ côi nhà cửa mục cũ mà khi đi cụ cứ dùng dằng. Hôm khánh thành nhà, ông Thanh trịnh trọng đặt lên ban thờ, thực tình ban thờ ấy cũng chỉ là chiếc bàn mộc đơn sơ đóng bằng gỗ mít, tấm bằng “Tổ quốc ghi công”. Ông lý sự vì sao không treo tấm bằng gọi là của quý giá nhất trong nhà lên bức tường nào đấy hay treo lên chiếc cột gỗ xoan cạnh ban thờ. Ông lý sự rằng, để tấm bằng trên đấy mắt khi nào cũng nhìn thấy, hương khói lại thuận tiện, nhắc nhở chuyện đến giờ gia đình mình còn chưa tìm được để cất bốc hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến về nghĩa trang liệt sĩ của xã. Xem ra cũng nhiều tâm ý. Việc ấy bà con khen mãi.
Bà Chiên ái ngại nhìn thêm lần nữa. Trên ban thờ chỗ trống vắng cứ như con mắt nào đó đang mỏ to soi mói nhìn bà trách móc. Nhưng chuyện này đâu có dễ, ông Thanh ở nhà coi như thuận, nay ông ấy như vậy, mặt mũi nào dám cậy nhờ người kêu vong gọi hồn mách cho nơi chốn liệt sĩ đang nằm để gia đình tìm mà cất bốc.
– Con trăm lạy cha. Con ngàn lạy cha. Cha thương chúng con, cha thấy đó là lỗi của chúng con, cha hiển linh mách bảo.
– …..
Không có tiếng nào đáp trả. Chỗ trống vắng trên ban thờ vẫn hiu hiu như mọi bữa. Bà Chiên thẫn thờ buông người gieo phịch xuống ghế bưng mặt nghẹn ngào. “Hay là tại chuyện khác?”. Ông cụ nhà mình là liệt sĩ cơ mà, chẳng đời nào ông cụ lại đi trách móc con cái cả.
***
Trong làng Me này, cái làng lâu đời nhưng cũng không lớn lắm, nhìn trước nhìn sau người khi ít kẻ khi gần, chỗ thân nơi sơ hầu như cả làng đều có mối liên hệ kiểu “dây mơ rễ má”. “Không có lẽ đấy mới là nguyên nhân?”. Xét về cái gọi là “dây mơ rễ má” thì ở trong làng Me này, ông Thanh tính theo đời “cụ tỷ” phải gọi bà Chiên là cô. Họ hàng theo kiểu “bắc cầu” từ mối thông gia xa lắc. Gọi là cô cũng có thể hiểu là chuyện ông Thanh bà Chiên lấy nhau là cháu lấy cô. Phức tạp. Nhưng người ở làng quê, mà ở làng quê những thứ họ hàng loằng nhoằng thường làng nào mà chả vậy. Hồi hai người làm đám cưới cả họ cả làng có ai đoái hoài hay ngăn cản về mối quan hệ “cô – cháu” đó đâu. Nói thực ra nếu hồi đó có ai đứng ra ngăn cản cũng bằng hòa. “Xùy. Họ với hàng gì, xa hàng trăm ki lô mét có bắn ca nông cả ngày cũng không tới”.
Bà Chiên thấy hốt. Chuyện họ hàng lấy nhau cũng có khi là “vi phạm” chứ có phải chơi đâu. Nhưng những hai mươi nhăm hai mươi sáu năm rồi, bây giờ tính chuyện “sửa sai” hòng làm lại nhân duyên không khéo mình lại còn mang thêm tiếng ác. “Ông ấy đang ở tù. Nói chuyện họ hàng cô cháu lấy nhau rồi đem ra “xử”, khác nào là mình thấy ông ấy mắc vận hạn mình tìm cách thoái thác. Tội chết”.
Nắng mới đã le lói ngoài sân. Nắng tuy đã cuối hè nhưng vừa mới tinh mơ đã trắng rã cả mắt. Thằng Lợi đã ngủ dậy, nó hốt hoảng thấy mẹ đang ngồi bó gối ngủ gục mặt trên ghế ở giữa nhà. Nó ngỡ tưởng đêm qua nó ngủ quá say mà không biết mẹ mình đã bị làm sao. Thằng Lợi băn khoăn dón dén đến bên cạnh bà Chiên. Nó vừa chạm tay vào vai, bà Chiên đã giật nẩy mình. Nỗi lo sợ chưa kịp tan biến. Bà ngơ ngác như kẻ mất hồn nhìn thằng Lợi như nghĩ thấy trước mặt mình là ai đó. Bà trân trân nhìn. Đôi tròng con ngươi mắt bà trắng ra rất mê dại. “Ông Thanh đó ư? có phải đúng là ông Thanh đó ư?”.
Trước mắt bà màu nắng mới đã chuyển thành ánh trăng vàng soi vằng vặc. Ánh trăng lên cao, tỏa màu vàng lênh láng khắp cánh đồng lúa mới cấy. Chiên lấy hết sức đẩy người anh Thanh khỏi người mình. Cảm giác vừa thích thú vừa xấu hổ khiến cô tuy đã nhỏm được dậy nhưng cứ ngồi bệt ra đấy mà lúng túng cài cài mãi hàng cúc áo. Thanh đứng cách đó tầm tay với, anh cũng xấu hổ không dám nhìn Chiên mà quay nhìn mông lung vào cây chuối vừa đổ. Dưới ánh trăng, cây chuối đổ nằm sóng soài dưới đất phơi thân trắng lồ giống bắp chân của Chiên hôm cô vắn ống quần cao quá gối mải miết thi cấy. Hai người chẳng ai nói với ai một câu, chỉ thỉnh thoảng liếc trộm thái độ của nhau. Mỗi lần đưa mắt liếc trộm họ lại chạm mắt nhau. Lại xấu hổ quay đi hướng khác. Rất lâu như thế anh Thanh chưa biết phải nói câu gì lúc này.
Cảm giác của những người yêu nhau lần đầu tiên chạm vào da thịt nhau bao giờ cũng thế. Ngượng nhưng mà thinh thích. Chiên vẫn là người chủ động. Cô chìa bàn tay ý bảo anh Thanh kéo cô đứng dậy. Không lẽ cứ một người ngồi bệt ra đấy và một người đứng trơ trơ như vậy sao? Lúc hai người hôn nhau trời đất như trốn đi đâu cả, giờ đứng bên cạnh nhau, nhìn mặt nhau rành rẽ dưới ánh trăng thấy thật buồn cười. Mặt anh Thanh thì dài thuỗn ra ngượng ngịu. Khuôn mặt thật thà của kẻ đang yêu bao giờ cũng vậy. Mặt của Chiên thì có vẻ tỉnh táo hơn, ánh mắt cô phơi phới. Thì ra trong chuyện tình yêu đôi lứa, con gái có thế mạnh hơn là họ tự chủ bản thân được ngay. Nói thật, nếu Chiên không tự chủ được ngay thì có lẽ cô vẫn còn nằm đấy với hàng cúc áo bị tuột lúc hai người dằn đè lên nhau. Cúc áo tuột làm lộ ra bộ ngực căng vồng của Chiên, bộ ngực cứ bồng bềnh nâng lên hạ xuống qua từng nhịp thở. Nhớ lúc anh Thanh quờ tay xuống mông cô, Chiên đã gần như lịm đi tê mê, bàn tay anh Thanh ấm nóng như thoa bỏng. Chiên bừng tỉnh, cô nhanh chóng thoát khỏi cảm giác nhục dục đang dồn dập trong người.
– Mình đi… đi chỗ khác đi.
– Nhưng …
– Nhưng gì nữa?
– Phải dựng cây chuối lên.
– Khỉ ạ. Nó đổ rồi còn dựng lên làm gì?
– Nhỡ mai người ta ra, người ta thấy thì làm sao?
– Bảo …
– Bảo thế nào?
– Bảo nó….à thôi. Mình đi chỗ khác xa xa hơn đi.
– Đi đâu?
– Lại còn hỏi nữa. Có thích không?
– Thích gì?
– Khỉ ạ. Người gì lạ thế không biết.
Thanh được lời như cởi tấm lòng, anh kéo tay Chiên đi nhanh như trốn chạy. Rặng chuối nhà bà cụ Hậu bỗng giống như có hàng chục bóng người cùng đứng mà nhất loạt nhìn theo đôi trai gái vừa vùng chạy. Những bóng người cất tiếng cười khúc khích. Tiếng cười nghe lật phật những tàu lá chuối nhờ làn gió thổi qua cánh đồng thổi tới. Thanh chạy đằng trước. Chiên chạy đằng sau. Hai người nối với nhau nhờ cái nắm bàn tay vừa chạy vừa thở.
– Nhanh lên Chiên ơi. Người ta mà ra bây giờ, người ta bắt đền thì ngượng lắm.
– Nhưng em không thở được nữa. Em khô cổ họng lắm
– Chạy tới giếng Bà Cô đi. Anh lấy nước cho Chiên uống là đỡ khát ngay.
– Tới đó mới được uống chắc em chết mất.
– Vớ vẩn. Chết thế nào được.
– Thật đấy. Em không chạy nữa đâu. Em sắp chết khát rồi.
– Chết á? Hay là Chiên ngồi đây để anh chạy tới giếng Bà Cô lấy nước.
– Chả dại.
– Sao?
– Ngồi đây, ngộ nhỡ ma nó mò ra nó bắt à?
– Làm gì có ma.
– Làm gì có ma nhưng sao anh Thanh hay nói ma, nói sợ người chết thế?
– Thì đấy là anh nói chuyện ngày xưa ấy mà.
– Ngày xưa ấy mà. Người đâu chỉ hay sợ ma.
– Tại….
– Tại gì?
– Tại làng mình từ ngày xưa đã kể thế. Thôi không chạy nữa. Chúng mình đi từ từ vậy.
– Nhưng em lại sợ.
– Vừa chê anh nhát cơ mà?
– Ôm chặt em cho em khỏi sợ đi.
Đôi trai gái chạy như có ma đuổi phía sau, chạy vòng bờ ruộng qua gò sấu, chạy một mạch tới những thửa ruộng lúa mới cấy thì dừng lại.
***
Bên kia gò Sấu, tức là cách đầu làng Me một đoạn vừa đủ bằng câu gọi to, nằm ngay cạnh con đường liên thôn nối làng Me với các làng khác trong xã, có một cái giếng cổ. Giếng đất, thành giếng không biết tự bao giờ ai đó đã quây gạch cao ngang đầu gối người lớn. Giếng có hình thù là lạ, giống hình chiếc lá rau má. Giếng nhỏ và hẹp, chỉ rộng áng chừng bằng nhỏ hơn chiếc nia phơi thóc. Miệng giếng quanh năm được che kín bởi vô vàn những cây dương sỉ tua tủa những chiếc lá hình lưỡi mác. Lá dương sỉ xanh rờn, sờ tay ram ráp. Mùa hè cây dương sỉ đua nhau trổ lá non. Những chiếc lá dương sỉ non ban đầu khi mới nhú khỏi thân cây có màu nâu, dài nhìn như những chiếc đũa tre. Đấy mới là cọng lá, còn cánh lá dương sỉ thì mới he hé, màu trắng đục, bám dọc hai bên cọng từ cuống cho tới đầu cọng, nhìn từa tựa như cả trăm cái chân của con cuống chiếu. Những con cuống chiếu to dài khác thường với cái đầu uốn cong hình móc câu. Những cành lá dương sỉ non như con cuống chiếu đang ngoe nguẩy cố ngoi lên khỏi mặt nước. Chẳng hiểu vì bị lá dương sỉ luôn che kín miệng giếng hay vì những con cuống chiếu đang cố ngoi lên mà nước giếng cổ này rất trong. Mùa đông, thả gầu chui qua tán lá dương sỉ đang chuyển từ màu xanh sang màu vàng kéo lên gầu nước còn bốc hơi như nước mới đun. Về mùa hè, thả gầu qua đám cọng lá non mới nhú hình con cuống chiếu kéo lên từng gầu nước mát lịm như nước đá. Người làng Me chẳng ai bảo ai nhưng tất thẩy bao đời đều dùng nước giếng cổ để ăn để uống.
Vào cái năm nảo năm nào nghĩa là từ rất lâu rồi cái giếng đất cổ này mới chỉ là một mỏ nước tự nhiên nằm giữa đồng đầy lút dầy cỏ sậy. Mỏ nước dị biệt bởi nó chẳng khi nào vơi cạn hay chảy tràn miệng. Mưa rào tầm tã cũng như nắng gắt cả tháng, mỏ nước vẫn cứ sâm sấp cho thứ nước trong vắt và ngọt lịm. Những người đến cạnh gò Sấu lập làng đã phát hiện ra cái mỏ nước khác thường đó, họ bảo nhau quây bờ thành một cái giếng lấy nước ăn cho cả làng. Thực ra đồng đất làng Me vốn là đồng đất lấp bồi ven sông nên trong làng ngoài ruộng thi thoảng đùn lên mạch nước ngầm nhưng lại chỉ cho thứ nước sỉn vàng lại váng quạch. Chỉ có nước ở mỏ nước dị biệt này là cho thứ nước trong khác thường.
Người làng Me kể với cháu con rằng: Hồi làng Me chưa hình thành. Nơi này còn hiu quạnh và thưa thớt dân cư. Thời bấy giờ nước ta mới bị giặc Minh sang xâm lược. Những tên lính xâm lược vô cùng tham lam và thâm độc. Chúng đi tới đâu cướp bóc tới đó. Chúng đi tới đâu người chết chỗ đó. Một ngày nọ, trên con đường dẫn lên biên ải đi qua đây có một đoàn lính tráng áp tải đoàn ngựa xe từ tận mãi thành Đông Đô. Chúng đang trên đường áp tải của cải châu bóc do quan quân nhà Minh cướp được trong thành Đông Quan vận chuyển về phương bắc. Đường về phương bắc ngày xưa rất khó đi. Đó chỉ là những con đường đất lại độc đạo còn ở dạng giống lối chân trâu và phải xuyên qua những cánh đồng cỏ sậy cao lút đầu người. Đoàn lính tráng ngựa xe vận chuyển của cải châu bóc cướp được đi tới đúng cánh đồng đầu làng Me bây giờ thì phải dừng lại. Con đường đất lại độc đạo đến đúng chỗ này bỗng dưng biến thành đoạn đường lầy lội khó đi. Đoàn ngựa xe không cất nổi một bước. Cứ thụt lún, thụt lún dần. Cuối cùng gần như tất cả lính tráng cùng đoàn ngựa xe chở của cải châu báu chìm trong bùn lầy lẫn cỏ sậy.
Sau này câu chuyện còn được kể thêm về lý do vì sao lại có chuyện tình cờ nhưng khá hữu ý như vậy. Người có kinh nghiệm đi đường xa cho rằng, đoạn đường đất này ở ngay cạnh sông Thương nên nền đất không vững chải. Nó có thể bị sụt lún bất cứ khi nào, đặc biệt là vào thời kỳ có nhiều trận mưa dài ngày. Cách giải thích này cũng có lý vì vào đúng dịp lũ lính nhà Minh áp tải đoàn ngựa xe trùng vào những ngày tháng đó mưa gió liên miên. Người theo phái duy tâm cho rằng, toàn bộ số hàng của cải châu báu đó đều là đồ ăn cướp, mà cướp bóc đi liền với chém giết nên những oan hồn đã mượn thế đất nơi này để giữ lại của cải theo kiểu “không lấy lại được thì cũng không cho kẻ nào được hưởng”. Họ còn giải thích thêm, phàm là của cải có được từ việc giết chóc đều dẫn tới hậu quả khôn lường. Nghe cũng hay hay vì bởi lũ lính nhà Minh thời đó nếu không chết vì bị thụt lún là do trời đất vật, thì cũng bị quan trên chém đầu vì cái tội không mang được châu báu cướp được về phương bắc.
Chuyện xưa lại kể tiếp: Những tên lính trong đoàn hộ tống may mắn sống sót hoảng sợ nhìn đoàn ngựa xe bị đất nuốt chửng mà đầy lo sợ. Chúng ngậm ngùi tiếc rẻ nhưng cũng đành bó tay mà thất vọng bởi chúng không thể nào lấy được thứ của cải vừa bị chôn vùi đó. Nhưng lòng tham đâu đã mất. Chúng hy vọng một ngày nào đó sẽ quay lại tìm cách lấy lại số của cải châu báu. Và để “kho báu” này không lọt vào tay những người dân quanh vùng những tên lính nhà Minh đã bàn với nhau là cần tìm bằng được một cô gái trinh làm vật tế mạng để “yểm bùa hộ vệ”. Chúng tin rằng một khi đã được “yểm bùa hộ vệ” kho báu phải để lại trên đường lên phương bắc này sẽ trở về tay chúng một ngày nào đó.
Lùng sục gắt gao suốt nửa tháng ròng mà vẫn không đạt ý muốn, cuối cùng những tên lính nhà Minh sống sót trong đoàn áp tải kia đành phải vào thành Xương Giang chịu tội. Vừa hay cũng đúng vào dịp đó, quan quân nhà Minh đang chiếm giữ thành Xương Giang đã bắt được một thiếu nữ. Cô gái tuổi mười lăm, đẹp như trăng rằm, trinh trắng như tiên nữ mà chúng bắt được vốn là con gái của một vị hào trưởng người Nùng, vị này họ Từ. Vị hào trưởng họ Từ ngày đó trấn giữ mạn Hữu Lũng kế trên thành Lạng Giang. Đó là một vị hào trưởng vô cùng khảng khái, ông nhất khoát từ chối không đem hào binh của mình hợp tác với quân xâm lược. Quan quân nhà Minh hết dụ dỗ mua chuôc bằng tiền tài địa vị chúng lại chuyển sang đe nẹt. Vị hào trưởng vẫn không suy chuyển ý chí. Chúng phải dùng tới thủ đoạn đê hèn là bắt cô con gái yêu của vị hào trưởng làm con tin để hòng lung lạc tinh thần vị hào trưởng. Mưu ma ấy vẫn không khuất phục được vị hào trưởng yêu nước và khảng khái. Sẵn lòng thù hận vị hào trưởng đó lại mang mưu đồ nham hiểm, những tên lính nhà Minh dẫn cô gái trinh người Nùng, con gái yêu của vị hào trưởng họ Từ, tới đúng chỗ của cải châu báu bị vùi lấp. Cô gái trinh họ Từ người Nùng cũng xứng đáng với chí khí của cha mình. Cô không hề run sợ. Cô bình tĩnh đi theo chúng mà không than gào khóc lóc như quan quân nhà Minh từng nghĩ. Trước đông đặc quan lính nhà Minh, cô gái không chịu viết thư kêu gọi cha mình nghe theo lời giặc để tính mạng của cô được bảo toàn. Cô cũng dứt khoát không hợp tác dù, chỉ là hợp tác nhỏ nhất với giặc Minh.
Quan quân nhà Minh trong thành Xương Giang khi ấy dụ dỗ không được bèn quyết thực hiện âm mưu ban đầu. Chúng sau khi làm các thủ tục cúng tế đã phũ phàng dúi đẩy cô gái trinh xuống chỗ bùn lầy cỏ sậy rậm rạp một cách không thương tiếc, đẩy cô gái vào đúng chỗ đã nuốt gọn cả đoàn ngựa xe châu báu. Thật lạ lùng, khi cả người cô gái vừa bị đẩy tọt xuống vũng lầy thì tự dưng vũng lầy thụt lún kia rùng rùng dữ dội rồi thoắt biến mất, đất đai đang nhầy nước bỗng se lại và khô cứng, tuyệt nhiên không để lại một dấu vết dù thật nhỏ để chứng tỏ nơi này vừa “nuốt” cả đoàn ngựa xe chở châu báu vàng bạc. Không thấy đoạn đường lầy lội khó đi đâu nữa, chỗ ấy sau đợt rùng rùng dữ dội thì im ắng trở lại và đột nhiên xuất hiện một mỏ nước con con mang hình chiếc lá rau má. Nước trong mỏ nước không nhiều lắm nhưng cũng không cạn bao giờ, quanh năm mỏ nước chỉ sâm sấp, thò tay khua thấy mát lịm về mùa hè và lại ấm nóng về mùa đông.
Thực hư của câu chuyện kho báu bị chôn vùi, thực hư chuyện cô gái trinh con vị hào trưởng họ Từ người dân tộc Nùng bị chôn sống làm bùa yểm như thế nào cũng chẳng ai bảo là có hay là không. Nhưng cái giếng nước dị biệt nằm như giữa cánh đồng có thứ nước vừa trong vừa mát kia là có thật. Có lẽ chính vì sự ngon ngọt và lạ lùng hiếm thấy của giếng nước mà người dân vùng đất nơi này đã tự huyền hoặc mình mà thêu dệt nên câu chuyện kho báu cùng cô gái trinh xinh đẹp là con của vị hào trưởng người Nùng họ Từ. Giếng từ đó được dân làng Me gọi là giếng Bà Cô. Và cách răn bảo cháu con tốt nhất và có sức truyền đời dai dẳng nhất mà người làng Me đã làm để giữ gìn mỏ nước hiếm lạ chính là lời nguyền độc. Một lời nguyền độc được cả làng tuân thủ đời này qua đời khác, nó càng làm câu chuyện chẳng rõ thực hư thêm huyền bí, càng làm cho giếng Bà Cô thêm thiêng thêm linh.
Chỗ câu chuyện ngày xửa ngày xưa chính là cánh đồng lúa mới cấy đang trải thứ ánh sáng vằng vặc giống như một bức tranh được vẽ lên từ ánh sáng. Khi Thanh kéo Chiên chạy tới nơi bức tranh được vẽ lên từ ánh sáng ấy bỗng mênh mang lạ. Những hàng lúa mới cấy rung rinh dưới ánh trăng như lời mời gọi. Chiên đứng thở dồn dập, cô nép sát bên người anh Thanh. Hai bóng người giờ đây như chập làm một, cũng đang rung rinh trên mặt ruộng.
– Chiên đã thấy hết khát chưa?
– Người ta đã uống gì đâu mà hết khát.
– Ừ nhỉ. Anh ra giếng Cô lấy nước nhé.
– Anh nhớ gì chứ?
– Nhớ gì?
– Nhớ chỉ lấy nước giếng Cô để uống thôi đấy.
– Nhưng…
– Nhưng gì?
– Nước múc bằng cách nào? Mình làm gì có gầu.
Thanh bò toài lên thành giếng để với hai tay xuống mặt giếng. Anh chụm hai lòng bàn tay lại cẩn thận và từ từ vốc lên vốc nước. Chiên đứng ngay đấy, cô hơi cúi người ghé miệng vào lòng bàn tay anh Thanh. Nước giếng ngọt lừ, mới chạm môi đã mát tận ruột. Thứ nước mát lịm lại trong vàng màu ánh trăng như đang rủ rê nên Chiên cứ ghé môi mình hít mãi lòng bàn tay anh Thanh. Cảm giác âm ấm và mơn man từ đôi môi của Chiên khiến Thanh ngây ngất. Cảm giác ấm nóng từ bàn tay anh Thanh lại truyền ngược sang nóng hổi vành môi của Chiên, truyền lan khắp khuôn mặt Chiên. Cứ úp mặt như dính chặt đôi môi của mình vào hai lòng bàn tay anh Thanh, Chiên ngây ngất trong hạnh phúc đơn sơ ấy. Cô khẽ rùng mình, co người rướn chân lên. Cả người cô thêm ghé sát vào người anh Thanh. Thanh cũng thế, anh cong người như để dồn tâm cố giữ cho hai lòng bàn tay mình thật khít lại. Không một giọt nước nào rớt khỏi lòng bàn tay của anh. Uống nước giếng Cô, mà lại uống dưới ánh trăng khuya, thì từ thuở lập làng đến giờ chưa từng có ai được uống. Uống nước giếng Cô, mà lại uống bằng lòng tay của người yêu, thì cũng từ thuở người dân phát hiện ra hốc nước đến giờ chưa từng có ai được vậy. Chiên càng thêm ngây ngất như đã lạc tới một chốn thần tiên.
Bỗng nhiên Chiên thấy có cảm nhận rất khác lạ. Nước giếng Cô bây giờ không còn ngọt còn mát lịm như ban đầu cô mới uống nữa. Một thứ vị mằn mặn, một thứ vị nong nóng đang ngấm qua đầu lưỡi cô, đang thấm vào trong họng cô, nó làm cô thấy vô cùng sửng sốt. Chiên gục mặt hơn nữa vào lòng bàn tay anh Thanh. Cả lòng bàn tay anh Thanh cũng đang nóng ran lên khác lạ. Rất khác lạ như chưa hề biết đến bao giờ. Rồi anh Thanh cũng tan biến đâu mất. Cô rùng mình, ánh trăng lạnh lùng vây chặt lấy cô. Cánh đồng lúa mới cấy cũng biến mất. Chỉ còn lại một màu trắng bàng bạc mênh mang.
Bà Chiên bảng hoảng. Cả khuôn mặt bà đang úp vào chính hai lòng bàn tay của bà. Hình như bà đã úp mặt như thế lâu rồi và bà đã khóc. Nước mắt của chính bà đang thi nhau tuôn chảy và đọng lại giữa hai lòng bàn tay, ướt nóng hôi hổi cả khuôn mặt bà. Thì ra trước mắt bà không phải là ông Thanh, càng không phải là anh Thanh của hơn hai mươi năm trước. Thằng Lợi mặt mày đang đần ra lo âu. Cái thằng càng lớn càng giống bố.
Đến lúc này bà Chiên mới ngờ ngợ câu chuyện nước giếng Cô. Không lẽ đây mới là nguyên nhân gây nên nông nỗi. Ngoài sân nắng mới đã dải trắng mắt. Một nỗi lo sợ còn hơn cả sự sợ hãi đang vây diết lấy người bà. Những linh cảm về lời nhắc nhở của cha ông Thanh càng khiến bà thêm hoảng hốt. Căn nhà trống vắng quá. Ban thờ lạnh lẽo quá. Thằng Lợi đứng cạnh đó, nó muốn hỏi chuyện gì đã xẩy ra với mẹ nó trong đêm qua nhưng nó cũng không há nổi miệng. Chân tay lóng ngóng, thằng con trai mới lớn lóng ngóng đỡ bà Chiên lại chiếc giường nó vừa nằm. Bà Chiên mệt rũ, chẳng nói chẳng rằng nằm thượt trên giường. Mắt nhìn như nhìn vào cõi hư vô như người bị ma ám.
***
Ba buổi chiều nay, cứ tầm năm giờ rưỡi hoặc hơn tí chút, khi bà Chiên đã bán xong nồi nước chè xanh của mình. Bà Chiên lúi cúi thu dọn cốc chén xoong nồi là ông Thanh ngoắc hai chiếc can, loại can nhựa hai mươi lít, vào giá đèo hàng xe đạp. Đoạn đường từ sân vận động mới của xã về tới giếng Cô không xa nhưng đạp xe cũng chừng ba mươi phút. Đoạn đường đi từ thôn Chằm nơi có sân vận động, vòng qua thôn Chạ, lượn qua cánh đồng đầu làng Me này mới được sửa sang nâng cấp bằng con đường đổ bê tông rộng hai mét thay thế con đường đất liên thôn nhỏ xíu lại gồ ghề khó đi trước đó.
Ông Thanh cắm cúi đạp xe. Gió chiều thổi mát lạnh sau lưng. Ông Thanh phấn khởi lắm. Ba buổi chiều nay món nước chè xanh nấu bằng nước giếng Cô khá đắt hàng, bán độ hơn tiếng là hết veo. Thứ nước giếng Cô bình thường đã mát lịm nay nấu chè xanh uống vào càng thích. Nhất là cánh cầu thủ của các đội bóng mấy làng mấy xã. Đã ba buổi chiều nay, huyện tổ chức giải bóng đá gọi là “Giải sông Thương”, một giải đấu được kỳ vọng phát triển phong trào thể dục thể thao của huyện. Hơn nữa, giải năm này lại được tổ chức ngay tại sân vận động của xã, nên bà Chiên tranh thủ hàng chiều nấu nồi chè xanh bán kiếm thêm ít tiền. Cái sân vận động này cũng là sân mới khánh thành. Một sân vận động do huyện đầu tư kinh phí nên bà con xã này hoan hỉ lắm. Người chơi người xem như kléo hết cả làng cả xã. Lâu lắm rồi ngay tại xa nhà mới có được một cuộc chơi thi đua hào hứng như vậy. Ít ra thì cũng cho thấy việc đổi mới có kết quả, huyện xã cũng khấm khá lên. Có chút dư dả mới nghĩ tới chuyện bầy cuộc chơi vui chuyện bóng bánh chứ. Ông Thanh được vợ giao cho nhiệm vụ chiều chiều tới giếng Cô đem nước về cho bà nấu nồi nước chè xanh.
Chiều thu mát se se, hai chiếc can nhựa còn rỗng nhảy tưng tưng va lập cập vào giá đèo hàng nghe vui vui. Đoạn đường mới nâng cấp có khác, đạp xe chạy bong bong. Ông Thanh khấp khởi như người vớ được của. Ba buổi chiều bán hàng, vị chi mỗi buổi bà vợ của ông cũng kiếm dăm chục ngàn. Dăm chục ngàn mà chỉ tốn ít công đi lấy nước đem về kể cũng nhàn.
Ông Thanh đang phấn khởi, qua đoạn đường vòng này là tới dốc gò sấu. Giếng Cô nằm bên kia dốc. Đường chiều vắng vẻ. Gió thổi lành lạnh lại càng thấy thêm vắng vẻ. Dốc gò sấu đã lấp ló đằng trước, tự dưng ông Thanh thấy lâng lâng. Ông xuống xe, khom người đẩy xe ngược lên đỉnh dốc. Ông đẩy nhẹ nhàng vì không việc gì phải vội. Chiều đang nguội nắng. Nắng chiều ngày cuối thu nguội nhanh nhường chỗ cho bóng tối xình xịch tới. Trời càng nhanh tối càng hay. Ông Thanh nghĩ thầm. Ông đã đẩy xe sắp tới đỉnh dốc. Một háo hức chợt tới khiến ông vừa tự mỉm cười một mình vừa quay nhanh đầu nhìn về chân dốc. Dưới chân dốc chẳng nấy một bóng người. Ông rướn mắt lên nhìn lên đỉnh dốc. Ngôi nhà mới dựng trên đỉnh dốc đã le lói ánh đèn. Cô ấy chắc đã tắm xong. Ông Thanh vui như trẻ được quà.
Rất nhẹ nhàng, ông Thanh dựng xe bên gốc cây cách ngôi nhà mới dựng trên đỉnh dốc một đoạn vừa đủ người trong ngôi nhà đó không phát hiện được có người đẩy xe lên dốc. Ông dựng xe bên gốc cây rồi lại nhìn trước nhìn sau xem xem có ai tình cờ xuất hiện hay không. Không một ai cả, yên tâm vì sự vắng vẻ đó ông Thanh lặng lẽ những bước chân như bước chân mèo đi sát tới ngôi nhà mới dựng.
Khẽ khàng tới bên cánh cửa đóng kín nhưng ánh sáng trong nhà vẫn lọt ra báo hiệu ngôi nhà đó có chủ nhân ở đó. Ông Thanh len lén con mắt nhìn qua khe cửa. Dưới ánh sáng của ngọn đèn điện mới bật cô Thoan, chủ nhân của ngôi nhà, đang thư thả đứng trước tấm gương treo trên vách. Cô Thoan quay lưng ra cửa. Tấm lưng để trần nhìn mát nuột cả mắt bởi vì cô vừa mới tắm xong. Ông Thanh nín tiếng thở mạnh bởi vừa đẩy xe ngược dốc của mình. Ba buổi chiều nay ông vô tình mà được ngắm cô Thoan khi cô ấy vừa mới tắm xong.
Buổi chiều đầu tiên là do ông tò mò. Ông tò mò bước lại gần ngôi nhà mới dựng với dụng ý muốn biết người đang sống trong ngôi nhà ấy sống như thế nào. Chuyện cô Thoan, một cô gái quá lứa xa làng đã lâu nay đột nhiên về làng đem theo một đứa con nhỏ đã khiến ông tò mò. Cô ấy sống với đứa con còn đỏ hỏn trong ngôi nhà dựng ngay trên đỉnh dốc gò sấu kể cũng can đảm. Ông Thanh từ hồi còn nhỏ, chỉ nghĩ chuyện phải đi qua gò sấu một mình đã hãi vãi tè, đã rùng mình dựng tóc gáy nói gì đi vào lúc chiều hôm hay tối mịt, vậy mà cô Thoan, cô ấy sống ngày ngày ở đó cũng lạ. Đành rằng chuyện cũ quá xa xưa. Đành rằng bây giờ gò sấu đã bớt thâm u nhưng đêm đêm những con chim lợn còn lại vẫn đậu như ngủ gật trên cành cây sấu cổ thụ, chúng ngóng đôi mắt sáng như đèn pha ô tô ai mà chả hãi.
Đôi lần ông Thanh toan đánh tiếng như là muốn hỏi cho tường tận chí tò mò. Nhưng ông đã kịp im lặng. Cô Thoan cuối chiều tắm táp xong lại đứng trước gương để chải tóc. Gái một con có khác. Tấm lưng trần cùng cặp mông mẩy đang quay lại phía ông càng gợi sự tò mò. Gợi sự tò mò rồi chuyển sang thích thú. Đã lâu rồi ông Thanh không được nhìn tấm lưng con gái. Lâu rồi ông không được chạy lòng vòng trên những bờ ruộng, vừa chạy vừa gào khản giọng, vừa chăm chú nhìn như dán mắt vào cặp mông của Chiên. Cặp mông căng tròn, mây mẩy như chiếc lồng bàn úp trên mảnh ruộng cấy.
Cô Thoan này cũng lạ nhiều thứ. Không hiểu cái nhà cô Thoan này có đoán biết có người đang rình nhìn từ ngoài cửa không nhỉ? Không biết càng hay. Nếu cô ấy mà biết thì mình cũng ngượng mặt. Nhưng tấm lưng trần cùng cặp mông mẩy căng đang quay lại phía ông càng làm cho ông Thanh thêm thích thú. Cô này hơn đứt bà vợ già của mình ở nhà. Lại là một bà vợ hay đau yếu nữa. Ông Thanh chợt so sánh và thầm cám ơn cơ hội cho ông đi lấy nước giếng Cô. Cơ hội cho ông được nhìn thoải mái tấm lưng trần và cặp mông đầy khơi gợi của cô Thoan.
Có kiễng chân lên để đôi mắt dán chặt hơn vào khe cửa. Ông Thanh thấy bụng dạ mình đang réo sôi ùng ục. Nhưng đấy là cái réo sôi của nhục dục mời gọi. Lâu rồi ông đã thấy chán bà vợ già của mình. Giá mà có được một chút thôi gần gụi cô Thoan này nhỉ? Ông Thanh cứ thập thò ngoài khe cửa mà ao ước.
Chiều tối nay cũng vậy. Cô Thoan sau khi tắm táp xong lại thong thả đứng trước gương. Cô đứng thong thả nhưng trong bụng ông Thanh lại thúc giục. Người đâu mà thơm đến thế. Thứ mùi thơm nưng nức đang toát ra từ thân thể cô Thoan. Thứ mùi thơm từ thứ sữa tắm mà cô Thoan đã dùng ba ngày nay làm ông Thanh bắt đầu thấy nhơ nhớ. Ông nhớ thứ mùi thơm lạ lùng chứ không phải thứ mùi mồ hôi khen khét của bà vợ mình. Hít một hơi dài để cố thu vào trong họng thứ mùi thơm lạ lùng đó. Ông Thanh tiếc rẻ quay đi tiếp tục làm nột công việc đem nước giếng Cô về cho bà vợ già của mình. Chắc bà ấy đang ngóng. Mình đi lâu quá bà ấy sinh nghi.
***
– Có đúng là có lời nguyền như vậy không hả mẹ?
– Mẹ cũng không nhớ nhưng chắc là có lời nguyền.
Bà Chiên thôi không nằm nghỉ nữa, bà ngồi lại chiếc ghế bà đã ngồi gần suốt đêm qua. Thằng Lợi đã hơi yên tâm. Nó vẫn còn áy náy không hiểu cả đêm qua như thế nào mà nó lại ngủ tít đi được. Cũng có thể đêm qua trời dịu mát mà nó ngủ mê đi. Cũng có thể mẹ nó không muốn đánh thức nó dậy. Thằng Lợi băn khoăn hết nhìn mẹ lại nhìn lên ban thờ. Trên đó mẹ nó vừa lén đặt tấm bằng “Tổ quốc ghi công” ở đúng chỗ mọi khi. Nó trân trân nhìn tấm ảnh liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến cũng đặt cạnh đó. Đôi mắt của ông nội nó đang nhìn nó rất nghiêm khắc. Một cái nhìn ngờ vực khiến nó thấy sờ sợ.
– Lời nguyền nói gì hả mẹ?
Câu hỏi đột ngột cất lên làm bà Chiên giật bắn mình. Bà vẫn như người mộng du trong cõi mơ chưa tắt. Thằng Lợi ngừng hỏi, nó im lặng theo dõi từng biểu hiện trên nét mặt của mẹ.
– À…
Bà Chiên sau hồi im lặng mơi sực nhớ ra thằng con mình vừa hỏi. Bà vẫn để nguyên những ngón tay di di những vết bụi trên khung kính tấm bằng.
– Lời nguyền nói rằng…
Vẫn chưa nói cả câu. Dường như trong tâm thức bà Chiên mọi chuyện như đang đâu đây. Bà thong thả ngồi xuống ghế.
– Lời nguyền nói rằng: nước giếng Bà Cô là báu vật trời đất ban cho người dân làng Me. Thứ báu vật chỉ dành cho người làng Me ăn người làng Me uống. Tuyệt nhiên không được dùng nước giếng Bà Cô để giặt giũ hay rửa ráy. Tuyệt nhiên không được phung phí nước giếng Bà Cô. Ai đem nước giếng Bà Cô mang bán thì gia đình người đó sẽ chịu vận hạn.
– Vận hạn gì hả mẹ?
– Thì vận hạn như….như chuyện bố con đã mắc ấy.
– Chuyện của bố con liên quan gì đến giếng Bà Cô?
– Có đấy. Con có tha thứ cho mẹ không?
– Mẹ nói gì lạ thế?
– Con có tha thứ thì mẹ mới yên lòng được. Mà cũng không thể tha thứ được nữa rồi. Lỗi là tại mẹ. Tại mẹ..
Bà Chiên chợt bưng mặt khóc rưng rức. Thằng Lợi vô cùng hốt hoảng, nó không hiểu chuyện gì đang xẩy ra, nó không hiểu vì lý do gì mà mẹ nó than có lỗi, nó lại càng không hiểu thế nào là sự liên quan dẫn tới bố nó mắc vận hạn.
– Mẹ có ngờ đâu mình lại là người làm hại bố con.
– Mẹ không có lỗi. Chuyện do bố con gây nên là do …do chính bố con..
– Không. Lỗi tất cả ở mẹ.
Nắng đã chang trắng ngoài sân. Mấy con gà mái tơ hứng chí vừa chạy đuổi mổ vào lưng nhau vừa kêu những tiếng “tang tác”, chúng chạy te tái làm rơi những đám phân gà ướt nhõng nhoét. Thằng Lợi hoang mang thực sự, nó nắm chặt hai bàn tay bà Chiên cố giữ cho bà lấy lại bình tĩnh. Nhà chỉ có hai mẹ con lúc này. Có chuyện gì thì biết kêu ai tới giúp.
– Con có nhớ lời nguyền rằng những ai dùng nước giếng Bà Cô đem bán lấy lời sẽ bị mắc hạn không?
– Có nhưng mà liên quan gì đến nhà mình.
– Con có nhớ mấy hôm đó mẹ đun nước chè xanh không?
– Có.
– Đấy.
Thằng Lợi giờ mới ớ ra. Nó đã hiểu câu chuyện. Chính bố nó mấy hôm huyện tổ chức giải bóng đá “Sông Thương” đã chiều chiều lấy nước giếng Cô cho mẹ nó nấu nồi nước chè xanh đem bán cho những người đến xem đá bóng. Lời nguyền đã vận vào bố nó. Vận vào ông Thanh để không biết trời xui đất khiến thế nào mà ông mắc phải tội giết người. Phạm lỗi với lời nguyền hàng trăm năm. Phạm lỗi với sự thiêng mà dân làng bao đời gìn giữ. Một nỗi sợ hãi len tới khắp ba gian nhà khiến không gian như đen quánh lại.
Để mặc cho bà Chiên ngồi thừ trên ghế, mặt đang thừ ra bần thần tội lỗi, thằng Lợi lùi nhanh như cố tránh xa mẹ nó càng xa càng tốt. Trong lòng nó bỗng đâm oán mẹ nó vô cùng. Chỉ vì một chút hám lợi nhỏ, chỉ vì kiếm mấy đồng tiền lẻ mà mẹ nó dẫn bố nó vào vòng lao lý. Giá không có những trận bóng đá ngoài sân vận động mới của xã? Giá như không có giếng Bà Cô linh thiêng? thằng Lợi bỗng đâm oán cả cái làng Me. Giá làng Me cũng như các làng khác. Nghĩa là chẳng có chuyện huyền bí về cái giếng cổ với lời nguyền độc. Trời đất như đóng sầm trước mắt thằng Lợi. Thứ ánh sáng trắng chang chang ngoài sân không làm nó khuây khỏa.
Ông Thanh ngoắc nhanh hai can nước vào giá đèo hàng. “Chắc giờ này cô Thoan cũng đã tắm xong”. Tự dưng một nỗi thèm thuồng dâng đến làm ông thấy chộn rộn. “Cái nhà cô Thoan này người đâu đến là lạ. Nhìn cứ phơi phơi ra mới chết chứ”. Rất vội vã nhưng không vội vàng. “Gì thì cũng phải đợi trời tối hẳn mới không có ai trông thấy”. Ông Thanh thủng thẳng đẩy xe đạp ngược lên đỉnh dốc gò sấu. Vừa đẩy xe ông Thanh vừa quay trước quay sau dò nhìn. “Cẩn thận không khéo lộ ra thì chết”. Tự nhủ như vậy nhưng ông Thanh thấy trong bụng như có lửa sôi ùng ục. Đã ba hôm rồi hôm nay là buổi cuối cùng. Ngày mai là hết cơ hội. Tự dưng trong lòng ông Thanh dấy lên nỗi thèm khát da thịt cô Thoan đến cồn cào. Chiếc xe chợt nặng oằn dưới sức nặng của hai can nước. “Không biết mình còn thích hay còn lo ngại nhỉ?”. Ông Thanh vừa đẩy xe đạp vừa tự hỏi. Một là thèm khát đến cồn cào và một là thấy phiền hà. Trời chiều đã kéo bóng tối đến rất nhanh. Trên đỉnh dốc đã le lói ánh đèn phát ra từ căn nhà mới dựng. “Cô Thoan này đã tắm xong chưa nhỉ?”. Ông Thanh thoáng dừng đẩy xe lấy bình tĩnh. “Mình có lại đó không? không lại đó thì tiếc lắm. Nhưng cứ lại đó mà nhìn trộm qua khe cửa thì cũng phí”.
Đã lên tới đỉnh dốc. Ông Thanh lại dừng đẩy xe hít một hơi thở dài. Những suy nghĩ phân vân khiến ông chần chừ mãi chưa quyết định dứt khoát được. Một cơn gió thổi từ trong gò sấu thổi ra nghe như tiếng trẻ u oa. Ông Thanh nắm chặt hai tay cương quyết. “Cứ đẩy cửa vào nhà đã rồi tính sau”.
Đám mây xám trôi qua làm khoảng sân trước nhà vụt sáng trở lại. Thằng Lợi cũng bớt oán giận. Nó nhìn bà Chiên đang ngồi rũ trên ghế mà thấy thương mẹ vô cùng. Thì chẳng qua mẹ nó cũng muốn kiếm chút tiền phụ cùng bố nó. Nói giận nói oán mẹ bây giờ phỏng có ích gì. Cái chính là tìm cách nào giúp mẹ.
– Đêm qua …hình như ông nội con về.
Bà Chiên như sực tỉnh. Thôi đúng rồi. Trong giấc thiếp đi bà Chiên đã thấy liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến đứng tít ngoài sân trông vào nhà. Đầu tiên là câu hỏi trách móc và tiếp theo nhưng ánh mắt buồn buồn. Trong ánh mắt buồn buồn ấy hình như liệt sĩ đang muốn lại gần hơn nhưng không thể nào vượt qua khoảng sân để vào nhà được. Khoảng sân như một thách thức, như một ngăn cản vô hình. Đã bốn mươi năm liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến xa nhà. Kể từ buổi chiều cái ngày ông dắt tay thằng Thanh đi dạo trên bờ đê sông Thương lồng lộng gió ấy. Buổi chiều hè đầu tiên và cũng là duy nhất hai cha con ông Thanh đi bên nhau. Năm đó chú bé Thanh còn quá bé, quá bé để hiểu được rằng đó là cuộc đi chơi giữa hai cha con mãi mãi không bao giờ lặp lại.
Hồi hai người chính thức yêu nhau, anh Thanh chiều chiều nắng nguội, gió thổi miên man tung bay mái tóc, anh kéo tay Chiên đi lên đoạn đê sông Thương đó. Đoạn đê kỷ niệm như anh Thanh đã nói với cô.
– Nếu không có đoạn đê này thì có khi Chiên chẳng để ý tới anh đâu nhỉ?
– Ai thèm để ý anh.
– Ai thèm mà lại đi với người ta thế này.
– Tại vì
– Vì gì?
– Vì …vì anh Thanh chứ vì gì?
– Chiên nói gì mà anh chẳng hiểu.
– Không hiểu thì thiệt.
– Thiệt là thiệt thế nào?
– Là. Là làm người ta để ý tới mình.
Bà Chiên khẽ mỉm cười. Nụ cười nhớ lại giúp bà đỡ cảm thấy mắc lỗi với ông Thanh. Ngày đó cô bé Chiên cũng như bọn trẻ con trong làng Me nhìn chú bé Thanh đầy ngưỡng mộ như nhìn một người anh hùng. Một người anh hùng đã dũng cảm đối chọi với thằng Thủ Chằm hung tợn. Cô đã thầm để ý anh Thanh từ ngày đó?
– Đêm qua hình như ông nội con về nhà.
Bà Chiên chậm rãi từng câu. Thằng Lợi cũng đã bình tĩnh phần nào. Nó chăm chú nghe câu nói của mẹ.
– Ông nội con hình như đêm qua về nhà thì phải.
– Ông có nói gì với mẹ không?
– Có.
– Ông con nói gì?
– Ông con hỏi mẹ có làm gì để gây nên nỗi không.
– Rồi ông nói gì nữa?
– Ông bảo ông muốn vào nhà mà không vào được.
– Hay là tại mẹ cất tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của ông đi?
– Mẹ cũng nghĩ thế nhưng không phải.
– Hay là tại mẹ cất ảnh của ông đi?
– Cũng không phải. Ông nội con nói ông muốn vào nhà nhưng không vào được vì ông chưa trở về làng.
– Ông chưa trở về làng? Ông con hy sinh lâu rồi cơ mà?
– Ông xa làng đã bốn mươi năm. Ông muốn trở về làng như những ai ra đi đều có ngày trở về ấy.
– Ông đã hy sinh rồi về làng làm sao được nữa.
– Ông nói khi nào ông trở về được làng ông sẽ giúp mẹ con mình.
– Bây giờ ông về bằng cách nào?
– Có khi mẹ con mình phải đi đón ông về thôi con ạ. Khổ thân ông cụ. Xa làng ngần bấy năm. Không biết giờ này ông nội con nằm ở đâu để đi đón ông về? Mẹ tự dưng nóng ruột lắm.
– Nhưng mẹ con mình có biết ông nội nằm ở đâu để mà đón ông về?
– Ừ nhỉ.
Bà Chiên chưng hửng. Thực tình ngày liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến đi B bà còn là một cô bé con con nhà hàng xóm. Trong thâm tâm bà, thì phận làm dâu con khi về nhà chồng lúc bố chồng đã hy sinh, là hàng năm lo chuyện cúng giỗ chu tất cũng đã là trọn bề rồi. Trí nhớ của cô bé Chiên chỉ mang máng “bố anh Thanh” là một chú bộ đội. Một chú bộ đội với bộ quân phục màu xanh, với chiếc mũ vải mềm đội ngay ngắn trên đầu, chiếc mũ mà anh Thanh hay nhắc đến. Hồi sớm, khi bà đưa trở lại trên ban thờ tấm bằng “Tổ quốc ghi công” và tấm chân dung liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến, bà chợt thấy nao nao. Tấm chân dung liệt sĩ trong bộ quân phục màu xanh đang nhìn hai mẹ con bà với cái nhìn động lòng khiến bà rưng rưng. Có lẽ bộ quân phục màu xanh là dấu hiệu khác biệt duy nhất để phân biệt những người đàn ông trong ngôi nhà này. “Sao ông cháu cha con họ giống nhau đến thế?”. Bà Chiên lén nhìn thằng Lợi đang ngồi tự lự như nó đang nghĩ cách nào để đi đón ông nội nó về làng, thằng Lợi ngồi trên chiếc ghế đối diện với bà, để thầm so sánh. Thằng Lợi đã chững chạc nên rất nhiều kể từ sau ngày ông Thanh vào tù. Cái thằng càng lớn càng có những nét giống ông Thanh về tính cách và gương mặt. Tính cách ông Thanh thì bà đã rõ. Một con người giản dị lại thật thà đến cả nể. Nhưng được cái thương vợ thương con, làng Me này ai cũng đều nói thế.
Ngồi mãi cũng chẳng nghĩ ra được sẽ làm gì. Nằng hè trải khắp sân nhà một màu trắng. Khoảnh sân vắng hiu hiu đang lờ mờ những nhân ảnh đang di động. Những nhân ảnh chập chờn, khi thì là bộ mặt đang đần ra nghĩ ngợi của thằng Lợi, khi thì là nét mặt trông đến dại khờ của ông Thanh và lúc thì là cái nhìn khích lệ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến. Liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến bây giờ như một nguồn động viên cho hai mẹ con bà Chiên. Ngôi nhà tự nhiên thấy ấm cúng lạ. “Cũng tại mình thấy nhục với làng mà cất tấm chân dung ông cụ đi”. Bà Chiên bắt đầu thấy hối hận. “Cứ để tấm hình ông cụ trên đó”. Để đó để hy vọng ông cụ linh, ông cụ độ về mách bảo rồi chỉ lối cho hai mẹ con bà tính ngày đi đón ông cụ về lại làng. Bà Chiên lầm rầm chắp hai tay cầu khấn. Chút mong manh vời vợi đang cho bà linh cảm mơ hồ.
– Nếu con còn tin chồng con thì con gắng vượt.
Cuống cuồng như sắp bị rơi mất thứ gì, bà Chiên lật đật đứng phắt dậy chìa hai bàn tay ra hứng đỡ, bà lại nghe thoảng bên tai mình câu nói vời xa vời xa.
NGUYỄN TRỌNG VĂN
(Còn tiếp)
>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 1
>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 2
>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 3
>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 4
- Thơ 1-2-3 Nguyễn Thị Thanh: Ngôn từ nào vẽ nên khuôn mặt nhà thơ
- ‘Học sinh lãng phí thời gian phân tích tác phẩm văn học’
- Chuyện về người Việt Nam đầu tiên đến hợp chủng quốc Hoa Kỳ
- Phức hợp thiện ác và lựa chọn luân lí trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
- Thơ 1-2-3 Vũ Lam Hiền: Tự thiêu đốt mình trong huyễn hoặc tình yêu