
Chương năm
Dương thị nhập cung
1.
VHSG- Hoàng đế ngồi xe tứ mã, trở lại Thung Lau, với ý định trở về thăm lại cảnh cũ người xưa mà thôi. Nhưng không ngờ quan sở tại và dân chúng lại ùa ra đón rước, tung hô, quá ư trọng thị, làm náo động cả núi rừng. Đến đoạn đường hẹp, Hoàng đế bỏ xe, đi ngựa cùng bọn thị vệ.
Từ khi vua ra, đây là lần thứ hai, dân chúng nhìn thấy long nhan. Lần này, Hoàng đế to béo và bệ vệ hơn hôm lễ đăng quang. Dân chúng lần đầu thấy xe bốn ngựa hồng cùng kéo, trên xe cắm lọng vàng che cỗ ngai vàng. Tay ngai hình đầu rồng, bánh xe bằng gỗ giáng hương có đai sắt. Toàn là những thứ đồ lạ lẫm, sang trọng, mặc dù bọn thị vệ đã ra sức cấm cản, nhưng dân chúng vẫn sấn vào sờ sờ mó mó, ngó ngó nghiêng nghiêng, khen tấm khen tắc… Bọn thị vệ tuy cản, nhưng không dám làm dữ như chỗ khác, bởi đây là đất vua, dân vua, sợ sẩy lỡ tay lại mang vạ.
Hoàng đế thăm lại đồng Rộc Xéo, nơi Đồi Trống, Đồi Chiêng, gò Nắm Cơm, cầu Mổ Trâu… Đến Bến Vội, lại nhớ khi vội vàng tháo chạy khỏi tay chú Dự. Thung Lau đây, vẫn bốn bề núi đá, đường qua quèn đã lát bậc đá. Hoàng đế xuống ngựa, cuốc bộ qua quèn. Trong thung, dãy lán trại đã tu bổ khang trang hơn, chứng tỏ Quản động là người mẫn cán, khiến Hoàng đế cảm thấy se lòng, nhớ lại việc phạt oan hôm nào. Viên Quản động một mực giữ lễ, làm cho Hoàng đế cảm thấy gò bó như thể ở giữa hoàng cung vậy. Nhưng viên Quản động giữ lễ cũng là giữ cho chính cái mông của mình, tránh khỏi những trận đòn oan. Hoàng đế thì lại thèm những câu nói sỗ sàng, những cử chỉ xô bồ của trẻ trâu, gợi nhớ thuở hàn vi mà thấm đẫm nghĩa tình. Phú quý, quyền hành, khiến con người chìm ngập trong ánh hào quang và sự giả dối. Hình như, mỗi cử chỉ, lời nói của Hoàng đế đều trở thành khuôn vàng thước ngọc. Và, mỗi cử chỉ, lời nói của người đời, đều ẩn chứa sự nhờ vả, quỵ lụy gì đó, khiến Hoàng đế cảm thấy hãnh diện và cảnh giác.
Qua đầm Cút, sang Thung Lá, chợt nghe thấy ven rừng, vẳng trong hơi gió có tiếng sơn nữ đang cất tiếng hát, với giọng trầm buồn:
“Anh đi tán tía tàn vàng
Để em cắt cỏ bên đàng sao đang
Tay cầm bán nguyệt sênh sang
Trăm ngàn ngọn cỏ lai hàng tay ta…”.
Nương theo tiếng hát, Hoàng đế men vạt rừng tìm, nhưng không thấy bóng hồng đâu cả, bèn nghĩ bụng, hẳn là thần tiên giáng trần, trêu đùa mà thôi. Vùng này, Hoàng đế thuộc như lòng bàn tay, từng vạt rừng, từng đỉnh núi, từng hồ nước, từng con suối, thảy đều in dấu chân thuở cờ lau tập trận. Chợt nhớ ngôi nhà của của tướng quân Dương Thế Hiển, quanh quất đâu đây, bèn tìm đường ghé thăm.
Hiển là bạn thuở xưa của Đinh Thứ sử, nên khi gặp Hoàng đế, hai bên tay bắt mặt mừng. Nhưng Hiển giữ lễ, khiến Hoàng đế cảm thấy hẫng hụt. Bất chợt xuất hiện một thiếu nữ thướt tha, dáng yểu điệu dâng trà, khiến Hoàng đế sững sờ:
– Kính Hoàng thượng!
Tiếng thoảng như gió ngàn, mặt tròn khuôn trăng, da trắng hồng như trứng gà bóc, mắt biếc mày ngài, răng đen nhưng nhức, tóc bỏ đuôi gà, dáng hình thanh tú. Hoàng đế run tay cầm chén trà, nước sánh cả ra ngoài, khiến thiếu nữ đỏ bừng mặt, nghiêng mình che quạt cười duyên.
– Có phải ban nãy, nàng hát bên rừng? – Bộ Lĩnh trìu mến hỏi.
Thiếu nữ dừng gót giây lát, liếc nhìn nước da ngăm đen của Hoàng đế, bất giác mỉm cười miếng chi, nghiêng đầu e lệ. Thấy vậy, Hiển vội lên tiếng đỡ lời:
– Con gái hạ thần đó, còn vụng dại lắm! – tuy miệng nói vậy, nhưng giọng Hiển đầy vẻ tự hào.
– Dám hỏi, nàng được mấy cái xuân xanh, đã có nơi có chốn nào hay chưa? – Hoàng đế hỏi độp một câu, như kiểu đại bàng vồ mồi.
Dương thị nghe vậy, mặt đỏ rực lên, tỏa mùi hương quyến rũ, lòng thẹn thùng không nói nên lời. Dương tướng quân lại phải nói đỡ con gái rượu:
– Bẩm Hoàng thượng, con gái hạ thần vừa tròn đôi tám, còn nguyên nếp quê mùa. Giữa chốn rừng xanh núi đỏ này, nào đã có ai để mắt mà chi…
Hoàng đế mừng rỡ, vội nói như sợ có kẻ phỗng tay trên:
– Nếu cha con nàng không chê ta là kẻ võ biền, cốt cách mục đồng, thì xin được cùng hồi cung?
Nghe vậy, hai cha con Dương tướng quân vội quỳ xuống, nói:
– Tạ ơn Hoàng thượng!
Thế là, Dương thị cùng ngồi xe tứ mã với Hoàng đế, hồi kinh.
2.
Dương thị được Đinh Hoàng đế lập làm Hoàng hậu. Thế là Hoàng đế có năm Hoàng hậu, đặt tên là Đan Gia, Trinh Ninh, Kiểu Quốc, Cô Quốc, Ca Ông, nhưng không phong ai làm chính cung.
Nghe Dương thị nói giọng trầm, Lưu Cơ nghĩ bụng, người đàn bà này số cao, ít ra phải hai lần đò. Dò hỏi mãi mới biết nguyên nhân chuyện đó. Chả là, khi bé, Dương thị khóc dạ đề những ba tháng liền, dỗ mấy cũng không yên. Một hôm, có vị đạo sĩ qua nhà Dương tướng quân, thấy vậy, bèn vỗ nhẹ vào nôi mà nói du dương như hát, rằng:
“Nín đi thôi, nín đi thôi
Ngày mai gánh vác cả đôi sơn hà“.
Đạo sĩ dứt lời, lập tức hiệu nghiệm, tựa hồ như ngay từ lúc nằm nôi, Dương thị đã hiểu được ý trời và chấp thuận vậy. Đôi sơn hà, nghĩa là Hoàng hậu hai vua sao? Sau Hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh là ai? Theo bài kệ hiện trên thân cây gạo chùa Minh Châu, năm Bính Thân (936), thì nhà Lý sẽ nổi lên. Nhưng mình đã tâu với Vạn Thắng Vương tìm diệt hết tay chân bọn sứ quân Lý Khuê, ở Siêu Loại rồi mà? Vậy, trong đám quan, quân, dân chúng này, còn ai mang mệnh đế vương? Nghe đồn, thuở hàn vi Lê Hoàn đi ở, được rồng phủ bên cối gạo, mẹ hắn khi sinh mơ thấy hoa sen. Hắn lại có tài cầm quân, được Đinh Liễn thu phục và Hoàng đế cũng mến mộ thường giao ấn tiên phong. Năm nay, Hoàng đế đã bốn mươi lăm tuổi rồi, mà Dương hoàng hậu mới mười sáu; vị chi, Hoàng đế hơn những hăm chín, ba mươi tuổi. Nghĩ vậy, Lưu Cơ thở dài lo lắng, không biết thời cuộc vần xoay ra sao?
3.
Đêm động phòng hoa trúc, bọn cung nữ dẫn Dương thị đi tắm. Nàng xấu hổ, phẩy tay ra hiệu cho chúng lui ra, để tự tắm một mình. A, cũng nước ấm nóng như ở nhà mình. Con gái sơn cước vẫn thường tắm nước nóng. Chỉ có điều khác là tự mình phải đun nước, rồi đổ vào chậu gỗ, múc từng gáo tre mà giội. Nhưng trong cung, nước ấm đổ đầy thùng gỗ to như cái nong, lại thả cánh hoa bồng bềnh, nên nước có mùi thơm và lộng lẫy.
Nàng bước vào thùng gỗ ngọc am, từ từ ngồi xuống ngập tới cổ, mới thong thả cởi xống tới áo vắt lên thành gỗ. Bọn cung nữ thấy vậy, cười khúc khích. Chả là, chúng bảo phải cởi hết ra, giội qua mấy gáo, rồi mới được lội vào. Nhưng nàng ngượng, đến như tắm ở nhà vẫn phải mặc váy, kéo cạp qua ngực mới dám cởi áo cánh. Ở đây, buồng tắm cũng thắp nến sáng trưng, lại có người hầu. Nàng chỉ bằng lòng cho bọn cung nữ vừa buộc tóc lên đầu, vừa dặn dò cách thức mà thôi. Ở Gia Lâm(1), có mấy bận, nàng cùng các bạn sơn nữ tắm suối, xúm vào rờ ngực, vuốt rốn nhau, rồi khúc khích cười, ước mơ làm hoàng hậu. Thế mà đánh “đùng” một cái, mình trở thành hoàng hậu, thật cứ như trong mơ…
Nàng khe khẽ khỏa nước cho các cánh hoa dãn ra, thong thả thoa mặt, kỳ vai, vuốt mình. Thỉnh thoảng giật mình, lại nhớn nhác ngó quanh, sợ có ai nhìn thấy. Hồi lâu, bọn cung nữ mang xiêm áo đến, có ý nhắc nàng đã tắm quá lâu. Nàng thẹn, phủ khăn lên vai mới từ từ bước ra khỏi bồn tắm. Chúng lại xúm vào lau mình, liếc trộm đôi nhũ hoa đang nở trên ngực và túm lông tơ bết lại bên dưới rốn. Đoạn, chúng giúp nàng mặc xống áo, trang điểm, chải tóc.
Nàng cảm thấy đói. Ở nhà, sau khi tắm suối về, nàng thường ăn một bát cháo hoa. Nàng kể thế, bọn cung nữ hiểu ý, mang đến dâng nàng một bát yến. Nàng có ý chê ít, cứ như cho mèo ăn không bằng. Bọn chúng bảo, sợ tức bụng và bấm nhau cười khúc khích. Nàng hiểu ý, đỏ mặt lên vì ngượng, vừa nhấm nháp món ăn lạ miệng, vừa nghĩ mông lung…
Nàng mệt và lo sợ, ngủ thiếp đi lúc nào không hay, chợt có tiếng hô ngân nga ngoài cửa, khiến nàng tỉnh giấc:
– Hoàng thượng giá lâm!
Nàng lồm cồm vục dậy, chưa kịp soi gương sửa tóc, thì Hoàng đế đã đường bệ bước vào. Bọn thị nữ vội trải tấm khăn lụa trắng lên giữa giường, rồi lặng lẽ buông rèm, bước ra.
Bộ Lĩnh vén rèm, nhìn thấy nàng run cầm cập ở góc giường, bèn mỉm cười độ lượng:
– Từ nay, ta và nàng chung tình cốt nhục…
Câu nói của Hoàng đế phá tan bầu không khí tịch mịch và khiến nàng trở nên bình tĩnh hơn. Hoàng đế ôm nàng vào lòng, nói về danh phận cao quý của nàng và mong ước được hoàng tử… tai nàng ù đi, chỉ nghe tiếng lùng bùng, chỉ nhìn thấy gương mặt lồng lộng. Hoàng đế cởi xiêm áo, nàng bất giác thu hai tay lên che ngực. Hoàng đế cười cười. Nàng chợt nhận ra hoàn cảnh. Hoàng đế bế bổng tấm thân kiều diễm của nàng, đặt lên khăn trinh. Bọn con gái ở làng và mẹ nàng đã nói về chuyện này. Nàng bất giác nhìn tấm khăn và cảm thấy xấu hổ, xen lẫn niềm tự hào, khiến khóe mắt ứa lệ.
Bọn con gái trong làng, thường được các chị có chồng kể chuyện rằng, đàn ông ngoài bốn mươi thì cái “khoản ấy” yếu di. Thế mà Hoàng đế bốn mươi lắm vẫn khỏe tợn. Vua có khác, nàng nghĩ vậy và cười một mình. Hoàng đế gấp ba tuổi mình, khi mình thành gái ba mươi, toan về già, thì Hoàng đế cũng đã ngót bảy mươi- ông lão… Nàng bất giác thở dài, rồi tự trách mình vô duyên. May mà ý nghĩ, nên không ai nhìn thấy, không ai nghe thấy, không ai sờ thấy, chứ không thì xấu hổ chết đi được…
Đêm ấy, nàng được Hoàng đế ban ân sủng. Sáng dậy, nàng thả mấy hạt ngọc vào bình, rồi cất đi.
4.
Đêm đêm, nghe tiếng cuốc vọng vào hoàng cung, Dương Hoàng hậu nghĩ bụng, thế là đã sang hè. Có khi, ta xin Hoàng đế về thăm nhà. Ta sẽ đi thuyền rồng đến Bến Đế, rồi ngồi kiệu bát cống về làng. Sau cuộc mặn nồng, Dương hậu ngỏ ý như vậy, Hoàng đế chuẩn tấu liền.
Dương Hoàng hậu cùng đoàn tùy tùng lên thuyền rồng từ Bến Đền, bơi trên sông Sào Khê, ra sông Hoàng Long ngược nước. Trên thuyền, đàn sáo vang lừng, khiến dân chúng đổ xô ra các bến sông nghênh đón, thật là sang trọng tót vời. Một ngày tựa mạn thuyền rồng, đàn bà con gái chỉ cần ước ao ngần ấy. Nhưng ta, cả đời tựa mạn thuyền rồng. Thuyền rồng chỉ dành cho vua, thế mà ta được yêu chiều đến độ… Dương Hoàng hậu ngẫm thấy tự hào, hãnh diện với làng xóm láng giềng. Bọn bạn gái sẽ chết mê chết mệt cho mà xem. Trên vua, dưới ta. Vua mang tiếng từng có bốn hoàng hậu rồi, nhưng người thì già, kẻ khuất núi, đến ta thứ năm trẻ, đẹp nhất cả kinh thành. Khi xưa, nhác thấy quan quân Cờ Lau là đám con gái hồn vía lên mây, sợ không may là nát một dời hoa với lũ trẻ trâu ấy. Thế mà hôm nay, chúng một điều thưa hoàng hậu, hai điều lạy hoàng hậu. Đến như Đinh Liễn, con trưởng của Hoàngđế, cũng y một phép. Đinh Liễn hơn Lê Hoàn một tuổi, cùng là dưới trướng Hoàng đế cả. Nhưng sao mà quan, quân, dân chúng sợ vua đến thế nhỉ? Một lời vua ban là rạ ran tuân chỉ. Còn ta thì ôm cả vua mà quật quã, quần thảo. Ban đầu cũng sợ tội phạm thượng, ai dè, vua lại tỏ ra thích thú, thế là…
***
Về làng, Dương Hoàng hậu ra lệnh cho các thôn nữ mười sáu tuổi, cùng trà lứa với mình, ban đêm, đến nhà Dương tướng quân, vui dạ hội, nhưng tất cả phải đội khăn chùm đầu.
Đêm ấy, cả làng nhộn nhịp. Các cô sơn nữ đến cổng là phải đội khăn chùm kín đầu, bọn cung nữ đón tay dẫn vào sân. Dưới ánh đuốc gỗ thông sáng rực, đám Phạm Thị Trân lại diễn xướng tích “Cờ lau tập trận”. Tiếng trống thì thùng điểm nhịp hoài thanh. Mỗi câu diễn là một khẩu hiệu, cố vũ toàn quân giết giặc. Đến đoạn Bộ Lĩnh lên ngôi, thì Dương Hoàng hậu xuất hiện, tiếng tung hô: “Hoàng hậu thiên tuế” vang lên rầm rầm. Bọn sơn nữ lúc này được phép gỡ khăn, cùng trầm trồ cả lên ngắm dung nhan Dương Hoàng hậu. Cô bạn cắt cỏ hôm qua, nay đã lộng lẫy, kiêu sa một bà hoàng. Cô nào cũng xuýt xoa khen ngợi, pha lẫn thèm muốn và ghen tỵ.
Bất chợt, mùi hoa thơm man mác tỏa hương. Cả bọn sững sờ nhìn lên bầu trời, thấy ánh trăng bạc bồng bềnh trôi giữa làn mây trắng, nom đẹp như gương mặt Dương Hoàng hậu. Ngó sang bên tường rào đá, thấy mấy khóm hoa quỳnh đang hé nở. Những cánh hoa như đang run rẩy dưới ánh trăng và đèn đuốc. Mùi hương thơm dìu dịu lan tỏa, thu hút tâm can, khiến mọi người bàn tán xôn xao.
Nhìn thấy đám diễn xướng và bọn sơn nữ tự dưng phân tâm, bởi hương hoa đêm, mà bỏ quên mất mình, Dương Hoàng hậu bực tức, quát to:
– Hoa gì mà thơm và quyến rũ hơn cả ta, thế hử?
– Bẩm Hoàng hậu, vẫn là giống hoa quỳnh khi xưa, – viên Quản động Thung Lau vội thưa.
– Sao bỗng dưng nó dám phá cuộc chơi của ta? – Dương Hoàng hậu vẫn không kìm nổi cơn tức giận, bất đồ dâng lên cuồn cuộn trong lòng.
– Bẩm, từ xưa đến nay, hoa quỳnh vẫn thế, – viên Quản động vẫn nhẫn nại. – Cả thung này, toàn những hoa quỳnh là hoa quỳnh, đến thì lại nở như xưa. Nay đón Hoàng hậu thăm quê, chúng nở sớm hơn và thơm hơn đấy ạ.
Biết viên Quản động nói kháy, Dương Hoàng hậu quát to:
– Lính đâu? Nhổ hết đám huê tặc này cho ta! Ngay và mau!
Dân làng lè lưỡi sợ hãi, bấm nhau. Tại sao, một cô gái nết na xinh đẹp hôm xưa của núi rừng, thế mà một bước lên ngôi, bỗng dưng lại trái tính trái nết thế vầy? Bọn lính vội chia nhau lên rừng đốt đuốc nhổ hoa, chất thành đống, rồi xếp củi đốt. Lửa cháy, những cánh hoa tức tưởi cháy trong đêm. Buổi dạ tiệc tàn nhanh như đám mây trên trời. Đang đêm, Dương Hoàng hậu tức tốc ra lệnh hồi cung. Trước khi lên kiệu, Dương Hoàng hậu còn xuống lệnh cấm dân làng, từ nay không được trồng hoa quỳnh nữa. Dân làng sợ hãi, từ biệt hoa quỳnh, đến các giống hoa nở về đêm, như hoa bàu, hoa bìm cũng bị tiệt giống, đề phòng hậu họa.
Việc Dương Hoàng hậu ghen hoa tức nguyệt, quan quân không một ai dám tâu với Hoàng đế, nhưng bọn Lưu Cơ thì biết. Chúng biết cả, nhưng không dám nói, chỉ nghĩ thầm, người đâu mà ghen cả với hoa, ghen đến mức hủy diệt cả một loài hoa, thì từ xưa chưa thấy bao giờ. Chỉ e, cái tính tàn bạo của Hoàng thượng đang đắc chí, lại kết hợp với thói ngông cuồng của Hoàng hậu trẻ con, thì có ngày sẽ phá nát cơ nghiệp nhà Đinh. Thời hôn quân bạo chúa, thì kẻ sĩ không có chỗ dung thân. Lưu Cơ nghĩ phận mình, nghĩ đến Hoàng đế và anh em Tứ trụ, một thời nổi đình nổi đám đánh trống múa giáo, liệu còn trường tồn như khẩu hiệu tung hô “vạn tuế” nữa hay không?
Chương sáu
Nam Việt Vương Đinh Liễn
1.
Một ngày đẹp trời, nắng trong, gió mát, mưa lất phất vài hạt, tướng quân Đinh Điền cảm thấy trong lòng thư thái, bèn vào hoàng cung, bàn việc với Hoàng đế:
– Ấy như năm ngoái, Hoàng thượng đăng quang, năm nay lại cưới thêm Hoàng hậu nữa. Thực là toàn chuyện vui mừng hỉ hả…
Hoàng đế lấy làm lạ về cung cách của Điền, bèn hỏi lại:
– Có chuyện gì mà hoàng huynh cứ như chèo thuyền quanh co, lại không chịu cập bến vậy?
Điền cả cười:
– Thì cái lễ nghĩa triều đình, nó bắt phải khuôn phép thế, chứ thực tình là tôi muốn bàn với chú, chuyện thằng Liễn.
– Nó làm sao? – Hoàng đế giật mình, nhao người sang phía Điền, hỏi giật giọng.
– Nó đường đường là Hoàng tử, sao không lập Thái tử? – Điền thẳng ruột ngựa, hỏi, – trật nó thì còn ai nữa, mà chú gùn gắng?
– Thì tôi cũng đã nghĩ nát óc, – Hoàng đế thanh minh. – Nhưng các tướng sĩ khó nhọc gấp mấy, mới nên cơ đồ, lại chưa nói gì đến chức tước phẩm trật. Bởi vậy, nên chuyện thằng này cũng chưa vội gì. Cơm không ăn, gạo còn đấy!
– Lập nó làm Đông cung thái tử, chẳng tiện sao? – Điền nói áp sát, – đấy là cái chỗ kế ngôi vị của cho chú mai này. Ngõ hầu, cũng là để đông đàn dài lũ họ Đinh nhà ta.
– Hay là, anh em ta, gọi bọn Bặc, Tú, Cơ đến cùng bàn, – Hoàng đế vẫn gùn gắng, hoãn binh.
Điền cực chẳng đã, đành thuận theo. Một lúc, bọn chúng lục tục kéo vào hoàng cung. Hoàng đế mới nói lại câu chuyện như thế. Cả bọn lại hùa theo ý của Điền, nhưng Hoàng đế vẫn chần chừ. Lưu Cơ thấy vậy, bèn trịnh trọng nói:
– Tâu bệ hạ, hay là phong vương cho Liễn?
– Ừ, phải! – Hoàng đế mừng rỡ. – Nam Việt Vương Đinh Liễn, – Hoàng đế thốt lên, thay chiếu chỉ.
Nghe vậy, cả bọn đành thuận theo, chỉ có Điền vẫn chưa ngã ngũ, lẩm bẩm:
– Bảo lập Thái thử, lại đi phong vương. Có mỗi mụn con giai chứ mấy?
– À, mà còn chuyện này, – Bộ Lĩnh sực nhớ. – Hôm nọ, Đỗ Thích có bảo tôi, nên làm cái lăng ở núi Kỳ Lân, nơi phát tích ấy mà.
– Nó là cái thá gì mà dám lạm bàn chuyện lớn? – Điền đang bực sẵn trong lòng, nghe Hoàng đế nhắc đến Thích, bèn nói như quát.
– Thế thì bây giờ ta bàn. – Hoàng đế có ý bênh Thích, – mà nó có nói điều xằng bậy đâu?
– Nghĩ cũng phải, – Bặc nói. – Tính thế là phải, – việc này không chỉ của Hoàng đế, mà còn của cả triều đình. Ví bằng Hoàng đế khó nói, thì theo tôi, bảo Lưu Cơ xem ngày tháng tốt lành trình lên. Anh Tú quen việc thành quách, làm luôn. – Đoạn, quay sang Hoàng đế, cung kính nói, – tôi nói vậy được không? Bởi, tôi coi việc nhà bạn hữu cũng như việc nhà mình, nên mới nói thế, chứ đạo vua tôi thì không dám, lại bảo rế cao hơn nồi, phạm thượng.
– Ông với tôi như hai cánh tay, – Hoàng đế cảm động nói, – có chi mà câu nệ quá thế. Lúc nào cũng Hoàng thượng với lại Hoàng đế, nghe cách bức quá. Giá cứ như lúc ở Thung Lau, lại hóa hay…
– Việc này hệ trọng. – Cơ nói, – để tôi với bác Tú tính toán cụ thể, rồi trình lên.
2.
Bọn Phạm Phòng Át, Ngô Nhật Khánh thấy Đinh Liễn chỉ được phong vương, chứ không phải thái tử, cũng lấy làm lạ, bàn vụng với nhau:
– Thằng Liễn mà không được phong Thái tử là nghĩa làm sao? – Khánh hỏi.
– Chậc, – Hổ đáp. – Cơm không ăn thì gạo còn đấy. Chẳng vào tay nó thì vào tay ai? Các bà hoàng hậu kia, đều sinh con gái một lượt. Còn bà trẻ thì chưa thấy gì.
– Hay là, ông ấy có ý chờ? – Khánh buột miệng, – đàn bà năm mươi, còn đẻ được không?
Nghe Khánh ngây thơ hỏi vậy, cả hai cùng nghĩ đến Ngô bà. Hổ mỉm cười tinh quái, làm cho Khánh xấu hổ, đỏ cả mặt.
– Tôi hỏi là hỏi vậy thôi, – Khánh chữa thẹn.
– Đàn bà còn hành kinh là còn đẻ được. Ngô Hoàng hậu vẫn còn nhuận sắc lắm, – Hổ nói. – Nhưng nghe nói, thời nhà Hán, các cung phi phải hối lộ thái giám, mới đến lượt hầu vua cơ đấy.
Nghe vậy, Khánh càng đỏ mặt tía tai, chỉ còn biết cười trừ mà thôi.
Từ khi được Đinh Bộ lĩnh lấy làm vợ, rồi lập hoàng hậu, đã bấy năm mà chưa sinh hạ cho nhà Đinh một mụn con nào, khiến Ngô bà cũng cảm thấy sốt ruột. Nhưng đây là chuyện của trời. Trời cho ai thì mát mặt người ấy, nên không ai dám cả gan đi giục giã nhà trời bao giờ, chỉ có lòng thành cầu khẩn mà thôi.
Từ khi Hoàng đế lấy con bé họ Dương ấy, thì hầu như quên hẳn các bà và đám cung phi. Suốt ngày đêm, chỉ vui vầy với nó. Con ranh, mày cũng đáo để đào đê chứ chẳng chơi. Đến như hoa quỳnh mà còn ghen đến thế, huống chi người. Chỉ sợ, nó được Hoàng đế đêm ngày đầu gối tay ấp, lại buông lời dèm pha thì khốn. Dù sao, mình cũng có tuổi rồi, chứ còn thời vàng son như nó bây giờ, thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào?
Xem chừng, thằng Khánh muốn có em giai nữa, để củng cố vị thế, chứ cảnh chân nâng thế này, không may sinh biến, thì chẳng biết bấu víu vào đâu. Hoàng đế lấy mình, chẳng qua là để thu phục thằng Khánh. Mình mà có con giai với Hoàng đế, thì thằng khánh nhảy quớ lên cho mà xem? Làm sao mà với bố nó, mình cứ đẻ sòn sòn, bước qua đầu giường cũng chửa, thế mà đến lão mục đồng này, mãi vẫn chẳng thấy gì? Có lẽ, phải bảo thái y cắt cho chén thuốc xem sao? Chứ giồi phấn thoa son mãi cũng chẳng nước non gì…
3.
Từ ngày được phong làm Nam Việt Vương, Liễn mừng, nhưng cũng có ý không vui. Mừng, vì đã thành vua xứ Nam, dưới Hoàng đế, trên trăm quan; nhưng buồn, vì chưa được lập thái tử, tức là chưa có cơ nối ngôi hoàng đế.
Mười bốn năm trời, cả thời tuổi trẻ, ta phải đi làm con tin, để cho cha rảnh tay dựng cơ nghiệp, mới có ngày hôm nay. Rồi chính ta đi châu Ái, tuyển mộ mấy ngàn binh mã. Nhưng mấy ngày ấy cũng chưa sánh được với việc thu phục Lê Hoàn. Một tướng tài, bằng cả trăm vạn quân ấy chứ. Rồi ta đánh Cổ Loa, làm cho triều Ngô chạy bán sới, thì mới có Hoa Lư ở nơi đây… Thế mà, không hiểu tại làm sao, mà cha ta gùn gắng mãi? Bây giờ, hoàng hậu nào mà sinh ra con giai nữa là ta bấp bênh, tựa thuyền gặp sóng cả, khó cập bến bờ. Vua cha có gì không ưa ta? Khi xưa, bọn Văn, Ngập treo ta lên cành cây, thách quân Yên Thành bắn ra. Thế mà cha ta cứ hạ lệnh bắn, may mà không thọ tiễn. Nếu cha thương con, thì còn dâng thành bãi binh để cứu giọt máu của mình ấy chứ? Về sau, bác Bặc bảo, lệnh vờ thôi, để làm nản lòng bọn Cổ Loa ấy mà. Bác Bặc đã nói thế thì tin được, nhưng nếu vừa rồi, ta được phong thái tử, thì chẳng ngờ làm gì. Chính lúc đó, ta nghe cha khảng khái hô to: “Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?” Đang lơ lửng trên cây, ta nghe mà ù cả tai, chỉ còn thấy những mũi tên cắm phầm phập vào cành cây quanh mình. Về sau mới biết, là tên của bác Điền, bác Bặc bắn dọa. Hai bác ấy, bắn bách phát bách trúng, nên chừa mình ra cũng chẳng khó khăn gì. Nhưng, ôi giời, không may một mũi tên lạc lao vào, thì cũng rồi đời.
Năm nay là Kỷ Tỵ (969), ta lại được phong vương vào tháng năm nhuận thế vầy, liệu có bề gì không? Bên nhà Tống đã là năm Tống Khai bảo thứ hai rồi, sao cha ta chưa đặt niên hiệu, chưa phong chức tước cho các quan, cái gì cũng trù trừ là cớ làm sao?
4.
Thị sát núi Kỳ Lân, chuẩn bị cho việc dựng lăng phát tích nhà Đinh, Hoàng đế dẫn bọn cận thần, tâm phúc đi quanh chân núi.
– Dễ chừng ngày xưa, bể ăn vào tận đây? – Hoàng đế chỉ vết hõm thắt cổ bồng quanh chân núi, lấy làm đắc ý với sự khám phá, nói.
– Bẩm, cũng giống như hòn Non Nước, ngoài cửa sông Đáy vậy, – Cơ tán theo, – hẳn là nước bể mặn, gió lớn, sóng cả vỗ mạnh lâu đời mà thành, khiến quả núi khác nào mâm xôi của nhà giời ban tặng.
– Nước chảy đá mòn, – Đỗ Thích cũng đế theo.
– Núi này, là nơi phát tích nhà Đinh ta, – Hoàng đế ngửa mặt nhìn trời, ngắm núi, – ta nhớ công lao trăm tướng vạn lính đã vì công nghiệp của ta mà bỏ mạng nơi sa tràng. Đỗ Chi hậu có công cứu giá. Vậy, ta truyền đặt tên ngọn núi mé sau là Núi Đỗ Thích.
Thích vội quỳ sụp xuống lậy ta. Các tướng lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau, không nói câu nào.
Nhằm ngày lành tháng tốt, Hoàng đế cho người đi châu Ái bốc hài cốt bố là Thứ sử Đinh Công Trứ; lại sai một bọn sang kẻ Bo đưa hài cốt mẹ là Đàm Thị Diễn, về cùng an táng ở núi Kỳ Lân(2).
Bọn Tú tìm mua được hai chiếc bình quý, có từ thời Đường để chứa hài cốt, đặt vào huyệt Cát thiên, gọi là song mộ. Bên trên, sai lính chuyển tảng đá to như chiếc chiếu đại, mỗi chiều rộng bảy thước rưỡi, lại bày đặt nhiều thú quý tạc bằng đá để trấn yểm, rồi mới lấp đất lên. Trên nền ấy dựng bia. Bia đặt trong lăng. Tính từ huyệt song mộ lên đến mặt nền bia lăng, lấp dày một trượng.
– Muôn đời không lay chuyển nổi, – Tú xoa tay ngắm công trình, mãn nguyện nói.
– Từ đây, xuống đến chân núi, dễ chừng sáu, bảy trượng, – Hoàng đế lấy làm hài lòng, ức đoán.
– Đúng ra là bảy trượng, có tính toán cả, ông Cơ nhỉ? – Tú quay sang Cơ nói.
– Phải, sở dĩ gọi là huyệt Cát thiên, bởi cả quả núi này cũng được coi là lăng mộ. – Cơ khoát tay, nói, – Kỳ Lân Sơn quay đầu về đằng đông. Đứng dưới ruộng, nhìn từ đông nam, lăng như ngồi giữa ngai vàng…
– Thở hàn vi, ta vẫn ngồi chỗ này mà. – Hoàng đế hỉ hả, đoạn quay sang Bặc, hỏi, – phải không ông Bặc?
– Thuở ấy, thần cũng nghĩ là sẽ có ngày này, – Bặc lễ phép nói.
– Quả là người giời, xứng danh Hoàng đế, – Thích nói câu phỉnh nịnh.
– Lăng được đặt huyệt đất quý. – Cơ lại nói tiếp, – phương huyền vũ có núi Đỗ Thích.
– Tạ ơn Hoàng thượng! – Thích lại quỳ lạy.
Bặc, Tú cùng nhìn thấy cảnh ấy, mủm mỉm cười, quay đi.
– Phía bạch hổ có núi Long, núi Hổ, gọi là long chầu hổ phục, – Cơ chỉ dải núi đá chạy bên cánh đồng, say sưa nói.
– Này, ông Bặc? – Bộ Lĩnh chợt hỏi. – Xem ra chỗ chân núi Hổ cũng đẹp, nên chọn làm
nơi phát tích họ Nguyễn nhà ông.
Bặc cả sợ, vội quỳ xuống, giập đầu kêu lên:
– Thần cả đời theo hầu Hoàng thượng, dẫu có gan óc lầy đất cũng chưa thể báo đáp cho xuể, đâu dám phạm thượng.
Hoàng đế vội cúi xuống đỡ dậy, thì máu từ trán đã chảy đầm đìa mặt Bặc. Hoàng đế vội lấy tay áo lau sạch. Các tướng nhìn thấy, ai cũng rưng rưng lệ, riêng Thích lại có vẻ ngượng ngùng.
– Có gì mà câu nệ quá thế? – Hoàng đế ân cần nói, – ta với ông là bạn đồng tuế, đồng hương, lại cùng nằm gai nếm mật, mới có ngày nay. Lúc khó khăn, hoạn nạn ta có nhau, thì hiển vinh cùng hưởng, chẳng đúng đạo trời sao?
– Thần đã xem, chỗ ấy cũng là huyệt quý, tướng quân chớ chối từ mà phụ lòng Hoàng thượng. – Cơ cũng quay sang khuyên Bặc và chỉ tay nói, – kia thanh long là dãy đồi Độc Lập, như bầy voi chầu về. Chu tước là núi Ngũ Nhạc năm ngọn. Đằng sau là sông Đại Hoàng, nhờ phúc ấm trời đất mà được gọi Hoàng Long. Hoàng Long như quấn lấy chân núi Kỳ Lân, mang địa khí bồi bổ cho Long huyệt.
Cả bọn nghe vậy, ai cũng mừng thay.
Thích đốc thúc quân lính bày hương án cho Bộ Lĩnh tế trời đất, khấn thần sông núi, vong linh song thân. Vừa tế lễ xong, trời bỗng đổ trận mưa rào. Cơ hô lên như bắt được vàng:
– Cát tường!
Mưa ngợt, cầu vồng hiện lên lộng lẫy trên nền trời. Cả bọn thực mục sở thị, cùng cúi đầu lậy tạ. Bất chợt, một con dê ngũ sắc chạy từ núi Kỳ Lân, rồi lao xuống khe núi Đỗ Thích, cất tiếng kêu thảm thiết. Lưu Cơ đốc thúc quân lính đi tìm, nhưng tịnh không thấy dấu vết, nên ai cũng nghĩ mình bị hoa mắt mà thôi…
Hoàng đế ngồi kiệu rồng ra sông Hoàng Long, rồi ngự thuyền rồng về Hoa Lư. Phạm Cự Lạng cắt đặt quân lính trông coi lăng Kỳ Lân. Dân chúng các động kéo nhau về chiêm bái, hương khói ngày đêm không dứt.
5.
Từ khi được giao trông coi đám thị vệ, Phạm Cự Lạng thường bàn với Trịnh Tú, về việc sửa sang thành quách, nhất là thành nội, để bảo vệ hoàng cung chu toàn. Tú bảo, việc xây cất, tu sửa liên quan đến phong thủy, nên phải hỏi Lưu Cơ. Cơ lại nói, nhất nhất phải theo ý Hoàng đế, chứ không tùy tiện được đâu. Thế là việc nọ dắt dây sang việc kia, cuối cùng phải tâu lên Bộ Lĩnh để xin thánh chỉ, tựa hồ như cái sự lần tìm giềng mối vậy.
Hoàng đế nghe các tướng tâu bày, thấy đều có lý cả, bèn phán:
– Việc xây thành từ năm Tân Hợi (951) đã đặt nền móng, đến nay, vị chi ngót hai chục năm rồi. Cánh ta cũng mấy lần bàn bạc chuyện chỉnh trang. Vả lại, quân ta cũng từng công phá bao nhiêu thành trì của địch, mới dựng nên công nghiệp. Vậy, chẳng qua là xem xét bổ sung cho chu toàn mà thôi. Lưu tướng quân thử nói xem, các thành kia mạnh, yếu chỗ nào. Cái hay thì học, cái dở thì bỏ, ngõ hầu dựng thành Hoa Lư lưu truyền vạn đại.
Lưu Cơ bèn lấy địa đồ các thành ra, tâu:
– Thành Cổ Loa là xưa nhất, khi công thành, Nam Việt Vương đã tâu bày tỷ mỷ rồi, nay chỉ trưng lên để Hoàng thượng ngự lãm, cùng các tướng coi lại mà thôi.
Cả bọn trầm trồ khen thành ốc thời An Dương Vương, ba lớp thành ứng vào Hoa Lư cũng hợp. Cơ lại treo bản đồ thành Đại La, cầm cái tay tre như cần câu, vừa chỉ vừa nói:
– Đây là thành Đại La, thủ phủ Giao Châu. Cao Biền dựng từ thời Đường (năm 864).
– “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”, – Hoàng đế nói câu ca, vẻ diễu cợt.
– Phải, chính ông ta là bồ thủy cao tay, chuyên yểm huyệt phát vương xứ Nam. – Quay lại bản đồ vẽ trên tấm da dê, Cơ nói, – Đại La có chu vi hơn một nghìn chín trăm tám mươi trượng, cao hai trượng sáu thước, xung quanh có năm lâu môn, năm mươi nhăm địch lâu, sáu úng môn; trong thành có ba ngòi nước, ba mươi tư con đường, năm nghìn gian nhà…
– Ghê nhề! – Tú buột mồm kêu lên.
– Lại còn đắp đê bao quanh hơn hai nghìn trượng, cao một trượng năm thước.
– Kỳ vĩ! – đến lượt Hoàng đế thốt lên.
Cơ lại treo bản đồ thành Tam Giang của Kiều Công Hãn, thành Hồi Hồ của Kiều Công Thuận, thành Mè của Ma Xuân Trường, thành Cổ Hiền của Đỗ cảnh Thạc, thành Tây Phù Liệt của Nguyễn Siêu, thành Tam Đái của Nguyễn Khoan, thành Tiên Du của Nguyễn Thủ Tiệp, thành Siêu Loại của Lý Khuê, thành Tế Giang của Lã Đường, thành Bình Kiều của Ngô Xương Xí…
Cả bọn nhìn khắp lượt địa đồ các thành, nhớ lại một thời binh đao hào hùng, xôn xao bàn tán. Bộ Lĩnh bảo:
– Vậy, thành Hoa Lư cần tu bổ gì nào, ông Tú?
Trịnh Tú chọn lấy hai tấm bản đồ da dê về Cổ Loa và Hoa Lư treo lên để thuyết trình:
– Có gì ngắc ngứ, thì ông Cơ nói đỡ cho một câu nhá?
Nghe Tú thật thà nói vậy, cả bọn lại cười ầm lên.
– Hoàng thượng đã tin cẩn, giao cho ông khó nhọc bao nhiêu năm trường, thành còn thuộc hơn nhà mình ấy chứ, – Cơ nói câu động viên Tú.
Cả bọn lại cười, rất chi là vui vẻ.
– Hoa Lư ta vận theo kiểu thành Cổ Loa. Địa thế ta hẹp, nhưng lại dựa vào núi đá, nên vững hơn bội phần, – Tú vừa chỉ cả hai tấm bản đồ, vừa nói.
– Thế thì ta mới tạo ba lớp thành như thế. Nhưng đúng là ta hơn cái anh kia là ở như núi, còn sông quanh thành thì cũng từa tựa như nhau, nhề? – Hoàng đế vẻ tâm đắc.
– Bẩm, phải! – Tú rê ngón tay lướt trên tấm da dê mà nói, – thành Hoa Lư có ba mặt đông, tây, nam đều được sông núi bao bọc, khác gì lũy cao thành đá. Phía bắc, đông bắc tuy ít núi, nhưng lại có sông Hoàng Long, Sào Khê vây quanh như thể hào ngoài. Kẻ địch tấn công phải dùng thuyền bè, như cái đận Hậu Ngô năm Tân Hợi (951).
Nghe nhắc đến đận ấy, cả bọn đều nén tiếng thở dài, cúi mặt không dám nhìn nhau.
– Đấy là chưa kể xung quanh có sông Lạng, sông Bôi, sông Vạc, sông Đáy, – Tú vẫn thao thao bất tuyệt. – Ba bề bốn bên sông ngòi đổ ra cửa bể Non Nước, Thần Phù, – Tú khoát tay một vòng, để hoàng thượng và các tướng thấy địa thế kinh đô, nằm trong tổng thể đất nước.
– Mấy cái cửa bể kia phải phòng thủ cho chắc. – Hoàng đế nói, – phải để mắt tới bọn Bắc Tống và Chiêm Thành mới được. Nhưng biết thế thôi, nói gọn vào Hoa Lư xem nào?
Tú cuống lên, đưa mắt cầu cứu Lưu Cơ. Cơ bảo:
– Ý Hoàng thượng muốn xem thành quách, công trình phòng thủ ra sao mà thôi. Phải không ông Lạng?
– Phải, phải! – Lạng hồ hởi, – ý tôi cũng muốn cụ thể để cắt đặt quân lính canh gác cho chu toàn các trọng điểm, nhưng con mắt hạt đậu của hạ thần, không bao quát nổi, mới phiền đến Hoàng thượng và các tướng chỉ giáo cho luôn thể.
– Tưởng gì? – Tú cười hồn nhiên, chọc tay chỉ và thành Hoa Lư, – chu vi xung quanh, cả núi lẫn tường mới xây của kinh đô ta là hơn hai nghìn bốn trăm trượng, còn hơn cả Đại La. Đại La dùng sức người, còn ta được trời đất giúp.
Cả bọn lại cùng cười hể hả.
– Ta có mười ba đoạn thành xây đắp bằng gạch đá, nối liền các núi với nhau. Thành Đông là đây, còn gọi Thành Ngoại, thuộc hai làng Yên Thành, Yên Thượng, là chỗ ông Lạng cần để tâm nhất. Thành này có năm đoạn tường thành nối các núi, tạo thành một vòng khép kín. Đoạn từ núi Đầm nối sang núi Thanh Lâu, dài tám mươi trượng. Đoạn từ Thanh Lâu sang núi Cột Cờ ngót sáu chục trượng. Đoạn từ núi Cột Cờ sang núi Chẽ là bảy mươi lăm trượng. Từ núi Chẽ đến núi Chợ, cũng dài ngần ấy. Còn từ Mã Yên sang hang Quàn dài năm mươi trượng.
– Nghe lắm số má, lổn nhổn như ăn cơm gạo lật, phiên phiến đi thôi, – Điền gãi đầu gãi tai, vẻ sốt ruột.
Các tướng cười ầm lên. Hoàng đế thấy vậy, bảo:
– Nghe Hoàng huynh dạy cũng phải, tóm lại như búi tó thôi.
Tú lĩnh ý, bèn nói gọn lại:
– Thành Tây cũng rộng như Thành Đông, thuộc làng Chi Phong, cũng có năm đoạn. Đây, từ Hàm Sá đến Cánh Hàn, từ Cánh Hàn đến núi Hang Tó, đoạn núi Quèn Dót sang núi Mồng Mang gọi là tường Bồ, từ Mồng Mang sang núi Cổ Giải gọi là tường Bìm, còn đoạn này đắp ngang thành trong. Khu kia là Thành Nam, rộng gấp mấy, nằm phía này, đằng nam…
Hoàng đế vươn vai, đấm lưng, các tướng ý tứ nhìn nhau, tủm tỉm cười.
– Quân tuần phòng phải đi trên thành, rồi lại phải đóng trên núi, – Lạng chú mục dõi theo Tú, hỏi lại.
– Tha hồ, mặt thành rộng bảy thước, voi đi cũng được ấy chứ, – Tú cười nói. – Nhưng nhớ là có hai đoạn đắp trên núi, còn hơn chục đoạn đắp trên nền đất lầy đấy nhá.
– À, cái này thì ta biết, – Hoàng đế che miệng ngáp. – Ông Tú làm cẩn thận lắm đấy, nói dọa ông Lạng vậy thôi. Thành cao năm trượng, nhưng móng đã sâu năm thước rồi. Chỗ Ngòi Chẹm, thì móng lát gỗ bè cơ mà.
Tú nghe vậy như nở từng khúc ruột, nói:
– Cộng cả thảy, những sáu trăm trượng tường mới xây đắp đấy.
– Lúc ấy, cánh ta đang bên kẻ Bo, làm sao Hoàng thượng biết móng bè với móng mảng ở đây? – Điền hỏi độp một câu.
Các tướng sợ hãi nhìn hai anh em nhà vua, mà lo thay cho ông anh nuôi. May có Đỗ Thích lại “cứu giá” lần nữa:
– Thế mới gọi là Hoàng đế. Hoàng đế thì cái gì dưới gầm trời này mà chẳng biết?
Nghe vậy, ai nấy thở phào. Hoàng đế lái vào chuyện bảo vệ thành quách, bèn nhìn Lạng, ân cần nói:
– Phàm cái gì không nhìn tận mắt, nhưng tai nghe lời kẻ tâm phúc, thì cũng tương tự. Có khi, nhìn thấy mà cứ tưởng đã thấy, cũng chưa hẳn là phải. – Hoàng đế đưa mắt nhìn các tướng, có ý gợi chuyện, – khi xưa, ta nghe thầy học kể rằng, thuở hàn vi, Khổng Tử cùng các học trò đi thuyết lý, một bận qua làng nọ xin được đấu gạo, bèn nhờ bếp nổi lửa. Khổng Tử nằm trên nhà nhìn xuống bếp, thấy học trò mở nồi, bốc ăn. Khổng Tử có ý bực, chờ đến bữa mới bảo, ta xa mẹ đã lâu, nay có bát cơm muốn dâng cúng. Anh học trò vội nói, khi nãy, mở vung không may bị bồ hóng rơi vào, con đã bốc hết phần nhơ mà ăn rồi, nay xin thầy trừ đi cho. Không Tử giật mình, nghĩ bụng, không phải cứ nhìn tận mắt mà đã đúng đâu!
Nghe vậy, các tướng ồ lên, vẻ thán phục sự sâu sắc của Hoàng đế.
– Tướng Lạng phải để mắt tới hang Bìm là kho vũ khí, hang Trấu, với hang Chùa ở Trung Trữ, rồi thì làng La Mai là những nơi tích trữ lương, thảo, – Hoàng đế lại nói..
– Bẩm, thần đã cắt đặt canh gác nghiêm cẩn. Nhưng chú tâm vẫn là thành nội, hoàng cung… – Lạng chắp tay tâu trình.
– Ngục thất cũng phải canh chừng, không được lơ là những chỗ đặt vạc dầu, chuồng hổ, ao giải.
– Bẩm Hoàng thượng! – Lưu Cơ vội nói, – còn các nơi Thư nhi xã, Khố nhi xã là chỗ kho tàng tập trung, quân doanh, nhà cửa các tướng, rồi cổng thành phải nghiêm. Vừa rồi có sự náo động, cần chấn chỉnh.
– Phải, phải! – Hoàng đế cười cười, – kho tiền ở Chi Phong, bị trộm là mất tiêu, hang muối ở Ghềnh Tháp bị ướt là ăn nhạt. Phàm cái gì trong tay ông Lạng cũng quan trọng, kể cả ta nữa đấy! – Hoàng đế lại cười, nói câu bỗ bã.
– Thần tuân chỉ! – Lạng sợ hãi đập đầu xuống đất, Điền ngồi gần đó, nhanh tay đỡ dậy, – thần đã phối hợp cùng các tướng trong, ngoài đặt các trạm gác ở Cửa Đông, Núi Đầm, Am Tiên, Ao Giải, Áng Ngũ, Quèn Ổi, Quán Vinh, Dũng Đương Sơn, Côn Lĩnh, Đa Giá, Non Nước… Bọn lính canh, khi động dụng vào ban ngày thì đánh trống, ban đêm thì đốt lửa làm hiệu. Còn hoàng cung thì con kiến cũng không lọt. Đấy là cái chỗ đội mũ của thần.
Thấy Lạng mẫn cán như vậy, các tướng đều mừng. Hoàng đế đưa mắt nhìn Bặc, vẻ hài lòng, bởi đã chọn đúng người.
– Còn việc hệ trọng, – Bặc nói. – Phải luôn để mắt tới cột cờ, không được đổ, trục xe không được gãy.
– Phàm mấy thứ ấy, – Hoàng đế nghiêm giọng nói, – cũ là thay ngay, phải xem như mũ áo hằng ngày. Kẻ nào sơ suất, thì đã có vạc dầu, chuồng hổ, ao giải.
Cả bọn nghe vậy, ai nấy đều sợ hãi một phép.
VŨ XUÂN TỬU
(Còn tiếp)
____________
(1) nay thuộc xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
(2) nay thuộc thôn Hoài Lai, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
XEM THÊM:
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 1
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 2
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 3
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 4
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 5
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 6
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 7
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 8
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 9
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 10