Hai cây bút kỳ cựu: Đặng Toán ở Thái Bình, Thanh Yến ở Sài Gòn cùng hai cây bút mới xuất hiện: Nguyễn Kim Lan ở Hà Nội, Dương Vũ ở Đồng Nai là những tác giả thơ 1-2-3 được nhà thơ, nhà phê bình Khang Quốc Ngọc chọn thơ để bình trong kỳ này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

>> Kỳ 1: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
>> Kỳ 2: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
>> Kỳ 3: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
>> Kỳ 4: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
>> Kỳ 5: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
>> Kỳ 6: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
>> Kỳ 7: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
>> Kỳ 8: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
>> Kỳ 9: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
>> Kỳ 10: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
>> Kỳ 11: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
Mượn thơ để nói đến những phận người thấp bé trong xã hội “bông hoa dại nép bên lề đường”, họ luôn cô đơn “ngơ ngác nhìn dòng người xuôi ngược”. Do thế, “bông hoa dại” kia “không biết có mùa xuân” là cái nhìn chia sẻ đối với tình cảnh “bông hoa dại nép bên vệ đường”. Điều ấy gợi ra ẩn ý tách rời vì sự mưu sinh chăng? Dường như mùa xuân vui tươi, nhộn nhịp, đông vui, ồn ào là để giành riêng cho ai kia chứ nhất định không phải cho những cánh “hoa dại nép bên lề đường”? Ý thơ dâng lên một chút tủi thân mủi lòng và thương cảm.
Do đó, một cái nhìn được đặt trong tâm thế của những “bông hoa dại” và cũng là của những phận người thấp bé kia phải chăng là để hiểu họ, chia sẻ và cảm thông với họ? “Mai bên đào hớn hở rung rinh” được đặt bên cạnh hình ảnh “hoa dại khép cánh bâng khuâng” là thủ pháp so sánh mang màu sắc trái chiều nhằm nhấn mạnh quy luật vô thường đang miên viễn trôi. Bên thì tươi vui khoe sắc “hớn hở, rung rinh”; bên thì âm thầm “khép cánh bâng khuâng”. Hai trạng huống sống ấy còn gợi nhắc đến chúng ta bao điều về những phận người trong cuộc đời này. Khi có điều kiện đủ đầy thì vươn mình bung nở kịch dương để hài hòa; khi không có điều kiện thì an phận trong thế cực âm “khép cánh bâng khuâng” âu cũng là lẽ đời phải thế!? Hai chữ “bâng khuâng” diễn tả rất hay tâm trạng người trong cuộc được nhìn theo chiều kích khép mình là để được thấy rõ mình hơn. Vẫn biết thế nhưng đọc lên không thể không cảm thấy sụt sịt những tâm tư mà miên man buồn.

Câu hỏi kết thúc bài thơ “bao giờ đến tết của mình…”, cộng thêm dấu chấm lửng phía sau như là sự chấp nhận trong im lặng mặc cho sự thở dài lôi đi. Câu hỏi tu từ mà ẩn chứa cả một trời mênh mang tâm trạng. Đau đáu hồn người. Xa xót quá! Những phận người lẻ loi như bị tách hẳn ra khỏi cuộc sống khi mùa xuân về, chỉ là những cuộc đời đứng và “nép bên lề đường” mà thôi, họ tìm đâu ra tâm thế hòa mình hớn hở cùng nàng xuân với tất thảy?
“Bao giờ đến tết của mình…” nhẹ nhàng nhưng lại như một vết cứa có thể làm cho chúng ta phải lặng người mà suy tư. Phải chăng là số phận đã an bài? Cao thấp, trên dưới, dở hay, sang hèn… là những sự thực hiển nhiên tồn tại trong bất cứ một xã hội nào? Do thế, ý thơ không cố tình xoáy sâu vào sự phân tầng nhưng lại thấp thỏm cái nhìn theo hiện trạng mang màu sắc phân li. Lấy bối cảnh mùa xuân để thổ lộ tâm tình đối với sự phân tầng và hướng cái nhìn cảm thông đến những phận người bé nhỏ như những “bông hoa dại nép bên lề đường” cũng đủ thấy một tâm thế luôn xao xác và cồn cào vì những phận người nhỏ bé, cô lữ. Thật đáng quý biết bao!
Không biết có mùa xuân
Bông hoa dại nép bên lề đường
Ngơ ngác nhìn dòng người xuôi ngược…
Mai bên đào hớn hở, rung rinh
Hoa dại khép cánh bâng khuâng
Bao giờ đến tết của mình…
(Đặng Toán – Thái Bình)
“Cái tuổi nó đuổi xuân đi”, ai rồi chẳng thế. Có né, có tránh cũng chả được. Quy luật rồi, muôn đời như thế. Do vậy, cứ sống thảnh thơi mà chấp nhận tất cả có lẽ sẽ hơn chăng? Biết thế nhưng cũng chẳng khỏi thảng thốt khi vết chân của thời gian in hằn lên quá rõ trong cuộc đời? Thiết nghĩ, sự mong cầu “vá víu những mảng xanh ngày cũ” đâu chỉ là tâm sự của riêng nhân vật trữ tình, mà có thể nó là tâm sự chung của rất nhiều người khi đã vào độ tuổi “mùa gọi mùa xao xác”. “Ngày cũ” là kí ức, hiện tại đang nhìn về “kí ức” với con mắt “những mảng xanh” thì hẳn nhiên đó là cái nhìn đẫm đầy vẻ tiếc nuối. Bởi chắc chắn, nhân vật trữ tình đã sống qua “một thời mơn mởn lá non tơ” thì phải hiểu sâu sắc vẻ tươi đẹp và hấp dẫn của nó. Ấy là một thời kì tràn trề năng lượng sống, trẻ trung yêu đời. Chi tiết “bỗng giật mình” khắc họa rõ nét thái độ ngạc nhiên đầy thảng thốt khi nhận ra bước đi của thời gian “mùa gọi mùa xao xác”. Vẫn biết thế nhưng “cái tuổi nó đuổi xuân đi” thì làm sao cho khỏi thảng thốt?

Xuống đến khổ thơ cuối thì cái tâm trạng kia rõ nét hơn, nhìn rõ mình, rõ thực tại trong một tâm thế chấp nhận. Hành động đi “lượm lặt từng phút giây chèo kéo lại niềm vui” đã gọi được ra bao nhiêu những chạnh lòng. Câu thơ không chỉ phảng phất nỗi buồn bước đi tàn phá của thời gian mà nó còn ẩn chứa những điều khác nữa trong cuộc đời vì hai chữ “lượm lặt”. “Lượm lặt” là gom góp, nhặt nhạnh trong một điều kiện quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Ý thơ he hé cho thấy vẫn còn đó chút tình vương mang nặng lòng với những thứ đã lùi xa vào kí ức.
Xu hướng ẩn mình hẳn vào trong quá khứ mà miên man với kí ức lại xuất hiện “ngắm nghía bức tranh ẩn hiện trong tiềm thức” gợi ra sự xót xa. “Bức tranh” kí ức chỉ là “ẩn hiện trong tiềm thức thôi”, không rõ ràng lắm nhưng có lẽ vẫn còn hơn cuộc sống thực tại. Và điểm cao trào đã xuất hiện “bất chợt dung nhan ngân ngấn giọt ngậm ngùi”. Tâm trạng của nhân vật trữ tình đã làm cho chính tâm hồn mình phải rơi lệ. Khóc cho dung nhan hay dung nhan khóc cho con người thì đều là những giọt nước mắt nuối tiếc, ngậm ngùi pha nặng sự xa xót. Chúng tôi đồ rằng, nhân vật trữ tình chính là hình mẫu của tuýp người quá nặng về quá khứ, sống theo kí ức.
Vá víu những mảng xanh ngày cũ
Một thời mơn mởn lá non tơ
Bỗng giật mình mùa gọi mùa xao xác
Lượm lặt từng phút giây chèo kéo lại niềm vui
Ngắm nghía bức tranh ẩn hiện trong tiềm thức
Bất chợt dung nhan ngân ngấn giọt ngậm ngùi.
(Thanh Yến – TPHCM)
Những câu thơ nhẹ nhàng như hơi thở mùa xuân, êm đằm nữ tính. “Sẽ tìm” là lời hứa hẹn của lòng mình, trong ấy thấy có bóng dáng tha thiết và cả sự quyết tâm nhất định. Vậy thì tìm cái gì mà phải hứa hẹn như là một lời nhắn nhủ cho quyết tâm kia, thì ra là phải đi tìm “cánh hoa ấy” đang lẩn khuất “đâu đó trên khu đất dự án”.
Lời thơ nhẩn nha, thủng thẳng có vẻ chẳng vội vàng gì. Chầm chậm vậy, đã có định hướng rồi mà “đâu đó trên khu đất dự án” thì lo gì tìm không gặp?
Đường đi tìm “cánh hoa ấy” phải “bắt qua đường container” he hé ra phía trước một sự ngáng trở. Làm sao trước tình cảnh này? Ngáng trở để thử lòng chăng? Vượt qua bằng cách nào khi hình ảnh “bắt qua đường container” luôn luôn là một hiện thực ồn ào đầy nguy hiểm?
Và hành trình “đi tìm cánh hoa ấy” vẫn âm thầm diễn ra, vì xét cho cùng thì một khi đã dấn bước, quyết tâm rồi thì chẳng có gì có thể ngăn cản được bước chân con người. Hình ảnh “ngõ nâu rêu cũ” xuất hiện ngay phía bên dưới đã làm cho tâm trạng người “đi tìm cánh hoa ấy” càng như thêm sự quyết tâm hơn. Tại sao hình ảnh “ngõ nâu rêu cũ” lại đột ngột xuất hiện và có vẻ như không ăn nhập gì với câu thơ phía trên liền kề? Rồi phía dưới rõ ràng đã xuất hiện câu thơ có thi ảnh, cách lập ngôn rất đẹp và lạ “cây bưởi gài hoa lên vườn cà vừa nụ” lại cũng như hơi xa lạ như vậy?

Những câu thơ như những ám ảnh tách rời mà lại được ràng buộc vào nhau kiểu cuộn tròn. Ba dòng thơ đầu là hy vọng, “cánh hoa ấy” sẽ nở “trên khu đất dự án”. Điều ấy ẩn dụ cho một ước mơ đẹp đẽ rất đáng trân trọng. Dự án nào chẳng mang trọn những khát khao thành tựu nở hoa? Một cách nói hình ảnh giàu ẩn dụ để diễn tả nỗi niềm kia. Nhưng rồi, có thể lâu quá rồi, hoa thì chẳng thấy nở mà dự án kia thì vẫn mang đầy những dấu tích cũ kĩ, rêu phong, “ngõ nâu rêu cũ” và chưa có chi gọi là khởi sắc niềm vui cả. Hình như mọi hứa hẹn đã bị đóng băng? Bởi vậy mà “cây bưởi gài hoa lên vườn cà vừa nụ” là một hình ảnh gợi ra những nỗi suy tư trầm lắng mà miên viễn rồi mông lung! Những cánh hoa bưởi gài lên vườn cà vừa nụ nghe lặng lẽ chồng lấn của sự im lặng mà thiếu đi sức sống bật mầm của dự án đầy những khát khao vươn tầm kia…
Một sự đột phá trong thơ Nguyễn Kim Lan. Chất thế sự ngấm vào con chữ rất tự nhiên, thơ chị gợi nhiều hơn tả, dồn chứa ứ đầy rồi bung nở ý tứ trong những câu thơ rất giàu thi ảnh.
Sẽ tìm
Cánh hoa ấy
Đâu đó trên khu đất dự án
Đi bắt qua đường container
Ngõ nâu rêu cũ
Cây bưởi gài hoa lên vườn cà vừa nụ
(Nguyễn Kim Lan – Hà Nội)
Ký túc xá được nhìn qua con mắt tươi trẻ, cực kì sống động. Điểm nhìn đầu tiên về ký túc xá là “những cái giường tầng bằng sắt biết hát” khi ký túc xá vào “mùa lễ hội đêm ngày”. Hình ảnh nhân cách hóa “những chiếc giường tầng bằng sắt biết hát” đã miêu tả thú vị bao nhiêu những cung bậc tình cảm xôn xao của một thời sinh viên tươi trẻ mê say và có phần đắm đuối. Ở đó thấy có thấp thoáng bóng dáng tình cảm riêng tư; ở đó có tiếng nói đam mê cuồng say của tuổi trẻ, ở đó có sự hết mình tập luyện và thăng hoa. Hình ảnh nhân hóa ấy đủ cho thấy sự véo von nhiệt tình và sôi nổi.
Bài thơ hé ra một chi tiết lứa đôi khó có thể thiếu trong lứa tuổi sinh viên “có cô bé cùng quê học trường sư phạm” để có cái cớ cho nhân vật trữ tình thốt lên “đi lạc đường đến cùng ca hát bài hát sinh viên”. Có cái cớ rồi thì phải “ca hát” thôi. Ca hát là để hòa nhịp với không khí “lễ hội đêm ngày” vui nhộn, thì chẳng qua cũng chỉ là sự hòa nhập vào niềm vui chung thôi mà. Và một khi đã hòa với cái không khí “chung” rồi thì lâu ngày ắt là phải có cái chi đó thật…“riêng” tư. Tâm sự ấy đâu còn là chuyện “đi lạc đường” nữa, nên do vậy, hình ảnh kết thúc bài thơ “cả ký túc xá sõng soài những con mắt ngoài hành lang” cũng là chuyện dễ hiểu!

“Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” thì lẽ đương nhiên thứ tư phải là sinh viên. Mọi xôn xao, hiếu kì tập trung trong chi tiết “cả ký túc xá sõng soài những con mắt ngoài hành lang”. Hình ảnh ấy tái hiện rất chuẩn và sinh động về những trạng thái tâm lí thập thò đầy những hiếu kì của sinh viên khi có ai đó lạ xuất hiện trong khu vực thân quen của mình. Nó có chút chi đó ranh mãnh và háo hức, có chi đó bộp chộp láu táu, có chi đó rủ rỉ rù rì đám đông chen chúc rất đặc trưng sinh viên một thời tuổi trẻ nhiệt tình và đầy những hiếu thắng, bồng bột, nông nổi…
Và thế là “ký túc xá” cuộn vào trong kí ức biết bao những kỉ niệm đẹp, mơ mộng (có cả mơ hồ) và lãng đãng. Tụ tán ầm ào để rồi vùn vụt trôi vào kí ức. Lời thơ tự nhiên miêu tả chất sống sinh viên khá thú vị, giọng điệu chân tình, giàu sức gợi. Ai đã qua thời sinh viên có lẽ sẽ thấy bóng dáng mình thấp thoáng đâu đó trong bài thơ này.
Ký túc xá
Ký túc xá những mùa lễ hội đêm ngày
Những cái gường tầng bằng sắt biết hát
Có cô bé cùng quê học trường sư phạm
Đi lạc đường đến cùng ca hát bài hát sinh viên
Cả dãy ký túc xá sõng soài những con mắt ngoài hành lang…
(Dương Vũ – Đồng Nai)
Sài Gòn, mùa xuân 2023
KHANG QUỐC NGỌC
(Còn nữa…)